
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi đã từng
ước mơ thực hiện một chuyến viễn du, đem âm nhạc truyền thống Việt Nam giới
thiệu cho thế giới, không phải bằng băng từ, bằng thiết bị máy móc mà bằng
chính người nghệ sĩ Việt nam, bằng xương, bằng thịt, bằng hơi thở. Cuối
tháng 09/2006, giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Tôi đã cùng những nghệ sĩ
trong nước mang các tiết mục thuần Việt, thuần khiết truyền thống mà người
dân nước Ý xem như một chân dung của âm nhạc Việt Nam. Tôi biết Việt Nam
cũng đã từng tổ chức biểu diễn ở hải ngoại những chương trình hoành tráng,
qui mô nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam, nét tươi trẻ của con người Việt
Nam. Nhưng những lần biểu diễn này theo tôi vẫn còn hòa lẫn ít nhiều văn hóa
mới, phong cách mới, trong thời đại mới. Ngoài ra, nếu có chương trình âm
nhạc truyền thống thì chỉ biểu diễn một bộ môn như đàn tài tử (1993), ca trù
(1994), ca Huế, nhã nhạc cung đình Huế (1994), quan họ Bắc Ninh (một nhóm
nhỏ)... Những lần biểu diễn này thường là một vài
nghệ sĩ lẻ tẻ biểu diễn một số tiết mục giới hạn. Qui mô tổ chức thì theo
phương Tây có nghĩa là khán thính giả theo dõi tiết mục như đã ghi trên tờ
chương trình in sẵn, không có cắt nghĩa xen lẫn vào chương trình biểu diễn.
Về nước, tôi thấy ước mơ của tôi càng xa, càng khó thực hiện vì những chương
trình về âm nhạc truyền thống thường ít dược khán thính giả để ý mặc dầu vé
vào cửa là miễn phí. Nếu chờ đợi ngân quĩ từ trong nước thì với hoàn cảnh và
khả năng của đất nước Việt Nam vừa ra khỏi thời kỳ khó khăn thì không thể
nào tìm đủ ngân quĩ để gửi một đoàn trên 60 diễn viên ra nước ngoài, tiền vé
máy bay và ăn ở tại một khách sạn quốc tế cho cả đoàn trên một tuần lễ.
Ở Torino hàng năm đều có Liên hoan cổ điển phương Tây và Jazz và năm 2006 là
lần thứ 26 tổ chức tại đây. Khi được ban tổ chức của Liên hoan âm nhạc cổ
điển phương Tây và Jazz cho tôi biết rằng liên hoan này mỗi năm đều có một
lần và chỉ 5 năm sau cùng, Ban tổ chức muốn cho khán thính giả có một cái
nhìn về châu Á nên mỗi năm đều mời nghệ sĩ của một nước châu Á giới thiệu về
chương trình âm nhạc thuần truyền thống của đất nước đó như Ấn Độ, Ả Rập,
Indonesia, Campuchia và Ba Tư. Năm 2006, đến lượt nước Việt Nam được vào
danh sách mời. Nhưng vì Ban tổ chức có nhiều người
biết rõ công việc làm của tôi nên đề nghị tôi cho phép họ dịch ra tiếng Ý
cuốn sách Âm nhạc truyền thống Việt Nam do Viện
nghiên cứu với phương pháp đối chứng tại Bá Linh xuất bản, do nhà Buchet
Chastel in ấn và phát hành dưới sự bảo trợ của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc
thuộc UNESCO. Đồng thời, Ban tổ chức đề nghị tôi làm cố vấn nghệ thuật cho
một chương trình giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam từ ngày 17 đến
24/09/2006. Ban tổ chức nhấn mạnh vào điểm âm nhạc thuần truyền thống không
đổi mới (musique traditionnelle authentique, non- acculturée). Tôi đã nhận
lời và đã viết thư cho một số cơ quan hữu trách của Việt Nam, thì đã được sự
đồng ý. Một khó khăn khác là tuy Ban tổ chức muốn có nhiều bộ môn nhưng ngân
quĩ không cho phép số lượng nghệ sĩ nhiều hơn 60 người. Vì thế phải có sự
tuyển chọn những nghệ sĩ đa năng có thể biểu diễn nhiều bộ môn và lựa những
trích đoạn tuy điển hình nhưng không khó hiểu cho người ngoại quốc.
