Những bài cùng tác giả
Năm 2010, nền khoa học và
giáo dục Việt Nam đã trải qua một “cơn địa chấn” của niềm
xúc động và háo hức do “sự kiện Ngô Bảo Châu” gây ra. Ai
cũng phấn khởi, tự hào, nhưng những người sâu sắc tự hỏi:
Chúng ta tự hào vì cái gì?
PGS-TSKH Phùng Hồ Hải,
trưởng phòng Đại số thuộc Viện Toán học Việt Nam, đã
trả lời câu hỏi này trên Diễn đàn
các nhà báo môi trường Việt Nam
ngày 30/08/2010:
“Tôi không nghĩ Giải
Fields là tấm gương phản ánh sức mạnh nền toán học
của một quốc gia”. Theo ông, “Sức mạnh nền
toán học nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung,
kể cả kinh tế và xã hội, được phản ánh qua rất
nhiều tham số chứ không đơn thuần giải thưởng”.
Ông nói tiếp: “Đấy là niềm tự hào về tiềm năng của
người Việt. Không phải là tự hào về nền giáo dục của chúng
ta, mà là tự hào về tiềm năng tư duy của con người chúng ta”,
rồi ông quả quyết: “Một nhà khoa học công tác ở Việt Nam,
làm việc ở Việt Nam, tôi không xác định được là đến bao giờ
mới có vinh dự như anh Châu hôm nay. Anh Châu, nếu làm việc
trong môi trường thuần túy Việt Nam, tôi khẳng định, không
thể đoạt được giải thưởng Fields”. Khẳng định ấy dựa
trên nguyên lý cốt lõi của giáo dục: “Không thầy đố mày
làm nên”.
Chừng ấy vẫn chưa đủ, bởi
“một con chim én chẳng làm nên mùa xuân”. Muốn có những
thành tựu lớn của khoa học thì cần phải có “cả một cộng
đồng để cộng tác, cần một môi trường khoa học để tạo nên một
nền tảng kiến thức dẫn đến một tư duy mới”, ông Phùng
Hồ Hải nhấn mạnh.
Ông ví “một nền khoa
học giống như một kim tự tháp, chân đế càng rộng, đỉnh càng
cao”, rồi bất ngờ đi đến một kết luận tưởng như bình
thường nhưng lại mang tính nền tảng: “… để có nhà khoa
học xuất chúng, cần có nhiều nhà khoa học bình thường”.
Nói cách khác, cần có một xã hội trí thức để tạo ra một tầng
lớp tinh hoa (elite)! Ông lập luận: “Không thể xây dựng
một tòa nhà cao vút mà chân đế lại bé tí”, và
do đó, muốn có một kim tự tháp khoa học vững chắc, phải “sớm
tạo ra một môi trường khoa học đủ mạnh để lôi
kéo số đông khoa học gia”.
Môi trường ấy là gì, nếu
không phải là hệ thống đại học và các viện nghiên cứu đủ
mạnh, dựa trên nền tảng của một nền giáo dục phát triển?
Nhưng làm thế nào để tạo
ra môi trường đó?
Trong khi tìm kiếm một câu
trả lời cho Việt Nam, hãy thử tìm hiểu xem điều gì đã làm
cho một quốc gia như Australia, với một lịch sử phát triển
ngắn ngủi và dân số ít ỏi, đã có thể xây dựng nên một kim tự
tháp khoa học cao chót vót với chân đế vững chắc.
1. Một kim tự tháp vững chắc:
Với một dân số vẻn vẹn chỉ
có 20 triệu người, Australia thực sự đáng kính nể vì đã “sản
xuất” ra một đội ngũ hùng hậu các trí thức hàng đầu thế
giới, với 10 nhân vật đoạt Giải Nobel và 1 nhân vật đoạt
Giải Fields:
1. Elizabeth H.
Blackburn, Nobel Y học năm 2009
2. Barry Marshall,
Nobel Y học năm 2005
3. J. Robin Warren,
Nobel Y học năm 2005
4. Peter C. Doherty,
Nobel Y học năm 1996
5. John Warcup
Cornforth, Nobel Hoá học năm 1975
6. Patrick White,
Nobel Văn học 1973
7. John Carew
Eccles, Nobel Y học năm 1963
8. Sir Frank
Macfarlane Burnet, Nobel Y học năm 1960
9. Sir Howard
Florey, Nobel Y học năm 1945
10. William Lawrence
Bragg, Nobel Vật lý năm 1915, đến nay vẫn giữ kỷ lục người
trẻ nhất đoạt Giải Nobel.
11. Terence Tao (Đào
Triết Hiên), thần đồng toán học, đoạt Giải Fields năm 2006,
người trẻ nhất đoạt Giải Fields, được mệnh danh là “Mozart
của toán học” – danh hiệu cao quý trước đây chỉ dành riêng
cho nhà toán học vĩ đại Henri Poincaré.
Nhưng như PGS Phùng Hồ Hải
đã nói, không thể đánh giá tiềm lực khoa học và giáo dục của
một quốc gia đơn thuần qua số giải thưởng. Vậy Úc có thực sự
là một cường quốc khoa học và giáo dục hay không?
Xin trả lời ngay: Bên cạnh
những ngôi sao sáng rực rỡ – các nhà khoa học đoạt Giải
Nobel và Giải Fields – bầu trời khoa học Úc còn có rất nhiều
ngôi sao sáng khác, tạo nên một môi trường khoa học hùng
mạnh. Môi trường này nẩy nở từ một nền giáo dục tiên tiến –
cái nôi đào tạo ra một lực lượng trí thức thành thục về
chuyên môn, vững vàng về văn hoá, làm nòng cốt xây dựng
Australia thành một cường quốc kinh tế, khoa học và công
nghệ, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia hàng đầu trên thế
giới.
