Làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam? (III)

Những bài cùng tác giả

Bấm vào để nghe tiết mục này

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trà Mi: Trong buổi nói chuyện lần trứơc, giáo sư có nói đến chiều hứơng mai một của nền âm nhạc dân tộc trong nứơc. Trứơc thực trạng đau lòng này, từ cái nhìn của một nhà chuyên môn, giáo sư có đề xuất gì nhằm khơi dậy và cứu vãn nền âm nhạc truyền thống đang ngày một vắng bóng, thưa giáo sư?

Gs Trần Văn Khê: Đó là căn bệnh mãn tính mà nguyên nhân rất nhiều. Trong bài viết "Căn bệnh mãn tính của âm nhạc dân tộc Việt Nam", chúng tôi có đề nghị nhiều phương pháp. Mỗi phương pháp là một phương thuốc để trị. Các phương thuốc này cần phải được áp dụng đồng bộ: phải làm sao dẫn dắt cho dân tộc Việt Nam biết được giá trị của bản sắc dân tộc mình như thế nào, giải làm sao cho mất được cái tự ti, mặc cảm. Và cần phải có sự quan tâm không phải của dân tộc không, mà cả chính quyền cũng phải ủng hộ âm nhạc dân tộc. Đồng thời, mỗi người trong xã hội phải nhận thấy rằng đó là của cải quý báu của cha ông, mà mất đi rồi thì ngàn vàng không mua lại được, thì sẽ thiết tha tham gia vào việc tìm lại, đưa âm nhạc dân tộc vào trong trí nhớ, vào trong sự hiểu biết, nhận thức và thưởng thức của những ngừơi trẻ. Có như vậy, thì hoạ chăng trong vài chục năm nữa, mới có thể bắt đầu được thấy chân trời âm nhạc dân tộc Việt Nam sáng lạng hơn bây giờ.

Trà Mi: Một trong những phương pháp phổ biến kiến thức rộng rãi nhất là đưa vào trường học. Giáo sư nghĩ sao về việc đưa giảng dạy âm nhạc dân tộc vào học đường ? Điều này có khả thi không, thưa giáo sư?

Gs Trần Văn Khê: Chuyện đó tôi đã thí nghiệm rồi. Từ tháng 5-6 năm ngoái, tôi đã thể nghiệm chương trình do UNESCO đề xướng và ủng hộ về mặt tinh thần và một ít về mặt tài chính. Tôi đã lập ra 1 lớp tập huấn để chứng minh cho các thầy - cô giáo thấy.

Tôi đã dạy trẻ em từ 8-12 tuổi. Tôi đã đưa ra những phương pháp và nguyên tắc rất mới. Chẳng hạn như nguyên tắc đầu tiên là "học mà chơi, chơi mà học". Không phải dạy bằng cách tập cho con mắt trẻ đọc tín hiệu ghi âm, mà tập cho chúng nghe chính xác, và ghi nhớ, rồi sau đó mới đi tới tín hiệu . Đó là điều tôi làm ngựơc lại.

Thứ nhì, theo truyền thống là dạy nét nhạc trứơc khi dạy tiết tấu, nhưng tôi dạy tiết tấu trứơc , bởi vì tiết tấu , nhịp điệu đi liền với con người. Từ lúc còn là bào thai, 2 tháng trẻ đã nghe tiếng tim mẹ nhảy, 7 tháng nghe tiếng tim mình nhảy. Khi ra đời, tiếng võng kẽo kẹt của bà mẹ, hay ngày và đêm v..v.. tất cả đều là tiết tấu, thì phải dạy tiết tấu trứơc. Các em sau khi học tiết tấu, nắm được tiết tấu rồi, từ đó đi tới những nét nhạc rất dễ dàng. Chuyện đó tôi đã thể nghiệm tại trừong tiểu học Trần Hưng Đạo, TPHCM.

Kết quả rất tốt. Hiện UNESCO đang xem xét kết quả đó. Tôi đã làm 1 báo cáo bằng tiếng Pháp, và bài báo cáo bằng tiếng Việt sẽ được dịch sang tiếng Anh và Tây Ban Nha để gửi đi các nơi. Có lẽ trong vòng tháng 5-6, ở Lisbone sẽ có 1 hội nghị với chủ đề đem âm nhạc dân tộc vào trong cấp tiểu học, bởi "dạy con dạy thuở còn thơ", chứ không phải đợi lớn mới dạy.

Đem âm nhạc dân tộc vào trường học là một trong những phương pháp rất hữu hiệu, giúp âm nhạc truyền thống trở lại vị trí của nó.

Trà Mi: Những thể nghiệm do giáo sư đề nghị có được phía nhà nứơc Việt Nam ủng hộ và họ có phương hướng áp dụng không ạ?

Gs Trần Văn Khê: Trừơng Cao đẳng văn hoá - nghệ thuật TPHCM, sở Văn hoá thông tin Thành phố, cũng như Sở giáo dục-đào tạo đều hoan nghênh. Thế nhưng đưa ra đề xuất đó không phải một ngày một bữa mà được, mà nó đòi hỏi rất nhiều công phu. Và phải có can đảm xoá bỏ những gì hư hỏng, nhưng muốn thay đổi 1 việc gì không phải là đơn giản.

Tôi là người đã gieo hạt giống. Hạt giống đó, nếu gặp được mãnh đất phì nhiêu, có người chăm sóc, vun tưới, thì sẽ nở ra hoa tươi trái ngọt; nhưng nếu mãnh đất cằn cỗi, không ai chăm bón thì hạt giống sẽ chết. Khi đó, lỗi không phải tại tôi không đi gieo giống, không đề xứơng ra, mà tại cái điều kiện bên ngoài nó chưa thuận tiện.

Tôi tin rằng nó sẽ thuận tiện. Tôi chưa có dịp nói cho nhiều người nghe, chứ khi tôi nói, kể cả cấp lãnh đạo cũng đều thấy là có lý lắm. Nhưng từ chỗ thấy có lý đến chỗ làm thế nào để áp dụng vào thực tế thì đụng phải không biết bao nhiêu là sợi dây chằng chịt, đụng cái óc bảo thủ, đụng chuyện mà người ta sợ đổi mới... thì điều đó cũng phải hiểu là không phải một ngày một buổi mà được.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn giáo sư về thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay!

Quý vị vừa nghe phần 3 của loạt bài với chủ đề "Làm thế nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc đang ngày một thưa dần?", do giáo sư- tiến sĩ Trần Văn Khê trình bày. Trong những buổi nói chuyện trứơc , giáo sư Khê đã đề cập đến những nét đặc sắc của âm nhạc dân tộc Việt Nam, cũng như thực trạng mai một của nền âm nhạc truyền thống. Quý vị muốn nghe và xem lại, mời truy cập vào trang web www.rfa.org của Đài Á Châu tự do.