Ghi chép cuối năm 6: linh tinh chuyện

Vietsciences-  Nguyễn Văn Tuấn        27/01/2011

 

Những bài cùng tác giả

Tôi phân vân hoài cái tiêu đề cho entry thứ 5 về những ghi chép cuối năm. Bởi vì nói “Sài Gòn bây giờ” chỉ một vài trang viết thì đúng là chuyện … đùa giỡn. Làm sao nói hết được những thay đổi mà thành phố số 1 của Việt Nam đã trải qua. Thôi thì tôi chỉ ghi lại những cảm nhận rất cá nhân trong một thời gian “cưỡi ngựa xem hoa” vậy …


Chợt nhớ một ca khúc cũng xưa xưa rồi, mà tôi không còn nhớ tựa đề. Chỉ nhớ vài câu như Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng / Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau / Sài Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu / Sài Gòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi / Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau. Đó là ca khúc mà tác giả viết lúc ông rời Sài Gòn đi định cư ở nước ngoài. Lời ca buồn, ray rức. Giai điệu chậm và buồn. Với tiếng hát của Khánh Ly và Elvis Phương thì ca khúc còn buồn hơn nữa.

Sài Gòn dĩ nhiên là đã “đổi họ thay tên”. Tên thành phố và nhiều tên đường đã thay đổi. Dù đã thay tên, nhưng người dân vẫn quen gọi là “Sài Gòn”. Tôi cũng thế. Những chuyến bay quốc tế cũng lấy SGN làm kí hiệu cho Thành phố Hồ Chí Minh. Có điều vui vui là dân miền Tây khi đi Sài Gòn chỉ nói ngắn là “Đi thành phố”. Tôi cũng đi thành phố nhiều lần, và lần nào cũng trải nghiệm những đổi thay đến chóng mặt.

Những địa điểm danh tiếng của Sài Gòn đang dần dần mất. Quán Givral (góc đường Lê Lợi và Tự Do), nơi ông Phạm Xuân Ẩn thu thập thông tin, nay không còn nữa. Trước đó thì “đồng môn” của Givral là La Pagode (góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do) cũng ra đi. Khu tứ giác vàng Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Tự Do và Lê Lợi đang là bãi chiến trường xây dựng, nghe nói là sẽ trở thành một trung tâm mua bán thương mại gì đó. Dù biết rằng không ai bước vào một dòng sông hai lần, và thay đổi là qui luật chung, nhưng tôi vẫn thấy tiếc cho những địa điểm quen thuộc đó.

Sài Gòn càng ngày càng kẹt xe. Hình như xe cộ càng ngày càng nhiều hơn, và tần số kẹt xe càng gia tăng theo cấp số nhân. Năm ngoái thì còn kẹt xe ở những giao lộ lớn và xảy ra vào những giờ cao điểm, nhưng năm nay thì tình trạng kẹt xe xảy ra hầu như mọi nơi và sau 8 giờ sáng là bắt đầu kẹt xe. Kẹt xe kinh niên. Nhiều lúc tôi thấy người ta lấn luôn lề đường dành cho người đi bộ, và rất nguy hiểm cho người đi bộ. Có thể nói rằng ở Sài Gòn ngày nay, đi bộ cũng không an toàn, vì nguy cơ bị xe gắn máy tông rất cao. Những khi mưa xuống, chỉ cần 5 phút sau là đường xá ngập nước thê thảm. Ngồi trong khách sạn nhìn ra ngoài thấy đồng hương mình lầy lội trên đường lộ đã thành sông mà nhói lòng, và cảm phục cho sự kiên nhẫn chịu đựng của người Việt Nam. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi tình trạng kẹt xe đến mức báo động như hiện nay mà hình như chẳng thấy giới chính quyền có ý kiến gì hay biện pháp gì.

http://media.thethaovanhoa.vn/2010/08/25/07/28/xe.jpg
 
Một cảnh kẹt xe ở Sài Gòn
 
Có nhiều khi tài xế lượn lách để qua những ngã tư, ngã năm, ngã sáu có vòng xoay, với một rừng xe gắn máy và xe bốn bánh mà tôi thán phục cho anh tài xế. Chẳng những thán phục mà còn thông cảm cho nỗi khổ của anh phải đương đầu với rừng xe sao cho tối thiểu hóa nguy cơ xe bị trầy hay tai nạn. Ai thì sao tôi không biết, chứ tôi thì đầu hàng trong cái môi trường xe cộ như thế. Sài Gòn bây giờ kẹt xe nghiêm trọng đến nỗi đài radio cũng có chương trình tường thuật những chỗ có vấn đề, giống như ở nước ngoài vậy. Nhưng thú thật, tôi không thể nào nghe được cái giọng nói của các cô các cậu xướng ngôn viên, cái giọng nói và cung cách nói sến làm sao, vô cùng cảm tính, và nó có cái gì đó như ẻo lả bắt chước giọng nói người miền Bắc. Thà nói giọng Bắc hay giọng Nam thì còn nghe được; đằng này Bắc thì chẳng ra Bắc, Nam chẳng ra Nam, Huế cũng chẳng phải là Huế, mà nó là một thứ pha trộn lai căng rất vô duyên của các cô cậu xướng ngôn viên. Người ngợm gì mà quái đản quá. Tôi không thể nào chịu nổi, cho nên cứ mỗi lần lên taxi mà nghe những cái giọng đó, tôi yêu cầu tắt ngay trong vòng 1 giây, chứ không thì tôi xuống xe. :-)

http://www.locvungdep.com/dtool/thumb/data/img206_081005002447-202-792_400x306.jpg
 
Ngập nước là chuyện thường ngày ở Sài Gòn
 
Cố nhiên, Sài Gòn cũng thay tên đường sau 1975. Thay đổi nhiều lần. Vì thế, nhiều khi quen với tên đường cũ, mà không để ý thì rất dễ bị lạc. Rất nhiều tài xế taxi trẻ lớn lên sau 1975 chẳng biết gì những tên đường cũ, nên nói chuyện với họ chẳng khác gì nói chuyện với người ngoại quốc. Sẵn đây, tôi sưu tầm những tên đường trước và sau 1975 để các bạn nào ít về Việt Nam có thể biết được.