Nhờ đó mà Úc đã đứng thứ 8
trong bảng xếp hạng năm 2009 của Ngân hàng Thế giới (World
Bank) về Tổng thu nhập quốc dân tính theo đầu người
(GDP per capita), sau Luxembourg, Ả-rập thống nhất, Na-uy,
Singapore, Mỹ, Ai-len, Hà-Lan, và đứng trước một loạt quốc
gia phát triển khác như Áo, Canada, Thụy-điển,
Ireland,
Đan Mạch, Anh, Đức, Bỉ, Pháp, Phần-lan, Tây-ban-nha, Nhật,
Ý, …

Trong một bảng xếp hạng
khác do tạp chí Newsweek công bố vào tháng 08-2010 mang tên
“Các quốc gia tuyệt vời nhất thế giới” (The World’s
Best Countries),
với các tiêu chí cơ bản là y tế, giáo dục, kinh tế, chính
trị, Australia được xếp hạng 4. Riêng về giáo dục, Australia
được xếp thứ 13.
Mặc dù “mọi so sánh đều
khập khiễng”, nhưng những bảng xếp hạng nói trên về căn bản
đã phản ánh đúng sự thật. Tuy chưa có những trung tâm khoa
học và công nghệ mạnh như Silicon Valley của Mỹ, Australia
vẫn là một trong những quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực
nghiên cứu khoa học cơ bản. Xin đơn cử một thí dụ: Chương
trình nghiên cứu “viễn tải lượng tử” (teleportation)
tại Đại Học Quốc Gia Australia (ANU) ở Canberra. Tại đây,
các nhà khoa học Úc, dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Ping Koy
Lam, đã đạt được những thắng lợi bước đầu làm nức lòng giới
khoa học toàn cầu: Truyền được thông tin tức thời qua
khoảng cách 1m mà không cần có bất cứ một dòng chuyển động
nào của các hạt lượng tử. Đây là một trong những thí
nghiệm đầu tiên ứng dụng “tương tác ma quái” (spooky
interaction) của các hạt lượng tử để chuyển thông tin tức
thời. Thuật ngữ “tương tác ma quái” do chính Albert Einstein
nghĩ ra nhằm mô tả một hiện tượng lượng tử mà ông không thể
hiểu nổi: một hạt ánh sáng có thể đồng thời tồn tại ở hai vị
trí hoàn toàn cách biệt – một hiện tượng “vô lý” dưới nhãn
quan của Cơ học Newton (không thể giải thích bằng luật nhân
quả) nhưng hoàn toàn hiện thực trong thế giới lượng tử.
Vậy mà các nhà khoa học
tại ANU vẫn đang tiếp tục tìm cách “tác động ma quỷ từ xa”
(ghostly action at a distance) thông qua một khoảng cách lớn
hơn 1m và tiến tới khoảng cách bất kỳ. Thật là kinh ngạc khi
biết rằng về mặt lý thuyết, “tương tác ma quái” còn có thể
vận chuyển cả những “đồ vật” qua khoảng cách vạn dặm với tốc
độ “tức thời”! TS Ping Koy Lam nói: “Về lý thuyết, không
có gì ngăn trở con người di chuyển tức thời trong không
gian, nhưng vào thời điểm hiện nay, đó vẫn là chuyện viễn
tưởng. Tuy nhiên trong tương lai không xa, việc vận chuyển
tức thời một vật rắn có thể trở thành hiện thực. Tôi dự đoán
trong vòng từ 3 đến 5 năm nữa khoa học sẽ có thể vận chuyển
tức thời một nguyên tử”.
Nếu mục tiêu này trở thành
hiện thực thì khó có thể tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra trên
thế gian này, bởi lúc đó chuyện Tề Thiên Đại Thánh thoắt
biến, thoắt hiện trên thiên đình hay dưới hạ giới sẽ là
chuyện có thật. Vì thế đề tài “viễn tải lượng tử” đã và đang
trở thành một mũi nhọn của khoa học hiện đại, làm dấy lên
một cuộc chạy đua ráo riết giữa các cường quốc khoa học,
trong đó Úc là một trong những quốc gia đi tiên phong.
Thoạt nghe câu chuyện
trên, người ta dễ có cảm tưởng nền khoa học Úc có xu hướng
“bay bổng siêu thoát, chân không chạm đất”. Nhưng ngược lại,
người Úc rất thực tiễn: những nghiên cứu lý thuyết vô bổ
nhằm đoạt danh hiệu hão hoặc sản xuất ra những “tiến sĩ
giấy” dường như không có chỗ đứng trong nền khoa học và công
nghệ ở Úc. Điều này giải thích vì sao Úc đạt được rất nhiều
thành tựu về y khoa, nông nghiệp, hoặc các lĩnh vực khác gắn
liền với đời sống.
Ngày 08-09-2010, kết quả
thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc mới đặc trị ung thư ác
tính rất hiệu quả đã được công bố trên tạp chí Nature.
Giáo sư MacArthur, người lãnh đạo chương trình nghiên cứu
liệu pháp điều trị ung thư tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư
MacCallum cho biết đây là những tín hiệu rất khả quan. Ông
nói: “Loại thuốc này được điều chế để điều trị triệt để
và diện tận gốc các khối u”. Giáo sư Austin Curtin, một
người tham gia trực tiếp vào chương trình nghiên cứu này,
cho hay việc sử dụng kỹ thuật di truyền mang lại hiệu quả
tích cực. Ông cho biết: “Một bệnh nhân trẻ 23 tuổi, bị
ung thư đã di căn, chỉ sau vài tuần lễ điều trị bằng loại
thuốc mới, các khối u tái phát ở xương đã teo lại, còn các
khối u di căn trên não cũng hoàn toàn biến mất”. Ông
khẳng định đây là một phát minh đột phá, mở ra triển vọng
tiến tới thời đại tiêu diệt ung thư tận gốc – ước mơ của
nhân loại từ nhiều thế kỷ nay.
