Đại triều nhạc và thường triều nhạc

Vietsciences-Vĩnh Phúc       15/03/2008   

 

Những bài cùng tác giả

1. Đại triều nhạc

Là loại nhạc dùng trong các đại lễ tại triều đình - lễ Đại triều, để phân biệt với các loại nhạc dùng trong các Miếu thờ, Đàn tế... Cũng như các triều đại trước, lễ Đại triều của triều đình nhà Nguyễn mang tính nghi thức nhiều hơn là tín ngưỡng, và không gian thường gắn với sân triều - sân điện Thái Hòa, Ngọ Môn... Ngoài những lễ Đại triều được tổ chức thường kỳ hàng tháng vào các ngày sóc, vọng (ngày mồng một và ngày rằm) là những cuộc Đại triều nghi không thường kỳ như lễ Đăng quang, lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ (sinh nhât của vua và Hoàng Thái hậu, Hoàng Thái phi...), lễ Tiếp sứ, và các đại lễ hàng năm như lễ Hưng quốc khánh niệm (Quốc khánh), tết Nguyên đán v.v...

Âm nhạc trong lễ Đại triều (Đại triều nhạc) vẫn bao gồm 3 thành tố như các loại nhạc khác:

Dàn nhạc

Theo Gs. Trần Văn Khê, đến năm 1832 (Minh Mạng thứ 13) Đại nhạc và Tế nhạc được dùng trong lúc có đại triều. Từ năm 1832 bỏ tế nhạc, có dàn nhạc Huyền nhưng chỉ để trưng bày mà không tấu nhạc. Hai ông Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề (Những Đại lễ và Vũ khúc của Vua chúa Việt Nam), có mô tả một cuộc lễ Đại triều đời Nguyễn, không rõ năm nào, đã cho thấy một danh mục dàn nhạc tham gia trong cuộc lễ, gồm :

         - Một tập hợp dàn nhạc gọi là Ty Bả lệnh giàn Nhã nhạc do nhạc sinh Hòa Thanh thự điều khiển.

         - Dàn nhạc huyền.

         - Thự Thanh Bình đội nhất, đội nhì, đội tam giàn 16 ca công.

         - Ty kỳ cổ đặt Đại nhạc (quân nhạc).

         - Ban Tiểu nhạc

         - Ty Nhã nhạc.

         - Bát âm.

 

Ban Đại nhạc và Tiểu nhạc trong lễ Đại triều ở điện Thái Hoà

 

Với danh mục dàn nhạc trên rất khó xác định đây là cuộc lễ Đại triều thuộc thời kỳ nào vì sự có mặt của tên dàn nhạc, tên tổ chức nhạc cung trong nhiều thời kỳ của vương triều nhà Nguyễn.

Trong một tài liệu về lễ Đại triều năm 1916 (khải Định năm thứ nhất) do Thượng thư bộ Lễ cung cấp,[1] cho ta thấy chỉ có Tiểu nhạcĐại nhạc tấu trong lễ Đại triều, còn các dàn nhạc có các nhạc cụ bát âm cổ, như  huân, trì, chúc, ngữ... thì hầu như chỉ để trưng bày. Điều đó, qua khảo sát một số tài liệu liên quan đến thiết Đại triều nghi thời kỳ này, chúng tôi thấy việc nhạc cụ chỉ trưng bày mà không tâú được sắp xếp trên các sân điện Thái Hòa, Cần Chánh, Phụng tiên đã trở thành một nghi thức. Bao giờ bên các hương án quan Võ cũng  sắp đặt một số vật dụng quy định theo thứ tự : “các tán, các lọng vàng, các huy hiệu, vũ khí bằng gỗ và các nhạc cụ”...hoặc cách gọi tên có khác đi như : “...bày một long đình che tàn vàng, lọng vàng, giàn nghi trượng, nhã nhạc” [2]

 

                  

                       Một biên chế Đại nhạc dưới thời Tự Đức

Nhạc chương

Đại triều là một danh từ chung để chỉ nhiều cuộc lễ lớn trong một tháng, trong một năm, hay những cuộc lễ trọng không thường kỳ diễn ra tại triều đình. Vì vậy, tùy theo nội dung của mỗi cuộc lễ mà có sự khác nhau về dàn nhạc cũng như nội dung bài bản diễn tấu.

Sách Đại Nam Hội điển Sử  lệ, quyển 99 có chép Nhạc chương mang chữ Bình gồm 5 chương khúc (chi chương) diễn tấu trong lễ Đại triều năm Minh Mạng thứ 11 (1830) mà Gs. Trần Văn Khê nêu dẫn trong công trình của ông là :

Lý bình - khi vua lên tòa.

Túc bình - khi các quan tề chỉnh.

Khánh bình - khi các quan triều bái.

Di bình - khi các quan bái tạ ơn vua.

Hòa bình - khi vua về cung.

Sách Những Đại lễ và Vũ khúc của Vua chúa Việt Nam có cho biết trong dịp lễ Tết Nguyên Đán ca sinh cũng hát 5 chương khúc trên. Tác giả không nói rõ vào năm nào dưới triều Nguyễn, nhưng căn cứ vào tổ chức dàn nhạc tấu lễ (Đại nhạc - Tiểu nhạc), thì có thể là từ thời Khải Định trở đi.

