Bài cú của Nhật Bản và ngũ ngôn yết hậu của Việt Nam

Vietsciences- Thuần Ngọc      24/01/2006

 

Bài cú, âm theo tiếng Hán Việt [1] cách viết “Haiku” 俳句theo lối chữ Kanji 漢字, (Kanji = Hán Tự - chữ Hán, chữ Nhật Bản, gốc chữ Nho), là một thể thơ rất thịnh hành của Nhật Bản.  Một bài thơ theo thể thơ bài cú có ba giòng,  giòng đầu và giòng cuối mỗi giòng có năm âm, ôm lấy giòng giữa có bảy âm, có dạng 5-7-5, tổng cộng 17 âm.   Tiếng Nhật Bản đa âm, nên mỗi giòng có thể có một, hai, ba chữ hay nhiều hơn.  Bài cú có biến thể là 5-7-6 hay 5-8-5, lên 18 âm trọn bài.

            Theo K. Yasuda (2002), thường thường người đọc một bài thơ bài cú sẽ nhận biết được vì sao tác giả dừng lại để viết bài thơ này.  Qua ba câu ngắn gọn của bài thơ , người đọc cũng xác định được không gian,  nơi chốn tác giả dừng lại và thời gian trong năm cùng trong ngày, lúc tác giả dừng lại.  Một bài thơ bài cú gói ghém đầy đủ trong 17 âm, lý do, không gian và thời gian nảy sinh bài thơ.  Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm (tuy có khi du di ít hoặc nhiều âm hơn), thơ bài cú thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại.  Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng  khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc. lúc.

            Ðọc thơ bài cú, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả.  Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được.  Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả 17 âm, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi,  phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.

            Phần lớn thơ bài cú của các thi sĩ Nhật Bản  nói về bốn mùa xuân, hạ, thu, và đông tuy không nêu ra hẳn tên mùa trong năm.  Họ thường dùng những chữ liên quan đến mùa xuân, như “tan tuyết,”  lúc “hoa mận nở, hoa đào nở,” hoặc đến lúc “ngỗng trời quay về.”   Về mùa thu, họ hay tả “đêm thanh, trời vằng vặc đầy sao,” lúc “bóng nai thoáng qua rừng,” hay là “chuồn chuồn bay chập chờn,” khi người ta “gặt lúa.”   Mùa hè có “muỗi,” có tiếng “ve ra rả,” hoặc tiếng “quạt,”  hay tiếng “suối róc rách.”  Mùa đông không tránh được cảnh “tuyết rơi” trong hay ven “rừng thông,” “gấu,” hay là tiếng củi hoặc than nổ tí tách trong “lò sưởi.”  Dường như các tác giả bài cú người Nhật không bao giờ nói đến lũ lụt, động đất, bệnh tật ... những cái không tốt của thiên nhiên.

            Vào đầu thế kỷ thứ 12, ở Nhật bản chỉ có thể thơ waka 和歌 [Hòa Ca, có lẽ dịch là bài ca Nhật, hoặc thơ ca Nhật Bản - chữ Hòa có nghĩa là nước Nhật (tên dùng cũ, hiện nay vẫn dùng như trong ví dụ Wafu ryori 和風料理 = Hòa Phong Liệu lý = món ăn (kiểu) Nhật], bài ca bằng thơ (hay ca thi).   Mỗi bài thơ gồm hai đoạn, đoạn đầu có ba giòng năm, bảy, và năm (5-7-5) âm, đoạn sau gồm hai giòng, mỗi giòng bảy (7-7) âm để nối vào đoạn trước.  Trong những buổi triều hội dưới trướng một sứ quân, một người (thường là quý tộc, quan lại hay võ sĩ cao cấp) sẽ đặt đoạn đầu (5-7-5) âm, đọc lên và một người khác, hoặc được chỉ định, hoặc tự nguyện, đặt và đọc hai giòng đoạn sau (7-7) để nối với đoạn trước làm thành một bài ca thi.   Thi hứng được khơi như thế, có người sẽ đặt tiếp một đoạn đầu, nối vào bài trước và một người sẽ làm đoạn sau để tiếp cho trọn bài ca thi mới.  (Hakutani & Tener, 1998)

