Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài vào hoạt động lập pháp

Vietsciences-Trần Hà Anh            04/08/2007
 

Những bài cùng tác giả

1. Mở đầu

         Sau hai mươi năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đi vào thời kỳ thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, sớm biến nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại. Nước ta đang chủ động thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, quyết tâm vận dụng thời cơ và vượt qua thử thách để bảo đảm cho sự hội nhập đó thành công.

         Để tạo nền tảng pháp lý cho những nhiệm vụ nặng nề nói trên, cần có sự nỗ lực vượt bậc trong công tác lập pháp, và trong lĩnh vực này, cũng như trong mọi lĩnh vực khác, trước hết chúng ta cần phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ đến mức tối đa sự hỗ trợ của quốc tế.

         Bài viết này đề cập tới vấn đề “Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài vào họat động lập pháp”. Ở đây tôi xin nhấn mạnh: phát huy đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là phát huy nội lực, như tinh thần Nghị quyết 36/BCT năm 2004.

 

2. Bối cảnh hoạt động lập pháp hiện nay

         Trong mấy năm gần đây, đặc biệt trong nhiệm kỳ của Quốc hội Khóa XI, công việc của Quốc hội đã rất bận rộn với nhiệm vụ lập pháp.

            Quốc hội phải làm mới nhiều luật để điều chỉnh những vấn đề do nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức đặt ra. Có thể lấy ví dụ một số luật như Luật giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, v.v. để thấy rằng ngày nay, đất nước ta đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế tri thức ắt phải cần những đạo luật mà vài chục năm trước không thể nghĩ tới được. Nhiều đạo luật cũng đã được sửa đổi hoặc nâng cấp cho phù hợp với thực tế hiện đại hóa, như Luật hải quan, Luật về điện, Luật bưu chính viễn thông, v.v.

            Quốc hội cũng phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật để phù hợp hơn với đường lối đổi mới trong quản lý kinh tế, cải cách hành chính, v.v. Tiêu biểu cho sự đổi mới đó là sự ban hành hoặc chuẩn bị ban hành của một số luật như Luật doanh nghiệp, Luật chất lượng hàng hóa, v.v.

         Và đặc biệt, Quốc hội đã phải khẩn trương làm việc để chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế quốc tế, mà quan trọng nhất là sự gia nhập vào Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) và một loạt các Hiệp ước Thỏa thuận song phương về thương mại với các nước. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào bảo đảm cho được tính hệ thống của pháp luật Việt Nam để thực hiện giao dịch thương mại quốc tế, chứ không tiếp tục xử lý sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập như là những ngoại lệ, mà trong trường hợp khác biệt thì “phải tuân thủ điều ước quốc tế”.

         Để làm được mọi công việc trên đây, Quốc hội đã phải đổi mới cách làm việc để thông qua các đạo luật cần xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Quốc hội đã phát huy vai trò của đại biểu chuyên trách, đã có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức cho đại biểu thảo luận, đã tập trung vào một số vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau để biểu quyết, thông qua. Quốc hội cũng đã tranh thủ tốt hơn việc lấy ý kiến của chuyên gia, trí thức và của đông đảo cử tri. Tuy nhiên, cho đến nay có một thành phần với nhiều tiềm năng đóng góp nhưng lại chưa được tham gia nhiều trong công tác lập pháp là các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

 

3. Một số khía cạnh lập pháp yêu cầu sự đóng góp của chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài

         Nói chung, chuyên gia, trí thức có tiềm năng đóng góp hữu hiệu trong hoạt động lập pháp.

Công tác xây dựng văn bản pháp luật cơ bản là gì? Theo tôi, đó là xác định rõ các đối tượng tham gia trong các lĩnh vực mà văn bản luật điều chỉnh, là xác định quyền lợi và nghĩa vụ của từng loại đối tượng trên cơ sở điều chỉnh hài hòa mối quan hệ giữa các loại đối tượng để tối ưu hóa quan hệ xã hội. Thông thường, mỗi loại đối tượng thường có khuynh hướng giành cho mình càng nhiều quyền lợi và càng ít nghĩa vụ càng tốt, vì thế trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, những người tham gia phải lắng nghe ý kiến của nhiều người thuộc các loại đối tượng và cố gắng hài hòa mối quan hệ xã hội trong các lĩnh vực có liên quan.

Chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều người am hiểu và có kinh nghiệm giải quyết mối quan hệ xã hội trong từng lĩnh vực nhất định ở các nước nơi mình họat động và định cư. Đặc biệt, trong các lĩnh vực gắn với sự phát triển nhờ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và tự do thương mại thì các nước phát triển đã đi trước nước ta từ hằng chục năm thậm chí hằng trăm năm, cho nên sự am hiểu của chuyên gia, trí thức kiều bào đã sống và làm việc nhiều năm tại các nước phát triển có thể đem lại cho những người xây dựng pháp luật ở Việt Nam nhiều kinh nghiệm rất bổ ích.

            Mặt khác, trong số các loại đối tượng tham gia vào các lĩnh vực mà văn bản pháp luật điều chỉnh, có một loại đối tượng rất quan trọng cần sự quan tâm đặc biệt, đó là các cơ quan quản lý nhà nước. Thông thường, chính cơ quan quản lý nhà nước cũng là cơ quan đề xuất và chuẩn bị dự án văn bản pháp luật, cho nên nếu Quốc hội không chú ý đúng mức, thì vẫn để xảy ra tình trạng các quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước không được điều chỉnh hợp lý.

Cơ quan quản lý nhà nước thường là nơi tập trung các chuyên gia trong các lĩnh vực mà văn bản pháp luật điều chỉnh, cho nên Quốc hội có thể gặp ít nhiều khó khăn khi muốn huy động sự giúp đỡ của các chuyên gia khác. Chính vì lẽ đó, Quốc hội có thể nên sử dụng thêm nguồn nhân lực là chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy sự hiểu biết về thực tế của đất nước của anh chị em còn tương đối hạn chế, nhưng với kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của mình, anh chị em có khả năng thích nghi nhanh chóng. Với sự đóng góp của chuyên gia, trí thức kiều bào, chúng tôi hy vọng rằng một trong những vấn đề khó khăn cơ bản của công tác xây dựng pháp luật của chúng ta sẽ có thể phần nào giải quyết được.

 

4. Khả năng đóng góp của chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vào hoạt động lập pháp

         Vậy trong số các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, những ai là người có thể đóng góp vào công tác lập pháp?

         Theo tôi, nhiều người có khả năng đóng góp, nhưng khả năng huy động nhiều hay ít thì phụ thuộc vào cách làm của chúng ta.

         Quốc hội có thể tạo lập danh sách các cộng tác viên của mình là những chuyên gia về luật quốc tế và về luật chuyên ngành thuộc các ngành khác nhau. Cộng tác viên không nhất thiết phải là những chuyên gia về luật, mà có thể là những người am hiểu việc sử dụng văn bản pháp luật, mà số này thì rất đông, vì ở các nước phát triển, việc tham khảo văn bản pháp luật là công việc làm thường xuyên trong mọi ngành.

Một trong những cách tuyển chọn là phát lời kêu gọi trên trang tin điện tử của Quốc hội hoặc của cơ quan báo chí của Quốc hội. Những người trực tiếp đáp ứng lời kêu gọi hoặc được bạn bè giới thiệu có thể trở thành cộng tác viên sau một thời gian thử thách.

         Quốc hội có thể nêu trên các trang tin điện tử một số nội dung cần lấy ý kiến của chuyên gia, trí thức nói chung hoặc của chuyên gia, trí thức kiều bào để trên cơ sở xem xét chất lượng hồi đáp của độc giả, tuyển chọn đưa vào danh sách cộng tác viên của Quốc hội.

         Một khi đã được tuyển chọn là cộng tác viên thì Quốc hội nên ra quy chế về cộng tác viên của Quốc hội. Như mọi quy chế, cần làm rõ nghĩa vụ và quyền hạn của cộng tác viên.

         Đối với vấn đề xây dựng quy chế cộng tác viên là người Việt Nam ở nước ngoài, thiết tưởng cần phản ảnh một số ý kiến của chuyên gia, trí thức kiều bào về chế độ, chính sách đối với những người được mời về nước đóng góp chất xám. Tuy ý kiến anh chị em còn có nhiều điểm khác nhau, nhưng nổi lên là một ý kiến như sau: anh chị em không cần được trọng đãi, chỉ mong được trọng dụng và được đối xử bình đẳng như công dân trong nước. Anh chị em mong muốn được đơn giản hóa các thủ tục, bớt phiền hà để có điều kiện tập trung đóng góp chuyên môn khi về nước.