Trong lễ Ban sóc (phát lịch), tấu sáu chương khúc:

Hy bình - quan các tỉnh dâng biểu.

Thuận bình - các thuộc quốc bái tạ ơn.

Nguyên bình - quan Thiên văn dâng lịch.

Hàm bình - các quan tạ ơn vua khi được phát lịch.

Doãn bình - các quan mới thăng chức lạy tạ.

Xiển bình - các tân tiến sĩ tạ ơn vua.

 

Lễ Vạn Thọ Tứ tuần Đại khánh vua Minh mạng (1930) được tổ chức rất quy mô và trọng thể. Sau khi Đại nhạc tấu, vua lên ngự tọa thì ca sinh tấu Nhạc chương mang chữ Thọ gồm 6 chi chương theo tiến trình lễ như sau :

Nguyên thọ - khi vua ngự tọa, lễ quan đốt trầm.

Trinh thọ - khi quan văn võ làm lễ lạy mừng đức vua.

Vĩnh thọ - khi đọc ân chiếu.

Hi thọ - khi sứ thần chúc mừng và tiến phương vật.

Hiển thọ - khi các Thổ ty, Man cống tiến phương vật.

Tuy thọ - khi Lễ thành, vua về cung.

 

Theo Trần Văn Khê thì có thêm chương khúc Gia thọ khi các quan triều bái.

 

Múa

Lễ Ngũ tuần Hoàng Thái phi (thượng thọ) năm Khải Định thứ 2 (1917), ca sinh, vũ sinh múa hát chương khúc Sùng Khánh sau khi Khâm sứ đọc diễn văn chúc mừng và đáp từ của nhà vua ; hát chương khúc Tập Khánh khi vua  làm lễ dâng rượu chúc mừng Thượng thọ, và Bản khánh khi các quan lớn nhỏ, các Tôn thất, Tôn sanh, các công tử, các Thích Lý (gia tộc của Hoàng Thái phi), các Kỳ lão...vào bái lạy chúc mừng. Nhạc chương mang chữ Khánh, theo sách Đại Nam hội điển chỉ có 5 bài mang nội dung cầu mong hạnh phúc, trường thọ. Chẳng hạn như nội dung chương khúc Tập khánh, tấu khi vua làm lễ dâng rượu chúc mừng Thượng thọ sau :

Cầu mong cho những tháng ngày (của cha mẹ) quý báu (đối với con cái) còn hoài còn mãi.

“Trước thềm điện ngọc, chúng con cung kính dâng lên chén ngọc.

“Chúng con cung kính dâng lên trên khay bạc này thứ rượu ngũ sắc.

“Thềm mọc cỏ huyền chói lọi hình dáng của chín con rồng.

“Bầy con dòng Hán sung sướng xiết bao được chăm sóc mẹ hiền cao cả !

“Cháu con dòng Châu thật vô cùng đông đúc.

“Cầu mong cho hạnh phúc và vinh quang chồng chất.

“Cầu mong cho Thánh thể hưởng thọ vô biên”.[3]

 

Hưng quốc Khánh niệm là lễ Quốc khánh. Dưới triều Nguyễn, năm Khải Định thứ 4 lấy ngày 5 tháng 2 âm lịch làm tiết Hưng quốc Khánh niệm để tưởng nhớ công đức lập nước của vua Gia Long. Nhạc chương mang chữ Hòa với 6 chi chương được diễn tấu cùng với múa trong tiến trình lễ là :

Hàm hòa trong lễ Tham thần (hay nghinh thần).

Tường hòa trong lễ Hiến tửu.

Mỹ hòa trong lễ Hiến trà.

Túc hòa trong lễ Triệt soạn (hạ cỗ).

An hòa trong lễ Từ thần (tống thần).

Ưng hòa trong lễ Vọng liệu.

Lễ Đại triều thường kỳ trong tháng, như ngày mồng 1 và ngày rằm ( sóc, vọng) thường không có múa, nhưng các đại lễ Vạn thọ, Thượng thọ, Hưng quốc khánh niệm thì đều có các đội múa cung đình tham gia. Lễ Tứ tuần Đại khánh vua Minh Mạng năm thứ 11 (1830), trước lễ Dâng rượu ở điện Cần Chánh vũ sinh múa Bát dật điệu võ và điệu văn. Trong 3 tuần dâng rượu mừng thọ của các Hoàng tử, đại quan, đều có các nữ vũ sinh vừa múa vừa hát với trình tự sau :

Dâng rượu lần 1 : nữ vũ công tay cầm cành hoa xanh múa và hát chương khúc Hoằng phúc.

Dâng rượu lần 2 : cầm cành hoa đỏ múa và hát chương khúc Thuần phúc.

Dâng rượu lần 3 : cầm cành hoa vàng múa và hát chương khúc Sùng phúc.