            Vào năm 1235 công nguyên, Fujiwara no Sadaiye đã chép một bài trường thiên ca thi tựa là Hyakunin Isshu (Một trăm bài thơ của một trăm tác giả) trong đó có rất nhiều đoạn đầu gồm 5-7-5 âm (Hakutani & Tener, 1998)  Sau bài trường thiên ca thi này, thể thơ renga gồm cách nối các đọan thơ 5-7-5 âm với các đoạn thơ nối 7-7 âm trở nên rất thịnh hành.  Tập thơ Chikuba Kyojin Shu (Tập thơ của những người điên ở Chikuba) chép gần 200 đoạn thơ nối vào các đoạn thơ đầu của một thi sĩ khác.  Trong tập có chép khoảng 20 đoạn đầu mang tên là hokku (thơ mở đầu) và do những thi sĩ đã nổi tiếng xướng ra, nhưng ý thơ ngã về sự đùa chơi, vui cười.  (Hakutani & Tener, 1998)

            Ðến thập niên 1680, Matsuo Bashô (Matsuo Baseo 松尾芭蕉) viết bài thơ Con ếch  theo lối haikai một thể thơ mới (theo thời điểm bấy giờ) mở đường cho thể thơ bài cú.  Các bài Haikai của Bashô ngắn, gọn, rất súc tích từ chữ đến ý, cho thấy cái nhìn và thi tứ của nhà thơ.  Những người ngưỡng mộ ông tập làm lối thơ này, và thể haikai trở nên nghiêm trang, chín chắn hơn để trở dần thành thể bài cú, nói lên cái quan niệm và ghi lại sự rung động của nhà thơ.

            Sau đây là vài thí dụ về bài cú ghi theo chữ rômaji (âm tiếng Nhật ghi theo mẫu tự La tinh).  Bashô là người mở đầu cách viết thơ bài cú, và sau đó, Buson, Issa, và Shiki là những các thi sĩ Nhật bản nổi tiếng về thể thơ này.  Chúng tôi cũng ghi lại một bài của nữ thi sĩ Kaga no Chiyo, đồng thời với Buson.  Phần tiếng Việt do Thuần Ngọc dịch, bản dịch tất nhiên không gồm 17 âm như nguyên tác.  Ðôi khi vì muốn dịch theo ý, nên thứ tự giòng trong bài thơ dịch không đúng theo thứ tự của nguyên tác.

 

Matsuo Bashô (1644-1694)  - Tác giả  松尾芭蕉 (Matsuo Baseo)

 

Mono ieba

Kuchibiru samushi

Aki no kaze

物言えば

くちびる寒し

秋の風

Mở miệng ra, tôi nói,

Ðôi môi tôi lạnh giá

gió mùa thu.   

 

Furu ike ya

Kawazu tobikomu

Mizu no oto

古池や

蛙飛び込む

水の音

Cái ao xưa

Một chú ếch nhảy tòm xuống

Chủm !  

 

Kare eda ni

Karasu no tomari keri

Aki no kure

枯れ枝に

枯らすのとまりけり

秋の暮れ

Cành trơ trọi

Quạ đậu lại

Thu âm u.  

 

Kaga no Chiyo (1703 - 1775) - Nữ thi sĩ 千代 (Chiyo Jyo) = Thiên-Đại Nữ

Asagao ni

Tsurube torarete

Morai mizu

           

瓶とられて

もらひ 

Cánh hoa khiên ngưu nở

Nghiễm nhiên chiếm trọn chiếc gàu giếng

Tôi phải xin nhờ nước 

 

 

Taniguchi (Yosano) Buson (1715-1783) -  Họa sĩ  与謝蕪村 (Yosa Buson)

Oikaze ni

Susuki karitoru

Okina kana

追風に

薄刈り取る

翁かな 

Một ông lão cắm cúi

Cắt cỏ trên cánh đồng

Gió thổi đằng sau lưng 

 

 

Kobayashi Issa (1763-1827) - Tăng lữ 小林 一茶

Katasumuri

Sorosoro nobore

Fuji no yama 

かたつむり   

そろそろ昇れ

富士の  

Này này cô ốc sên

chậm rãi, khoan thai mà bò lên

Ðỉnh núi Phú sĩ sơn. 

