Đầu xuân Kỷ Sửu, nói chuyện về con trâu

Vietsciences- Nguyễn Phúc Vinh Ba          25/01/2009

 

Những bài cùng tác giả

 

 

            Đầu xuân Kỷ Sửu nói chuyện về con trâu hẳn là rất phù hợp. Nói cách nào đây nhỉ?

 

Dẫu đang băn khoăn vậy, người viết cũng muốn tránh cái phận trâu chậm uống nước đục, tới toà báo rồi ôm bài vở trở về. Thế là mới đầu tháng Mười Một, người viết đã phải loay hoay lên mạng, lục lạo sách vở để tìm thêm tư liệu cho bài viết này. Trâu thì phải đi tìm cọc chứ cọc đâu đi tìm trâu, tựa như trong yêu đương anh con trai phải xông pha đi tìm cái nửa kia của mình vậy. Có nhiều tư liệu, bài viết mới hay, chứ lẽ nào như anh chàng mua trâu vẽ bóng, cứ nói bông lông ba la, sơ sài, lộn xộn, ngổn ngang như thể trâu lội ngược, bò lội xuôi thì hỏng mất. Bây giờ không lo sớm, một mai viết xong bài, có hay mấy đi nữa mà báo Tết lên khuôn rồi, ấy đúng là đặt cái cày trước con trâu. Gặp cái tình thế tréo ngoe như vậy vì chậm như trâu ắt uổng công đầu tư, thai nghén lắm.

 

            Bạn thân của người viết là một người học rộng và mê thích văn học dân gian. Anh ấy đã về hưu rồi, ngày tháng chỉ loanh quanh với mấy cây hoa và sách vở.  Trâu tra nằm đất ấy, chẳng phải khổ nhọc cày bừa, kể y cũng sướng tấm thân dù chẳng giàu có chín đụn mười trâu gì. Y hẳn là một nguồn thông tin đáng tin cậy, người viết tự nhủ lòng như thế. Thôi thì ngưu tầm ngưu mã tầm mã, cùng một giuộc với nhau cũng hay. Ông bạn này giỏi giang chắc chắn sẽ bổ sung cho phần hổng, phần thiếu của người viết, trâu béo kéo trâu gầy mà.

 

Người viết mới đầu cũng ngại trâu hay có chứng. Y vẫn có thể vô cớ không giúp đỡ. Ai ngờ mới gặp và trình bày ý nguyện, y đã cười xoà bảo: “Thôi, đừng cưa sừng làm nghé, giả bộ thơ ngây, chẳng biết gì. Lâu lâu làm trâu một bữa cho cậu, khổ cũng cam”. Hoá ra, lòng trâu cũng như dạ bò, y cũng đang có ý đồ viết một bài tương tự. Ý hợp tâm đầu, người viết tha hồ mà tâm tình trao đổi chứ không đến nổi phải đàn gẩy tai trâu. Hơn nữa, viết báo bích như thế này dẫu có nhầm lẫn chút đỉnh cũng không đến nổi phải sai con toán bán con trâu  mà đền tiền như các chàng đầu tư, các cô kế toán...

 

            Rốt cuộc lại, người viết cũng đã khám phá được đời sống của nhân dân ta bao đời vốn rất gần gũi với con trâu đến độ nó hiện diện rất phong phú trong ngôn ngữ đời thường. Trước hết, dân ta vốn chuyên nông nghiệp nên từ xa xưa ông bà ta đã bảo: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Cứ có con trâu rồi chăm chỉ cày bừa thì lo gì không tích góp nên cửa nhà, lo gì không có ngày có trâu cày ngựa cỡi. Cái cảnh Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa thật đậm đà tình nghĩa và hăng say sản xuất. Mọi người cùng làm cả và rồi sẽ cùng ăn với nhau thì đâu có chuyện trâu cột ghét trâu ăn. Cảnh gia đình nông dân ta như thế mà trời cho mưa thuận gió hoà nữa thì hẳn họ cũng thoả mãn lắm rồi.

 

Và rồi những đứa trẻ sẽ ra đời. Nông dân ta lại chẳng trọng nam khinh nữ như các nhà Nho. Thật đấy! Đối với họ vẫn là ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Cái nhận định trên phát xuất từ thực tế sinh hoạt của nông thôn ta ngày xưa. Việc đồng áng, việc bếp núc, việc nội trợ, việc chăn nuôi... đều cần tới sự cần cù dẻo dai, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam. Vắng mặt họ cái gia đình nông thôn ta thời xưa sẽ khốn đốn vô cùng. Nhưng khổ thay! Rồi đây, biết đâu lại có những đứa con trai hư đốn, bọn đầu trâu mặt ngựa phá xóm phá làng, lại không trâu ta ăn cỏ đồng ta mà quấy nhiễu những cô thôn nữ, những cô con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu quí giá kia .

