Rạng đông của lãnh đạo mới

Vietsciences- Cao Huy Thuần       17/12/2008 

 

Những bài cùng tác giả

Diễn văn Barack Obama tại Chicago-Anh-Pháp-Việt

Hai khẩu hiệu tranh cử đã đưa ông Barack Obama đến thắng lợi là "thay đổi" và "hy vọng". Trong khi chờ đợi ông lên nhậm chức, thế giới có thể hy vọng gì nơi thay đổi của nước Mỹ?

Câu trả lời nằm chính trong diễn văn đắc cử của tân tổng thống: một "rạng đông mới trong lãnh đạo". Nguyên văn: "một rạng đông mới trong lãnh đạo của nước Mỹ đang ở trong tầm tay". Đó là cam kết long trọng. Cam kết đó, ông gởi cho các lãnh tụ quốc gia và, đây mới là chuyện lạ, ông gởi đến cho cả "những người đang chen nhau để nghe quanh các đài phát thanh trong tận hang cùng ngõ hẻm bị bỏ quên khắp thế giới".

Câu nói kỳ lạ! Tin tưởng kỳ lạ! Chính những câu nói, những tin tưởng kỳ lạ đó đã làm nên hiện tượng Obama. Có ông tổng thống đắc cử nào trong lịch sử nước Mỹ lởn vởn trong đầu ý tưởng rằng dân cùng khổ trên khắp thế giới đang lắng tai hồi hộp nghe diễn văn đắc cử của ông? Phải là một Obama có cha ruột là thường dân ở xứ Phi Châu Kenya, có cha ghẻ là thường dân ở xứ Á Châu Indonesia, từng chung đụng với nghèo khổ của cùng đinh trong thế giới nghèo mạt, mới có cái ý nghĩ lạ lùng như thế ngay trong men say của chiến thắng, ý nghĩ rằng một tin thắng cử ở cái nước giàu mạnh nhất thế giới kia có liên hệ hữu cơ với dân khố rách trên khắp thế giới. Ông tân tổng thống nước Mỹ là thành phần của tập thể khố rách áo ôm!

Câu nói đó là phần nối dài của một tư duy sâu thẳm đã đưa ông Obama từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt thời gian tranh cử. Bốn năm trước đó, tại Đại hội của đảng Dân Chủ, trong một bài diễn văn khiến người ta bắt đầu biết đến ông, ông nói đến "niềm tin rằng chúng ta dính chặt với nhau như một dân tộc". "Chúng ta" ở đây hãy còn là da trắng và da màu. Xuyên suốt mùa tranh cử, ông không hề rời khỏi ý nghĩ căn bản đó. "Trong nước này, chúng ta đi lên hay rơi xuống như là một quốc dân, một dân tộc". Diễn văn đắc cử lặp lại: "Chuyện của mỗi cá nhân chúng ta là chuyện riêng, nhưng số phận của chúng ta là chia sẻ". Tiếp theo đó là "rạng đông mới của lãnh đạo Hoa Kỳ nằm trong tầm tay" và dân cùng khổ chen nhau nghe ông nói. Từ màu da khác nhau trong cùng một cộng đồng dân tộc, tập thể mà ông vươn tới là cộng đồng thế giới. Ông không nghĩ rằng nguồn gốc của phân biệt nằm nơi màu da ; nguốn gốc đó nằm trong bất bình đẳng giàu nghèo. Từ bất bình đẳng trong nước ông, ông vươn tới bất bình đẳng trên thế giới. Cả con người của ông, cả gốc gác của ông, cả máu huyết của ông, tất cả nơi ông đã tạo ra niềm tin đó, và ông truyền được niềm tin đó cho tập thể. Cho nên thế giới có lý do để tin rằng rạng đông mà ông cam kết nằm trong tâm khảm của ông.

Bất cứ ai viết về ngoại giao Hoa Kỳ đều nói: tổng thống thay đổi, lợi ích cốt tủy của nước Mỹ vẫn chừng ấy. Hồi 1945, tổng thống Truman đã phát biểu: "Hoàn cảnh thay đổi, nhưng bên dưới, những vấn đề trọng đại vẫn là những vấn đề ấy - thịnh vượng, phong phú, nhân quyền, dân chủ thực sự, và trên hết, hòa bình"(1).  