 

5. Hình thức huy động chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài

         Theo tôi, việc mời về nước lâu dài hoặc theo từng đợt công tác đối với một số cộng tác viên kiều bào là cần thiết, những không phải là hình thức huy động duy nhất.

         Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay, Quốc hội cần khai thác nhiều hơn, mạnh mẽ hơn các khả năng do công nghệ thông tin và truyền thông mang lại, những hình thức mà chúng ta ít nhiều cũng đã biết hoặc nghe nói tới.

         Đối với anh chị em chuyên gia, trí thức kiều bào, việc về nước thường xuyên là vô cùng tốn kém. Quốc hội có thể phát huy các hình thức trao đổi thông tin bằng thư điện tử, trên trang tin điện tử, hoặc các hình thức liên lạc bằng điện thoại qua mạng, liên lạc trực tuyến, v.v. Hiện nay, phổ biến nhất là liên lạc với nhau qua trang tin điện tử, tuy không có kết quả ngay tức thì, nhưng có cái lợi là cho phép chuyên gia, trí thức có thì giờ suy nghĩ để đóng góp có chất lượng.

 

6. Một số công việc cụ thể cần được cấp bách triển khai để phát huy sự đóng góp của chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vào hoạt động lập pháp

a) Về chính sách đối xử với chuyên gia, trí thức kiều bào hồi hương

Qua ý kiến của chuyên gia, trí thức kiều bào mà chúng tôi đã tập hợp được, nổi lên một vấn đề cần có sự cân nhắc để xử lý thích đáng. Đó là các ý kiến liên quan đến chính sách đối xử với chuyên gia, trí thức kiều bào hồi hương nên như thế nào.

         Sở dĩ có vấn đề phải cân nhắc là vì hiện nay đang tồn tại hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng chuyên gia, trí thức kiều bào là những người đã quen với cuộc sống cao sang ở các nước phát triển, khi về nước sẽ khó thích nghi với đời sống còn khó khăn chật vật ở nước ta nếu Nhà nước không ban hành một chế độ lương bổng đặc biệt để anh chị em có điều kiện thích nghi tốt hơn khi về nước. Loại ý kiến thứ hai, thường thấy nhiều hơn trong giới chuyên gia, trí thức kiều bào thì cho rằng khi anh chị em đã quyết định về nước thì không phải không thấy những khó khăn đó, nhưng điều quan trọng nhất mà anh chị em mong muốn là được sử dụng đúng với khả năng của mình và được đối xử như mọi công dân trong nước với đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi của công dân.

         Cho đến nay các chế độ, chính sách trong nước chưa chú ý đúng mức đến loại ý kiến thứ hai, vì một lý do dễ hiểu là cách suy nghĩ của chúng ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bao cấp. Đối với chuyên gia, trí thức về nước, khi nghĩ đến thu nhập, chúng ta trước hết nghĩ đến tiền lương nhưng đồng thời cũng cần để ý đến những thu nhập khác, chẳng hạn như từ vốn liếng anh chị em mang về.

Về tiền lương, nếu anh chị em làm việc cho các doanh nghiệp, thì tiền lương sẽ theo thoả thuận. Nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức thì theo thang, bậc lương của Nhà nước và muốn tránh tạo ra những sự ngăn cách tâm lý xã hội giữa người mới về và người trong nước thì thang bậc lương đó nên là thang bậc lương chung. Nếu có quan tâm đến nhu cầu thích nghi của anh chị em sau khi về nước, thì chỉ nên giải quyết bằng những phụ cấp khó khăn sau hồi hương có giá trị trong một thời gian nhất định hơn là áp dụng một thang bậc lương riêng cho chuyên gia trí thức kiều bào.

Về những thu nhập khác, Nhà nước nên nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi như đối với công dân trong nước để khuyến khích anh chi em mang vốn liếng về đầu tư vào một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nếu biết kết hợp với những thế mạnh sẵn có của mình như chất xám, công nghệ, kinh nghiệm công tác và mối quan hệ với quốc gia tại đó mình đã sinh sống và hoạt động trong thời gian trước khi về nước, việc đầu tư của anh chị em sẽ mang lại những nguồn thu nhập quan trọng mà không một chính sách ưu đãi tiên lương nào có thể thay thế được.

