Đặc Tính và Yếu Tố Tác Động của Tiến Trình Chuyển Dịch Một Tài Liệu Phật Giáo Anh-việt.

Vietsciences- Võ Quang Nhân          20/01/2009

 

Những bài cùng tác giả

 

Các bạn đọc thân kính,

Thời gian gần đây, nếu để ý, chúng ta đều nhận thấy có rất nhiều bài giảng, sách vở, tài liệu về Phật giáo đã được xuất bản rộng rãi. Riêng các sách vở đã được chuyển dịch một lần từ Tạng hay Phạn ngữ sang Anh ngữ nay được tái chuyển dịch sang tiếng Việt có thể được tìm thấy khắp nơi trong lẫn ngoài nước, trên các kệ bán sách cũng như qua các phương tiện điện tử.

Đây là một dấu hiệu đáng mừng vì sách vở càng phong phú thì người đọc càng có cơ hội thấm nhập, so sánh, tra cứu, và tìm hiểu thêm về các văn kiện Phật giáo mà trước đây hầu như trong tiếng Việt ngoài các tài liệu đặc trưng viết về Phật giáo Việt Nam thì phần còn lại đều có xuất xứ từ nguồn Kinh Luận từ tiếng Trung Hoa.

Tuy vậy, việc chuyển dịch các tài liệu Phật giáo nhất là các sách vở có nguồn gốc từ Phật giáo Tây Tạng do nhiều nguyên nhân khác nhau đã dẫn tới tình trạng nhiều bản dịch được phổ biến mà lời văn trong đó không được rõ ràng, chính xác, hay thậm chí  còn đi ngược với ý tưởng mà nguyên tác đã viết ra.  Chưa kể đến việc tham gia dịch thuật mà không kể đến vấn đề vi phạm bản quyền tạo nên một thị trường sách Phật giáo thật sự khó đánh giá là "tốt đẹp" nếu không nói là quá hỗn độn.   Chính vì sự hỗn độn này mà dấu hiệu đúng lý ra là "đáng mừng" lại trở thành "đáng ngại".

Bài viết này không phải để đưa ra bất kì phê phán hay đề nghị biện pháp thay đổi nào mà chỉ nhằm chia sẻ vài ý kiến, kinh nghiệm, phân tích trong việc chuyển dịch các tài liệu có nội dung liên quan đến Phật giáo từ Anh ngữ sang Việt ngữ với mong ước góp vài ý tưởng hữu ích cho các dịch giả mới

Do đó, tất cả các ý kiến trong bài viết chỉ là ý tham khảo không có tính tranh thắng hay giáo khoa. Nên nếu bất kì chi tiết nào không hợp với người đọc thì cho người viết xin một lời cáo lỗi.

Ngược lại, người viết bài này rất mong mỏi và cảm tạ mọi sự chân thành góp ý, giúp đỡ hay phê bình để học hỏi thêm nhằm bổ khuyết cho phần chất lượng và khả năng nghiên cứu dịch thuật ngỏ hầu đem lại lợi ích cho người đọc sách Phật giáo Việt ngữ.

Quy ước: 

Tản mát trong bài viết sẽ có chỗ được mở ngoặc đơn nội dung trong đó có thể là thuật ngữ được dùng như tương đương với thuật ngữ liền ngay trước đó hay đơn giản chỉ là một giải thích thêm.

Các từ vựng sau đây sẽ được dùng trong bài với ý nghĩa đặc thù (có thể không hoàn toàn hợp với ý nghĩa thông thường) để tránh hiểu lầm xin người đọc lưu ý:

  • Dịch giả (hay người dịch): là người hay nhóm người tiến hành chuyển dịch bài viết hay tập sách cụ thể từ Anh ngữ sang Việt ngữ.
  • Nguyên bản Anh ngữ (hay ngắn gọn nguyên bản) là phần tài liệu hay phiên bản ấn hành bằng Anh ngữ mà người dịch dùng nó làm nội dung để chuyển dịch sang Việt ngữ. Toàn bộ phần từ ngữ bằng Anh ngữ trong nguyên bản được xem là nội dung Anh ngữ (hay gọi tắt là nội dung nếu không bị nhầm lẫn). 
  • Tác giả:  Tên của người hay nhóm người mà trong nguyên bản Anh ngữ đề cập tới như là người đã tạo ra, viết ra nội dung chính của nó.  
  • Dịch giả Anh:  (hay người dịch Anh) : là người hay nhóm người đã tiến hành chuyển dịch tài liệu từ một ngôn ngữ khác sang thành nội  dung của nguyên bản Anh ngữ. 
  • Nguyên tác:  Trong nhiều trường hợp thì tác giả  cũng không phải là người (nhóm người) đầu tiên viết ra tác phẩm (hay phần văn bản) cần được dịch sang Việt ngữ mà chỉ là người giảng giải hay viết thêm các chú giải cho tác phẩm đó.  Như vậy người (nhóm người) đầu tiên viết ra tác phẩm sẽ được gọi là nguyên tác (người trước tác).  Ngược lại, nếu tác giả là người (nhóm) đầu tiên sáng tạo ra bài viết cần được dịch cũng sẽ chính là nguyên tác.
  • Chính văn:  Trong trường hợp nguyên tác không phải là tác giả thì phần nội dung mà nguyên tác đã viết ra từ trước được gọi là chính văn
  • Phụ giải (hay chú giải): là phần chú thích hay giảng giải cho phần chính văn. Phần phụ giải này có thể ở nhiều hình thức từ việc chỉ mở ngoặc giải thích bằng vài chữ ngắn, hay viết ra chú thích, hay ngay cả viết thêm ra thành các chương riêng (như trong nhiều tác phẩm Phật học bằng Tạng ngữ), hay trường hợp bổ túc dưới dạng phụ lục....
  • Ngoài ra, trong trường hợp phức tạp, một tác phẩm có thể được chuyển dịch thành một chuỗi chẳng hạn từ Phạn ngữ -> Tạng Ngữ -> Anh ngữ -> Việt ngữ thì chuỗi từ nguyên tác cho đến dịch giả bao gồm những người chuyển dịch và chú giải trong các ngôn ngữ trung gian sẽ có được gọi theo thứ tự như sau: Nguyên tác, dịch giả Tạng, dịch giả Anh, Dịch giả Việt.  Tuy vậy, bài viết này chỉ chú trọng vào phân tích trường hơp đơn giản và người đọc có thể tự suy diễn sâu xa hơn. 
    Thí dụ:  tác phẩm Anh ngữ Nāgārjuna 's "Seventy Stanzas"  (ISBN 0-937938-39-4) thì nguyên tác chính là Thánh giả Long Thụ đã viết tác phẩm Śūnyatāsaptati (Thất Thập Không Tính Luận), sau đó được dịch giả Tạng Geshe Sonam Rinchen dịch và chú giải sang Tạng ngữ, tác phẩm này, đến lượt, lại được dịch và chú giải một lần nữa sang Anh ngữ bởi  các tác giả David Ross Komito và Tenzin Dorjee.

1. Những điều kiện hay kĩ năng cơ bản cho một người làm công tác dịch thuật Anh Việt:

1.1 Điều kiện chung:  Ai cũng biết tiêu chuẩn tối thiếu để có thể dịch một tài liệu Anh ngữ nói chung là có khả năng đọc hiểu bài viết và biết cách diễn đạt nó một cách đúng ý nghĩa sang Việt ngữ. Trong đó, việc nắm bắt các cấu trúc câu và nắm bắt thuật ngữ là điều kiện cần có cho một dịch giả thông thường.

1.2 Điều kiện luận giải: Tuy vậy, có nhiều trường hợp hoặc do cách dùng từ hay cách viết câu của dịch giả Anh, của ngyên tác, hoặc do đặc điểm phức tạp của chính nội dung bài viết nên có thể người dịch sẽ phải đương đầu với những cụm từ hay chữ khó hiểu, hay cấu trúc câu khá phức tạp, hay ngay cả trong một số trường hợp không theo sát luật văn phạm Anh ngữ. 

Trường hợp khó khăn này có thể đòi hỏi người dịch dùng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tìm ra được ý nghĩa hay thuật ngữ phù hợp nhất để dùng cho bản dịch Việt ngữ -- Một phương pháp dể thấy là dựa trên ý đang đề cập và dòng lưu chuyển ý hay ngữ cảnh của cả đọan văn trước và sau câu hay chữ đang cần xác minh (phương pháp này đặc biệt có ích trong các bài văn theo đúng quy cách viết kiểu Mỹ được dạy ở các trường đại học về luận Anh văn mà đôi khi được gọi tên là "context clues"). Ngoài ra còn có thể dùng các biện pháp khác dựa trên nhân thân của các dịch giả Anh, của nguyên tác, của giáo pháp đang đề cập, của trường phái triết học, của hoàn cảnh địa lý và không và thời gian liên hệ tới đoạn văn ... để suy đoán ra ý đúng của câu văn hay chữ cần hiểu.

1.3 Khả năng truy cứu: Một kĩ năng thứ hai không thể thiếu cho một người dịch là biết tận dụng các phương tiện tra cứu chuyên ngành và phổ thông. Thật sự, Anh ngữ là ngôn ngữ phổ dụng nhất và do đó cũng là một ngôn ngữ sinh động và rất phức tạp. Chưa một cá nhân nào có thể biết hết hay một từ điển Anh ngữ nào có thể liệt kê đủ các từ vựng và cách dùng trong Anh ngữ. Mỗi một bài viết đều hoàn toàn phụ thuộc vào cách dùng ngôn ngữ của nguyên tác và các dịch giả. Do đó, khó tránh khỏi việc tra cứu thêm bằng các phương tiện sẵn có.  Việc tra cứu như thế nào cho có hiệu quả lại là một việc khác.  Điều này sẽ được phân tích nhiều hơn ở các phần sau.