Dưới nét mực này hoặc ngòi bút khác, diễn văn đắc cử của các tân tổng thống đều xoay quanh chừng ấy đề tài. Phương thức lãnh đạo cũng vậy: khác nhau trên bề mặt, cũng chừng ấy tranh luận trong bề sâu. Vậy làm thế nào thế giới tưởng tượng ra được rạng đông của tổng thống Obama?

Tưởng tượng cái mới, tốt nhất là suy nghiệm trên cái cũ. Thế giới đã đổi khác từ khi Liên Xô tan vỡ, hãy lấy cái cũ gần đây làm mốc để xem cái mới có thể mới ở đâu, từ đâu, do đâu. Cái mốc ở đây là chính quyền Clinton, tổng thống đầu tiên đắc cử sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, đưa nước Mỹ lên địa vị bá chủ toàn cầu. Thế nào là "lãnh đạo" trong tình thế hoàn toàn mới đó?

Đây là trả lời của ông Warren Christopher, người nắm "chính sách ngoại giao mới" của tổng thống Clinton vừa đắc cử: "Lãnh đạo của nước Mỹ là nguyên tắc đầu tiên của chúng ta và cũng là bài học then chốt của thế kỷ này. Sự kiện đơn giản là nếu ta không lãnh đạo, không ai khác sẽ lãnh đạo. Thế giới đã thành ra gì nếu không có lãnh đạo của nước Mỹ trong vòng hai năm vừa qua?" Thành ra gì? Hỗn loạn về nguyên tử, hỗn loạn về mậu dịch, hỗn loạn về độc tài, hỗn loạn về chiến tranh. Rồi ông nói tiếp: "Lãnh đạo của nước Mỹ đòi ta phải tạo hậu thuẫn cho một nền ngoại giao bền bỉ bằng cách đe dọa dùng vũ lực thế nào để kẻ thù phải sợ và đòi hỏi ta phải hành động đơn phương khi cần thiết để bảo vệ lợi ích của ta. Ta không phải là sen đầm quốc tế, nhưng cam kết của ta và sức mạnh của ta có thể có tính quyết định. Và nếu ta quyết định gởi quân đội ra bên ngoài, ta sẽ gởi với một nhiệm vụ rõ ràng và với những phương tiện để thắng".

Lặp lại cho rõ và cho gọn: ngoại giao phải được hậu thuẫn bằng vũ lực, và vũ lực, nếu cần, có thể sử dụng đơn phương. Nguyên tắc ấy không lạ. Nước lớn nào mà không nói như vậy? Khi gặp vấn đề gì được xem là sống chết, nước lớn nào không dành quyền hành động đơn phương? Nước nhỏ cũng vậy thôi: có gì quý hơn độc lập, tự do? Huống hồ, ông Christopher cẩn thận nói rõ: đơn phương là biện pháp tối hậu, "lãnh đạo của Hoa Kỳ cũng đòi hỏi ta phải vận dụng sự ủng hộ của đồng minh, của bạn bè, của các tổ chức quốc tế để hoàn thành mục tiêu chung" (2) .  

Định nghĩa nói trên không mấy độc đáo. Vậy thì cái gì là quan trọng đàng sau định nghĩa thường thường bậc trung ấy? Cái này: nước Mỹ sẵn sàng can thiệp bằng vũ lực khi cần. Lời nhắn nhủ ấy gởi đến cho cả bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ. Bên trong, thất bại ở Việt Nam phải không còn đè nặng nữa trên dư luận và trên chính giới. Bên ngoài, quyết tâm của nước Mỹ phải được xem là thực. Hổ thật, không phải hổ giấy. Nước Mỹ của Clinton sẽ sử dụng vũ lực một cách thông minh hơn, hữu hiệu hơn, nhưng nước Mỹ cam kết dùng vũ lực để bảo vệ đồng minh và để bảo vệ quyền lợi thiết yếu của mình.

