Vài nét thời sự Pháp/Đức

Vietsciences-Mathilde Tuyết Trần       04/04/2007
 

Những bài cùng tác giả

 
Từ đầu năm nay, 2007, nước Pháp sôi động vì cuộc bầu cử Tổng Thống vào tháng tư sắp tới. Dân chúng phải chờ mãi cho đến ngày 11 tháng 3 năm 2007, đương kim Tổng Thống Chirac mới thông báo trên đài truyền hình quyết định sẽ không ứng cử lần thứ ba.

Sau một cuộc vận động khẩn trương của 30 ứng cử viên - theo luật pháp hiện hành, mỗi ứng cử viên phải có ít nhất 500 chữ ký ủng hộ của các cử tri có quyền đề cử, là những người đã được dân chúng bầu lên, thí dụ như làng trưởng, thị trưởng... – ngày 19 tháng 3 năm 2007 danh sách 12 ứng cử viên chính thức đã được công bố .

Cuộc chạy đua thâu phiếu của dân chúng giữa các ứng cử viên từ cực tả đến cực hữu đã bắt đầu:
· ông Olivier Besancenot (đảng Cộng sản Cách Mạng – Ligue Communiste Révolutionnaire, LCR)
· bà Arlette Laguiller ( đảng Tranh đấu Công Nhân – Lutte Ouvrière, LO)
· bà Marie-George Buffet (đảng Cộng Sản Pháp – Parti Communiste Francais, PCF)
· ông José Bové ( đảng chống Toàn Cầu Hóa - Altermondialiste )
· ông Gérard Schivardi ( đảng Công Nhân – Parti des Travailleurs )
· bà Dominique Voynet (đảng Xanh – Les Verts)
· bà Ségolène Royal (đảng Xã Hội – Parti Socialiste)
· ông François Bayrou ( đảng Liên Kết dân Pháp - Union des Francais, UdF)
· ông Frédéric Nihous ( đảng Săn Bắn, Câu cá, Thiên Nhiên và Truyền Thống – Chasse, Pêche, Nature et Traditions)
· ông Philippe de Villiers (đảng quân chủ Hành Động vì nước Pháp - Mouvement pour la France)
· ông Nicolas Sarkozy (đảng Liên Kết Hành Động Nhân Dân - Union du Mouvement Populaire, UMP)
· ông Jean-Marie Le Pen (đảng Chiến Tuyến Quốc Gia - Front National, FN)

Trong số 18 ứng cử viên không được chấp nhận có ông Nicolas Dupont-Aignan thuộc trường phái hữu de Gaulle.

Theo cuộc thăm dò ý kiến cử tri tạm thời của một số công ty tư vấn thì ba ứng cử viên Sarkozy, Royal và Bayrou đang dẫn đầu bậc thang bầu cử. Nhưng có nhiều tiếng nói cho rằng các kết quả thăm dò ý kiến cử tri là không đúng sự thật, nhằm mục đích tung hỏa mù để tác dụng lên quyết định bầu cử của dân chúng.

Đi đến đâu, dù ở chợ búa, bưu điện hay ở cửa trường học, mọi người bắt chuyện với nhau dễ dàng về vấn đề bầu cử. Tôi nhận thấy, nhiều người thẳng thắn nói ý kiến riêng của mình mà không vòng vo tam quốc hay lững lơ con cá vàng để giấu giếm sự lựa chọn cá nhân.

Ông Sarkozy đã nổi tiếng với nhiều tuyên bố "hữu hơn cả cực hữu" với trọng tâm tranh cử là vấn đề an ninh của xã hội Pháp, gồm luôn cả trong đó các vấn đề di dân, hội nhập, tôn giáo, văn hóa khác biệt. Còn bà Royal, có vẻ trưởng giả hơn là xã hội, lại khó tìm thấy sự ủng hộ của phái nữ, vì người phụ nữ nào cũng biết rằng vừa đi học đại học, vừa làm quan to, vừa lo gia đình chồng con, vừa lo nhà cửa bếp núc là một điều rất khó, không phải là một trường hợp phổ biến, vì thế bà không phải là một điển hình cho mọi tầng lớp phụ nữ.