1.4 Kiến thức chuyên ngành và Việt ngữ: Sau đến là điều kiện về kiến thức chuyên môn và Việt ngữ. Chẳng hạn, trong một bản dịch liên quan sâu sắc đến Phật học và Khoa học thì người dịch không thể (đúng hơn là không nên làm việc này!) cho ra một bản dịch đúng và hay, mà không đủ kiến thức hay không hề quan tâm tìm hiểu cặn kẽ đến các hiểu biết được đề cập trong cả hai lãnh vực này của đề tài.

Ngoài ra, cũng có trường hợp dịch giả do điều kiện sinh sống không nắm vững đủ Việt ngữ nhưng vẩn chuyển dịch các tài liệu chuyên ngành sang Việt ngữ, điều này sẽ làm hạn chế nhiều phẩm chất của bản dịch.

1.5 Về mặt đạo đức: Sau nữa, cho dù là dịch thuật vì lợi nhuận cá nhân hay vì tha nhân thì bản dịch sẽ không có hồn nếu không đặt một tâm thức hứng khởi và niềm tin nào đó vào trong công việc. Điều này chỉ xãy ra trong nội tâm dịch giả nhưng nó lại một phần là chià khoá ảnh hưởng đến chất lượng dịch.

Mục tiêu tối hậu của một bản dịch, nếu đã loại mục tiêu do nhu cầu vật chất ra khỏi phạm trù này, thật ra là việc làm sao kiến thức trong nội dung của bản dịch được chuyển tải một cách chính xác, đầy đủ, và hiểu được -- tức là chuyển tải được toàn bộ giá trị tinh thần của nguyên bản đến cho càng nhiều độc giả càng tốt. Thật không gì thành công cho bằng một bản dịch giữ được sinh khí và đạt đến mục tiêu mà nguyên tác muốn đạt.

Từ mục tiêu này cho thấy một bản dịch đòi hỏi người dịch không được tự ý bẻ cong, hay tự ý đục bỏ các chi tiết cho dù nhỏ hay lớn.  Dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp, dịch giả cần và có thể thêm các chú giải để làm rõ các thuật ngữ chuyên môn hay phần nào giúp người đọc hiểu sâu hơn. Tuy nhiên, các chú giải này cần (nếu không nói là bắt buộc) phải được trình bày trong một hình thức hay định dạng đặc biệt nào đó sao cho người đọc nhận biết được dể dàng đâu là chính văn, đâu là nội dung của nguyên bản, và đâu là chú thích hay ý kiến thêm vào của dịch giả. 

Ở đây, xin phép không "đá động" đến trường hợp bất khả khán "bị đục bỏ" vì lý do kiểm duyệt! (Do vậy có nhiều dịch phẩm đã buộc người dịch vốn muốn dùng ngòi bút "viết đúng" thành "viết lách"). Tuy nhiên, nếu sự đục bỏ hay viết lách chữ khá nhiều và trở nên quá mức chấp nhận được thì dịch phẩm có thể trở thành phế phẩm hay chỉ là một loại phỏng dịch.

Một điều nữa, được kê sơ lược ra ở đây, là vấn đề đạo văn. Với tình trạng hiện nay, có quá nhiều hình thức chép lại văn của một người khác mà không hề ghi chú hay nhiều khi ngay cả "cuỗm" luôn toàn bộ tác phẩm, chỉ gạt bỏ tên người dịch ra. Điều này không thể nào được chấp nhận với mọi lý do.

Từ đây trở về sau, trong bài viết này, chúng ta quy ước chỉ đề cập tới những yếu tố dịch thuật của các tài liệu Phật giáo từ Anh ngữ sang Việt ngữ.  Nếu có trường hợp ngoại lệ khi cần thì chi tiết sẽ được nêu rõ ra.

2. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến một bản dịch Phật giáo Anh-Việt: 

Nhân thân người dịch là yếu tố có thể gây ảnh hưởng lớn nhất đến phẩm chất của một bản dịch. Nếu một người sinh trưởng trong miền Nam, lớn lên được tiếp cận với các giáo lý của Phật giáo Nguyên thủy, thì ngôn ngữ sử dụng của người đó khi dịch cùng một tác phẩm Phật học so với một người sinh trưởng tại miền Trung, được tu học nhiều kinh điển Đại thừa, sẽ có thể có nhiều khác biệt do hoàn cảnh khác nhau thổ ngữ, về kiến thức, về trường phái tu học, và về đời sống tập quán (tu sĩ, cư sĩ, hay chỉ là một người bình thường).  Ý thức được sự khác biệt về nhân thân của chính mình sẽ giúp cho người dịch được phần nào khách quan hơn.  Ở đây, có thêm các yếu tố rất quan trọng về nhân thân góp phần nâng cao chất lượng một bản dịch. Trau giồi, học hỏi, và tỉnh thức trong lúc vận dụng các yếu tố này sẽ có lợi rất nhiều. Việc hiểu biết về chính mình và giới hạn của mình sẽ giúp cho dịch giả tránh bớt được các lỗi dịch tạo ra do chủ quan (chấp ngã :-) và biết tận dụng sở trường cùng như bổ khuyết cho sở đoản.

2.1. Vốn hiểu biết về giáo pháp:  Rõ ràng một người cả đời tu học theo trường phái Duy thức sẽ có nhiều cơ may chuyển dịch các tác phẩm về Duy Thức chính xác hơn là một Phật tử thông thường và không được trang bị đầy đủ hiểu biết về trường phái này. Mặc khác, người có một tầm hiểu biết bao quát về lịch sử về các giáo thuyết của các phái khác nhau lại có thể làm tốt hơn trong việc chuyển dịch các tài liệu Phật học cơ bản hay lịch sử Phật giáo.  Tuy nhiên ngược lại, đôi khi kiến thức sâu sắc của chính mình lại có thể dẫn tới sự sai sót trong khi dịch thuật.   Chẳng hạn, đã có bản dịch mà có lẽ dịch giả vì chịu ảnh hưởng nặng bởi các hiểu biết về Duy Thức đã sử dụng các thuật ngữ hầu như chỉ nên dùng trong Duy thức học (như là "chủng tử", "tàng thức") đem ra dùng trong các khái niệm chuyên biệt của trường phái Trung quán mà không có ghi chú nào để phân định.

2.2   Kĩ năng vận dụng các phương tiện tra cứu: Một trong những chỗ yếu của nhiều dịch giả là do sự thiếu thốn về phương tiện tra cứu. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một từ điển tương đối hoàn bị nào về Phật học Anh-Việt, Tạng-Việt (và Phạn-Việt?)  và ngược lại;  mặc dù các từ điển này rất cần thiết cho việc tra cứu. Bỏ qua sự thiếu thốn khách quan này, chúng ta có thể phân chia làm hai loại phương tiện tra cứu chính đó là phương tiện sách vở (trực tiếp) và phương tiện truyền thông điện tử. 

Do vậy, việc tra cứu một từ vựng có khi dễ nhưng cũng có khi rất khó.  Cùng một chữ, có khi chỉ được dùng với nghĩa thông thường, nhưng nhiều lúc, cũng chữ đó, cần phải được tra cứu kĩ xem nó có nghĩa nào khác sâu sắc và chính xác hơn?  Trong nhiều trường hợp, dịch giả Anh sử dụng các thành ngữ ít phổ biến và cũng có khi một chữ lại có thêm nghĩa đặc thù trong Phật học mà không thể thay bằng nghĩa thông dụng. Khi tra cứu, có trường hợp phải tìm hiểu nghĩa của các chữ trong các bảng thuật ngữ của các trang WEB chuyên biệt về Phật giáo. Do đó, sự cẩn trọng trong khi tra cứu rất quan trọng.

2.2.1  Phương tiện trực tiếp:  Bao gồm các sách vở chuyên khoa, các sách từ điển phổ thông, chuyên môn Anh ngữ hay Anh-Việt cũng như các từ điển Phật học là không thể thiếu trong việc dịch thuật. 

Về các sách in tra cứu: Điều đáng lưu ý trước tiên là hầu hết các từ điển Phật học hiện tại trong nước đều thiếu rất nhiều thuật ngữ.  Tuy nhiên, điểm lợi của các từ điển hiện nay là có thể có thêm trích dẫn hay giải thích nhiều gốc từ Hán Việt.  Tiếp theo, đại đa số các tác phẩm và kinh luận trong nước xuất bản từ trước 1990 đều có nguồn gốc từ tiếng Hoa. Các tài liệu như thế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nền văn hoá Phật giáo Trung Hoa hơn là các trung tâm Phật giáo khác.  Ngoài ra, đa số các tác giả viết sách Phật học trong nước đều phát nguồn và chịu ảnh hưởng rất lớn bới nền tảng Phật giáo Trung Hoa. Nắm bắt các nhận xét này có thể giúp người dịch tận dụng nguồn giáo pháp tra cứu cũng như là để vượt qua được một số ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa khi dịch thuật và tra cứu.

