Chủ trương Dân quyền của Mạnh T

Vietsciences- Võ Thu Tịnh   01/01/2006

 
Lời nói đầu

A.- Quyền con người

  I.- Tự do
    1.- Tự do ý kiến - tín ngưỡng
      a. Đối với lễ tục
      b. Đối với vấn đề xuất xử
    2.- Tự do ngôn luận
      a. Bắt bẻ từ ngữ
      b. Chê khéo
      c. Kể tội
      d. Cảnh cáo
  II.- Bình đẳng
    1. Bình đẳng trước pháp luật
    2. Bình đẳng về phẩm cách
    3 .Trường hợp bất bình đẳng
       a. Bất bình đẳng, vì khả năng, chức phận khác nhau
      b. Bất bình đẳng, vì ngoại cảnh nhận chìm bản tính
      c. Dù bất bình đẳng, vẫn không nên khinh mạn nhau
  III.- Tư hữu
    1.- Tranh đấu cho Tư hữu
    2.-Tư hữu hóa để cải tiến dân sinh
  IV.- An ninh
    1. Tôn trọng sinh mạng nguời dân
    2. Tôn trọng đời sống của dân
    3. Một cuộc sống được giáo hóa yên lành vui thỏa
  V.- Chống lại mọi áp bức
    1. Bất hợp tác
    2. Phản ứng quyết liệt

B.- Quyền Công dân
  I.- Quyền tham gia quản trị quốc gia
  II.- Quyền can thiệp vào việc quản trị quốc gia

C.- Tinh thần Dân quyền ở Việt Nam
  I.- Vấn đề Trung quân
    1.- Nho sĩ
    2.- Dân gian
    3.- Học thuật
  II. -Tổ chức Hương thôn
    1.- Bầu Lý trưởng
      Truyện con công và làng chim
      Truyện Lý trưởng khướu

    2.- Bầu hương ước
    3.- Quyền ứng thí
    4.- Quyền đổi giai cấp

 

Lời nói đầu

Thời Xuân Thu (722- 479 tr. TL) là thời rối loạn nhất trong lịch sử Trung Hoa, các vua chư hầu có chừng một trăm nước, nhưng đến thời Chiến Quốc (479- 221 tr. TL) chỉ còn lại bảy nước, là Sở, Hàn, Ngụy, Yên, Tần, Tề.  Các vua chư hầu thời ấy đua nhau tìm người tài giỏi giúp cho nước mình hùng mạnh hơn các nước khác để chiếm quyền bá chủ, do đó các du sĩ, thuyết khách rất được tôn trọng, được tự do trình bày học thuyết của mình, tranh luận với các vua chư hầu. Có người đề xướng chủ nghĩa 'vô vi nhi trị' như Lão tử, Trang tử (Đạo gia), có người muốn đem 'thuyết nhân nghĩa' thực dụng ra cứu đời như Khổng tử, Mạnh Tử (Nho gia) v.v... lại có người muốn 'dùng hình pháp' nghiêm khắc ra dẹp loạn như Hàn Phi tử (Pháp gia)... tạo nên một 'thời đại hoàng kim' trong lịch sử tư tưởng Trung quốc.

Nho gia  cũng như Đạo gia chẳng hạn, khi đề xướùng đến giải pháp chính trị,  đều lấy dân làm đối tượng, còn Pháp gia thì quan niệm phải đứng trên cương vị nhà vua mà hoạch định kỹ thuật cai trị.

Phần đông các vua chư hầu đều chịu khó nghe. Nhưng cuối cùng không mấy vua chịu làm theo. Khổng-tử (551-479 tr. TL) mở trường dạy, phổ biến rộng rãi chủ trương tôn quân, trọng phẩm vị con người, đưa ra những phương pháp nhân bản sửa đổi lối cai trị mà ông cho là mục nát. Một trăm năm sau, kế nghiệp Khổng-tử để phát huy Nho giáo,  Mạnh Tử (372-289 tr. TL) khai triễn học thuyết của Khổng-tử, đề xướng một thể chế trọng dân, khinh quân, hô hào chủ nghĩa Nhân quyền tôn trọng phẩm vị, quyền lợi của người dân.

Nhưng dưới chế độ phong kiến, quân chủ chuyên chế, từ thời Chiến Quốc (479- 221 tr. TL) cho đến cuộc cách mạng dân chủ năm Tân Hợi (tháng ba 1911), các vua Trung Hoa dựa vào Khổng giáo để cai trị, chương trình giáo huấn và thi cử chỉ toàn là học thuyết của Khổng tử, còn học thuyết về chính trị trọng dân, khinh quân của Mạnh Tử tuyệt nhiên không được công khai đề cập đến.

Ở Tây phương, trong các bản Tuyên ngôn về dân quyền, nhất là các bản 1789,1791, 1793 của Pháp thường đặt vấn đề ‘Dân quyền' thành hai phần  chính : Quyền con Người và Quyền Công dân:

▪ Về Quyền con Người, chính yếu có các quyền Tự do, Bình đẳng, Tư hữu, An ninh, Chống áp bức, vốn là những  Tự do tự nhiên, mà được xem như là những  quyền thực định (pouvoirs pratiques).

▪ Về Quyền Công dân, có các quyền ‘tự do tham gia’ như quyền  bầu luật  lệ, quyền được tuyển làm công chức, và quyền 'tự do-tự quyết định' hay ‘can thiệp’ như các quyền bầu thuế khóa, quyền chất vấn các nhân viên chính phủ.

Để tiện việc trình bày, chúng tôi dựa theo bố cục nầy mà khai triển Chủ trương Dân quyền của Mạnh Tử, như sau :

 

A.- Quyền con người

I.- Tự do

Tuyên ngôn 1789 của Pháp định nghĩa ở điều 4: 'Tự do là có thể làm tất cả những gì không hại đến người khác.'   Một định nghĩa thật hay nhưng chưa rõ ràng. Cho nên sau đó, có thêm một số điều khoản về 'tự do' cụ thể hơn, như Tự do ý kiến - tín ngưỡng (điều 10),  và Tự do ngôn luận (điều 11), v.v...

Đối với các ‘tự do’ nầy,  ngày xưa Mạnh Tử đã chủ trương  như thế nào ?

1.- Tự do ý kiến - tín ngưỡng

 Mạnh Tử chủ trương không chấp nhất,  không câu nệ theo tín ngưỡng, lễ giáo, tập tụng cứng rắn của Nho gia, mà luôn luôn đưa ra những ý kiến tự do phóng khoáng, trái ngược với 'nề nếp thông thường của người đời':

a. Đối với lễ tục .

Xưa ông Thuấn cưới con gái vua Nghiêu mà không xin phép cha mẹ, theo lễ giáo như vậy là một sự thất lễ lớn. Vạn Chương đem việc ấy hỏi Mạnh Tử. Mạnh Tử đáp : 'Vì nếu ông Thuấn có thưa với cha mẹ thì chẳng được phép cưới vợ (cha đần độn, mẹ ghẻ độc ác, nếu xin phép cũng chẳng cho). (MT, Vạn Chương thg, t. 2).

Mạnh Tử giải thích thêm rằng ông Thuấn làm như thế, chẳng qua là vì lẽ vô hậu.  (theo Mạnh Tử 'bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại'  nghĩa là bất hiếu có ba trường hợp : không có con nối dòng là tội vô hậu, nặng nhất, sau đó là tội làm điều xấu xa nhục đến cha mẹ,  và tội mình không ra làm quan để nuôi cha mẹ già yếu' (MT, Ly Lâu thg, t. 26). Ở trường hợp nầy, ông Thuấn được tự do kết hôn mà không thất lễ với cha mẹ. '

Thuần Vu Khôn (nhà biện thuyết nước Tề) hỏi Mạnh Tử rằng : 'Kẻ nam, người nữ chẳng được chuyền tay mà trao đồ cho nhau, đó là lễ phải chăng ?' Mạnh Tử đáp : 'Đó là lễ vậy'. - 'Như chị dâu chới với dưới nước,  mình có nên đưa tay ra cứu vớt chăng ?' - Mạnh Tử đáp: 'Chị dâu chới với sắp chết chìm, mà chẳng đưa tay ra tiếp cứu, người như thế quả là loài chó sói rồi vậy. Nầy, kẻ nam người nữ chẳng được chuyền tay mà trao đồ cho nhau đó là lễ thường xưa nay. Còn chị dâu chới với mà mình đưa tay ra tiếp cứu, đó là phép  quyền biến vậy (tức là tự do tùy theo trường hợp mà hành động khác đi cho đúng lẽ phải)'. (MT, Ly Lâu thg, t. 17).

