GS Trần Văn Khê nói chuyện Giáo dục Âm nhạc cho trẻ em

Vietsciences-Trần Văn Khê      21 tháng 10/2004
   

Người Việt tại Pháp rất quan tâm  đến vấn đề giáo dục âm nhạc cho trẻ em 

Hai chủ nhựt liền, ngày 1O/10/04 tại Phật đường Khuông Việt, và ngày 17/10/04 tại Ngày Văn hoá Việt Nam do Hội Dược sĩ Việt Nam tại Pháp tổ chức, tôi được mời đến để nói chuyện về việc tôi thể nghiệm chương trình đem nhạc dân tộc dạy cho trẻ em cấp tiểu học tại Việt Nam trong mùa Hè vừa qua. .

         Tôi rất ngạc nhiên, vì thường các Hội mời tôi nói chuyện,  thích nghe minh hoạ dân ca cổ nhạc, xem các chương trình văn nghệ trong nước mà bên nầy ít có dịp được nghe. Nay lại muốn biết cách dạy nhạc trong cấp tiểu học là một đề tài có liên quan tới giáo dục, sư phạm, đượm màu học thuật hơn là có tánh chất nghệ thuật. Vậy mà số người đi nghe lại đông hơn thường, theo lời các ban tổ chức.

         Tại Phật đường Khuông Việt, thì ngoài một số Phật tử cao niên, có một số trí thức thường dự những buổi nói chuyện về văn hoá Việt Nam, như Ea Sola nói về những cách biên đạo múa đương đại mà dùng chât liệu múa trong truyền thống chèo Việt Nam, Đặng Nhật Minh nói về điện ảnh Việt Nam, tôi nói về những nét đặc thù trong vở tuồng Lộ Địch của Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, hay buổi nói chuyện và ngâm thơ của Tôn nữ Hỷ Khương v.v..

         Hội Dược sĩ thì hằng năm thuờng tổ chức Ngày Văn hoá Việt Nam. Cách đây 6 năm tôi đã đến nói chuyện về đề tài Những cái hay trong Âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi vừa thuyết trình vừa minh hoạ bằng những câu hò, điệu Lý,  đờn cò đờn tranh, ngâm thơ, ca cổ .

 Năm nay, tại đây, hay trong Phật đường Khuông Việt, tôi chỉ giới thiệu  cách dạy học nhạc dân tộc khác hẳn với cách dạy từ xưa đến nay :

- không theo phương pháp học đọc đô rê mi, mà căn cứ trên cách dạy truyền thống trong một lớp học biến thành phòng chơi, dụng cụ để dạy học như phách, trống, thanh tre thành những món « đồ chơi » ,

- giáo viên không độc thoại, mà là một cuộc đi thoại không ngừng giữa Thầy và trò         

- dạy hát trước khi dạy ký âm và đọc ký âm,

- truyền khẩu, truyền ngón chớ không dạy đọc ký âm theo phương Tây Đô, Rê, Mi ,

- huấn luyện lỗ tai và trí nhớ trước khi huấn luyện con mắt và bàn tay phản xạ theo tín hiệu trong bản ký âm ghi trên giấy hay trên bảng đen,

- dạy tiết tấu, nhịp phách truớc khi dạy giai điệu, bài hát,

- đánh trống miệng trước khi đánh trống thiệt,

- gợi cho trẻ em sáng tạo hay tái tạo nững bài ca dao, đặt lời cho những bản nhạc nhỏ trong truyền thống..

 

 Từ câu:

Chuồn chuồn có cánh thì bay

Có thằng nhỏ bé thò tay bắt chuồn

Các trẻ em đã biết đặt những câu khác :

 Có thằng cao nghệu thò tay bắt chuồn

rồi đến

Có thằng lùn xịt , có thằng mập ú, có thằng ôm nhách, có thằng bụng bự thò tay bắt chuồn….