2.2.2 Phương pháp điện tử:  Trên Internet hiện nay có rất nhiều dạng chia sẻ dữ liệu từ các thư viện dữ liệu mà người tra cứu phải trả lệ phí cho đến các bảng thuật ngữ chuyên biệt.  Điều nổi bật ở đây là sự tiện dụng.   Tuy nhiên, người ta khó lòng biết được chất lượng của nó ngoại trừ dữ liệu lấy được từ những trang WEB có uy tín.  Do đó, việc kiểm tra lại độ khả tín của dữ liệu là điều cần thiết.  Ngoài ra, phương tiện liên lạc trên các diễn đàn (forum) và các nhóm thư điện tử (mailgroup) Phật giáo chuyên môn cũng là nơi rất tốt và đáng tin cậy để tham khảo

2.2.3 Một số kĩ năng khai thác dữ liệu -- sau đây là một số cách khai thác dữ liệu

2.2.3.1 Khai thác các máy truy tìm dữ liệu

Việc khai thác dữ liệu qua các máy truy tìm thì rất tiện lợi nhưng người dùng phải tập làm quen với các chức năng cao cấp của nó để tận dụng1.  Tiện đây, xin nêu vài cách thức để nhanh chóng tra cứu nghĩa của một từ qua www.google.com:

define:<Thuật_ngữ>  -- Ngay lập tức máy sẽ tìm giúp các định nghĩa và hiển thị lên màn hình
definition <Thuật_ngữ> --
Máy sẽ hiển thị các trang từ điển có ghi định nghĩa của thuật ngữ

Một phương pháp nữa cũng khá thông dụng khi muốn truy tìm tất cả các bài viết có đề cập đến một thuật ngữ hay một cụm từ đặc biệt chỉ từ trong một tên miền (tên trang WEB):

<"Thuật_ngữ" hay "Cụm_Từ"> site:<Tên_miền>   (Thí dụ:  "tính không" site:thuvienhoasen.org )

Sử dụng các "Search Engine" này người ta cũng có thể tìm đến các sách vở điện tử (ebook), các từ điển bách khoa toàn thư, các bảng thuật ngữ Phật học, các từ điển Phật học bằng những thứ tiếng khác nhau, các phông chữ cần dùng như Tạng và Phạn ngữ,  các diễn đàn Phật giáo theo các truyền thống riêng biệt, các bài viết chuyên đề trong Phật giáo, các hình ảnh minh hoạ, các bài giảng Pháp âm của các đại sư đương thời (bằng MP3 hay bằng rm)  và thậm chí có thể dùng nó để kiểm tra lại chính tả của một chữ tiếng Việt2. Qua đó, việc tìm hiểu về nghĩa của một thuật ngữ đặc biệt hay để tìm thêm ý tham khảo trong Phật giáo có thể được dể dàng hơn rất nhiều.

2.2.3.2 Sử dụng bách khoa toàn thư Phật giáo và các bài viết chuyên khảo:  Thật là hữu ích nếu tìm được một bài viết chuyên khảo hay một đề mục trong bách khoa toàn thư về Phật học bằng Anh ngữ (hay bằng ngôn ngữ khác mà dịch giả biết được -- vi có lẽ hiện nay chưa có tự điển bách khoa về Phật giáo tiếng Việt) giải thích về thuật ngữ mà dịch giả đang muốn tìm hiểu.  Điều này đặc biệt cần thiết khi phải lựa chọn một từ mới chưa có hay chưa tìm ra trong các tự điển Phật học cũng như là khi muốn hiểu rõ hơn ý tưởng của nguyên tác -- từ đó có thể giúp tìm ra được các câu cú hay thuật ngữ thích hợp nhất.

2.2.3.3    Sách vở liên hệ -- Cách sách vở liên hệ đến tài liệu cần dịch thường giúp dịch giả hiểu thêm nhiều về tác phẩm mình đang theo . Tuy nhiên, điều này mất nhiều thời gian hơn so với các phương tiện khác.  Riêng khi tìm hiểu về các giáo pháp liên hệ đến đề tài hay thuật ngữ đang được dịch thì tầm nhìn của người dịch có thể được nâng cao và bao quát hơn, từ đó, việc diễn giải và dịch thuật sẽ dể được suông sẻ hơn. Ngoài ra, việc hiểu biết về các tài liệu lịch sử liên quan đến các sự kiện đang cần tra cứu cũng rất hữu ích, vì qua đó, người dịch sẽ nắm bắt hơn về tình hình văn hóa xã hội hay bối cảnh mà nguyên tác đề cập.

2.3.  Khả năng đọc hiểu nhiều ngôn ngữ:  Trong lúc truy tìm và hiểu để dịch cho đúng ý và chính xác, thì một người hiểu biết nghiều ngôn ngữ khác nhau rõ ràng là có nhiều cơ hội đạt hiệu quả cao hơn người chỉ biết Anh ngữ.  Chẳng hạn, hiện nay Đức ngữ cũng là một ngôn ngữ rất mạnh về các công trình nghiên cứu Phật giáo mới. Đặc biệt hơn, nếu người dịch có khả năng đọc hiểu và tra cứu được Phạn ngữ và Tạng ngữ thì đó là một vốn kiến thức nguồn tuyệt vời.  Trong trường hợp phải dịch các chánh văn từ Anh ngữ thì việc biết thêm hai ngôn ngữ này có thể giúp dịch giả "dịch thẳng" từ ngôn ngữ gốc thay vì sử dụng ngôn ngữ trung gian. 

Hoàn toàn bằng cách kết hợp các phương tiện điện tử, với khả năng đa ngôn ngữ, người dịch sẽ chủ động và tự tin hơn trong mọi tình huống từ việc tra cứu từ chuyên môn cho đến tìm hiểu sâu hơn về một chủ đề cần được dịch. 

2.4.  Khả năng trao đổi thông tin: Thật sự các đồng nghiệp các học giả và các tăng sĩ là những nguồn tra cứu sống động vô tận và quý báu nhất bên cạnh việc hiểu, họ còn có  thể góp ý hỗ trợ về nhiều mặt khác nhau trong lúc dịch thuật. Riêng các tăng sĩ, ngoài khả năng học vấn về Phật học, họ còn có thể đã đạt đến một mức tu chứng nào đó đủ để giúp người dịch thấu hiểu thêm về giáo Pháp trực tiếp. Do đo, người có một mối liên hệ thầy trò, ngoại giao hay bằng hữu ...  tốt với các cá nhân kể trên sẽ là một thuận duyên rất lớn.

3. Phân tích nội hàm bản dịch: 

Nội hàm nhắc đến ở đây chính là nội dung tài liệu nói về Phật giáo cần được dịch.  Các phân tích sau đây có thể ảnh hưởng trong việc phân tích nội dung, lựa chọn chủ đề dịch, tác giả dịch hay để phân tích và hiểu rõ nội dung đang được dịch.

3.1  Tứ Pháp Ấn: Như vậy, trong đa số các trường hợp để khẳng định một tài liệu hay bài viết là về Phật giáo thì chuẩn mực nào cho phép xác định đó là Phật giáo?  Tứ Pháp Ấn3 chính là câu giải đáp từ chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni:

  1. Vô thường: Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường.
  2. Khổ: Chư hành là khổ.
  3. Vô Ngã : Chư pháp đều vô ngã.
  4. Niết Bàn: Niết bàn là tịch tỉnh.

Nếu như không theo hay không phù hợp với các tiêu chuẩn này thì chắc chắn bài viết đó không thể là của Phật giáo hay ít nhất nó không là Phật giáo đúng nghĩa.

3.2 Tứ Pháp Y: Thứ đến, có khi, để có thể hiểu và trình bày lại chính xác các lời thuyết giảng (chú giải hay các trích dẫn từ kinh điển) cần phải có một tiếp cận hợp lý. Tứ Pháp Y4  là bốn nguyên lý mà đức Phật chỉ ra có thể giúp một người Phật tử tự học hỏi phân định và tìm hiểu về giáo pháp được chính xác.  Nếu việc dịch thuật dựa theo hướng dẫn này thì gần như sẽ tránh được rất nhiều lỗi do khó khăn về ngôn ngữ (nhất là trong các bản văn đã được dịch và chú giải qua nhiều ngôn ngữ trung gian) đồng thời tránh bớt được các thành kiến chủ quan trong lúc dịch

  1. Y pháp bất y nhân: Là dựa vào giáo pháp chứ không dựa theo người giảng pháp, cho dù người đó có danh tiếng, địa vị cao, nếu nói pháp không đúng cũng không nên tin theo. Dù người nói pháp đúng nhưng không có địa vị cao, không có danh tiếng thì nên tin theo. Như vậy điều này loại trừ lòng tin kiểu "thành kiến" hay "mù quáng". tin vào người giảng mà không dựa trên một cơ sở nền tảng.
  2. Y nghĩa bất y ngữ: Ngữ là lời nói, nghĩa là cái ý. Như thế, trong một kinh văn điều quan trọng là nắm được ý của người viết không nên câu nệ vào lời nói giọng văn. Điều này giúp loại ra được chủ nghĩa hình thức. Tức là, việc đọc hiểu nên chú trọng vào nội dung, và chức năng mà người trình bày bao hàm; tránh sa đà vào cách trình bày hay hình thức mà qua đó ý tưởng được phô bày hay ẩn ý.
  3. Y trí bất y thức: Thức là các giác quan hay cơ sở nhận thức thông qua tai mắt, mũi, lưỡi, thân thể và ý tưởng. Trí là tri thức tuyệt đối (tuệ giác). Như vậy, xét cụ thể hơn ra, qua các cơ quan hay cơ sở của nhận thức thì vẩn còn phải chịu ảnh hưởng bởi điều kiện và kinh nghiệm của từng cá nhân làm chủ thể cuả nhận thức nên vẩn có thể sai biệt với thực chất của tri thức tối hậu. (Chẳng hạn như mắt người chỉ có thể nhận thấy được một khoảng phổ hẹp ánh sáng phản xạ lại từ đối tượng vật chất và do đó các nhận thức trong chỉ về khiá cạnh này thôi cũng đã có thể bị sai biệt hay khiếm khuyết). Lời giảng này cho thấy người tìm hiểu cần ý thức để loại bỏ những "biểu kiến" hay nhận thức có thể bị ảnh hưởng bởi các thức gây ra.
  4. Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa: Theo cách phân định của Phật thì vì tùy theo trình độ hiểu biết và điều kiện (duyên) của đối tượng mà một thuyết giảng có thể mang ý nghĩa rốt ráo (liễu nghiã) hay có tính tương đối (bất liễu nghiã). Như vậy, đứng về mặt người tìm hiểu, một người cần phải phân tích xem ý nghĩa được giảng ra nằm trong phạm vi như thế nào, trong điều kiện môi trường và trình độ nào, đối tượng nào, góc độ nào để có thể hiểu được sự kiện được giảng. Có vậy để tránh được sự hiểu không rõ hay không chuẩn xác.