 

b.  Đối với vấn đề xuất xử .

Ngày xưa kẻ sĩ ra đời, quan trọng nhất là phải chọn lựa giữa hai con đường: xuất, thi đậu, gặp được một minh quân, thì ra làm quan để thi hành chánh đạo giúp vua đem lại hạnh phúc cho nhân dân; xử, hỏng thi, hay rủi gặp một hôn quân, thì đi ở ẩn, đem đạo lý thánh hiền dạy lại dân chúng. Kẻ sĩ phải xử sự đúng như thế. Nhưng Mạnh Tử đã từng phê phán về vấn đề xuất xử như sau: «Ông Bá Di, vua chẳng đáng thờ thì chẳng thờ, dân chẳng đáng trị thì chẳng trị. Trái lại, ông Y Doãn cho rằng vua nào chẳng phải là vua mình phục sự được? dân nào chẳng phải là dân mình sai khiến được ? Trời vốn sanh ta là người trong bậc tiên giác, ta phải theo đạo lý của ta mà giác ngộ cho dân chúng, nếu để dân khốn khổ là trách nhiệm của mình.  Vậy, Y Doãn là bậc thánh có «đức trọng nhiệm»! Còn ông Huệ xứ Liễu Hạ chẳng lấy làm xấu hổ mà phục sự một vua ô trược. Dẫu làm một chức quan nhỏ thấp, ông cũng chẳng chê. Ba ông tuy đi khác đường với nhau, nhưng mục đích vẫn là một. Đó là nói về lòng Nhân vậy. Người quân tử chỉ chú mục điều nhân mà   thôi. Còn về hành động thì tự do,  cần chi phải giống nhau. (MT, Cáo Tử, ha. t.6). 

Nhưng đây là trường hợp ông Y Doãn phục sự một ông vua biếng nhác, ham chơi, hoặc nhu nhược, háo sắc, v.v... ông nghĩ rằng ông đủ sức can ngăn, hướng dẫn. Nhưng  theo Mạnh Tử, người quân tử phải chú mục điều Nhân mà thôi, nếu gặp một vua bất Nhân, độc tài, tàn ác, ông Y Doãn chưa kịp nói, vua đã ra lệnh chặt đầu rồi. Nếu ông Y Doãn ép mình phục sự một ông vua bất Nhân, thì hóa ra ông tiếp tay cho kẻ bạo ngược tàn sát dân lành.  Cho nên, Mạnh Tử khuyến cáo như sau:

: « Những người thờ vua ngày nay đều nói rằng : 'Tôi có thể giúp vua mở mang ruộng đất, và làm cho kho tàng của vua được đầy đủ'. Đời nay, người ta khen những viên quan ấy là lương thần, đời xưa, người ta chê họ là  bọn giặc cướp làm hại dân lành. Nhà vua mà không qui hướng theo đạo đức, chẳng lập chí làm Nhân, mà mình tìm cách làm giàu cho vua, đó là mình làm giàu cho tên Kiệt vậy.

«Lại có những người khác bảo rằng : 'Tôi có thể giúp vua liên minh với các nước mạnh, nhờ vậy nếu xảy ra chiến tranh, nhất định mình sẽ thắng'. Đời nay, người ta khen viên quan ấy là lương thần, đời xưa, người ta chê họ là kẻ cướp của dân. Nhà vua mà không qui hướng theo đạo đức, chẳng lập chí làm Nhân, mà mình tìm cách làm cho vua được cường mạnh về chiến tranh, đó là mình phò tá một tên Kiệt vậy.

« Như một vị vua chư hầu chỉ noi theo phép tắc đời nay, chẳng chịu biến cải thói tục đồi xưa, có đem thiên hạ mà cho vị vua ấy, thì vua kia cũng không đủ sức giữ an ninh quá một buổi mai được (tức là không lâu dài được) » (MT,  Cáo Tử hạ, t. 9)

 

2.- Tự do ngôn luận

 Nếu 'tự do ý kiến, tư tuởng' nằm trong những lời phát biểu ý kiến hay tư tưởng của Mạnh Tử về một số vần đề luân lý, tín ngưỡng hay ứng xử hơn thiệt, thì 'tự do ngôn luận' của Mạnh Tử có lẽ nằm trong các câu ngang tàng và rất tự do mà ông thường dùng để chỉ trích vua quan đương thời:

 

a. Bắt bẻ từ ngữ.

Mạnh Tử đến yết kiến Lương Huệ vương, vua hỏi : 'Ông chẳng ngại đường xa đến đây, ắt cũng có phương pháp chi để làm lợi ích cho nước tôi chớ gì?'. Mạnh Tử đáp: Vua cần gì phải nói việc lợi? Hãy nói việc nhân nghĩa mà thôi. Nếu ở trên, bậc quốc vương nói rằng có cách gì làm lợi cho nước ta? Kế đó, hàng đại phu nói rằng có cách gì làm lợi cho gia tộc ta? Sau đó, hàng sĩ và hạng bình dân nói rằng có cách gì làm lợi cho thân phận ta? Như vậy, từ  trên tới dưới đều tranh  nhau vì mối lợi, ắt vận nước phải lâm nguy đó. (MT, Lương Huệ vương, thg. t. 1).

 

b. Chê khéo.

Lần khác, Lương Huệ vương  đang đứng tên bờ hồ nhìn chim hồng, chim nhạn, nai, hươu. Thấy Mạnh Tử đến, vua hỏi: 'Người hiền có nên vui cảnh nầy không?' Mạnh Tử đáp: 'Nhà vua phải là người hiền đức, rồi mới nên vui hưởng cảnh nầy. Nếu chẳng phải người hiền, dầu cảnh như vậy, cũng chẳng vui hưởng đó.' (MT, Lương Huệ vương, thg. t.2). 

 

c. Kể tội .

Vua Mục công nước Trâu hỏi Mạnh Tử phải xử phạt thế nào những tên lính thấy chủ soái lâm nguy, không  chịu liều thân cứu để bị quân địch giết chết, Mạnh Tử trả lời: 'Trong những năm tai biến, ruộng đất bỏ hoang, mùa màng thiệt hại, dân chúng của vua, người già yếu nằm chết ngang dọc đường mương lỗ cống, kẻ trai tráng tản lạc khắp bốn phương, số nạn nhân già trẻ đến mấy ngàn người rồi. Trong lúc đó, vựa lúa của vua đầy tràn lúa gạo, kho tàng của vua thì dư dật của tiền. Thế mà quan chức của vua không hề báo cáo với vua. Đó là kẻ bề trên coi rẻ mạng người và tàn hại lê dân như vậy. Thầy Tăng-tử xưa có nói rằng : 'Phải coi chừng ! Phải coi chừng ! Ngươi làm cho ai việc gì, thì việc ấy sẽ trả lại cho ngươi như thế'  Này, nay dân chúng chẳng tiếp cứu quan chức, đó là họ trả lại các quan chức đã bỏ bê họ vậy. Cho nên vua chớ  nên buông lời phiền trách họ' (MT, Lương Huệ vương hạ, t. 12)

 

d. Cảnh cáo.

Với các vua chúa thời bấy giờ, đại khái Mạnh Tử bảo rằng : Ngài ưa sắc đẹp cũng không hại, ưa thích của cải cũng không hại, ưa thích ruộng đất, đi săn cũng không hại, ưa thích du ngoạn cũng không hại. Nhưng trong lúc ưa sắc đẹp ngài nên nhớ trong nước đang có cảnh chồng vợ phân ly, trong lúc ưa thích của cải ngài nên nhớ trong nước có cảnh lầm than đói rét; trong khi săn bắn giải trí, ngài nên nhớ trong nước đang có cảnh cha con, anh em, chồng vợ chia ly đau khổ. Nói tóm lại ngài cần nên suy xét chín chắn việc làm của ngài, như vậy ngài mới thi hành được chính sách 'nhân chính'. (MT, Lương Huệ vương, hạ t.5).