Số nghệ sĩ tham gia chương trình có thể chia ra làm bốn nhóm:
- Nhóm miền Bắc thì ngoài các nghệ nhân Ca trù còn có nghệ sĩ chèo và chầu
văn ( hát văn có múa)
- Nhóm miền Trung có cả đoàn nhã nhạc cung đình Huế gồm đủ Đại nhạc, Tiểu
nhạc, Ba vũ đầy đủ ca vũ nhạc cung đình.
- Nhóm miền Nam với ban Nhạc lễ ( đủ cả phe văn, phe võ) và ban Nhạc tài
tử).
- Nhóm Tây nguyên có nhóm cồng chiêng dân tộc Ê-đê.
Tôi rất sung sướng là Ban tổ chức đã nhanh chóng chấp thận mọi đề nghị của
tôi là cố vấn nghệ thuật đặc biệt.
Ngày 18/9, từ 17 đến 19 giờ có một buổi dành riêng cho tôi giới thiệu tổng
quát về âm nhạc truyền thống Việt Nam, có minh họa bằng những trích đoạn của
mỗi bộ môn. Hôm đó, ba chuyên gia người Ý ông Livio Aragona, ông Giovanni
Giuriati và ông Enzo Restagno cùng ngồi trên bàn chủ tọa với tôi để nói cho
khán giả người Ý biết quan điểm của Ban tổ chức về toàn bộ chương trình biểu
diễn của đoàn Việt Nam, đồng thời họ cũng là người phiên dịch những lời
thuyết trình của tôi bằng tiếng Pháp sang tiếng Ý tuy rằng 80% khán giả ở
đây đều hiểu tiếng Pháp Cả ba người đều nói lên sự chờ đợi của các nhà
chuyên gia và công chúng Ý tại thành phố Torino về buổi biểu diễn này của
đoàn Việt Nam đồng thời ba vị đều nồng hậu giới thiệu quyển sách về âm nhạc
truyền thống Việt Nam của tôi vừa được dịch sang tiếng Ý. Quyển sách này
được giới thiệu và bày bán rộng rãi trên quầy.
Trong bài thuyết trình của tôi, ngoài các bộ môn sẽ được biểu diễn, tôi có
nhắc đến âm nhạc truyền thống dân gian gắn liền với cuộc sống hằng ngày của
người Việt Nam từ lúc sơ sanh đến lúc trở về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi minh
họa một câu hát ru, một câu hò cấy và nói sơ qua về những câu hò, điệu lý,
những bài đối ca nam, nữ; những loại nhạc có liên quan đến tín ngưỡng và tôn
giáo. Tôi cũng có nhấn mạnh vào điểm đây là lần đầu tiên mà nhóm nhạc lễ
miền Nam đi trình diễn tại nước ngoài. Ngoài ra nhân dịp này, tôi cũng đã
giới thiệu các lãnh vực văn hóa nước ta để khơi lên trong lòng người dân Ý
sự tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.
Chưa có bao giờ mà các nghệ sĩ Việt Nam cũng như người dẫn chương trình phải
làm việc trong thời khóa biểu dày đặc như vậy:
Từ 14 giờ đến 16 giờ 30 có khi đến 17 giờ tổng dợt
Từ 17 giờ đến 18 giờ : nghỉ và ăn nhẹ
Bắt đầu sau 18 giờ là chương trình biểu diễn đến 19giờ 30 được nghỉ giải
lao.
Từ 21 giờ tiếp tục đến 22 giờ 30 có khi khuya hơn vì sự hâm mộ của khán gỉa.