3.3  Suy nghiệm và phân tích: Khi đọc các bản dịch nhất là khi phải dịch lại các chính văn hay các lời trích từ kinh thừa và luận thừa thì hãy nhớ đến lời dạy của đức Phật. Qua đó, cho một thông tin đáng ngờ dù rất nhỏ, đều nên được tra cứu kiểm nghiệm lại sẽ có thể tránh được sai sót 

"Này các tỳ-kheo! Cũng như người khôn ngoan chỉ chấp nhận vàng sau khi đã thử nghiệm bằng cách nung nóng, cắt gọt, và nén dập nó, những lời của ta cũng vậy, chỉ được chấp nhận sau khi đã kiểm tra chúng, chứ không phải do sự tôn kính (đối với ta).”5 

3.4 Các gợi ý khác: Ngoài ra tùy trường hợp cụ thể người dịch có thể sử dụng hiểu biết về thuộc tính của bản dịch (các nguyên nhân chính, các nguyên nhân bổ trợ và các duyên lúc mà bài viết được hình thành được chuyển dịch sang Anh ngữ,...) cũng như lời Phật dạy để đưa ra cách dịch hay luận điểm  đúng đắn. Ở đây xin nêu qua:

3.4.1 Tứ Pháp Luận: Có trường hợp người dịch cần phân tích cách luận giải của nguyên tác vì đây là tài liệu viết về Phật giáo nên việc tham chiếu các phương pháp luận giải từ trong Phật giáo cũng rất quan trọng.  Giáo pháp gần như lúc nào cũng có sự lập luận đi kèm để minh chứng. Do đó, hiểu biết thêm về bộ môn Nhân Minh Luận5 (hay tức là môn học về lý luận trong Phật giáo) sẽ rất có lợi cho việc phân tích ý của nguyên tác.   Ở đây chi nêu bốn nguyên lý đơn giản tạm gọi là Tứ Pháp Luận6

 

  1. Nguyên lý về bản chất: Sự thật là có các sự vật tồn tại, và rằng các nguyên nhân dẫn tới các hậu quả. Ta hầu như có thể nói rằng, nguyên lý này ngụ ý một sự chấp nhận các quy luật tự nhiên. Thí dụ: Bản chất của lửa là sự toả nhiệt và bản chất của nước là tính chất lưu chuyển.

  2. Nguyên lý về năng lực (hay còn gọi là nguyên lý thành tựu công năng): Nguyên lý này đề cập đến cách thức mà các sự vật có khả năng tạo ra những kết quả nào đó tùy theo bản chất của chúng. Như lửa gây cháy, hoặc nước gây ướt.  Nguyên lý này cũng gắn liền với sự phụ thuộc của bất kỳ loại hiện tượng nào vào chính các thành phần và thuộc tính của nó, hoặc phụ thuộc vào các thực thể khác.  Nguyên lý về năng lực gắn liền với hiệu quả nguyên nhân của một hiện tượng cụ thể, chẳng hạn như khả năng của một hạt bắp tạo ra một thân cây bắp.

  3. Nguyên lí về duyên khởi (hay còn gọi là nguyên lý phụ thuộc) có một sự phụ thuộc tự nhiên giữa các sự vật và hiện tượng, giữa các nguyên nhân và kết quả. Mọi kết quả đều phụ thuộc vào nhân duyên của nó. Nguyên lý này cho thấy sự phụ thuộc của các hiện tượng kết hợp vào các nguyên nhân của chúng, chẳng hạn như sự phụ thuộc của nhãn thức vào thần kinh thị giác.

  4. Nguyên lý chứng minh hợp lý: Dựa vào điều này thì điều kia chắc chắn phải như thế; và dựa vào điều kia thì điều này hẳn phải là như vậy (Nguyên lý này bao hàm các phương pháp lập luận lô-gíc như đã nêu trên). Nguyên lý chứng minh hợp lý bao gồm ba phương thức để người ta xác nhận sự tồn tại của bất kì điều gì - đó là: trực tiếp nhận thức, suy đoán/suy luận chắc chắn, và tri thức dựa vào sự xác nhận của người hay kinh điển đủ quyền năng.

     

3.4.2 Diễn giải kinh điển: Một điểm đáng lưu ý là trong khi chuyển dịch các đoạn văn có tính kinh điển là tùy theo ngữ cảnh và trường phái Phật giáo đang được đề cập, người dịch có thể phải biết đến cách phân loại kinh Phật có tính liễu nghĩa và loại kinh điển cần được diễn dịch tùy theo trường phái. 

3.4.3 Tục đế và Chân đế: Ngoài ra, những đọan văn Anh ngữ có đề cập hay liên quan giáo lý vô ngã hay tính Không cũng cần được xem xét về ngữ cảnh của câu thuộc về dạng nào (Tục Đế hay Chân Đế7? hay trong các tập sách về Zen sẽ có những loại công án khó hiểu nếu không thấy được nội dung Chân Đế của nó).  Qua đó, việc dịch và hiểu bài viết sẽ được tường minh hơn.

3.4.4  Đối tượng của giáo pháp trong bài viết cũng là điều cần lưu ý khi dịch.  Đức Phật dạy rằng có đến 84 vạn Pháp môn, tùy căn cơ và duyên nghiệp của người tu học mà có thể tìm thấy Pháp thích hợp.  Tương tự thế, việc lưu tâm đến giới hay tầng lớp người mà bài viết nhắm đến sẽ giúp dịch giả chọn giọng văn hay câu cú thích hợp.

3.4.5  Tư tưởng chủ đạo: Kế đến việc nắm bắt được tư tưởng chủ đạo của bài viết thuộc vào hệ tư tưởng triết lý của bộ phái hay trường phái nào, hoàn cảnh của nội dung bài viết và đặc tính địa phương (như phong, tục tập quán, văn hoá văn minh) sẽ ít nhiều giúp cho việc chọn lối dịch nó cũng  giúp cho việc hiệu đính về một ý trong bản dịch Anh được hợp với tôn chỉ của truyền thừa riêng biệt hay không.

3.4.6 Không thời gian: Riêng về lai lịch và không gian lúc ra đời của bài dịch cũng có thể giúp ích nhiều (so sánh và tham khảo để chinh xác hóa với các văn bản gốc chẳng hạn)

4. Phân tích về nguyên Tác và các dịch giả trung gian (Chủ thể)

4.1. Trạng thái nhân thân của nguyên tác tại thời điểm ra đời của tác phẩm: Nhận thức của một người ở một thời điểm có thể khác đi nhiều trong thời điểm khác trong khi tác phẩm của họ sẽ phản ánh những gì thuộc về trạng thái nhận thức tại thời điểm mà nó được viết. Hiểu được trạng thái, vị trí, hay quan điểm của một nguyên tác tại thời điểm bài văn được tạo ra cũng là một điều thuận lợi  lớn cho việc chuyển dịch. Tuy nhiên, điều này không dể làm.

Một điều dể thấy hơn là tìm xem người đó đang ở điạ phương nào, đang theo xu hướng hay truyền thống triết học nào, trình độ ra sao.  Chẳng hạn cùng viết về một đề tài liên hệ giữa khoa học và Phật học thì một phật tử sẽ có cái nhìn khác và giọng văn khác với cái nhìn của một nhà báo, một nhà thần kinh học, hay một nhà vật lý. 

Riêng về ngôn ngữ (địa phương) mà nguyên tác sử dụng hàng ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến tác phẩm người đó viết.  Rõ ràng cùng là tiếng Anh nhưng người ở Mỹ, ở Anh, ở Úc, ở Ấn, hay ở Phi Luật Tân đều có những thói quen và dùng chữ có những phong cách khác nhau dẫn đến việc tra cứu tự điển cần có một mức lưu tâm nào đó.  Dựa trên sự khác nhau này, người dịch có thể tránh khỏi các nhầm lẫn vô tình do thói quen ngôn ngữ của nguyên tác.  Hoàn toàn tương tự như vậy, nhưng có phần phức tạp hơn khi bản Anh ngữ lại là một bản dịch lại từ một ngôn ngữ khác.  Ở đây bản Anh ngữ đã có thể pha thêm "màu sắc" của dịch giả Anh và các dịch giả trung gian, đỏi khi làm lu mờ ngay cả ngôn ngữ và ý tứ của bài nguyên thủy.

4.2  Đối tượng mà tác phẩm hướng đến cũng góp phần cho việc định hướng dịch thuật của dịch giả. Với cùng một người viết thì bài viết cho giới chuyên môn hay cho giới trí thức có thể dùng ngôn ngữ khác hẳn với bài viết cho công chúng. Điều này sẽ có thể bị phức tạp hóa nếu bài giảng ban đầu (nguyên tác) vốn dành cho giới trí thức hay tu sĩ nay lại được dịch giả Anh dịch lại nhưng vô tình hay cố ý chuyển hướng dịch lại dùng giọng văn dành cho công chúng và thêm thắt vào đó nhiều chú thích về các thuật ngữ chuyên sâu.     

5. Ngoại diện:

Ở đây bài viết dùng chữ "ngoại diện" để mô tả những tính năng hình thức hay phương tiện qua đó nó chuyển tải nội dung ý tưởng của bài dịch Việt cũng như đối tượng của bài dịch Việt.

Điểm khác biệt giữa bản dịch Anh và bản dịch Việt là ngôn ngữ và cấu trúc sắp xếp trong bản Anh ngữ đã định hình trong khi người dịch có một khoản giao động trong việc lựa chọn từ ngữ, văn phong và cách xắp đặt cấu trúc bản dịch.  Như vậy, ngoại diện của bản Anh ngữ thì hoàn toàn xác định và bị động chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về nó, trong khi bản dịch Việt thì có một phần chủ động (tuy vẩn phụ thuộc về nội dung của bản Anh ngữ) tùy người dịch tạo ra. Phần này sẽ tập trung vào phân tích các đặc điểm ngoại diện của bản dịch Việt.