 

II.-  Bình đẳng

Trong các bản Tuyên ngôn 1776, 1789, 1948, 'tự do', 'bình đẳng' đều được ghi ngay ở điều 1, một cách tổng quát. Nhưng riêng trong bản 1789, có hạn định rõ hơn 'bình đẳng trước Pháp luật'. Về sau, bản 'Tuyên ngôn 1948 của Liên hiệp quốc (ONU) cũng ghi thêm : 'bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi ' (mà thôi).

Ngày xưa, Mạnh Tử đã nghĩ về vấn đề nầy như thế nào ?

 

1. Bình đẳng trước pháp luật .

Đào Ứng , một môn đệ của Mạnh Tử, hỏi ông: 'Vua Thuấn làm thiên tử, ông Cao Dao coi về hình phạt, nếu ông Cổ Tẩu là cha vua Thuấn giết người, thì ông Cao Dao xử cách nào ? Mạnh Tử đáp : 'Cứ theo phép mà thi hành chớ có gì đâu?' Đào Ứng lại hỏi : 'Vậy vua Thuấn không ngăn cản ư ?' Mạnh Tử đáp : 'Vua Thuấn ngăn cấm sao được ? Pháp luật truyền lại thế nào thì phải thi hành thế ấy'' (MT, Tận Tâm thg, t.. 35). Theo Mạnh Tử, mọi người đều bình đẳng truớc pháp luật, dầu là cha của vua, cũng phải bị xét xử như mọi người, nhà vua không thể can thiệp.

Ngoài ra đây cũng là chủ trương  Tam quyền phân lập.  Mạnh Tử đã ý thức rõ ràng cần phải tách rời quyền Hánh chánh (quyền nhà vua)  và quyền Lập pháp (Pháp Luật), ra khỏi quyền Tư pháp (quyền của thủ tướng Cao Dao, kiêm nhiệm quan tòa xét xử) một điều kiện căn bản  của chế độ Dân Chủ, bảo đảm cho an ninh cá nhân , như đã ghi trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ tháng 11 năm1776, (điều 6) 'quyền lập pháp, quyền tư pháp và quyền hành chánh phải tách tời ra và khác biệt nhau '.

 

2.  Bình đẳng về phẩm cách.

Theo Mạnh Tử: ‘ Phàm những giống đồng loại đều mang một bản tinh giống nhau. Tại sao đối với con người, ta lại nghi ngờ về điểm ấy ?  Các bậc thánh nhân và chúng ta đều đồng loại, cho nên Long-tử có nói rằng : «Dù không biết ni tấc của bàn chân mà đan dép rơm, ta cũng biết chắc rằng không thể nào có thể biến thành cái giỏ ». Những chiếc dép đồng dạng với nhau, vì các bàn chân của người trong thiên hạ đều giống nhau...’ (MT, Cáo tử, thg t.7).

Như vậy, về bản tính con người bình đẳng, tức là cùng có phẩm cách ngang nhau. Ông nói :    « Thánh nhân dữ ngã đồng loại giả » nghĩa là thánh nhân đồng loại với chúng ta. Vua Nghiêu và vua Thuấn cũng giống như mọi người thôi, ta cũng là người, nếu cố gắng thì ta cũng như Ngài.” (MT, Cáo Tử, thg t.7)

 

3 - Trường hợp bất bình đẳng .

Các bản Tuyên ngôn 1789 của Pháp, và 'Tuyên ngôn 1948 của Liên hiệp quốc (ONU) hạn định chỉ bình đẳng trong phạm vi pháp luật, và trong phạm vi phẩm cách mà thôi, tức là ở các phạm vi khác thì bất bình đẳng. Mạnh Tử cũng chủ trương một số ngoại lệ tương tự như thế, tức là có trường hợp bất bình đẳng:

a. Bất bình đẳng, vì khả năng, chức phận khác nhau .

Mạnh Tử nói : ' Bậc cai trị thiên hạ có thể một mình vừa cày ruộng, vừa lo việc hành chính được chăng? Có việc của người làm bằng tâm trí, có việc người làm bằng chân tay. Người làm việc bằng tâm trí quản trị dân chúng, người làm việc bằng chân tay thì chịu quyền điều khiển. Kẻ chịu quyền điều khiển có phận sự cung cấp người bề trên. Nhà quản trị dân chúng được dân chúng phụng dưỡng. Đó là lẽ thông thường trong thiên hạ vậy' (MT, Đằng Văn công, thg, t. 4).

b. Bất bình đẳng, vì ngoại cảnh nhận chìm bản tính. 

Mạnh Tử lại nói : 'Trong những năm dư giả, hạng con em nhiều người tử tế ; trong những năm túng ngặt, hạng con em trở nên hung bạo. Chẳng phải Trời phó cho họ tính chất khác nhau. Mà vì hoàn cảnh nguy khổ nhận chìm cái bản tính lương thiện của họ, cho nên nhiều kẻ mới trở nên hung bạo như thế.  Tỷ như người ta đem lúa mâu và lúa mạch ra mà gieo rồi lấp đất lại. Đất như nhau, cùng trồng lúa một lượt với nhau... tuy vậy số lúa gặt được có chỗ nhiều, chỗ ít. Khác nhau như thế, chẳng do nơi bản tính của hạt lúa, mà do những nhân duyên bên ngoài, như đất chỗ nầy béo tốt, chỗ kia chai phèn, mưa và sương bồi dưỡng miền nầy thiếu mà miền kia đủ, cùng là công phu săn sóc chẳng đồng đều vậy’.

c. Dù bất bình đẳng, vẫn không nên khinh mạn nhau.

 Tuy về phương diện tuổi tác, chức tước, đẳng cấp (trí thức-lao động), đạo đức, con người đều bất bình đẳng, song Mạnh Tử khuyến cáo: ‘Thiên hạ đều tôn trọng ba việc nầy: tước vị, tuổi tác và đạo đức. Tại triều, tước vị được quí nhất; ở làng xóm, tuổi tác được trọng nhất; còn bàn về việc phù trợ vua, giáo hóa dân, thì đạo đức được kính nể hơn hết. Kẻ chỉ được thiên hạ tôn trọng vì một việc (như vua  Tề chỉ có cái tước vị vua) lại đi khinh mạn người được hai việc khác (tức ta có đến hai việc đáng tôn trọng: tuổi tác và đạo đức) sao ? (MT, Công Tôn Sửu hạ, t. 2).

 

III.- Tư hữu

Điều 2 trong Tuyên ngôn 1789,  trình bày 'Tư hữu' như một 'quyền tự nhiên, không hề bị mất hiệu lực'. Ở điều 17,  Tư hữu được coi như một 'quyền bất khả xâm phạm và thiêng liêng', điều 17 của bản Tuyên ngôn qui định rằng: 'Tư hữu chỉ có thể truất bỏ vì lý do 'sự cần thiết cho quốc gia' và lý do ấy được công nhận là chính đáng, nhưng phải được đền bù thích đáng'.

 Mạnh Tử trước đây đã quan niệm về quyền tư hữu như thế nào?

 

1.- Tranh đấu cho Tư hữu.

