Những bài cùng tác giả
Mở đầu cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, cụ Đào
Duy Anh viết: “Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không mẩu đất
nào là không có dấu vết thảm đảm kinh dinh của tổ tiên ta để
giành quyền sống với vạn vật; suốt một dải Trung Việt vào đến
trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại
sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng
cho tương lai”. Thật ngắn gọn, thật súc tích, vị học giả cao
kiến đã đúc kết chặt chẽ và cực kỳ chính xác hai chặng đường lớn
mấy thiên niên kỷ của dân tộc; và chỉ bằng mấy chữ cô đọng, chỉ
ra không thể rõ hơn nữa đặc điểm cơ bản của mỗi chặng, có ý
nghĩa không chỉ để nhìn nhận quá khứ, mà còn để suy nghĩ về hôm
nay và ngày mai – những suy nghĩ, lạ thay, dường như đang càng
ngày càng trở nên nóng bỏng, cấp thiết hơn.
Chặng thứ nhất, tổ tiên ta, từ những rừng
núi chật hẹp phía Bắc và Tây Bắc, quyết chí lao xuống chiếm lĩnh
hai vùng châu thổ lớn sông Hồng và sông Mã, mênh mông và vô cùng
hoang vu, toàn bùn lầy chưa kịp sánh đặc, “thảm đảm kinh dinh để
giành quyền sống với vạn vật” – mấy chữ mới thống thiết làm sao
– hơn một nghìn năm vật lộn dai dẳng giành giật với sóng nước,
với bùn lầy, với bão tố, với thuồng luồng, cá sấu … để từng
ngày, từng đêm, từng giờ, vắt khô từng tấc đất, cắm xuống đấy
một cây vẹt, một cây mắm, rồi một cây đước, ngày này qua ngày
khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, trăm năm
này qua trăm năm khác, khi đất đã được vắt khô, được rửa mặn và
ứng đặc, cắm xuống đấy một cây tạo bóng mát, rồi một cây ăn quả,
một cây lúa, một mảnh lúa, rồi một đồng lúa …, tạo nên chỗ đứng
chân cho từng con người, từng đôi lứa, từng gia đình, rồi từng
cộng đồng, từng xóm mạc, từng làng, từng tổng, từng huyện,… cho
đến toàn dân tộc, toàn xã hội, lập nên nửa phần là gốc cội của
giang sơn ta ngày nay. Và hẳn còn phải nói thêm điều này nữa,
cuộc thảm đạm kinh dinh vật lộn với thiên nhiên ấy lại còn phải
cộng thêm cuộc vật lộn cũng dai dẳng, quyết liệt, không hề kém
can trường và thông minh, để sáng tạo, định hình và gìn giữ một
bản sắc Việt riêng giữa trăm Việt, là một Việt độc đáo và đặc
sắc, không bị hòa tan bởi một thế lực hung hãn, khổng lồ, luôn
muốn xóa bỏ và hòa tan tất cả…
Hơn một thiên niên kỷ thiết lập và trụ vững, tạo nên nền tảng
vững bền, để bước sang chặng thứ hai.
Chặng thứ hai, như cụ Đào Duy Anh đã đúc kết
cũng thật ngắn gọn và chính xác, “gian nan tiến thủ để mở rộng
hy vọng cho tương lai”.
Trên gốc cội ấy rồi, đi về đâu? Chỉ còn một con đường duy
nhất: Về Nam.