Đối với tôi, vui nhứt là Ban tổ chức chịu cho tôi thời gian để giải thích
rành rẽ về các điệu thức trong nhạc tài tử: hơi bắc, hơi quãng, hơi hạ,
hơi xuân, hơi ai khác nhau thế nào và trong lúc biểu diễn, tôi có mặt
trên sân khấu để nói cho khán gỉa biết lúc nào từ nam xuân, chuyên
sang nam ai. Thật ra trong nước có lẽ khán thính gỉa chưa có dịp biết
qua những bài nghinh thiên tiếp giá, những bản nhạc dùng trong các cuộc lễ
tế như bồng ba, bồng tư, đánh thét, tiền bần hậu phú mà tôi có dịp
giới thiệu rõ ràng trên sân khấu rạp Gobetti cho thính gỉa người Ý cũng như
cách đánh trống nhạc lễ đánh tối, đánh sáng, đánh âm, đánh dương như thế
nào. Sau buổi nói chuyện và kể cả các buổi sau, thính giả đều rất thích thú
đến nói với chúng tôi là chương trình âm nhạc Việt Nam không phải chỉ để
nghe chơi cho vui tai nhìn cho đẹp mắt mà còn mang cả thông điệp văn hóa của
cả nước Việt Nam. Tuy là lần đầu được thưởng thức mà các bạn còn muốn có dịp
nghe đi nghe lại nữa. Chúng tôi cho rằng đó là phần thưởng rất lớn ngoài
những tràng pháo tay nồng hậu.
Trong bốn ngày từ 19 đến 22/9, mỗi ngày là chương trình biểu diễn của một bộ
môn. Ngày 19 là cồng chiêng Tây nguyên do Giáo sư Tô Ngọc Thanh, trưởng đoàn
Cồng chiêng Ê-đê và các chuyên gia ánh sáng và âm thanh lo cho 2 suất biểu
diễn này. Nhờ sự can thiệp của Giáo sư Tô Nhọc
Thanh đề nghị loại ra khỏi chương trình những tiết mục cải biên, chương
trình giữ được trọn vẹn nét truyền thống của bộ môn từng được UNESCO công
nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Khán giả thú vị vì đây là một bộ
môn nghệ thuật hoàn toàn lạ đối với họ, tuy không hiểu rõ những nét tinh tế
của nghệ thuật vì không có sự giải thích, nhưng sau buổi biểu diễn nhiều
khán giả đã lên sâu khấu xin chữ ký và chụp ảnh chung với nghệ sĩ. Ban tổ
chức cũng rất thỏa mãn khi giới thiệu được với người dân địa phương một bộ
môn nghệ thuật từng được thế giới công nhận là kiệt tác.
Ngày 20 là phần trình diễn của đoàn chèo, ca trù và chầu văn. Các nghệ nhân,
nghệ sĩ biểu diễn rất hay. Tôi được may mắn Ban tổ chức chẳng những chấp
nhận mà yêu cầu tôi diễn giải tường tận các bộ môn và có mặt luôn trên sân
khấu để lúc nào tôi thấy cần thiết thì thêm những lời bình luận trong lúc
nghệ sĩ đang biểu diễn, có ông Fluvio Albano dịch liền ra tiếng Ý, thành ra
khi Thị Mầu trả lời cho tiếng đế nhà tao có 9 chị em mà tao là chín chắn
nhất đấy, miệng nói mình chín chắn trong khi đó tay lại vuốt ve vai nhà sư,
khán giả hiểu được sự tương phản giữa lời nói và động tác nên cười rộ lên.
Khi giới thiệu Suý Vân làm các động tác kéo chỉ luồn kim, tôi có nhấn mạnh
là (nhà kịch câm) nổi tiếng thế giới Marcel Marceau đã thừa nhận đây là một
trích đoạn rất tuyệt vời. Khán giả cũng đồng tình với nhận xét này bằng cách
vỗ tay nhiệt liệt.
Đoạn Thầy Pháp độc tấu 3 cái trống và đối tấu với dàn nhạc được hoan nghinh
nhiệt liệt.

Ca Trù
Về phía Ca trù,
tôi có dịp giới thiệu trong chi tiết những nét đặc thù của cây đàn đáy, của
cổ phách, của phách cái, phách con,
tiếng dương tiếng âm, của tiếng trống chầu vừa tham gia biểu diễn bằng
cách chấm câu, vừa khích lệ nghệ sĩ bằng những tiếng trống khen đúng chỗ.
