Từ Doraemon đến giáo phái Aum

Vietsciences-Hồng Lê Thọ     01/08/2009    

 

Những bài cùng tác giả


Người yêu thích điện ảnh không ai có thể nín cười khi thấy anh hề Charlot (Charlie Chaplin) lúng ta lúng túng trước trái bắp (ngô) bị đẩy dần vào miệng bất kể, càng khoái trá khi bát xúp đổ ập vào người anh ta do máy nâng hoạt động tréo ngoe trong bộ phim "Thời đại Hoàng kim" (Les Temps Modernes) ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ. Tác phẩm phê phán và chế diễu chủ nghĩa sùng bái kỹ thuật, xem phương tiện là cứu cánh vạn năng trong cuộc sống đã đưa tác giả, và anh hề Charlot lên làm bậc thầy của điện ảnh và chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn hóa nghệ thuật. Khó có thể tìm thấy một Charlot thứ hai, ý nhị và chua chát qua vai trò của một danh hài mang tính nhân văn cao cả. Nếu thế kỷ thứ 17 đã có Molière(1622-1673) với những kiệt tác bi hài kịch làm nền tảng sau này cho hiện thực phê phán trong văn học và sân khấu Pháp thì sang đầu thế kỷ 20 người ta đã có thêm Charlie Chaplin đem con người trong xã hội công nghiệp mới phát triển trở về với chính mình qua những hình ảnh sinh động vào thời kỳ bình minh của nghệ thuật thứ 7.

Qua trên 20 năm hồi phục và phát triển sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã trở thành một siêu cường nhất nhì trên thế giới về kinh tế; có một nền khoa học kỹ thuật khá đồng đều và tiên tiến, cuộc sống chen chúc theo nhịp điệu công nghiệp quay cuồng thì đời sống tinh thần lại rơi vào những cơn lốc, trống trải và quạnh hiu. Điều đó giải thích tại sao lớp người trẻ lớn lên vào những năm 70 dễ hấp thụ các loại văn hóa "chụp giựt", đọc hay xem đều nhằm mục đích thỏa mản những gì đang bị ức chế. Năm 1971 Doraemon (hay Đôrêmon theo cách gọi ở VN) của Fujio Fujiko ra đời đã đáp ứng được nhu cầu ấy của thị trường (market demands) và trong nhiều năm liền đã có hàng trăm triệu ấn bản trên nhiều nước. Chú mèo hoang bằng máy Doraemon là một sản phẩm của tưởng tượng, luôn cứu giúp cậu bé Nobita (nhân vật chính trong truyện) vượt qua bế tắc và đạt mọi ham muốn bằng phù phép khoa học giả tưởng không thể so sánh với những tác phẩm của Jules Verne (Pháp 1828-1905) nhưng lại rất sinh động và chọc đúng tâm lý của trẻ con, kích thích "quậy phá" bằng những kỹ thuật lạ đời biến hóa theo ý muốn. Có người cho rằng Doraemon là một nghệ thuật quảng cáo hàng điện gia dụng "Made in Japan" hết sức tinh vi vì các sản phẩm như tủ lạnh, máy điều hòa, hút bụi, TV... là những món hàng luôn được lồng vào nội dung. Thật khó có thể yên lòng khi thấy lứa tuổi thanh thiếu niên hiếu động, bắt chước thói hư tật xấu, tính tình láu cá và cả ngôn ngữ vỉa hè của Nobita. Đằng sau lưng của phù phép mà Doraemon được tác giả nhào nặn ấy là thái độ tôn vinh một loại chủ nghĩa kỹ trị, dễ bám sâu vào tâm hồn non nớt của tuổi thơ.
 


