Sở hữu trí tuệ là gì?

Laurence R. Hefter Robert D. Litowitz
 

Những nước có các ngành công nghiệp sáng tạo hầu như bao giờ cũng có các đạo luật khuyến khích sáng tạo bằng cách quản lý việc sao chép các sáng chế, các biểu tượng định dạng và các hình thức sáng tạo khác. Các luật lệ này điều chỉnh bốn loại tài sản vô hình khác biệt là bằng phát minh sáng chế, thương hiệu, quyền tác giả và các bí mật thương mại, được gọi chung là "sở hữu trí tuệ" (intellectual property).

Sở hữu trí tuệ có nhiều đặc điểm của bất động sản và tài sản cá nhân. Ví dụ, sở hữu trí tuệ là một tài sản có thể được mua, bán, cho phép sử dụng, trao đổi hoặc biếu tặng giống như bất kỳ loại hình tài sản nào khác. Ngoài ra, chủ sở hữu sở hữu trí tuệ còn có quyền ngăn cấm việc sử dụng hoặc mua bán trái phép tài sản của họ. Tuy nhiên, sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa sở hữu trí tuệ và các loại sở hữu khác là tính vô hình của nó, tức là sở hữu trí tuệ không thể xác định được bằng các đặc điểm vật chất của chính nó. Nó phải được thể hiện bằng một cách thức cụ thể nào đó để có thể bảo vệ được.

Tất cả bốn loại sở hữu trí tuệ được bảo vệ theo quy định ở từng quốc gia. Do đó, phạm vi bảo vệ và các yêu cầu để nhận được sự bảo vệ sẽ khác nhau giữa các nước. Tuy nhiên, luật pháp của các quốc gia trong lĩnh vực này cũng có nhiều sự tương đồng. Ngoài ra, xu hướng toàn cầu hiện nay là hướng tới sự hòa hợp luật pháp của các quốc gia.

Bằng phát minh sáng chế: Khế ước của xã hội với các nhà phát minh

Người ta có thể cho rằng bằng phát minh sáng chế là một hợp đồng giữa xã hội nói chung và cá nhân một nhà phát minh. Theo các điều khoản của hợp đồng xã hội này, nhà phát minh được độc quyền ngăn cấm những người khác không được sao chép, sử dụng và bán một phát minh đã được cấp bằng chứng nhận trong một khoảng thời gian nhất định đổi lại việc nhà phát minh sẽ công bố các chi tiết của phát minh cho công chúng biết. Do đó, hệ thống cấp bằng chứng nhận phát minh sáng chế khuyến khích việc công bố thông tin cho công chúng bằng việc dành phần thưởng cho những nỗ lực mà một nhà phát minh đã bỏ ra.

Mặc dù từ "bằng phát minh sáng chế" (patent) có nguồn gốc từ các văn bản của vua Anh trong thời Trung cổ ban ra nhằm trao một đặc quyền, ngày nay từ này được coi là đồng nghĩa với độc quyền được trao cho nhà phát minh. Hiệp định về các Khía cạnh Liên quan đến Thương mại của Sở hữu Trí tuệ (TRIPs) trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định tiêu chuẩn quốc tế về thời hạn độc quyền về phát minh sáng chế, cụ thể là 20 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp bằng. Sau khi được thực hiện từ ngày 1/1/2000, tất cả các thành viên của WTO sẽ có nghĩa vụ tuân thủ tiêu chuẩn này. Theo tất cả các hệ thống cấp bằng phát minh sáng chế, một khi khoảng thời gian này kết thúc thì người ta có quyền tự do sử dụng phát minh theo cách mà họ muốn.

Lợi ích của một hệ thống cấp bằng phát minh sáng chế hiệu quả có thể được minh họa một phần như sau:

  • Một bằng phát minh sáng chế là phần thưởng cho sự đầu tư về thời gian, tiền của và những nỗ lực trong việc nghiên cứu. Nó kích thích việc tiếp tục nghiên cứu vì các đối thủ cạnh tranh muốn phát minh ra những giải pháp thay thế cho các phát minh đã được cấp bằng và nó khuyến khích sự cải tiến và đầu tư vào các phát minh được cấp bằng thông qua việc cho phép các công ty thu hồi các phí tổn về nghiên cứu và phát triển trong thời gian được hưởng độc quyền.