Từ khi bên cạnh cặp bài trùng Sarkozy – Royal nổi lên một nhân vật thứ ba, Bayrou, coi như là một giải pháp tuyệt diệu: không tả, không hữu, nhưng mà ở chính giữa, thì có cử tri vội vàng thở ra, biết sẽ bầu cho ai rồi.

Nhưng cũng từ khi Bayrou lên tiếng tiếng ca ngợi mô hình chính phủ "hòa hợp" tả/hữu của nước CHLB Đức thì dân chúng lại thắc mắc, không biết ứng cử viên này muốn gì, dẫn độ dân chúng đi đâu.

Vì thế, nhiều người nhắc lại cuộc bầu cử Tổng thống năm năm trước, 2002. Trong vòng đầu, cũng tại vì bởi các cuộc gọi là thăm dò ý kiến cử tri, dân chúng tưởng sẽ có một màn đối đầu tả-hữu cho vòng hai.

Nhưng thật bất ngờ và gay cấn, trong vòng đầu, ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen – đoạt 16,86% số phiếu (4.804.713 phiếu) - đã qua mặt ứng cử viên Lionel Jospin (16,18%, tức là 4.610.113 phiếu) với một khoảng cách nhỏ, lọt vào vòng hai, để đối đầu với Jacques Chirac ( 19,88%, tức là 5.665.855 phiếu), đủ để gây một tình trạng hoảng hốt chung.

Jospin, ứng cử viên của đảng Xã Hội bị loại khỏi vòng chiến. Còn ông François Bayrou chỉ thâu lượm được 1.949.170 phiếu (6,84%).

Trong vòng hai, dân chúng dồn phiếu bầu Chirac, khiến cho Chirac đoạt 25.537.956 phiếu, tức là 82,21% số phiếu hợp lệ, trở thành Tổng Thống nhiệm kỳ 2002-2007, cho dù số phiếu bầu cho ứng cử viên cực hữu cũng đã tăng lên, ông Le Pen được 5.525.032 phiếu hợp lệ (17,79%).

Không chơi cá kèo, nhưng nhiều người nghĩ, năm nay một tình trạng tương tự sẽ xẩy ra, mà ông Le Pen sẽ lại đóng vai trò Jocker qua nhiều khả năng Le Pen/ Royal, Le Pen/Sarkozy, Le Pen/Bayrou.
Có khác biệt chăng là lần này có thể ông sẽ trở thành Tổng Thống, vì nếu đã muốn cực hữu thì bầu thẳng cực hữu luôn !

Trong tuần vừa qua, ông Jean-Louis Borloo, đương kim Bộ Trưởng bộ Lao Động, Xã hội và Nhà Ở, tuyên bố con số thất nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 8,4%. Cái thống kê tốt đẹp của ông Borloo để lấy điểm cho ứng cử viên Sarkozy là điều không lạ đối với cử tri. Borloo đã đổi mầu cờ từ đảng UDF qua đảng UMP từ năm 2002, công khai ủng hộ ứng cử viên Sarkozy, và mang hy vọng sẽ trở thành Thủ Tướng dưới trướng Tổng Thống Sarkozy.

Một bà cụ già, đang đứng xếp hàng ở quầy Bưu điện để lãnh tiền Xã Hội nói to cho mọi người nghe:

- Đừng tưởng ai cũng ngu ! Con số của Borloo phải được nhân lên gấp ba: con trai tôi mới vừa thất nghiệp, con gái tôi mới có 45 tuổi đã bị chê già không tìm được việc làm, cháu tôi đi học nghề, cho nên trong thống kê chỉ có một người thất nghiệp chính thức, còn hai người kia lọt sổ thống kê thất nghiệp, đi ăn xã hội.

Ba tuần trước cuộc bầu cử Tổng Thống, các chính khách đã vội vàng thủ sẵn hầu bao. Văn phòng Quốc Hội đương nhiệm vừa thông báo quyết định ngày 04/04/2007 là các dân biểu – trong trường hợp nếu không tái đắc cử vào ngày 17 tháng 6 sắp tới -sẽ được tiếp tục lãnh số lương căn bản là 5.400,32 euros một tháng trong vòng năm năm. Nguồn tin này chạy nhanh như lửa đỏ, vì một người thất nghiệp bình thường chỉ được lãnh khoảng 60% mức lương cũ trong vòng tối đa là 23 tháng sau khi bị mất việc. Sau đó họ sẽ phải sống bằng trợ cấp xã hội với khoảng 400 euros một tháng.

