Biến rác thành hàng hóa 

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng      23/07/2005  

 

Tại thành phố Osaka (Nhật bản) tôi đã có dịp đến thăm Nhà máy xử lý rác đô thị. Khác với tại nước ta , mỗi gia đình người Nhật  đều hết sức tự giác trong việc phân loại rác thải thành 3 nhóm khác nhau và cho vào 3 túi có màu sắc theo quy định- rác hữu cơ; rác vô cơ và giấy, vải, thuỷ tinh, rác kim loại. Chỉ có rác hữu cơ mới được chuyển đến nhà máy xử lý rác. Các loại rác khác như kim loại, thuỷ tinh, vải , giấy...đều được đưa đến các cơ sở tái chế thành hàng hoá. Tại đây rác được đưa xuống các hầm ủ  có nắp sắt che đậy và được chảy trong một dòng nước có thổi khí rất mạnh. Các vi sinh vật có sẵn trong bùn hoạt tính sẽ ôxyhoá rất mạnh các chất hữu cơ và phân giải chúng một cách khá triệt để. Sau quá trình xử lý đó rác chỉ còn như một loại cát mịn và nước thải trở nên trong vắt. Cặn rác không còn mùi gì cả sẽ được tách ra và nén thành các viên gạch lát hè phố  rất xốp. Chúng có tác dụng hút nước khi trời mưa để không có các vũng nước nào tồn tại trên mặt hè phố . Như vậy có nghĩa là toàn bộ rác thải đều được chuyển thành hàng hoá. Chỉ còn phần nước thải, dù đã trong veo vẫn phải qua công đoạn khử trùng bằng chlore rồi mới được đưa vào sông ngòi.

Trong khi đó ở  ta hàng năm nghe nói Nhà nước đã phải bỏ ra tới trên 15 nghìn tỷ đồng và phải cần đến trên 5000 ha đất đai quanh các đô thị để...chôn rác (!). Đâu phải chỉ lãng phí tiền bạc và một nguồn tài nguyên khá lớn mà nhẽ ra có thể tái chế thành các hàng hoá hữu ích, chuyện chôn rác tươi sẽ chỉ như là che dấu một cái xấu chưa được sửa chữa. Rác chứa tới 80% là nước, khi bị phân giải bởi vi sinh vật chúng sẽ tạo thành vô số các sản phẩm có mùi hôi thối (indol, skatol, H2S, NH3...) và nước hôi thối ấy ngày ngày sẽ chảy ra từ đống rác, gây nhức nhối đến mức không sao chịu nổi của toàn thể cư dân quanh khu vực chôn rác. Nhiều nơi dân đã biểu tình và công khai chắn đường các xe chở rác (!). Nhà nước đành phải bỏ ra không ít ngoại tệ để nhập công nghệ của các nước tiên tiến và xây dựng nên các nhà máy chế biến rác với diện mạo rất bề thế. Nhưng đâu có đơn giản như vậy. Đành rằng công nghệ của thế giới là rất tiên tiến,  nhưng rác ở nước người ta là loại rác đã được phân loại ngay từ nhà của từng người dân nên phần đưa đi xử lý chỉ còn là rác hữu cơ đơn thuần. Các dao băm rác gặp phải gạch đá, sắt vụn, vỏ đồ hộp, nút bia thì quằn ngay và phải thay liên tục và có ủ đến bao nhiêu ngày thì chất dẻo, chất rắn vô cơ cũng không sao phân huỷ nổi. Kết quả là từ các nhà máy hiện đại ấy chỉ có thể cho ra một lượng nhỏ phân hữu cơ chất lượng không cao, còn thì quá nửa số lượng rác vẫn tiếp tục phải đưa đi chôn lấp.

Trong hoàn cảnh đó việc tìm kiếm một mô hình xử lý rác thải đô thị hợp lý là rất cần thiết. Các chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau đã đề nghị Cục Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, đánh giá mô hình của Nhà máy xử lý rác Thủy Phương ở thành phố Huế để coi đó là một mô hình tốt trong việc xử lý và chuyển hoá phần lớn rác thành hàng hoá.

