Các luận điểm của giả thuyết Ly Khuê là ông nội của Lý Công Uẩn

Vietsciences-  Trần Viết Điền        25/03/2012

 

  • Những bài cùng tác giả
  • Những bài cùng đề tài

    Từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, đất nước ta bước vào thời loạn, xen giữa nhà Ngô nhà Đinh, kéo dài hơn 20 năm (944-968), tồi tệ nhất là giai đoạn (966-968) với thập nhị sứ quân và kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt. Chính sử ghi chép quá ít về thân sử của các vị sứ quân. Còn thân sử vị sứ quân Lý Khuê, hùng trưởng của vùng Siêu Loại (Thuận Thành) Bắc Ninh, lại càng không  rõ ràng. Năm 2010, chúng tôi mạnh dạn hình thành một giả thuyết  táo bạo; rằng sứ quân Lý Khuê là ông nội của Lý Công Uẩn trong tình hình tư liệu lịch sử về Lý Khuê quá hiếm. Tất nhiên, tính đến nay giả thuyết vẫn còn giả thuyết, suốt năm 2010 chúng tôi chưa tiếp cận  một tư liệu lịch sử nào giúp cho giả thuyết  tăng  sức thuyết phục. Tuy nhiên, gần đây qua một số tư liệu mới, được các nhà nghiên cứu phát hiện và công bố, chúng tôi xử lý những thông tin rút được từ những tư liệu ấy thì thấy  giả thuyết của chúng tôi  có khả năng kiểm chứng được. Với chiều suy nghĩ ấy, chúng tôi tiếp tục gia cố những luận điểm của giả thuyết công tác và xin trình bày trong bài nghiên cứu này.

    Chúng tôi xin tóm tắt các luận điểm của giả thuyết sứ quân Lý Khuê là ông nội của Lý Công Uẩn và thảo luận từng luận điểm, có bổ sung những chi tiết rút ra từ những thông tin mới như sau:

    Luận điểm 1: Có một tộc họ Lý lâu đời vùng Diên Uẩn,  địa bàn cư trú phía đông Cổ Loa, bắc sông Đuống, nam sông Cầu, luôn kỳ vọng độc lập dân tộc Việt và chấn hưng Phật giáo Giao Châu.

    Thời Bắc thuộc chỉ một số quan thứ sử, thái thú… họ Lý người Trung Quốc được cử sang  Giao Châu, còn đại bộ phận  cư dân họ Lý bản địa, quần tụ với mật độ cao ở phía đông, phía tây  thành Cổ Loa, tả ngạn  sông Đuống, hữu ngạn sông Cầu, tức ở châu  Diên Uẩn (sau đổi thành châu Cổ Pháp).Một bộ phận  họ Lý quần tụ ở tây và tây nam Cổ Loa.  Họ Lý Diên Uẩn (Cổ Pháp)  thuộc hàng thế gia vọng tộc, có mưu đồ độc lập cho nước Việt, chấn hưng Phật giáo. Xa đời thì có  Lý Nam Đế ( 503548), ông tên thật là Lý Bí, Lý Bôn, người làng Thái Bình, phủ Long Hưng (khoảng Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, Hà Nội),  là vị hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 541 đến 547. Lý Nam Đế đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi được quân đô hộ phương Bắc, rồi xưng là Nam Đế (vua nước Nam), đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Thành Long Biên xưa còn dấu tích  tại xã Hoà Long huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Hoà Long,thành phố Bắc Ninh và qua ảnh vệ tinh thấy rõ dấu tích một dạng thành cổ. Khi Lý Nam Đế bị bại, Triệu Quang Phục tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại nhà Lương thắng lợi, nước ta lại độc lập và Triệu Quang Phục trở thành Triệu Việt Vương (548-570) đóng đô ở Long Biên sau chuyển qua Vũ Ninh. Nhưng rồi Triệu Việt Vương lại bị Lý Phật Tử bức hại với bài bản mà Triệu Đà từng hại An Dương Vương. Lý Phật Tử giành ngôi, trị vì từ 571 đến 602, sử gọi là Hậu Lý Nam Đế của nhà Tiền Lý. Hậu Lý Nam Đế đóng đô ở Phong Châu, giao thành Long Biên cho cháu Lý Đại Quang (con của Lý Thiên Bảo) trấn giữ, giao thành Ô Diên cho Lý Phổ Đỉnh quản lý. Trong hậu bán thế kỷ VI, nước ta độc lập với  hai triều vua Tiền Lý, xen giữa có Triệu Việt Vương, nên người họ Lý được ưu đãi, chẳng hạn các hộ người họ Lý chỉ đóng nửa thuế so với người họ khác và tất nhiên nhiều người họ Lý nắm các nguồn lợi kinh tế ở Giao Châu, có uy vọng với quần chúng.

    Ảnh chụp vệ tinh vùng có dấu tích thành Long Biên, nơi Lý Nam đế đóng đô

    Như thế đến thế kỷ VI họ Lý Lĩnh Nam đã trở thành một họ lớn có uy vọng ở Giao Châu, người họ này có thế lực chính trị, kinh tế, thậm chí quân sự. Dẫu bị Bắc thuộc trở lại, họ Lý không còn làm vua nhưng thế lực kinh tế chính trị của họ Lý vẫn còn lớn, cho nên khoảng 130 năm, tính từ Lý Phật Tử, bốn năm đời con cháu họ Lý Lĩnh Nam thường có lệ chỉ đóng nửa thuế.Khi Bắc thuộc trở lại, các thứ sử Giao Châu của Tùy, Đường muốn vỗ yên Giao Châu, “lấy lòng” họ Lý nên giữ  lệ cũ là chỉ thu nửa thuế đối với người họ Lý . Khi Đô hộ Lưu Diên Hựu thay đổi lệ cũ, họ Lý Lĩnh Nam bất mãn, âm mưu khởi nghĩa. ĐVSKTT chép: “ Đinh Hợi, [687], (Đường Trung Tông Triết, Tự Thánh năm thứ 4). Mùa thu, tháng 7, các hộ người Lý ở Lĩnh Nam theo như lệ cũ nộp nửa thuế, Đô Hộ Lưu Diên Hựu bắt phải nộp cả. Các hộ người Lý mới oán giận, mưu làm loạn. Lý Tự Tiên làm chủ mưu, Diên Hựu giết đi. Dư đảng là bọn Đinh Kiến họp quân vây phủ thành. Trong thành binh ít không chống nổi, đóng cửa thành cố giữ để đợi quân cứu viện. Đại tộc ở Quảng Châu là Phùng Tử Do muốn lập công, đóng quân không đến cứu, Kiến giết Hựu. Sau Tư  mã Quế Châu là Tào Trực Tĩnh đánh giết được Kiến” (s đ d, tr. 189). Sau biến cố  này, con cháu Lý Tự Tiên và Đinh Kiến phải mai danh ẩn tích, có người phải vào chùa làm sư. Người họ Lý Giao Châu, chủ yếu là họ Lý Diên Uẩn,  vẫn bí mật tìm cách thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Đơn cử  sư Định Không ( 720-808), người họ Lý,  đệ tử của sư Pháp Hiền, có ước vọng họ Lý vùng Diên Uẩn ( Cổ Pháp) sẽ làm vua, nghĩa là nước Việt độc lập và vua Lý sẽ chấn hưng Phật Giáo.Những chùa cổ nổi tiếng ở Bắc Ninh thường được khai sơn  trong khoảng thời gian từ thời Lý Nam Đế đến hết thời Ngô và phần lớn có sự đóng góp công sức của họ Lý châu Diên Uẩn. Năm 2011, giáo sư Nguyễn Việt trong bài “Khám phá dòng họ Lý từ khởi nguồn đến Lý Công Uẩn” về cơ bản “đồng quan điểm” của chúng tôi, khi viết: “Chúng ta cần nhấn mạnh vai trò họ Lý thời bắc thuộc, bởi trong thời kỳ này có nhiều danh nhân họ Lý là sợi dây gìn giữ và phát triển bản chất cát cứ, độc lập của Giao Chỉ và cuối cùng đã góp phần tạo lập vương Triều Lý, nền tảng Đại Việt vững vàng với kinh đô ngàn năm Thăng Long. Thống kê danh sách hàng ngũ quan lại hàng đầu đã cai trị Giao Châu trong thời bắc thuộc (Thứ sử, Thái thú, Đô Úy, Tiết độ sứ…) có thể nhận thấy trung bình mỗi thế kỷ xuất hiện vài ba người họ Lý, trong đó có những thứ sử họ Lý đã từng chủ chương cát cứ độc lập. Tiêu biểu nhất là cuộc nổi dậy của Lý Bí lập nước Vạn Xuân giữa thế kỷ 6. Điều đó chứng tỏ họ Lý ở Giao Châu chẳng những tiếp tục tồn tại và phát triển, hình thành một nhóm tộc hùng mạnh ở vùng đất Tây Vu, Phong Khê, Long Biên cũ mà còn mở rộng ra nhiều địa bàn của Giao Châu”.

    Luận điểm 2: Lớp trí thức tam giáo trong đó trí thức Phật giáo làm nòng cốt, tu học ở các ngôi chùa lớn ở Bắc Ninh,  đã làm một cuộc vận động chính trị tư tưỏng ở Giao Châu trong thế kỷ VIII, IX  nhằm đưa người họ Lý lên ngôi vua, thoát ách Bắc thuộc  và chấn hưng Phật giáo.