Thời đại của Chirac là thời đại nước Pháp cũng đi vào quỹ đạo toàn cầu hóa, người nghèo nghèo thêm, thành phần trung lưu giảm dần, người giầu thì giầu thêm. Nhưng Chirac, cũng như Gerhard Schröder của nước Đức, yếu kém trong các lãnh vực đối nội, đã níu kéo được một phần nào cảm tình của dân chúng qua những quyết định đối ngoại.

Từ năm 2001, đồng tiền EURO đã làm tăng giá tiêu thụ, giảm sức mua của dân chúng và làm lộ rõ bất công: một hũ kem bôi mặt nhỏ xíu 30ml bán với giá 315 euros mà cũng có người mua, trong khi một số đông người phải sống với trợ cấp xã hội (RMI) là 384 euros cho một tháng.
Vấn đề thúc bách nhất vẫn là vấn đề miếng cơm manh áo. Tình trạng thiếu thốn công việc trong xã hội cho phép giới chủ nhân lựa chọn nhân tài gắt gao hơn. Mới ba lăm tuổi đã bị chê già, còn như bốn mươi lăm tuổi, nhất là đàn bà, thì thậm chí nhân viên bộ Lao Động cũng nói thẳng ngay mặt "bà tìm việc làm chi, vô ích !".

Dân chúng gọi vấn đề Luật Pháp là Luật Pháp hai vận tốc để chỉ các bất công pháp lý hàng ngày trước mắt. Nói tới vấn đề an ninh là cũng nói đến vấn đề luật pháp. Để giảm các con số xấu xa trong thống kê, nhiều đơn kiện chỉ được ghi nhận – bằng cách chơi chữ - nhưng không được giải quyết, thí dụ nhỏ như bảng số xe bị ăn cắp hẳn hoi (vol) thì chỉ được ghi nhận là dự tính ăn cắp (tentative de vol): xếp đơn, không giải quyết ! hay chồng đánh vợ phải đi nhà thương (violence) thì chỉ ghi nhận là xích mích gia đình (bagarre ménagère): xếp đơn, không giải quyết ! Nhiều trường hợp ly dị kéo dài đằng đẵng chín mười năm vẫn chưa xong và gây nhiều thiệt hại cho đương sự.
Miệng nhà sang có gang có thép, mỗi một vụ kiện kéo dài ít nhất hai năm trời, dân thường không có tiền để trả luật sư đành chịu thua một cách ấm ức trong nhiều hoàn cảnh. Một thành phần lớn luật sư chỉ thích moi tiền của khách hàng – dựa vào nguyên tắc hành nghề tự do, ai muốn đòi thù lao bao nhiêu thì đòi - sử dụng thủ đoạn không ngần ngại như làm chứng gian, bằng chứng giả, giấy tờ giả...., họ đi ăn đêm với quan Tòa, chuyên gia pháp lý, cảnh sát, Công tố viên... để sắp xếp sẵn kẻ thắng người thua kiện, họ bênh vực lẫn nhau trong các Luật sư đoàn, cho nên các bất công được đẻ ra từ đó, gây mất tin tưởng đối với chính quyền.
Vụ án Outreau là một vụ án lớn tiêu biểu, nhưng còn biết bao nhiêu vụ án bất công, gọi là nhỏ, và báo chí không thèm nói tới.