Là một xã hội vốn mang nặng ảnh hưởng của Nho giáo kết hợp với Thần đạo (Shinto), xem trọng cương thường và phép tắc tuyệt đối, người Nhật Bản rất trầm tĩnh và kín đáo trong quan hệ đối xử với nhau bao nhiêu thì sự hiếu động của thanh thiếu niên ngược lại bị đè nén, dồn ép trong cuộc sống ở gia đình và xã hội bấy nhiêu. Khó có thể tìm thấy trẻ em ở Tokyo lêu lổng ngoài đường phố, các cháu được đưa vào sinh hoạt có tổ chức và nề nếp trong câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao các loại một cách qui củ. Song song với điều tốt lành và lý tưởng ấy, chúng ta còn có thể phát hiện các em tập trung nhiều ở các quầy sách thiếu nhi, cắm cúi đọc lấy đọc để những tập tranh truyện "Siêu nhân", "Trừ gian diệt bạo" ngự trị bằng vũ khí, bạo lực khoa học siêu hình, ghê rợn. Đó là những mẫu người hùng phá phách, hung tàn núp bóng dưới một hình ảnh "cao thượng" kiểu cao bồi kiêu ngạo. Kế tiếp Đorêmon là những tác phẩm thuộc chủng loại này, như "7 viên Ngọc Rồng", "Thủy thủ Mặt trăng"... và hàng trăm tác phẩm tương tự, diễn ra hàng ngày trên các luồng thông tin đại chúng. Biến trẻ con thành một loại Robot trước máy điện toán, chỉ biết thụ hưởng qua sách báo một cách thụ động và sẵn sàng "nổi loạn" bất cứ lúc nào bằng bạo lực. Điều đó giải thích tại sao số trẻ em lười học, bỏ lớp và chạy theo khuynh hướng trộm cắp, hút sách ngày càng nhiều, thậm chí lao vào những cuộc chơi "nguy hiểm" như kết thành băng nhóm phá phách (đối với học sinh nam ) hay bán dâm, bỏ nhà ra đi trốn vào những "Câu lạc bộ màu hồng" (Pink Club) do giới kinh doanh xác thịt nữ sinh của Mafia Nhật Bản (Bạo Lực Đoàn - Boryokudan). Cuốn Sách Trắng về thanh thiếu niên Nhật Bản (1995) cho biết số nữ sinh dính líu đến các Câu lạc bộ mua bán dâm đã lên đến 36% ở Tokyo và 25% trên cả nước, tốc độ phát triển của nạn hút, chích các loại thuốc gây nghiện trong nhà trường, số trẻ em tự tử vì bất mãn đang trở thành một bệnh dịch trong tầng lớp trẻ.


Năm 1995 cả nước Nhật Bản đã bị khủng hoảng tinh thần đến cực độ khi bọn cuồng tín thuộc giáo phái Aum do Asahara Shoko cầm đầu ném hơi ngạt Sarin trong tàu xe điện ngầm Tokyo, vào khu chung cư của thẩm phán ở Nagano; mưu sát Tổng Cục Trưởng cảnh sát và giết hại nhiều gia đình có bà con đi theo đạo này liên tục. Là một "thầy lang" tàn tật (mù một bên mắt ) Asahara đã bày trò "tọa thiền" bay bổng trong không trung (??) để lôi cuốn hơn 10.000 thanh thiếu niên trên dưới 20 tuổi làm tín đồ, tập hợp ở "giáo đường" sống lang chạ và gây mê để "thoát tục" tập thể. Chúng lập ra các phân xưởng sản xuất vũ khí, hóa chất độc hại, bệnh viện tâm thần... và cả một "chính phủ" gồm nhiều "bộ", trong đó trang bị cả máy bay để phun hơi độc làm cho chúng ta thấy rõ hơn hậu quả của những tác phẩm tai hại vào tâm hồn trẻ em; con đẻ của chủ nghĩa kỹ trị đã phá hoại đến mức không ai có thể lường trước được. Không phải tình cờ hay ngẫu nhiên từ khi loạt phim hoạt họa kiểu "7 viên Ngọc Rồng" ra đời đến nay thì thế hệ sinh trưởng từ những năm 70 cũng vừa tròn 20 - 25 tuổi, bao nhiêu "biến hóa", "ma lực siêu phàm" mà giáo phái Aum đã bày ra rất phù hợp với nội dung "bạo lực" của các tác phẩm nêu trên. Sự lạc lõng, bơ vơ của những con người bệnh hoạn thuộc lứa tuổi này trong xã hội công nghiệp Nhật Bản đã thúc đẩy họ rơi vào tay của kẻ cuồng tín. Thật đáng sợ và khiếp đảm khi quái thai của chủ nghĩa kỹ trị được buông thả. Chưa bao giờ vấn đề thanh thiếu niên phạm pháp ở Nhật Bản trở thành một tệ nạn nghiêm trọng như hiện nay, cuộc chạy đua để phát triển đang để lại nhiều mối nguy cơ lâu dài. Ô nhiễm môi trường, môi sinh là vấn đề của những năm 70 vẫn chưa được giải quyết xong thì ô nhiễm tinh thần xói mòn truyền thống và bản sắc dân tộc của Nhật Bản đã ập đến trong những năm 90.

Ai đó cũng đã phát biểu rất hay rằng "Chớ lấy hoàng hôn của người làm bình minh cho mình", thật đáng ngại khi xã hội nước ta đang trong quá trình Hiện đại hóa, Công nghiệp hóa lại tràn ngập loại tranh ảnh "lợi" bất cập hại, mà nạn nhân lại là các cháu tuổi thơ hôm nay.


Hồng Lê Thọ


Bài đã dăng SGGP
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