    Qua Thiền Uyển Tập Anh ngữ lục, biết được các vị thiền sư đời thứ 8, 9, 10, 11, 12 của dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, Định Không (họ Lý)( 720-808),Thông Thiện (? -   ?),Đinh La Quí An (họ Đinh)( (852 – 936) , Thiền Ông (  902-979 )(họ Lữ), Vạn Hạnh (?-1025)(họ Lý) hoặc các vị sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông như Cảm Thành (?-860) (đời I),  khai sơn chùa Kiến Sơ khoảng cuối thế kỷ IX, sư Thiện Hội(? – 900)(đời II) , sư Vân Phong (? – 956) (đời III), sư Khuông Việt (933 – 1011) (đời IV) , sư Đa Bảo (?-?) (đời V), từng góp phần vận động Giao Châu thoát ách đô hộ, họ Lý Diên Uẩn nên nghiệp đế và họ Lý sẽ chấn hưng đạo pháp.

    Thật vậy,  Thiền sư ĐỊNH KHÔNG (730-808) thời thuộc Đường, người họ Nguyễn (thực ra là họ Lý), thuộc hương Diên Uẩn, giỏi thuật số, có khát vọng về hương Diên Uẩn của ngài  được củng cố và phát triển, họ Lý của ngài sẽ làm vua, nước Việt độc lập và Phật pháp được chấn hưng. Khi sư dựng chùa Quỳnh Lâm ở quê nhà khoảng (785-805), đào được pháp khí cổ, sư giải đoán họ Lý về sau có người làm vua, có ý đổi tên hương Diên Uẩn thành hương Cổ Pháp. Tâm nguyện của thiền sư được ký gửi qua  bài kệ:  Pháp lại xuất hiện/Thập khẩu đồng chung/ Lý thị hưng vương/Tam phẩm thành công. Có tác giả dịch: Pháp khí hiện ra/ Khánh đồng mười tấm/ Họ Lý làm vua/ Công đầu Tam phẩm.Trong bài kệ dự đoán, câu cuối “Tam phẩm thành công” được dịch “ Công đầu tam phẩm”phải chăng chưa ổn ? Họ Lý hưng thịnh, quan đến tam phẩm mới lập công thì có gì đáng kể mà phải viết thành kệ rồi “ truyền thừa” cả trăm năm! Ở đây có thể hiểu “Tam phẩm” là “ba đời họ Lý uy vọng” mới hoàn thành nghiệp đế vương. Sư Định Không đã dặn dò đệ tử là thiền sư Thông Thiện: “Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành.”. Quả “dị nhân đến phá hoại mạch đất” Cao Biền. Đệ tử Thông Thiện đã truyền “pháp ý” của sư Định Không cho đệ tử của mình là Trưởng lão Đinh La Quí An (852-936). Thiền sư họ Đinh này đã nhờ Khúc Lãm, phá thuật yểm đất của Cao Biền ở hương Diên Uẩn (Cổ Pháp), khoảng thời gian họ Khúc giành chức Tiết Độ Sứ ở Giao Châu, căn dặn đệ tử là thiền sư Thiền Ông (902-979) (họ Lữ, người hương Cổ Pháp) về những pháp thuật “tài bồi thiên đức” cho vọng tộc Lý của hương Cổ Pháp… Trước khi viên tịch, Trưởng lão Đinh La Quý An gọi đệ tử là Thiền Ông đến dặn rằng, “ Trước đây Cao Biền đắp thành Đại La ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điền Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả 19 nơi. Nay ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở cách chùa Minh Châu hơn 1 dặm, đúng chỗ bị cắt long mạch, đời sau nơi này ắt có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng Chánh pháp…”. Năm Bính Thân, niên hiệu Thanh Thái thứ 3 thời thuộc Đường (936), khi trồng cây gạo gần  chùa Minh Châu, Trưởng lão Đinh La Quý An có đọc bài kệ:Đại Sơn long đầu khởi/ Cù Vĩ ẩn Châu Minh/ Thập bát tử định thành /Miên thụ hiện long hình/Thỏ kê thử nguyệt nội/ Định kiến nhật xuất thanh”. Tất nhiên Thiền Ông đã truyền “tâm nguyện” của các tổ Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quí An cho thiền sư Vạn Hạnh(939(?)-1025) và Vạn Hạnh đã hoàn thành  rất xuất sắc “sứ mạng” mà các tổ giao phó. Qua Thiền Uyển Tập Anh, thuật chuyện sư Vạn Hạnh nhập định, “nghe” được những lời phát ra từ mộ thân phụ của Lý Công Uẩn đầy màu sắc địa lý phong thủy cổ và những nội dung mà sư Vạn Hạnh truyền lại hoàn toàn làm rõ thêm những điều sâu kín trong bài kệ của Đinh La Quí An, phản ảnh rất rõ tâm nguyện trăm năm của dòng họ Lý châu Diên Uẩn.

    Ảnh chụp vệ tinh châu Diên Uẩn (châu Cổ Pháp), giữa hai sông Cầu và sông Đuống

    Lại có thiền sư Cảm Thành (đời I dòng thiền Vô Ngôn Thông), “khai sơn” chùa Kiến Sơ vào cuối thế kỷ VIII, tin tưởng họ Lý sẽ nên nghiệp đế (qua ghi chép của Thiền Uyển Tập Anh ngữ lục). Ban đầu sư tu ở núi Lạn Kha, Tiên Du, có đạo hiệu là Cảm Đức, đạo cao đức trọng nên khoảng cuối thế kỷ VIII,  một hương hào họ Lý ở Phù Đổng, bắc sông Đuống muốn hiến dinh cơ của ông để sư lập chùa. Sư từ chối. Khi sư mộng thấy thần nhân mách bảo: “Nếu theo ý của Nguyễn [Lý], thì chẳng mấy năm sẽ được điều lành lớn“, sư bèn đáp lại lời mời của vị hương hào và sư đã biến dinh cơ của vị hương hào họ Lý thành chùa Kiến Sơ. Sư Thiện Hội (đời II) , người Điển Lĩnh, Khương Thượng, Siêu Loại,  ban đầu tu ở chùa trong làng, sau qua chùa Kiến Sơ làm đệ tử sư Cảm Thành, về lại Siêu Loại tu ở chùa Thiền Định (chùa Dâu). Sư Vân Phong (đời III), người họ Lý ở Từ Liêm, cha mẹ là Phật tử tại gia, đã đưa sư đến chùa Dâu làm đệ tử của sư Thiện Hội. Khi sư Vân Phong về tu ở chùa Khai Quốc, ngôi chùa do Lý Nam Đế tôn tạo chùa cổ An Trì ở thành Đại La. Sư Vân Phong là danh sư họ Lý,  tốn nhiều công sức tôn tạo chùa Khai Quốc. Lại có sư Ngô Chân Lưu (đời IV), vốn là con trưởng Ngô Xương Tỉ của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập,  từ chùa trên núi Sóc sơn, đến chùa Khai Quốc thọ giáo sư Vân Phong, sau trở thành Tăng thống Khuông Việt  thuộc triều Đinh. Những ngày còn niên thiếu, thân phụ  của sư Khuông Việt bị cậu Dương Tam Kha tầm nã gắt gao, phải nhờ Phạm Lệnh Công bảo bọc, cậu bé Ngô Chân Lưu   phải vào chùa, có khả năng được những người họ Lý giúp đỡ, sư phụ Vân Phong của sư Ngô Chân Lưu ở chùa Khai Quốc là một trong những người họ Lý đã “cưu mang” sư họ Ngô. Có sư Đa Bảo (đời V) thọ giáo Khuông Việt đại sư ở chùa Khai Quốc, sau đó về  trụ trì chùa Kiến Sơ, đã từng nhận Lý Công Uẩn làm đệ tử, xem cốt cách của Lý Công Uẩn, sư Đa Bảo kỳ vọng nhiều ở người thanh niên họ Lý, cháu của sư Vạn Hạnh, dưỡng tử của sư Lý Khánh Văn. Vì thế sư Đa Bảo tích cực  vận động quần chúng ủng hộ họ Lý thay họ Lê làm vua qua việc  sư làm “phát lộ” những bài thơ ở “miếu thổ thần” trong khuôn viên chùa Kiến Sơ. Về  sau,  khi Lý Công Uẩn bị  tay chân vua Lê Đại Hành truy nã, sư Đa Bảo từng che giấu bảo bọc Lý Công Uẩn ở chùa Kiến Sơ vậy. Việc năm đời tổ của dòng thiền Vô Ngôn Thông ủng hộ họ Lý Diên Uẩn,   cho thấy dòng thiền này có quan hệ mật thiết với Phật tử châu Cổ Pháp và chắc chắn Lý Công Uẩn là hậu duệ những người họ Lý đầy  uy vọng, có công đức tầm cỡ “hộ pháp” Phật giáo vùng Cổ Pháp-Siêu Loại-Đại La. Vì thế thời Lê Ngọa Triều cư xử quá đáng với  sư sãi Phật giáo, các vị thiền sư thuộc hai dòng thiền nói trên rất nhiệt tình trong việc vận động để họ Lý Diên Uẩn thay nhà Tiền Lê làm vua, củng cố nền độc lập Đại Việt và chấn hưng Phật giáo nước ta. Cuộc vận động ấy kéo dài hằng trăm năm, tính từ sư Định Không và sư Cảm Thành  vậy.