Khi đời sống trở nên ngày càng khó khăn thì các tiếng kêu la chống người ngoại quốc càng to. Luận điệu là người ngoại quốc "cướp" mất công ăn việc làm của người bản xứ chính thống đã là một luận điệu quen thuộc. Cái mới bây giờ là ngay cả các bà nội trợ, xưa nay vốn không dính dáng gì đến chính chị chính em, cũng đòi đóng cửa biên giới, hô hào dân Pháp xài hàng Pháp, vì nhập hàng rẻ tức là mất việc của dân Pháp.
Báo chí loan tin hàng ngày những cuộc săn lùng người "không giấy tờ" (les sans-papiers) , người ở lậu (les délinquants), và những quyết định trục xuất, dù già dù trẻ gì cũng mặc kệ.
Chính sách dùng người da đen làm các nhiệm vụ canh gác, an ninh tại nhiều nơi công cộng như tại các siêu thị, nhà ga, phi trường... là một chính sách kỳ thị... ngược. Tại Pháp, khi bạn bước chân vào một siêu thị, là bạn bị chặn lại trước đã, bạn phải trình túi xách, giỏ xách, túi hàng đã mua ở nơi khác cho nhân viên an ninh người da đen xem, người này dùng keo dán, kẹp sắt...bịt kín các túi xách của bạn lại, để cho bạn khỏi ăn cắp đồ của siêu thị bỏ vào túi, rồi bạn mới được đi vào siêu thị. Sự việc này có nhiều ý nghĩa, bạn bị tình nghi sẽ ăn cắp, nếu bạn chống đối lại nhân viên an ninh bằng lời lẽ hay bạo hành thì chính bạn sẽ bị khép tội kỳ thị.

Dân chúng Pháp sẽ bầu theo tinh thần phải lựa chọn giữa Peste và Cholera (dịch hạch và dịch tả), theo cách nói của họ, tức là lựa chọn ứng cử viên nào mà họ đánh giá là "đỡ" nhất ! Tuy rằng, nhiều người cũng nghi ngại là lu nước đã đầy. Phản ứng bắt người quyết liệt ở  gare du Nord chỉ vì một cái thẻ đi Métro với giá 1,6 euro, cũng như sự việc theo dõi bắt một ông già đi đón cháu ở ngay trước cửa trường, trước mặt mọi trẻ con và cha mẹ, mà bà giám đốc trường, vì phản đối, cũng bị đem về tạm giam luôn, sẽ làm nước trào khỏi lu.

Tại Đức, vào giữa tháng ba 2007, một tin vui cho khoảng 300.000 người sẽ được "trở về" quỹ bảo hiểm sức khỏe, kể từ đầu tháng tư 2007, theo luật cải tổ bảo hiểm sức khỏe mới vừa được ban hành. Đây là thành phần thất nghiệp thiếu may mắn nhất, vì nhiều lý do, họ đã "lọt sổ" cả hai quỹ bảo hiểm công và bảo hiểm tư, và đã chịu đựng nhiều khó khăn từ nhiều năm.

Nhân dịp bầu cử Quốc Hội Liên Bang vào tháng chín 2005 và cũng để diễn tả sự thất bại của chính sách cải tạo thị trường lao động HartzIV, báo chí Đức đã đưa ra con số mười ba triệu gia đình mắc nợ không trả được nợ cho nhà băng cũng như cho các loại chủ nợ khác. Nhưng những con số thống kê chậm trễ và thiếu sót này không phản ảnh được một sự thật xã hội đang diễn ra.

Sau khi đại thế chiến thứ hai được kết thúc tại Âu Châu năm 1945, nước Đức dần dà khôi phục các vết thương chiến tranh và đi vào một giai đoạn phát triển kinh tế nhanh và mạnh. Thế hệ 1940 và 1950, sinh sản từ thế hệ 1920 và 1930 trong và sau đại thế chiến thứ hai, đã là đầu tầu cho sự phát triển kinh tế và xã hội, mà hiện nay đang đi dần vào tuổi về hưu. Thế hệ 1960 và 1970, nòng cốt cho sự phát triển kinh tế hiện nay tại Âu châu, đang đẩy lùi thế hệ cha mẹ trên thị trường nhân lực.

