Thời
tiền sử của loài người bắt đầu từ khi hình thành giống người sapiens
sapiens cách đây khoảng 150 000 – 100 000 năm trước cho đến khi có
« sử », truyền khẩu rồi chữ viết, cách đây ít nhất là 5000 năm (xem Diễn
Đàn các số 132, 133, 135). Trong thời gian ấy đã hình thành một thế giới
quan không tự giác, song song với một số công cụ và hình thái của tư duy
như ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo, thủ công... và song song với những
thay đổi trong sinh hoạt xã hội, chủ yếu là từ hình thức săn bắn và hái
lượm sang hình thức nông nghiệp và chăn nuôi. Thêm nữa, quá trình ấy lại
đồng thời là một quá trình trong đó giống người homo sapiens sapiens toả
ra từ châu Phi và chinh phục toàn cầu.
Trở lại sự hình thành ngôn ngữ
Ngôn ngữ hai tầng cấu âm (có thể hiểu
ngắn gọn như một ngôn ngữ phức tạp, có văn phạm hiển ngôn hay không) là
đặc điểm của giống người. Lần trước người viết bài này có khẳng định là
đời sống định canh định cư chắc chắn đưa đến một tổ chức xã hội phức
tạp, và điều này chỉ có thể thực hiện với một ngôn ngữ có hai tầng cấu
âm. Và cũng nhắc lại những nhận định của một số tác giả cho rằng những
sinh hoạt đơn giản trong thời săn bắn hái lượm, đi đôi với mật độ dân số
rất thưa thớt, chưa chắc đã cần đến một ngôn ngữ như thế. Nhưng sự không
cần thiết cũng không đồng nghĩa với không có.
Tuy nhiên có thể nhìn vấn đề rõ hơn, dựa
trên những chứng cớ cụ thể.
Luca Cavalli-Sforza,
tác giả của [1], là người đầu tiên nghiên cứu một cách tổng hợp khảo cổ
học, di truyền học và ngôn ngữ học, đã đem lại những bằng chứng hết sức
thuyết phục là ngôn ngữ phức tạp ít ra đã có từ khoảng năm -10 000 : các
ngôn ngữ (có cùng một số cấu trúc văn phạm và có một số từ cùng gốc)
trong hệ Ấn Âu được truyền bá cùng với sự truyền bá của nông nghiệp,
cũng như sự truyền bá của những hệ ngôn ngữ khác.
Hình vẽ sau đây [1, tr. 161] cho thấy sự truyền bá nông
nghiệp tại Âu châu, qua các di chỉ khảo cổ được đánh dấu thời gian bằng
đồng vị phóng xạ C14.

Và hình vẽ dưới đây, theo [2], cho thấy
thêm sự truyền bá của ba hệ ngôn ngữ : hệ Ấn Âu có gốc từ Çatal Höyük,
hệ Ai cập và Bắc Phi có gốc từ Jéricho, và hệ cổ ngữ của Ấn Độ –
Pakistan có gốc từ Ali Kosh ; trước khi bị thay thế bởi hệ Ấn Âu. Trong
cả ba trường hợp, con đường truyền bá ngôn ngữ cũng là con đường truyền
bá nền kinh tế nông nghiệp - chăn nuôi. Vậy chắc chắn ngôn ngữ phức tạp
đã có từ trước đây 12000 năm, ít nhất là ở những trung tâm phát triển
nông nghiệp đầu tiên.

Nhưng liệu chúng ta có thể nói gì hơn
trên việc các ngôn ngữ phức tạp này đã được truyền đi (nghĩa là thay thế
ngôn ngữ bản địa ) song song với nông nghiệp ? Có phải vì ngôn ngữ tại
chỗ, trước khi được những người nông dân đến « khai hoá », là đơn giản
hơn ; vì tổ chức xã hội đơn giản hơn ? Cũng có thể, nhưng đơn giản tới
mức nào ? Hiện không có gì cho phép khẳng định.