     

     

    Thiền sư Lê Mạnh Thát từng chú giải Thiền uyển tập anh cho biết “Tây hồ chí, phần về Cổ tích, ghi: “Chùa Khai quốc ở tại bờ sông Nhị hà, phía bắc của hồ (Tây), nay là bến Yên phụ mé ngoài đê. Nguyên Nam Ðế nhà Tiền Lý nhân nền cũ của chùa An trì của triều Hồng Bàng, mà dựng lên, nên có tên Khai Quốc. Sau danh tăng triều Ngô là Nguyễn Vân Phong người Từ liêm tu bổ lại. Trong khoảng hai triều Ðinh và Lê, Quốc sư Ngô Khuông Việt thường trú trì tại đó. Nhà Lý trùng tu lại””. Qua sự kiện này cho thấy họ Lý có công lớn trong việc tôn tạo chùa Khai Quốc. Chùa Dâu ở Siêu Loại của trung tâm giáo Luy  Lâu, chắc chắn có sự đóng góp công của của những người họ Lý có uy vọng, là hào phú hoặc đại quan. Mặc dầu ở châu Cổ Pháp, bắc sông Đuống có nhiều chùa nhưng Phật tử châu Cổ Pháp vẫn hướng về chùa Dâu (chùa Thiền Định) như một đại tổ đình. Thật vậy thiền sư Lê Mạnh Thát từng dẫn sách Thập di ký của Lý Tế Xuyên, có chép : “Người Cổ Châu mỗi năm mừng ngày Phật đản đều họp nhau ở chùa Thiền định”.

    Có sư Lý Khánh Văn, trú trì chùa Cổ Pháp, một ngôi chùa của Lý gia Diên Uẩn. Sư không nổi tiếng về tu học cũng như đào tạo tăng tài nhưng lại nổi tiếng là dưỡng phụ của vua Lý Thái Tổ. Sư vốn là một hào phú của châu Diên Uẩn, thí phát qui y, trú trì chùa Cổ Pháp. Chùa này  ngoài tượng Phật, bồ tát,…đặc biệt có 6 tượng thờ 6 tổ. Trong 6 tổ từng được thờ ở  chùa Cổ Pháp có sư Định Không (họ Lý)…. Trước đời Lý Khánh Văn trú trì,  nếu kể ngươc thì có tổ đời 6, đời 5, đời 4, đời 3 (sư Định Không), 4 vị có tượng thờ. Thế thì tổ đời thứ hai , tổ đời thứ nhất là hai  nhân vật họ Lý, có quan hệ huyết thống với Lý Tự Tiên chăng ?. Có khả năng  ông nội của Định Không là Lý Tự Tiên hay anh em của Lý Tự Tiên, người mưu đánh đổ Đô Hộ  Lưu Diên Hựu nói trên .Theo GS Kiều Thu Hoạch,  tương truyền sư Lý Khánh Văn có giữ một vật gia bảo là con chó làm bằng đồng, “có khả năng sủa vang” khi có quí nhân đến chùa. Tất nhiên truyền ức  này huyễn hoặc nhưng phản ánh một thực tế là sư Lý Khánh Văn sống trên đất hương hỏa của dòng họ Lý Diên Uẩn, giữ những gia bảo, trong đó có kỷ vật “chó làm bằng đồng”. Chùa Cổ Pháp gần như là chùa của họ Lý Diên Uẩn ( Cổ Pháp), sau này còn gọi là chùa Lục Tổ, nơi giáo dưỡng con cháu họ Lý theo tâm nguyện của sư Định Không.  Vì thế  Phạm mẫu ( một phật tử ) ở Hoa Lâm mang con trai họ Lý 9 tuổi  đến chùa Cổ Pháp để gửi nuôi (thần phả đình làng Mạnh Tân) và Phạm mẫu Dương Lôi (phụ nữ rất nghèo) ẵm con 3 tuổi, không rõ cha nhưng chắc chắn thuộc họ Lý, đến chùa Cổ Pháp gửi nuôi. Chùa Cổ Pháp là nơi dòng họ Lý giáo dưỡng những mầm non họ Lý, kiểu sơ học, rồi sau đó gửi sang Viện Cảm Tuyền chùa Tiêu (cũng là chùa Lục Tổ thứ hai) để học tiếp trung đại học vậy. Đây là một chiến lược của dòng họ Lý Diên Uẩn. Phải chăng một trẻ chín tuổi đến tu học ở Cổ Pháp, là cha của Lý Công Uẩn,  sau vài năm một đứa trẻ khác 3 tuổi đến ở chùa Cổ Pháp  và trẻ 3 tuổi về sau đến chùa Tiêu, chùa Kiến Sơ tu học và trở thành hoàng đế Lý Thái Tổ, đứa trẻ 9 tuổi trở thành Hiển Khánh vương ? Vấn đề này sẽ được thảo luận trong phần Luận điểm 3 sau đây.

    Rõ ràng, thế kỷ VIII, IX dân trí của nước ta đã được nâng lên rất nhiều là nhờ các trung tâm Phật giáo, có các vị thiền sư không những tinh thông Phật học mà còn làu thông tứ thư ngũ kinh của Nho giáo, các vị ấy có tinh thần dân tộc rất cao, đang làm cuộc vận động quần chúng thoát ách Bắc thuộc và khi đã độc lập, họ góp phần giúp vua Nam củng cố nền độc lập ấy và chấn hưng Phật giáo thành  quốc giáo thời bấy giờ. Còn giới Phật tử của vùng Diên Uẩn-Siêu Loại cũng phối hợp với các sư ở các chùa để làm cuộc vận động người họ Lý nắm quyền ở Giao Châu. Một trong các Phật tử như thế có bà Phạm mẫu, húy Tiên, nguyên quán là một làng ở Đông Ngàn (sau có tên Dương Lôi), lấy chồng là đai quan họ Lý,   trú ngụ ở Hoa Lâm, Đông Ngàn …Bà Phạm Thị Tiên từng có công tôn tạo chùa Linh Ứng, bén duyên với   một đại quan đầy uy vọng của họ Lý Diên Uẩn, ông có dinh cơ ở Hoa Lâm, bà từng trốn ở một ngôi chùa ở trang Tỉ Bào, Từ Sơn, sinh con, nuôi đến 9 tuổi, mang con về giao cho họ Lý ở Cổ Pháp, đi ẩn ở Thụy Lâm, tôn tạo chùa Thụy Lâm và ẩn tu ở đây, có công đức với làng Thụy Lâm, bà từng đăng đàn như một “ sư bà” cùng với nhiều thiền sư để lễ Phật và đã mất tại đàn rất bí ẩn. Vậy phu quân họ Lý của bà Phạm Thị Tiên phải là một hùng trưởng, đại quan của triều Ngô, được các sư sãi và Phật tử miền Cổ Pháp-Siêu Loại ủng hộ. Trong lịch sử, nhân vật lịch sử thời Hậu Ngô ấy là ai?

    Luận điểm 3: Có sự nhầm lẫn giữa Phạm mẫu Hoa Lâm, húy Tiên và Phạm mẫu Dương Lôi, húy Ngà của người đời sau khi viết thần tích, văn bia.

    Sau khi chúng tôi công bố bài “Đâu là sự thật về tông tích của Lý Công Uẩn” vào 6 tháng 9 năm 2010 thì nhận được những góp ý của độc giả, khen có chê có nhưng cơ bản là khích lệ chúng tôi theo hướng đã chọn khi hình thành giả thuyết. Năm 2011, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ và Nguyễn Văn Thanh công bố tư liệu mới trong bài “”Hoa Lâm tam bảo thị” (1656) Thêm một tư liệu đáng tin cậy về Lý Công Uẩn và vùng Mai Lâm”,  các tác giả khẳng định ông bà nội của Lý Công Uẩn là người Hoa Lâm, Đông Ngàn( Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội),  cả hai ngài đều được vua Lý Thái Tổ dâng tên thụy là Thánh Thiện.  Đặc biệt theo hai tác giả thì nội dung văn bia cho thấy mộ cha mẹ  của Lý Công Uẩn ở “mé đông chợ Tam Bảo” thuộc  Hoa Lâm, Đông Ngàn (?).. Một điều chắc chắn là thời Đinh và Tiền Lê, họ Lý trong đó có Lý Công Uẩn và thân thuộc phải giấu tông tích vì chính trị, bằng cách thay đổi nơi cư trú, vào chùa làm sư, đổi tên họ; nhất là khi họ Lý vùng Diên Uẩn (Cổ Pháp) bị nhà Tiền Lê nghi ngại. Khi tạo dựng sự nghiệp đế vương cho Lý Công Uẩn, họ Lý đã khoác áo “con thần cháu thánh” cho Lý Công Uẩn và thân phụ của ngài, vì thế  thân sử của Lý Công Uẩn và thân phụ của ngài  phải  che giấu, hậu quả nghiêm trọng là cả ngàn năm vẫn chưa tìm được tông tích của ngài.