Chúng ta sẽ không quá ngạc
nhiên với thành tựu nói trên nếu biết rằng tại Australia sức
khỏe con người là vấn đề được ưu tiên số một, khám bệnh
thông thường không mất tiền (nhà nước chi trả thông qua
chính sách medicare), nghề y là một trong những nghề được
trọng vọng nhất, thi tuyển vào Đại học Y khoa là khó nhất,
quá nửa số công trình đoạt Giải Nobel của Úc đều thuộc y
khoa, v.v.
Tính thực tiễn trong
nghiên cứu khoa học ở Úc cũng lộ rõ trong lĩnh vực nông
nghiệp. Ai cũng biết Úc có những sản phẩm nông nghiệp nổi
tiếng như ngô, thịt bò, nhưng có thể ít người để ý rằng đất
đai của Úc nói chung khô cằn. Vậy mà từ những vùng đất khô
cằn đó, người Úc làm ra những sản phẩm nông nghiệp tươi tốt
không thua kém gì sản phẩm của những xứ nông nghiệp truyền
thống, nếu không muốn nói là còn chất lượng hơn. Nguyên nhân
rất dễ hiểu: người Úc rất giỏi trong khoa học nông nghiệp,
và những khoa học này được áp dụng triệt để trong thực tiễn.
Cách đây hơn chục năm, ở Úc hầu như không có thịt gà ngon
như gà nuôi thả ở Việt Nam, vì chỉ có gà công nghiệp. Nhưng
hiện nay gà ngon đã có mặt ở khắp các chợ Á Châu tại Úc.
Trước đây Úc cũng không có nhãn, vải. Những hoa quả này nhập
từ Việt Nam sang được coi là món quà quý hiếm. Nhưng nay chợ
hoa quả của Úc đã bán đầy vải, nhãn trồng tại Úc, ngon hơn
rất nhiều so với vải, nhãn của Việt Nam. Trong khi nhãn Hưng
Yên ở Việt Nam hầu như mất giống thì nhãn ở Úc vừa to, vừa
dầy cùi, vừa ngon ngọt đậm đà. Cái gì làm cho nhãn Úc ngon
như thế? Câu trả lời rất đơn giản: khoa học chọn giống và
lai tạo, chăm sóc cây cối đã đi vào cuộc sống, thay vì nằm
trên các bàn giấy và làm đồ trang sức cho các bằng tiến sĩ!
Các nhà khoa học tại Trung
tâm Ứng dụng Thực vật Di truyền Úc (ACPFG) tại Đại học
Adelaide cũng vừa thành công trong việc tạo ra một giống lúa
mới chịu được nước mặn, và đang chuyển kỹ thuật này sang lúa
mì và lúa mạch, những loại lương thực chủ yếu trên toàn thế
giới. Thành công này sẽ dẫn tới sự tăng sản lượng lúa tới
mức không thể ngờ tới, vì diện canh tác sẽ được mở rộng gấp
bội.
Tất cả những thành công đó
đã được ươm trên mảnh đất giáo dục – giáo dục chính là nền
tảng của phát triển!
2. Nền tảng giáo dục:
Nền giáo dục Úc không chú
trọng từ chương, nhồi nhét, mà nhấn mạnh tới tư duy độc lập
và sáng tạo. Tinh thần ấy đã thấm vào tâm hồn học sinh ngay
từ cấp tiểu học, trung học, và trở thành phương châm cơ bản
đối với sinh viên đại học. Điều này đã được trình bầy rất rõ
trong Lời giới thiệu trên trang mạng “Study in Australia”
(Học tập ở Úc). Xin trích đoạn:
Tại Úc, bạn
có quyền tự do lựa chọn con đường học tập thích hợp với mục
tiêu riêng của bạn. Có hàng ngàn ngành học dành cho bạn,
nhưng dù chương trình bạn chọn thế nào thì bạn cũng vẫn được
đào tạo theo một đường lối giáo dục duy nhất: Việc học
tại Úc khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo và độc lập
…Quan trọng nhất, bạn sẽ học cách làm thế nào để ứng dụng
sáng kiến của bạn. Thầy giáo của bạn sẽ khuyến khích bạn suy
nghĩ về những giải pháp độc đáo và thực tiễn đối với những
vấn đề thực tế …
Mỗi đại học Úc sẽ cung cấp cho bạn
một sự hiểu biết đâu ra đấy về lĩnh vực mà bạn chọn, cùng
với những kỹ năng chuyên sâu có thể được ứng dụng ở những
khu vực khác. Bạn không chỉ học các môn về sức khoẻ, khoa
học, công nghệ hay nghệ thuật, mà còn học cách làm thế
nào để tư duy một cách sáng tạo và độc lập.

Lời giới thiệu
trên sẽ là một quảng cáo thiếu hấp dẫn nếu nó không có những
sản phẩm giáo dục ưu tú để chứng minh. Nhưng may thay, Úc có
thừa những sản phẩm như thế. Thần đồng toán học Terence Tao
là một sản phẩm sáng chói của nền giáo dục đó. Nhiều nhà
khoa học Úc gốc Việt, vốn xuất thân từ những nền văn hoá
chịu nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo (quen rập khuôn hơn là
độc lập sáng tạo), cũng trở nên năng động lạ thường khi được
đào tạo và rèn luyện qua môi trường giáo dục Úc. Xin kể hai
thí dụ:
.