Những hậu quả của chiến dịch toàn cầu hóa kinh tế hiện nay đã ngăn chận sự phát triển của xã hội tiêu thụ Đức, cũng như Âu châu nói chung. Các xã hội tiêu thụ này, đã được "kinh tế hóa" từ sau đại chiến thứ hai, đã được đẩy mạnh vào những năm 80 với sự xuất hiện của máy tính Commodore 64 và máy tính cá nhân (Personal Computer của Apple và IBM) trên thị trường tiêu thụ Âu châu. Các loại máy tính này, khi ấy còn thô sơ, nhưng rất đắt tiền, tiêu biểu cho sự tiến bộ về trí thức cũng như mức độ tài chánh trưởng giả, giá bán một máy tương đương với một tháng lương nhân công trung bình (ba ngàn Đức Mã), tuy thế nhiều gia đình đã mua nhiều máy, phần thì dùng để làm việc ở nhà, phần thì để cho giới trẻ chơi các loại trò chơi vi tính, nghe nhạc, xem phim...
Song song vào đó, sự phát triển của các cơ quan thông tin thế giới như truyền thanh, truyền hình, báo chí và Internet, các dịch vụ quảng cáo tiếp thị rất quy mô, được thêm sự hỗ trợ của các phong trào xã hội như phong trào đòi hỏi bình đẳng của phụ nữ, đòi hỏi bình đẳng của giới đồng tính luyến ái, của làn sóng chủ nghĩa cá nhân 1968, của làn sóng tự do sinh lý, của làn sóng bỏ thôn quê lên thị thành, đã đưa đến sự phát triển không ngừng của xã hội tiêu thụ.

Trong thời gian chiến tranh mọi người đều phải dựa lẫn nhau mà sống, sợi dây tình cảm gia đình là một bảo đảm để được tồn tại, nhưng trong giai đoạn hòa bình thì chủ nghĩa cá nhân "cái tôi" là trên hết, nhiều gia đình nhỏ chỉ gồm một cha, một mẹ và một con được thành lập. Tình trạng ly thân, ly dị lại chia cắt thêm và tạo thành nhiều trường hợp sống riêng lẻ.
Con người trở thành một đối tượng tiêu thụ, và được theo dõi, phân tích qua hệ thống vi tính tồn trữ tất cả mọi chi tiêu và địa bàn chi tiêu khi sử dụng các loại thẻ tín dụng hoặc mua qua các hệ thống phân phối hàng tận nhà. Phải có tiêu thụ thì mới có phát triển thị trường, phát triển thị trường làm tăng thêm sự sản xuất hàng hóa và dịch vụ, điều này đem đến việc tăng tỷ lệ lao động, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cá nhân và do đó lại tăng tiêu thụ. Nhưng, mức thu nhập cá nhân tối thiểu phải đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của đời sống như nhà ở, dinh dưỡng, sức khỏe và học vấn. Xã hội tiêu thụ sẽ bế tắc khi thu nhập cá nhân thấp hơn mức giá sinh hoạt cơ bản. Thiểu số giầu có, dù có chi tiêu rất xa xỉ, cũng không bù đắp đủ vấn đề thiếu sức tiêu thụ của hàng triệu gia đình.
Dân Đức, tuy có tiếng là keo kiệt suy tính từng đồng từng cắc, nhưng các đơn vị gia đình nhỏ này sẵn sàng vay nợ để mua xe hơi, đi du lịch, và mua sắm đủ mọi tiện nghi cá nhân cho đời sống hàng ngày theo thời mới. Tại sao ? Các nhà băng hỗ trợ xã hội tiêu thụ bằng cách cho mượn rất dễ dàng nhiều món tiền trả ngắn hạn trong vòng ba năm hoặc bốn năm để tiêu thụ. Ngược lại, chỉ có một thành phần nhỏ được mượn tiền trả dài hạn hai chục đến hai mươi lăm năm để mua nhà ở, vì người mượn tiền phải có ít nhất số vốn hai mươi phần trăm trên giá mua bất động sản và thu nhập vững chắc bảo đảm sức trả nợ.

Các cuộc sa thải nhân công tại Đức đã được bắt đầu dần dà từ năm 2000, khi con số thất nghiệp còn dưới bốn triệu, nhưng báo chí chưa nói đến. Phải chờ đến năm 2004, khi chính quyền Gerhard Schröder bắt đầu thi hành chính sách cải tổ thị trường lao động HartzIV và con số thống kê chính thức về người thất nghiệp đã leo lên năm triệu, và các chủ hãng sa thải nhân công hàng loạt, thì dân chúng mới hiểu ra tình trạng chung của xã hội.

