Tổng quan tài liệu Nho giáo và Nho học ở viện nghiên cứu Hán Nôm

Vietsciences-Nguyễn Xuân Diện              18/04/2010

 

Những bài cùng tác giả

1. Mở đầu

1.1. Chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nho giáo của các học giả danh tiếng, được xuất bản trong suốt thế kỷ XX, trong đó nhiều vấn đề của Nho giáo và Nho học được nhìn nhận và đi vào xu hướng tổng kết. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, tài liệu về Nho học và Nho giáo Việt Nam viết bằng chữ Hán Nôm chưa từng được thống kê, miêu tả và chưa từng được khai thác, dịch thuật một cách có hệ thống. Và do vậy dẫn đến chưa sử dụng một cách có hiệu quả kho sách này trong việc đánh giá các giá trị của Nho giáo và Nho học trong quá khứ cũng như những ảnh hưởng trong hiện tại.

Trong các cứ liệu về Nho giáo và Nho học thì các tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm là quan trọng bậc nhất, vì chúng được biên soạn ngay trong thời kỳ Nho giáo còn thịnh, và là các cứ liệu trực tiếp nhất về Nho giáo và Nho học trong lịch sử.

1.2. Vấn đề biên soạn thư mục tổng hợp về Nho học và Nho giáo cũng đã từng được chú ý. Vào năm 1973, một bản thư mục như vậy đã được hoàn thành tại Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội, dưới hình thức in rô-nê-ô. Trong thư mục này đề cập đến 4 mảng tài liệu: tài liệu tiếng Việt (53 tên tài liệu), tài liệu bằng tiếng Pháp (63 tên tài liệu), tài liệu bằng tiếng Nhật (14 tên tài liệu), tài liệu bằng chữ Hán Nôm (82 tên tài liệu). Đây chỉ là các tài liệu về Nho học và Nho giáo tại Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội, và các tài liệu được lựa chọn thì theo một tiêu chí hẹp.

Trong bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu , Nxb. KHXH, H. 1993, phần Sách dẫn có mục Nho giáo, cho biết có 147 tên tài liệu về Nho giáo.

Trong cuốn sách Bản sắc văn hóa Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 1998, GS. Phan Ngọc cũng dựa trên những bảng tra cứu, sách dẫn trong bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu , kết hợp với các thống kê mới do ông thực hiện, để bàn về vai trò của giới trí thức trong văn hóa Việt Nam. Kết quả là GS. Phan Ngọc, đã phân tích và cung cấp nhiều thông tin bổ ích và những tổng kết về di sản Hán Nôm nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Nhận thức được ý nghĩa của một bản thư mục Hán Nôm về Nho giáo và Nho học chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo Phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, biên soạn một bản thư mục, đề xuất này đã được ủng hộ và tạo điều kiện để triển khai.

Bài viết dựa trên bản thư mục nói trên(1), phạm vi tài liệu trong bài viết và thư mục của chúng tôi là chỉ đề cập đến các tài liệu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã được miêu tả trong sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu và nêu lên những nhận xét bước đầu về vấn đề này.

2. Thống kê các tác phẩm về Nho giáo và Nho học tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu trữ một khối lượng tài liệu Hán Nôm lớn nhất Việt Nam; trong đó, theo thống kê có thể là chưa đầy đủ của chúng tôi có 1.689 tên tài liệu về Nho giáo và Nho học. Chúng tôi chia các tài liệu này thành 2 nhóm như sau:

2.1. Tài liệu kinh điển Nho gia, (81 tên tài liệu)

Đây là tài liệu gốc và trực tiếp để nghiên cứu về Nho học và Nho giáo Việt Nam trong lịch sử. Sự xuất hiện của các tài liệu này tại Việt Nam là một vấn đề đáng được nghiên cứu, trong đó có một số gợi ý đi sâu như: Tác phẩm kinh điển Nho học vào Việt Nam đầu tiên là tác phẩm nào ? Tác phẩm kinh điển đến Việt Nam bằng con đường nào ? Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam thì thời gian nào, triều đại nào xuất hiện nhiều tác phẩm Nho giáo nhất và lý do vì sao ? Người xưa đã bàn về kinh điển hoặc tóm tắt kinh điển như thế nào ?