2a. GS Kiều Tiến Dũng,
người dám đối mặt với những bài toán không giải được:
Chúng ta đều biết rằng
computer đã, đang và sẽ làm được nhiều điều kỳ diệu
mà ngày xưa tưởng chừng chỉ có Thượng Đế mới làm
nổi. Tuy nhiên những người không chuyên ngành thường
không để ý rằng thực ra có nhiều bài toán không thể
giải được. Nguyên nhân không phải vì các nhà khoa học
“kém cỏi”, mà do những “căn bệnh bẩm sinh” của
computer!
Thật vậy, khoa học
trong thế kỷ 20, trong khi tạo ra một kỳ tích như
computer thì nó cũng đồng thời nêu lên một nguyên lý
khẳng định rằng có những bài toán không thể và
không bao giờ giải được. Nguyên lý đó đã trở thành
“Kinh Thánh” của khoa học tính toán, một “chân lý
bất khả kháng”, một “bức tường” bất khả xâm phạm,
một “cột mốc” ở bên kia tầm với.
Trong suốt hơn 50 năm
qua, không ai dám đụng đến nguyên lý đó, dám biến
đổi chân lý đó, dám vượt qua bức tường đó. Nhưng có
một người dám làm điều đó: nhà khoa học Kiều Tiến Dũng.

Đến Úc năm 1980, Kiều
Tiến Dũng không dừng lại ở một đời sống hội nhập
bình thường, mà khao khát hoà nhập vào dòng tư
tưởng khoa học đang cuộn chẩy mãnh liệt tại những
quốc gia phát triển nhất thế giới. Vốn bản chất ham
mê hiểu biết, anh lao vào học tập, nghiên cứu như một
sở thích, một nỗi đam mê. Anh biết chọn con đường nghiên
cứu là con đường gian truân, phải hy sinh nhiều tham vọng
vật chất và thú vui khác trong đời. Nhưng công lao của anh
sớm được đền bù: Năm 1984, sau khi đỗ bằng cử nhân
toán-lý xuất sắc tại Đại học Queensland, Kiều Tiến
Dũng nhận được học bổng làm luận án tiến sĩ tại
Đại học Edinburgh ở Anh. Hoàn thành luận án năm 1988,
ông trở thành giáo sư Đại học Edinburgh và Đại học
Oxford. Năm 1991, ông trở về làm giáo sư Đại học
Melbourne, nhưng vẫn thường xuyên có những chương trình
cộng tác nghiên cứu với các đại học danh tiếng nhất
của Mỹ như Đại học Princeton, Đại học Columbia, Đại
học MIT. Hiện ông là lãnh đạo nhóm nghiên cứu của
CSIRO, kiêm giáo sư vật lý lý thuyết tại Đại học
Swinburne, Melbourne.
Trong hai công trình nổi
bật, “Computing the Non-Computable” (Tính cái không
thể tính được), và “A reformulation of Hilbert's tenth
problem through Quantum Mechanics” (Một cách phát biểu
lại bài toán số 10 của Hilbert thông qua Cơ học Lượng tử),
được trình bầy trên trang web của Viện nghiên cứu quốc gia
Los Alamos (Los Alamos National Laboratory) của Mỹ, đồng
thời đã đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học hàng đầu
khác như “Proceedings of the Royal Society” (Biên
bản của Hội Hoàng Gia Anh), “International Journal of
Theoretical Physics” (Tạp chí quốc tế về vật lý lý
thuyết), v.v. GS Kiều đã chỉ ra rằng computer lượng tử có
thể giải được những bài toán không thể giải –
computer lượng tử có thể biết cái không thể biết!
Ông tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ Luận đề
Turing-Church bằng cách chỉ ra rằng tồn tại những
bài toán không giải được theo nguyên lý Turing nhưng
có thể giải được bằng cách thực hiện những quy
trình cơ học lượng tử xác định rõ ràng”.
Ngay lập tức, tuyên bố
này gây chấn động trong giới khoa học tính toán, toán học
và vật lý lượng tử.
Dẫu còn quá sớm để có
một kết luận khẳng định ý nghĩa công trình táo bạo
của GS Kiều, bởi vì hiện nay computer lượng tử vẫn
chỉ đang trong giai đoạn thai nghén, nhưng về mặt lý
thuyết, công trình của GS Kiều đang làm dấy lên một mối
quan tâm đặc biệt của giới khoa học computer trên toàn
thế giới.
Tiến sĩ Richard Gomez,
giáo sư Đại học George Mason ở Mỹ, một chuyên gia có
uy tín lớn trong khoa học computer hiện nay, nhận
định: “Tôi đã đọc các công trình của GS Kiều và
nhận thấy những công trình đó hoàn toàn phù hợp
với những khám phá của các nhà nghiên cứu khác
trong lĩnh vực tính toán lượng tử và vật lý lượng
tử. Không còn nghi ngờ gì nữa, hiện nay đã có một
sự chấp nhận rộng rãi rằng thông tin mang tính chất
vật lý, và vật lý lượng tử cung cấp những quy luật
của sự ứng xử vật lý đó”. Ông nói tiếp : “Đặc
trưng kỳ lạ của cơ học lượng tử cho phép chúng ta
làm việc với toàn bộ thông tin theo những cung cách
hoàn toàn mới. Đơn giản là giáo sư Kiều đã biết
lợi dụng những quy luật của vật lý lượng tử để
đạt tới những kết quả mà trong thế giới của vật
lý cổ điển không thể đạt tới được”.