5.1 Ngôn ngữ:  Ngôn ngữ  thật sự có ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và sự thấu hiểu của độc giả.  Ở đây, việc sử dụng các đặc tính của ngôn ngữ Việt (như văn phong, biện pháp tu từ, ...) đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của bản dịch. Ngôn ngữ Việt, nếu để ý, sẽ nhận ra sự khác biệt của người dùng theo từng thế hệ, từng thời kì, từng điạ phương.  Hơn thế nữa, cách dùng ngôn ngữ và từ vựng cũng thay đổi khá nhanh theo thời gian nhất là trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của tiến bộ về phương tiện giao thông và thông tin thì ngôn ngữ Việt thông dụng và chuyên nghiệp cũng thay đổi rất nhanh chóng gần như không có sự lưu ý nào từ phía các nhà giáo dục. Các chữ có thể bị thay đổi về ý nghĩa trong cách dùng thông thường. Ngay cả ngôn ngữ dùng trong các tài liệu Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng thay đổi này. (Nếu muốn thấy rõ hãy thử xem và so sánh một vài tác phẩm viết về Phật giáo trước 1975 và tài liệu mới gần đây về cùng một đề tài). Do đó, cũng nên chú ý nếu muốn bài dịch được dể hiểu hơn thì có thể giảm bớt các từ cổ điển thay bằng các từ mới trong chừng mực có  sự kiểm soát cẩn thận nào đó.

Một ý kiến khác về việc lựa chọn thuật ngữ là trong rất nhiều trường hợp do chủ quan người dịch thường hay "quên" về khả năng người đọc không có tín ngưỡng Phật giáo hay không cùng lập trường, và do đó, đôi khi vì vô ý người dịch đã có dùng các thụật ngữ "không mấy trung tính" hay "không mấy phù hợp" nếu không nói là sai lạc so với ngôn ngữ thực sự của nguyên bản. Việc lưu tâm về lựa chọn từ ngữ sẽ giúp bản dịch được nhẹ nhàng hơn và chính xác hơn (cho người không cùng đạo hay không cùng tư tưởng).

Tiện, xin nhắc thêm tình hình Anh ngữ cũng có một số điểm đáng ghi nhận là có nhiều thuật ngữ chuyên môn như là những từ ít thông dụng thì không được thống nhất trong cách viết. Ngoài ra, có nhiều tài liệu dùng thuật ngữ Phạn được phiên âm theo các nguyên tắc khác nhau.  Điều này gây khó khăn không ít trong việc tra cứu

Hơn thế nữa có một số truyền thống Phật giáo trước đây rất khép kín cũng đã bắt đầu hé mở cửa (như trường hợp Phật giáo TâyTạng). Với ngôn ngữ giáo pháp gần như "mới xuống núi" của các truyền thống này đòi hỏi tiếng Việt phải có những cập nhật tương ứng và gây phức tạp thêm cho người dịch. Số thuật ngữ mới này vẩn còn thiếu sự thống nhất nên cũng tác động đến người đọc ít nhiều.

5.2  Đặc điểm đối tượng "độc giả" (khách thể Việt) Để cho một dịch phẩm được thành công thì người dịch cũng cần xác định rõ đối tượng phục vụ của nó.  Việc chuyển dich bài văn Phật giáo cho giới trẻ ít hiểu biết về Hán ngữ phải khác nhiều với bài viết dành cho hàng tăng sĩ.  Tương tự, tùy theo bản dịch và tùy theo mụch tiêu, các dịch giả cần để ý đến giới tính, trình độ, tâm lý, văn hóa, đạo đức ... để có thể sử dụng ngôn ngữ và văn phong hợp lý.  Thường thì để mở rộng được giới độc giả người dịch phải chọn một loại ngôn ngữ tương đối giản dị, giới hạn bớt những từ cổ, từ Hán Việt. Tuy nhiên, nếu chăm chút quá vào việc dùng chữ có gốc Nôm đôi khi lại làm cho bài văn trở nên thiếu ý, quá dài dòng hay tối nghĩa.  Một phương án để dung hoà bớt là sử dụng thêm hệ thống chú giải một cách khoa học.

5.3  Hệ thống chú thích (chú giải):  Hệ thống chú thích được sử dụng trong các sách nhằm nhiều mục đích khác nhau và nó có thể được tạo ra từ nguyên tác, các dịch giả trung gian hay từ người dịch Việt. Đặc biệt trong các tác phẩm Phật giáo, ngoài phần chính văn, nhiều tác giả đi sau có thể viết thêm các luận giải vào phần chú thích và đặt lại tựa mới cho quyển sách. Các chú giải này đôi khi đóng vai trò rất quan trọng cho tác phẩm (qua cách phân tích của người dịch và chú giải, tác phẩm ban đầu có thể có chuyển hoá lớn về mặt chất lượng).  Hầu hết những người viết dạng chú giải sẽ tách riêng một cách rõ ràng đâu là chính văn và đâu là phần giải nghĩa.  Tùy theo tác phẩm người dịch có thể giữ nguyên hệ thống chú thích thay đổi hình thức trình bày.  Trong nhiều trường hợp, dịch giả cần chèn thêm các chú thích thì phải làm sao cho độc giả có thể dể dàng phân biệt rạch ròi đâu là các chú giải thêm của phần Việt ngữ (Chẳng hạn, bằng cách đặt thêm dòng viết tắt ngắn, hay thay đổi định dạng chữ in, ... để giúp bật vào mắt người đọc phân biệt được chú giải riêng một cách dể dàng)  

5.3.1  Các loại chú giải:  Có nhiều dạng chú giải mà nguyên tác và các dịch giả có thể chèn thêm vào như

  1. Giải thích thêm về thuật ngữ mới dùng.
  2. Giải nghĩa thêm về ý của một câu, một đoạn hay một chương.
  3. Liên kết các ý tản mạn hay rời rạc trong các phần khác nhau của tập sách để làm rõ hơn ý tưởng nào đó của nguyên tác.
  4. Đào sâu thêm chi tiết để minh họạ hay để dẫn chứng (đúng - sai). 
  5. Để phân định sự khác nhau của hai ý gần tưởng tự hay để phân biệt cách hiểu khác biệt về thuật ngữ hay cách hiểu của các giáo phái.
  6. Có thể dùng để phê bình.
  7. Dùng để trích dẫn và tham chiếu đến các nguồn tin cậy khác.
  8. Giảng thuyết lại toàn bộ chính văn -- Sự chú thích lớn như thế thường được gọi là chú giải và bản chú giải này thường được xem là một tác phẩm mới riêng biệt.  Ở đây để cho tiện phân tích chung, chúng tôi chỉ xem nó là một loại chú giải từ chính văn.

5.3.2  Phân biệt nguồn của chú giải:  Để cho một bản dịch được thực sự rõ ràng minh bạch thì người dịch cần chú ý phân biệt sự khác nhau về chủ thể (nguồn) của các chú giải  từ nguyên tác, từ các dịch giả, và từ dịch giả bản Việt ngữ. Với phân biệt này, ngoài việc giúp cho người dịch được dể dàng, nó còn còn giúp người đọc nắm vững chi tiết nào là của ai và có thể có đánh giá khách quan hơn về nguyên tác và người dịch.

5.3.3  Định dạng chú giải: tùy theo mức độ phức tạp của một bản dịch mà khi trình bày có thể cần có các biện pháp định dạng khác nhau cho các chú thích.  Các định dạng này phải giúp người đọc phân định được nguồn và loại của chú giải.  (Chẳng hạn dùng các kiểu chữ, kiểu đánh số hay kiểu trình bày đặc trưng cho từng loại hay từng nguồn chú giải sao cho khi đọc chú giải đó độc giả có thể lbiết được nguồn và loại chú giải)

5.3.4  Trường hợp nên/buộc dùng chú giải:  Vì tính trong sáng và rõ ràng, nhiều trường hơp dịch giả nên hay buộc phải thêm chú giải chẳng hạn như trường hợp bản dịch Anh bị sai ý so với nguyên bản, hoặc trường hợp một thuật ngữ dể gây ngộ nhận, hoặc các thuật ngữ viết khác nhau lại mang cùng một ý nghĩa, hay các tên địa danh lịch sử, tên lạ ...

5.3.5  Một số trường hợp tránh dùng chú giải:  Ngược lại cũng có trường hợp nên tránh dùng chú giải nếu chú giải đó có thể gây ra việc hiểu hiểu sai lạc hay tạo thêm rối cho độc giả như trường hợp chú thích của chú thích.

5.3.6 Chú giải Anh:  Như vậy tùy theo tình trạng mà người dịch nên quyết định thêm hay không các chú thích nhằm làm rõ các chi tiết của bản dịch.  Tuy nhiên, ngược lại, việc tự ý cắt bỏ hay thay đổi nội dung những chú thích sẵn có trong bản dịch Anh mà không có một thông tin nào cho độc giả hay biết về việc làm này là không nên (hay không thể chấp nhận được  -- ngoại trừ trường hợp bị kiểm duyệt !).  Trong những trường hợp đặc biệt, tốt hơn hết là thêm vào đó một chú thích đặc biệt từ dịch giả Việt để giải thích ghi chú của bản Anh ngữ.  Tưởng cũng nên lưu ý là đa số các sách Phật giáo Anh ngữ dùng một trong hai dạng chú thích (hay dùng cả hai): 

  1. Dạng chú thích đánh số theo chương và sẽ được ghi chú ở sau cùng của sách.
  2. Dang chú giải: thường khi  phụ phần chiếm một tỉ lệ lớn thi chính văn được sắp xếp hay định dạng riêng biệt. Theo sau đó là toàn bộ phần chú giải từng câu một. (Trước khi vào chinh văn có thể là các phần cài đặt hay phần dẫn giải nền).