 
Hiện nay Trước 1975
Đồng Khởi Tự Do
Nam Kỳ khởi nghĩa Công Lý
Cách Mạng Tháng 8 Lê Văn Duyệt
Nguyễn Thị Minh Khai Hồng Thập Tự
Lê Văn Sỹ Trương Minh Ký
Võ Văn Tần Trần Quý Cáp
Nguyễn Đình Chiểu Phan Đình Phùng
Phạm Ngọc Thạch Duy Tân
Lý Chính Thắng Yên Đỗ
Trần Quốc Thảo Trương Minh Giảng
Nguyễn Trãi Võ Tánh
Tôn Thất Tùng Bùi Chu
Điện Biên Phủ Phan Thanh Giản
Hồ Tùng Mậu Võ Di Nguy
Lý Tự Trọng Gia Long
Nguyễn Văn Cừ Cộng Hòa
Lê Thị Riêng Ngô Tùng Châu
Ngô Gia Tự Minh Mạng
Châu Văn Liêm Tổng Đốc Phương
Trần Phú Nguyễn Hoàng
Trương Định Đoàn Thị Điểm
Hoàng văn Thụ Võ Tánh

Tiệm sách nhiều, nhưng ít sách

Sài Gòn ngày nay có rất nhiều tiệm sách. Kể ra chắc không hết được, nhưng vài nhà sách lớn như Nguyễn Huệ (có tên dị hợm là Fahasa = phát hành sách!), Cửu Long, Phú Thọ, Minh Khai, v.v... Tôi lang thang trong hầu hết tất cả các nhà nhà sách lớn kể trên và ngay cả khu bán sách cũ. Tiệm sách nhỏ cũng nổi lên như nấm. Dọc theo đường 3/2 và Nguyễn Thị Minh Khai, tôi thấy nhan nhản tiệm sách lớn có, nhỏ có, có khi bên cạnh nhau. Thậm chí trong siêu thị cũng có bán sách, sách học hẳn hoi! Ngoài ra, họ còn bán văn phòng phẩm, tranh ảnh và nhạc (CD, tape và video).

Ở những nhà sách lớn, có nhiều khu sách riêng biệt như văn học, ngoại ngữ, kĩ thuật, trẻ em, v.v... Tôi thấy sách về văn chương, trẻ em và ngoại ngữ là khá phong phú, còn sách về kĩ thuật, y khoa, khoa học và kinh tế thì quả là QUÁ nghèo nàn. Phần đông các sách về những nghành này là dịch từ tiếng Anh. Cũng có vài cuốn được dịch từ tiếng Nga. Mà, nhìn qua thì chất lượng dịch cũng không tốt mấy. Có nhiều sách y khoa tuy đề tác giả là người Việt, nhưng chỉ cần đọc qua vài biểu đồ thì biết ngay đây là sách dịch!

Phần đông các nhà sách đều bán nhiều sách trùng nhau. Điều này không ngạc nhiên, vì thật ra ở VN cũng chẳng có bao nhiêu nhà xuất bản lớn. Các nhà xuất bản ở tỉnh cũng đua nhau in sách, phần đông là sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và các sách mà đã bị cấm trong thời "bao cấp". Nhìn qua thì nhiều, nhưng phần đông sách (có thể nói cả 90%) chỉ in có 1000 bản! Ngay cả cuốn "Từ Điển Việt Nam" mà cũng chỉ in có 7000 bản. Có những cuốn chỉ in 500 bản! Chẳng biết đây có phải là hình thức trốn thuế hay không? Ngay cả sách của tôi, tuy đề là 800 bản, nhưng trong thực tế thì chắc cỡ 3000 bản, đó là chưa kể những bản photocopy.Tôi để ý thấy quầy sách tiếng Anh được nhiều người chiếu cố nhất. Sách tiếng Anh được dịch ra từ các tủ sách nổi tiếng ở nước ngoài như Oxford, Longman, Collins, Webster cũng có rất nhiều. Nhưng chất lượng còn quá thấp, tạm bợ, thiếu cẩn thận. Ấy thế mà thằng em tôi nói là sách in thế là "khá hơn trước nhiều" rồi đó. Khu sách "Văn học" cũng có rất nhiều sách, nhưng nhìn kĩ hơn thì chả có gì là nhiều. Phần đông vẫn là những sách có tính cách giáo khoa. Tác phẩm mới rất hiếm hoi. Còn các sách cũ (xuất bản 5-10 năm trước) thì hầu như không có. Tôi tìm cuốn "Một thời để mất" của Bùi Ngọc Tấn, và hỏi mua, nhưng không có. Tìm khu sách cũ cũng không có. Có lẽ người ta không mặn mà với sách của tác giả này chăng?

Tuy nhiên, khu bán sách cũ có rất nhiều sách và khá phong phú. Tôi thấy rải rác đây đó có sách của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, v.v… Ngay cả những cuốn xuất bản trước năm 1975, sách in ở nước ngoài cũng có. Sách về kĩ thuật in từ những năm 1960s, 70s ở miền Nam cũng có luôn. Tuy nhiên, sách cổ (>100 năm) thì không thấy ở đâu cả. Chỉ kẹt là người mua phải bỏ công và thì giờ lục lọi ở những khu nhỏ hẹp.