Về kinh điển nho gia có 81 tên tài liệu, trong số này:

- Về Tứ thư : 14 tên tài liệu; Về Ngũ kinh : 19 tên tài liệu,

- Tóm tắt kinh điển (toát yếu, tiết yếu): 15 tên tài liệu,

- Chú giải kinh điển: 15 tên tài liệu,

- Bản dịch kinh điển sang quốc âm (chữ Nôm): 25 tên tài liệu,

- Bình giải về kinh điển: 9 tên tài liệu,

- Bàn về kinh điển dưới dạng văn sách: 150 tên tài liệu.

Về mảng tài liệu này chúng ta thấy có các tác gia nổi tiếng trong thế kỷ XVIII như Ngô Thì Nhậm (Xuân thu quản kiến), Lê Quý Đôn (Tứ thư ước giải), Phạm Nguyễn Du (Luận ngữ ngu án),... bàn luận rất sâu về tư tưởng Nho giáo và các khía cạnh có liên quan.

2.2. Tài liệu phản ánh ảnh hưởng của Nho giáo và Nho học tại Việt Nam

Vấn đề này có đến 1.608 tên tài liệu, bao quát nhiều lĩnh vực trong đời sống quá khứ như: văn học, giáo dục, đạo đức, luật pháp, chế độ, sử học, lễ nghi. Dưới đây sẽ đề cập đến từng lĩnh vực nêu trên.

- Văn học Nho giáo (1.246 tên tài liệu)

Văn học Nho giáo là một nền văn học do các trí thức Nho giáo sáng tác, dựa trên tư tưởng và thẩm mỹ theo quan điểm của Nho giáo. Đây là các tác phẩm văn học được viết bằng nhiều thể loại khác nhau, trong số các tác giả có những tên tuổi lớn được ghi nhận trong nền văn học Việt Nam như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Tự Đức, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh...

Trong phần này, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến thơ vịnh sử - một loại đề tài rất phổ biến trong văn học trung đại, được gợi ra từ cảm hứng lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với một tác phẩm sử biên niên hay một tác phẩm sử học trong đó tính biên niên, tính nghiêm cẩn của sử bút được đề cao lên hàng đầu, thơ vịnh sử đánh giá và bình luận về một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử nào đó bằng hình tượng văn học và ngôn ngữ thi ca. Qua đó tác giả rút ra những bài học, coi như một tấm gương soi và gửi gắm quan điểm nhân sinh của mình. Sự chọn lựa nhân vật hay sự kiện lịch sử nào không hoàn toàn tùy thuộc vào tầm vóc của nhân vật hoặc sự kiện mà tuỳ thuộc vào cảm hứng rất riêng của người viết. Đây là tài liệu rất hữu ích cho việc nghiên cứu về văn học và tư tưởng của Việt Nam trong quá khứ.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu trữ 112 tài liệu thơ vịnh sử. Cuốn sách tập hợp được nhiều tác phẩm thơ vịnh sử nhất là Vịnh sử hợp tập (1 bản viết tay, 246 trang, VHv1785). Sách này do Dương Thúc Hiệp đề tựa năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái (1902), chép đến 900 bài thơ vịnh sử Trung Quốc của các tác giả Việt Nam Phạm Vĩ Khiêm, Nguyễn Đức Đạt, Dương Thúc Hiệp... Xếp sau Vịnh sử hợp tập về số lượng bài thơ là Vịnh sử thi tập (6 bản in, 252 trang, gồm các bản: VHv.1456, VHv.1782, VHv.1783, VHv.2268, VHv.2269, VHv.800/2). Bộ sách có 570 bài thơ vịnh 225 nhân vật lịch sử Trung Quốc. Trong khi đó có các tác giả như Đặng Minh Khiêm (với Thoát Hiên vịnh sử thi tập, Hà Nhiệm Đại (với Khiếu vịnh thi tập ), Tự Đức (với Ngự chế Việt sử tổng vịnh) lại lấy đề tài từ sử Việt Nam.