5.4  Hệ thống tham chiếu:  Hệ thống tham chiếu được sử dụng cho nhiều mụch đích, trong đó quan trọng nhất là cung cấp thêm thông tin cho người đọc tìm hiểu sâu vào chi tiết cũng như dùng để kiểm nghiệm lại giá trị của các ý kiến trong nguyên bản.  Hầu hết các tài liệu viết về Phật giáo đều có trong đó ít nhiều các hình thức trích dẫn và tham khảo. Việc trình bày các trích dẫn và tham chiếu có thể từ dạng đơn giản là trực tiếp ghi chú lại và cho biết nguồn gốc tham khảo cho đến các hình thức phức tạp là kết hợp ghi chú với một bảng ghi kí hiệu và từ đó người đọc khi cần có thể một lần nữa tìm ra nguồn tham khảo qua bảng danh mục tham khảo.  Cũng có khi bảng danh mục tài liệu tham khảo được nêu độc lập một mình và các trích dẫn được ghi chú nguồn riêng trong hệ thống ghi chú.  Ở đây, người dịch tùy theo mục tiêu hoặc có thể chiếu y theo hình thức trình bày của bản Anh ngữ hay thuận duyên thay đổi cách trình bày hệ thống tham chiếu cho phù hợp với cách quen thuộc của độc giả người Việt. Tương tự như hệ thống chú thích, nếu các tham chiếu được dịch giả chèn thêm thì nó phải được lưu ý cho người đọc phân biệt rạch ròi khác nhau giữa nguyên bản và bản dịch Việt. Thật đáng tiếc và là một sai sót khi rất nhiều trường hợp các bản in Việt sau này đã tự ý loại bỏ các tham chiếu vốn có trong nguyên bản Anh và như vậy làm giảm giá trị học thuật của bản dịch.

5.5   Hệ thống hình ảnh hay đồ thị minh họa Thường trong các sách có tính kinh điển, người ta sẽ ít tìm thấy hình ảnh hay đồ thị minh họa.  Tuy nhiên, với các sách Phật giáo mới hơn, nhất là các sách có tính lịch sử hay nghệ thuật thì hệ thống hình ảnh sẽ có thể rất phong phú.  Các hình ảnh sơ đồ đôi khi chỉ có vài dòng minh họa và chú giải ngắn về nguồn gốc.  Hệ thống minh họa tự nó có mang tải những thông tin thiết thực có khi không thể thiếu.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp dịch giả cần đưa thêm hình ảnh, hay sơ đồ minh họa cho dể hiểu thì cần chú ý về độ chính xác, rõ ràng, phù hợp với đề tài, và đặt đúng chỗ. Chẳng hạn một bài viết Phật giáo Tây Tạng mô tả về vòng luân hồi sẽ trở nên rất khô khan và khó hiểu nếu không có hình ảnh cụ thể. Các hình ảnh thường là công cụ minh họạ mạnh mẽ cũng như có thể cung cấp những bằng chứng (hay phản bác) cụ thể nhất cho ý tưởng của tác phẩm. Tuy nhiên, giá thành tăng do việc in ấn sách có nhiều hình minh họa đôi khi cũng là vấn đề cần tính đến.

5.6   Hệ thống phụ lục: có thể xem như một loại bổ phần (hay một dạng chú thích đặc biệt). Trong các sách Phật giáo theo lối truyền thống bằng Việt ngữ, thường it có dạng phụ lục này. Tuy nhiên, trong các sách trình bày Anh ngữ ngày nay thường có nhiều phụ lục hơn.  Thật sự mục đích của các phụ lục rất rộng từ việc trình bày thêm phương cách thực hành giáo pháp đề cập trong bài cho đến việc trích lại các bản kinh luận hay ngay cả chỉ để trình bày các chi tiết bổ xung cho lần dịch đó... Trong nhiều bản dịch Việt ngữ, không hiểu vì sao lại "bỏ quên" không trình bày phần phụ lục mà không hề nêu lý do cho độc giả.  Tuỳ theo mức độ, đây có thể là một sai sót lớn hay nhỏ trong dịch thuật.

5.7   Bảng Danh từ chuyên môn và thư mục Trong các tài liệu có nội dung ngắn thì có thể không có thư mục và bảng thuật ngữ. Nhưng trong các chuyên khảo hay các tập sách lớn Anh ngữ thường có thêm bảng thuật ngữ và/hay thư mục. Tương tự như trường hợp của hệ thông tham chiếu, trong đa số sách dịch Việt ngay cả các sách trước tác phổ biến về Phật học việt ngữ thường không có chúng.  Thư mục được sử dụng như một cách để người đọc có thể nhanh chóng tìm đến các thông tin nói về cùng một chủ đề trong toàn bộ tập sách. Điều này rất hữu ích cho vìệc tra cứu so sánh và đào sâu về một đề tài trong sách. Trước đây, khi phương tiện máy tính điện tử chưa phổ biến trong soạn thảo thì thật sự phức tạp cho người hiệu đính và chuẩn bị.   Tuy nhiên, với việc sử dụng computer, một bảng thư mục soạn thêm sau khi đã định dạng tập sách trở nên bớt năng nhọc nhất là trong trường hợp chỉ là dịch lại từ nguyên bản.  Về bảng danh từ chuyên môn, thì đây có thể là một khó khăn vì có thể có nhiều từ mới chưa thống nhất trong Việt ngữ mà lại không có mặt trong nguyên bản khiến người dịch phải ra công soạn thảo thêm.  Tuy nhiên, với bảng thuật thuật ngữ (hay bảng đối chiếu thuật ngữ) thì người đọc sẽ nắm được ý nghĩa đặc thù của thuật ngữ đó trong nội dung cụ thể của tập sách.  Ngoài ra, bảng thuật ngữ này có thể được bổ sung điều chỉnh thành bảng thuật ngữ đối chiếu rất có ích cho độc giả trong trường hợp họ muốn tìm hiểu, tra cứu thêm trong các tài liệu Anh ngữ về các chi tiết liên quan.

Tùy theo cách trình bày, bản Anh ngữ có thể xếp các phần trình bày ở mục 5.4, 5.5, 5.7 chung vào thành các phụ lục. (phải chăng vì chữ "phụ lục" này mà nhiều bản dịch Việt đã bỏ qua không dịch nội dung nhiều khi vô cùng giá trị của no?)

5.8  Hệ thống dàn bài:  Tùy theo bản dịch và cách lựa chọn trình bày, một tập sách có thể nhiều hay ít hay bỏ qua các phần trình bày và thứ tự có thể sắp xếp tùy từng trường hợp.  Sau đây là một ví dụ về dàn bài tương đối đủ

  • Tựa đề và nguyên tác hay/và các dịch giả của mỗi bản dịch trung gian và bản dịch Việt
  • Khẳng định bản quyền và các thông tin liên hệ
  • Giới thiệu các dịch giả
  • Cảm tạ
  • Giới thiệu tập sách và/hay lời nói đằu, lời ngỏ
  • Cách sử dụng sách (bao gồm giải thích về cách tra cứu, về các định dạng, các chú thic'h ...)
  • Bảng mục lục, bảng mục lục các hình ảnh và sơ đồ
  • Nội dung chính
  • Chú thích
  • Bảng chữ viết tắt
  • Tham chiếu/Tài liệu tham khảo
  • Thư mục (hay từ vựng tra cứu)
  • Các phụ lục khác

6.  Vấn đề lựa chọn và trình bày một thuật ngữ:

Lựa chọn thuật ngữ trong lúc dịch là việc rất quan trọng nó ảnh hưởng đến toàn bộ chất lượng của bản dịch.  Tùy theo khả năng, mỗi dịch giả sẽ có cách thức, chiến lược và kĩ năng khác nhau.  Ở đây chỉ nêu vài đặc điểm đáng lưu ý.

6.1 Tính thống nhất trong phương án chuyển dịch: Nếu trong trường hợp phải lựa chọn một từ vựng trong số những từ vựng khả dĩ dùng được thì có thể xác định thêm một vài yếu tố liên hệ (như đã nêu trên trong đó bao gồm đối tượng độc giả, biện pháp tu từ, cấu trúc hiện tại định dùng ...) Ngoài ra, người dịch có lẽ cần cứu xét đến các yếu tố trong lúc lưạ chọn bao gồm: tính phổ biến của thuật ngữ, chữ Thuần Việt hay Hán Việt, chữ Anh hoá8 hay phiên âm.

Việc sử dụng thống nhất một chiến lược lựa chọn (tùy theo đặc điểm nội hàm của từ) có thể làm cho bài dịch được sáng tỏ hơn. Tùy theo từ loại, người dịch có thể đưa ra cách chuyển dịch thích hơp tối ưu cho bài địch được rõ ràng và thống nhất. Thí dụ9 người dịch có thể theo thống nhất dịch tùy theo lớp đối tượng như là: các địa danh dùng phương án giữ nguyên tên Anh hoá (Lumbini, Bodgaya, ..), các giáo phái có thể dùng tên theo các đặc điểm của giáo phái (Kinh Lương Bộ, Duy Thức tông, Đại Thừa, ...), kinh điển dùng tên phiên Âm Phạn La-tinh, ....  Tuy nhiên, có trường hợp không thể theo một cách đặt tên thống nhất cho một lớp đối tượng thì vẩn có thể cứu xét sao cho việc thông dịch không quá rối rắm vô nguyên tắc.  Một thí dụ khác là ưu tiên sử dụng lại các thuật ngữ đã thật sự thông dụng dù rằng nó không được rõ nghĩa cho lắm (thí dụ chữ "quán đảnh"), sau đó mới đến việc áp dụng các phương án dịch thuật kể trên.  Tuy vậy, cần nên cẩn trọng với những chữ tuy đã quen dùng nhưng có thể dẫn đến sai sót (thí dụ khi dịch cụm chữ "mere name, mere designation" thành cụm từ "chỉ là giả danh" thì có thể sẽ thiếu chính xác)

6.2 Thứ tự ưu tiên: Ngay cả trong các trường hợp dùng câu thì việc đặt ra tôn chỉ về các thứ tự ưu tiên cho việc dịch câu sẽ có ích. Chẳng hạn9 ưu tiên hàng đầu là đúng nghiã và đủ ý, tiếp đến là sự rõ ràng trong sáng, sau đó mới đến tính năng đơn giản bình dân, và cuối đến là trau chuốt.