    Phải chăng tính đến nay vẫn chưa thống nhất được quê nội của Lý Công Uẩn trong giới nghiên cứu  là vì có sự nhầm lẫn về bà nội và bà mẹ của Lý Công Uẩn ? Có khả năng hai bà cùng họ Phạm, đều có nguyên quán Dương Lôi, đều là mẹ vua,  nên người đời sau đã nhầm hai bà họ Phạm là một người. Thật vậy chúng tôi xin mạo muội thảo luận quanh luận điểm 3 như sau:

    1/Thân sử Phạm mẫu Dương Lôi:

    Con cháu họ Phạm làng  Dương Lôi, bao đời nay luôn truyền ức hành trạng  của Phạm mẫu Phạm Thị Ngà, nhất là ngày mất của Phạm thì  họ Phạm không thể nào quên. Tháng 4-2010,  trên Giác Ngộ online, Chu Minh Khôi trong bài: “ Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ – Kỳ 2: Truyền thuyết nhà Lý ở Dương Lôi” cho biết thân sử của Phạm mẫu Dương Lôi như sau: “…Người dân Dương Lôi vẫn lưu truyền truyền thuyết về bà Phạm Thị Ngà sinh ra Lý Công Uẩn, tuổi thơ của Lý Thái Tổ gắn liền với mảnh đất nơi đây. Vào thời Đinh-Tiền Lê, trong làng có một gia đình nghèo họ Phạm gồm hai ông bà và cô con gái tên là Ngà, nết na xinh đẹp. Một ngày kia, bệnh tật đã cướp đi người cha, ít lâu sau, hai mẹ con rời bỏ xóm làng ra dựng tạm túp lều trước cổng chùa Minh Châu, bán nước cho người đi qua đường và bán hương, cau cho người vào lễ chùa. Minh Châu tự vốn là ngôi chùa nổi tiếng trong vùng, một hôm có 2 vị Thiền sư đến chùa Minh Châu giảng kinh Phật, một vị là Lý Vạn Hạnh trụ trì chùa Tiêu, một vị là Lý Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp. Thấy hai mẹ con cô gái bán nước ở cổng chùa Minh Châu là người phúc đức nhân hậu, nên 2 vị sư rất quý mến. Ít lâu sau, người mẹ không may qua đời, cô gái được sự dẫn mạch của 2 vị sư bèn dời mộ cha và thi hài mẹ an táng cùng mộ chỗ gò đất có hình rồng ấp ven rừng Miễu. Từ đấy, cô gái Phạm Thị Ngà về làm thủ hộ, giúp việc cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu. Một đêm, cô gái ngả lưng thiếp đi trước cửa chùa, cô mơ thấy một vị thần nhân bước qua người mình. Tỉnh dậy, cô thấy người khác lạ, mang thai từ đấy. Không dám ở lại chùa Tiêu, cô gái lại trở về chùa Minh Châu, sư thương tình cho cô nương náu. Sắp đến ngày mãn nguyệt khai hoa, cô xin phép nhà chùa trở lại xóm cũ Đường Sau nơi có túp lều xiêu vẹo của cha mẹ và sống với cuộc đời thầm lặng. Trong một đêm mưa rét đầu xuân vào tháng Hai năm Giáp Tuất (974), những người hàng xóm bỗng thấy sự lạ lùng, túp lều của cô gái bỗng sáng rực hào quang, và tiếng trẻ sơ sinh cất lên lanh lảnh. Trong cơn đau, cô gái mơ màng thấy 3 bà mụ như từ trên trời hiện xuống đỡ đẻ cho cô. Đứa trẻ sinh ra khôi ngô tuấn tú, dưới hai bàn chân đều có chữ “vương”. Biết bao đời nay, dân gian vùng Kinh Bắc còn truyền nhau câu: “Nở Đường Sau/đau chùa Dận”, vì xóm Đường Sau ở Dương Lôi là nơi Lý Công Uẩn chào đời, còn chùa Dận ở Đình Bảng là nơi nhận nuôi dưỡng Lý Công Uẩn từ lúc 3 tuổi”.

    Tháng 3 -2011, Phạm Nhuệ viết bài“Lễ giỗ Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà: Mẹ của vua Lý Thái Tổ” trên website  họ Phạm: “Làng Dương Lôi, nay là khu phố Dương Lôi thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. “Thánh Mẫu Phạm Thị” là tên mà nhân dân trong vùng cùng nhiều nơi gọi và các triều đại đã sắc phong cho bà Phạm Thị Ngà. Bà sinh Lý Công Uẩn ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (8.3.974), đến ngày 7 tháng Giêng năm Đinh Sửu (977) thì bà về trời khi con trai mới ba tuổi. Nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục, mùa xuân năm 1010, sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ về quê xây đền Lý triều Thánh Mẫu thờ mẹ là Minh Đức Thái hậu (tức bà Phạm Thị Ngà). Ngôi đền toạ lạc ở phía đông làng Dương Lôi, cạnh khu Sơn lăng cấm địa là nơi chôn cất 8 vị vua và tôn thất nhà Lý (rừng Miễu). Thánh Mẫu Phạm Thị được tôn vinh là Thành Hoàng làng. Dân làng Dương Lôi lấy ngày mồng bảy tháng giêng làm ngày giỗ Thánh Mẫu cũng là ngày mở hội chùa Tra Lư (Chùa Sấm)”.

    2/ Thân sử Phạm mẫu Hoa Lâm:

    Trước hết liệt kê các nguồn tư liệu có ghi chép về Lý triều quốc mẫu: Thần tích làng Mạnh Tân do quan Hàn lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1574  và  lễ hội làng Mạnh Tân (Thụy Lâm xưa), văn bia Hoa Lâm Tam Bảo thị, Thiền uyển tập anh, thần tích Ngọc phả cổ lục ở xã Tam Tảo, tổng Ân Phú, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh…

                                

                          Năm 2011, ban chỉ đạo quốc gia lễ hội  1000 năm Thăng Long xuất bản tài liệu Lễ hội Thăng Long, Nxb Hà Nội, 2001 có  giới thiệu Lễ hội làng Mạnh Tân, có chép về Lý triều quốc mẫu, dựa vào cuốn thần tích soạn năm 1574 mà dân  làng Mạnh Tân còn phụng giữ.  Tài liệu cho biết: “Mạnh Tân, một thôn của xã Thụy Lâm nằm kề bên con sông Cà Lồ. Xưa kia Mạnh Tân gọi là khu thuộc trang Bằng Lâm, tổng Phương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Mạnh Tân còn có tên nôm là Râm Bến, cùng Râm Trầm, Râm Chợ, Râm Bướu họp thành bốn làng Râm…Lại nói, xưa kia ở đất Cổ Pháp, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, người họ Phạm tên Long, vợ là Đặng Thị Quang. Hai ông bà sinh được một người con gái đặt tên là Phạm Thị Tiên. Cô có sắc đẹp tuyệt mỹ, vô song nhưng lương duyên chưa bén, chưa chọn được người.Năm 22 tuổi, nàng đến chùa Linh Ứng trong 3 năm dốc sức trùng tu chùa, ngày đêm niệm Phật. Vào một đêm nằm mơ thấy một vị đại thần đùa vui với mình, từ đó mang thai …, sinh được một người con trai. Khi người con trưởng thành, hai mẹ con về quê đất Cổ Pháp trú trong nhà Lý Khánh Văn…Bà họ Phạm đi qua khu Mạnh Tân, huyện Yên Phú. Thấy nơi đây do bị hại do thủy tai, chùa bị đổ nát, bà động lòng xin cùng với bản khu, dốc lòng hiệp sức sửa sang ngôi chùa. Khi đã hoàn thành bà làm bài thơ rằng: “Cảnh vật phong quang bởi sức ta/, Trùng tu điện tượng quản đâu là/Danh truyền công đức lưu thiên cổ/Giúp dập dân đây hưởng vạn xuân?”.Công trình đẹp đẽ, nhân dân khu Mạnh Tân xin làm thần tử, sau này xin được thờ phụng bà. Bà mở hội khánh thành chùa, cho báo sư thiền tăng ở các nơi về làm lễ. Dáng bà nghiêm nghị, một tay cầm hoa sen, một tay cầm án chú, bước lên đàn cao, ngồi cùng các sư tăng đọc kinh cầu phúc. Khi đó thấy một đám mây giống như dãi lụa đỏ lơ lửng trên đỉnh đàn. Bỗng trời đất trở nên tăm tối, bà cưỡi mây bay về trời. Hôm đó là ngày mồng 10 tháng giêng.Để nhớ đến công tích của các vị thần có công với dân với nước, hàng năm thôn Mạnh Tân tổ chức lễ, hội mừng ngày sinh, ngày hóa của Thánh”.

    Hiện nay ở làng Phù Đổng, cạnh chùa Kiến Sơ, có Ni viện Hương Hải, tiền thân là chùa Linh Ứng. Ni viện Hương Hải là nơi ni sư Diệu Nhân (1041-1113) từng  trụ trì.  Ni sư Diệu Nhân là trưởng nữ Ngọc Kiều của vua Lý Thánh Tông, lấy chồng họ Lê, chồng mất bà thủ tiết, sau đó xuống tóc qui y,  thọ giáo bồ tát với thiền sư Chân Không (đời thứ 16 thuộc dòng thiền Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi). Sư Chân Không cho bà pháp danh   Diệu Nhân và dạy bà trụ trì Ni viện Hương Hải (tôn tạo chùa Linh Ứng trước đó), gần chùa Kiến Sơ. Trước khi ni sư Diệu Nhân trùng tu chùa Linh Ứng thành Ni viện Hương Hải thì đã có chùa Linh Ứng. Vậy chùa Linh Ứng mà “nữ Phật tử” Phạm Thị Tiên trú ngụ, ra sức sửa sang trong 3 năm là ở đây. Tại sao  bà mệnh phụ  Phạm Thị Tiên, phu nhân của một đại quan họ Lý, phải  lại đem giấu con cái ở các chùa Cổ Pháp, Tiêu Sơn, ở hang, ở rừng gần chùa Tiêu Sơn, thuộc miền đông bắc Hoa Lâm vào thời Đinh, Tiền Lê ?