 

Con trâu vốn có giá trị đối người nông dân đến thế nên mua trâu đối với họ là chuyện quan trọng như cưới vợ, mua trâu lựa nái, mua gái chọn dòng. Mua trâu được xếp vào trong ba chuyện khó trên đời: Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà / Cả ba việc ấy đều là khó thay. Vì thế, mua trâu còn cần chú ý đến nhiều chi tiết như mua trâu xem vó hay xem liệu có sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi hay Mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn không.

 

Tác phẩm văn học nói lên đầy đủ nỗi lòng của trâu là Lục súc tranh công. Nó là một trong sáu nhân vật chính. Một đời công trạng phục vụ con người nhưng với hình dạng khổ đau vô cùng: “Trước cổ đã mang hai cái niệt / Sau đuôi thêm kéo một cái cày / Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây / Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đĩa cắn.” Thế mà trâu ta còn “Làm không kịp thở / Ăn chẳng kịp nhai / Tắm mưa, trải gió bao nài! / Đạp tuyết, giày sương bao sá. Công lao của trâu quá nhiều nhưng tiếc thay mọi chi tiết cơ thể của trâu khi chết đi vẫn được tận dụng hết cỡ từ da, xương, sừng móng nói chi đến thịt nọng... Nghĩ lại những lời kêu gọi rất thân ái, Trâu ơi, ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta, hẳn các chú trâu xót xa vô cùng. Chúng cũng đành tự bảo lòng, thiên sinh vật dĩ dưỡng nhân thôi. Nói chung lại, con trâu vốn hiền lành chịu khó, ai đối đãi sao cũng được nên phải đôi khi chịu lắm tiếng oan thôi.

 

Nói tới trâu mà quên cái anh chăn trâu ngồi lưng nó và hát nghêu ngao “Ai bảo chăn trâu là khổ?” quả thật thiếu sót. Từ thuở nhỏ học sách giáo khoa thư, thú thật người viết cũng rất mê thích cái hình ảnh nên thơ này. Chăn trâu mà chăm chỉ, cần mẫn như Ninh Thích ngày xưa bên Trung Quốc thì ai mà nở mắng mỏ rằng, cái thằng hư đốn, cái đồ chự (giữ) trâu chăn ngựa được.

 

Chăn trâu cũng lắm hạng người. Anh chàng mục đồng đau khổ nhất thế giới là Ngưu Lang. Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền đấy. Mối tình duyên bi thương của chàng với Chức Nữ mỗi năm chỉ có một lần gặp gỡ nhờ bầy ô thước bắc cầu sao mà cảm động lạ lùng. Người chăn trâu xuất sắc nhất lại là chú tiểu trong Thập Mục Ngưu Đồ (Mười bức tranh chăn trâu) của Thiền tông Trung Hoa. Chú tiểu nhỏ này đã chăn con trâu “Tâm” của mình từ lúc đen thui vì tham sân si đến hồi biến thành trắng toát đại ngộ, không còn chạy rong theo những mê muội phân biệt khách ngã. Anh hùng chăn trâu thì đó là Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh. Từ cờ lau cỡi trâu tập trận, ông đã dẹp loạn Thập nhị sứ quân để bước lên ngai vàng của một triều đại mới: Triều Đinh. Còn chàng chăn trâu nghệ sĩ nhất lại là chú Cuội nhà ta. Chú Cuội ngồi gốc cây đa, mặc trâu ăn lúa gọi cha ời ời vì bận thả hồn theo khúc sáo lâng lâng giữa mây trời.

 

Những con trâu xa xưa đó đã dần dần được máy cày thay thế. Cũng cày ruộng nhưng lại là trâu đỏ MTZ của Liên Xô. Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà. Những con trâu đỏ này eo xách nhân dân lắm nên mới được tặng cho câu ca trên vào thời kỳ phong trào hợp tác hoá còn sôi nổi. Gà rượu cho các tài xế mày cày thì mới mong ruộng mình được cày kỹ lưỡng và đúng vụ. Các mục đồng trâu đỏ này phải bị trừng trị ngay chứ để lâu cứt trâu hoá bùn, các chú lại chạy chọt đâu đó và thoát tội mất. Trâu đen thời ấy bị rẻ rúng, không ai chăm sóc nên lắm khi chỉ còn da bọc xương, có nước chờ ngày giã từ cõi trần. Cha chung nào ai khóc. Thế là xong một đời từ khi chia tay với anh chủ nghèo bước lên đường hợp tác hoá. Chạnh lòng thông cảm, dân ta than thở mỗi khi phải chia tay với cái gì thân thiết quí báu rằng: Thôi! Xem như đưa trâu vào hợp tác. Thêm nữa, người dân thấp cổ bé họng còn chịu phải những tai bay vạ gió đâu đâu khác. Khi ấy, họ lại liên tưởng ngay tới cái phận nhỏ nhoi của mình mà rủa một câu: Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan. Thật là oan uổng quá, phải không Bao đại nhân?