Theo nhận định của tạp
chí NewsFactor, công trình của GS Kiều có thể
bắn một phát đạn trúng hai đích: Bài toán số 10
của David Hilbert và Sự cố Dừng của Alan Turing.
Trong bài báo nhan đề “Quantum Leaps May Solve
Impossible Problems” (Những bước nhẩy lượng tử có thể
giải được những bài toán không giải được), tạp chí này
viết: “Nhà vật-lý-toán-học Úc gốc Việt, Giáo sư
Kiều, đã có một khám phá có thể làm cho nền toán
học và khoa học computer của thế kỷ trước vượt qua
được giới hạn của chính nó: Những bài toán từng
được coi là “không giải được” (unsolvable) hoặc “không
tính được” (uncomputable) có thể sẽ giải được bằng
cách sử dụng những tính chất bí ẩn của cơ học
lượng tử !”.
Tạp chí New Scientist,
trong bài “Smash & Grab” (Đột phá và nắm bắt) coi đó
là “một cuộc tấn công táo bạo vào chính những
giới hạn của toán học, nhờ đó có thể lấy lại
những kho báu mà chúng ta tưởng rằng vĩnh viễn sẽ
nằm ở phía bên kia tầm với. Hãy sẵn sàng để biết
cái không thể biết!”.
Nếu đặc trưng của nền giáo
dục Úc là “khuyến
khích tư duy sáng tạo và độc lập”
thì công trình táo bạo của GS Kiều chính là một bằng chứng
hùng hồn của đường lối giáo dục đó. Nói cách khác, đường lối
giáo dục đúng đắn chính là bệ phóng của tinh thần sáng tạo,
bản thân GS Kiều cũng nghĩ vậy. Trong thư trao đổi với cá
nhân tôi (người viết bài này), ông nói:
“Sau
những năm trung học và gần hai năm đại học tại Việt Nam tôi
rất bỡ ngỡ khi bước thẳng vào năm thứ hai tại đại học
Queensland với một môi trường và phương pháp giảng dạy
rất khác lạ. Ở phương tây, nền giáo dục khuyến khích sự
sáng tạo cá nhân, không gò bó vào khuôn thước của học thuyết
cũ. Nhất là trong lãnh vực khoa học hay toán học, khuôn
thước ràng buộc tối hậu là những chân lý thiên nhiên và
khách quan, thay vì những lý thuyết do người đi trước
đặt/tìm ra. Tôn trọng lịch sử, tôn trọng người đi trước,
tôn trọng bậc thầy là những điều phải có. Nhưng không để
phải đến mức diệt chết cái tự do tìm tòi, tự do suy nghĩ, tự
do đặt câu hỏi, nghi vấn ngay cả những lý thuyết hiện thời.
Có như thế mới có tiến bộ và phát triển. Dù sao đi nữa thì
lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết, chúng phải được kiểm chứng,
bồi đắp hay đào thải với những dữ kiện mới. Cũng như những
thời đại đến rồi đi, lý thuyết cũng chỉ hữu ích trong một
thời gian nào đó đề làm nền tảng, bàn đạp cho sự tiến triển
mai sau.
Có ý kiến cho là sinh
viên học sinh phương tây coi thường thầy cô mình. Nhưng
ngược lại, họ kính phục thầy cô của mình một cách khác.
Chính bản thân tôi dù đã rất lúng túng khi phải tranh luận
với giảng sư hay thầy đỡ đầu luận án vì những giá trị đạo
đức Á châu của mình, nay lại lấy làm thích thú khi tranh
luận một cách ngang hàng với sinh viên mình dạy. Qua đó, sự
kính nể giữa thầy và trò lại càng tăng thêm ở chổ nể phục
khả năng chuyên môn, thái độ tôn trọng sự thật của nhau,
thay vì một sự phục tòng tuyệt đối do lề lối, phong tục áp
đặt. Dĩ nhiên, ngoài vòng tranh luận, người trò vẫn tôn
trọng và phải tôn trọng người đã bỏ công truyền đạt, dạy dỗ
mình. Nhưng khoa học nói riêng và sự thật nói chung không
phân biệt tuổi tác và thứ bậc trong xã hội.
Một điểm khác mà mình
có thể học hỏi ở người là phải dám nghĩ đến những chuyện
lớn: “Think big”. Nên có cái nhìn tổng quát và toàn diện để
tổng hợp vấn đề cho những bước tiến lớn. Do đó giáo dục
phương tây không chủ trương từ chương, nhồi nhét chi tiết,
không chú trọng vào việc làm thật nhiều bài toán một kiểu
cho thật lẹ để có điểm cao mà không hiểu nguồn gốc của
phương pháp giải và của bài toán được giải; nếu chỉ như thế
người học trò sẽ không biết áp dụng toán vào những trường
hợp mới lạ. Phải chăng đây là lý do tại sao học sinh Á châu,
phần lớn, thi toán thì điểm cao nhưng kết quả sáng tạo, ngay
cả trong toán học, thì lại thua học sinh Âu Mỹ ?