  • Thời hạn độc quyền của văn bằng cũng mang lại thêm lợi ích chung qua việc khuyến khích quá trình thương mại hóa nhanh chóng các phát minh, nhờ vậy xã hội được hưởng thành quả của các phát minh sớm hơn. Các bằng phát minh sáng chế cũng cho phép các nhóm nghiên cứu được trao đổi thông tin trong phạm vi rộng hơn, giúp tránh các nghiên cứu trùng lặp và quan trọng nhất là làm tăng kho tàng kiến thức chung của xã hội.

Mặc dù quyền do bằng phát minh sáng chế mang lại là quyền ngăn cản những người khác sao chép, sử dụng hoặc bán một phát minh được cấp bằng trong thời gian còn hiệu lực của văn bằng, nhưng điều quan trọng cần phải hiểu là một bằng phát minh sáng chế không phải nhất thiết chỉ để cho phép người chủ sở hữu văn bằng đó có quyền được tự mình sao chép, sử dụng hoặc bán phát minh. Ví dụ, chủ sở hữu một bằng phát minh sáng chế về cải tiến phương pháp sản xuất một hợp chất hóa học sẽ không được tự do bán hợp chất đó được sản xuất ra do việc sử dụng phương pháp được cấp bằng nếu hợp chất đó đã được cấp bằng phát minh sáng chế bởi một người khác.

Mặc dù các thành viên WTO đều phải tuân thủ các quy định về bằng phát minh sáng chế trong Hiệp định TRIPs, nhưng các bằng phát minh sáng chế được cấp theo luật quốc gia và do đó phạm vi các quyền cũng được quy định tuỳ theo từng quốc gia. Vì vậy, một bằng phát minh sáng chế của Hoa Kỳ chỉ có thể được sử dụng để chống lại hành vi vi phạm trong lãnh thổ nước Hoa Kỳ. Tại hầu hết các nước, các quyền này được thực thi bằng thủ tục tố tụng dân sự thay cho thủ tục hình sự.

Do đó, việc thực thi các quyền này là của người chủ sở hữu văn bằng. Nói chung, bất kỳ hành vi nào nhằm sao chép, sử dụng hoặc bán phát minh đã được cấp bằng mà không được phép đều vi phạm luật pháp cho dù hành vi đó được thực hiện bởi nhà nước, một công ty hay một cá nhân. Bất kỳ hành vi vi phạm nào như vậy đều làm phát sinh trách nhiệm bất kể mục đích của người vi phạm hay thiếu hiểu biết về bằng phát minh.

Các biện pháp giải quyết vi phạm có thể bao gồm trát gọi hầu toà, lệnh buộc phải giao nộp hoặc tiêu huỷ các hiện vật vi phạm và tiền bồi thường thiệt hại cho người được cấp bằng hoặc lợi nhuận mà người vi phạm thu được.

Một bằng phát minh sáng chế vẫn có thể bị chứng minh là không có hiệu lực và cách biện hộ phổ biến của những người vi phạm là khẳng định rằng bằng phát minh sáng chế không có hiệu lực. Thông thường, văn bằng phát minh sáng chế bị nghi ngờ về hiệu lực trên căn cứ là phát minh đó đã được một người khác chứ không phải nhà phát minh có tên tìm ra hoặc phát minh đó không có gì lạ đối với những người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ liên quan.

Cái gì có thể được cấp bằng phát minh sáng chế?

Ðiều 27 của Hiệp định TRIPs quy định rằng các thành viên WTO sẽ cấp bằng phát minh sáng chế cho bất kỳ phát minh nào, một sản phẩm hay một quy trình tạo ra sản phẩm nào "với điều kiện là chúng mới, đòi hỏi có tính phát kiến và có khả năng ứng dụng vào sản xuất". Nói cách khác, để có thể được cấp bằng, một phát minh phải mới, hữu ích và có tính phát kiến.