Có lẽ cũng phải nói rõ điều này: trước hết, khi đã đứng chân
được trên châu thổ sông Hồng sông Mã rồi, kháng cự vô cùng dũng
cảm và thông minh suốt một nghìn năm để vẫn là một Việt đặc sắc
không gì đồng hóa được rồi, thì mối uy hiếp bị thôn tính đến từ
phương bắc vẫn thường xuyên và mãi mãi thường trực. Không nối
dài được giang sơn cho đến tận Cà Mau và Hà Tiên thì không thể
nào Bắc cự. Ở bước đường chiến lược này của dân tộc có cả hai
khía cạnh đều hết sức trọng yếu. Khía cạnh thứ nhất: phải tạo
được một hậu phương thật sâu thì mới đủ sức và đủ thế linh hoạt
để kháng cự với mưu đồ thôn tính thường trực kia. Lịch sử suốt
từ Đinh, Lê, Lý, Trần và cả cuộc chiến tuyệt vời của Nguyễn Huệ
đã chứng minh càng về sau càng rõ điều đó. Chỉ xin nhắc lại một
sự kiện nghe có thể lạ: chỉ vừa chấm dứt được 1.000 năm Bắc
thuộc bằng trận đại thắng của Ngô Quyền, thì Lê Hoàn đã có trận
đánh sâu về phương Nam đến tận Indrapura tức Đồng Dương, Nam
sông Thu Bồn của Quảng Nam. Đủ biết cha ông ta đã tính toán sớm
và sâu về vai trò của phương Nam trong thế trận tất yếu phải
đứng vững lâu dài của dân tộc trước phương Bắc như thế nào.
Khía cạnh thứ hai vừa gắn chặt với khía cạnh thứ nhất, vừa là
một “bước tiến thủ” mới “mở rộng hy vọng cho tương lai”, như
cách nói sâu sắc của cụ Đào Duy Anh. Bởi có một triết lý thấu
suốt: chỉ có thể giữ bằng cách mở, giữ để mà mở, mở để mà giữ.
Phải mở rộng hy vọng cho tương lai thì mới có thể tồn tại. Tồn
tại bao giờ cũng có nghĩa là phát triển. Đi về Nam là phát
triển. Là mở.
Không chỉ mở đất đai. Càng quan trọng hơn nhiều là mở tầm
nhìn. Có thể nói, suốt một thiên niên kỷ trước, do cuộc thảm đảm
kinh dinh để giành giật sự sống với vạn vật còn quá vật vã gian
nan, mà người Việt chủ yếu mới cắm cúi nhìn xuống đất, giành
thêm được một một mẩu đất là thêm được một mẩu sống còn. Bây giờ
đã khác. Đã có 1000 năm lịch sử để chuẩn bị, đã có thời gian và
vô số thử thách để tạo được một bản lĩnh, đã có trước mặt một
không gian thoáng đãng để không chỉ nhìn xa mãi về Nam, mà là
nhìn ra bốn hướng. Nhìn ra biển. Phát hiện ra biển, biển một bên
và ta một bên, mà lâu nay ta chưa có thể toàn tâm chú ý đến. Hay
thay và cũng tuyệt thay, đi về Nam, người Việt lại cũng đồng
thời nhìn ra biển, nhận ra biển, nhận ra không gian sống mới,
không gian sinh tồn và phát triển mới mênh mông của mình.

Hôm nay tôi được ban tổ chức tọa đàm giao cho đề tài có tên
là “nỗi niềm Biển Đông”. Tôi xin nói rằng chính bằng việc đi về
Nam, trên con đường đi ngày càng xa về Nam mà trong tâm tình
Việt đã có được nỗi niềm biển, nổi niềm Biển Đông. Cũng không
phải ngẫu nhiên mà từ đó, nghĩa là từ đầu thiên niên kỷ thứ hai,
với nỗi niềm biển ngày càng thấm sâu trong máu Việt, cha ông ta,
người dân Việt, và các Nhà nước Việt liên tục, đã rất sớm khẳng
định chủ quyền Việt Nam trên các hải đảo và thềm lục địa của
chúng ta, như các vị phát biểu trước tôi từ nhiều góc độ khác
nhau đã khẳng định một cách thật thuyết phục.