6.3 Vấn đề viết hoa: Một điều nữa cần để ý là về việc viết hoa hay không cho một danh từ.  Trong nhiều trường hợp người dịch thường có xu hướng "viết hoa hoá" tất cả các danh từ hay đại từ mang tính tôn kính mặc dù xét ra đó chỉ là danh từ chung (chẳng hạn "các vị Bồ-tát", "chư Phật").  Việc xác định một chữ có nên viết hoa hay không là tùy theo lập trường và suy định của người dịch.  Tuy nhiên, việc chiếu theo văn phạm Việt ngữ để viết hoa hay không cho một thuật ngữ thì có lẽ vẩn là một quyết định hợp lý lẽ.

6.4 Hướng chọn dịch thuật ngữ mới: Như nêu trong 6.1 có nhiều phương án để lựa chọn cách dịch một thuật ngữ mới hoàn toàn chưa có trong các tự điển Anh Việt.  Ở đây xin nêu vắn tắt vài cách chính:

6.4.1 Dịch nghĩa, phiên âm, hay du nhập chữ mới? Nếu  có thể tìm ra một từ ngắn gọn và tương đương với từ mới (có gốc Nôm hay gốc Hán-Việt) thì đây là việc hoàn hảo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp một thuật ngữ Anh lại không thể nào tương đương với một vài chữ ngắn gọn mà chỉ có thể giải thích được bằng một hay nhiều câu dài.  Trong trường hợp này người dịch có thể phải nghĩ đến những phương án khác như là tự đưa ra một thuật ngữ hoàn toàn chưa có và sử dụng chú thích để đưa ra định nghĩa hay khái niệm về thuật ngữ đó.

Các thuật ngữ Việt mới hoàn toàn, khi được chuyển dịch, có khi không phải là một "thuật ngữ" tự nó có ý nghĩa (hoặc ý nghiã đó không phù hợp, hoặc lý do nào khác) mà lại là một từ vựng mượn từ ngôn ngữ khác hay mượn cách phát âm của ngôn ngữ khác -- tức là việc sử dụng lại thuật ngữ từ tiếng nước ngoài (thường là Phạn ngữ hay Anh ngữ) hay là sử dụng phương pháp phiên âm.

Ngoài ra người dịch có khi còn có thể dùng đến cách thức phức tạp hơn. Chẳng hạn dịch từ Anh sang Hán ngữ và từ Hán chuyển dịch thành từ vựng Hán Việt. Phương pháp sau chót không có gì đáng chê trách, nhưng đôi khi cần phải xem xét thật kĩ, vì có nhiều trường hợp khi dịch Anh sang Hán thì chữ Hán đó lại cũng chỉ là một lối phiên âm và như thế cứ phiên âm lòng vòng sang tiếng Việt. Trong trường hợp từ phiên âm này đã được chấp nhận và thông dụng thì nó khả dĩ dùng lại được nhưng nếu với trường hợp một từ hoàn toàn mới thì việc này không thuyết phục và khó có hiệu quả.  Ngoài ra, nếu để ý, thì hầu hết các thuật ngữ được dịch theo lối "phiên âm của phiên âm" này chỉ có trong các thuật ngữ tiếng Phạn chứ không phải thuật ngữ tiếng Anh (chẳng hạn như chữ "Ba-la-mật-đa").

6.4.1.1 Phiên Âm:  Hiện tại có hai hướng phiên âm chính:  Hán việt và Anh-Việt.  Xu hướng phiên âm Hán-Việt có lẽ gần gùi hơn với ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam. Các phiên âm từ các chữ có gốc La-tinh sang Việt tuy có (như chữ "xà phòng"),  nhưng rất ít và gần như không thấy trong Phật học.

Ngoài ra, trong thời gian sau này chúng ta còn có thể thấy một loại phiên âm có sự "chế biến" trong đó nghĩa là thay vì "âm" được "phiên" sang tiếng Việt thì người dịch điều chỉnh âm Việt ngữ này thành một chữ khác nghe có vẻ hợp lệ. Chẳng hạn tên của Giáo Hoàng Thiên Chúa giáo Benedict 16 được dịch thành "Biển Đức" trong khi thực sự chữ Benedict không hề có nghĩa là "Biển Đức".  Tương tự vậy chữ Gelug vốn có nghĩa là "tông phái của các hiền nhân" có khi được dịch thành "Giới Đức".  Lối phiên âm này thật sự không có quy tắc thống nhất nào mà chỉ tùy cảm quan, tùy chữ.  

6.4.1.2 Giữ nguyên từ vựng Anh ngữ hay từ vựng đã Anh hoá (hay La-tinh hoá):  Nhiều tác phẩm Anh ngữ sau này có xu hướng mở rộng thuật ngữ Phật giáo bằng cách dùng lại từ gốc tiếng Phạn (nhất là tên các kinh luận).  Trong tiếng Việt, nhất là trong ngôn ngữ thông thường chúng ta cũng thấy việc sử dụng Anh ngữ vào trong giao tiếp hàng ngày.  Thực sự, tùy theo quan điểm, người dịch có thể áp dụng cách này hay không nhất là trong trường hợp tên người, tên địa danh -- có thể không mang một ý nghĩa nào -- nhưng một khi đã bị phiên âm, người đọc sẽ mất đi phần lớn cơ hội  để tra cứu rà soát lại về nguồn gốc và địa lý của tên đó.  

7. Vấn đề kiểm soát chất lượng dịch:

Một bài dịch, nhất là những bài thuộc loại giáo pháp tu học, triết lý, hay chuyên khảo dài cho dù rất chú tâm và cẩn thận dịch giả cũng khó lòng tránh hết được các sơ xuất trong khi trình bày, chú thích, tham khảo, hay trong cách dùng từ ngữ. Việc có được một vài người khác có hiểu biết sâu sắc độc lập đọc và hiệu đính lại bài dịch sẽ giảm bớt được các lỗi thuộc về chủ quan này. Ngoài ra, nếu người dịch không làm việc đơn lẽ (điều này thường xãy ra trong các đề tài dịch thuật lớn hay nhiều khó khăn) thì việc tổ chức làm việc sao cho chất lượng bản dịch được đồng đều, tiến độ dịch không bị ngưng trệ và văn phong của các bộ phận (do những người dịch khác nhau) không quá khác biệt cũng rất quan trọng.

7.1  Người hiệu đính:  Có nhiều bản dịch coi nhẹ phần hiệu đính và xem đó chỉ như là việc dành cho người giúp sửa chính tả.  Đây thật sự là sai lầm to lớn.  Người hiệu đính có thể đóng vai trò quan trọng không thua kém người dịch trong việc nâng cao chất lượng bản dịch.  Vì là một người "đứng ngoài" nên người hiệu đính có thể cung cấp rất nhiều ý kiến khách quan, cũng như giúp chỉnh sửa sai sót, nhầm lẫn mà đôi khi người dịch không thấy rõ 

7.2  Nhóm cộng tác: việc cộng tác dịch thuật có thể từ hai người trở lên. Đối với một nhóm chuyển dịch vài ba người thì sự hoạt động sẽ dể tổ chức thống nhất và ăn khớp.  Tuy nhiên, với số thành viên lớn thì việc tổ chức sao cho công việc trôi chảy, ăn khớp, chất lượng và văn phong được giữ cho đồng đều sẽ là một điều cần quan tâm. Việc phân chia công việc nên hết sức chú ý đến sở trường và thời gian hoạt dụng (tổng thời gian làm việc dịch thuật và hiệu suất) của từng thành viên. việc có một vài thành viên đứng ra lo dàn trải công việc, tổ chức, theo dõi tiến trình, cũng như như làm người dự phòng trong trường hợp có thành viên gián đoạn cũng là điều cần thiết. Đối với một công trình dịch thật lớn thì tổ chức dịch thuật song song cùng lúc giữa các thành phần của đề tài sẽ tiết kiệm nhiều thời gian. Ngược lại, việc tiến hành song song đó lại đòi hỏi các thành viên (nhất là thành viên phải tiến hành chuyển dịch các phần giữa hay cuối) có hiểu biết sâu sắc về đề tài hay đã đọc qua hầu hết các bộ phận cần thiết đủ để nắm bắt phần việc mình đang làm.   Để giảm bớt sự không đồng nhất trong ngôn ngữ dịch thuật thì có thể cần dùng đến một bảng thuật ngữ chia sẻ chung và sự thống nhất ý kiến về cách hành văn (thông qua một bài dịch mẫu chẳng hạn). Thực sự, việc không ngang bằng về hiểu biết của từng thành viên có thể là điểm yếu nhưng nó cũng là điểm mạnh vì qua đó người tổ chức có thể lợi dụng tính đa dạng mà phân bổ công việc cũng như biết thêm được chất lượng bài dịch qua các tầm nhìn khác nhau.

8.  Các ý tưởng liên quan

      * Vấn đề kinh tế đời sống : Thật sự đối với một dịch giả trong nước thì số huê hồng nhận được do dịch thuật các tài liệu Anh ngữ (tính theo trị giá bán của một tác phẩm từ 5-10%) có thể hơi ít chưa kể trường hợp dịch thuật phải mua hay kí nhượng quyền phát hành với một nhà xuất bản Anh ngữ thì xem như "làm việc không lấy tiền công". Nếu một người ở các Tây Phương thì thật sự số thu nhập này quá nhỏ đến nổi khó lòng trang trải công sức. Tuy nhiên, nếu làm không vì lợi nhuận mà vì những mục đích khác thì khó để phân định giá trị. Có những dịch giả tự mình lo cả chi phí về mặt in ấn và tự phát hành. Tuy nhiên, cách làm này thường chỉ mang tính địa phương vì thường số lượng bản in ra sẽ hạn chế. Việc lựa chọn nơi in ấn cũng là một vấn đề, in tại nước ngoài (như Hồng Kông, Đài Loan, hay ngay tại Hoa kì ...) giá thành in ra sẽ rất cao. Ngược lại, in trong nước đòi hỏi vượt qua nhiều thứ "hàng rào" chẳng hạn như sự kiểm duyệt. Ngoài ra, vấn đề ăn cắp bản quyền trong nước cũng thật sự đáng lo ngại.