Vấn đề là: thế nào là quyền lợi thiết yếu của nước Mỹ? Nước Mỹ bảo vệ quyền lợi thiết yếu gì? Ở đây, nổi cộm lên một yếu tố trường cửu trong lịch sử nước Mỹ: ý nghĩ cho rằng Hoa Kỳ không phải là một nước giống như những nước khác ; Hoa Kỳ gánh một sứ mạng quốc tế. Đó là "biệt lệ" của nước Mỹ. Biệt lệ đó mang một trong hai hình thức, tùy quan điểm: hoặc Hoa Kỳ tách biệt ra khỏi thế giới để sáng chói như ngọn hải đăng của tự do và dân chủ; hoặc Hoa Kỳ không ngần ngại lao vào chiến tranh, như người lãnh đạo, để bảo vệ cho nhân loại được dân chủ, tự do. Ngôn từ hoa bướm chăng? Đừng ai nghĩ vậy: nếu các chính quyền Mỹ liên tiếp đã vận dụng được dư luận để lao vào chiến tranh, chính là vì niềm tin đó đã ăn sâu vào đầu óc của dân tộc Mỹ. Niềm tin đó cho phép tổng thống Kennedy không thấy một vướng mắc nào giới hạn vai trò của nước Mỹ trên thế giới: "Dù có ai muốn cho ta là tốt hay xấu, mọi quốc gia trên thế giới hãy biết rằng chúng ta sẽ trả bất cứ giá nào, chịu bất cứ gánh nặng nào, nhận bất cứ hy sinh nào, giúp bất cứ nước bạn nào, chống bất cứ kẻ thù nào, để bảo vệ sự trường tồn và thắng lợi của tự do."(3) Tự do của nhân loại nằm trong định nghĩa sứ mạng của nước Mỹ.

Thất bại ở Việt Nam đã làm lung lay niềm tin đó trong một thời gian, nhưng tin tưởng ấy, đã làm nên nước Mỹ, vẫn bền vững ở lại với nước Mỹ. Được củng cố nhờ chiến thắng chiến tranh lạnh, niềm tin đó được chính quyền Clinton vận dụng để can thiệp vũ lực vào Kosovo, dưới danh nghĩa Liên Hợp Quốc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Gánh trên vai một sứ mạng quốc tế, vậy thì nước Mỹ là một quốc gia hay là đế quốc? Câu hỏi đặt ra từ xưa, nhưng càng ngày càng được bàn cãi và trở thành thời sự nóng hổi với tổng thống Bush. Vào thời điểm đầu thế kỷ 20, tổng thống Theodore Roosevelt (1901-1909) không ngần ngại gọi đó là "chủ nghĩa đế quốc tiến bộ", trộn lẫn tham vọng thuộc địa, ý muốn cường quốc và thánh chiến dân chủ. Nhưng, nói chung, nước Mỹ không hề quan niệm, mà cũng không hề tự cho mình là đế quốc. Trong thực tế, nước Mỹ là đế quốc trước mắt phe chống đối, ở bên trong cũng như ở bên ngoài, nhưng đây là một thứ "đế quốc" mà cấu trúc cũng như ý thức hệ chẳng phù hợp tý nào với khái niệm đế quốc cổ điển, cũng như chẳng thích hợp gì với vai trò quốc tế của nước Mỹ. Điều mà giới chống đối gọi là "đế quốc Mỹ", đại đa số ở Mỹ xem như là chủ trương của nước Mỹ nhằm bảo vệ tự do mậu dịch và tự do dân chủ mà thôi.