     

    Thân sử hai bà Phạm mẫu ở Hoa Lâm và ở Dương Lôi quá khác nhau, xin dẫn chứng trong bảng so sánh sau:

     

     

    Những thông tin về Phạm mẫu ở Hoa Lâm là dựa vào bia “Lý gia linh thạch”, “Hoa Lâm Tam bảo thị bi”, thần tích làng Mạnh Tân, thần tích làng Tân Phú. Còn thông tin về Phạm mẫu ở Dương Lôi là nhờ truyền ức của các thế hệ dòng họ Phạm Dương Lôi. Vậy hai bà họ  Phạm hoàn toàn khác nhau về thân sử, lại trùng  nhau là “mẹ của Lý Công Uẩn” (?). Bà Phạm Thị Ngà ở Dương Lôi, chắc chắn là mẹ của Lý Công Uẩn, các nhà sử học xưa nay đã xác nhận. Nhưng bà Phạm Thị Tiên ở Hoa Lâm có thân sử hoàn toàn khác bà Phạm Thị Ngà, nhưng ai cũng biết bà là Lý triều quốc mẫu, là mẹ vua Lý, chính chi tiết này làm người đời sau cứ tưởng mẹ vua Lý, tức mẹ vua Lý Thái Tổ, dẫn đến sự sai sót nghiêm trọng. Thật ra, khi Lý Thái Tổ truy phong cha là Hiển Khánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái Hậu, về sau truy phong bà nội là Thánh Thiện Hoàng Thái Hậu thì nghiễm nhiên bà nội vua Lý Thái Tổ là Lý triều quốc mẫu, mẹ của vua “Hiển Khánh vương” (cha của Lý Thái Tổ). Do sợ phạm húy, con cháu cứ tôn xưng bà Phạm Thị Tiên là Phạm mẫu, mẹ vua Lý; người đời sau dựa vào chi tiết “mẹ vua Lý” cứ gán ghép Phạm mẫu ở Hoa Lâm là mẹ vua Lý Thái Tổ, trùng vời bà Phạm Thị Ngà ở Dương Lôi, dẫn đến người đời sau nhầm lẫn giữa bà nội và bà mẹ của Lý Công Uẩn !

    Thực ra bia “Lý gia linh thạch” phát hiện ở chùa Tiêu, khắc vào năm 1793, có đoạn được phiên âm : “Đông Ngạn, Hoa Lâm nhân Phạm mẫu, tiêu dao kỳ tự, thường kiến nhất thần hầu, bất giác hữu thần…” . Có người khi dịch “Hoa Lâm nhân Phạm mẫu” là “bà Phạm Thị Ngà, quê Hoa Lâm” (?). Cứ gặp “Phạm mẫu” là người dịch nghĩ ngay là bà Phạm Thị Ngà, trong khi Phạm mẫu ở Hoa Lâm là bà Phạm Thị Tiên, mẹ của Hiển Khánh vương.

    Lý triều quốc mẫu Phạm Thị Tiên, thụy Thánh Thiện (hoàng thái hậu) là bà nội của Lý Công Uẩn và Lý triều Thánh mẫu Phạm Thị Ngà, thụy Minh Đức (thái hậu) là mẹ của Lý Công Uẩn vậy.

    Luận điểm 4:  Mộ ông bà nội của Lý Công Uẩn ở Lý Gia lăng thuộc Hoa Lâm, còn mộ của cha mẹ Lý Công Uẩn ở rừng Báng, về sau nằm trong vùng Thọ Lăng sát Dương Lôi.

      

    (đang bảo tồn ở chùa Phúc Lâm)(ng.G)       ở vùng Lý gia lăng, gần địa danh Bãi Sập(ng.G).

    Mộ Hùng Công ở Hoa Lâm:

    Giới khảo cổ học từng đào thám sát nhiều lần và nhiều nơi ở Mai Lâm, Đông Anh, tức Hoa lâm, Đông Ngàn xưa, phát hiện nhiều hiện vật xây dựng trước thế kỷ XI, nghĩa là trước khi các vua triều Lý xây dựng ở đây những hành cung, miếu đường. Sự kiện này chứng tỏ  ở Hoa lâm đã có những công trình kiến trúc của những thế gia, đại gia họ Lý trước thời Lý Thái Tổ. Các địa danh mộ Hùng Công, bãi Tổng binh, ao Sau Dinh…gợi mở giới nghiên cứu rằng vùng Hoa Lâm từng có những vị quan họ Lý sống ở  dinh cơ dựng ở Hoa Lâm.  Phía đông Hoa Lâm, ở làng Phù Đổng từng có vị hương hào họ Lý, sống vào khoảng cuối thế kỷ IX và đầu thế kỷ X, từng hiến cả một dinh cơ để sư Cảm Đức (sau đổi thành Cảm Thành) xây chùa Kiến Sơ là một đối sánh, giúp suy đoán ở Hoa Lâm từng có dinh cơ của các đại quan hàng võ tướng, quyền cao chức trọng, có thể đến tước công. Thế thì “mộ Hùng Công” ở Hoa lâm phải chăng là mộ của một hùng trưởng tước công ? Tất nhiên trong lịch sử còn có Hùng Công, thân phụ của Hùng Linh Công. Theo Ngọc phả quốc lục do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn vào niên hiệu Hồng Phúc, triều đại Sùng Khang năm Nhâm Thân (1572), còn lưu lại tại Đền IA (tức Đền Y Sơn) thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang thì  Hùng Linh Công là cháu ruột Vua Hùng, một danh tướng thuộc đời Hùng Vương thứ sáu (1718 – 1631 TCN), ông được vua trao cho kim đao và 3 vạn binh mã đi tiên phong cùng với Thánh Gióng đánh tan giặc Ân. Ông được vua Hùng giao cho cai quản xứ Kinh Bắc, ông cũng có công trừ hổ  để giữ cuộc sống an bình cho dân. Ông sinh ra và mất trên đất Hiệp Hòa, Bắc Giang và được thờ ở Đền IA khoảng 3700 năm nay. Như thế, Hùng Công, thân phụ của Hùng Linh Công,  nếu còn mộ phần thì ngôi mộ này phải ở tận Bắc Giang và còn có mộ của bà vợ Hùng Công tức mẹ của Hùng Linh Công nữa. Vậy mộ Hùng Công ở Hoa Lâm trong Lý Gia lăng,  có khả năng là mộ đại quan, phu quân của bà Phạm Thị Tiên, tức bà nội của vua Lý Công Uẩn. Con cháu họ Lý ở Hoa Lâm thường xuyên hương khói những ngôi mộ thuộc Lý Gia lăng, dẫu sau này đê vỡ, đa phần đã bị chìm trong nước nhưng con cháu họ Lý ở Hoa Lâm vẫn tạo bệ thờ, hướng về “Bãi Sập” và những ngôi mộ của Lý Gia Lăng (đã chìm trong nước) để chiêm bái, cúng lễ.

    Bia đá khắc toàn văn “Ngọc Phả Quốc Lục” đặt trong Đền IA

     

    Lăng Hiển Khánh vương ở Hoa Lâm ?   

