Máy ảnh số - Digital Camera

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn     22/01/2006

 

Nhân dịp Ngày Xuân, các Bạn Đọc Bốn Phương của Vietsciences thường gặp nhiều sinh hoạt đáng ghi nhớ và muốn thu lại các hình ảnh này. Máy ảnh số (digital camera) là một phương tiện rất phổ thông, giản dị, giúp cho mọi người ghi lại dễ dàng các kỷ niệm gia đình hay các phong tục, tập quán địa phương.

            Máy ảnh số có loại nhỏ, rất gọn nhẹ với giá tiền vừa phải, tới loại rất tốt dùng cho các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Sự hiểu biết về máy ảnh số được coi là cần thiết bởi vì đây là một kỹ thuật mới, giúp cho chúng ta không cần phải mua phim, tráng phim, sau khi bấm máy có thể kiểm soát ngay tấm hình mới chụp. Hàng trăm tấm hình được ghi vào trong một thẻ ghi hình khá nhỏ rồi sau đó, chúng ta in hình bằng máy in màu mà không cần tới phòng tối. Nhờ các kỹ thuật mới, hàng ngàn hình ảnh có thể được biến đổi cho đẹp mắt hơn, thêm bớt các chi tiết bằng phương tiện Photoshop và sẽ được lưu trữ vào các đĩa CD, DVD nhờ nhu liệu (software) Nero. Hiện nay, công dụng của máy ảnh số rất phổ thông, giống như của máy điện thoại và máy truyền hình, và loại máy ảnh số này là mặt hàng bán chạy nhất trong năm.

 

1/ Các đặc điểm của máy ảnh số.

            Máy ảnh số đã giúp nhà nhiếp ảnh giảm bớt được vài bước trong tiến trình kỹ thuật kể từ lúc thu hình cho đến khi in hình trên mặt báo. Với loại máy ảnh phim, sau khi thu hình, phóng viên phải chạy về phòng tối của tòa báo, tráng phim, rọi hình, phân hình (scan) vào máy điện toán, biên soạn (edit) các hình ảnh trên máy điện toán rồi gửi các hình ảnh đi. Nhưng đối với loại máy ảnh số, việc thu hình không được ghi vào phim mà vào thẻ ghi hình (memory card) sử dụng lại được, nhờ vậy nhà nhiếp ảnh có thể chuyển các hình ảnh trực tiếp từ máy ảnh sang một máy điện toán xách tay (laptop), tại máy này nhà nhiếp ảnh biên soạn các hình ảnh rồi dùng bộ biến hoàn (modem) mà gửi các hình ảnh về tòa báo. Nhờ loại máy ảnh số, nhà nhiếp ảnh đã giảm bớt được thời gian lái xe, làm phòng tối và phân hình.

            Kỹ thuật của loại máy ảnh số đang được cải tiến, nhờ vậy càng ngày càng có nhiều người dùng tới loại máy ảnh này, chẳng hạn một chuyên viên địa ốc có thể dùng máy ảnh số để thu hình một căn nhà rồi quảng cáo trên mạng lưới truyền thông toàn cầu (World Wide Web). Máy ảnh số cũng cho phép một nhân viên bảo hiểm ghi lại hình ảnh của một chiếc xe hơi bị tai nạn rồi lưu giữ trong bộ hồ sơ điện tử, hay giúp một kỹ sư thu hình đứa con đầu lòng rồi dùng các hình ảnh cất giữ trong máy điện toán để làm ra các tấm lịch nhỏ, các tấm chúc tết có hình em bé bằng máy in loại phun mực (inkjet). Máy ảnh số còn có nhiều đặc điểm về xảo thuật, về trình bày, đã giúp cho người chơi ảnh không cần phải mua phim, tráng phim và cũng không cần dùng máy phân hình (scanner) để chuyển hình ảnh vào trong máy điện toán.

            Máy ảnh số tuy có các ưu điểm nhưng vẫn còn một số khuyết điểm. Loại máy ảnh này đã không ghi nhận một cách hoàn hảo các miền tối (shadows) và miền sáng (highlights) như loại máy ảnh phim. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất cần được đặt ra là loại máy ảnh số đã tạo lại hình ảnh tới mức độ hoàn chỉnh nào?