Dù nghĩ thế nào đi nữa, hai đặc điểm vừa nói ở trên vẫn là hai yếu tố vĩnh cửu trong lịch sử nước Mỹ, hai yếu tố đã mang lại cho nước Mỹ một tâm thức đế quốc: biệt lệ và đơn phương. Biệt lệ tạo ý thức hệ cho hành động. Đơn phương là dứt điểm. Nước Mỹ càng mạnh, hai yếu tố đó càng trở nên hách dịch. Với tổng thống Bush, cả hai được nâng lên hàng chủ nghĩa. "Chủ nghĩa biệt lệ" cho phép ông làm chiến tranh để "thay đổi chế độ" ở một nước khác. "Chủ nghĩa đơn phương" cho phép ông bất chấp luật lệ quốc tế, tổ chức quốc tế, lợi ích quốc tế, bất chấp quan điểm của đồng minh, bất chấp đạo đức, tất cả đều phải đặt dưới lợi ích tối thượng của nước Mỹ. Hai biến cố đã giúp ông đưa đơn phương lên mức thượng đỉnh: tan vỡ của Liên Xô, khiến nước Mỹ không còn kẻ cạnh tranh ; tấn công khủng bố ngày 11-9, khiến an ninh của nước Mỹ có thể bị đe dọa từ khắp nơi trên thế giới. Kiêu căng, ngạo mạn, ngất ngưỡng trên đầu thiên hạ, nước Mỹ của tổng thống Bush từ bỏ chức năng "lãnh đạo nhân từ" ("benevolent leadership") mơ ước để trở thành một đế quốc vũ lực ngự trị bằng sức mạnh càng ngày càng trần trụi.

Chấm dứt thực trạng đó là cam kết của ông Obama. Toàn chiến lược tranh cử của ông dựa trên khẩu hiệu "thay đổi", ông cam kết thay đổi lãnh đạo trong chính sách ngoại giao. "Đổi mới lãnh đạo của nước Mỹ" là bài viết căn bản của ông trong lĩnh vực này trước khi thắng cử (4). Ông nói gì? Nói ngay: đừng tưởng ông chủ trương rút quân ra khỏi Irak là ông bồ câu! Mở đầu bài viết là vấn đề an ninh, và ông vinh danh ba tên tuổi tổng thống của đảng Dân Chủ: Roosevelt, Truman, Kennedy. Tại sao Roosevelt? Tại vì Roosevelt xây một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết. Tại sao Truman? Tại vì Truman tạo dựng một kiến trúc quân sự can cường để chống lại "đe dọa" của Liên Xô. Tại sao Kennedy? Tại vì Kennedy đã dùng sức mạnh để chứng tỏ khắp nơi trên thế giới rằng Hoa Kỳ đang độ sung mãn nhất. Vậy thì đừng tưởng rút quân ra khỏi Irak là nước Mỹ sẽ thu mình lại trong vỏ ốc! Ông Obama cảnh cáo: đe dọa ngày nay còn lớn hơn cả hôm qua, vừa đến từ khắp nơi, vừa mang nhiều hình dạng. Nước Mỹ của ông sẽ đối phó như các vị tổng thống kia đã đối phó, cương quyết và thành công. Nhưng nước Mỹ sẽ đối phó với một cung cách lãnh đạo mới: "Nước Mỹ không thể một mình đối phó với những đe dọa của thế kỷ này, và thế giới cũng không thể đối phó với những đe dọa đó mà không cần nước Mỹ". Tương quan đó làm nền tảng cho lãnh đạo mới.  

Từ đó, ba kết luận. Một là đối với đồng minh: liên hệ phải dựa trên hợp tác. Hai là đối với kẻ thù: vũ lực không loại trừ thương thuyết, đối thoại. Ba là đối với thế giới: nước Mỹ và thế giới là một cộng đồng. Kết luận thứ ba này được nêu ra ngay từ hàng đầu của bài viết, như một mệnh lệnh: "an ninh chung cho nhân loại chung". Nghĩa là gì? Nghĩa là: "an ninh và hạnh phúc của mỗi công dân Mỹ lệ thuộc vào an ninh và hạnh phúc của những người sống bên ngoài biên giới của chúng ta". Và như vậy, "sứ mạng của nước Mỹ là cung cấp một lãnh đạo toàn cầu căn cứ trên sự hiểu biết rằng thế giới cùng san sẻ an ninh chung và nhân loại chung".