Một điều kiện tiên quyết để được cấp bằng là phát minh phải có khả năng ứng dụng thực tiễn. Ðiều này nhấn mạnh tầm quan trọng mà hệ thống cấp bằng phát minh sáng chế đặt ra đối với tính hữu dụng. Mặc dù nguyên tắc này vẫn không thay đổi nhưng từ ngữ được sử dụng trong pháp luật của các nước có sự khác nhau; ví dụ, ở Hoa Kỳ, đối tượng có thể được cấp bằng phải "có ích" trong khi ở Anh nó phải có khả năng "ứng dụng vào sản xuất".

Phát minh phải mới - có nghĩa là, đối tượng của phát minh không hoặc không thể bị suy đoán từ một phần của một đối tượng đã được biết. Ðiều này thường được gọi là yêu cầu "tính mới". Mới hay có tính mới trong ngữ cảnh này có nghĩa là "mới đối với công chúng". Do đó, điều gì đó đã được biết hay sử dụng trước đó nhưng chưa được công chúng biết (ví dụ, nếu nó được giữ bí mật) không thể là lý do ngăn cản việc cấp bằng phát minh sáng chế.

Phát minh còn phải có tính phát kiến. Ðiều này ngăn cản người khác không được lợi dụng hệ thống cấp bằng và nhận được sự bảo hộ cho một đối tượng trên thực tế chỉ là sự mở rộng hoặc thay đổi chút ít của một điều gì đó đã được biết đến rộng rãi. Nói chung, việc kiểm tra tính phát kiến dựa trên việc một chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến phát minh, tại thời điểm phát minh, có coi đó là một phát kiến hay không.

Hiệp định TRIPs quy định thời gian quá độ cho các nước đang phát triển hiện thời không bảo hộ bằng phát minh sáng chế cho sản phẩm trong lĩnh vực hóa chất nông nghiệp hoặc dược phẩm. Trên thực tế, hầu hết các nước đều thực hiện vì lợi ích phát triển đối với lĩnh vực công nghệ sinh học nếu được bảo hộ đầy đủ. Việc bảo hộ bằng phát minh sáng chế về quy trình không khuyến khích đầu tư vì khó khăn trong việc thực thi bảo hộ một quy trình. Việc này trở nên đặc biệt khó khăn khi trách nhiệm chứng minh có sự vi phạm lại thuộc về người chủ sở hữu văn bằng. Chủ sở hữu văn bằng phải chứng minh rằng một quy trình sản xuất nhất định (tức là quy trình được cấp bằng) đã được sử dụng để sản xuất ra hóa chất nhất định. Ðiều này khó có thể chỉ ra vì có rất nhiều các sai khác có thể có trong quy trình và có thể không tiếp cận được cơ sở sản xuất của người vi phạm. Trong thực tế, điều này được tiến hành bằng cách tìm kiếm các chất bẩn dây rớt có mang đặc điểm của quy trình sản xuất. Người ta có thể hình dung ra vấn đề này sẽ trở nên phức tạp như thế nào nếu, ví dụ, một bằng phát minh sáng chế bảo hộ một dược phẩm mà dược phẩm này được sản xuất ở một nước nơi không bảo hộ cho dược phẩm và sau đó được xuất khẩu sang nước thứ hai nơi chỉ thực hiện bảo hộ cho quy trình sản xuất.

Trong 15 năm qua, nhiều nước đã chuyển từ cấp bằng phát minh sáng chế cho "quy trình" sang cấp bằng phát minh sáng chế cho "sản phẩm" và chúng ta hy vọng rằng các nước thành viên WTO sẽ nâng cấp hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này trong vài năm tới vì theo Hiệp định TRIPS của WTO, các nước thành viên phải bảo hộ đầy đủ cho bằng phát minh sáng chế về sản phẩm chậm nhất trước ngày 1/1/2005.

Không chỉ có các khía cạnh hữu dụng của phát minh mới và có ích mới có thể được cấp bằng phát minh sáng chế mà nhiều nước còn mở rộng việc bảo hộ cho các kiểu dáng công nghiệp mới có tính chất làm đẹp. Tại Hoa Kỳ, hình thức bảo hộ này được gọi là bằng phát minh sáng chế về kiểu dáng trong khi ở nhiều nước châu Âu quyền sở hữu về kiểu dáng công nghiệp được gọi là mô hình kiểu dáng.