Mặt khác, những nghiên cứu sinh vật học,
dựa trên nghiên cứu giải phẫu các bộ xương người sapiens tiền sử, cho
thấy khả năng phát âm là rất lớn, vậy có thể tin chắc rằng bộ từ vựng
của giống người sapiens đã khá giàu từ 100 ngàn năm nay. Vậy có thể
chăng
lượng biến thành chất,
sự giàu có ấy tất yếu đưa đến một ngôn ngữ có cấu trúc ? Mặt khác bộ óc
con người ngày ấy không nhỏ hơn so với hiện nay, và các vùng của bộ óc
dùng để xử lý ngôn ngữ cũng đã có rồi. Chính vì dựa trên lý lẽ đó mà
Eccles, giải Nobel sinh học, trong [3, chương 4] đã dẫn chứng một số tác
giả (mà ông tương đối đồng ý) cho rằng ngôn ngữ phức tạp có thể hiện hữu
ngay từ giai đoạn đầu của giống người sapiens. Tuy nhiên, nếu ở đoạn
trên đã nói
không cần thiết không
đồng nghĩa với không có,
thì ở đây cũng có thể đối lại :
có nền tảng vật chất
(tương tự thiết bị
tin học)
thích hợp với một ngôn ngữ phức tạp
(tương tự chương
trình tin học)
cũng không đồng nghĩa với việc nó thực sự hiện hữu.
Để khảo sát xa hơn, người viết bài này nhận thấy Eccles
đã sử dụng hai phương pháp :
1 – Ông (cùng với triết gia Popper) chia ngôn ngữ ra làm
nhiều cấp, chi tiết hơn. Ở tầng cấu âm thứ nhất có hai cấp : cấp một là
cấp « triệu chứng » : âm thanh phát ra chỉ như là một triệu chứng của
một trạng thái tâm sinh lý nào đó : cười, khóc, gầm gừ... ; cấp hai là
cấp « tín hiệu rời rạc » : ở đây có để ý tới đối tượng nhận tín hiệu,
nhưng các thông tin rất đơn giản và không liên hệ với nhau. Các loài vật
khôn nhất thì đạt được trình độ này.
Từ cấp ba trở đi là chỉ giống người mới có. Cấp ba, theo
Eccles và Popper định nghĩa [3, tr. 97], là cấp mô tả, có thể hiểu như
khả năng liên hệ giữa các tín hiệu âm thanh rời rạc, tức là có văn phạm.
Cấp bốn cao nhất, như các ngôn ngữ hiện nay, được gọi là cấp « thảo
luận », cho phép đối thoại với nhau bằng những luận cứ lôgic. Nhưng cấp
ba cũng đi từ giản dị tới phức tạp chứ không phải là một bước đột biến
duy nhất. Tóm lại Eccles cho rằng từ 100 000 năm trước ngôn ngữ của
giống người đã ở vào bước đầu giản dị của cấp ba, và từ cấp ba đến cấp
bốn như ngày nay là một quá trình tiến hoá lâu dài, và quá trình đó chủ
yếu là một sự kết hợp giữa di truyền sinh học (gien) và « di truyền văn
hoá ».
2 – Kết hợp ra sao ? Đó là quá trình sử dụng những khả
năng di truyền để đi tới những hành xử cụ thể có tính quy ước xã hội. Và
như vậy thì ngay cấp hai của ngôn ngữ đã có tính « di truyền văn hoá »
rồi, vì ánh xạ từ tiếng nói đến cái được biểu thị đã là ngẫu nhiên. Hiển
nhiên quá trình học một ngôn ngữ cấp ba rồi đến cấp bốn là quá trình di
truyền văn hoá. Không nói đến cấp bốn, là cấp ngôn ngữ cần đến ý thức
phản tỉnh, vì vậy cần một quá trình giáo dục và học tập có ý thức suốt
tuổi vị thành niên ; quá trình thừa hưởng di truyền văn hoá của ngôn ngữ
cấp hai và cấp ba đã diễn ra như thế nào ? Ở đây có vài điểm cần để ý
đến :
a) Nghiên cứu về sự phát triển của bộ não ([4]) cho thấy
là giai đoạn phát triển nhanh và quan trọng nhất của bộ não con người,
dưới hình thức kết nối các nơron, là từ khi bào thai được khoảng 20 đến
24 tuần, cho tới khi trẻ em được từ hai tới ba tuổi. Đó là giai đoạn bộ
óc giao tiếp với bên ngoài ở cường độ rất cao, và mọi bộ phận của não bộ
đều phát triển như nhau, trong đó có bộ phận về ngôn ngữ.