Khi chúng ta dùng loại máy ảnh phim để thu hình, lúc bấm máy, cơ phận đóng (shutter) của máy ảnh đã mở ra rất nhanh để cho ánh sáng đi qua các thấu kính rồi ghi vào mặt  phim nhậy cảm với ánh sáng, nằm sẵn bên trong thân máy ảnh. Máy ảnh số cũng hoạt động một cách tương tự nhưng thay vì ghi hình lên phim, loại máy này đã thu hình vào "phiến tinh thể điện toán nhậy cảm với ánh sáng" (a light-sensitive computer chip) được gọi tên là CCD (charge-coupled device = cơ phận ghép điện tích). Ngày nay phần lớn các CCD của nhiều máy ảnh số có khả năng thu nhận trên 16.7 triệu điểm màu (pixels).

Đặc tính thứ hai của loại máy ảnh số là độ rõ nét (resolution). Đây là số điểm màu   (pixels) tính bằng đơn vị dpi mà một máy điện toán có thể kiểm soát được. Máy ảnh càng có độ rõ nét cao thì càng cho các hình ảnh sắc nét, rõ ràng, nhiều chi tiết hơn, thí dụ như máy ảnh có độ rõ 756 x 504 dpi sẽ cung cấp hình ảnh kém chất lượng hơn loại máy ảnh có độ rõ 1152 x 864 dpi. Độ rõ nét cao còn cho phép nhà nhiếp ảnh có thể in ra hình ảnh lớn bởi vì các điểm màu dày đặc hơn. Thế nhưng loại hình ảnh thu được theo độ rõ nét càng cao càng chiếm nhiều chỗ trong thẻ ghi hình (flash memory) vì vậy phần lớn các máy ảnh số thường có nhiều cách điều chỉnh để nhà nhiếp ảnh chọn lựa loại độ rõ nét thích hợp nhất. Thí dụ khi chỉ cần thứ hình ảnh nhỏ, loại độ rõ nét thấp, theo tiêu chuẩn thường, cũng đủ thích nghi với công việc và nhờ vậy cho phép máy ảnh thu được nhiều hình ảnh hơn, trong khi các hình ảnh cần in lớn, đòi hỏi nhiều chất lượng, sẽ cần tới độ rõ nét cao.

Đặc tính thứ ba của loại máy ảnh số là độ nén dữ kiện (compression) vì nếu không có đặc tính này, máy ảnh số chỉ có thể lưu giữ được vài hình ảnh. Nhờ đặc tính nén, các dữ kiện rườm rà của hình ảnh được loại bớt và hình ảnh được chuyển qua cỡ quản lý được (manageable size). Tuy nhiên, cách nén hình ảnh cũng làm suy giảm phẩm chất của hình ảnh và nhà nhiếp ảnh nên hiểu rõ nên dùng loại kỹ thuật nén nào.

Máy ảnh số còn có màn hình LCD (liquid-crystal display = màn hình tinh thể lỏng) nhờ đó nhà nhiếp ảnh có thể xem xét lại các hình ảnh đã ghi được và được chứa trong thẻ ghi hình (memory card) để chắc chắn rằng hình ảnh đã được ghi chép, và còn có thể loại bỏ những ảnh nào không vừa ý, để dành thẻ ghi hình cho việc thu vào các hình ảnh khác. Màn hình LCD ngoài ra còn cho phép nhà nhiếp ảnh điều chỉnh độ phơi sáng (exposure) và nhìn thấy cảnh chụp trước khi bấm máy, nhưng loại màn hình này cũng tiêu thụ nhiều năng lượng của pin điện.

Khả năng chuyển hình ảnh từ thẻ ghi hình (memory card) qua máy điện toán là đặc tính thứ tư. Thông thường, việc chuyển hình được thực hiện do dùng một sợi dây nối từ máy ảnh tới bến nối tiếp (serial port) của máy điện toán, rồi sau khi hình ảnh đã nằm trong máy điện toán, nhà nhiếp ảnh phải dùng tới một nhu liệu (software) để biên soạn (edit) các hình ảnh. Loại nhu liệu phổ thông nhất hiện nay để sửa chữa, biên soạn các hình ảnh là Photoshop  Elements 4.0.

Khi chụp hình bằng loại máy ảnh phim, nhà nhiếp ảnh thường nghe thấy tiếng máy hoạt động, chẳng hạn như tiếng màn trập lúc ghi hình... nhưng với loại máy ảnh số, việc ghi hình chỉ được báo bằng một ánh chớp màu đỏ hay một âm thanh nhẹ, và việc lên phim bàng cách đổi số tại màn hình trên máy.