Trong thời đại ngày
nay, sự phát triển và cạnh tranh (và ngay cả đến sự sống
còn) của một quốc gia trên bình diện thế giới đều phải dựa
vào dân trí và kiến thức, nhất là kiến thức về khoa học, kỹ
thuật và y khoa (kiến thức trong các lãnh vực khác không
phải là không cần thiết.) Thiếu một nền tảng dân trí cao,
thiếu cơ sở kiến thức vững vàng thì sớm muộn gì một quốc gia
cũng sẽ phải, nếu không đã, lệ thuộc vào nước ngoài. Ngay cả
nước Úc, một đất nước từng được coi là may mắn vì giầu quặng
mỏ, tài nguyên thiên nhiên, nhưng với thời đại toàn cầu hóa
hiện nay, với một dân số chỉ khoảng vỏn vẹn 20 triệu, Úc
muốn giữ được vai trò tiên tiến và duy trì được mức sống cao
của người dân thì cần phải và rất đang chú trọng đến việc
đào tạo và giáo dục – điển hình là việc cải tổ ngành đại học
gần đây của chính phủ.
Richard Feynman, người
Mỹ, một nhà vật lý lý thuyết lớn của thế kỷ 20, đã tâm tình
trong cuốn sách “The meaning of it all”
là muốn làm khoa học thì trước hết phải học để biết nghi
ngờ! Nghi ngờ là cần thiết và sự nghi ngờ có cái giá trị
của nó. Từ cái nghi ngờ ta mới đặt vấn đề, mới nêu câu hỏi
và từ đó tìm cách giải đáp thích đáng. Tiến sĩ Feynman nhấn
mạnh là chúng ta không nên sợ những nghi ngờ mà phải đón
nhận và trân quý chúng. Cái quyền được nghi vấn đã phải
trải qua bao nhiêu tranh đấu chứ không phải loài người tự
nhiên mà có. Có nghi ngờ, có không chắc chúng ta mới có cơ
hội để cải thiện hoàn cảnh, lý thuyết đã không còn phù hợp
với các dữ kiện mới nữa …”.
2b. Phan Kiều Oanh với “giấc mơ Úc”:
Để có thêm một
thí dụ làm sáng tỏ tính mở của đại học Úc, xin kể thêm
trường hợp của nhà lập trình Phan Kiều Oanh.
Khi Kiều Oanh còn ở Việt
Nam, cô là một sinh viên xuất sắc, đặc biệt trong môn toán
và tiếng Anh. Trong những năm phổ thông trung học, cô đã
tham gia các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc về toán và tiếng
Anh, trong đó đã hai lần đoạt giải nhì môn toán và một lần
đoạt giải nhất tiếng Anh.
Các cuộc thi này
được tổ chức hàng năm để phát hiện những học sinh năng khiếu
giỏi nhất. Năm 1983, sau khi đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi
tuyển sinh vào đại học, Kiều Oanh được học bổng du học. Năm
1989, sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ Sofia, Bulgaria,
cô lại nhận được học bổng của đại học này để làm luận án
tiến sĩ. Hoàn thành luận án năm 1993, cô lên đường sang Úc
để khởi đầu sự nghiệp khoa học của mình.
Tuy nhiên bằng
cấp của nhiều quốc gia trên thế giới không nghiễm nhiên được
công nhận tại Úc, trong đó có bằng cấp của Bulgaria. Vì thế,
khi mới đặt chân tới Úc, Kiều Oanh gặp khó khăn rất lớn
trong khi tìm kiếm một việc làm thích hợp. Cô phải đối mặt
với hàng đống thách thức trong bước khởi đầu cuộc sống mới
của mình.
Nhưng khó khăn
không làm cô nản lòng. Cô nhớ tới một danh ngôn của nhà bác
học vĩ đại Pythagoras: “Bước khởi đầu là một nửa sự
nghiệp”, tương tự như ngạn ngữ Việt Nam: “Vạn sự khởi
đầu nan”.
Vốn là một phụ
nữ năng động và nhiệt tình, Kiều Oanh không thất vọng và
không đầu hàng số phận. Cô quyết định khởi đầu lại toàn bộ
sự nghiệp: Cô nộp đơn theo học tại Đại Học Công Nghệ Sydney
(UTS) như một sinh viên năm thứ nhất.
Đó là một quyết
định cực kỳ khó khăn, vì lúc ấy cô không có tiền để sinh
sống, thuê nhà ở, trả học phí và mua sách vở tài liệu. Chi
phí cho việc học hành có thể sẽ rất lớn nếu chương trình học
kéo dài nhiều năm (4 hoặc 5 năm). Nhưng thử thách tạo nên
phẩm chất con người. Đó là điều Kiều Oanh đã được ông
nội và cha mẹ giáo dục từ khi cô còn nhỏ, và giờ là lúc cô
đem ra áp dụng: Cô quyết định vừa đi học vừa đi làm – đi làm
để trang trải mọi chi phí đời sống và học hành. Cô làm đủ
mọi việc có thể làm: may thuê, dạy học thuê, v.v.
Tuy nhiên,
phẩm chất con người là chứng chỉ tốt nhất trong cuộc sống!
Ngay ngày đầu tiên tại đại học UTS, Kiều Oanh đã thể hiện
khả năng vượt trội của cô so với các bạn cùng lớp. Giáo sư
Roman Stere, với kinh nghiệm từng trải của ông, nhanh chóng
nhận ra cô sinh viên xuất sắc của mình – Kiều Oanh tỏ ra
biết và hiểu sâu sắc mọi điều ông trình bầy đến nỗi ông phải
tạm ngừng bài giảng để hỏi cô:
-Này cô Kiều, có
vẻ như cô đã biết tất cả những gì tôi giảng trước khi cô đến
đây, đúng không?
-Vâng, đúng thế,
thưa giáo sư, Kiều Oanh trả lời.
-Tại sao cô
biết?
-Vì em đã tốt
nghiệp đại học và hoàn thành luận án tiến sĩ từ mấy năm
trước.
-Thế ư? Ở đâu và
bao giờ? Hãy nói cho tôi biết quá trình học tập của cô! Giáo
sư Roman hối thúc.