     *Vấn đề phổ biến bất vụ lợi : Một điều đáng ca ngợi trong lãnh vực dịch thuật đặc biệt là về Phật giáo, có nhiều dịch giả đã nổ lực quyên góp, in ấn phát hành và biếu không những công trình có giá trị của mình (kể cả công đức về vật chất lẫn tinh thần).  Tuy nhiên, cần cẩn trọng khi cúng dường các tác phẩm -- hãy đặt công sức mình vào đúng chỗ! Trong vài trường hợp thực tế khi mà chính người viết đã thấy tại một ngôi chùa có tầm cở lớn đã để các tác phẩm đó "cúng dường" cho mưa nắng. Thật đau lòng khi thấy các bản kinh luận được ấn tống tốn tiền, tốn của được phơi trên các kệ ngoài trời cong quăng vàng vỏ.  Như vậy không biết là có phải tâm lý "của chùa đầy dẫy" đã chẳng những nhiễm vào tâm lý người dùng mà còn nhiễm cả đến người giữ chùa?  Xin một lời cầu nguyện chấm dứt được việc này!  Một điểm yếu nữa của việc tự quyên góp và phát hành là các sách được in ra sẽ rất hạn chế và khó phổ biến rộng rãi.

Ngược lại, việc in và bán ra thì cũng gặp trở ngại ... in ở đâu? (như đã phân tích trên). Tuy nhiên, chỉ có những tác phẩm tương đối đạt "thị hiếu" mới dể dàng được phát hành trên kệ  sách, còn một số tác phẩm chuyên khảo giá trị, ít người mua, e khó lòng! Một số khác, có lẽ không cần đến khoảng tiền lợi nhuận nên cũng không muốn sách của mình được đem ra bán với giá quá rẻ so với trị giá thực. (Đó là vì trị giá tiêu dùng ở Việt Nam khá thấp).  Tuy vậy, nếu thực sự không cần tiền thì có thể dùng số huê hồng đó vào chuyện công ích, như làm từ thiện chẳng hạn, trong khi vẩn có thể mượn hệ thống phát hành sách trong nước mà phổ biến rộng rãi.

Lựa chọn phương cách và mục đích phổ biến thế nào của một dịch phẩm cho tối ưu hoàn toàn nằm trong tay người chủ nó.

Trên đây chỉ là những ý tưởng "bàn ra" khi mà chủ đề của bài viết cũng đã đến hồi kết.

Việc một bản dịch có thành công hay không hoàn toàn do khả năng và nổ lực của dịch giả.  Tùy theo bản dịch, đổi với người có năng khiếu, tài giỏi hay già dặn kinh nghiệm nhiều khi không cần bất kì một phân tích tra cứu nào cũng vẩn có thể cho ra một tác phẩm hay.  Trong các chi tiết nêu trên, có thể có nhiều điều mọi người đều đã biết, có điều hợp, có điều không dùng tới. Cho dù ra sao, nếu như môt ý nhỏ trong bài viết này trở nên có ích cho người đọc thì bài viết đã đạt mụch tiêu của nó.

9. Phụ lục

9.1 Nội dung chính của một hợp một đồng chuyển dịch với đối tác: Việc đầu tiên sau khi chọn dịch một tập sách (hay một tài liệu) là phải tìm địa chỉ và gửi thư (hay điện thư) đến nơi giữ bản quyền.  Các tài liệu đã phổ biến trên Internet thường sẽ dể dàng xin được quyền chuyển dịch miễn phi hơn. Tuy nhiên, cũng tùy giá trị tài liệu và chủ nhân của nó.  Tùy theo nơi giữ bản quyền việc hợp đồng cho phép dịch thuật một tác phẩm có thể khác nhau ít nhiều và có thể chỉ có hai đối tác hay nhiều hơn (trường hợp người dịch, nhà xuất bản bản dịch Anh, và nhà in bản dịch Việt chẳng hạn). Có khi người dịch thuộc về một phía đại diện mà không đứng riêng tên.  Một bản hợp đồng sẽ ghi rõ thoả thuận giữa các phía nó cũng là công cụ bảo vệ quyền lợi cho mỗi phía.  Sau đây là các đề mục chính thường có trong một hợp đồng.  Cần lưu ý quan trọng nhất là vấn đề các chi phí phải trả, các thời hạn sử dụng, và bản quyền

  • Tên và cách định danh các đối tác (chẳng hạn nhà xuất bản Anh là Proprietor và người dịch là Translator)
  • Sự khẳng định cho phép phát hành bằng ngôn ngữ Việt
  • Các khoảng chi phi phải trả cho hơp đồng
  • Khẳng định bản quyền
  • Thời hạn của bản hợp đồng
  • Thời hạn tối thiểu phải dịch và phát hành
  • Chi phí phải trả cho mỗi bản in sách đến nơi nhượng (hay bán) bản quyền
  • Những khoảng khác tùy theo tình hình cụ thể ...
  • Chữ kí các đối tác

9.2 Link các từ điển, thư viện và kho lưu trữ: Hầu hết các từ điển trực tuyến đều có thể tìm thấy bằng cách dùng google và gõ đúng từ khóa. chẳng hạn: Sankrit English Dictionary.  Không phải trang WEB nào liệt kê ở đây cũng đều tốt. Tuy nhiên người dùng có thể lọc lựa những điều cần thiết từ đây

9.2.1 Từ điển thông thường:

9.2.2 Từ điển Phật học

9.2.3 Thư viện và kho lưu trữ Phật học

Namo Buddhaya. Namo Dharmaya. Namo Sangaya
Mọi công đức xin hồi hướng đến tất cả chúng sinh hữu tình
cư sĩ Làng Đậu kính bút.

 

 


Chú thích:

1. Xem thêm loạt bài  Khai Thác Search Engine Cho Nhu Cầu Học Tập và Nghiên Cứu của cùng tác giả qua các link
http://vietsciences.free.fr/thuctap_khoahoc/tinhoc/thamkhao1.htm
http://vietsciences.free.fr/thuctap_khoahoc/tinhoc/thamkhao2.htm
http://vietsciences.free.fr/thuctap_khoahoc/tinhoc/thamkhao3.htm
http://vietsciences.free.fr/thuctap_khoahoc/tinhoc/thamkhao4.htm

2.  Cũng còn tùy kĩ năng của người dùng, chẳng hạn có thể kiểm lại cách đánh dấu hỏi ngã bằng cách xem số trang (hit) có dùng chữ đó thông qua máy truy tìm

3.  Có nhiều kinh điển nhắc đến nguyên tác này.  Trong đó có Kinh Điển cổ là "Tăng Nhất A Hàm" phẩm Tăng thương Kinh số 4. http://www.phatviet.com/dichthuat/kinhtang/Tangnhat_A_ham/Tn_00.htm 

4.  Tứ Pháp Y được trích từ bản sớ giải Vimalaprabhā về Kālacakra, nó cũng thấy xuất hiện trong Kinh tạng Pali. Phần tiếng Sanskrit được trích dẫn trong Tattvasaṃgraha, do D. Shastri biên tập (Vārāṇasī: Bauddhabharari, 1968), k. 3587

5. Xem thêm "Buddhist Epistemology: (Contributions in Philosophy) của S. R. Bhatt và Anu Mehrotra ISBN 0313310874
   Hay:  "Nhân Minh Luận" của Thích Đổng Quán NXB Thành Phố Hồ chí Minh. 1996

6.  Đây chỉ là tên đặt tạm, nội dung của bốn nguyên lý này được nhắc đến trong quyển "The Four Noble Truths" (ISBN 0722535503) chương II The Truth of Suffering phần Karma and the Naltuaral World.  Ngài có chỉ ra thí dụ áp dụng trong phân tích Phật giáo. Ngoài ra, người đọc có thể tham khảo thêm cách sử dụng chi tiết để phân tích các nguyên lý này qua bài luận "Afterword: Buddhist Reflections" (http://www.alanwallace.org/BuddhistRefls.pdf) của học giả B. Alan Wallace.

7. Xem thêm tác phẩm "Appearance & Reality: The Two Truths in the Four Buddhist Tenet Systems" của GS Guy Newland ISBN:1559391316 đã được Lê công Đa dịch Việt (http://www.thuvienhoasen.org/sactuongvathattuong-00.htm)

8. Ở đây tạm định nghĩa "chữ Anh hóa" tức là những thuật ngữ du nhập từ tiếng Anh . 

9.  Đây chỉ là thí dụ có thể không phù hợp hoàn toàn với trường hợp cụ thể của một bài dịch riêng biệt.


Tài Liệu Tham Khảo Chính:

1.Khai Thác Search Engine Cho Nhu Cầu Học Tập và Nghiên Cứu . Võ Quang Nhân.  tháng 7 năm 2004 
http://vietsciences.free.fr/thuctap_khoahoc/tinhoc/thamkhao1.htm
http://vietsciences.free.fr/thuctap_khoahoc/tinhoc/thamkhao2.htm
http://vietsciences.free.fr/thuctap_khoahoc/tinhoc/thamkhao3.htm
http://vietsciences.free.fr/thuctap_khoahoc/tinhoc/thamkhao4.htm

2. Kinh Tăng Nhất A Hàm. Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà. Việt dịch: Thích Đức Thắng. PL 2549. http://www.phatviet.com/dichthuat/kinhtang/Tangnhat_A_ham/Tn_00.htm

3. "Nhân Minh Luận" của Thích Đổng Quán NXB Thành Phố Hồ chí Minh. 1996

4. "The Four Noble Truths". His Holiness the Dalai Lama 14.  Thorsons. 1998. ISBN 0722535503

5. "Nagarjuna's Seventy Stanzas: A Buddhist Psychology of Emptiness". David Ross Komito and Nagarjuna. Snow Lion Publications. 1999. ISBN 0937938394

6. "Consciousness at the Crossroads: Conversations with the Dalai Lama on Brainscience and Buddhism" . B Alan Wallace, Zara Houshmand, and Robert Livingston. Ithaca, NY: Snow Lion, 1999.

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Võ Quang Nhân