Mạnh Tử xưa cũng tranh đấu cho tư hữu song dưới cạnh khía đạo đức chính trị quí trọng dân. Ông nói rằng: Nếu không có của cải bền vững, nhưng có lòng dạ bền vững, duy kẻ sĩ mộ đạo mới được như thế mà thôi. Còn người thường dân, nếu không có của cải bền vững, thì họ chẳng giữ được lòng dạ bền vững, họ trở nên buông lung, tà vạy, xa xỉ, không có việc ác nào mà họ chẳng dám làm. Tới chừng đó họ vướng vào tù tội, nhà cai trị cứ chiếu theo luật pháp mà hành hình họ. Đó là nhà cai trị bủa lưới gài bẩy dân vậy. Nếu có một bậc nhân đức ngự trên ngôi vị, người ấy há nở lòng nào bủa lưới gài bẩy dân sao?  Bởi vậy, đấng minh quân chế định điền sản mà chia cho dân cày, khiến họ trên đủ phụng dưỡng cha mẹ, dưới đủ nuôi nấng vợ con, nhằm năm trúng mùa thì mãi mãi no đủ, phải năm thắt ngặt thì khỏi phải nạn chết đói ' (MT, Lương Huệ vương thg. t 7)

 

2. Tư hữu hóa để cải tiến dân sinh.

  Mạnh Tử còn đưa ra một chương trình thực hiện: 'Nếu chính phủ chẳng đoạt mất thì giờ cấy gặt của những gia đình làm ruộng trăm mẫu, thì trong nhà tám miệng ăn chẳng đến nỗi đói khổ. Nếu chính phủ cẩn thận lo việc giáo dục trong các truờng học là trường công và trường tư, cần nhất là dạy về nết hiếu và nết để, thì những người đầu bạc hoa râm khỏi phải đội nặng, gánh nhọc mà đi bộ trên đường xa. Trong nước người già cả có lụa mà mặc, có thịt mà ăn, và dân đen khỏi đói, khỏi lạnh, thì thế nào nền cai trị cũng được thịnh vượng. (MT, Lương Huệ vương thg. t 7). Mạnh Tử bênh vực quyền tư hữu không nhằm vào tư bản thành thị mà mục đích cải tiến đời sống của dân nghèo cực ở thôn quê, về vật chất cũng như về phương diện giáo hóa. Đối tượng để thuyết phục vẫn là các vua chúa, các nhà cầm quyền đương thời.

 

IV.- An ninh

Các Tuyên ngôn 1789, 1791, 1793,  thuộc về an ninh, có kể đến quyền không bị bắt giam một cách độc đoán' (đ. 8),  không bị tra tấn, hành hung (đ. 5), có quyền được pháp luật che chở (đ. 7). có quyền làm việc (đ. 23), có quyền nghỉ ngơi (đ. 24), có quyền được đủ ăn, sinh sống cho mình và cho gia đình (đ. 25) có quyền được giáo hóa (đ. 26). Tuyên ngôn 1776 của Mỹ ghi thêm 'Quyền sinh sống và đi tìm hạnh phúc' (đ.1). 

Ngày xưa Mạnh Tử đã bàn về vấn đề nầy như thế nào?

 

1.  Tôn trọng sinh mạng nguời dân.

Trước tiên và quan trọng nhất đối với dân chúng thời bấy giờ an ninh là không bị chém giết một cách bất công, không bị hình phạt tàn nhẫn, tàn sát vì chiến tranh do các vua say mê tư dục gây nên.

Mạnh Tử luôn luôn  nhắc lại với các nhà cầm quyền đương thời lời dạy của Khổng-tử: 'Muốn cai trị cần chi phải dùng sự chém giết.  Nếu nhà vua làm thiện thì dân chúng sẽ trở nên thiện hết.'  (Luận Ngữ, XIV Nhan Uyên, t. 18). Với Tề Tuyên vương, có lần Mạnh Tử gạn hỏi: 'Vua định gây ra chiến tranh, làm hại mạng tướng sĩ và binh lính, kết thù oán với các nước chư hầu, có như vậy vua mới thỏa dạ sao?  (MT, Lương Huệ vương thg. t 7)

 

2. Tôn trọng đời sống của dân.

Mạnh nói với Lương Huệ vương :  'Bậc làm Vua cần phải thi hành phép cai trị nhân đức đối vơi dân: giảm hình phạt, bớt thuế liễm, khiến dân siêng lo việc cày sâu cuốc bẫm, làm vườn làm tược...thì mọi người trong thiên hạ  sẽ quay đầu ngưỡng cổ trông về vị ấy, tràn trề hy vọng  (MT, Lương Huệ vương thg. t 6).  (Nhưng) 'Hiện nay có nhà vua để cho loài chó heo ăn hết đồ ăn của người, mà chẳng biết cấm ngăn; còn trên đường thì nằm đầy những kẻ chết đói, thế mà vua chẳng chịu xuất lúa ra mà phát chẩn cho dân. Dân chết, vua nói rằng : Chẳng phải tại ta, tại năm thất mùa đó'. Như vậy có khác nào kẻ đâm người ta cho đến chết, tồi nói rằng : ‘Chẳng phải tại ta, tại mũi dao đó thôi' (MT, Lương Huệ vương thg, t. 3). 'Nếu  nhà vua làm chậm trễ công việc làm ăn sinh sống của dân,  khiến cho việc cày cấy bê trễ, nghèo đói, không có của cải bền vững, thì lòng dạ họ trở nên buông lung, tà vạy, xa xỉ, chẳng có việc ác nào mà chằng dám làm. (MT, Đằng Văn công thg, t. 3) thì làm sao có an ninh được! 

3. Một cuộc sống được giáo hóa yên lành vui thỏa.

 Mạnh Tử nói :Cai trị giỏi thâu hoạch dân chúng bằng cách giáo hóa. Cai trị bằng cường quyền khiến cho dân sợ sệt, giáo hóa bằng nhân đức làm cho dân yêu mến. (MT, Tận Tâm thg, t. 14). Và nếu chính phủ cẩn thận lo việc giáo dục trong các truờng học, cần nhất là dạy về nết hiếu và nết để, thì những người đầu bạc hoa râm khỏi phải đội nặng, gánh nhọc mà đi bộ trên đường xa. Trong nước người già cả có lụa mà mặc, có thịt mà ăn, và dân đen khỏi đói, khỏi lạnh, thì thế nào nền cai trị cũng được thịnh vượng. (MT, Lương Huệ vương thg. t 7). Làm phát huy tính thiện trời đã phú cho con nguời (nhân chi sơ tính bản thiện), đề người dân có lòng trắc ẩn (lòng thương người, có lòng chẳng nỡ đối với kẻ khác), tỉ như thấy một đứa bé rơi xuống giếng, ai cũng động lòng thương xót, muốn cứu, nếu không cứu thì tự nhiên ta thấy xấu hổ. Không biết xấu hổ, không phải là con người. Một khi biết xấu hổ khi phạp pháp, người dân sẽ trở nên thiện, xã hội có an ninh, trật tự, đời sống của dân sẽ yên lành . (Công Tôn Sửu, thg, t. 6).

 

V.- Chống lại mọi áp bức

 

Tuyên ngôn 1776 của Hoa Kỳ trong điều 1, ghi rõ hơn : 'Chúng ta' có bổn phận tự chống lại mọi áp bức bất công

Mạnh Tử chủ trương  chống lại mọi áp bức bất công như thế nào?

1. Bất hợp tác .

 Trước tiên, theo Mạnh Tử, nếu vua ra lệnh giết những nhà trí thức vô tội,  thì quan đại phu nên bỏ đi, nếu vua ra lệnh giết người bình dân vô tội, thì hàng trí thức nên liệu mà dời chân, không cộng tác (MT,Ly Lâu hạ, t4).

 

2.  Phản ứng quyết liệt.

 Nhưng một khi vua ra mặt độc tài tàn ác, thẳng tay áp bức dân chúng, thì Mạnh Tử chủ trương phải phản ứng quyết liệt theo gương người xưa, thực thi cuộc 'cách mạng Thang, Võ, hạ sát hôn quân’:  Sử Trung Hoa chép : Vua Kiệt, vua Trụ vì hoang dâm vô đạo, bạo hành, bất công, không làm tròn sứ mạng trị quốc an dân Trời giao phó cho, Trời thu hồi sứ mệnh lại. Thành Thang đứng lên giết vua Kiệt, Võ Vương đứng lên diệt vua Trụ. Tư Mã Thiên, sử gia Trung Hoa, gọi đó là cách mệnh Thang, Võ (cách: lột bỏ/ mệnh: sứ mệnh). Tề Tuyên Vương chất vấn Mạnh Tử: 'Thành Thang đuổi vua Kiệt, Võ Vương đánh vua Trụ, có thật như vậy chăng?' Mạnh Tử đáp: 'Trong sử sách có chép như vậy'. Tuyên Vương hỏi tiếp: 'Bề tôi mà giết vua có nên chăng?' Mạnh Tử đáp rằng: 'Kẻ làm hại đức nhân, gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ Vương giết một người thường là Trụ, chớ tôi chưa hề nghe giết vua.' (MT, Lương Huệ Vương hạ, tiết 8).