Canon EOS 5D 12.8 MP Digital SLR Camera

 

Giống như loại máy ảnh phim, máy ảnh số được chia ra làm hai loại: loại chuyên nghiệp (professional) và loại phổ thông (consumer). Loại máy chuyên nghiệp SLR có độ rõ nét cao (high-res digital camera), thường được dùng trong phòng chụp (studio) hay dùng để chụp các hình cần in lớn. Giá tiền của loại này hiện nay khá cao, chẳng hạn như máy Canon EOS-5D Digital SLR trị giá $3,000 và máy Nikon D-70s, 6.1 megapixels trị giá $1,200, trong khi đó các máy ảnh số loại 5 megapixels được bán trên thị trường vào khoảng $500, thí dụ máy Nikon Coolpix P-1. Ngoài ra còn các loại máy 3 hay 4 megapixels, và tùy thuộc vào mục tiêu chính mà nhà nhiếp ảnh nên mua loại máy nào.

Tóm lại, loại máy ảnh số tuy đã có các đặc tính mới nhưng chưa thể cung cấp các phẩm chất của một máy ảnh 35 mm thông thường. Loại máy ảnh phim vẫn giúp nhà nhiếp ảnh tạo nên các tấm ảnh màu lớn, hoàn hảo hơn.

 

2/ Chọn máy ảnh số.

            Vào năm 1991, chiếc máy ảnh số Logitech Fotoman trị giá vào khoảng $1,000 mỹ kim mà chỉ thu được một vài hình ảnh đen trắng và mỗi khi cục pin trong máy hết điện thì các hình ảnh lưu giữ cũng bị xóa hết. Từ thời gian này, máy ảnh số được cải tiến rất nhanh, dần dần trở nên một món đồ chơi thuộc loại kỹ thuật cao cho đến năm 2003, máy ảnh loại mới này đã vượt qua loại máy ảnh phim về số lượng được bán ra trên thị trường. Theo tạp chí Consumer Reports, dân chúng Hoa Kỳ đã mua vào năm 2004 hơn 20 triệu chiếc máy ảnh số, tức là trong 10 gia đình Mỹ có 4 gia đình dùng loại máy ảnh này. Như vậy tiêu chuẩn nào được dùng khi bắt đầu công việc chọn mua một chiếc máy ảnh số? Hầu như căn cứ đầu tiên là về con số megapixels.

            Hình ảnh được tạo nên do các điểm màu sắc rất nhỏ, gọi là pixel (chữ tắt của picture elements). Một megapixel là một triệu điểm màu. Nếu 4 triệu điểm màu tạo nên một hình ảnh có diện tích 4 cm vuông thì hình ảnh này khá rõ ràng, nhưng nếu cùng với số lượng 4 megapixels này trải rộng trên một diện tích 16 cm vuông, hình ảnh sẽ mờ đi. Vì vậy loại máy ảnh có khả năng ghi nhiều megapixels sẽ cho các hình ảnh sắc nét hơn.

            Máy ảnh loại 1 megapixel chỉ được dùng trong việc gửi các hình lên trang Web hay gửi qua Email, loại máy này thường được lắp vào loại dụng cụ điện tử nhỏ như điện thoại không dây (wireless phones), sổ ghi PDA, máy quay phim camcorders. Dù cho chất lượng hình ảnh kém nhưng sự tiện dụng của loại máy ảnh này rất đáng kể.

            Máy ảnh loại 2 megapixels cho hình ảnh cỡ 4 x 6 in., khá đẹp và tương đương với loại máy ảnh phim 35 mm phổ thông.

            Máy ảnh loại 3 megapixels có khả năng cho hình ảnh cỡ 5 x 7 in., có thể chụp gần (close-up shots), thường được dùng trong các phạm vi thương mại như địa ốc, bảo hiểm…

            Máy ảnh loại 4 megapixels cung cấp các hình với đặc tính chuyên nghiệp, có thể in lớn tới cỡ 8 x 10 in.

            Loại máy ảnh từ 5 megapixels trở lên, tạo nên các hình ảnh có chất lượng cao, được các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp sử dụng.