Hàng
triệu kết nối nơron (synapses) được thực hiện mỗi
giây . Có lẽ các phụ huynh sắp hoặc vừa có con nhỏ nên để
ý đến điều này ; vì đây quả là thời gian tiếp thụ di truyền văn hoá qua
tiếng nói và qua những tiếp xúc khác với cha mẹ.
b) Một sự khác biệt rất quan trọng trong giai đoạn học
ngôn ngữ giữa khỉ con và trẻ em (xem [3, chương 4]) là trẻ em có khả
năng đặt câu hỏi và cấu tạo các câu mới, mà khỉ thì không có. Có thể coi
là đứa trẻ vừa thực hiện một tra vấn thực tại bên ngoài nó, vừa cố gắng
mô tả thực tại ấy trong một quá trình mầy mò - sai sửa, với sự giúp đỡ
của người lớn. Quá trình học ngôn ngữ cũng là quá trình phát triển ý
thức về nhiều mặt.
c) Ở đây đã manh nha ý thức về một thế giới khách quan
bên ngoài con người rồi. Có thể nói chính vì con khỉ hoàn toàn chủ quan
nên không phân biệt nó và bên ngoài nó, do đó không cần mô tả và không
cần đặt câu hỏi.
d) Cuối cùng, trong di truyền sinh học
người ta thấy quá trình phát triển bào thai cũng là sự tóm tắt của quá
trình tiến hoá của loài người trong hàng triệu năm. Vậy nếu suy luận
tương tự cho quá trình « di truyền văn hoá » của giai đoạn trẻ em học
tập ngôn ngữ thì : phải chăng giai đoạn đó đã tóm tắt quá trình hình
thành ngôn ngữ cao cấp (nói chung, không cần phải là một ngôn ngữ cụ
thể), và (phần nào) văn hoá của người sapiens từ 100 000 năm trước tới
nay ? Có lẽ giả thiết đó hợp lý, còn việc kiểm chứng cụ thể : ở giai
đoạn nào của lịch sử, ngôn ngữ trở nên phức tạp tới đâu ? hiện còn vượt
quá khả năng của những nhà nghiên cứu.
Mò mẫm - thủ công, nghệ thuật, tôn giáo, và ma thuật
Đây nói về những sinh hoạt ngoài ngôn ngữ
và ngoài bản năng ; ngoài, nhưng không phải là không liên hệ. Nếu không
muốn dùng đến những khái niệm rất hiện đại như tôn giáo, nghệ thuật...
chắc là rất xa lạ với người tiền sử,thì có lẽ chỉ có thể nói đến những
sinh hoạt trong thời gian « rảnh rỗi » là như thế thôi. Khi con người
tiền sử không tiêu thời gian hoàn toàn theo bản năng, như ăn, ngủ... hay
lao động theo quán tính như trồng trọt, săn bắn... , và cũng chưa có
những tư duy thuần tuý dựa trên ngôn ngữ thì anh ta làm gì ? « Chuẩn
bị » cho những hành động sắp tới, « rút kinh nghiệm » về những hành động
đã qua ? Đã hẳn, nếu không thế sao có thể thay đổi và tiến triển trong
sinh hoạt ; nhưng ta vẫn cần tránh cái bẫy của những khái niệm hiện đại,
vì hắn làm những việc này như thế nào ? tự giác hay không tự giác ? một
cách cô độc hay tập thể ? Với những ngôn ngữ (gồm cả hình ảnh và ngôn
ngữ thân thể) nào để đối thoại hay độc thoại về những việc ấy ? Tất cả
còn là bí ẩn. Và những tác phẩm bàn về các vấn đề này phần lớn là tư
biện và suy diễn, dựa trên những hiện vật câm lặng và dựa trên những
quan sát nhân chủng học về các bộ lạc bán khai. Mà những quy diễn hay
quan sát này đều không thể tránh khỏi dựa trên những lý thuyết tiên
nghiệm, thí dụ như « cấu trúc luận » một thời là chỗ dựa vững chắc, bây
giờ hình như đã bị số đông các nhà nghiên cứu nhân chủng học đánh giá
lại thấp hơn.
Vậy chúng ta có thể nói được gì, với
những khái niệm hiện đại, một cách đại cương, không đi vào những tư biện
sâu rộng, nhưng cũng không quá sai lạc ?
Trước hết, theo người viết bài này, với
người tiền sử thì không có sự đối chọi bệnh hoạn của các thế kỷ 19 và 20
về « nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh ». Nghệ thuật
đã có rất sớm, nhưng không tách rời, mà cũng không bị đồng hoá với bất
cứ một sinh hoạt « nhân sinh » cụ thể nào. Sau nữa, trong « nhân sinh »
thì cũng khó mà tách rời những khía cạnh thủ công mò mẫm với ma thuật,
giáo dục, tôn giáo... Cảnh nhảy múa sau đây (niên đại -10000, theo [5,
tr. 124] ) gợi lại gì ?
