Những sự kiện Khoa học 2003

Bích Hạnh - Minh Thi

 
 
 

Năm mở đầu với thảm hoạ tàu Columbia, và kết thúc bằng việc Trung Quốc phóng thành công phi thuyền có người lái đầu tiên. Biến động trong hoạt động nhân bản trên toàn cầu, cùng thành tựu phục chế khảo cổ ở Việt Nam cũng là những sự kiện đáng chú ý theo đánh giá của VnExpress. 

1. Tàu con thoi Columbia nổ tung

7 nhà du hành tử nạn trên tàu Columbia.

7 nhà du hành trên tàu Columbia đã tử nạn.

Ngày 1/2 năm nay trở thành ngày bi thảm nhất trong lịch sử 42 năm đưa người lên vũ trụ của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ. Tàu con thoi Columbia mang theo 7 nhà du hành đã nổ tung trên bầu trời Texas khi trở lại khí quyển, sau 16 ngày vòng quanh quỹ đạo. Trong số 7 phi hành gia, có công dân Israel đầu tiên bay vào vũ trụ, đại tá Ilan Ramon.

Công cuộc tìm hiểu nguyên nhân thảm họa đã huy động rất nhiều công sức, trong đó các chuyên gia phải tái tạo lại cả mô hình tàu con thoi để tìm ra đầu mối của vấn đề. Kết luận chính thức được đưa ra là một mảnh xốp cách nhiệt của bình chứa nhiên liệu bị long ra và va vào cánh trái, làm hỏng tấm sứ cách nhiệt trên thân tàu, khiến khí nóng lọt vào.

Tai nạn thảm khốc này kéo theo một loạt những thay đổi trong chương trình không gian, như NASA tuyên bố ngừng việc phóng các tàu con thoi trong 1 năm, dân số trên Trạm không gian quốc tế bị tạm thời rút gọn; đồng thời làm dấy lên nhiều lo ngại về độ an toàn của những con tàu đưa người lên vũ trụ.

2. Trung Quốc chinh phục không gian bằng Thần Châu 5

Sau hàng loạt thử nghiệm với 4 phi thuyền không người lái, 8 giờ sáng ngày 15/10, hơn một tỷ dân Trung Quốc và hàng triệu người trên thế giới nín thở theo dõi nhà du hành Trung Quốc đầu tiên rời bệ phóng. Dương Lợi Vĩ cùng với phi thuyền Thần Châu 5 đã đi vào lịch sử ngành hàng không vũ trụ thế giới, khi chính thức vượt ra ranh giới bầu khí quyển trái đất.

Dương Lợi Vĩ bước vào con tàu.

Thần Châu 5 cất cánh.

Nhà du hành đọc sách trong khoang lái.

Dương Lợi Vĩ bước ra khỏi Thần Châu 5.

Bước tiến ngoạn mục này trong chương trình đưa người chinh phục không gian của Trung Quốc đã chấm dứt kỷ nguyên bá chủ vũ trụ của hai cường quốc Mỹ, Nga. Thần Châu, tuy được thiết kế nhiều điểm giống tàu vũ trụ Soyuz của Nga, song đã vượt trội Soyuz về mặt kỹ thuật, và qua mặt các tàu không gian của châu Âu già nua. Thành công này cũng giúp Bắc Kinh tự tin tuyên bố tham vọng về một trạm vũ trụ có người ở trong tương lai không xa.

3. Nhân bản động vật ồn ã - nhân bản người chìm lắng

Cô cừu Dolly thọ 7 tuổi.

Kiệt tác nhân bản đầu tiên của nhân loại, cô cừu Dolly ra đời từ tế bào đông lạnh lấy từ tuyến vú của con mẹ, đã "ra đi" ngày 14/2 vì bị viêm phổi. Để tưởng nhớ con vật nổi tiếng gây nhiều tranh cãi này, các nhà khoa học đã quyết định nhồi bông và trưng bày Dolly tại viện bảo tàng Edinburgh ở Scotland.

Nhiều hoạt động nhân bản động vật khác đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, làm gia tăng không ngừng danh sách động vật được sao chép - hiện gồm có chuột đồng, cừu, chuột nhắt, gia súc, dê, lợn, mèo, la, ngựa. Đi xa hơn, nhóm nghiên cứu có mối quan hệ với giáo phái Rael còn khẳng định đã có được bản sao con người, tuy chưa đưa ra bằng chứng cụ thể.