Có lần Mạnh Tử  nói toạc ra với Vạn Chương, môn đệ của ông: 'Giết những vị vua hôn bạo để giải cứu cho dân, bá tánh đều mừng rỡ như được mưa tuôn phải lúc' (MT, Đằng Văn công, hạ t. 5). Và chính Mạnh Tử đã nói thẳng với vua Tuyên vương nước Tề rằng : 'Vua mà coi tôi như tay chân, ắt tôi sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi tôi như chó ngựa, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ qua đường. Vua mà coi tôi như bùn rác, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ cướp, kẻ thù' (MT, Ly Lâu hạ, tiết 3). Rồi ông cảnh cáo các vua: 'Nếu người làm vua tàn bạo với dân thái thậm, thì thân mình bị giết, nước nhà cũng diệt vong, chẳng còn để ngôi vị cho con cháu (MT, Ly Lâu thg, t. 2))

B.- Quyền Công dân

 

Nếu Quyền Con Người được coi như những 'quyền tự nhiên', thì trái lại 'Quyền Công Dân' là những 'quyền công cộng' với những chức vụ 'tham gia' hay 'can thiệp’để bảo đảm các 'quyền tự do tự nhiên cho xã hội’.  Quyền tham gia và quản trị quốc gia: Mọi người đều có quyền đi bầu luật pháp, có quyền làm công chức (đ. 6). Quyền can thiệp và chất vấn việc quản trị quốc gia: Mọi người đều có quyền bầu, hạn chế  thuế khóa (đ. 14), chất vấn nhân viên công quyền (đ. 13)

Mạnh Tử đã bàn về các quyền trên đây như thế nào??

I.- Quyền tham gia quản trị quốc gia

Mạnh Tử là người đầu tiên đã xướng lên 'Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh'thay đổi ngôi vua, lập lên mội vị hiền quân...(MT, Tận Tâm hạ, tiết 14). 

Theo Mạnh Tử, quốc gia không phải của riêng của vua. Vạn Chương, một môn đệ của Mạnh Tử, hỏi rằng ngày xưa vua  Nghiêu đem « thiên hạ » (tức là dân chúng toàn quốc) tặng cho ông Thuấn, việc ấy có không ? Mạnh Tử đáp không có chuyện ấy, vua không có quyền lực gì mà đem thiên hạ tặng cho người khác được. Chỉ có Trời mới có quyền ấy. Vạn Chương lại hỏi Trời đâu có thấy nói gì, mà bảo tặng cho sao được? Mạnh Tử giảng đại khái rằng: «Trời không bao giờ nói, chỉ lấy công việc làm và thành tích để bày tỏ ý Trời mà thôi.  Những việc xuất tại ý Trời sẽ biểu lộ qua các hành động và những thành tích của loài người, của dân chúng. Vua Nghiêu chỉ có thể tiến cử ông Thuấn, chứ không có quyền khiến Trời phải đem thiên hạ cho ông Thuấn. Nhưng khi vua Nghiêu đề cử ông Thuấn, Trời thấy ông Thuấn có tài đức nên chấp nhận. Trời không tỏ ra lời, mà chỉ ngấm ngầm cảm động dân chúng đứng lên ủng hộ ông Thuấn. Vậy lòng dân tức là ý Trời ». (M T, Vạn Chương thg, t. 5).

Chấp nhận quyền của người dân, thì phải  để cho mọi người dân được tham gia phát biểu ý kiến của họ, nhà cầm quyền  không những phải tôn trọng ý kiến của đa số quần chúng mà còn phải làm theo ý kiến ấy nữa. Mạnh Tử khuyên Tề Tuyên vương rằng : 

'Như những quan hầu cận bên tả bên hữu đều cho rằng người nào đó là hiền tài, mình chớ vội tin. Như các quan đại phu trong triều đều cho rằng người nào đó là trang hiền tài, mình cũng chớ vội tin.  Như khắp cả nước, người ta đều cho rằng người nào đó là trang hiền tài, chừng ấy mình mới quan sát.  Khi nhận thấy quả thật là trang hiền tài, chừng đó mình mới cử dùng. 

“Như những quan hầu cận bên tả bên hữu đều cho rằng người  nào đó chẳng tốt, mình chớ nghe theo. Như các quan đại phu trong triều đều cho rằng người nào đó chẳng tốt, mình cũng chớ nghe theo. Như khắp cả nước, người ta đều cho rằng người nào đó chẳng tốt, chừng ấy mình mới quan sát. Khi nhận thấy quả thật chẳng tốt, chừng đó mình mới bỏ ra.

“Như những quan hầu cận bên tả bên hữu đều cho rằng người  nào đó phạm tội đáng chết, mình chớ nghe theo. Như các quan đại phu trong triều cho rằng người nào đó phạm tội đáng chết, mình cũng chớ vội nghe theo. Như khắp cả nước, người ta đều cho rằng rằng người  nào đó phạm tội đáng chết, chừng ấy, mình mới quan sát. Khi nhận thấy là phạm tội đáng chết, chừng đó mình mới ra lệnh giết.  Đó là dân chúng toàn quốc đều đồng tâm, hiệp ý, nếu vua làm theo như vậy, mới đáng gọi ngài là cha mẹ dân'( MT, Lương Huệ vương, hạ, t. 7)

 

II.- Quyền can thiệp vào việc quản trị quốc gia.

Về quyền can thiệp vào quản trị, Mạnh Tử có lần hỏi vua Tề:' Tỷ như có một vị quan sĩ sư, đầu ty hình pháp, chẳng đủ sức cai quản các thuộc hạ của mình, thì nên xử trí cách nào ? Vua đáp : Nên cách chức quan sĩ sư ấy đi. Mạnh Tử hỏi tiếp : Tỷ như có một vị vua cai trị mà để cho bốn phương đều rối loạn, thì nên xử trí cách thế nào ?  (Nghe lời ấy) vua Tề Tuyên vương giả đò ngó bên tả bên hữu và nói chuyện khác' (MT, Lương Huệ vương, hạ, t. 6). Mạnh Tử nói thêm: 'Kiệt và Trụ mất thiên hạ (tức mất ngôi vua) vì mất dân chúng, mất lòng dân... Muốn được lòng dân, có một phương pháp nên theo : dân muốn việc chi, nhà cầm quyền nên cung cấp cho họ ; dân ghét việc chi, nhà cầm quyền đừng thi thố cho họ...' (MT, Ly Lâu thg, t. 9)

        Ông cũng trách Tề Tuyên Vương : 'Bá tánh chẳng được ngài bảo hộ, chỉ vì ngài không ban bố ân huệ cho họ. Vậy nên vua chẳng gây dựng nghiệp vương, chỉ vì ngài chẳng chịu làm mà thôi, chứ không phải ngài chẳng đủ sức làm' (MT, Lương Huệ Vương thg, t. 7)

         

C.- Tinh thần Dân quyền ở Việt Nam

 

Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm, theo chế độ quân chủ Nho giáo phong kiến biết bao nhiêu đời, nên trong sự quan hệ vua tôi của dân gian,  đối chiếu với chủ trương "dân quyền" của Mạnh Tử, hẳn cũng không khỏi có ít nhiều điểm tương đồng hay dị biệt, đáng kể nhất là quan niệm ‘Trung quân’ tương quan giữa quyền nhà vua và quyền của người dân, được làm vua, thua làm giặc,  về Tổ chức Hương thôn và xã hội tương quan giữa phép vua và lệ làng do dân bầu ra.