    Gần đây hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, Nguyễn Văn Thanh  công bố thác bản  bia “Hoa Lâm Tam Bảo thị bi” có đoạn  “Hoa Lâm cổ tích thị nhất khu nãi tiền Lý triều Thánh Thiện tổ khảo tỉ chi danh hương dã. Khảo tỉ lăng miếu tại thị chi đông. Trinh Tiết phạm cung tại thị chi tây. Phương dân tôn phụng linh ứng mặc phù, nhi thị cư tự miếu chi trung. Thị trung quan lộ vãng lai nhân nhân tụ hội, chân đệ nhất hảo xứ dã. Tự cổ chi nhân nhật trung vi thị mỗi nguyệt lục phiên, chí sóc vọng nhật nhân giai cúng dàng hiển tích, tố hiệu vi Tam Bảo chi thị” và hai tác giả dịch  “Khu chợ thuộc hàng di tích lịch sử mang tên Hoa Lâm này nằm trên quê hương nổi tiếng của ông bà nội Thánh Thiện của triều nhà Lý trước đây. Lăng miếu của Bố và Mẹ ngài tại phía đông chợ. Chùa Trinh Tiết ở phía tây của chợ. Chợ nằm giữa chùa và miếu nên dân quê tôn phụng được linh ứng ngầm giúp. Giữa chợ có đường cái quan qua lại, người người tụ hội. Đúng là chỗ tốt đẹp hàng đầu vậy. Cũng bởi từ xưa, kể cả những ngày họp chợ mỗi tháng sáu phiên cho chí mùng một ngày rằm, người ta đều cúng dàng chốn dấu xưa đành rạnh đó, cho nên chợ mới được gọi tên lành là chợ Tam Bảo”. Nói chung phần phiên âm và dịch nghĩa đoan văn bia này không có gì để bàn nữa, nhưng từ đoạn văn này hai tác giả khẳng định “Lăng miếu của Cha và Mẹ Lý Công Uẩn là ở đây, nằm ở mé đông của chợ Hoa Lâm và cũng là phía đông của chùa Trinh tiết, bắc là Tam Đảo – Sóc Sơn, nam là sông Đuống” thì chưa chắc chắn! Người viết văn bia lấy chợ làm “vật mốc” và chỉ cho biết lăng cha mẹ [Lý Công Uẩn] ở phía đông chợ và chùa Trinh Tiết ở phía tây của chợ. Khi chọn lăng miếu, chùa chiền làm mốc là người viết văn bia có chủ đích rằng ngôi chợ được Phật, Thánh “phù trợ” những người “sinh sống nhờ chợ”, thêm cư dân ở đây có cúng kiến Phật, Thánh vào các ngày sóc, vọng nên chợ mới có tên trang trọng “ chợ Tam Bảo”. Chợ Tam Bảo ở Hoa Lâm có thể lập trên bãi đất rộng  của ngôi chùa cổ nào đó ở Hoa Lâm, đến khi họ Đồng viết văn bia thì chùa ấy đã biến mất. Văn bia chỉ nói phía đông chợ có lăng miếu cha mẹ vua Lý, không nói ở “mé đông chợ”. Khi hai tác giả khẳng định “lăng miếu cha mẹ của Lý Công Uẩn ở mé đông chợ” thì các tác giả có ý nghĩ chùa Trinh Tiết ở “mé tây chợ” (?). Cơ sở nào để nghĩ rằng   chợ Tam Bảo Hoa Lâm  ở “mé đông” chùa Trinh Tiết ?Nếu chợ Tam Bảo [ở Hoa Lâm] nằm trên đất của chùa Trinh Tiết thì Đồng Chuyết Phu sẽ có vài dòng giới thiệu ngôi chùa này, như văn bia “Tu tạo Tam bảo thị bi”, đặt tại thôn Tó, xã Uy Nỗ huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), tạo năm Khánh Đức 2 (1650), được nhà nghiên cứu Đỗ Thị Bích Tuyền công bố ở Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.675-679,  có đoạn “Nay ở thôn Tó xã Uy Nỗ Thượng huyện Đông Ngàn có chùa Khánh Sơn hiệu là Tự Trung bảo toà thờ Thục chúa của Nam thiên, là thánh nhân của miền Tây phương cực lạc, được dân thôn thờ phụng, anh linh hiển ứng, thường ban phúc cho dân, ban thọ cho nước. Nhân dân trong thiên hạ đều gọi là ngôi chùa cổ tích danh lam. Hơn nữa, sân chùa đất bằng phẳng, có thể lập được khu chợ. Vì thế người xưa đã chọn, định ra mỗi tháng vào 6 ngày mồng bốn, mười bốn, hai bốn, mồng chín, mười chín, hai chín là ngày phiên chợ. Bốn phương tụ về, ngày sóc vọng thì cúng dàng, chùa Tam bảo đã thành chợ Tam bảo”.Thế thì không nhất thiết hai công trình chùa, miếu được chép trong bia , thuộc về nơi ngự của Phật, Thánh phải ở gần chợ Tam Bảo Hoa Lâm! Hai tác giả cho rằng lăng cha mẹ Lý Công Uẩn “nằm ở mé đông của chợ Hoa Lâm”, để rồi đi đến kết luận lăng cha mẹ của Lý Công Uẩn ở ngay đất Hoa Lâm là chưa thuyết phục. Hai tác giả chưa chỉ ra ngôi chùa cổ Trinh Tiết, chí ít có trước năm 1656, năm Đồng Chuyết Phu soạn văn bia. Xưa nay  có chùa Trinh Tiết ở Kẽm Trống, Hà Nam, tức không phải ngôi chùa mà người soạn văn bia nói đến. Có một khả năng, chùa Trinh Tiết là dạng chùa “sư nữ”, “chùa ni”…nơi các ni cô, sư bà tu tập; nếu thế thời Lê trung hưng, phía tây của Hoa Lâm, có chùa Linh Ứng,  còn gọi là chùa Thị Cấm thuộc thôn Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội. Trong chùa có  tượng Phật cơ bản giống các chùa cổ nhưng đặc biệt có tượng “Kim Đồng ngọc nữ thị giả’ (Động Tôn Nữ), có khả năng là chùa Trinh Tiết mà tác giả văn bia nhắc đến.Thế thì lăng “Hiển Khánh vương” hay “Lăng Thánh mẫu” ở “Rừng Miễu”, ở phía đông của chợ Tam Bảo cũng hợp với văn cảnh của  bài minh của bia chợ Tam Bảo Hoa Lâm : “ Minh rằng: Huyện tên Đông Ngàn, xã gọi Hoa Lâm, Tam Bảo chợ cũ, Đảo Sơn án bắc, Đức Giang ôm nam, Tây chùa rất kính, Đông miếu rất thiêng, Làm theo nếp cũ, Chỉ một lòng lành, Làm thiện được phúc, Chứng giám rõ rành, Công ấy đức ấy, vạn đời bia minh”.  Có khả năng lăng mộ của ông bà nội của Lý Công Uẩn ở Hoa Lâm trong khu vực Lý Gia lăng và con cháu họ Lý (sau đổi thành họ Nguyễn) thường xuyên hương khói.

    Ảnh chụp thác bản bia “Hoa Lâm Tam Bảo thị” (ảnh tư liệu của Nguyễn Hùng Vĩ)

    Luận điểm 5:  Sứ quân Lý Khuê là hùng trưởng chiếm cứ miền Siêu Loại Bắc Ninh, gần miền Cổ Pháp, nôi Phật Giáo lâu đời, được giới Phật tử ủng hộ trong đó nòng cốt là các sư Thiền Ông, Vạn Hạnh, Khánh Văn, Đa Bảo. Khi thất bại, bị tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh giết ở thôn Dương Đanh làng Dương Xá. Thôn Dương Đanh tôn thờ Thành Hoàng nhưng mộ táng bí mật gần nơi cư trú là Hoa Lâm và gọi là mộ Hùng Công. Lý Khuê hay Lý Lãng Công  chính là phu quân của bà Phạm Thị Tiên ở Hoa Lâm, tức ông nội của Lý Công Uẩn.

                      1/Những đặc điểm về vị phu quân của bà Thánh Thiện Phạm Thị Tiên ở Hoa Lâm, bà nội của Lý Công Uẩn:

    Qua nghiên cứu thân sử của bà Lý triều quốc mẫu Thánh Thiện Phạm Thị Tiên, mẹ của Hiển Khánh vương, bà nội của Lý Công Uẩn có thể rút ra một số tiêu chí về vị phu quân của Phạm mẫu Hoa Lâm:

    [1]: Phu quân họ Lý, từng là một hùng trưởng miền cận đông thành Cổ Loa, nơi Dương Bình vương Dương Tam Kha hoặc nhà Hậu Ngô đóng đô. Dinh cơ của ông tọa lạc ở Hoa Lâm (tức Mai Lâm, Đông Anh hiện nay). Di tích còn lại là Bãi Tổng Binh, Ao Sau Dinh.

    [2]: Phu quân họ Lý này là một đại quan nhà Ngô, từng “hộ pháp” nhiều chùa ở Cổ Pháp-Siêu Loại trong đó có chùa Linh Ưng ở hương Phù Đổng, nơi cô Phạm Thị Tiên đang làm Phật sự. Đại quan họ Lý phải lòng thiện nữ Phạm Thị Tiên (khoảng 22 tuổi), xinh đẹp, đang làm Phật sự ở chùa Linh Ứng, làng Phù Đổng, gần chùa Kiến Sơ.. Do có mối quan hệ ấy, cô Phạm Thị Tiên sớm trở thành phu nhân của đại quan họ Lý vậy.

    [3]:  Đã là hùng trưởng một vùng, có nôi Phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành ) Siêu Loại, Cổ Pháp, nên phu quân của mệnh phụ Phạm Thị Tiên tất yếu được giới Phật tử và sư sãi của Cổ Pháp-Siêu Loại hậu thuẫn.

    [4]: Vào thời Loạn thập nhị sứ quân, nhà Ngô mất ngôi, các sứ quân bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại, ắt  vị đại quan, phu quân của bà Phạm Thị Tiên, phải bị hại, gia đình thân thuộc của phu quân bà Phạm Thị Tiên phải xiêu tán, mai danh ẩn tích, đổi họ Lý sang họ Nguyễn,  rời dinh cơ ở Hoa Lâm từ những năm loạn lạc cực điểm (966-968), đi về phía bắc, đông bắc Hoa Lâm, nghĩa là  tránh xa những thủ phủ như Đại La, Cổ Loa…để tới vùng rừng Báng, Tiêu Sơn hay vùng sông Cà Lồ…. Một bộ phận vào chùa làm sư hoặc làm thủ hộ ở chùa, một số trốn trong rừng,  thậm chí trong hang đá…Đặc biệt bà Phạm Thị Tiên có thể cải dạng thành một sư bà đứng tuổi, một người có công sức tôn tạo  chùa ở Thụy Lâm, bắc Hoa Lâm, và ẩn tu ở đây,  sau khi đã đưa các con ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên lên chùa Cổ Pháp, hay chùa Tiêu Sơn để tránh tai mắt quân lính Lưu Cơ, một cánh tay đắc lực của Đinh Tiên Hoàng đế và Lê Đại Hành hoàng đế.