- Giáo dục và Khoa cử Nho giáo (537 tên tài liệu)

Chọn người tài vào bộ máy hành chính thông qua các cuộc thi về học vấn là một hình thức phổ biến ở Trung Quốc và các nước Đông Á chịu ảnh hưởng Nho giáo. Hệ thống khoa cử để cho tất cả mọi người đều có cơ hội thể hiện tài năng và trình độ học vấn là một trong những ưu việt của các nước này, đã từng được đánh giá và ca ngợi. Tuy nhiên, lối học từ chương, sáo rỗng và khuôn mẫu đã làm cản trở sự phát triển khoa học tự nhiên và kỹ thuật ở các nước này trong quá khứ.

Thống kê cho thấy có đến 439 tên tài liệu về khoa cử. Trong số này có đến 332 tên tài liệu là tập hợp các bài văn mẫu làm tài liệu tham khảo cho những người học thi; chỉ có 1 cuốn nói về hệ thống bài thi và 30 cuốn đề cập đến phép thi, quy chế thi cử. Sách giáo khoa chỉ có 22 cuốn, chủ yếu là những sách do Ban Tu thư ở Huế biên soạn để dạy học trò theo lối mới vào đầu thế kỷ XX, theo chủ trương của Dương Lâm, Đoàn Triển, Bùi Hướng Thành, Đỗ Văn Tâm.

Trong suốt thời kỳ khoa cử Nho giáo, những người đi thi, đều có khát vọng được ghi danh trên bảng vàng bia đá, lưu mãi tiếng thơm, đều có khát vọng cống hiến cho triều đình và đất nước. Tên tuổi, quê quán của những người đỗ đạt trong các cuộc thi Nho giáo được chép trong loại tài liệu gọi là Đăng khoa lục (sách cho các thông tin về những người thi đỗ). Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm có lưu trữ 78 tên tài liệu (có tên gồm nhiều cuốn). Trong đó có 38 cuốn đã được sử dụng để biên soạn cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 -1919, Ngô Đức Thọ chủ biên, Nhà xuất bản Văn học năm 1993, với các thông tin chủ yếu nhất về các nhà trí thức Nho học Việt Nam đã trúng tuyển trong các kỳ thi đại khoa (tức thi Hội và thi Đình) do triều đình tổ chức.

Liên quan đến giáo dục Nho giáo, còn phải kể đến các tài liệu về Văn Miếu, là những thiết chế văn hóa phục vụ cho việc tôn vinh Đức Khổng Tử - vị “Vạn Thế Sư Biểu” của Nho giáo, và Quốc Tử giám là nơi đào tạo những người con ưu tú có triển vọng về học vấn. Thống kê cho biết có 20 tài liệu nói về văn miếu, bao gồm cả Văn miếu Hà Nội, Văn miếu Huế và văn miếu các tỉnh; có 9 tài liệu nói về Quốc Tử giám Hà Nội và Huế.

- Đạo đức Nho giáo (134 tên tài liệu)

Đạo đức Nho giáo cũng là một vấn đề có vị trí nổi bật trong thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Và theo thống kê thì Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ 134 tài liệu về vấn đề này. Các tài liệu loại này gồm: 1. Chuyện các nhà hiền triết nhân từ, các danh nho khí tiết, chuyện những người hiếu thảo, 2. Đạo đức của người làm quan, 3. Các sách về gia đình truyền thống v.v....

Trong mảng tài liệu về đạo đức Nho giáo, chúng tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề gia đình truyền thống mà GS. Trần Đình Hượu đã từng có những nghiên cứu và có những tổng kết rất bổ ích và quan trọng.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có 61 tên tài liệu về gia đình truyền thống, đấy là chưa kể đến 264 cuốn gia phả của các dòng họ. Trong số tài liệu trên có tới 51 tên tài liệu về gia huấn.