Tình trạng thất nghiệp đưa đến sự giảm mức thâu nhập gia đình, giảm chi tiêu, mắc nợ không trả được của hàng triệu gia đình, không ít trường hợp đưa đến tan vỡ gia đình, tịch thu tài sản, xiết thu nhập trực tiếp qua công khoản nhà băng, bệnh tật... Một thí dụ dễ thấy là chi phí thuê nhà trước kia chỉ chiếm 15% thu nhập cá nhân, hiện nay có nơi chi phí thuê nhà chiếm đến 50%, người dân tự động phải giảm bớt chi tiêu.
Thêm vào đó sự kiện đổi từ đơn vị tiền tệ Đức mã qua đơn vị tiền tệ Euro vào năm 2001 đã làm tăng nhiều loại giá thị trường lên gấp đôi, cũng như tại Pháp, có nghĩa là sức tiêu thụ của người dân trên thực tế bị giảm hẳn đi một nửa. Thị trường nội địa từ đấy bị mất sức tiêu thụ của hàng triệu gia đình, nhiều cửa tiệm, nhà hàng, hãng sở phải khai phá sản, đóng cửa. Một khối lượng tiền tệ lớn ứ đọng trong các nhà băng vì thiếu người tiêu thụ có khả năng vay mượn nợ.
Mức thâu các loại thuế trực tiếp và thuế gián tiếp đánh trên tiêu thụ của chính phủ cũng bị giảm hẳn. Các quỹ xã hội như quỹ lương hưu, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm sức khỏe cũng bị giảm thu theo, vì người thất nghiệp không thể đóng thuế cũng như đóng vào các quỹ xã hội nữa.

Một trong những lý do đưa ra của chiến dịch toàn cầu hóa tư bản cho rằng sự giảm giá các hàng hóa sản phẩm sẽ làm tăng sức tiêu thụ của người mua, chỉ đúng một cách rất giới hạn. Giá thành và giá bán của một số mặt hàng tiêu thụ, thường là loại hàng xa xỉ cấp thấp, quả thật là có giảm, thí dụ như một cái máy truyền hình trước kia giá bán là ba trăm bây giờ chỉ còn bán một trăm, nhưng sự giảm giá này không làm tăng sức tiêu thụ của dân.
Ngược lại, quá trình tư hữu hóa các phương diện kinh tế trước đây do các cơ quan nhà nước đảm bảo đã kéo theo sự tăng giá các chi tiêu cơ bản như giá thuê nhà, giá xăng dầu, giá nước, giá điện, giá điện thoại, tiền học phí, giá xe lửa, xe điện, xe buýt, giá thuốc men, giá bác sĩ, giá nhà thương...và qua đó giảm thêm sức tiêu thụ của dân chúng trên thực tế.
Trong năm 2005 giá các bất động sản, đất và nhà ở tăng khoảng 30% tùy theo vùng định cư, kéo theo sự tăng giá cho thuê bất động sản. Hiện tại giá thuê trung bình một mét vuông tại các thành phố lớn nước Đức là chín Euro, không tính tiền sưởi và các phí tổn phụ trội khác. Giá thuê một căn hộ độc thân với diện tích khoảng hai mươi lăm thước vuông là khoảng ba trăm năm chục Euro, tức là bằng một trăm phần trăm trợ cấp thất nghiệp theo chính sách HartzIV cho mỗi tháng!

Giới trẻ, thế hệ 1980 và 1990, hiện nay đang đứng trước một ngã ba đường đầy viễn ảnh khó khăn. Các chương trình giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp cứng nhắc, không theo kịp sự thay đổi của thị trường nhân lực và xã hội, không đem lại niềm tin vào tương lai cho thành phần này. Viễn ảnh thất nghiệp sau một học trình dài hoặc trở thành một con cờ lao động rẻ tiền làm nhụt chí thanh thiếu niên sắp rời ngưỡng cửa nhà trường. Thêm vào đó, con số lập gia đình, sinh đẻ trong thành phần trẻ giảm đi, cũng vì nỗi lo không bảo đảm được mọi nhu cầu cần thiết cho một gia đình trẻ.