Thế là Kiều Oanh kể lại
chuyện học hành của cô, rằng cô đã tốt nghiệp đại học ra sao
và đã làm luận án tiến sĩ ra sao. Nghe cô kể xong, giáo sư
Roman liền hỏi:
-Vậy cô còn đến
lớp này để làm gì?
-Thưa giáo sư,
vì Úc không công nhận bằng cấp của Bulgaria. Vì thế em không
tìm được một công việc thích hợp để khởi đầu sự nghiệp khoa
học. Do đó em tới đây để kiếm một cái bằng của Úc! Kiều Oanh
giải thích.
-Ồ, thì ra là
như thế, vậy tôi sẽ cho cô thi chương trình năm cuối đại học
ở đây. Nếu cô thi đỗ, cô có thể lập tức trở thành một người
tốt nghiệp đại học ở Úc. Cô có muốn như thế không?
Kiều Oanh ngạc
nhiên, sung sướng bất ngờ. Tất nhiên là cô chấp nhận đề nghị
của giáo sư Roman ngay lập tức.
Những gì xẩy ra
sau đó đã xác nhận những điều Kiều Oanh nói là đúng. Cô đã
vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với kết quả xuất sắc và giáo sư
Roman đã giữ cô ở lại đại học UTS để làm trợ lý. Trong ba
năm tiếp theo, Kiều Oanh hoàn thành luận án master (thạc sĩ)
tại chính đại học này. Luận án này được đánh giá là đặc biệt
xuất sắc vì đề tài do chính Kiều Oanh phát hiện từ thực tiễn
của công nghệ, trong khi phần lớn đề tài thạc sĩ hoặc thậm
chí tiến sĩ đều do giáo sư hướng dẫn có sẵn từ trước rồi
giao cho học trò làm.
Người phụ trách
đề tài của cô cũng chính là GS Roman. Ông rất thích thú với
những trình bầy toán học của cô, nhưng một hôm ông đột nhiên
hỏi cô: “Theo sự hiểu biết của tôi, tôi thấy sinh viên
Việt Nam nói chung rất thông minh, giỏi Toán. Vậy lẽ ra nền
khoa học và công nghệ của các bạn phải phát triển lắm chứ.
Nhưng tại sao thực tế không phải như vậy? Những người giỏi
toán của các bạn đi đâu? Hay các bạn chỉ quen giỏi lý thuyết
sách vở thôi mà xa rời thực tiễn? Hay vì nguyên nhân nào
khác? Vậy tại sao cô giỏi Toán? Cô học Toán ở đâu? Ai dạy
cô?”.
Câu hỏi vượt quá
khả năng trả lời của Kiều Oanh, bởi cô đi du học từ khi 18
tuổi. Thực tiễn trong nước cô không nắm bắt được hết. Cô chỉ
trả lời những gì cô biết: “Thưa thầy, kiến thức của em
chủ yếu được học từ gia đình. Ông nội em, rồi bố em dạy em
là chính. Đã có những năm em phải học chương trình cải cách
giáo dục với rất nhiều đảo lộn, nhưng rất may là kiến thức
cơ bản em đã nắm vững. Vì thế em vẫn vươn lên được, bất chấp
sự hỗn loạn của chương trình cải cách”.
Có lẽ Kiều Oanh
sẽ tiếp tục sự nghiệp hàn lâm và có nhiều cơ hội để trở
thành một giáo sư đại học nếu một công ty của Mỹ không mời
cô làm việc cho họ với tư cách một nhà lập trình, kèm theo
một đề nghị lương bổng vô cùng hấp dẫn.
Đối với Kiều
Oanh, lập trình là một nghề nghiệp thích thú, rất phù hợp
với những ai giỏi toán. Lập trình là một lĩnh vực mà ở đó
khoa học về logic và tư tưởng hệ thống tha hồ phát huy sức
mạnh. Logic và hệ thống hoá đóng một vai trò nền tảng trong
toán học. Đó là lý do để nhiều người nhận định rằng giỏi
toán thường sẽ giỏi lập trình, nếu đi vào ngành này.
Cuối cùng Kiều
Oanh đã chọn con đường trở thành một nhà khoa học lập trình,
thay vì đi theo con đường hàn lâm ở trường đại học.
Thời gian đã
chứng tỏ lựa chọn của Kiều Oanh là khôn ngoan. Cô tiếp tục
gặp thách thức trong công việc, nhưng càng bị thách thức cô
càng yêu công việc. Có lần cô tâm sự: “Thắng lợi trong sự
nghiệp chỉ có ý nghĩa thật sự khi người ta cảm thấy yêu công
việc của mình, đồng thời nhận được những phần thưởng xứng
đáng vì công việc đó”.

Câu chuyện của Kiều Oanh
là một câu chuyện về một nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm thực
hiện một ước mơ, và cũng là câu chuyện về một niềm tin mạnh
mẽ rằng một ngày nào đó, ước mơ của bạn có thể trở thành
hiện thực ở đâu đó. Cô tâm niệm lời của Pierre Curie: “Phải
tạo cho cuộc đời một giấc mơ và phải biến giấc mơ thành hiện
thực”. Và cô cám ơn nền đại học của Úc đã tạo cho cô
điều kiện biến “giấc mơ Úc” thành hiện thực.