Về gia huấn, trên Tạp chí Hán Nôm số 3 (28) - 1996, tác giả Lê Thu Hương đã thông báo có khoảng 34 tên tài liệu. Bản gia huấn có niên đại sớm nhất mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ là Cùng đạt gia huấn (VHv.286). Đây là một bản viết tay, có niên đại 1733, do Hồ Phi Tích soạn. Cuốn này chép những bài học kinh nghiệm trong cuộc đời của ông, dạy con cháu trong nhà giữ gìn nền nếp, biết cần kiệm, cẩn thận, khiêm tốn, tránh kiêu căng, xa xỉ, đắm chìm trong chuyện rượu chè... Nói chung, sách gia huấn nêu ra những chuẩn mực ứng xử trong gia đình như cha con, vợ chồng, anh em, hoặc mở rộng ra trong mối quan hệ xã hội (quan hệ láng giềng, bạn bè). Một số bản còn đề cập đến giáo dục giới tính cho con trai, con gái (Hành tham quan gia huấn, Nữ huấn tam tự thư, Xuân Đình gia huấn). Riêng về Nữ huấn có 10 tên tài liệu.

- Luật pháp (40 tên tài liệu)

Sau khi giành được độc lập, nhà nước phong kiến Việt Nam đã chú ý ngay đến việc xây dựng hệ thống luật pháp. Theo ghi nhận của sử sách và các bộ văn tịch chí thì ngay từ thời Lý (thế kỷ XI), Việt Nam đã có Hình thư, và thời Trần (thế kỷ XIII) có Hình luật thư. Về sau chúng ta còn biết tới các bộ luật khác được biên soạn như: Thiên Nam dư hạ tập, Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức), Quốc triều chiếu lệnh thiện chính thư, Quốc triều khám tụng điều lệ soạn dưới triều Lê (thế kỷ XV); Hồng Đức thiện chính thư soạn dưới triều Mạc (thế kỷ XVI); Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) soạn dưới triều Nguyễn (thế kỷ XIX). Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu trữ 40 tên tài liệu có liên quan đến luật pháp Việt Nam thời phong kiến, trong đó có hai bộ Luật Hồng ĐứcLuật Gia Long.

Việt Nam không có bộ luật nào viết bằng chữ Nôm, nhưng hiện biết có 4 cuốn (AB.321; VNv.123/1-3; VNv.98/1-2-4) là bản diễn Nôm một số bộ luật, nhằm mục đích phổ biến luật pháp trong dân chúng được soạn dưới thời Nguyễn.

- Chế độ cai trị (151 tên tài liệu)

Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, các triều đại phong kiến ở Việt Nam đều cai trị đất nước theo chế độ được quy định bởi Nho giáo. Tài liệu được xếp vào mục này bao gồm: 1. Các văn bản hành chính trao đổi giữa vua và các quan lại; 2. Cách tổ chức bộ máy chính quyền, quan chế các đời; 3. Các quy định về khen thưởng và kỷ luật. Nghiên cứu nhóm tài liệu này chúng ta sẽ thấy các vương triều đã quản lý và điều hành đất nước như thế nào, và nếu có sự so sánh với các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản thì chúng ta có thể rút ra được nhiều nhận xét bổ ích.

- Tài liệu sử học (22 tên tài liệu)

Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ rất nhiều tài liệu về lịch sử, bao gồm cả chính sử, dã sử, dật sử...Tuy nhiên trong thư mục của chúng tôi chỉ đưa vào thư mục 22 tên tài liệu. Đây là các tài liệu mà trong đó trình bày rõ quan điểm viết sử, làm sử của các sử gia phong kiến: 1. Cách tiếp cận các nguồn sử liệu (sử Việt Nam, sử Trung Quốc, dã sử, truyền thuyết); 2. Cách trình bày sự kiện (chọn sự kiện và đưa vào chính văn hay đưa xuống phần phụ chép); 3. Những nhận xét, bình luận, đánh giá về các sự kiện và nhân vật lịch sử.

- Điển lễ và Lễ nghi nho giáo (120 tên tài liệu)

Nhóm tài liệu này đề cập đến các điển lễ và lễ nghi Nho giáo do nhà nước quy định chính thức hoặc có chính thống, gồm: 1. Nghi lễ triều đình và hoàng tộc (lễ mừng thọ, đăng quang, tấn phong, lễ ban kim sách, ngân sách trong hoàng tộc); 2. Tế lễ thần linh, tiên liệt và trời đất (tế Nam Giao, tế Thái Miếu, tế Cung miếu - dưới thời các chúa Trịnh, để tế các tiên liệt của chúa Trịnh, tế Văn Miếu), thể lệ sắc phong cho bách thần; 3. Thể lệ sắc phong cho các quan chức có công lao và dân chúng.