Theo thống kê dân số công bố tháng tám năm 2004 nước Đức có 82.531,7 dân. Nếu chỉ tính theo tuổi lao động từ 15 đến 63 tuổi thì nước Đức có ít nhất khoảng 55 triệu dân trong tuổi lao động tích cực. Nhưng cho đến nay, các con số chính thức về tình trạng thất nghiệp đã được công báo như sau: 26,5 triệu nhân công lao động (tỷ lệ 32 % trên tổng dân số 82 triệu, giảm 6,5 % so với năm 1994 có 28,3 triệu nhân công lao động ), 20 triệu người về hưu, 5 triệu người thất nghiệp và 2 triệu người lãnh trợ cấp xã hội.
Tháng năm 2005 Bộ trưởng bộ Tài chánh công báo mức thu thuế của liên bang, tiểu bang và cơ quan địa phương sẽ giảm còn khoảng từ 446 bis 447 tỷ Euro cho năm 2006. Các cơ quan tài chánh dự phỏng mức giảm thu khoảng 54 tỷ Euro, sự thiếu hụt này sẽ tăng lên khoảng 66,8 tỷ Euro vào năm 2008. Thêm vào đó quỹ lương hưu thâm thủng 15 tỷ Euro trong năm 2006. Cuối tháng bẩy 2005 Bộ trưởng bộ Sức Khỏe báo động tình trạng thiếu thốn 2,6 tỷ Euro vào hai tháng mười và mười một 2005.

Các biện pháp tiêu cực thắt lưng buộc bụng như tăng tuổi hưu lên sáu bẩy tuổi, giảm mức lương hưu, thay đổi điều luật cho vấn đề bảo hiểm săn sóc người già cả, giảm chi phí bảo hiểm sức khỏe, kiểm soát ngặt nghèo những người lãnh trợ cấp thất nghiệp, tăng giờ làm việc, đòi hỏi sự linh động của nhân công v.v. song song với những biện pháp thuận lợi cho giới chủ nhân như nới rộng các đạo luật bảo vệ lao động về vấn đề sa thải nhân công, giảm thuế, giảm chi phí bảo hiểm xã hội cho giới chủ nhân, trợ cấp lương khi chủ nhân nhận thâu người thất nghiệp v.v. là cần thiết cho tình trạng hiên tại của nước Đức, nhưng không phải là những biện pháp chính gốc của vấn đề.

Kể từ năm 2004 các nhà có quyền lực kinh tế đã nêu vấn đề là cho tới năm 2015 của nền kinh tế Đức sẽ dời ít nhất hai triệu công việc trong ra những cơ sở sản xuất rẻ tiền tại nước ngoài và không thể ngăn chận đà phát triển toàn cầu hóa tư bản này được, chỉ có thể làm chậm nó lại.
Sự chia cắt giữa kẻ giầu và người nghèo ngày càng nổi bật, thành phần trung lưu dần dần bị triệt thoái. Xã hội tiêu thụ Âu Châu đang phản ảnh tình trạng này qua một thị trường tiêu thụ rất cao cấp, lộng lẫy hào nhoáng cho thiểu số giầu có và bên cạnh đó một thị trường tiêu thụ hạ tầng, giá rẻ, chất lượng thấp cho số đông.

Nói như thế có phải là bêu xấu các xã hội ở Đức hay ở Pháp hay không ?
Dẫu rằng, theo nguồn tin của cơ quan "Transparency International" tại Berlin nghiên cứu về mức độ tham nhũng của 102 nước trên thế giới theo tiêu chuẩn IPC (chỉ số về thâu nhập tham nhũng) từ 1 ( xấu nhất) đến 10 (tốt nhất), thì Việt Nam, tính theo tiêu chuẩn này, với chỉ số 2,4, đứng hạng thứ 17,  đếm ngược từ dưới lên trên, trong các nước tham nhũng nhất thế giới. Nhưng: Chỉ nói về tham nhũng ở Việt Nam mà không nói về tham nhũng ở Đức hay ở Pháp. Chỉ nói về cái giầu nghèo chênh lệch "chình ình ra trước mắt " ở Việt Nam mà không dám nói về cái nghèo bị che dấu ở bên Đức, bên Pháp, những ai thất nghiệp, "ăn xã hội" mắc c không dám nói ra, mà cũng không dám "vác mặt về Việt Nam xin việc" rất tội nghiệp và đáng được giúp đỡ ( không phải việt kiều nào cũng giầu có và thành công ! ). Thậm chí, một người bạn Đức hôm trước đến thăm tôi, người mới mua một giàn bếp với giá 14.000 euros, cũng nói rằng, nếu chỉ đọc tờ Spiegel và theo dõi tin tức ở Đức thì thấy tình hình sẽ bi đát thê thảm, nhưng cảnh sống của ông ta thì không thê thảm chút nào cả. Ông ta vẫn còn có công ăn việc làm, có nhà cửa, có xe, vợ con yên ổn, có đủ tiền để sống. Nhưng có thể sống mãi như con ngựa kéo xe bị che mắt hay không ?