Ngoài những đối tượng thường được bảo hộ theo văn bằng như các thiết bị, hợp chất hóa học và các quy trình, một số nước thực hiện bảo hộ văn bằng phát minh sáng chế đối với các vật thể sống. Ví dụ, các loài thực vật được nhân giống vô tính, trừ vi khuẩn, các loại cây cấy ghép và các loại cây phát triển từ củ, có thể được bảo hộ giống như các thực vật nhân giống hữu tính (bằng hạt), trừ vi khuẩn, nấm và giòng lai thứ nhất. Hiệp định TRIPS không yêu cầu bảo hộ đối với vật thể sống mới hoặc các loài thực vật nhưng các thành viên WTO có thể tham gia Liên Hợp Quốc tế vì sự bảo vệ các giống loài thực vật mới UPOV.

Thương hiệu và nhãn hiệu dịch vụ: Xác định nguồn gốc

Thương hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ được dùng chủ yếu là để cho biết nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ và để phân biệt các hàng hóa và dịch vụ với nhau. Chúng còn là biểu tượng cho chất lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ. Hầu hết các thương hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ (gọi là "nhãn hiệu") là các từ ngữ, nhưng chúng gần như có thể là bất kỳ cái gì để phân biệt một sản phẩm hoặc dịch vụ này với một hàng hóa hoặc dịch vụ khác, như biểu tượng, biểu trưng, âm thanh, kiểu dáng, hay thậm chí các quy cách phi chức năng riêng biệt của sản phẩm.

Hiệp định TRIPs mở rộng mức độ công nhận và bảo hộ đối với nhãn hiệu dịch vụ cũng giống như đối với thương hiệu hàng hóa (Ðiều 15 và 16 của Hiệp định TRIPS). Tại một số nước, việc đăng ký một nhãn hiệu có thể không bị bắt buộc để bảo hộ nhãn hiệu nhưng dù trong trường hợp nào các nước thành viên WTO đều có nghĩa vụ bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa hay dịch vụ nổi tiếng. Vì việc xác định một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không trong một bộ phận công chúng dựa trên từng trường hợp nên các công ty có thể muốn đăng ký các nhãn hiệu nổi tiếng. Với các nhãn hiệu không nổi tiếng, các nước có thể yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu với cơ quan đăng ký nhãn hiệu quốc gia trước khi được bảo hộ ở nước đó.

Thời hạn bảo hộ đối với một nhãn hiệu rất khác nhau ở từng quốc gia. Việc đăng ký bảo hộ được áp dụng trong những khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, vì mục đích căn bản của nhãn hiệu, tức là để tránh sự nhầm lẫn của công chúng, khuyến khích cạnh tranh và bảo hộ tài sản vô hình của chủ sở hữu nhãn hiệu, việc đăng ký có thể được thực hiện lại và do vậy kéo dài vô thời hạn chừng nào nhãn hiệu còn được sử dụng. Chủ sở hữu một nhãn hiệu có thể không cho người khác sử dụng nhãn hiệu tương tự nếu việc sử dụng đó có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người mua hàng. Việc xác định hai nhãn hiệu liệu giống nhau đến mức có thể gây nhầm lẫn hay không thường đòi hỏi phải phân tích nhiều nhân tố như so sánh nhãn hiệu của các bên, hàng hóa hoặc dịch vụ của họ, kênh quảng cáo và thương mại của họ, ý định của bên bị khiếu nại khi chọn nhãn hiệu và việc có hay không sự nhầm lẫn trên thực tế.

Những khác biệt trong bảo vệ thương hiệu và nhãn hiệu dịch vụ

Cũng như trong các lĩnh vực khác của tài sản trí tuệ, luật pháp về thương hiệu và nhãn hiệu dịch vụ có nguồn từ luật quốc gia nhưng cũng phải tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS. Một số quốc gia cấp quyền sở hữu cho người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu trong kinh doanh, trong khi các quốc gia khác cấp quyền sở hữu cho người đầu tiên đăng ký nhãn hiệu ở nước đó.