Khi tôi nói nếu đàn và hát hay có thể đánh hai tiếng tom (song châu, nghĩa
là hai giọt nước mắt), nếu hát thật hay thì đánh bốn tiếng tom (liên châu,
lệ nhỏ liên hồi), thì đến lúc biểu diễn, có đoạn nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi
cầm chầu đánh liên tục bốn tiếng thì khán giả biết rằng đoạn đó rất hay và
sau buổi biểu diễn họ đã nói với tôi rằng đã bắt đầu hiểu qua về Ca trù.
Đến phần Chầu văn, tôi có giới thiệu cho khán giả biết rõ rằng màu xiêm y
liên quan đến những Thánh mẫu khác nhau, chẳng hạn như Mẫu thoải (từ chữ
thủy mà ra) thì mặc áo trắng, Mẫu Thượng ngàn mặc áo xanh lá cây, Mẫu Thượng
thiên mặc áo đỏ, thì hôm đó khi hầu giá Cô đôi Thượng ngàn khán giả thấy mặc
áo xanh là đã biết đó là một tiên thánh thuộc về rừng núi. Khán giả rất
thích thú khi thấy một bộ môn nghệ thuật trong đó có hát, có đàn, có múa và
xiêm y lộng lẫy của bà đồng và của các cô hầu giá. Nhịp điệu lại có vẻ thúc
giục khiến người nghe cũng muốn đứng dậy múa theo và sau khi lên đồng múa
mâm vàng, Cô đôi Thượng ngàn đi xuống khán giả phát lộc thì ai cũng mong
nhận được lộc, cho thấy có sự giao lưu trực tiếp giữa diễn viên và khán giả.
Ngày 21 đến phần biểu diễn của nhạc tài tử và nhạc lễ miền Nam. Tôi lần lượt
giới thiệu trong chi tiết các nhạc khí dùng trong hai bộ môn này và nói rõ
thêm về các điệu thức, điệu Bắc tươi vui, điệu Nam thanh thản, điệu Ai hơi
buồn và điệu Oán nghiêm trang thể hiện nỗi buồn thấm thía. Tôi minh họa các
thang âm điệu thức cho khán giả có một khái niệm rồi đến khi đờn liên tục ba
bài Nam xuân, Nam ai và Đảo ngũ cung, mỗi khi sắp chuyển từ Nam xuân qua Nam
ai hay Nam ai qua Đảo ngũ cung, tôi báo trước. Các nhà nghiên cứu vô cùng
thích thú thấy rõ những điểm khác nhau đúng như lời giới thiệu.
Về phía Nhạc lễ, khán giả biết phe văn và phe võ là thế nào, khi đánh bài
Nghinh thiên tiếp giá hay Bồng ba bồng tư, tiền bần hậu phú, mỗi lần tôi đều
báo trước chức năng của những bài đó trong các cuộc lễ tế. Ban nhạc lễ biểu
diễn rất hay và đặc biệt là gây ấn tượng với Ban tổ chức đến độ họ cho biết
có ý định mời nhóm Nhạc tài tử và Nhạc lễ miền Nam trở lại Ý trong một dịp
khác. Theo Ban tổ chức thì các chương trình chèo, ca trù và chầu văn vừa hay
vừa lạ lại không đòi hỏi số đông diễn viên nên sẽ dễ dàng để được mời đi
biểu diễn xa.
Đêm cuối cùng là
Nhã nhạc cung đình Huế, được Ban tổ
chức trân trọng sắp xếp diễn tại thính đường lớn của Nhạc viện Torino sức
chứa cả ngàn khán giả. Hôm đó khán phòng không còn một chỗ trống - với sự
hiện diện của nhiều quan chức của thành phố - tuy đông đúc nhưng không khí
vẫn trang nghiêm. Phóng viên các hãng thông tấn, báo chí và truyền hình cũng
đông hơn. Về phía đoàn Việt Nam thì buổi biểu diễn đêm đó cũng có phần đặc
biệt hơn các buổi trước, từ số lượng diễn viên đông đảo đến xiêm y màu sắc
rực rỡ, nhạc cụ phong phú, lại có thêm nhiều diễn viên trẻ đẹp.
