Tiền tham nhũng: Của Cesar phải trả về cho Cesar

Vietsciences- Hiệu Minh                  19/12/2009

 

Theo World Bank (WB) và Liên hợp quốc (UN) ước tính, hàng năm có khoảng từ 20 đến 40 tỷ đô la bị ăn cắp do tham nhũng từ các nước đang phát triển. Số tiền khổng lồ đó gấp đôi nhu cầu của chính các nước này để tồn tại trong khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ cần thu hồi 1% số tiền đó (200 triệu USD) cũng đủ tiêm chủng cho 8 triệu trẻ sơ sinh, hay nửa triệu người nghèo có nước sạch dùng cho cả năm, hoặc chữa chạy cho 1.2 triệu người nhiễm HIV.

Rất đáng tiếc, tiền của các ông lớn cho các nước nghèo vay, do tham nhũng, có thể quay về nơi xuất phát. Một trong những thiên đường "rửa tiền" là các ngân hàng tên tuổi. Người ta nhắc nhiều đến hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ nổi tiếng bảo mật cho khách hàng.

Nhưng sáng kiến StAR (Stolen Asset Recovery - thu hồi tài sản bị đánh cắp) của UN và WB, với sự cam kết của các nước giầu, những tài khoản bí mật kia có cơ bị khui ra.

Hội thảo quốc tế về StAR, tổ chức tại Doha (Qatar) cuối tháng 11-2009, đã gửi một thông điệp mạnh mẽ. Các nhà lãnh đạo G20 gặp nhau tại Pittsburgh hồi tháng 9/2009 cũng tỏ rõ quyết tâm về chống "ăn cắp" tầm toàn cầu.

Ăn cắp đã tệ hại, nhưng ăn cắp của người nghèo không thể chấp nhận được. StAR cho rằng, các nước giầu và nghèo phải hợp tác chặt chẽ để chống tham nhũng, đảm bảo tài sản bất minh dù giấu ở đâu cũng phải theo nguyên tắc "của Cesar phải trả về cho Cesar".

Giám đốc điều hành UNODC đã nói rõ "Các quốc gia được đánh giá bởi hành động chứ không phải lời hứa". Vài năm một lần, các báo cáo quốc tế sẽ được đưa ra công khai về các động thái của từng nước.

Như vậy, lấy tiền tham nhũng gửi vào ngân hàng nước ngoài như Thụy Sỹ không còn là nơi an toàn. Dù trước đó, Thụy Sỹ là thiên đường của mọi loại tiền gửi từ thời SS đến các chế độ độc tài sau này.

Ai gửi tài khoản bên Geneve số tiền "hoa hồng" hàng chục triệu đô la sau vụ Securency của Úc đang điều tra thì cũng nên xem lại mã két của mình. Số tiền hàng chục tỷ kia lẽ ra đưa vào phát triển đất nước nghèo đói thì lại chui vào túi các quan tham. Dù chục năm sau, StAR có thể tìm ra và trả về, quốc gia đã trả một giá quá lớn vì không thể phát triển.

Lợi bất cập hại, kẻ tham cũng trắng tay, có thể bị đưa ra tòa. Chúng ta mừng khi biết tin, hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) vừa kết thúc tại Hà Nội cam kết trợ giúp hơn 8 tỷ đôla trong năm 2010.

Thực chất đây là tiền đi vay để phát triển. Có vay có trả. Đời con cháu sẽ mang món nợ tới 40-50% tổng GDP. Như vậy, mỗi đồng làm ra, cháu chắt phải bỏ 5 hào để trả nợ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự CG cũng đã cam kết coi việc chống tham nhũng như "một trong những công việc khẩn cấp của Chính phủ."

Đương nhiên, cam kết chính trị ở cấp cao rất quan trọng. Nhưng cấp thiết hơn cả là việc đưa vào thực tiễn. Ai có thể yên lòng khi biết "có những vụ việc to bằng con voi nhưng lại xử bằng con kiến". Hay "tham nhũng trở thành hệ thống và nguyên nhân là do khe hở "sở hữu toàn dân", cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả, xử lý chưa nghiêm...", như nhận định của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo "Phòng chống tham nhũng" vừa qua tại TP.HCM.

Mấy hôm nay độc giả lại sửng sốt vì tin các quan lớn bên Bộ Tài chính, SCIC với lương năm hàng tỷ. Các tập đoàn anh cả khác cũng có xu hướng tương tự.

Có lẽ lời phát biểu của Đại sứ Thụy Điển, ông Rolf Bergman, nói khá đủ về giải pháp "Trong cuộc chiến chống tham nhũng, để đạt được thành công cần có sự nỗ lực của tất cả mọi người dân. Chỉ có những luật lệ và quy định tốt là chưa đủ. Muốn thành công cần  phải có sự kết hợp tham gia của Đảng, Chính phủ, xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và từng người dân trong xã hội."

Nước Thụy Điển của ông thuộc vào loại sạch nhất thế giới, đứng hàng thứ 3. Việt Nam có chỉ số tham nhũng đứng thứ 120 trong 180 nước (số liệu năm 2009).

Thu nhập bình quân đầu người (GDP nominal) của Thụy Điển là 37,333USD. Việt Nam vừa vượt ngưỡng 1,000USD năm nay. Lời khuyên của vị ngoại giao chuyên nghiệp nên được lắng nghe một cách nghiêm túc.

Cửa vào câu lạc bộ các quốc gia thu nhập trung bình đã mở cho Việt Nam. Nhưng để vượt qua trung bình còn một quãng đường dài. Tại các nước nghèo, nghe tin tiền tỷ đô la được vay to vật vã như "con voi", nhưng ai cũng sợ, đến phần dân được hưởng bằng "con kiến", giống như các cuộc xử lý tham nhũng ở những nơi mà pháp luật nằm trong tay kẻ mạnh.

Vài chục năm nữa, đợi đến lúc StAR thu hồi hộ thì mấy tỷ thành chục tỷ đô la, do lãi mẹ đẻ lãi con trong khi đất nước không phát triển, nên "vốn âm".

Mất vì tham nhũng là mất rất lớn. Người bị mất cắp è cổ trả nợ, kẻ ăn cắp trắng tay và quốc gia điêu đứng. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói, "quốc nạn tham nhũng có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ".

Đợi StAR ra tay, đôi khi lại quá muộn. Có lẽ ta nên nhớ, phòng bệnh hơn chữa.

 

http://www.tuanvietnam.net/2009-12-13-tien-tham-nhung-cua-cesar-phai-tra-ve-cho-cesar

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org