Ở các nước theo nguyên tắc "người đầu tiên sử dụng", có thể có được các quyền sở hữu mà không cần phải đăng ký với cơ quan nhãn hiệu quốc gia. Tuy nhiên, việc đăng ký vẫn cần thiết vì đó là một bằng chứng hợp pháp về giá trị hiệu lực của nhãn hiệu và quyền sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu. Nó còn được ghi vào sổ đăng ký nhãn hiệu quốc gia, có tác dụng như một thông báo cho toàn thế giới biết về việc sử dụng nhãn hiệu và quyền sở hữu nhãn hiệu của chủ sở hữu. Theo TRIPS, việc thực sự sử dụng một thương hiệu sẽ không phải là điều kiện cho việc xin đăng ký một thương hiệu hay một nhãn hiệu dịch vụ. Tiếp theo việc sử dụng hoặc đăng ký một thương hiệu, chủ sở hữu phải sử dụng nhãn hiệu đó, nếu không nó có thể là mục tiêu tấn công của bất kỳ ai lấy cớ là chủ sở hữu đã từ bỏ nhãn hiệu đó.

Ở mức độ tối thiểu, phần lớn các nước đều yêu cầu rằng nhãn hiệu phải có tính riêng biệt; có nghĩa là, nhãn hiệu đó có khả năng phân biệt các hàng hóa hoặc dịch vụ của chủ sở hữu với hàng hóa hoặc dịch vụ của người khác. Một nhãn hiệu có thể bao gồm một tập hợp nguyên bản các chữ số, chữ hoặc biểu tượng, màu sắc, hoặc giai điệu. Ðể xác định xem nhãn hiệu có đạt các tiêu chuẩn này không thì phải xác định được điểm mạnh của nhãn hiệu.

Ðiểm mạnh của nhãn hiệu thường được đánh giá một cách toàn diện. Phạm vi đánh giá này bao gồm từ hiệu quả thấp nhất đến cao nhất, các tiêu chí như tính tổng quát, tính biểu tượng, tính gợi nhớ, tính tùy ý và tính kỳ lạ. ít hiệu quả nhất là các chữ, các biểu tượng, các hình vẽ không có khả năng dùng để phân biệt hàng hóa vì chúng được dùng phổ biến để tự phân biệt bản thân các hàng hóa như sách vở, bàn hoặc ghế. Các đặc điểm đó thường được gọi là các đặc điểm chung và không thể được bảo vệ như các thương hiệu.

Tiêu chí tiếp theo là các đặc điểm miêu tả. Một nhãn hiệu có tính miêu tả nếu nó diễn tả được mục đích mong muốn, chức năng, đặc tính vật chất, chất lượng tiêu biểu, hoặc công dụng chính của sản phẩm. Hàng loạt các ví dụ về các nhãn hiệu miêu tả bao gồm DAYBRITE của các thiết bị chiếu sáng, MICRO của các quả cân lăn có kích thước rất nhỏ và SUPPEME của các loại rượu có chất lượng thượng hạng. Vì chúng không có tính phân biệt vốn có nên một đặc điểm miêu tả không thể được bảo vệ như một nhãn hiệu đến khi, thông qua việc mở rộng bán hàng và quảng cáo, đặc điểm đó đã trở thành đặc điểm nhận dạng nguồn gốc của các hàng hóa mang nhãn hiệu. ở Hoa Kỳ, khi các nhãn hiệu miêu tả đạt được mức độ khác biệt, thì người ta nói rằng nó đã có được "ý nghĩa phụ".

Ngược lại với các nhãn hiệu miêu tả, các nhãn hiệu có tính gợi ý không trực tiếp miêu tả hàng hóa mang nhãn hiệu đó; các nhãn hiệu đó thường yêu cầu phải suy nghĩ, tưởng tượng, hoặc phải có sự am hiểu để đưa ra kết luận về bản chất của hàng hoá. Các nhãn hiệu gợi ý được coi là có tính tự phân biệt và có thể được bảo vệ mà không cần phải có ý nghĩa phụ. Ví dụ về nhãn hiệu gợi ý có thể bao gồm HERO của bình cứu hỏa hoặc STRONGHOLD của đinh.