Nhưng có điểm khó khăn cho tôi là theo truyền thống của Nhạc viện tôi chỉ
được phép giới thiệu ngắn gọn trong vòng từ 10 đến 15 phút đầu chớ không
được chen vào trong phần biểu diễn. Các nội dung về những tiết mục biểu diễn
được in sẵn trong tờ chương trình bán cho khán giả với giá 1 euro để đọc
trước khi xem biểu diễn.
Đây là một điều khó cho tôi, bởi trong 15 phút đã phải mất một ít thì giờ để
chào mừng quan khách và cám ơn chính quyền cũng như Ban tổ chức tạo mọi
thuận lợi cho đoàn nghệ thuật Việt Nam sang đây biểu diễn. Tôi cũng nhấn
mạnh không thể không nói dài dòng đôi chút để giới thiệu một bộ môn nghệ
thuật được công nhận là di sản thế giới, có chiều sâu của nghệ thuật và bề
dày lịch sử như nhã nhạc cung đình, đồng thời trích dẫn câu nói của Romain
Rolland Âm nhạc dầu ai nói gì thì cũng chưa phải là một tiếng nói đại đồng,
phải cần cái cung của tiếng nói để bắn mũi tên âm thanh vào lòng người nghe.
Sau đó, tôi giới thiệu tóm tắt các tiết mục biểu diễn đêm đó gồm đại nhạc,
tiểu nhạc, và những điệu ca múa cung đình.
Tuy phần giới thiệu sơ lược như thế nhưng nhờ khán giả đêm ấy có chọn lọc
nên mọi người vẫn thưởng thức trọn vẹn những nét đặc sắc của nhã nhạc cung
đình và vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh sau mỗi tiết mục, nhứt là màn múa
Lục cúng hoa đăng.
Ngoài sự hoan nghênh thường lệ, tôi rất xúc động khi có nhiều giáo sư chuyên
môn nghiên cứu âm nhạc, kịch nghệ đến cám ơn cả đoàn và nói riêng với tôi
rằng tất cả các chương trình đều có những nét đặc thù và hôm nay là lần đầu
tiên các vị ấy đã khám phá giá trị nghệ thuật của âm nhạc truyền thống Việt
Nam, không phải đây chỉ là những chương trình để khán giả đến mua vui trong
chốc lát cho thỏa tánh tò mò mà các bộ môn đều mang một thông điệp văn hóa
của âm nhạc Việt Nam.
Sau khi chương trình chấm dứt, Ban tổ chức lên sân khấu tặng một bó hoa lớn
cho tôi là người đại diện đoàn nghệ thuật Việt Nam. Tôi vừa chuẩn bị trở vào
hậu trường thì bỗng nhiên bốn nữ diễn viên trẻ trong trang phục cung nữ tiến
ra, mỗi người cầm trên tay một bó hoa trao tặng cho tôi 4 bó hoa, xem như
thay cho lời cám ơn của toàn đoàn.
Quả thật nếu chỉ nghĩ đến doanh thu thì chắc chắn số tiền chi ra để mời 62
nghệ sĩ, nghệ nhân từ Việt Nam xa xôi đến biểu diễn thì con số thu được cho
những buổi biểu diễn này là hoàn toàn chẳng đáng kể. Nhưng do ý muốn tìm
hiểu truyền thống âm nhạc của một đất nước xa lạ mà thành phố Torino đã sẵn
sàng chịu chi phí lớn lao này, đó là điều làm tôi ưu tư khi nghĩ đến thực
trạng âm nhạc truyền thống trong nước chưa được đãi ngộ đúng mức cũng như
chưa đựơc sự quan tâm của thính giả nước nhà.
©
http://vietsciences.org
và
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences2.free.fr
- Trần Văn Khê |