Chỉ ca ngợi chế độ bảo hiểm sức khỏe của Đức là thần tiên mà không biết đến những trường hợp không được bảo hiểm, mất bảo hiểm tại Đức và các chính sách mới để "không kéo dài tuổi thọ của người già" ( thí dụ như không làm Belebungsversuch trong những trường hợp Herzinfarkt khi người đã già quá một số tuổi nào đó ), không nói đến những người già cô đơn, tủi thân tủi phận, nằm chờ chết trong một viện dưỡng lão thí, con cái trốn hết để khỏi phải bị bắt trả một phần phí tổn của viện dưỡng lão cho cha mẹ ( 30% theo thống kê chính thức ) thì không nói lên hết sự thật.

Chỉ ca ngợi chế độ lương hưu của nước Đức, vì không làm mà vẫn có nhiều tiền rủng rỉnh, mà quên không nói có bao nhiêu người được may mắn trúng số độc đắc như thế, khi chính quyền Đức đang tăng mức tuổi về hưu lên 67 tuổi, mà những người thất nghiệp, bị xã hội đào thải, từ năm 45 tuổi sẽ làm gì cho đến 67 tuổi ?! Chỉ nói về mất dân chủ ở Việt Nam mà không nói về mất dân chủ ở Âu Châu. Chỉ nói về thiếu pháp lý ở Việt Nam mà không nói về tình trạng "vô" pháp lý, thí dụ như tại Pháp, thì không khách quan. Có ai đã quên vấn đề " cấm hành nghề" (Berufsverbot) tại Đức ? Có ai nói đến kế hoạch sa thải 240.000 nhân viên thâu ngân tại Pháp khi các hệ thống thu tiền tự động sẽ được đưa vào hoạt động rộng rãi ? Có ai không biết là trong năm 2005 đã có 62.410 ngân khoản tại nhà băng của dân thường đã bị kiểm soát theo dõi kín đáo ?

Tại Pháp con số người đi ăn thí trong những cơ quan xã hội như "tiệm ăn của trái tim" ( Restaurants du coeur ) tăng chứ không giảm. Đã từ lâu lắm tôi không thấy người ăn cắp tại Đức nhưng tôi đã có lần thấy tận mắt một ông già người Đức ăn cắp mấy củ cà rốt trong siêu thị Karstadt rồi dấu trong túi áo Mantel ( bành tô). Người chủ cũ của tôi nói rằng, hai năm 2001 và 2002 là hai năm khó khăn trầm trọng nhất, bây giờ, 2007 là đỡ rồi. Nhưng, hiện nay, nhiều người trẻ tuổi, vừa mới tốt nghiệp ra trường, đã phải nộp đơn xin trợ giúp xã hội, vì không tìm được việc làm.
Ở đâu là thiên đường kinh tế và tài chánh ?

Nhưng nếu tôi là ứng cử viên Tổng Thống thì sao ? Tôi sẽ, bảo đảm không hứa suông đâu nhé, giải quyết một cách tích cực các vấn đề ưu tiên như sau: Thất Nghiệp, Giáo dục và Nghiên cứu, Quốc Phòng, Sức khỏe và Văn Hóa. Các biện pháp sẽ được công bố sau khi các bạn bỏ phiếu cho tôi. Cảm ơn trước.

©
Mathilde Tuyết Trần, Lataule 2007

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Tuyết Trần