Tháng 11, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố trì hoãn lệnh cấm nhân bản người trên toàn cầu trong vòng 2 năm, sau rút xuống còn 1 năm. Việc kéo dài thời gian này là một giải pháp thỏa hiệp cho đến khi hai nhóm đối lập ở Liên Hợp Quốc (một ủng hộ việc cấm mọi hình thức nhân bản và một đề nghị chỉ áp dụng lệnh cấm đối với việc tạo ra con người) tìm được tiếng nói chung.

4. Lần đầu tiên đo được vận tốc hấp dẫn

Tháng 1/2003, các nhà thiên văn công bố kết quả của một thí nghiệm đột phá trong lĩnh vực vật lý: đó là lực hấp dẫn truyền với vận tốc ánh sáng.

Isaac Newton từng cho rằng lực hấp dẫn truyền với vận tốc vô hạn, nghĩa là lực hút từ một vật thể tác động lên một vật thể khác sẽ được truyền đi ngay tức khắc. Tuy nhiên, Einstein và các nhà vật lý hiện đại lại tin rằng, lực hấp dẫn chỉ có vận tốc tương đương ánh sáng mà thôi. Ông đã xây dựng ý tưởng này thành thuyết tương đối rộng vào năm 1915. Để kiểm chứng tính chính xác của hai lập luận, người ta phải đợi đến ngày mặt trời biến mất hoặc đo trực tiếp các sóng hấp dẫn, song cả hai khả năng này đều rất khó xảy ra.

Nhà thiên văn học Mỹ Edward Fomalont và cộng sự đã tìm ra một cách đo khác. Họ lợi dụng dịp sao Mộc đi qua trước một chuẩn tinh đang phát sóng radio, để đo sự thay đổi biểu kiến trong vị trí của chuẩn tinh khi trường hấp dẫn của sao Mộc bẻ cong các sóng radio của nó. Tính toán cho thấy lực hấp dẫn truyền với tốc độ bằng 0,95 lần vận tốc ánh sáng (sai số của phép đo có thể lên tới 20%). Phát hiện này cũng đồng nghĩa với việc thuyết tương đối rộng của Einstein đã vượt qua cuộc thử thách trong sự thành công mỹ mãn.

5. Bài học từ việc nuôi cá chim trắng

Cá chim trắng (Pampus Argenteus).

Cá chim trắng (Pampus Argenteus).

Tháng 6/2003, một chuyên gia của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên WWF cảnh báo về việc người dân Đồng Nai đang nuôi một loài cá ăn thịt cực kỳ nguy hiểm, có nguồn gốc Nam Mỹ, nếu lọt ra ngoài môi trường sẽ đe dọa các loài bản địa và thậm chí cả con người. Lời cảnh báo làm dấy lên nỗi lo sợ về một thảm họa sinh thái, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Bộ Thủy sản đã nhanh chóng cho lấy mẫu phân tích và khẳng định đó là loài cá chim trắng, ăn tạp nhưng không có khả năng ăn thịt người, đồng thời yêu cầu không nên phát triển đại trà loài cá này, trước khi có kết luận cuối cùng về sự an toàn của chúng. Sự việc tuy chưa để lại hậu quả nặng nề, song cũng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng chọn lựa và nhập khẩu không kỹ càng các sinh vật lạ vào Việt Nam, như với ốc bươu vàng, chuột hải ly... và khả năng ứng phó với những thảm họa sinh thái do chúng gây ra.

 

6. Trùng tu thành công hai pho tượng xá lợi chùa Đậu

Công cuộc trùng tu hai pho tượng cốt người thật độc đáo nhất Việt Nam kéo dài nửa năm ròng, với những nỗ lực không mệt mỏi của 5 nhà khoa học, nhằm khắc phục những trở ngại từ phía nhà chùa, thời tiết, điều kiện kỹ thuật... Thời gian và chiến tranh đã tàn phá hai pho tượng đến mức gần như sụp đổ, đặc biệt là tượng nhà sư Vũ Khắc Trường. Bằng việc áp dụng những kỹ thuật và chất liệu thô sơ giống như nguyên bản (giấy dó, sơn ta, tre ngâm...), nhóm nghiên cứu đã phục chế tượng hai nhà sư về với nguyên dạng, đủ sức thử thách thời gian cả trăm năm nữa.

Thành công này cũng đã chứng tỏ trình độ cao của các nhà khoa học Việt Nam, mở ra khả năng phục chế và bảo tồn những di sản vô giá tương tự. Hai nhà sư giờ đây đã có thể yên tâm tiếp tục ngồi thiền trong khuôn viên chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Tây.