 

  I.-  Vấn đề Trung quân

 

Dân ta cũng quan niệm như Khổng tử và Mạnh tử rằng vua là một đại diện cho Trời để cai trị dân, làm cho dân được sống an lành, no ấm. Nhưng nhà cầm quyền phong kiến lại dựa vào “tam cương, ngũ thường” của Nho giáo để ép buộc người dân phải tuyệt đối trung với vua.

Có điều là trải qua bao nhiêu triều đại, dân ta nghiệm thấy rằng thời nào cũng vậy, các vị anh hùng dựng cờ khởi nghĩa chống ngoại xâm, thu hồi độc lập cho đất nước, khai sáng một triều đại cho con cháu mình, phần nhiều là những vua thật tình yêu thương dân, làm tròn sứ mạng Trời đã trao cho.

Còn về sau, con cháu các vị ấy, với sự giàu sang, quyền thế quá mức, dần dần bị hủ hóa, hư hỏng, không lo cho dân, trái lại trở thành những bạo chúa, độc tài, trụy lạc, làm cho dân bị nghèo cực, cho đất nước bị khốn khổ, đó là những tên 'giặc dân' như Mạnh-tử đã nói trên đây.

Rồi không biết có nhà Tống Nho nào đã xướng ra một câu rất tai hại là : 'Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung', vua ra lệnh tôi phải chết, tôi không chết không trung! 

        Vậy Tống Nho là gi ? Đời nhà Trần, học phong thật là rực rỡ. Nho giáo toàn thịnh. Nhưng cuối đời Trần, Tống Nho (Nho giáo đời Tống) bắt đầu truyền sang nước ta.

Trước kia, ở thời Mạnh Tử, như đã trình bày trên đây, các vua chư hầu đua nhau chiêu mộ nhân tài để giúp cho nước mình giàu mạnh hơn thiên hạ. Do đó "chư tử bách gia" được tự do tranh luận nhau, và có khi tranh luận cả với các vua chư hầu nữa. Nhưng rốt cuộc, học thuyết "dân quyền" ở thời "hoàng kim" nầy vẫn không được vua nào nghe theo. Về sau, Tần Thủy Hoàng chỉ dựa vào học thuyết của phái Pháp gia để cai trị, ra lệnh thiêu hủy tất cả sách vở của Nho giáo, và của các học thuyết khác. Khi nhà Tần bị diệt, Hán Cao Tổ cho sưu tầm các bộ tứ thư ngũ kinh còn sót lại, phục hưng Nho giáo một cách độc tôn. Nho giáo độc tôn lúc ấy lại phân thành nhiều phái tư tưởng khác nhau, song học giả ai muốn theo phái nào cũng được. Đến thời Tống Nho nổi lên, bác hết các học phái khác, không những đã dùng lò khoa cử mà bó buộc học giới như các đời trước, lại còn hạn chế học Kinh Truyện Nho giáo để đi thi phải theo lời chú giải của các sách do triều Tống cho soạn ra, như sách 'Tứ thư Ngũ kinh''Tánh lý đại toàn' là loại sách thu hẹp Nho giáo lại thành một thứ Nho giáo “tôn quân” triệt để cho tiện bề cai trị.

Vì thế, từ thời « hoàng kim » cho đến thời Tam Dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, Trung hoa chưa biết đến Tam Quyền phân lập (quyền Lập pháp, quyền Tư pháp, quyền  Hành pháp) cũng như Dân quyền, Dân chủ là gì. 

 

1.- Nho sĩ

 Bàn về vấn đề "trung" với vua, Trần Trọng Kim, trong tác phẩm Nho giáo, đã phân biệt chữ "quân" là người cầm đầu, với chữ "vương" là vua:

            "Khổng giáo cho "quân quyền" (quyền của người cầm đầu) là cái thần khí, làm chủ sự trị loạn của nhân dân, cho nên mới nói "trung quân" (trung với người cầm đầu) chứ không nói "trung vương", "trung đế" (trung với vua, với hoàng đế). Về sau, ta theo lối chuyên chế mà hiểu cái nghĩa "trung quân" hẹp đi, cho nên mới nói "trung quân" là "trung với nhà vua". Song Khổng giáo có dạy rằng: "Trung thần tòng đạo bất tòng quân", (tôi trung phục tùng đạo lý chớ không phải phục tùng theo người cầm đầu, theo nhà vua), chính là để chữa lại cái hẹp của quân vậy".

Tiên Nho ta ngày xưa không dùng chữ "trung quân", mà chỉ dùng thành ngữ "ưu quân, ái dân", tức là "lo việc cho vua, yêu thương dân chúng", gọi tắt là "ưu ái" hay "ái ưu" mà thôi. Nguyễn Trãi (1380-1442), trong Quốc âm thi tập đã viết:

                        Bui (chỉ vì) một tấc lòng ưu ái  cũ,

                        Đêm ngày cuộn cuộn nước triều đông. (Qâ. 50)

                        ...Tóc nên bạc bởi lòng ưu ái,

                        Tật được tiêu nhờ thuốc đắng cay. (Qâ.112)             

                        ...Gia sơn đương cách muôn dặm,

                        Ưu ái  lòng phiền nửa đêm.   (Qâ.115)

            Trong Bạch Vân Am quốc ngữ thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) cũng viết:

                        Ái ưu vặc vặc trăng in nước

                        Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa. (BV. 1)

                        ...Ưu ái chẳng quên niềm trước,

                        Thị phi biếng nói sự nay. (BV.76)

 

2.- Dân gian

 Dân ta cũng quan niệm rằng « nghĩa vua tôi », thể hiện cho trọn vẹn, bao giờ cũng phải theo hai chiều: tôi đối với vua, và vua đối với tôi. Dân có nghĩa vụ đối với vua, thì vua cũng có nghĩa vụ đối với dân. Nếu vua không làm tròn trách vụ chăm lo cho dân yên vui, no ấm, thì dân không khỏi sinh ra khinh thường, phạm thượng:

                        Làm trên mà chẳng chính ngôi, khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.

       Rồi nếu vua không giúp cho dân được yên lành, no ấm, mà còn tàn ác bạo ngược, thì lòng người sinh ra oán hận thù ghét, giặc giã sẽ nổi lên:                                               

                        Bao giờ dân nổi can qua ,

                        Con vua thất thế lại ra ở chùa.

Chú giải - Can qua: (Can: cái mộc, qua: cái mác), là những binh khí đánh giậc. Can qua tượng trưng cho "chiến tranh, binh loạn".

 Tục ngữ ta ngày xưa còn cho rằng: Được làm vua, thua làm giặc. Câu nầy có thể hiểu: Thói thường, mạnh được, yếu thua. Kẻ thắng tự xưng chính thống, và gọi kẻ bại là giặc. Đây cũng là một lời dân gian nghiêm khắc cảnh cáo những kẻ cầm đầu quốc gia: "Nếu chính sự hà khắc, tàn ác, dân gian sẽ nổi lên lật đổ. Một khi bị đánh bại, sẽ bị gọi là giặc, và sẽ chịu số phận dân gian dành cho những tên giặc cướp. Kẻ tàn ác nhờ bạo lực, gian trá mà thắng, cũng được gọi là "vua", nhưng triều vua tàn bạo nào cũng chỉ nhất thời. Còn dân, căn bản của quốc gia, bao giờ cũng tồn tại mãi mãi:

                        (Vua) quan nhất thời, dân vạn đại.

 

3.- Học thuật

 Như vừa nói trên, vào cuối đời Trần, Tống Nho bắt đầu du nhập vào nước ta, người mình sùng bái ngay, song nhờ  học phong nhà Trần chưa suy diệt hẳn, có người được tự do lên tiếng chống đối, bài xích, như : Chu Văn An, dưới đời Trần Minh Tông (1314-1329), làm Quốc tử giám Tư nghiệp và dạy các hoàng tử, soạn sách 'Tứ thư thuyết ước', học thuyết của ông là 'cùng lý, chánh tâm, trừ tà, cự bí ' chống lại Tống Nho, và chú trọng về phương diện thực hành của Nho giáo. Sau đó, Hồ Quí Ly làm bản Minh đạo (14 thiên) trích bốn nghi vấn  trong Luận Ngữ, và chê Chu, Trình đời Nam Tống là học rộng mà tài sơ, không thiết gì sự tình mà chuyên nghề cắp lột.