Tình nhân loại đó buộc nước Mỹ bảo đảm rằng "người nào sống trong sợ hãi và thiếu thốn ngày hôm nay có thể sống với phẩm cách và thuận lợi ngày mai". Sợ hãi chiến tranh? Hòa bình phải là mục đích. Sợ hãi áp bức? "Nước Mỹ phải cam kết củng cố những trụ cột của một xã hội công bình", "công dân ở khắp mọi nơi phải có thể lựa chọn người lãnh đạo trong những điều kiện không còn sợ hãi". Sợ hãi nghèo đói? "Nước Mỹ có lợi ích an ninh trực tiếp để giảm bớt đến mức tối hậu nghèo đói trên thế giới … và chia sẻ giàu có của mình với những người cần giúp đỡ". Sợ hãi thiên tai? Nước Mỹ thở cùng với thế giới một bầu khí quyển. Tóm lại, "ta có những lý lẽ đạo đức không chối cãi được và những lý lẽ an ninh không chối cãi được để đổi mới lãnh đạo, một lãnh đạo của nước Mỹ biết tôn trọng sự bình đẳng hiển nhiên và giá trị hiển nhiên của mọi dân tộc".

Có cái gì mới trong đó? Thật sự là không có gì. Đồng minh? Trên lý thuyết và ngôn từ, có ông tổng thống nào đắc cử không hứa hẹn đổi mới quan hệ với đồng minh? Có ông nào xem đồng minh như chư hầu trong các bài diễn văn? Chính trị từ xưa đến nay đều nói một giọng. Thuycidide của cổ Hy Lạp đã nói từ 2500 năm về trước: "Ta phải sẵn sàng đối xử với đồng minh như đối xử với bạn … và hành xử lãnh đạo không phải như chủ mà như người giúp đỡ". "Như vậy, ta sẽ không thiếu đồng minh … và nhiều nước sẽ sẵn sàng kết hợp quân lực với ta. Bởi vì có nước nào, người nào không hồ hởi chia sẻ hữu nghị và liên minh khi họ thấy rằng chúng ta vừa là kẻ chính trực nhất vừa là kẻ mạnh nhất trong các dân tộc?"(5).

Thương thuyết, đối thoại? Ngoại giao nào lại chẳng thế? Cứ đọc Đông Châu Liệt Quốc thì biết Tô Tần uốn ba tấc lưỡi hiệu nghiệm đến đâu! Kennedy xây dựng một lực lượng nguyên tử dựa trên học thuyết "trả đũa toàn diện", nhưng chính ông đã học bài học thương thuyết với Liên Xô trong vụ hỏa tiễn Cuba, mở đầu cho chính sách hòa hoãn giữa hai kẻ thù cùng đội chung một trời.

Tình nhân loại? Ông Obama dùng từ mới, gợi cảm hơn, nhưng ý vẫn thế. Kennedy cũng đã nói không khác trong diễn văn nhậm chức: "Đối với những người cơ cực sống trong làng xóm của một nửa trái đất đang đấu tranh để bẻ gãy ràng buộc của nghèo đói tập thể, chúng ta sẽ cố gắng tận cùng để giúp họ tự giúp chính họ, ở bất kỳ giai đoạn nào cần thiết - không phải bởi vì cộng sản cũng có thể làm như thế, không phải bởi vì ta cần họ bỏ phiếu cho ta, mà bởi vì điều đó là đúng. Nếu một xã hội tự do không thể giúp số đông nghèo khổ, xã hội đó không thể cứu số ít giàu có". Chữ nghĩa đâu có kém lý tưởng!

Vậy tại sao mỗi lời nói của ông Obama lại tác động sâu xa đến thế vào trái tim của người nghe trên toàn thế giới? Tất nhiên, ông có cái lợi thế tiếp thu một gia tài bất bình và phẫn nộ mà ông Bush để lại, bất bình của đồng minh, phẫn nộ của kẻ thù, của nạn nhân chiến tranh, của môi trường bị tàn phá, của luật pháp bị vi phạm, của đạo đức bị chà đạp, của tự hào dân tộc bị thách thức, của kinh tế toàn cầu bị lâm nguy, của thất bại. Từ giã cái cũ ngang ngược, trâng tráo, xảo quyệt, ai không hân hoan ôm cái mới vào lòng? Nhưng không phải chỉ vì thế. Không phải bất cứ ai cũng có thể làm thiên hạ tin lời hứa hẹn. Không phải bất cứ ai cũng tạo được giấc mơ.