Ngoài phần múa trong các tiến trình Lễ như trên, còn có phần trình diễn múa ở Phu văn lâu, nhà Thủy tạ với các điệu múa Hoa đăng, Trình tường tập khánh, Lục triệt hoa mã đăng; ở Thể lâu là các điệu múa Tẩu mã, Long phượng hiến thụy...[4]

Trong lễ Ngũ tuần Hoàng Thái phi năm Khải Định thứ 2, nữ vũ công cũng múa với cành hoa vàng và hát chương khúc Sùng khánh, Tập khánh...

 ***

Trong lúc mô tả theo trình thức, tiến trình của cuộc lễ, một số  tên bài bản và các lễ thức sẽ có sự trùng lặp xảy ra giữa loại nhạc này với loại nhạc khác. Vì vậy, chúng tôi xin lưu ý rằng: Mặc dù gọi Đại triều nhạc là nhạc dùng trong lễ Đại triều, nhưng cũng tùy theo cuộc lễ mà đôi lúc, lễ Đại triều chứa đựng cả 2 loại nhạc. Thí dụ: Lễ Vạn Thọ (sinh nhật vua), sau khi thiết Đại triều tại sân điện Thái Hòa, Ngọ Môn, thì trình thức tiếp theo sẽ là lễ thức Ban yến, dâng thọ tại điện Cần Chánh. Âm nhạc dùng trong lễ thức này lại được gọi là Yến nhạc, khác với nhạc lễ dùng ở điện Thái Hòa (Đại triều nhạc) nhưng lại nằm trong trình thức của lễ Đại triều nghi. Vì lẽ đó, khi giới thiệu loại Yến nhạc, sẽ phải một lần nữa nhắc lại tiến trình cũng như tên các bài bản...Cũng là trường hợp của Lễ Thánh Thọ (sinh nhật Hoàng Thái Hậu), đều thuộc lễ Đại triều nghi, nhưng lễ chính diễn ra đầu tiên tại điện Trường Ninh ở trong cung, sau đó mới lễ tại Ngọ Môn và 2 ngày sau mới thiết Đại triều ở điện Thái Hòa.[5] Âm nhạc, múa trong lễ chúc Thọ và thiết tiệc Tứ Yến ở trong cung tại điện Trường Ninh lại được gọi là Cung trung nhạc, chứ không gọi là Yến nhạc như trong lễ Vạn Thọ của nhà vua. Còn múa nhạc ở lầu Ngọ Môn và lễ nhạc trong thiết Đại triều ở điện Thái Hòa thì vẫn là Đại triều nhạc.

 

2- Thường triều nhạc

Là nhạc dùng trong lễ Thường triều. Thiết Thường triều vào các ngày 5, 10, 20, 25 hàng tháng ở điện Cần Chánh, mà chủ yếu là để giải quyết việc triều chính.

Gs. Trần Văn Khê chỉ cho biết lễ thường triều chỉ dùng dàn Tế nhạc, Gs. Nguyễn Thụy Loan cho biết thêm có 17 bài cơ bản của Tế nhạc sau này còn được dùng tới là : [6]

1. Làn thảm khúc 
2. Khiết giới khúc
3. Hồ ngạn
4. Hựu trường
5. Hồi ba
6. Vũ ba đăng
7. Xuân tình điểu ngữ
8. Ngọa nam dương    
9. Ngũ đối thượng.
10. Ngũ đối hạ.
11. Long đăng
12. Long ngâm
13. Đăng lâu
14. Tiểu khúc
15. Bắc xướng
16. Tẩu mã
17. Tam thiên khúc

 

                                                                  V.P

Trong 17 bài trên, hiện nay chỉ biết được và còn dùng 6 bài, là các bài số 9, 10, 11, 12, 14, và 16.

Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, trong lễ Thường triều có nhạc sinh dàn Nhã nhạc chia đứng hai hàng dưới sân rồng, nhưng sau đó thì lại là Bát âm nổi nhạc. Thời kỳ sau, Đại Nam hội điển cho biết chỉ dùng Tiểu nhạc. (www.freewebs.com/vinhphucms)hucms)

 


[1]  B.A.V.H,  Tập IV - 1917, tr. 73, 74

[2]  Xem các bài: Lễ Gia thượng tôn thụy; Lễ Thăng phụ; Lễ Đại triều. B.A.V.H tập IV-1917, và các bài Lễ Ngũ tuần của Hoàng Thái phi; Lễ Tôn vinh các Hoàng Thái Hậu. B.A.V.H, Tập 5-191; Lễ tấn tôn Hoàng Thái hậu Hoàng Thái phi đời Nguyễn của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Sđd.

[3]  Lễ Ngũ tuần của Hoàng Thái phi. B.A.V.H , Tập 5-1918. Sách đã dẫn, tr,145

[4]  Theo Đõ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Sách đã dẫn, tr. 387, 388, 389.

[5]  Tiến trình lễ trên theo tài liệu của Tập san B.A.V.H, tập 5-1918.

[6] Nguyễn Thuỵ Loan. Lược sử Âm nhạc Việt Nam. Nxb Âm nhạc ,1993, tr. 45. Hiện nay chỉ còn sữ dụng 6 trong số 17 bài trên.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Vĩnh Phúc