Làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam? (I)

Những bài cùng tác giả

Bấm vào để nghe tiết mục này

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Âm nhạc dân tộc Việt Nam đang bị đẩy vào bóng tối để nhường chỗ cho các loại nhạc trẻ hiện đại mang âm hưởng Tây phương. Vì sao dòng nhạc truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và chất chứa nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc, nay lại bị rơi vào quên lãng? Và làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam trong lòng thế hệ trẻ?

Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu trong loạt bài phỏng vấn với giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Khê, một chuyên gia có rất nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam. Ông cũng là thành viên danh dự của Hội đồng Âm nhạc Quốc tế thuộc UNESCO.

Với vốn kiến thức sâu rộng và tấm lòng yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam, sau hơn 50 năm định cư tại Pháp, Giáo sư Khê dự định sẽ trở về nước để truyền thụ sự am hiểu về âm nhạc và góp phần bảo tồn âm nhạc truyền thống.

Buổi nói chuyện hôm nay sẽ bàn về những giá trị độc đáo của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Trước tiên, giáo sư Trần Văn Khê cho biết đánh giá của mình về nền âm nhạc cổ truyền:

GS Trần Văn Khê: Âm nhạc dân tộc Việt Nam đối với tôi có một giá trị thật lớn về chủ quan và khách quan. Bởi vì âm nhạc Việt Nam có những cá tính mà có thể không tìm ra đưọc ở những nền âm nhạc khác.

Mặc dù ở trong Á Châu, cạnh các nước Đông Á và Đông Nam Á, nhưng âm nhạc dân tộc Việt Nam không thể bị lầm lẫn với âm nhạc của Trung Quốc hay của Triều Tiên, Nhật Bản, hay Thái Lan, mà nó có 1 cá tính. Vì thế đối với tôi âm nhạc dân tộc Việt Nam có giá trị về khoa học-nghệ thuật rất cao....

Trà Mi: Những nét cá tính mà giáo sư vừa đề cập là gì thưa giáo sư?

GS Trần Văn Khê: Thứ nhất là những nhạc cụ nhạc khí dùng tuy phần lớn là từ bên Trung Quốc mang sang, nhưng đã từ 6-7 trăm năm nay đã được thích nghi theo thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam. Cho nên đã biến thành nhạc cụ nhạc khí Việt Nam với các thủ pháp riêng biệt của Việt Nam.......

Trà Mi: Thưa, xin phép hỏi giáo sư âm nhạc dân tộc Việt Nam mình có những nhạc cụ nào được coi là độc đáo, đặc biệt đối với thế giới, và vì sao được đánh giá là đặc biệt. Xin giáo sư giới thiệu thêm.

GS Trần Văn Khê: Nước Việt Nam có rất nhiều nhạc cụ đặc biệt mà trên thế giới không bao giờ có được, điển hình như Trống Đồng....

Ngoài ra có những cái đàn rất độc đáo như đàn bầu, mà đặc biệt nhất có lẽ là cây đàn đáy chuyên phụ hoạ cho ca trù...

Những nét đặc biệt của âm nhạc dân tộc không chỉ trong nhạc cụ, nhạc khí mà còn cả trong những thủ pháp dùng để đánh những nhạc khí đó....

Trà Mi: Vâng, thưa giáo sư nói rõ hơn về những nét đặc biệt trong thủ pháp như thế nào ạ?

GS Trần Văn Khê: Chẳng hạn cách đánh phách của ca trù là trên thế giới không bao giờ có ai có : một tiếng cao tiếng thấp, tiếng trong tiếng đục, tiếng tròn tiếng dẹp, tiếng dương tiếng âm.....

Trà Mi: Bàn về thang âm điệu thức thì âm nhạc Việt Nam có những bản sắc gì riêng biệt thưa giáo sư?

GS Trần Văn Khê: Những chữ nhạc không phải tĩnh và đóng như phương Tây, mà nó động mà mở.....

Tôi cho đó là ưu điểm trong tiếng nhạc của Việt Nam nghĩa là tiếng nhạc nó biến chuyển, nó hạp với nguyên tắc về triết học tức nguyên tắc dịch lý....

Trà Mi: Rất cảm ơn giáo sư đã cho biết những kiến thức khái quát về âm nhạc dân tộc và những nét đặc sắc trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Quý vị vừa nghe phần 1 bài nói chuyện về âm nhạc dân tộc của giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Khê, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về âm nhạc dân tộc. Trong chương trình kỳ sau, mời quý vị đón nghe những đánh giá của giáo sư Trần Văn Khê về tình hình sinh hoạt âm nhạc dân tộc hiện nay trong nước.