Nhiều sách có nội dung chấp vá và có vẻ như lừa độc giả. Những cuốn bình giảng thơ văn của các tác giả nổi tiếng đều được in thành một cuốn sách riêng cho từng tác giả. Thành ra, phê bình văn của bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương, Lý Thái Tổ, v.v… đều được in riêng rẻ. Ngay cả trong từng cuốn như thế, nói là phê bình, nhưng kì thực là những bài viết về nhận định của các nhà nghiên cứu văn học được in rải rác trong các tạp chí như Kiến Thức Ngày Nay, Thế Giới Mới ... Nhiều khi tựa đề một cuốn sách không nói lên được nội dung. Chẳng hạn như cuốn "Bình Luận Văn Chương" của Hoài Thanh. Nhìn qua, người ta nghĩ ngay cuốn sách này là một công trình phê bình văn chương do Hoài Thanh viết. Nhưng lật vài trang thì lại là một tập hợp nhiều bài viết của HT đã được đăng trên các báo thời 1930s và 1940s, thậm chí lời mỡ đầu trong cuốn Thi Nhân VN cũng được "nhét" vào quyển sách này.

http://img.vncdn.net/d/nha_sach_nguyen_hue--15446/oc/0/0/68/70043_Nha_sach_Nguyen_Hue_2.jpg
 

Nhà sách Nguyễn Huệ (FAHASA): coi hoành tráng nhưng ... ít sách

Ở VN, người ta có thói quen hay tách rời một pho sách thành hai ba quyển, mà đáng lẽ chỉ nên in một quyển là vừa đủ. Chẳng hạn như bộ "Nhà Văn Hiện Đại" của Vũ Ngọc Phan, bộ "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim mà họ cũng in hai quyển khác nhau, thay vì một. Có lẽ đây là hình thức tống tiền độc giả?

Giá cả sách tương đối rẻ so với đồng lương của dân VN sống ở nước ngoài, nhưng không rẻ chút nào đối với sinh viên học sinh ở VN. Một cuốn từ điển Anh-Việt giá khoảng 200,000 đồng trở lên, có cuốn cả 500,000 đồng, một số tiền khổng lồ cho giới học sinh. Sách kĩ thuật dịch từ tiếng Anh cũng đắt đỏ không kém. Chỉ có sách tiếng VN là rẻ tiền: những cuốn sách phê bình, tiểu thuyết giá chỉ 10,000 tới 40,000 đồng; cuốn Từ điển VN giá chỉ ~100,000 đồng; nguyên bộ Nhà Văn Hiện Đại thì khoảng 100,000 đồng. Tôi thấy nhiều học sinh chỉ dám nhìn các sách đắt tiền, chứ chưa dám mua. Nói đâu xa, hai đứa cháu tôi chỉ mân mê quyển sách trên tay, nhưng không dám hỏi tôi mua cho nó (tất nhiên là tôi mua). Còn nhiều em học sinh ở tỉnh lẻ hay không có thân nhân ở nước ngoài, thì chỉ đứng nhìn chứ làm gì dám mua.

Đến cung cách phục vụ 

Cung cách phục vụ của nhân viên ở đây thì chỉ có thể chê, chứ không khen được. Nhà sách có nhiều nhân viên lắm, nhưng họ hình như chẳng làm gì. Tiếng Anh gọi là “busy of doing nothing” = bận rộn không làm gì cả. Họ đứng ở các góc nhà sách, đưa mắt nhìn khách chọn sách, như là nhân viên bảo về sợ khách ăn cắp sách hay sao ấy. Một thái độ có thể nói là rất phản cảm ở một nơi mang có tính văn hóa. Họ không hề biết phục vụ khách là gì. Hỏi cái gì họ cũng hoặc là không biết, hoặc là “hết rồi”. Nói chung là một thái độ rất thụ động. Có lần tôi vào hỏi mua cuốn sách (của chính tôi), sau khi nói tên sách, em phục vụ thản nhiên nói “Hết rồi chú ơi!” Em không hề cố gắng đi tìm hay hỏi ai cả, làm như em thuộc lòng tất cả các sách. Tôi giả bộ hỏi thêm một cuốn khác, và lần này thì câu trả lời là “em cũng không biết nữa”. Tôi thấy cô này có vẻ không muốn bán sách, nên tự mình đi tìm. Sau vài phút tôi cũng tìm được hai cuốn sách mình tìm, đến khi ra quầy tính tiền, gặp cô ta đứng đó đưa mắt nhìn tôi và 2 cuốn sách, nhưng cô ta không hề cảm thấy mắc cỡ hay ăn năn gì cả. Đúng là vô cảm!

Thái độ phục vụ này ở VN làm tôi nhớ đến cung cách phục vụ bên Mĩ. Hôm ở Seattle, tôi vào nhà sách tìm mua một cuốn sách xuất bản cũng trên 10 năm rồi. Nhà sách không có. Thế là cô nhân viên bán hàng nhấc điện thoại gọi hết nhà sách này đến nhà sách khác, đến khi cô ta tìm được một nơi có bán sách, cô ta cẩn thận ghi lại địa chỉ, số điện thoại, và còn nói với tôi rằng cô ấy đã dặn nhà sách đó để cuốn sách ra ngoài để tôi đến nhận. Ôi, tuyệt vời. Đó mới là cách phục vụ khách hàng. Tôi có thể nói rằng cung cách phục vụ khách hàng của người Mĩ hơn VN cả trăm năm ánh sáng, hơn Úc cả 50 năm ánh sáng (Úc cũng thuộc vào loại tồi tệ trong phục vụ, nhưng còn hơn VN gấp nhiều lần).

Tuy nhiên, tôi phải thêm một phụ chú ở đây là ở Sài Gòn và VN nói chung đang có một thế hệ 8X hay 9X rất chuyên nghiệp. Tôi đã có dịp vào siêu thị, từ nhỏ đến lớn, và gặp những nhân viên bán hàng, quản lí, phục vụ, mà nhìn qua tôi nghĩ chúng chỉ cỡ tuổi 18 đến 25, tức là hàng cháu tôi. Điểm rất đáng chú ý và khen là những nhân viên này có cung cách làm việc rất Tây, nhanh nhẹn, không chèn ép khách hàng, sòng phẳng, đâu ra đó, chẳng khác gì siêu thị hay các shop bên Mĩ. Tôi vào những shop loại 7-Eleven (bán hàng chạp phô, mở của suốt ngày đêm) và gặp toàn nhân viên trẻ, các cháu ấy rất lịch sự, nói năng lễ phép, sẵn sàng giúp đỡ khách chọn hàng, tính tiền chính xác, và nếu có bonus thì cũng đưa ngay chứ không chờ khách hỏi. Họ làm việc hết sức chuyên nghiệp. Tôi đoán là họ đã được huấn luyện, nên cách phục vụ hoàn toàn khác với nhân viên của Nhà nước. Tại sao cũng là một con người đó, mà khi làm cho Nhà nước thì trở nên ù lì, quan liêu, lười biếng, còn làm cho các cơ sở quốc tế và tư nhân thì nhanh nhẹn, tháo vác, lịch sự, và cần mẫn?