 

Độ rõ nét Loại vật kính Giá tiền  Công dụng
2 megapixels Tự nhắm rõ, 2x zoom quang $100 - $150 Gửi email và web
3 megapixels 3x zoom quang (optical z.) Từ $250  Hình 4 x 6 in.
4 megapixels  3x zoom quang Từ $350  Hình 5 x 7 in.
5 megapixels trở lên 4x – 7x zoom quang Từ $500 Hình 8 x 10 in.

                   

            Khi thu hình, các máy ảnh số lưu giữ hình ảnh vào một loại thẻ ghi dữ kiện điện tử (flash memory) thay vì ghi vào phim. Không giống như phim, loại thẻ ghi dữ kiện điện tử (memory cards) có thể dùng lại được do việc chuyển các hình ảnh qua đĩa cứng (hard drive) của máy điện toán.

            Thẻ ghi dữ kiện điện tử là một loại dụng cụ lưu giữ các dữ kiện, giống như đĩa CD-R, nhưng mạnh hơn loại đĩa mềm (floppy disk), lại gọn gàng và mang theo được, tiện lợi hơn loại điã cứng. Thẻ ghi dữ kiện điện tử có thể chứa đựng các hình ảnh, âm thanh, được dùng vào máy ảnh số, sổ ghi PDA cầm tay, máy quay phim camcorders, máy nghe nhạc MP-3, máy điện toán xách tay (laptops)… Thẻ ghi điện tử có nhiều dạng (formats) như CompactFlash, SmartMedia, MultiMedia (MMC), Secure Digital (SD), xD-Picture Card và Memory Stick, với các dung lượng 16 MB, 32 MB, 64 MB, 128 MB, 256 MB, 512 MB và 1 GB. MB là chữ viết tắt của megabytes (hơn 1,000 kilobytes) và GB là gigabytes (hơn 1,000 MB).

            Như vậy bao nhiêu tấm hình có thể chứa đựng trong 1 tấm thẻ điện tử? Việc này tùy thuộc vào dạng lưu giữ và dung lượng của tấm thẻ. Nếu dùng dạng JPEG để ghi hình, bảng sau đây sẽ cho biết số lượng tấm hình chụp trong hoàn cảnh thông thường.

 Dung lượng của thẻ ghi hình

Loại máy ảnh 16 MB 32 MB 64 MB 128 MB 256 MB 512 MB 1 GB
2 megapixels 17 35  71 142 284 568 1137
3 megapixels 13 26 53 106 213 426 853
4 megapixels 8 16 32 64 128 256 512
5 megapixels 6 12 25 51 102 204 409
6 megapixels 5 10 20 40 80 160 320

                        (các con số là số tấm hình có thể chụp vào thẻ ghi hình) ghi hình) ghi hình) ghi hình) ghi hình) ghi hình) ghi hình)

 

3/ Vật Kính của Máy Ảnh Số.

            Các vật kính (lens) của máy ảnh số (digital camera) thường có độ sáng nhỏ hơn vật kính loại không-zoom (prime lens) của loại máy ảnh phim. Thí dụ vật kính thường (non-zooming) có khẩu độ lớn nhất là f 2 hay f 1.4 thì vật kính của máy ảnh số có độ sáng f 3.5 hay f 4.5.

            Máy ảnh số cũng không có nhiều nấc khẩu độ nhỏ như f 16, f 22, do kỹ thuật chế tạo, do miếng nhậy cảm (sensor) của máy ảnh số không đủ nhanh và do độ đóng (shutter speed) của máy ảnh số không cần tới các khẩu độ nhỏ, ngoài ra khoảng rõ của vật kính của máy ảnh số đủ dài nên cũng không cần tới khẩu độ nhỏ.

            Tiêu cự của vật kính máy ảnh số thì ngắn hơn tiêu cự của máy ảnh phim. Nếu lấy tiêu cự của máy ảnh số nhân với 1.5 sẽ có tiêu cự tương đương với loại vật kính dùng phim 35 mm, thí dụ tiêu cự ngắn nhất của một máy ảnh số là 17mm, tương đương với: 17 mm x 1.5, tức là tiêu cự 25.5 mm hay 28 mm của vật kính góc rộng.