Các tài liệu thuộc điển lễ và lễ nghi Nho giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử các triều đại, như: văn chương hành chính mang tính quan phương, sự thay đổi về điển lễ qua các đời, các nghi thức nghi lễ diễn ra ở triều đình, sự tưởng thưởng của nhà nước đối với người có công lao, việc bổ nhiệm các quan chức, ghi nhận của nhà nước với bách thần...

3. Triển vọng của việc khai thác nguồn tài liệu Nho giáo và Nho học

3.1. Đánh giá về trữ lượng và giá trị

Như vậy, theo thống kê của chúng tôi, tài liệu Nho giáo và Nho học chiếm tỷ lệ rất lớn trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm: 1.689 tên tài liệu/5.038 tên tài liệu trong toàn bộ kho sách. Trong số này, nhiều nhất là tài liệu về văn học Nho giáo: 1.246/ 1.689 tên tài liệu, tiếp theo là số tài liệu về Giáo dục Nho giáo: 537/ 1.689 tên tài liệu.

Rõ ràng là Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ một khối lượng thông tin rất phong phú, đa dạng và quan trọng về Nho giáo và Nho học. Chúng phản ánh một cách rõ nét nhất độ khúc xạ của Nho giáo và Nho học tại Việt Nam, thể hiện trên nhiều bình diện: tư tưởng, triết học, văn học, đạo đức, luật pháp; và do vậy là cơ sở để nghiên cứu so sánh Nho giáo và Nho học giữa Việt Nam với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản trong quá khứ.

3.2. Vấn đề khai thác, nghiên cứu, biên dịch các tài liệu này trong thời gian qua

Có thể nói, việc khai thác, nghiên cứu, biên dịch các tài liệu Hán Nôm ở Việt Nam được đẩy mạnh bắt đầu kể từ khi chữ Quốc ngữ dần dần chiếm vị trí ưu thế. Chữ Hán chữ Nôm dần trở nên khó hiểu đối với đông đảo nhân dân. Đầu thế kỷ XX, một số lượng di sản Hán Nôm đã được dịch ra chữ Quốc ngữ; các bản dịch và bài nghiên cứu đã được đăng tải trên các sách, báo như: Tri tân, Nam phong, Thanh nghị v.v.

Bài Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX, của PGS. Trần Nghĩa (Xin xem: Nhìn lại Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. KHXH, H. 2003, tr.57-71), cho chúng ta các thống kê sau:

“Trong thế kỷ XX, có khoảng 1347 tác phẩm dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm đã được công bố, trong đó: Văn chiếm 579 tác phẩm; Sử chiếm 332 tác phẩm; Triết chiếm 87 tác phẩm; Giáo dục chiếm 58 tác phẩm; Y chiếm 62 tác phẩm; Địa chiếm 55 tác phẩm; Tổng hợp chiếm 174 tác phẩm” (trang 65). PGS. Trần Nghĩa còn cho biết: “Lượng sách được công bố so với lượng sách chưa khai thác, chiếm tỷ lệ như sau:

Văn khai thác được 579/ 2500, tức chiếm 23,16 % trữ lượng. Sử khai thác được 332/ 1000, tức chiếm 33,20 % trữ lượng. Triết khai thác được 87/ 600, tức chiếm 14,50 % trữ lượng. Giáo dục khai thác được 58/ 450, tức chiếm 12,50 % trữ lượng. Y khai thác được 62/ 300, tức chiếm 21 % trữ lượng. Địa khai thác được 55/300, tức chiếm 18,33 % trữ lượng” (trang 66).

Xin lưu ý đây là thống kê mang tính tổng quát về toàn bộ kho sách Hán Nôm, và hiện tại chúng ta vẫn chưa có thống kê riêng về tình hình dịch thuật và biên khảo tài liệu thuộc Nho học và Nho giáo.

Thống kê của chúng tôi cũng đã chú ý đến khía cạnh này nhưng do còn chưa tập hợp được đầy đủ dữ liệu nên chưa công bố ở đây.