 

 

Masaoka Shiki (1867-1902) - Canh tân bài cú  正岡 子規

Iriguchi ni

Mugi hosu ie ya

Furu-sudare

入り口に

むぎほすいえや

降るすだれ

Họ đang phơi bo bo

Phía trưóc cửa nhà kho

Mành tre cũ đong đưa. 

 

Trong văn chương Việt Nam thời trước, chúng tôi không thấy có lối thơ bài cú, nhưng thấy có lối ngũ ngôn tứ tuyệt, thể yết hậu. Vì tiếng Việt hiểu theo cách bình thường là đơn âm nên thơ ngũ ngôn như lối này có 16 chữ, hay 16 âm, ngắn hơn bài cú một âm.  Có lẽ người đã làm nhiều bài thơ ngủ ngôn yết hậu là Chiêu Lỳ, Phạm Thái .  Nhưng trong thơ của Phạm Thái, câu thứ ba thường có sáu chữ, nên trọn bài thơ có 17 chữ hay 17 âm.  Xét về số âm trong bài, loại thơ này cũng giống như bài cú.  Ngoài Phạm Thái còn có Nguyễn Công Trứ cũng sính làm loại thơ tứ tuyệt yết hậu.  Nhưng chúng tôi chỉ được đọc các bài thơ thất ngôn (bảy chữ) chứ chưa được biết Nguyễn Công Trứ có bài thơ nào thuộc loại ngũ ngôn tứ tuyệt yết hậu.  Ba thí dụ sau là thơ của Phạm Thái (Trần Trọng Kim, 1946, trang 146)..

Lươn    [2]

Cứ nghĩ rằng mình ngắn

Ai ngờ cũng dài đườn

Thế mà còn chê trạch

Lươn

 

Người hay đánh bạc

Ác lặn xăm xăm tới ,

Gà kêu lẻn lẻn về .

Quan ngắn hết, quan dài hết

Ghê

 

Người say rượu

Một năm mười hai tháng

Một tháng ba mươi ngày

Hũ lớn cạn, hũ bé cạn

Hay !

 

Gần đây hơn, khi có nhiều bài thơ bài cú được chuyển dịch sang Việt ngữ, người Việt có dịp làm quen với văn thơ Nhật bản, và chắc cũng do ảnh hưởng của Thiền nhờ các nhà sư Việt Nam du học ở Nhật bản truyền đạt lại, chúng tôi thấy xuất hiện một số thơ có dạng như bài cú viết bằng tiếng Việt.  Trong tập Cảo thơm, Hồ Trường An ghi lại một số bài thơ của Trương Anh Thụy.

 

Ðông

Nắng ươm cành tuyết đậu

đóa mai vàng bên giậu

tưởng xuân

 

Yên

Sau trận đại cuồng phong

con diều nằm trên cỏ

đói gió

 

Tỵ nạn

Nối đuôi nhau kiến cỏ

Ði tìm nơi lặng gió

Trăm con

 

Và một bài ngũ ngôn yết hậu

 

Lặng

Trên bãi sông triều vắng

đàn vịt đứng dăm con

lắng tai nghe chiều đổ

Boong

 

Các bài thơ trên rất gần với cái nhìn và cảm xúc của thể thơ bài cú. 

 

            Bài cú không những được ưa chuộng ở Nhật bản [3], mà hầu như khắp nơi trên thế giới đều có người làm thơ bài cú.  Ở Âu châu cũng như ở Bắc Mỹ có rất nhiều Hội bài cú, hội viên đủ mọi thành phần và lứa tuổi.  Ở Vancouver (Canada), ở Nantes (Pháp), và nhiều thành phố khác, đã có các trường dạy học sinh ngay từ các lớp tiểu học làm thơ bài cú [4]..  Thành ra cũng nên giới thiệu với thế giới thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt yết hậu của Việt Nam, một thể thơ không kém phần đặc sắc và súc tích như bài cú.

 

 

Ghi chú:

[1] Theo Nguyễn văn Minh Châu (điện thư 16/8/2004) phải đọc là “Bài cú”  theo âm Hán Việt.

[2]  Dương Quảng Hàm có chép bài này trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, nhưng để tác giả là Vô Danh. (trang 134).