Nghe nhạc ở bar Carmen
 
Ở Sài Gòn ngày nay có một số phòng trà lịch sự. Tôi cũng từng ghé qua hầu hết những phòng trà này, nhưng trong chuyến đi vừa qua thì có một bar nhạc rất thú vị mà tôi muốn ghi lại ở đây. Đó là Carmen, nằm ngay trung tâm thành phố, số 8 đường Lý Tự Trọng (tức đường Gia Long cũ). Tôi chỉ có thể nói đây là một địa điểm độc đáo, một nơi dành riêng cho những bạn nào thích nhạc Pháp, nhạc Flamanco, và nhạc nhẹ Việt Nam. Đi đến Sài Gòn mà không/chưa ghé qua Carmen là một thiếu sót. Có lẽ tôi quảng cáo quá nhiều cho Carmen chăng? Tôi không nghĩ như thế.

http://www.reachvietnam.com/FCKUploadedFiles/image/Carmen_Bar-Ho_Chi_Minh_City(2).jpg
 

Bar Carmen, một địa chỉ cho những ai thích nhạc Latin và Pháp

Đến Carmen, tôi phải đi xuống tầng hầm bằng bậc thang tam cấp làm bằng đá [mới] nhưng thiết kế như rất cũ. Thế giới của Carmen là thế giới cổ xưa. Nhớ phải khom lưng nhé, kẻo đụng đầu đấy! Tôi bước vào một không gian tương đối chật hẹp, tường đá (như thời trung cổ), trang trí bằng đèn cầy và chai malibu! Khán giả ngồi chung quanh những bàn ghế cao, thiết kế cho các quán bar. Tiếp viên nam và nữ ăn mặc đồng phục bận rộn phục vụ khách. Anh bạn tôi cho biết chủ quán bar là một người còn trẻ lắm, từng là tiếp viên của Vietnam Airlines. Tôi cũng có cơ duyên gặp anh chủ, khi anh ta đi chào khách từng bàn. Đến bàn chúng tôi, vì là chỗ quen biết với anh bạn tôi, và vì tôi quan tâm đến Vietnam Airlines nên chúng tôi có một cuộc trò chuyện ngắn và vui vẻ. Trông anh trong cái quần tây đen, áo trắng, tay cầm điếu thuốc, tôi thấy anh giống một người quản lí, chứ không phải chủ quán bar. Biết tôi đến từ Úc, anh cho biết đêm nay có một ca sĩ trẻ gốc Việt từ Melbourne trình diễn ở đây. Nghe nói anh này lớn lên ở Melbourne và sống ở đó hơn 20 năm, nhưng nay là thường trú nhân ở Sài Gòn, vì anh cho rằng ở Sài Gòn vui hơn Melbourne (và tôi đồng ý). Nhìn chung quanh tôi đoán khoảng phân nửa khán giả là người ngoại quốc, phân nửa là người địa phương. Nhìn qua cách ăn mặc casual của khách (quần jean, áo sơ mi cao) tôi đoán họ là những người thuộc giai cấp “up market” hay loại “well to do”, đến đây nghe nhạc nghiêm túc chứ không phải để nhậu nhẹt hay hò hét theo kiểu “hát cho nhau nghe”. (Hát cho nhau nghe cũng là một phong trào mới ở Sài Gòn, thường hay thấy trong các quán nhậu bình dân, nơi mà thực khách có thể đóng vai ca sĩ và được thực khách khác tặng hoa kèm theo tiền, nhưng số tiền này được tặng cho ban nhạc. Ban nhạc chỉ gồm có 3 người và chính là bầu sô của chương trình ca nhạc. Tôi đã từng ghé qua những quán này và thấy cũng vui vui).

http://cache.virtualtourist.com/1470627-Carmen_Bar-Ho_Chi_Minh_City.jpg
 

Đèn cầy và malibu

Carmen chỉ mở cửa từ 9 giờ tối đến nửa đêm. Chương trình nhạc bắt đầu với những ca khúc Latin, sau đó đến phần nhạc Pháp thời thập niên 60s, 70s và 80s, nhạc Việt, và nhạc do khán giả yêu cầu. Các sĩ đến từ Phi Luật Tân và Việt Nam luân phiên trình diễn. Dĩ nhiên, tất cả ca sĩ đều trình diễn nhạc sống (chứ không phải ca nhép rất đáng ghét). Ca sĩ nào ca cũng có chất giọng tuyệt vời và kĩ thuật theo tôi là điêu luyện. Ban nhạc chơi nhạc rất điệu nghệ. Tất cả đều nói tiếng Anh lưu loát. Tôi rất ấn tượng với một anh người Việt, tuổi chắc cỡ tôi, độc tấu guitar và đơn ca những bài nhạc Pháp nổi tiếng một thời. Nhìn cách anh nói chuyện với khán giả bằng tiếng Pháp và tiếng Anh lưu loát và tự tin, cách chơi đàn rất nghệ sĩ, tôi như thấy lại một hình ảnh Sài Gòn của một thời có văn hóa.

Thức uống và thức ăn cũng phong phú, ngon miệng, giá cả tương đối hợp lí. Tuy giá này có thể xem là đắt đối với người địa phương, nhưng với người nước ngoài thì rất hợp lí. Tiếp viên nam và nữ còn trẻ, cũng nói tiếng Anh rất tốt. Nói chung, bước vào không gian của bar Carmen, chúng ta có cảm giác như vào một không gian nhạc thời xa xưa, nơi mà khách và ca sĩ có thể cùng nhau thưởng thức những ca khúc một thời vang bóng. Riêng tôi, tôi đã có một buổi tối thật ý nghĩa, được bay bổng theo những ca khúc mình từng một thời yêu thích sau những ngày làm việccăng thẳng và trần thế. Cám ơn ông chủ Carmen và các ca sĩ đã làm được một việc rất có ý nghĩa để đưa Sài Gòn lên bản đồ du lịch thế giới.