Vậy cái gì là mới nơi chữ nghĩa, ngôn từ của ông Obama? Cái gì làm người ta không nghĩ rằng "lãnh đạo mới" là sáo ngữ? Hình như ai cũng thấy câu trả lời: con người của chính ông. Ông không giống bất cứ ông tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ bởi vì ông mang trong dòng máu của ông, trên khuôn mặt của ông, dấu vết không phai của những nạn nhân. Nạn nhân của kỳ thị chủng tộc. Nạn nhân của phân biệt đối xử. Nạn nhân của nghèo đói ở bên kia nửa trái đất. Những nạn nhân đó thốt ra lời nói nơi miệng ông.

Nhưng câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nửa kia là thế này: Phải là một dân tộc thế nào đó mới vượt qua được những thành kiến tổ tông để đưa lên địa vị lãnh đạo một người mà tiêu chuẩn lựa chọn rốt cuộc chỉ còn là tài năng. Phải là một dân tộc thế nào đó mới trả lời đồng loạt "yes we can!" (6) với một người không có màu da của tổ tiên lập quốc. Một dân tộc có khả năng vượt qua được những cản trở ghê gớm như vậy của chính mình để chính mình thay đổi là một dân tộc kỳ diệu, đáng phục, đáng kính. Với dân tộc đó, với người lãnh đạo không kém kỳ lạ đó, tin ở "lãnh đạo mới" mở ra trong nội bộ nước Mỹ là niềm tin có lý do. Từ niềm tin có lý do đó, thế giới cũng có lý do để đón nhận cam kết "lãnh đạo mới".

Vấn đề còn lại là câu hỏi: phải chăng nước Mỹ có vai trò lãnh đạo tự nhiên? Ai phong? Chỉ xét trên thực tế mà thôi, dù "lãnh đạo" của Mỹ có bị chỉ trích đến đâu đi nữa, không ai muốn nước Mỹ rút lui vào pháo đài Tây bán cầu, kể cả Trung Quốc. Hiện diện của Mỹ ở Âu châu là yếu tố căn bản của hòa bình trong vùng này. Hiện diện của Mỹ ở Á châu là yếu tố căn bản chận ngòi lửa chiến tranh, tạo quân bình lực lượng giữa các thế lực đối kháng. Không có nước Mỹ, không ai khác có thể giải quyết xung đột ở Trung Đông. Và, nói một lời cho gọn, không có nước Mỹ, Việt Nam cô thế.

Thực tế phong chức "lãnh đạo" cho nước Mỹ. Tất cả vấn đề là "lãnh đạo" như thế nào để được chấp nhận. Chẳng ai ngây thơ để tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp dưới chiếc đũa thần của ông Obama. Nhưng "rạng đông" mà ông hứa hẹn đáng để cho Việt Nam suy nghĩ. Đáng để cho Việt Nam đáp lại bằng một rạng đông. Tài ba của Việt Nam là phải biết thay đổi. Để nói với người, với mình, và với ông Obama: Yes we can!  

 

 

Chú thích:

(1)    và (2) Warren Christopher, America's Leadership, America's Opportunity, Foreign Policy, Spring 1995.

(3)    Trích bởi Simon Serfaty, La politique étrangère des Etats-Unis de Truman à Reagan, PUF, 1986, trang 29.

(4)    Barack Obama, Renewing American Leadership, Foreign Affairs, July-August 2007.

(5)    History of the Peloponnesian Wars, trích bởi Alexandros P. Mallias, A New Beginning and the Wisdom of the Past: Why the Greek Classics are still relevant, The Huffington Post, 14 November 2008.

(6)   "Yes We Can!" (Vâng, chúng ta có thể!) là khẩu hiệu hoan hô tập thể sau các bài diễn văn  tranh cử của ông Obama.

 

Đã đăng trên Viet-studies.info

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Cao Huy Thuần