[3] Như trường hợp bà Hisajo Sugita (1890 ~ 1946) 杉田久女.  Năm 1931, bà dự cuộc thi bài cú do Nhật báo Osaka-Mainichi Daily News tổ chức.  Bài thơ sau đây của bà đoạt giải nhất về thơ bài cú tả cảnh sơn thủy trong số hơn 100 000 người dự thi  Trong lúc vừa mới xong cơn khủng hoảng kinh tế thế giới và khi chưa có Internet, số lượng người dự thi đã cho thấy mức độ hâm mộ thơ bài cú.

 

kodama shite

yama-hototogisu

hoshii mama

谺して

山ほととぎす

ほしいまま

trùng trùng dội quanh đèo

tiếng cúc cu chim cu núi  kêu

lập đi lập lại hoài

 

[4] http://k12.albemarle.org/MurrayElem/Projects/langarts/haiku/japanintro.html

Do cô giáo lớp Ba Michelle Nettesheim, trường tiểu học Murray lập ra cho học trò  tìm hiểu thêm về Nhật Bản trong niên học 1995-1996.

 

Tài liệu tham khảo

 

Dương Quảng Hàm.  1979.  Việt Nam Văn Học Sử YếuWestminster, CA: Sống Mới.

Hakutani, Yoshinobu & Robert L. Tener. 1998.  "Afterword"  trong Wright, Richard . 1998. Haiku.  This Other World. New York: Arcade Publishing.

Hồ Trường An. 1998.  Cảo thơm  Falls Church, VA: Minh Văn Corporation

Trần Trọng Kim. 1946.  Việt Thi.  Los Alamitos CA: Xuân Thu in lại, không đề năm.

Yasuda, Kenneth.  2002. The Japanese Haiku. Boston: Tuttle Publishing.

 

Tài liệu đọc, xem thêm:

 

Ueda, Makoto.  2003.   Far Beyond the Field: Haiku by Japanese Women.  Washington DC: Columbia University Press. - [Ghi thơ bài cú của các nữ thi sĩ Nhật.]

Và các trang, khu Web:

1. CHILDREN'S HAIKU GARDEN (Vườn bài cú của trẻ em).  [Bài cú do trẻ Nhật Bản, Hoa kỳ và nhiều quốc gia khác viết.]

            http://www.tecnet.or.jp/~haiku/

2. Khu Web ghi các bài thơ bài cú do trẻ em ở Nhật bản, Hoa kỳ, và nhiều quốc gia khác viết ra.  Có nhận thơ bài cú và tranh ảnh do trẻ em viết hay vẽ.

            http://homepage2.nifty.com/haiku-eg/

3. http://www.toyomasu.com/haiku/ tổng quát về bài cú. Và trong khu Web này, xem thêm             http://www.toyomasu.com/haiku/haiku/#howtowritehaiku      (Ðể viết một bài thơ bài cú).

4.  Trang web “Lịch sử Bài cú” (Haiku no rekishi):

            http://www.big.or.jp/~loupe/links/jhistory/jhisajo.shtml

Trang tiếng Nhật:

http://www.big.or.jp/~loupe/links/jhistory/jhisinx.shtml

Trang tiếng Anh:

http://www.big.or.jp/~loupe/links/enginx.shtml

 

5. Một khu haiku mới do Alexander Lawrence và đồng bạn lập ra. Có nhận thơ bài cú do các thi sĩ mới gởi đến. Cho nhiều liên kết (links) có chọn lọc và xấp loại.
            http://www.haiku.com/

6. "200 Best Haiku of Japanese Literature." Ghi lại hai trăm bài thơ bài cú đã dịch ra Anh ngữ.

            http://www.geocities.com/Tokyo/Island/5022/ 

7. Trang nhà của Hiệp hội bài cú Hoa kỳ (The Haiku Society of America).  Hội thành lập từ năm 1968 nhằm phỗ biến và khuyến khích thơ bài cú viết bằng tiếng Anh.

            http://www.hsa-haiku.org/

8. Trang ghi lại kỹ thuật làm thơ bài cú (Haiku techniques) của nữ tác giả Jane Reichhold.            http://www.ahapoetry.com/haiartjr.htm


 

Phụ lục:  Lược sử bốn nhà thơ bài cú danh tiếng

 

Bashô Matsuo. (1644-1694).