Sau
một ngày săn bắn người ta đốt lửa, nướng thịt, ăn uống và nhảy múa để
làm gì ? Kể lại cuộc săn như một hình thức giải toả căng thẳng tâm lý ?
Truyền lại kỹ thuật săn bắn cho thế hệ sau ? Cầu đảo một thế lực siêu
nhiên nào đó cho có nhiều thú rừng hơn ? Làm lại những động tác để khẳng
định mình sẽ chiến thắng, một cách ma thuật ? Hay giản dị là những vui
thú của bản năng tính dục đã thăng hoa thành nghệ thuật nhảy múa trong
điều kiện những rào cản xã hội đã hình thành rồi ? ... Có lẽ có tất cả
những điều ấy, nếu nhìn với con mắt duy lý. Nhưng có lẽ không thể biết
điều gì là chủ đạo, và có thể bản thân những người nhảy múa cũng không
biết, nhảy múa là nhảy múa thôi.
Nhưng còn điều nữa cũng thú vị : ở đây
con người đã vẽ con người lên vách đá trong một sinh hoạt tập thể. Những
hình âm bản của nhiều bàn tay, có tại nhiều nơi khác nhau, là một bí ẩn
khác đã có từ 30 000 năm trước.
Vậy xin mỗi người tự do suy luận và tư
biện theo sở thích và sở học của chính mình. Ở đây chỉ xin đưa ra vài
hiện vật rất thú vị nữa của người xưa để lại, bằng chứng câm lặng tuyệt
diệu, gợi cảm và kích thích suy nghĩ.
Một
thí dụ lạ lùng là cái gậy phóng lao (propulseur), tìm lại được khá
nhiều, có từ khoảng 20 000 năm trước. Hình kế bên trích từ [6, tr. 84],
chụp một cái gậy tìm thấy ở Mas d'Agil (Ariege, Pháp), một di chỉ muộn
hơn thế vài ngàn năm ; mà cái đầu gậy chạm hình con nai con đã được
phóng to làm trang trí ở đầu bài này. Con nai rất sinh động nhìn về cái
đuôi gậy nơi có con chim nhỏ đậu. Hai chi tiết tuyệt đẹp và rất công phu
này hoàn toàn vô ích. Nhưng có thực thế ? hay nó chuyên chở ước mong là
cái lao sẽ bắn đúng vào con nai thực mà người đi săn nhắm tới ? Thế còn
con chim ?
Về mặt hiệu quả thì chiếc gậy phóng lao là một công trình
« kỹ thuật » tuyệt vời : bằng cách đẩy cây lao ở đầu cuối, với góc độ
giữa gậy và lao thay đổi được, cây lao luôn giữ được quỹ đạo rất thẳng,
không bị ảnh hưởng do vòng quay của cánh tay cầm lao nếu như không có
nó. Thêm nữa khoảng cách từ vai đến lao dài hơn làm tăng quãng thời gian
trong đó lực của người phóng được chuyển sang lao. Tóm lại đây là một
phát minh đơn giản mà vô cùng khoa học, làm tăng sức mạnh và độ chính
xác của cây lao (có thể giết thú ở độ xa 50 m, trong khi nếu phóng tay
không thì 50 m là lao đã rơi xuống đất rồi). Người ta không thể không
liên tưởng đến một phát minh rất đẹp khác của người thổ dân Úc Châu là
chiếc
boomerang,
cũng hoạt động theo những nguyên tắc khoa học khá phức tạp mà người dùng
nó không thể hiểu, nhưng với may mắn và mầy mò thủ công, vẫn sáng tạo ra
được và nhận thức được tính ưu việt của nó. Gậy phóng lao hiện vẫn còn
được dùng tại một số bộ lạc, cách phóng như sau (hình vẽ để giải thích
được trích từ [7, tr.56]) :

Bây giờ ta lại xem một hình vẽ trên vách đá cho thêm
thích thú (trích [6, tr.8], chụp trong động Niaux, Ariège, Pháp). Những
hình vẽ trên vách đá ở nhiều nơi của cuối thời đồ đá cũ nói chung rất
hiện thực và rất đẹp. Nhưng chúng không phải là những « tác phẩm nghệ
thuật » theo nghĩa chỉ để trưng bày cái đẹp. Vì giản dị là đa số những
hình này được vẽ trong hang động sâu tối tăm, phải đốt đèn lên mà vẽ, mà
xem (đèn bằng đá lõm chứa mỡ, tìm thấy nhiều ở dưới đất những nơi này).