 

b) Về việc tạo điều kiện để phát huy khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của chuyên gia, trí thức kiều bào hồi hương

         Một trong những câu hỏi thể hiện mối băn khoăn của anh chị em, kể cả một số trí thức trẻ, là liệu đất nước có điều kiện để phát huy năng lực chuyên môn của mình hay không.

         Các câu hỏi này bao hàm ba vấn đề: điều kiện làm việc và môi trường làm việc và môi trường sinh hoạt.

Về điều kiện làm việc, cơ quan tiếp nhận phải thực sự cần đến chuyên gia, trí thức kiều bào về giúp để giải quyết những vấn đề của sự phát triển. Cơ quan tiếp nhận phải bảo đảm có phương tiện vật chất - kỹ thuật và tài chính để giải quyết các vấn đề này, chứ không nên tiếp nhận anh chi em về mà không có triển vọng gì về phương tiện giải quyết.

Về môi trường làm việc, cơ quan tiếp nhận phải hết sức quan tâm tạo cho anh chị em một môi trường làm việc thuận lợi, tránh để phát triển những mối quan hệ công tác bất thân thiện. Anh chị em có thể đã quá quen thuộc với những môi trường làm việc với cơ chế quản lý gọn nhẹ nên khi về nước dễ cảm thấy khó chịu với cách quản lý của chúng ta. Do vậy, công cuộc cải cách hành chính mà Nhà nước ta đang đẩy mạnh sẽ là một yếu tố tích cực đối với môi trường làm việc của anh chị em.

Về môi trường sinh hoạt, cơ quan tiếp nhận cũng cần thấy trách nhiệm của mình phải giúp đỡ để anh chị em tìm được nơi ăn chốn ở thuận lợi. Một lần nữa, công cuộc cải cách hành chính sẽ giúp đỡ rất nhiều cho anh chị em thấy đời sống xã hội ở nước ta ngày càng được cải thiện theo hướng gọn nhẹ và ít phiền hà hơn.

 

c) Về một số vấn đề chung đối với kiều bào về nước định cư hoặc thăm nhà

            Chuyên gia, trí thức kiều bào khi về nước đóng góp chuyên môn thì ngoài những vấn đề mang tính đặc thù, còn một số vấn đề chung mà anh chị em cũng cảm nhận sâu sắc không kém những người khác.

         Đó là những chủ trương, chính sách chậm đổi mới sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36, làm cho kiều bào thấy mình chưa được đối xử bình đẳng so với công dân Việt Nam đang sống trong nước; những phiền hà còn tồn tại khi áp dụng những chủ trương mới của Nhà nước, v.v.

         Những vướng mắc đó là rất nhiều và đa dạng. Bà con cảm thấy còn nhiều vấn đề tồn tại hoặc gây phiền hà, như các chính sách về quốc tịch, xuất-nhập cảnh (visa), cư trú và hồi hương, được mua nhà, cho thuê nhà, được lập hội và gia nhập hội, được gia nhập hợp tác xã, v.v.

 

d) Về một số vấn đề tăng cường sự hiểu biết và tình cảm của kiều bào đối với quê hương

         Một tỷ lệ không nhỏ của kiều bào chưa tiếp cận được nguồn thông tin chính thức dưới hình thức phù hợp, hấp dẫn về quê hương, nhưng lại chịu ảnh hưởng của những nguồn tin lệch lạc, bóp méo sự thật. Cần tăng cường công tác thông tin đến với kiều bào nhiều hơn nữa.

         Một vấn đề quan trọng mà do điều kiện hạn chế, trong thời gian qua trong nước chưa làm được nhiều, là phổ biến rộng rãi hơn các tác phẩm văn hoá nghệ thuật mang dậm bản sắc dân tộc đến với bà con. Cần chú ý gửi những đoàn biểu diễn nghệ thuật dân tộc để phục vụ bà con và bạn bè trên thế giới.

         Nhà nước cũng cần tạo điều kiện, giúp đỡ đẩy mạnh việc dạy tiếng Việt cho con em kiều bào đang sống xa quê hương, để các cháu có điều kiện tự mình tìm hiểu về nguồn gốc tổ tiên Lạc Hồng. Ngôn ngữ, tiếng nói là quan trọng để duy trì mối liên hệ với quê hương, cho nên chúng ta phải tích cực làm công việc dạy tiếng Việt cho các cháu./.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Trần Hà Anh