 Thính giả nghe nói vỗ tay tán thưởng. Và khi cho chiếu phim video ghi hình lại các em trả lời những câu hỏi về nhịp đôi, nhịp tư trong chèo, về các nhạc khí, đờn kìm (đàn nguyệt) hay đàn tỳ bà v.v… câu trả lời chính xác của các em bé làm mấy người thính giả chảy nước mắt và gặp tôi có ngưòi nói : « Mấy đứa nhỏ trả lờì nhiều câu cho hỏi tôi, tôi cũng chịu thua, không trả lời được ».

         Thuyết trình trong 30 phút, chiếu phim video trong 30 phút, mọi người đều thích thú và hỏi tôi có định phổ biến phương pháp dạy nầy một cách rộng trãi không. Tôi rả lời như đã trả lời cho các báo : «Tôi đã gieo hạt giống. Nếu gặp được mảnh đất phì nhiêu, nhiều người ra tay vun tưới thì sẽ có cây xanh, hoa tươi trái ngọt. Nếu đất cằn cỗi, nếu không ai chăm sóc thì hột giống sẽ chết trong lòng đất. Tôi rất muốn phổ biến, nhưng việc đó ra ngoài tầm tay và quyền hạn của tôi»

         Thính giả hôm nay rất đông, và Ban tổ chức nhận thấy có một em bé 8 tuổi được cha mẹ dẫn theo đế nghe nói chuyện về cách dạy nhạc cho trẻ em từ  8 đến 12 tuổi tạiViệt Nam. Và có một bà cụ 1O2 tuổi. Tôi có một người bạn, nữ bác sĩ, năm nay 99 tuổi, mới vừa bị gãy tay, cũng đến nghe . Nhiều bạn không gặp được tôi, vì sau khi tôi nói xong, tôi về trước , đã gọi điện thoại khen các em nhỏ Việt Nam đ ã biết rõ những điều mà các bạn đó ngày trước không được biết . 

   Lần nầy, các bạn trong Ban tồ chức hoặc có xem truyền hình Việt Nam qua đài VT4, có chương trình tôi dạy trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ 8 đến 12 tuổi, biết đánh trống, xướng âm theo truyền thống Việt Nam, hoặc đã đọc trong báo Tuổi Trẻ bài gìới thiệu cách dạy nhạc mới và thuật lại buổi bọc của trẻ em cấp tiểu học tại trường Trần Hưng Đạo, hay gần đây, nghe ông Giám đốc Đài RFI tại Pháp, chương trình tiếng Việt phỏng vấn tôi về phương pháp sư phạm của tôi đề xướng và áp dụng trong Lớp tập huấn  thể nghiệm do tôi điều khiển tại Thành Phố Hồ Chí Minh trong mùa Hè vừa qua, nên hiếu kỳ muốn biết thêm chi tiết về cuộc thể nghiệm đó. Ai cũng ngạc nhiên và thích thú khi thấy kết quả rất tốt .

         Tôi thầm mong ước rằng có những vị có trách nhiệm trong ngành Giáo dục Đào tạo có dịp biết rõ cuộc thể nghiệm vừa qua, và có những phản ứng mạnh mẽ và sôi nổi như các các bạn Việt Nam tôi đã gặp, để cho không phải chỉ có 20 em trong trường Trần Hưng Đạo đã dự lớp tập huấn vừa qua biết được những điển cơ bản về âm nhạc truyền thống Việt Nam mả tầt cả trẻ em trong nước, từ Bắc chí Nam đều có một số kiến thức khái quát mà chính xác về âm nhạc dân tộc Việt Nam và khi hiểu biết rồi sẽ thương yêu vốn dân tộc, học hỏi, luyện tập và giữ gìn vốn cổ cha ông chúng ta đã để lại. Để mất đi thì ngàn vàng không thể mua lại được.

 

© http://vietsciences.free.fr  Trần Văn Khê