    [5]: Khi phu quân họ Lý bị hại có khả năng bà Phạm Thị Tiên cùng gia tộc họ Lý đã bí mật tổ chức an táng vị phu quân tại Hoa Lâm,  gần   nơi  trú quán của gia đình, tức Lý gia lăng và mộ của chồng bà về sau gọi là mộ Hùng Công, một hình thức “che giấu” thông minh, nếu có người hỏi thì gán chủ nhân ngôi mộ là thân phụ của Hùng Linh công chẳng hạn. Những bộ tướng, những quân lính của Hùng Công đã tử trận, có thể được  hương khói tại Miếu Âm Hồn  ở Hoa Lâm.

    [6]: Khi làm cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, họ Lý giấu tông tích vị phu quân của bà Phạm Thị Tiên, nên cũng huyền thoại hóa cái chết của bà Phạm mẫu, tức giấu tình tiết bà là vợ của Hùng Công họ Lý.

                   2/ Vị họ Lý nào cuối thế kỷ IX, ở miền Cổ Pháp hội đủ tiêu chí nói trên ?

     

    Từ năm 2010, chúng tôi đã mạnh dạn nêu giả thuyết sứ quân Lý Khuê, tức Lý Lãng Công, của miền Siêu Loại ( Thuận Thành, Bắc Ninh) là ông nội của Lý Công Uẩn. Chính sử cung cấp những thông tin, dù hiếm hoi, nhưng đã thấy sứ quân Lý Khuê thỏa tiêu chí [1], [3], [4], [5], [6]. Thật vậy, Lý Lãng Công từng đóng bản doanh ở thành cổ Luy Lâu, trong khi quân của tướng Lưu Cơ đóng quân ở làng Đại Từ ở mặt nam của thành Luy Lâu. Khi vỡ mặt trận, sứ quân phải tháo chạy theo hướng tây thành Luy Lâu, qua phía bắc làng Dương Xá và ông đã bị tử trận ở thôn Dương Đanh, một thôn phía đông bắc của làng Dương Xá, phía đông nam làng Phù Đổng. Thần tích làng Đại Từ có chép về Lý Khuê và thôn Dương Đanh lại tôn thờ sứ  quân Lý Khuê làm Thành Hoàng. Nhưng thôn Dương Đanh cũng như  làng Dương Xá chẳng có mộ thật hoặc mộ vọng của vị thành hoàng Lý Lãng Công! Một hùng trưởng như  Lý Khuê, được lòng dân Bắc Ninh xưa ủng hộ mà chẳng có một truyền ức nào về mộ phần, hậu duệ của ông là một điều lạ, trừ khi có những uẩn khúc mà  nhân dân cần phải giấu. Sự kiện nào đây? Chỉ có sự  kiện: Sau khi  Lý Khuê tử trận, con cháu phải mai danh ẩn tích. Họ Lý vận động chính trị để con cháu Lý Khuê nên sự nghiệp đế vương, bằng cách khoác áo “con thần cháu thánh”, tránh sự truy nã của quân tướng nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khi Lý Công Uẩn công thành danh toại, họ Lý  tiếp tục giấu hậu sự của Lý Lãng Công vậy.

    Nếu Lý Khuê là phu quân của bà Phạm Thị Tiên thì theo thần tích làng Mạnh Tân, Lý Khuê  không những là một hùng trưởng vùng nam bắc sông Đuống mà ông phải là một đại quan của triều Ngô, có uy vọng của miền đông và cận đông thành Cổ Loa, kinh thành của các vua Hâu Ngô Thiên Sách vương, Nam Tấn vương, trước năm 965( năm  Nam Tấn vương tử trận khi đánh phá hai thôn Đường Nguyễn ở Thái Bình ( Sơn Tây)). Hành trạng của Lý Khuê ứng với câu sấm ký “Đại Sơn long đầu khởi”. Trước Lý Công Uẩn sử không ghi chép một người nào họ Lý Diên Uẩn nổi tiếng hùng trưởng một thời, của miền cận đông thành Cổ Loa ngoài Lý Khuê! Như thế sứ quân Lý Khuê là ông nội của Lý Công Uẩn là một khả năng cao nhất, cần kiểm chứng

     

        Lý Khuê là hùng trưởng của miền Cổ Pháp-Siêu Loại lại là một công thần của nhà Hậu Ngô.

    Gần đây, 5-2-2012,  trên website  của họ Đỗ Việt Nam đã công bố một tư liệu quí đó là bản dịch Thần phả thờ Đỗ tướng công, viết bằng chữ Hán, do Dương Cát Lợi và Lữ Sử Bình, đồng liêu của Đỗ Cảnh Thạc vào thời Bình vương (Dương Tam Kha), Thiên Sách vương (Ngô Xương Ngập), Nam Tấn vương (Ngô Xương Văn). Thần phả được soạn năm Canh Ngọ[970] (triều Đinh Tiên Hoàng) khi hai vị này về viếng mộ của Đỗ Cảnh Thạc. Năm Nhâm Dần [1602], Thượng thư bộ Hộ Phùng Khắc Khoan, tước Mai Quận công, về nghỉ  ở vùng chân núi Sài, đã tiếp cận Thần phả này, họ Phùng viết phần giới thiệu: “    Mùa hè năm Nhâm Dần, tôi về chùa Thầy nghỉ mát, nhân ngày lễ vào hè của dân làng, tôi vào đền Thành Hoàng dâng hương, được các cụ già trong làng nhờ đọc thần phả.

              Cuốn thần phả này được viết từ sau khi Đỗ Tướng Công mất hai năm, tức ngày mùng 8 tháng giêng năm Canh Ngọ, do hai quan đồng liêu của ngài là Lữ Sử Bình và Dương Cát Lợi nhân về viếng mộ Tướng công đã ghi lại công lao của Ngài vào sinh ra tử, nêu cao tấm gương trung nghĩa suốt 36 năm trời phò vua đánh giặc giữ nước, một lòng vì nhân dân.

              Tướng công phò suốt ba đời nhà Ngô, trải bao biến cố vẫn giữ một lòng trung hiếu, không màng danh lợi, cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Thật là một tấm gương trung hiếu chói lọi cho đời sau noi theo.

                        Ngày mùng 4 tháng 4 năm Nhâm Dần

    Phùng Khắc Khoan   ”

    Đại Việt Sử Ký toàn thư, tập I,  có chép về Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi như sau: “ Ất Tỵ, [945], (Dương Tam Kha năm thứ 1)…Khi vương mất, Tam Kha cướp ngôi. Con trưởng của Ngô vương là Xương Ngập sợ, chạy về Nam Sách giang, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô Vương là Xương Văn làm con mình. Các con thứ của Ngô Vương là Nam Hưng, Càn Hưng còn bé, đều theo Dương quốc mẫu. Được ít lâu, Tam Kha sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công  đòi bắt Xương Ngập tất cả ba lần đều không thực hiện được mệnh lệnh…” ( s đ d, tr. 205). Dương Cát Lợi là bạn đồng liêu của Đỗ Cảnh Thạc, hành trạng có chép trong chính sử, hơn nữa trình độ và uy vọng của Phùng Khắc Khoan xưa nay ai cũng thừa nhận nên tư liệu do họ Đỗ cung cấp có độ tin cao.   Nội dung Thần phả chú trọng viết về Đỗ Cảnh Thạc, nhưng Thần phả  lại cung cấp một chi tiết quan trọng về sứ quân Lý Khuê. Thần phả  chép:   “ Lại nói về Đỗ tướng công, một hôm ông họp chư tướng rồi giả vờ đem quân dẹp loạn thôn Đường, ấp Nguyễn rồi quay lại vây thành Cổ Loa, trong thành ủng hộ. Ông bắt Tam Kha lột mũ áo, thu ấn kiếm rồi sai hai tướng đi đón Thái tử Ngô Xương Ngập, hoàng tử Ngô Xương Văn về triều, cùng các quan và tướng lĩnh trong triều tôn Thái tử làm Thiên Sách Vương. Trong thời gian này, nước nhà thịnh trị, suốt từ Bắc đến Nam không một bóng quân xâm lược, nhân dân yên ổn làm ăn. Đỗ tướng công tâu với Thiên Sách Vương phong tước cho các công thần để vừa cai trị nhân dân, vừa giữ gìn giặc giã. Tháng giêng năm Nhâm Tí, vua xuống chiếu gia phong:

    -         Kiều Công Hãn làm Thứ sử Phong Châu, trấn thủ Tây Bắc

    -         Ngô Nhật Khánh làm Thứ sử Giao Thủy, trấn thủ Đông Bắc

    -         Nguyễn Khoan làm Thái thú Yên Lạc, trấn giữ Trung Bắc

    -         Lý Khuê làm Ngự sử Thuận Thành, trấn giữ cận Đông

    -         Nguyễn Thủ Thiệp làm Thái thú Nhật Nam, trấn thủ cận đô

    -         Lã Đường làm Thái thú Văn Giang, trấn thủ Đông Nam

    -         Kiều Công Thuận làm Thái thú Trương Xá, trấn thủ Tây Nam

    -         Nguyễn Siêu làm Thái thú Phù Liệt, trấn thủ Tây đô

    -         Ngô Xương Xí làm ngự sử Ích Châu, trấn thủ miền nam

    -         Phạm Bạch Hổ làm Thái thú Đằng Châu, trấn thủ Đông Nam

    -         Trần Lãm làm Đô đốc thủy quân, trấn thủ duyên hải

    -         Nguyễn Truật, Nguyễn Thạch, Đặng Khôi làm Chỉ huy sứ thống lĩnh quân bộ.