Đi về Nam, chúng ta có một may mắn lịch sử rất lớn: tiếp nhận
không gian Champa, chúng ta đã tiếp nhận được rất nhiều của
truyền thống và văn hóa Chàm, và cả trước đó nữa, truyền thống
và văn hóa Sa Huỳnh. Thậm chí cũng có thể nói, tiếp nhận Champa
– sau này cả vùng sông nước Cửu Long rộng giàu – người Việt,
quốc gia Việt, đã tự nhân đôi được mình lên, không chỉ về lãnh
thổ, mà cả về tính cách, về bản lĩnh, về sức sống và sức phát
triển. Champa là một quốc gia biển. Thế giới của chúng ta đã
được tạo hóa “thu xếp” một cách tuyệt vời: Biển ngăn cách, nhưng
biển cũng là nối liền và chủ yếu là nối liền. Từ rất xa xưa, qua
biển lớn, những đoàn thuyền buôn Champa đã từng giong buồm đến
những vùng rất xa xôi, không chỉ ở Đông Nam Á, Nam Á, mà cả
Trung Đông, Địa Trung Hải, tới cả thế giới A Rập; và cũng đã
tiếp nhận thuyền bè đến từ khắp thế giới rộng mở ấy. Hẳn Champa
đã tiếp nối và phát triển một truyền thống xa hơn của cư dân văn
hóa Sa Huỳnh. Và người Việt đi vào Nam đã nối tiếp truyền thống
này. Nếu ở miền Bắc, người đi ra biển trước đây chỉ biết biết
dùng những chiếc mảng thô sơ ghép bằng nhiều cây tre, thì đi vào
Nam người Việt đã rất nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật đóng và sử
dụng ghe bầu lớn của người Chàm để đi biển xa (thậm chí, như
chúng ta biết, trong trận đánh Thăng Long năm 1789, Nguyễn Huệ
đã sử dụng tượng binh gồm voi Bình Định và Gia Lai được chở ra
bằng ghe bầu lớn). Nếu ở phía Bắc, ẩm thực nước chấm chủ yếu
dùng tương, thì đi vào Nam người Việt đã học được văn hóa nước
mắm của người Chàm, là cách chế biến cá hay nhất, hiệu quả nhất
…
Chính trên cơ sở tư duy mới rộng mở ấy, đặc biệt trong thời
các chúa Nguyễn, tầm nhìn ra biển đã đưa đến một chuyển biến vô
cùng quan trọng, thậm chí có thể coi là một bước ngoặt có tính
quyết định trong lịch sử Việt Nam: biết nhìn ra biển lớn, tức
cũng là biết nhìn ra toàn thế giới – điều mà ngày nay ta gọi là
một “tư duy về toàn cầu hóa” – Thời các chúa Nguyễn ở Đàng
Trong, tức miền Nam đất nước, đã tạo ra được một thay đổi cơ bản
về cơ cấu kinh tế, chuyển từ kinh tế thuần nông truyền thống
sang cơ cầu kinh tế lấy thương nghiệp làm chính, trong đó ngoại
thương giữ vai trò trọng yếu. Nhà nghiên cứu lịch sử Cao Tự
Thanh đã có nhận định chính xác và sắc sảo: chính cơ cấu kinh tế
mới này đã tạo nên điều mà ông gọi là một “động lực lịch sử” kỳ
lạ và kỳ diệu, khiến nếu từ Đèo Ngang đến đèo Ải Vân cha ông ta
đã phải đi mất 600 năm, thì từ đèo Ải Vân đến Hà Tiên ta chỉ
phải mất có 200 năm, mà lại chỉ đi bằng lưỡi phạng chứ không
phải lưỡi kiếm …
Vậy quả thật nỗi niềm biển là nỗi niềm lớn của dân tộc, của
mỗi người Việt, nó liên quan mật thiết đến số phận dân tộc, sự
tồn vong và phát triển của dân tộc.
Cũng không thể không nói rằng, khi thời các chúa Nguyễn suy
tàn, đến thời các vua Nguyễn, thì chính sự phai nhạt tư duy mạnh
mẽ về biển, chính sách đóng cửa, là một trong những nguyên nhân
quan trọng nhất đưa đến mất nước.
Bài học: không có tư duy biển, không có tư duy rõ ràng, mạnh
mẽ về Biển Đông trực tiếp của ta, phai nhạt nổi niềm ấy là nguy
cơ dân tộc.