Nhãn hiệu tùy ý là các từ, biểu tượng và hình vẽ thường được sử dụng nhưng khi sử dụng trên hàng hóa của chủ sở hữu thương hiệu thì nó không miêu tả hoặc gợi ý về chất lượng của hàng hóa đó. Các ví dụ của nhãn hiệu tuỳ ý bao gồm APPLE của máy tính và DOVE của xà phòng tắm. Cũng giống như nhãn hiệu gợi ý, nhãn hiệu tùy ý có tính phân biệt vốn có và không cần phải chứng minh có ý nghĩa phụ.

Nhãn hiệu có tính phân biệt nhất là các nhãn hiệu độc đáo. Nhãn hiệu độc đáo là một từ được tạo ra hoặc biểu tượng được phát minh ra hoặc lựa chọn chỉ là để làm nhãn hiệu. Các ví dụ về nhãn hiệu độc đáo bao gồm EXXON của dầu lửa, KODAK của vật tư ảnh, XEROX của máy photocopy và PEPSI của đồ uống. Các nhãn hiệu độc đáo có truyền thống được bảo vệ trong phạm vi rộng nhất.

Bản quyền: Sự thể hiện của tác giả

Bản quyền là độc quyền được tái tạo một tác phẩm của tác giả bằng bất kỳ biểu hiện hữu hình nào, để xây dựng nên các tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm ban đầu và để biểu diễn hay trình diễn tác phẩm trong lĩnh vực âm nhạc, kịch, múa ba lê và nghệ thuật điêu khắc. Bảo hộ bản quyền không bao gồm các ý tưởng, quy trình thủ tục, phương pháp, hệ thống, phương thức hoạt động, khái niệm, nguyên tắc, hoặc phát kiến, không tính đến các hình thức mà nó miêu tả, giải thích hoặc lồng ghép. Hơn thế nữa, bảo hộ bản quyền chỉ giới hạn trong sự diễn đạt đặc biệt của tác giả về một ý tưởng, phương pháp, khái niệm và giống như một phương tiện truyền đạt hữu hình.

Bảo hộ bản quyền nghiễm nhiên có tác dụng đối với mọi tác phẩm có tác giả kể từ lúc bắt đầu hình thành. Hiệp định TRIPS quy định tiêu chuẩn tối thiểu đối với thời hạn bảo hộ bản quyền. Nếu là cá nhân, thì thời hạn đó là tuổi thọ của tác giả cộng thêm 50 năm nữa. Trong trường hợp là một công ty thì thời hạn đó là 50 năm tính từ cuối năm dương lịch của ấn phẩm được phép in ấn hoặc, nếu không có ấn phẩm thì tính từ cuối năm dương lịch tạo ra tác phẩm đó (điều 12 của TRIPS). Thời gian bảo hộ các cuộc biểu diễn nghệ thuật được tính là 50 năm đối với diễn viên và người sản xuất và là 20 năm đối với người phát sóng các cuộc biểu diễn này. Gần đây Hoa Kỳ đã nâng cao việc bảo hộ các tác phẩm có bản quyền của mình trở thành một phần của Ðạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số hay DMCA. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, bản quyền tác phẩm của cá nhân một tác giả tạo ra trước hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 1978 sẽ kéo dài bằng tuổi thọ của tác giả cộng thêm 70 năm sau ngày mất của tác giả. Tuy nhiên, nếu tác phẩm được tạo ra để cho thuê, thì bản quyền kéo dài 120 năm kể từ khi tạo ra tác phẩm hoặc 95 năm kể từ khi có ấn bản đầu tiên, tính theo thời gian nào ngắn hơn.

Ðộc quyền được trao cho chủ sở hữu bản quyền sẽ không bao gồm quyền ngăn cản người khác sử dụng hợp lý tác phẩm của chủ sở hữu bản quyền. Việc sử dụng hợp lý có thể bao gồm các công việc nhằm mục đích phê bình, bình luận, đưa tin, dạy học, học tập hoặc nghiên cứu. Nội dung của tác phẩm, mức độ in ấn và tác động của việc sao chép đối với giá trị thương mại của ấn phẩm đều được xem xét để quyết định việc sử dụng không được phép có được coi là"sử dụng hợp lý" không.