Bashô (cây chuối) là tên hiệu tác giả tự đặt vào khoảng năm 1681 khi ông dọn vào ở trong một cái chòi có một cây chuối mọc bên cạnh. Hồi trẻ, ông theo chân thân phụ, làm võ sĩ cho sứ quân Todo Yoshitada (Sengin). Vì Yoshitada sính làm thơ bài cú nên Bashô cũng làm thơ, lúc đầu ký tên là Sobo. Bashô dần dần nổi tiếng, và ông đi du lịch nhiều nơi trong nước Nhật.  Ông mất năm 1694, sau khi viết quyển  Oku No Hosomichi. Khi ông mất, có khoảng 2000 môn sinh đang theo học lối làm thơ bài cú của ông.

 

Yosa Buson  (1716-1784)

Taniguchi Buson (boo-sahn), sau này đổi lại là Yosa Buson, họa sĩ và nhà thơ bài cú. Người ta vẫn xếp ông ngay sau Matsuo Bashô như là những bậc thầy về thơ bài cú thời Edo, thời các sứ quân Tokugawa (1600-1868). Buson sinh ở ngoại ô thành phố Osaka, và mồ côi cha lẫn mẹ lúc ông còn rất trẻ.  Năm 1737, ông lên Edo (giờ là Tokyo) để học vẻ và học làm thơ bài cú theo trường phái Bashô.  Năm 1742, khi một trong những người thầy của ông qua đời, ông theo gương Bashô đi lên phía Bắc, rồi viếng các thành phố miền Tây Nhật bản. Ông trụ lại Kyoto năm 1751. Ðến 1756 ông chuyên về nghề vẽ trong suốt 9 năm.  Sau đó Buson dần dần quay trở lại làm thơ bài cú.  c bài thơ của ông thường có những nét chấm phá độc đáo, như cảnh vật được nhìn qua ánh mắt họa sĩ của ông.

 

Issa Kobayashi (1763-1827)

Issa Kobayashi sinh tại Kashiwabara, Shinano ngày nay thuộc thành phố Shinano-machi, quận Nagano.  Hồi nhỏ, ông mang tênYataro và theo trước tịch là Nobuyuki.  Năm 13 tuổi, ông đi lên Edo, (Tokyo) để làm việc.  Ông học cách làm thơ với Genmu cùng Chiku-a, và nhận Seibi Natsume làm thầy.  Ông bắt đầu viết thơ bài cú vào năm 25 tuổi.  Ông đi làm việc ở nhiều nơi như Kyoto, Osaka, Nagasaki, Matsuyama và các thành phố khác ở phía Tây Nhật bản. Ðến năm 1814, ông về lại quê nhà ở Kashiwabara và trở thành thủ lãnh trường phái thơ bài cú ở vùng Shinano.  Ông mất ở quê nhà năm ông 65 tuổi. Trong thơ ôngng các tiếng địa phương và các từ thông dụng hàng ngày. Thơ bài cú của ông phảng phất buồn vì đời sống gia đình của ông rất đau thương. Ông cưới vợ khi đã 51 tuổi, nhưng tất cả bốn người con của ông đều mất khi còn rất nhỏ.

 

Shiki Masaoka (1867-1902)

Shiki chết trẻ nhưng sự nghiệp văn chương của ông rất phong phú.  Trong bảy năm cuối cùng của cuộc đời, ông bị bệnh phải nằm liệt giường, nhưng lúc nào ông cũng vui vẻ thảo luận về văn chương và các cải cách thơ bài cú với các môn đệ của ông. Trước nhà ông có giàn bầu nậm và người ta thường luộc nước bầu cho ông uống để tiêu đàm.  Ông vẫn mong thân phận đau yếu của mình được như giàn bầu: xanh tốt, đơm hoa, kết trái, mà không phải đau khổ. Ông đã hoàn thành ba công trình quan trọng về văn chương hiện đại: cải cách thơ bài cú, cải cách thơ Tanka, và khuyến khích việc dùng văn xuôi để phác họa  các cảnh thật của đời sống. Ông đã giúp phổ biến thơ bài cú qua tác phẫm của ông, bàn về lý thuyết làm thơ bài cú  'Haiku Taiyo' (Căn bản về thơ bài cú).

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Thuần Ngọc