    -         Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi, Phan Truật làm Thái úy ngự lâm quân tại triều, giúp vua điều hành việc nước. Các quan văn võ triều thần được phong thêm một bậc.

    Tháng 10 năm Giáp Dần (954), Thiên Sách Vương băng hà, Đỗ Cảnh Thạc cùng các quan trong triều tôn hoàng tử Ngô Xương Văn lên ngôi, làm Nam Tần Vương. Dưới triều Nam Tần Vương, thiên hạ thái bình thịnh trị, độc lập tự chủ hoàn toàn”

    Qua tư liệu này biết  được trong  12 sứ quân, hết 10 vị  hùng trưởng các nơi, từng được  Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập gia phong năm Nhâm Tí [952] theo lời tâu của đại thần Đỗ Cảnh Thạc. Thế thì khi Dương Tam Kha tiếm ngôi nhà Ngô, Lý Khuê là hùng trưởng miền cận đông thành Cổ Loa, từng tự xưng Lý Lãng công, chống Dương Tam Kha.. Mà vùng cận đông thành Cổ Loa chính là vùng Đông Ngàn, trong đó  có Hoa Lâm,  ngay ngã ba sông Hồng sông Đuống (một vị trí yết hầu của thành Cổ Loa).Khi được Thiên Sách vương gia phong  Ngự sử Thuân Thành,  trấn giữ cận đông kinh thành Cổ Loa,  đại bản doanh của Lý Khuê là thành cổ Luy Lâu (miền Siêu Loại, Bắc Ninh ) thì trước năm 952  ông vốn là một một đại quan của nhà Hậu Ngô, phụ trách việc binh, có dinh cơ ở Hoa Lâm Đông Ngàn, cận đông của kinh thành Cổ Loa vậy. Ngô Xương Xí được phong Ngự Sử mà Lý Khuê cũng được phong Ngự Sử chứng tỏ Lý Lãng Công là một trọng thần, cận thần của nhà Hậu Ngô và tất nhiên sư Ngô Chân Lưu, con trưởng của Thiên Sách  vương Ngô Xương Ngập,  về sau trở thành Tăng thống Khuông Việt, phải có cảm tình đặc biệt với Lý Lãng Công. Như vậy Thứ sử Lý Khuê  phụ trách miền cận đông của kinh đô Cổ Loa,  địa bàn trách nhiệm của Lý Khuê là hai bờ tả ngạn sông Đuống, trong đó có Đông Ngàn,  Cổ Pháp, Siêu Loại,…Năm Ất Sửu [965], Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn thân chinh đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, bị phục binh phải tử trận…thế là vào năm Bính Dần [966], đa phần các đại quan đang trấn nhậm các nơi và quan triều như Đỗ Cảnh Thạc hoặc thế tử như Ngô Xương Xí, không ai phục ai chiếm cứ quận ấp thành ra nước ta rơi vào loạn lạc cực điểm trong giai đoạn cuối (966-968) của thời  “Thập nhị sứ quân”…Và như thế Lý Khuê hay Lý Lãng Công, với chức Ngự Sử Thuận Thành, hội đủ tiêu chí [2] và cũng qua tư liệu mới này, càng tin ông hội đủ các tiêu chí là phu quân của bà Phạm Thị Tiên, vì thế cho nên con cháu ông phải trốn tránh sự truy nã của quan quân nhà Đinh, nhà Tiền Lê là hợp lý. Khi Lý Khuê tử trận, có thể bà Phạm Thị Tiên đưa con trai 9 tuổi đến chùa Cổ Pháp muộn nhất là năm 967. Đến năm 974 người con trai của Lý Khuê ít nhất 16 tuổi,  lên Tiêu Sơn trốn,  gặp cô gái thủ hộ Phạm Thị Ngà, sinh Lý Công Uẩn. Ngoài ra Lý Khuê từng giúp Đỗ Cảnh Thạc trong cuộc đảo chánh Dương Bình vương nên  sư Ngô Chân Lưu (con trai của Ngô Xương Ngập), có nhiều cảm tình đặc biệt với Lý Khuê nói riêng (đại công thần của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập) và họ Lý Diên Uẩn nói chung khi tu ở chùa Khai Quốc. Dẫu sao sư Khuông Việt cũng biết sư phụ Vân Phong của mình họ Nguyễn (tức họ Lý) có nhiều công đức tôn tạo chùa Khai Quốc, nơi sư Ngô Chân Lưu tu học và thành đạt. Vì mối quan hệ đặc biệt ấy, sư Đa Bảo, đệ tử giỏi của Khuông Việt, được cử về trú trì chùa Kiến Sơ ở làng Phù Đổng, phối hợp với sư Vạn Hạnh,  là một trong những vị sư đã tích cực ủng hộ Lý Công Uẩn, cháu nội của Lý Khuê,  lên ngôi thay thế nhà Tiền Lê vậy.

                  Thay lời kết:

    Chúng tôi viết tiếp bài này để củng cố  một giả thuyết công tác, từng đề xuất năm 2010,  nhằm  truy tìm nguồn gốc của vua Lý Thái Tổ. Đã là giả thuyết công tác thì cần có  phương án cụ thể để  kiểm chứng giả thuyết đươc nêu… Mộ Hùng Công ở Mai Lâm, Đông Anh, mộ Hiển Khánh vương ở gần chùa Tiêu, mộ Lý triều thánh mẫu ở “rừng Miễu”  Dương Lôi,  mộ 8 vua triều Lý ở “Sơn lăng cấm địa” …là những “địa chỉ  khảo cổ học” cần có thêm những thao tác khảo cổ học của những cơ quan hữu trách, của  những nhà chuyên môn. Hy vọng rằng các nhà nghiên cứu đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tìm kiếm nguồn gốc của vua Lý Thái Tổ, những phát hiện mới sẽ  có những thông tin  giúp chúng tôi  kiểm chứng giả thuyết đã nêu, trong bước đường tìm tông tích của vua Lý Thái Tổ. Một nghìn năm qua, một trăm năm qua, chục năm qua vấn đề tông tích của Lý Công Uẩn là một dấu hỏi nhức nhối của nhiều  nhà nghiên cứu đầy tâm huyết và chuyên môn cao. Chúng tôi biết hạn chế của mình, chẳng hạn nghiên cứu khảo cổ học mà chỉ ngồi ở Huế, chưa một lần qua “Bên kia sông Đuống” thì làm sao tránh khỏi những sai sót. Tuy nhiên, chúng tôi  rất mong  tìm được tông tích của vua Lý Thái Tổ như nhiều người khác ,  không tự ti mặc cảm, mạnh dạn tham cứu các tư liệu mà các học giả, nhà nghiên cứu đã công bố, mạo muội đưa ra giả thuyết trong bài viết năm  2010 và bài viết này. Rất mong các độc giả, các nhà chuyên môn có liên quan, …bỏ qua những sai sót nhỏ nhặt, góp ý cho những nội dung chủ yếu của giả thuyết.  Nhân đây chúng tôi cũng xin quí bà con  thuộc họ Lý Hoa Lâm, họ Phạm Dương Lôi bỏ qua những sai sót (nếu có)  đối với tiền nhân hay những sai sót khi lập ngôn, lập thuyết … Rất  mong quí vị lượng thứ.

    Huế, ngày 5 tháng 3 năm 2012.

    Trần Viết Điền

    Tài liệu tham khảo:

    1/Chu Quang Trứ, Lý giải các nguồn thư tịch Hán Nôm để tìm hiểu nguồn gốc nhà Lý.

    2/ Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga (dịch giả,)Thiền uyển tập anh (nguồn G.)

    3/ Lê Mạnh Thát (dịch giả), Thiền uyển tập anh (nguồn G.)

    4/ Chu Minh Khôi, Đi tìm gốc tích Lý Thái Tổ, tháng 3-2010, Giác Ngộ online.

    5/Kiểu Thu Hoạch, Huyền thoại và giai thoại xung quanh Lý Công Uẩn – vị vua khai sáng Thăng Long, 17-11-2011, Tạp Chí Hồn Việt.

    6/Nguyễn Việt, Khảo sát dòng họ Lý từ khởi nguồn đến Lý Công Uẩn ,1/11/2010.

    7/ Nguyễn Hùng Vĩ – Nguyễn Văn Thanh   đồng tác giả, Tấm bia “Hoa Lâm Tam Bảo thị” (1656) Thêm một tư liệu đáng tin cậy về Lý Công Uẩn và vùng Mai Lâm,  2011.

    8/Nguyễn Hùng Vĩ,  Tìm hiểu lại vấn đề mộ Tổ nhà Lý qua THIỀN UYỂN TẬP ANH

    9/Kỉ yếu hội nghị khoa học Những phát hiện khảo cổ học Đông Anh (Hà Nội) và vấn đề quê hương nhà Lý,Hội khoa học lịch sử Việt Nam – Hội Sử học Hà Nội. 2008.

    10/Y Nguyên,  “Giải ảo”vương triều Lý” , “www.thanhnien.com.vn 21/11/2009 23:06

    11/Wesite Họ Đỗ Việt Nam, Thần phả thờ Đỗ tướng công,2012

    12/ Mạng trải nghiệm du lịch người Việt, Lễ hội làng Mạnh Tân

    13/- Đại Việt sử kí toàn thư – Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Nhà xuất bản KHXH. Hà Nội 1983.

     

     

            ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Trần Viết Điền