  Chỉ trong thời gian chỉ gần vài mươi năm (từ khi nhà Hồ mất năm 1406 đến 1428 vua Lê Thái Tổ) Tống Nho nhờ thế lực quân Minh truyền bá mạnh mẽ vào nước ta, bao nhiêu tinh túy  từ nhà Trần về trước bị quét sạch.  Văn học nhà Lê , người ta thườnh cho đời Lê Thánh Tông là thạnh nhất, nhưng lại toàn là luận điệu của Tống Nho. Đến cuối nhà Lê, đời vua Chiêu Thống, có Bùi Huy Bích viết 'Kinh Truyện' và 'Sử  Tiết yếu' theo kiểu sách 'Tánh lý đại toàn' đời Tống (mà trình độ lại thấp kém hơn nhiều) tóm tắt chương trình Khổng giáo, để học cho mau và thi cho đễ. Nhưng ở đời Tự Đức, Nguyễn Thông (1827-1884) người Bình Thạnh, nay thuộc tỉnh Long An, dâng sớ xin bỏ sách ấy, vì cho là hoặc thế vu dân, làm hại học trò, các quan trong triều trái lại, cho rằng dùng sách ấy cho tiện việc thi cử của con em mình, nên không chịu bỏ. Nguyễn Siêu, hiệu Phương Đình, người Quảng Nam, Nguyễn Bá Nghi, hiệu Sư Phần, người Quảng Nghĩa, có viết sách xin sửa đổi bỏ phép học theo Tống Nho. Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) người Bùi Chu, Nghệ An, dâng nhiều bài sớ xin cải cách nhiều việc, trong đó có việc bỏ học và thi cử theo Tống Nho, Tự Đức xem cho là hay, mà triều thần lại không đồng ý.

        Gần 500 năm (1428-1919) Nho giáo hạn hẹp trong lề 1ối Tống Nho, đã ngự trị trên Việt Nam một cách bất di bất dịch. Hậu quả là làm cho học vấn dân ta bị thu hẹp trong việc học thuộc một số sách Nho giáo 'triệt để trung quân', một thứ Nho giáo thu hẹp, với những ý niệm có sẵn, khuôn khổ nhất định, lười suy xét, hay không dám suy xét ra ngoài lề lối chính thống, nhất là không thấy bao giờ dám đề cập đến các tư tưởng có tính cách phóng khoáng tự do, tôn trọng giá trị con người, và thực dụng như của Mạnh-tử hoặc của một học phái nào khác. Gọi là theo học đạo thánh hiền, mà thật ra chỉ vùi đầu trong một số sách, cốt thế nào cho thi đỗ để vinh qui bái tổ, ra làm quan,  giàu sang phú quí. Còn vua quan thì dùng Tống Nho và hệ thống thi cử của Tống Nho, mang danh là Đạo của Thánh hiền, làm một phương tiện để cai trị cho dễ bề bóc lột, áp bức.

 

II. Tổ chức Hương thôn

1.- Bầu Lý trưởng .

 Ngày xưa ở nước ta, từ cấp huyện trở lên, tổ chức theo quân chủ, vua chỉ định, bổ dụng tất cả quan lại trong toàn quốc. Song ở cấp làng xã, thôn xóm, vua ta lại công nhận cho toàn dân bầu lên một lý trưởng  để quản lý làng xã và đại diện cho làng xã liên lạc với huyện phủ sở tại; và bầu các hương chức giúp việc với lý trưởng, cũng như bầu người có uy tín sung vào Hội đồng kỳ mục, để cố vấn, giám sát lý trưởng.

     Theo Đại Việt Toàn Thư, năm 1669, Lê Huyền Tông (1663- 1671) có ban 18 định lệnh làm chính trị tốt, bỏ tập tục xấu, mà điều thứ 9 là "chọn các con em nhà lương thiện làm xã trưởng để dạy xã dân biết lễ nghĩa."

     Trong Lê Triều chiếu lệnh thiện chính có ghi rõ thêm về điều thứ 9 ấy như sau:

     "Chức xã trưởng là một viên chức giữ phong hóa; phải chuyển tư cho huyện quan ở các huyện trong xứ, chuyển sức cho xã dân, kén chọn trong con em các nhà lương gia, các nho sinh, các con cháu quan viên, các nhiêu nam, các sinh đồ, cùng là người nào có học thức, tính hạnh thanh liêm công bằng và cần cán, bầu lấy một người làm xã quan, để cho viên ấy làm tiêu biểu cho hương xã, khám xét các từ tụng, cùng là hàng năm hai kỳ xuân thu, theo những giáo điều của nhà nước mà dạy bảo xã dân, khiến cho dân biết điều lễ nghĩa, khuynh hướng vào nhân nhượng. [...] Cứ ba năm, cho phép huyện quan khảo khóa các xã quan một lần, xét trong các xã quan, xã sử, xã tư (phó xã quan) ai có đức hạnh liêm chính, biết dạy dân làm tốt phong tục, dẹp được việc kiện tụng, thì trình lên [...],  thăng quan làm huyện quan, xã sử, xã tư cũng chuyển thăng làm xã quan, để tỏ lòng khuyến khích. Nếu trên nha môn có việc quan sai khiến sự gì, chỉ được phép bắt xã sử, xã tư cùng với thôn trưởng đi chỉ dẫn, chứ không được trách cứ đến xã quan, để cho viên nầy có tư cách mà làm việc. Ai trái lịnh nầy, cho phép xã quan được tố cáo, sẽ khép vào tội trái lịnh.

     "Ví bằng xã quan, viên nào tham nhũng gian giảo, và làm bậy, cho phép xã dân ấy tố cáo với huyện quan; một khi xét có sự thực, việc nhẹ thì bắt phạt, việc nặng thì bắt  tội phải sung quân. Khi ấy sẽ bầu lại xã trưởng khác, để tiếp tục công việc làm tiện lợi cho dân xã. Nếu huyện quan khảo khóa mất sự thực, cũng bị tội biếm hay bãi chức

     Cách tổ chức làng xã theo lối "bầu cử" đã tồn tại cho đến cuối đời nhà Nguyễn và cho đến thời Cọng Hòa Quốc Gia gần đây. Như thế, "bầu cử" xã trưởng, tôn trọng tư cách "đại diện cho dân”  và "chức vụ "gìn giữ phong hóa" của xã trưởng, đã là một tập tục trong sinh hoạt chính trị nông thôn Việt Nam tôn trọng dân quyền trong bao nhiêu thế kỉ từ lâu rồi. Đồng thời để nhắc nhở "cử tri đi bầu phải chọn người thế nào cho đúng", và "người được bầu ra phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho làng xã", dân gian ngày xưa có kể lại các ngụ ngôn như sau:

 

Truyện con công và làng chim -

"Một hôm, làng chim hội họp đủ mặt, không thiếu một ai. Nhiều anh cất tiếng xin làng cử anh Cò làm lý trưởng. Anh Cò nghe nói, vội vàng từ chối: "Các anh coi tôi: khăn trắng, áo trắng, thật không xứng đáng chút nào. Đây có anh Diệc, cổ dài, vai rộng, tôi xin nhường.". Diệc nghe Cò nói cũng mau miệng chối từ: "Các anh đã biết mình tôi lẳng khẳng, tính tôi ương ương. Tôi nói chẳng ai nghe, sợ sau sinh ra lắm chuyện. Đây có anh Công, trong nhà giàu có, quần xanh áo tía, thật đáng làm anh, làng ta nên thuận tình bầu anh ấy ra làm việc.

 "Công nghe nói đến mình, lấy làm hả dạ, chạy ra giữa đám, giương cánh xòe đuôi, múa may ưỡn ẹo, rồi thưa với làng:

- Làng đã bảo đến, biết tránh làm sao. Vậy những ông nào thuận tình tôi, xin ký kết vào giấy.