 

Cái ngày vinh quang nhất của các chú trâu Việt có lẽ là ngày Con trâu vàng được chọn làm logo cho SEAGAMES 23 tổ chức ở Việt Nam. Các chú cứ đứng sừng sững khắp phố phường đất ta, khi thì tranh, khi thì tượng, khi thì phù hiệu, huy chương. Năm xưa, một chú Kim Ngưu như thế đời Tống nghe chuông đồng của Sư Không Lộ vang lên ở thành Đại La (thời Lý) nước ta đã vùng chạy về phương Nam vì ngỡ tiếng mẹ gọi. Con trâu đã quậy nát cả một vùng đất để tìm mẹ và tạo nên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây bây giờ). Câu chuyện thật giàu trí tưởng tượng.

 

Trâu còn hiện diện trong kho tàng tiếu lâm của dân ta. Lí thú nhất vẫn là truyện Ông quan thanh liêm tuổi Trâu như sau: Một ông quan thanh liêm cáo lão hồi hưu, sống trong cảnh thanh bần lạc đạo. May thay, bà quan vẫn kiếm đâu đó ra chút đỉnh để phục vụ cho các thú thanh nhã như trà trưa rượu sớm của ông hay lo việc giỗ chạp trong nhà. Ông lấy làm ngạc nhiên lắm và hỏi.

 

Bà vợ trả lời: - Chẳng dấu gì ông, thời ông còn tại chức, có người đến hỏi ông tuổi gì. Tôi bảo ông tuổi Tý. Ai ngờ một tuần sau họ đem đến biếu một con chuột bằng vàng để mừng tuổi ông. Tôi biết tính ông thanh liêm nên lúc đó không dám nói cho ông hay. Tôi rứt rẻo nó bấy lâu nay để lo việc nhà đấy.

 

Ông quan nghe xong, vỗ đùi đành đét một cái rồi nói: - Trời đất, tiếc ơi là tiếc!  Sao hồi đó bà không nói tôi tuổi Sửu?

 

Lời bình: Ui chao ơi! Làm một người thanh liêm trọn đời cũng khó quá nhỉ!

 

Câu chuyện ý nghĩa đậm đà nhất mà anh bạn ấy đã kể cho tôi nghe là chuyện Sào Phủ chăn trâu:  Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Nghe xong, Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Khi đó, Sào Phủ dắt trâu tới suối uống nước, thấy vậy hỏi tại sao. Hứa Do trả lời: "Ông Nghiêu biểu tôi  làm vua."

Sào Phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên giòng nước cho uống. Hứa Do hỏi lí do, Sào Phủ đáp: "Anh rửa tai anh xuống đó, tôi sợ trâu tôi uống nhằm nước bẩn ấy."   

 

Câu chuyện Sào Phủ với con trâu quả làm người viết suy nghĩ nhiều. Cái danh lợi nó đáng ghét thế mà mình lại ngu như trâu, mấy chục năm nay cứ chạy theo nó đến bán sống bán chết. May mà bạn bè chẳng tay nào cười đến độ như trâu cười rụng hàm trên.

 

Anh bạn này kể tiếp bao nhiêu truyện khác về trâu. Nào Điền Đan tướng nước Tề dùng hoả ngưu, nào Khổng Minh chế mộc ngưu mộc mã, nào Lão Tử, nào Tôn Tẫn cưỡi trâu xanh...

 

            Đến đây, anh bạn của người viết rót thêm tách trà chỉ nhỉnh hơn chiếc chén mắt trâu một tí và bảo: “Tốp ngang đây thôi! Làm lắm mang tiếng là làm hùng hục như trâu đấy. Hãy nhắp chút trà cho tươi đời. Nhớ đừng ngưu ẩm (uống như trâu) mà phí trà ngon của tôi”. Người viết đáp: “Thế nhưng bài báo này đăng được thì tôi cũng có chút hãnh diện,  trâu bò chết để da, người ta chết để tiếng chứ.”.

 

Y cười bảo: “ Ô hay! Cậu mới khen Sào Phủ đó mà muốn làm thân trâu ngựa cho cái vòng danh lợi cong cong ư? Thôi, cậu về mà viết lách cho sớm đi, kẻo lại buộc trâu trưa nát cọc bây giờ. Mà này, viết cẩn thận, đừng có như trâu phắt lá tre, viết có chấm phết rõ ràng, đừng có lắt léo cái kiểu ‘trâu cày không được thịt’ thì gay go cho bạn đọc nghe. ”


Tháng 11.2008
Nguyễn Phúc Vinh Ba

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Phúc Vinh Ba