(Còn tiếp)

 

 

 

 
Lại kể chuyện Việt Nam.  Lần này, xin hầu chuyện hải quan Việt Nam và Sydney, và vài cảm nhận của tôi về chuyện tuyên truyền ở Việt Nam ... 



Hải quan

- Anh là Nguyễn Tuấn Văn, hay Nguyễn Văn Tuấn?

Anh nhân viên hải quan họ Nông (tôi quên tên) hỏi câu trên, sau khi đã scan tờ passport, đưa mắt nhìn tôi (để xem có phải là người trong hình).  Tôi nói đùa rằng từ ngày sống ở ngoài người ta đã đảo ngược cách viết tên của tôi, thay vì Nguyen Van Tuan, bây giờ thì Tuan Van Nguyen.  Anh ta cười, không nói gì.  Thấy máy computer có vẻ chạy hơi chậm, tôi bắt chuyện với câu hỏi: Anh có bà con gì với ông Nông Đức Mạnh không.  Anh ta cười lớn hơn và nói: Ối giời ơi, ông ấy ngồi tuốt trên cao kia, tôi với làm sao tới, mà bà và chả con; không phải đâu, tôi chẳng có quan hệ gì với ông ấy.  Tôi hỏi sao máy computer chạy chậm quá mà hải quan không thay để tiện cho khách và cho cả anh, thì anh nói hải quan còn nghèo lắm.  Hải quan mà nghèo thì thật là đáng ngạc nhiên!  Câu chuyện của tôi chấm dứt khi anh làm xong thủ tục và trên màn hình máy hiện dòng chữ cho khách vào.  Từ lúc đến xếp hàng, trình passport và xong thủ tục chỉ trong vòng 10 phút.  Đó là một tiến bộ rất đáng kể.

Thật vậy, hải quan Việt Nam bây giờ đã có tiến bộ. Tiến bộ hiển nhiên nhất là ở khâu thủ tục đơn giản hơn và nhanh hơn.  Hành khách vào Việt Nam bây giờ không còn điền vào tờ giấy trắng có logo của ASEAN và Việt Nam.  Đó là một tinh giản thủ tục hành chính rất đáng hoan nghênh.  Khách chỉ vào trình passport cho nhân viên hải quan (hay công an cửa khẩu?) và ra ngoài lấy hành lí.  Hành lí vẫn phải chạy qua cái máy scan, nhưng nói chung là rất nhanh (nếu không có mang theo những thứ quốc cấm).

Tôi thấy nhân viên hải quan ngày nay cũng bắt đầu có nụ cười với khách.  Tuy nhiên, tôi có cảm giác họ không thạo tiếng Anh, cho nên có những cử chỉ có thể xem là mất lịch sự.  Chẳng hạn như thay vì nói cho khách xếp hàng có trật tự, thì họ lại múa máy tay chỉ bảo như là ra lệnh hay như là xua đuổi.  Tôi đoán rằng họ không thạo tiếng Anh, nên đành phải sử dụng ngôn ngữ … tay.  Cũng có vài trường hợp họ tỏ ra rất cứng nhắc với khách, rất vô cảm với những khó khăn của khách. Vấn đề xuất phát từ sự thiếu qui định cụ thể, và do đó, mỗi người có thể diễn giải qui định theo ý và cách hiểu của mình.

Nói đến hải quan Việt Nam thì cũng nên so sánh với hải quan Úc cho công bằng.  Trước đây, tôi từng phàn nàn tình trạng kì thị người Việt Nam của giới hải quan Úc vì họ nghi rằng người Việt Nam có tiềm năng tội phạm ma túy.  Cho đến nay, tình trạng kì thị này hình như vẫn chưa suy giảm, mà ngược lại còn có xu hướng gia tăng!  Lần nào về Úc tôi cũng đem theo quà cáp của người thân và bạn bè Việt Nam tặng, như khô cá, hàng mĩ nghệ làm bằng gỗ, và những dịp gần Tết thì có cả mứt.  Nhưng lần này tôi không đem theo gì cả, như là một thử nghiệm xem cách hành xử của hải quan Úc ra sao.  Do đó, trong cái form hải quan, tôi hoàn toàn “trắng”, hoàn toàn không có đem theo bất cứ một loại hàng hóa nào mà hải quan cần phải xét.  Nếu tôi là người Úc da trắng mắt xanh mũi lõ, tôi phải ra phi trường nhanh hơn những lần trước.  Nhưng tôi lầm, tôi phải tốn gần 20 phút để qua khỏi cái cổng hải quan, trong đó có đến 15 phút xếp hàng rồng rắn và 5 phút “ăn thua đủ” với hải quan.

Đang đứng chờ hành lí, mấy chú chó chạy loanh quanh ngửi hành lí xem có mùi gì đáng nghi ngờ.  Trong khi chó đang ngửi, nhân viên hải quan điều khiển mấy chú chó yêu cầu khách, dĩ nhiên là kể cả tôi, xuất trình form hải quan và passport để họ xem.  Nhìn passport họ biết mình là công dân nước nào.  Nhìn cái form hải quan họ biết mình đáp máy bay từ đâu.  Tôi đoán rằng họ nhìn passport để đánh giá xem “có phải là phe ta” (tức là công dân Úc), và nhìn cái form để quyết định có nên xoi mói hành lí hay không.  Trường hợp của tôi, họ đánh dấu T, chẳng hiểu là kí hiệu có ý nghĩa gì (nhưng tôi biết dấu Q có nghĩa là quarantine tức phải xoi mói).  Đến khi lấy hành lí xong, đứng xếp hàng một hồi, họ lại chỉ tôi sang cái cổng có quarantine!  Tôi phản đối nói rằng tôi chẳng có gì phải khai báo, sao lại đi cổng này.  Nhưng có lẽ vì nhân viên hải quan quá bận và các cổng đều đầy người, nên họ nói kiểu an ủi rằng vì bên này quá tải nên tạm qua cổng kia, cũng nhanh thôi, đừng thắc mắc!  Đến nơi, gặp anh chàng hải quan tuổi độ 40, người Úc, với mặt không mấy thân thiện.  Anh ta nhìn vào cái form và hỏi bâng quơ rằng tôi đi Việt Nam có vui không (tôi cũng làm mặt lạnh trả lời là đi công việc chứ không phải đi chơi), rồi anh ta rất lịch sự xin phép mở hành lí để xem.  Anh ta nhìn một đống sách chẳng thấy gì đáng nói, nhưng đến hộp thuốc dùng cho bệnh gout, anh ta nhìn qua nhìn lại có vẻ phân vân, và thấy vậy tôi nói thuốc điều trị bệnh gout chứ chẳng có gì đâu.  Sao nhiều thế?  Vì thuốc này ở VN rẻ hơn.  Đáng lẽ ông phải biết rằng ông không nên đem nhiều như thế.  Chà, muốn lên lớp hả - tôi nghĩ thầm, nhưng tôi lí giải rằng tôi cũng chính là bệnh nhân, nên phải chuẩn bị đó thôi.  Anh ta để lại và nói ok.