            Đối với vật kính zoom (thu hình lớn/nhỏ) của máy ảnh số, có 2 loại: “zoom quang” (optical zoom) và “zoom số” (digital zoom). Một vật kính zoom thông thường gồm có 10 thấu kính thuộc 8 nhóm, mỗi nhóm thấu kính này lại di chuyển độc lập với nhau để cho các độ lớn cần thiết của hình ảnh. Zoom quang là khả năng làm tăng hay giảm độ phóng đại (magnification) do chính vật kính tạo ra, trong khi zoom số chỉ ghi nhận số pixels của phần diện tích hình ảnh đã được phóng lớn, vì vậy cho hình ảnh không rõ. Nếu đem 2 số zoom quang và zoom số nhân với nhau, sẽ có số zoom chung của vật kính. Thí dụ một máy ảnh có 4x zoom quang và 3x zoom số, thì số zoom tối đa là 4 x 3 hay 12 x.

Vật kính zoom rất tiện lợi bởi vì cho các hình ảnh lớn hơn hay nhỏ hơn mà người chụp ảnh không cần phải tới gần đề tài. Nếu phải chọn lựa vật kính zoom thì nên xét về số zoom quang để có được phẩm chất cao của hình ảnh.           

Về kính nhắm, máy ảnh số thường có 3 loại: kính nhắm quang (optical viewfinder), kính nhắm điện tử (electronic viewfinder) và màn hình tinh thể lỏng LCD. Kính nhắm điện tử cho phép đóng khung đề tài khá nhanh, còn màn hình LCD đặt ở phía sau của thân máy ảnh giúp cho việc nhìn trước cảnh chụp và bố cục được chính xác hơn nhưng khó dùng khi thu hình bên ngoài trời nắng.

 

4/ Các loại thẻ ghi hình điện tử.

            Loại máy ảnh phim dùng “phim” để ghi hình, nhưng loại máy ảnh số dùng nhiều cách lưu trữ hình ảnh khác nhau, vì vậy trước khi mua một máy ảnh số, người chơi ảnh cần phải đọc kỹ các đặc tính kỹ thuật của thứ máy ảnh sắp mua, nhất là xét kỹ loại thẻ ghi hình (memory card).

            Vài máy ảnh số có phần lưu trữ hình cố định, nằm bên trong máy, nhưng nhiều loại máy ảnh khác được lắp một thẻ ghi hình lấy ra được khỏi máy (a removable memory card). Dung lượng của thẻ ghi hình càng cao thì càng chụp được nhiều hình ảnh. Khi đã ghi hình vào đầy thẻ, cần phải dùng thẻ ghi hình mới. Thông thường nhà sản xuất máy ảnh có kèm theo máy ảnh một thẻ ghi hình với dung lượng nhỏ, chẳng hạn 16 MB.

Không thể biết rõ một thẻ ghi hình có thể chụp vô bao nhiêu tấm ảnh, bởi vì có các yếu tố liên quan, đó là: độ rõ nét (resolution), khuôn ghi hình (file format) và tỉ lệ nén (compression ratio). Các hình ảnh chụp với độ rõ nét cao (high-res pictures) chắc chắn sẽ tiêu thụ nhiều phần nhớ hơn các hình ảnh với độ rõ nét thấp (low-res shots). Các hình ảnh rõ nét cũng là do chụp với độ nén thấp. Tương tự, phẩm chất của tấm ảnh và sự tiêu thụ phần nhớ (memory) có liên hệ nghịch với nhau.

Nếu người chơi ảnh muốn ghi các hình ảnh có độ rõ nét cao thì nên dùng loại thẻ ghi hình có dung lượng 512 MB. Phần lớn các thẻ ghi hình được làm ra do kỹ thuật flash bán dẫn (solid-state flash technology). Flash là phần nhớ không xóa (non-volatile memory).

Sau đây là vài loại thẻ ghi hình chính:

1/ CompactFlash (CF):

đây là loại thẻ ghi hình thông dụng nhất, cỡ 1.4 x 1.7 inch, thường được dùng với các máy ảnh số loại tốt. Thẻ CF có 2 thứ: loại I mỏng hơn, dung lượng ít hơn và loại II, dầy hơn, dung lượng nhiều hơn. Loại thẻ này có dung lượng lên tới 8 GB với giá tiền tương đối thấp. Máy ảnh có ngăn dùng loại II CF có thể dùng cả hai loại mỏng và dầy, trong khi ngăn loại I CF chỉ có thể gắn vô thẻ ghi hình mỏng. Nên mua máy ảnh dùng loại thẻ ghi hình CF.