***

Như chúng ta biết, năm 1949 Ấn Độ thoát khỏi ách thuộc địa
của đế quốc Anh. Có độc lập rồi, chọn con đường phát triển nào
đây? Mâhâtma Gandhi, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Ấn, cũng là bậc
hiền triết lớn của nhân loại, lúc bấy giờ có đặt ra một câu hỏi,
hóa ra sẽ là câu hỏi lớn và lâu dài của thế giới và của từng dân
tộc. Ông nói: Nước Anh chỉ là một đảo quốc nhỏ, dân số ít, vì
sao đã trở thành một đế quốc giàu có, lớn mạnh đến vậy? Ấy là vì
nước Anh đã tiêu xài hết một nửa tài nguyên của trái đất. Vậy
bây giờ nếu Ấn Độ với quy mô và dân số khổng lồ như thế này,
cũng chọn con đường phát triển như nước Anh, thì liệu phải có
bao nhiêu trái đất mới đủ? …
Đúng 60 năm qua từ câu hỏi hiền minh mà cháy bỏng của thánh
Gandhi, ngày nay các khoa học đã có thể tính toán và trả lời
chính xác: Ấn Độ sẽ cần có 5 trái đất chỉ để riêng cho mình nếu
đi theo con đường phát triển mà nước Anh đã đi.
Chúng ta chỉ có một trái đất. Tiêu xài tài nguyên của tạo hóa
ban cho trên trái đất duy nhất này như thế nào đây là vấn đề
sống còn của nhân loại.
Chắc chắn mỗi chúng ta đều biết có một đất nước còn khổng lồ
hơn cả Ấn Độ đang lao vào cuộc chạy đua ghê gớm để tiến lên đoạt
vị trí hàng đầu thế giới. Và đang đi theo con đường của Anh, ráo
riết làm chủ tài nguyên khắp thế giới cho tham vọng của mình,
thậm chí, như chúng ta có thể thấy, đang và sẽ tiêu xài tặng vật
của tạo hóa một cách dữ dội, hoang dã hơn nhiều so với các đế
quốc trước. Tôi nghĩ cần nói rõ rằng quả thật có một hiểm họa
toàn cầu đang hình thành.
Nói về nỗi niềm biển, nổi niềm Biển Đông, tất không thể không
suy nghĩ về điều đó. Biển là tài nguyên, biển cũng là giao thông
huyết mạch để vận chuyển tài nguyên. Biển Đông, trong đó có phần
chủ quyền thiêng liêng của chúng ta, được truyền lại từ bao
nghìn năm “thảm đạm kinh dinh” và “gian nan tiến thủ” của cha
ông, đang đứng trước thách thức về cả mặt tài nguyên lẫn đường
giao thương tài nguyên ấy. Nỗi niềm Biển Đông của chúng ta, mỗi
chúng ta, trước hết là nhận thức cho rõ ràng, thống thiết, quyết
liệt về thách thức đó. Và từ đó, hành động.
Kinh nghiệm lịch sử xa và gần cho thấy trong cuộc đấu tranh
này cũng vẫn phải là huy động và phát huy cho được hai lực lượng
đồng bộ: sức mạnh của nhân dân – như hàng ngàn ngư dân Quảng
Ngãi vẫn đang kiên cường ra khơi bất chấp hành động cướp biển
của ai kia, và hàng vạn ngư dân Nam Bắc cứ hiên ngang ra khơi.
Không ai đánh bại được hàng vạn người ra khơi hòa bình trên biển
ngàn đời của mình. Cả nước phải cùng đứng sau lưng những ngư dân
anh hùng ấy. Họ đang ở tuyến đầu hôm nay.
Mặt khác nhất quyết đa phương về Biển Đông. Chúng ta đã thắng
trong chiến tranh vừa qua vì biết đa phương, biết huy động sức
mạnh của nhân dân toàn thế giới bằng chính nghĩa của chúng ta.
Cuộc đấu tranh mới này cũng vậy. Không thể thắng một mình.
Nỗi niềm Biển Đông là tâm huyết, và cả sự thông minh nữa, đều
vì sự sống còn và phát triển của dân tộc.
NN
Bauxitevn.info
|