Nhưng tôi thì không ok.  Chờ anh ta để vào hành lí xong, tôi hỏi: tôi có thể hỏi ông 1 câu không?  Sure, chắc chắn rồi.  Ông và đồng nghiệp ông có kì thị người Việt Nam không?  Anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên và nói rằng tôi không nên quá nhạy cảm và bực mình vì chuyện xét hành lí.  Tôi nói ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi, và hỏi lại nữa đùa nữa thật: ông hãy trả lời cho tôi là yes hay no.  Và tôi nói một mạch về những nhũng nhiễu của hải quan Úc đến người Việt nói chung, chứ không phải cá nhân tôi (mà thật ra là chưa lần nào bị nhũng nhiễu), và tôi diễn giải cũng như hiểu rằng đó là thái độ kì thị, trịch thượng, và không thích hợp.  Anh nhân viên hải quan nhìn tôi một hồi rồi nói: đó là cách ông hiểu, nhưng tôi chỉ làm việc của tôi, ông không hài lòng thì ông có quyền phàn nàn đến cấp trên và đây là địa chỉ, còn cá nhân tôi thì khẳng định là không có kì thị.  Thôi, tôi còn làm việc với người khác, chúc ông một ngày đẹp nhé.  Ra khỏi phi trường, nhìn đồng hồ, mới biết là mình đã tốn 20 phút trong phi trường!  Còn ở VN, tôi chỉ tốn khoảng 10 phút, 5 phút xếp hàng hải quan, và 5 phút xếp hàng để ra ngoài.  Ở VN không ai soi mói hành lí tôi như ở Sydney.

Sự đơn giản của hải quan VN rõ ràng là hơn Úc, nơi mà tôi cho rằng hệ thống hải quan đứng vào hạng tồi tệ nhất, dã man nhất, kì thị Á châu nhất, mất lịch sự nhất trên thế giới.  Chưa có một nơi nào tôi đi qua mà hải quan mất lịch sự và kì thị như ở Úc. Đã vài lần tôi “trực diện” với cách làm kì thị của hải quan Úc, nhưng cũng chẳng ăn nhằm gì. Viết thư phàn nàn thì họ cũng nhã nhặn trả lời, nhưng họ vẫn khẳng định đó là … qui định.  Qui định kì thị chăng?  Rất nhiều người Việt Nam ở Úc xem Úc là “thiên đàng” hay phàn nàn về sự nhũng nhiễu của hải quan VN, nhưng họ không dám phàn nàn về cách hành xử kì thị của hải quan Úc đối với người Việt.  Đúng là có hiện tượng “khôn nhà dại chợ” ở đây.


Khẩu hiệu và tuyên truyền

Có lẽ nói không ngoa rằng Việt Nam là một xứ sở của khẩu hiệu, của tuyên truyền (propaganda).  Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu treo đầy đường.  Ngay tại Hà Nội, người ta căng biểu ngữ giữa những cây đại thụ hai bên đường, hay giữa những cột đèn.  Dọc đường đi các tỉnh lẻ cũng thấy biểu ngữ chen lẫn những quảng cáo.  Giữa những giây điện rối như màng nhện mà cộng thêm những biểu ngữ như thế thì thật là khó coi, vì nó càng làm cho đường xá thêm rối rắm.

Về nội dung thì biểu ngữ hoàn toàn mang tính tuyên truyền.  Nào là phòng ngừa bệnh AIDS, là kế hoạch hóa gia đình (mỗi nhà chỉ có 2 con hay đại khái thế), là đừng có ác ôn giết thai nhi nữ (con gái cũng như con trai đều là con), là kêu gọi người dân đóng thuế, là an toàn giao thông, v.v… Có điều đáng chú ý là hoàn toàn không có biểu ngữ nào chống tham nhũng, chống việc mua quan bán chức, chống nạn quan liêu, v.v… Như vậy người ta chỉ chọn những chủ đề liên quan đến người dân, chứ những gì liên quan đến quan chức thì người dân không được biết (hay không có quyền biết?)

Có lẽ chính vì thiết kế để nói với người dân, nên những biểu ngữ này thường có lời lẽ trịch thượng.  Đọc qua tôi có cảm giác như là cha mẹ lên lớp cho con cái, hay như thầy giảng cho trò nghe, hay thực tế hơn là như quan chức dạy cho thường dân.  Hàm ý trong cách nói đó là một giả định rằng người dân còn ngu ngơ, dốt nát, không hiểu gì về đạo lí xã hội và sức khỏe.

Mặc dù nội dung và văn phong trịch thượng như vậy, nhưng tôi vẫn thấy những biểu ngữ này chúng cũng phản ảnh một phần nào tình hình xã hội hiện nay.  Chẳng hạn như nhìn qua biểu ngữ nói về sự quí trọng con trai và con gái, chúng ta biết rằng ở VN đang có tình trạng mất cân đối giới tính và giết thai nhi.  Tôi có đọc đâu đó rằng ở Việt Nam ngày nay, tỉ lệ thiếu nữ vị thành niên phá thai thuộc vào hàng cao nhất thế giới.  Đó là một con số chẳng ai lấy làm tự hào.  Hay như nhìn qua biểu ngữ về kế hoạch hóa gia đình, chúng ta có thể đoán rằng dân số VN đang tăng một cách đáng ngại.