 

 

 

2/ SmartMedia:

cỡ 1.5 x 1.8 inch, là loại thẻ ghi hình đã có một thời rất phổ biến nhưng sau đó gặp trở ngại vì dung lượng tối đa là 128 MB. Các máy ảnh số loại cũ dùng thứ thẻ ghi hình này.

 

 

 

 

 

 

 

 

3/ xD:

cỡ 0.8 x 1.0 inch, là loại nhỏ nhất, được hai hãng Olympus va Fujifilm sản xuất. Loại thẻ này nhỏ bằng một con tem, có dung lượng cao tới 512 MB. Nếu dung một khung lắp (adaptor), loại thẻ này có thể thay thế loại thẻ CF, tuy nhiên việc thay thế không có lợi bởi vì giá tiền của thẻ xD đắt hơn.

 

 

 

 

4/ MultiMedia Card (MMC) và SecureDigital (SD):

loại thẻ SD cỡ 0.9 x 1.3 inch, là đời thứ hai của loại thẻ MMC, được sản xuất với dung lượng tối đa 2 GB, có thể dùng với các dụng cụ như máy ảnh, sổ ghi cầm tay PDA, máy nghe nhạc MP3, điện thoại di động.

 

 

 

 

5/ Memory Stick:

cỡ 0.8 x 2.0 inch. Hãng Sony đã làm phát triển loại thẻ này để dùng trong nhiều loại máy như máy ảnh số, máy quay phim (camcorder), sổ ghi cầm tay PDA và máy nghe nhạc MP3. Dung lượng của loại thẻ Memory Stick từ 16 MB tới 2 GB.

 

 

 

6/ MicroDrive (MD):

thuộc kỹ thuật đĩa cứng rất nhỏ (tiny hard drive technology), được hãng IBM làm phát triển rồi sau này bán cho hãng Toshiba. Loại thẻ MD cỡ 1.4 x 1.7 inch, không dùng kỹ thuật flash, nhưng có thể thích hợp với các dụng cụ dùng thẻ CF loại II. MicroDrive rất được nhiều ngươi chú ý nhờ dung lượng cao từ 512 MB tới 4 GB.

Hai loại thẻ ghi hình thông dụng nhất là CompactFlash (CF) và SecureDigital (SD). So sánh giá tiền vào tháng 8/2004 của 3 loại thẻ ghi hình với cùng dung lượng 128 MB: CF: $30, SD: $35 và xD: $50.

Các thẻ ghi hình không có ảnh hưởng gì tới phẩm chất của tấm hình. Công dụng của thẻ là chứa đựng các hình ảnh. Nên định khuôn (format) thẻ ghi hình trong máy ảnh trước khi chụp ảnh. Việc xóa hình ảnh cũ (erasing) bằng máy điện toán có thể còn sót lại vài hồ sơ ảnh (files) bên trong thẻ.

 

5/ Các khuôn nén hình.

            Mỗi hình ảnh có cỡ (size) của nó. Cỡ của hình ảnh được đo lường bằng số lượng pixels. Nếu dùng một máy ảnh 5 PM (megapixels), người chơi ảnh có các cách chọn lựa về độ rõ nét (resolution) như sau: 2560 x 1920, 1600 x 2100, 1280 x 960 và 640 x 480 pixels.

            Cỡ của hồ sơ ảnh (file size) là khoảng không gian thực (actual space) đo lường bằng megabytes, chiếm chỗ trong thẻ ghi hình (memory card), trong đĩa cứng (hard disk) hay trong các bộ phận lưu trữ khác (storage media). Cỡ của một hồ sơ ảnh tùy thuộc vào hai yếu tố, đó là độ rõ nét và cấp độ phẩm chất/độ nén (quality/compression). Để có thể chứa được nhiều hình ảnh hơn trong thẻ ghi hình, người chơi ảnh có thể làm giảm cỡ của hồ sơ ảnh bằng cách giảm độ rõ nét hay dùng phẩm chất thấp/độ nén cao.

            Phẩm chất của hình ảnh (image quality) là độ rõ nét thực sự sau khi đã bị nén (compressed) và phục hồi trong bộ phận biên soạn hình ảnh (image editor).

            Công việc nén các dữ kiện của hình ảnh được thực hiện bằng hai cách chính: cách nén không hao tổn (lossless compression) như dùng khuôn RAW và khuôn TIFF, và cách nén hao tổn (lossy compression) bằng khuôn JPEG.