Mặc dù đến nay
đã trở thành một chuyên gia lập trình “có hạng” của Úc,
nhưng Kiều Oanh vẫn không sao quên được công ơn của GS Roman
và Đại học UTS. Cô nói: “Điều khác biệt căn bản giữa đại
học ở Bulgaria và Australia là ở chỗ học xong ở Bul, mặc dù
có bằng tiến sĩ, mà bước chân vào thực tế vẫn thấy bỡ ngỡ,
không biết bắt đầu từ đâu, bởi cách học ở Bul vẫn nặng về từ
chương, lý thuyết sáo rỗng, trong khi ở Australia, học ở
trường thế nào thì ra thực tế làm thế ấy. Kiến thức được mài
dũa qua thực tế nên trưởng thành rất nhanh chóng. Kỹ sư ở Úc
nếu không làm đúng chuyên môn của mình trong 3 năm thì tấm
bằng đại học sẽ vô giá trị. Khi xin việc người ta không còn
nhìn bạn bằng tấm bằng đó nữa. Có nghĩa là bằng cấp không
thể dùng để trang sức và loè bịp được”.
3. Kết:
Việc GS Roman tạo những
điều kiện thuận lợi nhất cho Kiều Oanh trong học tập không
có gì đáng ngạc nhiên, bởi đó chính là phương châm chủ đạo
của giáo dục Úc – khuyến khích sinh viên phát huy tối đa
năng lực sáng tạo của cá nhân. Điều này đã từng được áp dụng
rất hiệu quả trong trường hợp thần đồng toán học Terence
Tao. Chỉ cần nhìn tấm hình cậu bé 9 tuổi Terence đang “quỳ”
trên ghế Đại học Flinders ở Adelaide cũng có thể cảm nhận
được “phong cách Úc” trong giáo dục đại học Úc thoáng mở như
thế nào:

Một nghiên cứu sinh Việt
Nam là Vũ Trung Thành, đang làm luận án Master tại Úc, ngành
Quản trị kinh doanh, đề tài “Quản trị nhân lực”, mới đến Úc
chỉ vài tháng nhưng đã nhận thấy ngay những khác biệt trong
lối giáo dục ở đây so với những gì anh đã từng trải qua.
Thành nói:
“Bên
cạnh chi phí sinh hoạt dễ chấp nhận, môi trường sống an
toàn, khí hậu tốt, các trường đại học Úc có những điểm hấp
dẫn sinh viên Việt Nam, đặc biệt nếu so sánh 2 môi trường
giáo dục Việt Nam và Úc.
● Thứ nhất, các đại học
ở Úc quản trị theo phong cách phương Tây. Có những ví dụ rất
đơn giản mà các đại học ở Việt Nam chưa làm được. Đơn cử như
việc tự sắp xếp môn học, lịch học thi qua trang web của
trường. Thư viện online mở luân phiên 24/7, tức là mọi
hoạt động đều đặt sự tiện lợi của người học lên cao nhất.
Trong khi đó, đại học ở Việt Nam đặt sự tiện lợi của những
người làm công tác quản lí lên cao nhất.
● Thứ hai, đại học ở Úc
giảng dạy theo chất lượng Âu Mĩ. Trong các đại học ở Việt
Nam, tình trạng đạo văn là phổ biến (khi trò thấy thầy không
sáng tạo mà sao chép là chủ yếu thì chuyện sao chép bất bình
thường sẽ trở thành hết sức bình thường). Sinh viên các
trường đại học ở Việt Nam, ít nhất ở khu vực Hànội như tôi
thấy, không cần nỗ lực thực sự vẫn có có thể có bằng tốt
nghiệp. Nhưng nguy hiểm nhất là chấp nhận sự dễ dãi, qua loa
và gian dối. Tôi đã từng có 4 năm đi học như thế. Nhìn lại
đại học ở Úc, họ không chấp nhận sự làm việc hời hợt,
gian dối. Trích dẫn phải có nguồn, phải paraphrasing.
Phải chăng yêu cầu cơ bản mà giáo dục bậc cao đòi hỏi có lẽ
là bất khả ở những quốc gia đang phát triển?
● Thứ 3, đại học ở Úc
có cơ sở vật chất tốt. Không ai nghi ngờ sự thành công của
giáo dục Úc. Hai yếu tố cơ bản là con người và điều kiện vật
chất đầy đủ thì rất dễ nhận thấy”.
Nếu phải nói thêm, người
viết bài này chỉ xin nhắc lại lời của PGS Phùng Hồ Hải như
một nhấn mạnh: “Không thể xây dựng một tòa nhà cao
vút mà chân đế lại bé tí”. Vâng, nền khoa học của
một quốc gia không thể trở thành một kim tự tháp vững chắc
nếu nền giáo dục của nó chỉ chạy theo những giá trị ảo. Vấn
đề là chúng ta phải tạo ra những trí thức thật với một vốn
văn hoá cơ bản vững chắc, làm nền móng cho mọi tư duy trong
cuộc sống, dù là tư duy khoa học, công nghệ hay tư duy xã
hội. Nói cách khác, chúng ta phải có một nền giáo dục tạo ra
dân trí cao, thay vì chỉ có những thành tích “khổng lồ chân
đất sét”.
Trước khi hoàn thành bài
viết này, tôi vô tình đụng phải những tư tưởng rất chí lý về
giáo dục. Xin lấy làm lời kết:
“Hãy tránh những sai lầm
trong giáo dục. Đó là những sai lầm tệ hại nhất” (Ý kiến một
học giả Ấn Độ).
“Một nền giáo dục tồi là
nền giáo dục làm thui chột tài năng, người bình thường trở
thành kẻ tầm thường; Một nền giáo dục tốt là nền giáo dục
làm cho những người bình thường trở thành những người tài
năng hữu dụng” (Ý kiến một học giả Trung Hoa).
Sydney ngày 30 tháng 09
năm 2010
Phạm Việt Hưng
|