Tôi đoán rằng những biểu ngữ này xuất hiện trên đường phố chắc là sản phẩm của một cuộc vận động hay một phong trào nào đó.  Nhưng có nhiều cách vận động, vậy tại sao người ta chỉ dùng biểu ngữ?  Tôi nghĩ đó là cách tuyên truyền đơn giản nhất và là một cách làm lười biếng nhất.  Cứ giăng biểu ngữ để đó, rồi sau khi phong trào chìm xuống thì cũng là lúc những tấm vải kia phai màu và đến lúc … nghỉ hưu.

http://img.tintuc.vietgiaitri.com/2010/8/2/VietGiaiTri.Com-570543e8.jpg
 
Biểu ngữ treo trên đường phố Hà Nội

 
Nhưng câu hỏi đặt ra là những tuyên truyền như thế có hiệu quả không?  Chẳng biết người ta có làm nghiên cứu để tìm hiểu hiệu quả của những cuộc vận động, của những biểu ngữ như thế hay không.  Tôi nghĩ chắc không, vì chưa thấy một tài liệu hay nghiên cứu nào cả.  Tôi thì nghi ngờ hiệu quả của cách tuyên truyền như thế.  Lí do đơn giản là tôi thấy rất ít ai để ý đến những biểu ngữ đó.  Có lẽ tôi chỉ là một trong những người lẩm cẩm hay để ý chung quanh, chứ tôi thấy người dân địa phương đang phải mệt mỏi đương đầu với nạn kẹt xe hàng giờ thì hơi đâu mà để ý đến những biểu ngữ đó.  Mà, có lẽ đối với họ cũng chẳng có gì mới (nhưng với tôi thì có cái gì đó … mơi mới, và vui vui).

Chẳng có gì sai trong việc tuyên truyền và giáo dục công chúng.  Giới chức y tế phương Tây vẫn làm hàng ngày.  Nhưng nghệ thuật tuyên truyền trong thế kỉ 20 và 21 đã tiến bộ rất nhiều.  Cứ hỏi những ông tổ tuyên truyền của Mĩ thì biết cách thức họ làm như thế nào để những thông điệp chính trị - xã hội đi vào người dân một cách nhẹ nhàng, vui nhộn, và nhất là bình đẳng.  Điều đáng tiếc là ở VN ta thì hình như chưa biết đến những tiến bộ đó, và cách tuyên truyền hiện nay rất trịch thượng, phản cảm, vô duyên, và có khi vô nghĩa.  Do đó, tôi nghĩ đã đến lúc các chuyên gia (ủa quên, quan chức) tuyên truyền VN nên học kĩ thuật tiếp thị (marketing) của giới tư bản để làm tuyên truyền bình đẳng hơn, tốt hơn, và có hiệu quả.

Chính trị hóa

Ở Việt Nam có một nghịch lí: chính trị bàng bạc khắp nơi, nhưng rất ít người bàn chuyện chính trị.  Đi đường nhìn những biểu ngữ ca ngợi Đảng vinh quang, ở đại học có hàng chục môn học chính trị cho sinh viên, nơi làm việc đều có chi bộ của Đảng, nhà sách thì đầy những sách có hai chữ “chính trị”.  Nhưng trong thực tế thì trong cộng đồng chẳng có mấy người bàn chuyện chính trị, ngay cả báo chí cũng chỉ đi những bản tin mà hàm lượng chính trị chẳng là bao.  Đó là một nghịch lí rất khó giải thích.

Có lẽ VN là một trong vài nơi trên thế giới mà bất cứ sinh viên nào cũng phải học chính trị.  Nhìn qua các chương trình đào tạo cấp cử nhân và cao học, dễ dàng thấy những môn học như triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v… Tôi tò mò làm thử một con toán thì thấy năm đầu tiên, sinh viên (bất cứ ngành nào) phải tiêu ra gần 30% để học những môn học này.  Nếu là sinh viên ngành chính trị thì chẳng có chuyện gì để bàn, nhưng sinh viên y khoa hay kĩ thuật mà cũng học những môn này thì quả là chuyện lạ.  Chẳng có trường đại nào ở các nước phương Tây bắt sinh viên ngành y phải học những môn chính trị.  Ấy thế mà gần đây có người phàn nàn rằng hàm lượng chính trị trong chương trình đào tạo cử nhân vẫn còn thấp, và theo đó, cần phải tăng cường giảng dạy chính trị cho sinh viên!  Lí do người ta phàn nàn là vì tình trạng suy đồi đạo đức trong sinh viên ngày càng trầm trọng, và chẳng hiểu từ một phép suy luận thần thánh nào đó, người ta cho rằng nguyên nhân là do chương trình giảng dạy chính trị học chưa đủ.  Nói như thế có nghĩa là giả định rằng có một mối liên hệ giữa hàm lượng chính trị trong đào tạo đại học và đạo đức xã hội, nhưng hình như chưa thấy ai chứng minh có mối liên hệ như thế ở Việt Nam.  Do đó, thật là phi  khoa học nếu tăng thời lượng chính trị học trong chương trình đào tạo đại học.
Chẳng những trong học đường, mà ngay cả huấn luyện tài xế lái xe người ta cũng chen vào nội dung chính trị. Nhớ hôm đi xe Mai Linh, qua nói chuyện với anh tài xế, tôi mới biết rằng ngay cả tài xế cũng phải học chính trị trước khi lái xe.  Tôi tò mò hỏi anh học gì, thì được biết học về lịch sử Đảng, tư tưởng bác Hồ.  Nhưng khi hỏi anh còn nhớ những ý chính của mấy môn học đó, thì anh cười hề hà rất dễ thương nói: nhớ chết liền.

