(TuanVietNam) - Chỉ có khởi
động được ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc làm chỗ dựa vững chắc cho
những giải pháp ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế
về chính nghĩa của Việt Nam mới có thể tìm ra giải pháp cho những “lưỡi
bò”, “lưỡi rắn” hiện nay!
Trung Quốc đã đệ trình công hàm gửi ông Tổng thư ký LHQ
để phản đối Việt Nam nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa của mình
cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ theo công ước của Luật biển
1982.
Đường “lưỡi bò”
chữ U hay đứt đoạn đều là cách gọi khác nhau để chỉ
yêu sách lạ đời của TQ đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào
bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei,
Philippines.
“Lưỡi bò” này từng thè ra từ thời Tưởng Giới Thạch năm 1947, sau đó
nhiều lần thè ra thụt vào, nhưng đây là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm
qua TQ chính thức đưa ra yêu sách về đường “lưỡi bò” đứt đoạn này để
vơ trọn phần lớn vùng biển giữa các nước Đông Nam Á.
 |
Đường “lưỡi bò” chữ
U hay đứt đoạn (màu đỏ) là cách gọi khác nhau để
chỉ yêu sách lạ đời của TQ đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ
sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia,
Malaysia, Brunei, Philippines. |
Về yêu sách ngang ngược không có giá trị pháp
lý quốc tế và đi ngược với xu thế chung của khu vực đã có nhiều học giả lên
tiếng, ở đây chỉ gợi lên một liên tưởng dân gian về một chuyện tiếu lâm hiện
đại.
Có một chú học trò lú lẫn, do không thông
hiểu nội dung bài học, cứ tự tiện cắt đứt đoạn của câu định nghĩa về loài
rắn và rồi cứ thế gào thật to “rắn là một loài bò”, “rắn là một
loài bò”, “sát mặt đất”, “sát mặt đất…”. Cái lối đọc “đứt
đoạn” này đã gắn kết một cách oan uổng loài bò hiền lành nổi tiếng
ngu dại với loài rắn hiểm độc khéo ẩn mình để bất thần tấn công đối
thủ.
Nhân đây, xin kiến nghị gọi Biển Đông là “Biển Đông Nam Á” thì chính
xác hơn, vì với Việt Nam thì biển này ở phía đông, nhưng với Philippines thì
biển ở phía tây, còn với Malaysia và Indonesia thì biển này ở phía bắc.
Lợi ích dân tộc là một chân lý vĩnh hằng mà
mọi quốc gia, dân tộc đều theo đuổi, chuyện này dễ hiểu. Chỉ có điều, trong
thời đại của hội nhập toàn cầu để cùng phát triển, thì việc theo đuổi luật
rừng mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết xem ra đã lỗi thời. Mỗi quốc
gia dân tộc đều tự biết phải làm gì trước những yêu sách để dân tộc mình tồn
tại, đất nước mình phát triển.
Trong vị thế địa-chính trị ngặt nghèo của một bán đảo nằm trên ngả tư giao
lộ quốc tế trên đường biển, đầu cầu nối liền với các nước Đông Nam Á, ông
cha ta đã nhận thức rất rõ “có cứng mới đứng đầu gió” nên đã coi
trọng hun đúc, rèn luyện khí phách cho con em mình.
Truyền thuyết Thánh Gióng là một ví dụ tiêu biểu. Còn nằm trong nôi, em bé
nước Việt đã phải nghe tiếng vó ngựa xâm lược. Chú phải lớn thật nhanh để
kịp đánh giặc cứu làng, cứu nước. Roi sắt, kiếm sắt gãy, nhưng những bụi tre
thì trên đất nước ta trùng trùng, điệp điệp có thể dùng làm vũ khí diệt
giặc.
Tâm thế người Việt vẫn sâu thẵm niềm tin rằng lốt chân ngựa Thánh Gióng còn
in trên cánh đồng Quế Võ-Băc Ninh hiện nay trên hình hài những ao, chuôm!
Biến truyền thuyết thành lịch sử, hay lịch sử
thăng hoa trong truyền thuyết? Chỉ biết rằng, người Việt Nam bao đời, ông bà
dạy cháu, cha mẹ truyền cho con hình tượng Thánh Gióng. Và rồi sức mạnh
Thánh Gióng thể hiện trong khí phách Trần Bình Trọng “Ta thà làm Quỷ nước Nam
còn hơn làm Vương đất Bắc”, trong lời răn dạy của Trần Hưng Đạo :
“Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ
mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe
nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm”, là sự khởi động lòng căm thù
quân giặc trong lời Nguyễn Trãi: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết
tội, dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sách mùi. Lẽ nào trời đất dung
tha, ai bảo thần nhân chịu được”.
Bằng khí phách ấy, bản lĩnh ấy, ông cha ta đã đập tan mọi cuộc xâm lăng của
kẻ thù luôn lớn hơn mình gấp bội, kiên cường chống trả mọi thủ đoạn thâm
hiểm và xảo trá, biết nhu, biết cương để tồn tại và phát triển.
Trong mọi tình huống, ý chí “sóng cả không ngả tay chèo” khiến cho có
những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được nhưng rồi vẫn tìm ra được
những giải pháp khi khởi động được sức mạnh của toàn dân.
Trong những ngày lịch sử này, cần nhớ đến bài học của Cách mạng Tháng Tám:
khơi dậy tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam, làm cho nó
“kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự
nguy hiểm khó khăn” như Bác Hồ từng đòi hỏi.
Vào thời điểm nhạy cảm này càng phải thấy cho ra đòi hỏi ấy chính là
sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, đã làm nên sức sống Việt
Nam. Cũng chính vì thế, trong những lời cuối cùng Bác dặn lại trong
Di chúc cũng là “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn
dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Cũng chính vì lẽ ấy Đảng cộng sản Việt Nam đã được nhân dân tin cậy giao phó
trách nhiệm lãnh đạo đất nước, và cũng chính vì biết dựa vào nhân dân và
phát huy sức mạnh của dân tộc mà Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hoàn
thành sự nghiệp giành độc lập và thống nhất đất nước.
Chỉ có khởi động được ý chí và sức mạnh của
toàn dân tộc làm chỗ dựa vững chắc cho những giải pháp ngoại giao và tranh
thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế về chính nghĩa của Việt Nam mới có thể
tìm ra giải pháp cho những “lưỡi bò”, “lưỡi rắn” hiện nay!
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7772/index.aspx
|