4. Kết luận

4.1. Trong bối cảnh và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, các dân tộc đều trong quá trình phát hiện lại những giá trị văn hóa và tinh thần của mình để làm tài sản đóng góp vào kho tàng di sản nhân loại. Những di sản này vừa khẳng định tính thống nhất của văn hóa nhân loại, vừa nói lên tính đa dạng và vẻ đẹp phong phú của văn hóa các dân tộc sống trên thế giới. Trong ý nghĩa như vậy, di sản Hán Nôm là một bộ phận cấu thành của di sản tinh thần của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Thư tịch Hán Nôm đã có một đời sống riêng trong dòng chảy bất tận của văn hóa Việt Nam, trở thành thông điệp trao chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, với cốt cách, giọng điệu, mang đậm nét tâm thế của căn cước Việt Nam.

4.2. Dòng chảy văn hóa Việt Nam vẫn thao thiết chảy từ ngàn xưa đến nay, nhưng dòng thư tịch Hán Nôm thì đã dừng lại từ một trăm năm trước và thay bằng thư tịch chữ quốc ngữ tiếng Việt. Tiếp cận, nghiên cứu, giải mã những thông điệp của cha ông trong kho di sản Hán Nôm là một việc trở nên cấp thiết hiện nay. Đó là cách tốt nhất không để cho sự đứt đoạn về văn tự kéo theo sự đứt đoạn truyền thống. Để làm tốt công việc này, trước hết là phải tiến hành công việc kiểm kê vốn di sản này (cả ở trong và ngoài nước), làm cơ sở cho việc lập ra kế hoạch khai thác, dịch thuật trong tương lai, cũng như để quản lý một cách có hiệu quả kho di sản này.

Với ý nghĩa đó, bản thư mục và bài viết của chúng tôi là một cố gắng ban đầu, góp vào nỗ lực chung của tất cả chúng ta. Chúng tôi vẫn hy vọng trong thời gian gần nhất, sẽ có một bộ thư mục đầy đủ nhất, khoa học nhất và tiện ích nhất về Nho giáo và Nho học được biên soạn, làm công cụ cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này. Để làm được việc đó, chúng tôi cho rằng phải có sự cộng tác của các chuyên gia các lĩnh vực khác nhau, sự hợp tác của bạn bè quốc tế tại các cơ quan nghiên cứu, lưu trữ trên khắp thế giới, sự giúp đỡ về tài chính và phương tiện kỹ thuật của các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài Việt Nam.

4.3. Tài liệu về Nho giáo và Nho học đã là một di sản tinh thần của cha ông chúng ta để lại, việc nghiên cứu toàn diện về di sản này sẽ cho chúng ta những kinh nghiệm từ lịch sử, cũng như các biện pháp rất cụ thể trong việc phát huy tinh hoa Nho giáo và Nho học trong xã hội hiện đại hôm nay.

N.X.D

CHÚ THÍCH:

(1) Trước khi biên soạn thư mục, chúng tôi đã tham khảo ý kiến một số học giả về vấn đề này: ý kiến của ông Mai Quốc Liên trên tờ Hồn Việt số 1, tham vấn trực tiếp ý kiến của ông Đinh Thanh Hiếu (Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội), ông Trần Đoàn Lâm (Nhà xuất bản Thế Giới), ông Trần Nghĩa, ông Ngô Đức Thọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Nhân đây chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:

1. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Ba tập, Nxb. KHXH. H, 1993.

2. Nhìn lại Hán Nôm học thế kỷ XX. Nxb. KHXH, H. 2003.

3. Bản sắc văn hóa Việt Nam. Phan Ngọc. Nxb. VH - TT. H. 1998.

4. Viện Nghiên cứu Hán Nôm 30 năm xây dựng và phát triển, H. 2000.

5. Tạp chí Hán Nôm 100 bài tuyển chọn. Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản. H. 2000.

6. Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên. Nxb. Văn học, H. 1993.

7. Bùi Duy Tân: Khảo luận một số thể loại tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt       Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, H. 2004.

       8. Cùng các bài trên các tạp chí: Hồn Việt, Hán Nôm, Nghiên cứu Lịch sử, ...

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Xuân Diện