Không biết nội dung giảng dạy trong các môn học chính trị là gì, nhưng tôi có cảm giác những người học chỉ có thông tin một chiều hoặc thông tin phiến diện.  Hỏi họ về kiến thức triết học ngoài hệ thống Mác Lê, hay hỏi họ về sử Việt Nam, thậm chí về những thông tin liên quan đến sử đương đại (như chuyện Lê Văn Tám, Hoàng Sa, Trường Sa, hay xa hơn chút những chuyện thời trước 1975) thì họ tỏ ra mù tịt.  Thật ra, việc tiếp thu thông tin một chiều cũng chẳng gây ngạc nhiên cho những người theo dõi thời sự trong nước.  Nhưng nếu học mà chỉ được thu nhận thông tin một chiều thì đó không phải là học nữa, mà là tuyên truyền, là chính trị hóa giáo dục.

Tin tức mà không có tin ...

Báo chí Việt Nam trong những ngày trước đại hội Đảng thật là … nhạt. Mở tờ bào nào cũng toàn là những tin mình không quan tâm; ngược lại những tin mình quan tâm thì không có.  Thật khó tưởng tượng một tờ tầm cỡ như Thanh Niên mà chạy cái tít “Tỉ phú sắp hết tiền … “ ngay trên trang đầu!  Có buồn không, khi thấy một tờ báo số 1 (mà tôi hay cộng tác) là tờ Tuổi Trẻ mà chạy cái tít “TP HCM chú trọng chất lượng tăng trưởng”, “yêu cuồng”, “đốt lửa chống rét”, “nhất kinh tế, nhì công nghệ”, v.v…. Tôi gọi đây là những tờ báo “hết lửa”.  Và, tôi cũng nói suy nghĩ đó cho các bạn Tuổi Trẻ.  Trả lời tôi, các bạn ấy nói đều biết những khen chê của người đọc (và đều đúng) nhưng họ cần … giữ cái thẻ nhà báo để kiếm cơm.  Thông cảm.

Tin tức báo chí đã thế, còn tin tức truyền hình thì vẫn chưa thay đổi gì so với thời kì bao cấp, cả nội dung lẫn cách trình bày.  Tôi vẫn thấy cả 70% các bản tin tựu trung quanh các lãnh tụ đi thăm vùng này, địa phương kia, nhà máy nọ, v.v...  Các vị lãnh tụ vẫn thường phát biểu, tuyên bố những câu nói chung chung, vô thưởng, vô phạt, trừu tượng; vẫn tươi cười (có khi gượng gạo) cho các ống kính.  Hầu như các ông lớn này, bà lớn nọ ở các nước khác viếng thăm VN đều được tường trình một cách cặn kẽ.  Phần còn lại là các tin tức về sản lượng, buôn bán của các nhà máy quốc doanh, mà đáng lẽ phải dành cho một chương trình tin tức về kinh tế hay thương mại thì hợp lí hơn. Phóng viên VN đã trở thành ông bà công chức thống kê từ hồi nào; họ đọc những con số thống kê về sản lượng một cách vanh vách và chính xác đến 0.001!  Tất nhiên, đối với một người dân thường và kẻ viết bài này, những con số này không có một ý nghĩa gì cả.  Những tin tức có liên quan đến đời sống hàng ngày hay ngay tại địa phương người xem đang cư ngụ hầu như là không có.
Một đặc thù nữa của TV Việt Nam là họ loan toàn những tin tốt, tin "positive", chứ không có tin nào mà có thể gọi là xấu cả.  Rất là khó tin trong một thành phố cả 10 triệu dân mà lại không có tin tiêu cực.  Thật ra, báo chí vẫn loan tin hàng ngày, nhưng đài TV thì không.  Thành ra, tin tức có mà cũng như không.

Cách trình bày tin tức cũng là một điều khác với các đài truyền hình ở nước ngoài.  Ở các nước phương Tây, người đọc tin (newsreader) chỉ giới thiệu bản tin và sau đó chuyển qua cho chính phóng viên trình bày.  Nhưng ở VN, tôi ít thấy người phóng viên ở đâu, mà chỉ toàn thấy cái miệng nhép nhép của cô xướng ngôn viên trên đài.  Cô ta đọc tin một cách cứng nhắc như người máy, cô ta không hề có một nụ cười tươi chút nào (chỉ thỉnh thoảng có nụ cười huyền bí của Elisa).  Hình như ở VN, người ta thích người đọc tin có ngoại hình đẹp, chứ không quan tâm đến tri thức của người đó!?

Tin tức thế giới ở VN cực kì nghèo nàn.  Báo chí chỉ dành đúng 1 trang cuối cho phần tin thế giới.  Toàn những tin … chán phèo.  Còn truyền hình thì phần lớn được chuyển qua bởi hệ thống CNN, mà người đọc tin nói là tin tức chuyển qua "hệ thống vệ tinh."  Tuy nhiên, mỗi bản tin đều có logo của hãng CNN, nên nguồn gốc của nó không thể nào chối được đối với người hay xem tin tức.

Internet ở Việt Nam có nhiều người sử dụng, nhưng không phong phú mấy.  Các website “lề trái” như BBC, RFI, VOA, v.v… đều bị chặn.  Một số website khác dành cho khoa học và chuyên môn thì vào được nhưng rất chậm.

Do đó, những ngày ở VN, tôi cảm thấy như mình đói thông tin.  Cứ mỗi một bản tin quốc tế hay quốc nội đăng trên báo chí hay đài truyền hình Việt Nam, tôi đều tự đặt câu hỏi “có thật vậy không?”  Chẳng hạn như câu chuyện “Một nhân viên sứ quán Mĩ gây rối trật tự” (Thanh Niên 7/1/2011 đăng ở trang 4), tôi đọc xong mà vẫn phân vân, tự hỏi chẳng lẽ một nhân viên ngoại giao Mĩ mà vụng về như thế sao.  Nhưng không cách gì kiểm chứng được, và cũng chẳng có thì giờ đâu mà suy nghĩ.  Đến khi về Sydney thì mới biết câu chuyện đằng sau của vụ việc, và thấy rằng báo chí Việt Nam cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa.  Nói thế nghe trịch thượng quá.  Trong thực tế, phóng viên Việt Nam chẳng thua kém đồng nghiệp nước ngoài, nếu họ có được một môi trường tác nghiệp tốt và được phép viết những gì họ thấy và nghe.

(còn tiếp ...)

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org