Nguyên bản là yếu tố then chốt đối với bản quyền

Ðể đảm bảm việc bảo hộ bản quyền, tác phẩm được xem xét phải là tác phẩm nguyên bản của tác giả được thể hiện một cách hữu hình. Các tác phẩm có tác giả phù hợp với định nghĩa này có thể bao gồm:

  • Các tác phẩm chữ viết (bao gồm cả chương trình máy tính);

  • Tác phẩm âm nhạc cùng với lời;

  • Kịch và các lời thoại;

  • Kịch câm và múa ba lê;

  • Tranh, đồ họa và các tác phẩm điêu khắc;

  • Phim ảnh và các tác phẩm nghe nhìn khác;

  • Thu thanh.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là luật của nhiều nước không hạn chế thể loại hoặc hình thức của tác phẩm vì các tác giả vẫn tiếp tục sáng tác dưới nhiều hình thức khác nhau để thể hiện ý tưởng của bản thân.

Việc kiểm tra tính nguyên bản của tác phẩm thường có hai khía cạnh. Trước hết, tác phẩm phải đúng là của tác giả, với ý nghĩa là nó phải được tác giả tạo ra một cách độc lập, không phải sao chép từ các tác phẩm khác. Tiếp đến, tác phẩm phải hàm chứa đầy đủ tính sáng tạo cao hơn mức độ thông thường.

Ðể có thể có bản quyền, một tác phẩm phải "được ổn định một cách hữu hình". Một tác phẩm được ổn định khi việc biểu hiện của nó bằng cách thức hữu hình đó phải đủ lâu hoặc ổn định để cho phép người ta nhận thức được nó, tái tạo hoặc truyền đạt nó bằng cách khác trong một khoảng thời gian nhất định chứ không phải chớp nhoáng. Ðiều này có nghĩa là phương tiện, cách thức hoặc phương thức xác định không có ý nghĩa quyết định.

Việc đăng ký bản quyền ở hầu hết các nước là tương đối nhanh và không tốn kém. Mặc dù việc bảo hộ bản quyền bắt đầu khi tác phẩm được xác định một cách hữu hình, nhưng việc đăng ký bản quyền mang lại thêm được một số lợi ích quan trọng ở một số nước. Tuy một số thành viên của WTO, bao gồm cả Hoa Kỳ, vẫn duy trì cơ chế đăng ký đối với các tác phẩm có bản quyền, nhưng Hiệp định TRIPS loại bỏ việc sử dụng các cơ chế như hệ thống đăng ký như là một điều kiện tiên quyết đối với công dân nước ngoài trước khi bắt đầu việc khiếu kiện nhằm ngăn chặn việc vi phạm bản quyền hoặc để thu hồi phí tổn, bao gồm cả chi phí luật sư của việc thực thi bản quyền. Do vậy, ví dụ, Hoa Kỳ có thể yêu cầu các công dân của mình, chứ không phải các tác giả nước ngoài, đăng ký tác phẩm với Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ. Ngoài ra, ở một số quốc gia, việc đăng ký bản quyền sẽ là bằng chứng đầu tiên về giá trị hiệu lực và quyền sở hữu của bản quyền.

Bí mật thương mại: Lợi thế cạnh tranh

Bí mật thương mại là các thông tin bí mật hoặc không được biết đến một cách rộng rãi trong một lĩnh vực có liên quan và tạo cho người sở hữu bí mật đó lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Việc bảo hộ bí mật thương mại tồn tại chừng nào mà bí mật đó còn cần được giữ bí mật hoặc bảo mật bởi người sở hữu nó và những người khác không có được bí mật đó một cách độc lập và hợp pháp.

Ví dụ về bí mật thương mại có thể kể ra ở đây bao gồm các công thức, hình mẫu, phương pháp, chương trình, kỹ thuật, quy trình, hoặc biên tập thông tin nhằm mang lại tính cạnh tranh cho hoạt động kinh doanh. Người sở hữu bí mật thương mại có thể đòi bồi thường thiệt hại cho mình do việc người khác tiết lộ hoặc sử dụng bí mật thương mại của họ không hợp lý.