            RAW là một khuôn hồ sơ ảnh không tiêu chuẩn hóa (non-standardized file format), không tiết kiệm chỗ trong thẻ ghi hình. RAW tùy thuộc vào hãng sản xuất máy ảnh số, cần tới thứ nhu liệu đặc biệt để làm ra các hình ảnh tốt đẹp nhất. Ngoài khuôn RAW ra, có sáu thứ khuôn (formats) khác.

            1/ TIFF (Tagged Image File Format) được nghĩ ra do Aldus vào năm 1987, thuộc quyền sở hữu của hãng Adobe. Đây là khuôn tiêu chuẩn không hao tổn (lossless) để trao đổi các hồ sơ ảnh, cho các hình ảnh có phẩm chất cao nhất nhưng không dùng trên mạng (web browsers). Khuôn TIFF có thể chứa các hồ sơ 64-bit màu, dùng được với các cách RGB, CMYK, LAB và rất uyển chuyển.

            2/ JPEG (Joint Photograhic Experts Group). Vào năm 1991, một liên hiệp các công ty gọi tên là JPEG đã làm phát triển một cách nén hữu hiệu các hình ảnh có sắc độ liên tục (continuous tone images) mà vẫn giữ nguyên phần thông tin giá trị nhất của các hình ảnh. Tại mức độ phẩm chất cao nhất, một hồ sơ TIFF chiếm 14 MB trong thẻ ghi hình và cho hình ảnh đẹp tương đương như một hồ sơ JPEG chiếm 4 MB. Như vậy nếu dùng khuôn JPEG, người chơi ảnh có thế chứa được 14 lần hơn số hình ảnh nếu dùng khuôn TIFF.

            3/ GIF (Graphic Interchange Format): thuộc loại tổn hao (lossy), đổi các hình ảnh thành hồ sơ ảnh (files) với số lượng màu tối đa là 256 màu, không cho các hình ảnh có sắc độ liên tục, thường được dùng trên Web. Bởi vì hồ sơ ảnh không thể có hơn 256 màu, do vậy không nên dùng khuôn GIF cho máy ảnh số.

            4/ EPS (Encapsulated PostScript): thuộc loại không hao tổn (lossless), dùng được với các cách RGB, CMYK và LAB, chứa hồ sơ màu 64 bit.

            5/ BMP (Bitmap): được hãng Microsoft khai triển thành một khuôn hồ sơ ảnh tiêu chuẩn (a standard bitmap file format) để chạy các máy điện toán dùng hệ điều hành Window. Khuôn BMP dùng được với cách RGB, có cỡ hồ sơ ảnh lớn hơn loại JPEG.

            6/ PDF (Portable Document Format): là khuôn đầu tiên được hãng Adobe khai triển, thường được dùng với nhu liệu Adobe Acrobat Reader để trình bày các tài liệu. Người ta thường nạp xuống (download) các mẫu in thuế IRS, các sách chỉ dẫn sử dụng (instruction manuals) hoặc các tài liệu khác viết bằng khuôn PDF. Như vậy khuôn PDF được dùng để coi hay đọc các tài liệu.

            Tóm lại, khuôn RAW không nén các hình ảnh nên hồ sơ ảnh có dung lượng rất lớn, chỉ được dùng cho các nhu cầu đặc biệt. Khuôn TIFF chứa các dữ kiện bằng dung lượng nhỏ hơn, là cách nén không hao tổn, vì vậy khi biên soạn (edit) các hình ảnh quan trọng, nên lưu trữ (save) các hình ảnh này bằng khuôn TIFF với một tên mới, và hồ sơ sẽ được ghi rõ là “hình.tif”.  Khuôn JPEG là thứ phổ thông nhất, có thể chứa nhiều mức độ phẩm chất tùy theo cách thay đổi độ nén. Một hình ảnh được lưu trữ bằng khuôn JPEG sẽ có đuôi hồ sơ như sau: “hình.jpg”.

            Như vậy, lần lưu trữ thứ nhất nên dùng khuôn TIFF, lần thứ hai với khuôn JPEG. Dùng các hồ sơ ảnh JPEG, người chơi ảnh có thể gửi hình qua email, đưa hình lên website hay chia sẻ các hình ảnh bằng các phương tiện như PhotoSite, Ofoto hay Shutterfly./.

    

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Phạm văn Tuấn