Các món ăn lạ của châu Á trong mắt người nước ngoài

Vietsciences- Tuấn Thảo  - RFI        16/08/2010

 

Bạn có biết?

Một khu chợ thực phẩm của người Hồi giáo ở Bagdad

Một khu chợ thực phẩm của người Hồi giáo ở Bagdad REUTERS/Mohammed Ameen

Chuyên trang du lịch của tạp chí Forbes gần đây có bài giới thiệu các món ăn lạ của người châu Á. Một cách để khuyên du khách Âu Mỹ đừng gan dạ làm liều, ăn thử để rồi nhăn mặt than trời, nhưng đồng thời khuyên họ nên có cách nhìn cởi mở, đừng vội vàng phê phán những thức ăn rất khác với truyền thống ẩm thực Tây phương.

 
Chủ yếu cũng vì các nước Âu Mỹ có nhiều món mà người châu Á không thể nào ăn nổi (món lòng cừu haggis của Scotland hay rượu pha sữa hột gà egg-nog của Mỹ).

Theo tờ báo, các món ăn châu Á đa dạng phong phú vì trong khu vực có rất nhiều dân tộc không cùng nguồn gốc văn hóa sống gần kề nhau. Chẳng hạn như Riêng ở Đông Nam Á, các món ăn Thái Lan lại khác biệt với Việt Nam hay Mã Lai.

Về trái cây rau quả, tờ báo cho rằng đa số khách phương Tây rất khó thể nào thưởng thức nổi mùi sầu riêng, mà tờ báo mô tả như một quả bóng vỏ cứng đầy gai nhọn và nhất là có mùi hương giống như một đôi vớ giầy rất bẩn, lâu ngày bỏ quên trong xó.

Trái thanh long thì được đánh giá là đẹp mắt do màu sắc rực rỡ nhưng lại nhạt nhẽo, vô vị khác hẳn với các loại trái cây miền nhiệt đới.

Vô vị không kém là món yến sào của người Hoa. Dân Hồng Kông có thể chi 100 đôla cho mỗi bát, xem đó là một món cao sang bổ dưỡng, cường dương và tốt cho hệ thống miễn dịch, nhưng suy cho cùng trong mắt người nước ngoài, đó chỉ là nước giãi của chim yến, có mùi hay chăng là do được nấu súp thịt gà.

Khó ăn hơn cả là món đậu hũ lên mùi, khá thông dụng ở Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Theo tờ báo thì mùi nồng của món này có thể khiến cho khách phải đổi đường mà đi. Món này được chế biến từ đậu hũ có khi đã lên men từ vài tuần đến 6 tháng.

Sau khi được ngâm nước muối trong vài giờ, đậu hũ được chiên giòn thành từng miếng, rồi sau đó được phết nước xốt làm với giấm, dầu mè, dưa leo xắt nhỏ và cải thảo ngâm chua. Tại Hồng Kông, món này chỉ được bán ở ngoài chợ và trên đường phố, chứ nhà hàng tiệm ăn thì không được cấp giấy phép.

Món chân gà rút xương hấp đậu đen coi vậy mà dễ ăn hơn.

Tại Thái Lan hay tại Lào, thử thách lớn nhất đối với du khách vẫn là các món côn trùng chiên giòn bày bán ở ngoài chợ. Các loại mắm cá, mắm tôm một khi đã được xào nấu, hay pha loãng để trộn vào gỏi đu đủ thì còn có thể ăn được, nhưng các món như châu chấu, cào cào, kiến càng, trứng dế, bọ nước, cà cuống (maengda) đã là một thách thức đối với người châu Á, huống chi là người Anh Mỹ. Nhưng cũng nhờ vào maengda, mà nhiều gia vị nấu ăn của Thái Lan rất thơm. Chẳng hạn như cà cuống được nghiền nhuyễn để làm tăng thêm hương vị cho tương bột ớt namprik nổi tiếng của người Thái.

Có những món khó ăn vì do mùi vị, những cũng có một số món không dễ dùng do rào cản tâm lý. Người Tây Tạng và Nepal có món Trà bơ (pocha) làm từ sữa bò địa phương mà ngay cả những dân tộc châu Á láng giềng không quen nổi. Gọi là trà nhưng nó lại gần giống với món xúp gồm trà đen, pha muối rồi trộn bơ vào cho nước súp thật nhuyễn và đậm đặc. Dân miền núi uống rất nhiều trà bơ này mỗi ngày, để cho cơ thể có đủ năng lượng chống lạnh. Tâm lý người nước ngoài quen uống trà ngọt, chứ không uống trà mặn, cho nên du khách dễ nhận lời hơn khi họ được mời dùng xúp nóng thay vì dùng trà.

Người Malaysia cũng có một món ngọt khá lạ miệng. Đó là món “air batu campur”, gọi tắt là ABC. Đây là một loại nước đá bào xay với sữa đặc, đường cọ, đậu phộng rang, đậu đỏ, bắp hộp và sương sáo. Để thêm mùi, người ta còn trộn thêm với một loại rau thơm, gần giống với lá cây bạc hà. Một loại giải khát nằm giữa milkshake (sinh tố) và chè đậu, chè bắp. Người nước ngoài ít dùng món này vì đối với họ uống milkshake thì phải có mùi trái cây.

Về các món ăn của Nhật, tạp chí Forbes cho rằng xứ hoa anh đào luôn bị ám ảnh bởi sự tươi mát. Nhưng các món sushi đều đã trở nên quá tầm thường. Lạ hay chăng là món Kikzakana, tức là cá vừa bị bắt được mổ sống, nguyên con bỏ vào đĩa, thịt cá thái thành từng lát mỏng. Cá tươi đến ni, miệng cá vẫn còn thoi thóp khi được dọn ra bàn tiệc. Nhưng người Nhật không chỉ thích ăn cá tươi hay thịt sống, mà còn có nhiều món khác như món Tazukuri, cá mòi khô ngâm sốt chua ngọt), món Kombumaki (cá hồi ướp với rong biển), kazunoko (trứng cá trích giòn ngâm muối). Đó là chưa kể đến món natto, đậu nành lên men rất nhầy nhớt, mà ngay cả một số người Nhật không yêu chuộng, nhưng họ vẫn thích dọn lên bàn để chọc ghẹo khách nước ngoài, để xem họ gan dạ phiêu lưu đến mức nào.
 

 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org