Xác định khi nào một bí mật thương mại là bí mật

Các bí mật thương mại không được đăng ký như các hình thức sở hữu trí tuệ khác và không phải là kết quả của luật pháp. Thay vào đó, hệ thống tư pháp của mỗi nước xác định các yêu cầu để có được sự bảo hộ bí mật thương mại. Bảo hộ bí mật thương mại được qui định trong Hiệp định TRIPS dưới tiêu đề "Bảo hộ Thông tin Bí mật" (Ðiều 39 TRIPS). Việc bảo hộ các thông số kiểm tra bí mật để được chấp nhận tiếp thị các dược phẩm là đặc biệt nhạy cảm và được qui định trong Ðiều 39 (3) của TRIPS. Một số yếu tố thường được xem xét bao gồm:

  • Mức độ mà thông tin đó được phép tiết lộ ra ngoài doanh nghiệp;

  • Mức độ mà thông tin đó được phép tiết lộ cho các nhân viên và những người khác có liên quan đến công việc kinh doanh của chủ sở hữu bí mật thương mại.

  • Qui mô của các biện pháp được dùng để bảo vệ bí mật thương mại.

  • Giá trị của thông tin đối với chủ sở hữu và đối thủ cạnh tranh.

  • Số tiền hoặc nỗ lực mà chủ sở hữu bí mật thương mại bỏ ra để phát triển bí mật đó; và

  • Nỗ lực của các bên khác để có được hoặc nhân bản thông tin (thông qua kỹ thuật sao chép ngược).

Sự bí mật của các bí mật thương mại là nhân tố quan trọng nhất cần xem xét. Nếu thông tin được coi là bí mật thương mại mà lại có thể lấy được bằng bất kỳ phương thức hợp pháp nào thì thông tin đó không được coi là bí mật nữa và có thể không đủ điều kiện để được bảo hộ. Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu đã có một số biện pháp hợp lý để bảo vệ thông tin nhưng thông tin về bí mật thương mại đó bằng cách nào đó vẫn bị tiết lộ thì tòa án ở nhiều nước vẫn thực hiện bảo hộ. Các biện pháp hợp lý có thể bao gồm việc yêu cầu những người tiếp cận với thông tin do tham gia vào công việc kinh doanh phải ký vào các thỏa thuận bảo mật và chống tiết lộ.

Lợi và hại

Giống như với mọi hoạt động kinh doanh, yếu tố kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định có nên bảo hộ sở hữu trí tuệ hay không. Các công ty phải đánh giá giá trị tiềm năng của quyền sở hữu trí tuệ so với khả năng về hiện thực hóa giá trị đó và các chi phí để bảo vệ, thực hiện và duy trì quyền đó.

Không có các qui tắc chắc chắn và nhanh chóng để xác định giá trị tiềm năng của một quyền sở hữu trí tuệ nhất định. Một việc có thể có giá trị đối với một cá nhân hay một công ty này nhưng lại không có giá trị đối với cá nhân hoặc công ty khác. Có một số nhân tố chắc chắn đóng góp vào giá trị tiềm năng của tài sản trí tuệ, bao gồm giá trị tiềm năng của việc độc quyền hay các quyền khác, sự chuyển nhượng, hoặc giấy phép, giấy phép chéo, biện pháp chống lại việc vi phạm như biện pháp thế chấp để đảm bảo tài chính.

Một thương hiệu hay một nhãn hiệu dịch vụ có thể là tài sản rất có giá trị. Ví dụ, có nhiều người tin rằng hãng sản xuất ô tô BMW của Ðức mua hãng sản xuất ô tô Rover của Anh chủ yếu để có được lợi ích từ các thương hiệu họ hằng muốn có bao gồm "Land Rover", "Range Rover", "Triumph", "Austin" và "MGB". Mặt khác, một thương hiệu sẽ không có giá trị gì nếu người tiêu dùng cho rằng nó gắn liền với chất lượng kém.

http://usembassy.state.gov/posts/vn1/wwwhta67_1.html

Toàn văn bằng tiếng Anh có trên Internet tại:
http://usinfo.state.gov/products/pubs/intelprp/homepage.htm