Vì vậy chỉ vào vẽ và xem ở những dịp quan trọng ; tập tục ma thuật để
cầu mong mùa săn nhiều thú ? Lễ nghi có tính tôn giáo với những con thú
đuợc thần linh hoá ?
Nếu
để ý đến những mũi tên vẽ trên hình bò cổ (bison) thì có thể thiên về
giả thuyết trước hơn ; và biết đâu đây có thể là những lớp học cho người
trai ở buổi lễ trưởng thành (rite de passage) biết phải đâm lao vào đâu
trên con thú ? Như là một thứ
cửu dương chân kinh
dấu kín trong hang
động để chỉ truyền cho người có đủ công lực.
Không có nhiều chỗ để
nói về nguồn gốc của nghệ thuật, vì vẫn phải khẳng định đây là nghệ
thuật. Chỉ xin tóm gọn là người ta đã thấy rằng những hình vẽ hay nét
khắc đầu tiên của con người là dựa trên những nét lồi lõm đầu tiên trên
đá. Vậy có thể giả thiết có một số bước nhảy vọt trong tư duy như sau :
trước tiên người ta mơ hồ có mô hình của những con thú trong đầu, mô
hình trừu tượng đó ngẫu nhiên gặp phải những nét hơi giống nó trên đá,
thế là nó đuợc phóng ra, được tô đậm và tô điểm thêm.
Rồi đến buớc sau nữa người ta ý thức được rằng mình có thể ánh xạ tự do
cái mô hình trong đầu vào vách đá. Nhưng có lẽ ý thức đó chỉ đến được
trong những hoàn cảnh tâm lý và tâm linh đặc biệt khi đầu óc bị kích
thích cao độ, những hoàn cảnh có tính cách ma thuật hay tôn giáo. Vậy
ngay từ đầu nghệ thuật (không chỉ nghệ thuật, và điều này vẫn tồn tại)
đã là một hình thức tư duy trong đó khách quan và chủ quan, tính thực
dụng và tính siêu hình được trộn lẫn mật thiết. Điều này hiện nay vẫn
còn là cản trở trong tư duy khoa học.
Để kết luận loạt bài về tư duy tiền sử
này, chỉ xin cùng bạn đọc chiêm ngưỡng vài tác phẩm điêu khắc rất đẹp,
mà không nói gì thêm. Bên trái (Vénus de Laugerie) là tượng tiền sử đầu
tiên được phát hiện ; ở Dordogne, Pháp, năm 1864, tuổi từ -10 000 đến
-15 000 năm [6, tr. 100]. Ở giữa, Vénus de Willendorf, Áo, tuổi trong
khoảng -13000 đến -22 000 [5, tr. 166] ; và bên phải là tượng ngà Vénus
de Brassempuy ( -20 000 đến -25 000) tìm thấy tại vùng Landes [6, tr.
58].
Hàn Thuỷ
Tham khảo :
[1]Gènes, peuples & langues (travaux du Collège de
France) ; Luca Cavalli-Sforza; nxb Odile Jacob 1996.
[2]Les langues du monde ; hồ sơ đặc biệt của tạp chí «
Pour la Science » ; tháng 10, 1997 ; tr. 63, bài của Colin Renfrew : La
dispersion des langues Indo-Europeennes.
[3]Evolution du cerveau et création de
la conscience (dịch từ nguyên bản tiếng Anh , 1989) ; John C.
Eccles ; nxb Flammarion, 2002.
[4]Le développement de la connectivité célébrale, trong :
Gènes et Culture ; Symposium annuel du Collège de France, dir. J.P.
Changeux ; nxb Odile Jacob 2003.
[5]La religion des origines (dịch từ nguyên bản tiếng Ý,
1995) Emmanuel Anati, nxb Bayard, 1999.
[6] La vie des hommes de la préhistoire ; Brigitte &
Gilles Delluc ; nxb Ouest-France, Rennes 2003.
[7] Les origines de la pensée ; Marcel Otte, nxb Mardaga,
Belgique 2001.