"Không ngờ bao nhiêu loài chim đồng thanh nói to lên rằng: "Cái đuôi anh xòe, chúng tôi chịu là đẹp thật. Nhưng cái đầu anh bé nhỏ, trông nó loắt choắt làm sao, anh làm đàn anh chúng tôi không được. Làng bảo thì bảo, chúng tôi không thuận".

"Công thấy thế, chữa thẹn nói rằng: "Việc làng đã thuận, kẻ nói thì có người nghe. Không ngờ người nghe thì ít, kẻ chê thì nhiều. Tôi lấy làm xấu hổ cho tôi và cả làng chim tôi nữa".

"Làng chim nhao nhao, không ai thèm nghe Công, giải tán tức thì. Công cụp đuôi, thu cánh, vừa lùi vừa kêu: "xấu hổ! xấu hổ!". Rồi từ đó đến nay, Công kêu hai tiếng "xấu hổ" ấy mãi."

 

Truyện Lý trưởng khướu

  "Xưa có một người lý trưởng làm việc đã hơn mười năm. Thường trong làng xóm, ai có điều gì khốn khổ,ông liền lên quan kêu hộ, coi việc của người hơn việc của mình.

Phải một năm trời làm đại hạn, cây cỏ khô héo, hoa quả chết sạch, đến mùa sưu thuế, dân gian khốn khó, không biết làm thế nào lo đủ tiền nạp. Lý trưởng khướu thấy tình cảnh dân như vậy, lấy làm thương xót, mới làm một lá đơn lên kêu quan hộ dân. Đơn rằng:  

 Trời làm đại hạn rã rời

 Việc dân thì nặng, quan thời thương cho!

                        Ngoài đồng cỗi lúa mất mùa,   

                        Về nhà bông đỗ đã khô đi rồi. 

                        Dân thì kẻ ngược, người xuôi,  

                        Kẻ tán, người lạc, ai người làm chi.

                        Trời làm tai nạn còn gì,

                         Xin quan nghĩ lại bớt đi ít nhiều.

 "Quan xem đơn vỗ bàn mắng rằng: "Ta chưa hề thấy thằng lý trưởng nào xấc láo như thằng nầy. Việc thì khe khắc, đã không chịu làm, lại được cái già hàm, dám lên đây kêu ca rắc rối! Lính đâu, nọc nó ra đẹt cho nó ba chục roi".

"Người lý trưởng nói: "Quan đánh, tôi xin chịu. Tôi chẳng sợ chi. Bổn phận tôi làm lý trưởng, tôi phải hết lòng kêu giúp cho dân. Quan không soi xét, nghĩ đến tình cảnh của dân, thì tôi cũng tôi liều mạng tôi cho rồi...

"Nói đoạn người lý trưởng cắn lưỡi tự tử. Ông quan phải bồi mạng cho người lý trưởng và phải cấp tiền tống táng. Về sau, trên mộ người lý trưởng tự nhiên có một cây gì mọc lên rất cao, và có một con khướu thường ngày cứ chót vót trên cây mà hót. Thiên hạ cho con khướu ấy là hiện thân của người lý trưởng, và khi nào nghe nó hót thì người ta bảo nhau ca một câu rằng:         

Cây cao gió đánh lá lay,

Thương thân con khướu kêu ngày, kêu đêm.

 

2.- Bầu  hương ước .

 Ngoài luật nhà vua, ngày xưa mỗi làng có thể bầu ra những điều lệ riêng cho mình, gọi là "hương ước", trình lên huyện, phủ sở tại để chấp thuận. Những hương ước (hay "lệ làng") ấy lại thường được dân gian tuân theo chặt chẽ hơn luật pháp của vua. Tục ngữ có câu: Phép vua thua lệ làng.

Chắng hạn như trong hương ước của xã Mộ Trạch, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (Bắc phần), ở điều thứ 6 có ghi: "Dân làng có việc tranh chấp phải qua lý trưởng xét xử trước đã, không được kiện thẳng lên huyện, phủ, nếu không tuân, bị phạt một trâu và sáu vò rượu".

Tưởng không thể không nhắc đến cuộc "vua trưng cầu dân ý " lịch sử nhất của dân tộc Việt: Vào năm 1285, khi quân Nguyên tràn sang xâm chiếm nước ta, Trần Nhân Tông triệu tất cả bô lão trong nước đến điện Diên Hồng để hỏi ý kiến của toàn dân nên đầu hàng hay chống lại. Tất cả bô lão đồng thanh hô to: "Xin đánh!"

 

3.- Quyền ứng thí

 Nước ta vào đời nhà Trần, năm 1227, có khoa thi đặc biệt cho những người tu hành để làm đạo sĩ, tăng nhân, gọi là “thi tam giáo “, thí sinh là những người nối nghiệp các nhà Nho giáo, Đạo giáo và Thích giáo. Năm 1228, mở kỳ thi “Lại viên bằng thể thức công văn”, chọn người vào làm việc thuộc lại các cơ quan chính quyền. Thí sinh là những người có học hành chút đỉnh, chỉ cần biết qua các thể thức văn thư. Năm 1232, mở Quốc Tử viện cho con các quan văn vào học để dự thi. Năm 1252, cho con thường dân người nào tuấn tú cũng  được theo học với con các quan ở Quốc tử Giám để cùng đi thi với nhau. Như  vậy, mọi người đều có quyền đi thi.

 

4.- Quyền đổi giai cấp

  Đời nhà Trần, từ các nhà tu hành, các người có học chút ít, cho đến con thường dân tuấn tú, mọi người trong nước, bất cứ sang hèn, , đều có quyền đi thi, bình đẳng nhau, nếu ai thi đỗ sẽ được ra làm quan. Từ hạng bần nông, được chuyển sang hàng quyền quí, như thế quả thật  không có ranh giới cứng rắn giữa các giai cấp ở xã hội Việt Nam từ thời xa xưa..

Đến thế kỷ 15, đời nhà Lê, bỏ tục con cái các đại thần nối nghiệp cha, ra làm quan. Mà từ nay muốn ra làm quan phải thi đỗ. Toàn dân có quyền đi thi. Mọi người đều có cơ hội nhờ thi đỗ mà trở nên có quyền bính, sang giàu. Thế kỷ 19, đời nhà Nguyễn, việc thi cử cũng như trước, lớp trí thức xuất thân khoa cử được coi trọng. Hàng quí tộc, cha truyền con nối như thời Lý Trần không còn nữa. Với học vấn người ta có chuyển đổi giai cấp một cách dễ dàng.

       Tóm lại, về các quan niệm “trung quân”, “tổ chức thôn xã“, qua các truyện kể, các câu ca dao, tục ngữ, ta nhận thấy Việt Nam từ xưa đã có một thể chế rất đặc thù, không giống một nước nào đương thời, kể cả Trung Hoa, đặc thù là từ triều đình cho đến thôn xóm, sự tương quan giữa nhà vua và người dân  xây dựng trên tinh thần ưu quân, ái dân, được làm vua thua làm giặc, giải ngộ vai trò độc tôn thiên mệnh của vua chúa ; tương quan giữa triều đình và hương thôn, phép vua thua lệ làng, mọi người đều có quyền di thi, thi dỗ có quyền được làm quan, thay đổi tình trạng và giai cấp trong xã hội.

        Tất cả đã xây dựng trên tinh thần tôn trọng quyền dân, để hình thành một thể chế độc đáo vừa quân chủ ở thượng tầng, vừa dân chủ ở làng xã.

Võ Thu Tịnh

Paris 28-09-2005

 

                                                                                 

(1) Những chữ Khổng Tử, Mạnh Tử vân...vân.. gồm chữ đầu là họ Khổng họ Mạnh, chữ sau TửThầy, nghĩa là Thầy Khổng Thầy Mạnh, một lối xưng hô kính trọng. (bởi vậy chúng ta có những Tuân Tử, Dương tử, Chu tử, Mẫn Tử...).  Chữ tử có thể viết thường (tử)  hay viết hoa (Tử) cũng chư chữ thầy hay Thầy vậy.

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Võ Thu Tịnh