Nhà máy Thủy Phương xử lý rác, đạt  được ba tiêu chí rất đáng quan tâm . Một là, cải tiến thiết bị để có thể phân loại rác một cách triệt để. Muốn vậy phải triển khai một công nghệ đồng bộ, nhiều tầng lớp, lặp đi lặp lại trên dây chuyền công nghiệp kết hợp thủ công nghiệp. Không thể thiếu những công nhân được trang bị bảo hiểm chu đáo đứng bên băng chuyền để kéo ra những cái chiếu, cái chăn, cái màn rách, xác súc vật chết bệnh, vũ khí, chất nổ... Càng không thể thiếu hàng loạt lồng quay, máy tuyển từ, máy xé, máy thổi gió... để  qua một chuỗi lựa chọn rác đã được tách ra riêng biệt từng loại. Hàng đống kim loại được thu gom để tái chế. Xác súc vật được nhanh chóng tiệt trùng và đưa đi chôn sâu. Vũ khí và chất nổ được trao cho cơ quan hữu trách. Các chất hữu cơ có thể dùng làm nhiên liệu được đưa vào để đốt lò trong dây chuyền tái chế chất thải. Hai là, chất hữu cơ có thể phân giải được chế biến bởi các vi sinh vật hữu hiệu (do các nhà khoa học ở Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp) để tạo nên những bao phân hữu cơ giàu chất mùn và hoàn toàn đáp ứng với yêu cầu thay thế dần nguồn phân vô cơ - loại phân đang nhập khẩu với số lượng quá lớn , đang phá vỡ cân bằng chất dinh dưỡng trong đất ( do dùng nhiều N mà thiếu hụt, P, K và nhiều nguyên tố vi lượng) và đang gây ô nhiễm (do tích luỹ nhiều nitrít, nitrát...). Ba là, tái chế toàn bộ chất dẻo và phần lớn các chất thải rắn khác thành các sản phẩm hữu ích bằng những công nghệ  đã được nghiên cứu khá công phu và với nhiều sáng chế rất đáng được ghi nhận.

Xí nghiệp  đã xử lý 3 tiêu chí trên một cách tương đối tốt.  Hội đồng thẩm định kỹ thuật được thành lập theo quyết định của Trung tâm Đo lường Chất lượng II nhằm đánh giá công nghệ  và dây chuyền thiết bị  của nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương đã thống nhất kết luận: Nhà máy rác Thuỷ Phương là nhà máy đầu tiên hoàn thiện về xử lý rác thải sinh hoạt của Việt nam do ta tự thiết kế, chế tạo, lắp ráp, vận hành, đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề môi trường và tận dụng được rác thải tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống...Mô hình nhà máy xử lý rác thải Thuỷ Phương thích hợp với nhiều địa phương khác trong nước, cần được phổ biến áp dụng rộng rãi vì có vốn đầu tư thấp, tự chế tạo trong nước...

Các sản phẩm thu được từ máy xử lý rác Thuỷ Phương thật đáng ca ngợi. Đó là các ống cống vừa nhẹ vừa bền và có chiều dài tuỳ theo đơn đạt hàng, có thể nối với nhau qua các mặt bích kết nối. Đó là các nọc cho hồ tiêu, thanh long vừa bền, vừa không nóng , có ruột rỗng để chứa phân mùn và độ ẩm cung cấp cho rễ cây nhờ những lỗ nhỏ quanh trụ. Đó là các bao phân hữu cơ chỉ chứa chất mùn đen nhánh, giúp hình thành cấu tượng cho đất (giữ nước, không khí và thức ăn cho cây trồng), giúp thay thế dần việc nhập khẩu quá nhiều phân bón hoá học. Đó còn là các cọc bám cho nho, cà chua, dưa chuột và nhiều cây trồng khác. Đó là các dải phân cách đường trên các tuyến giao thông, các thùng rác, các tấm cốt pha và nhiều loại hàng hoá khác.

GS.VS.TSKH Nguyễn Anh Tuấn, một trong những chuyên gia đầu đàn về cơ khí ở nước ta, và là Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã nhận xét : Công nghệ được các tác giả lựa chọn là hợp lý và sáng tạo, có một cơ sở khoa học vững chắc. Đó là sự kết hợp giữa 3 công nghệ chủ yếu- Công nghệ xé, tách và tuyển rác; Công nghệ ủ rác với những quy trình và chế phẩm hiện đại nhấtở Việt nam hiện nay; Công nghệ tái chế đối với vật liệu chất dẻo và các phế thải khác để tận dụng tối đa. Đó là việc triển khai công nghệ đồng bộ nhiều tầng lớp, lặp đi lặp lại, nhiều phương thức, với mục tiêu không bỏ qua bất cứ thành phần, kích thước, chủng loại nào của rác thải. Đó là sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống mà hiện đang có tính khả thi vì truyền thống đã được tối ưu hoá. Đó là việc ứng dụng đồng thời công nghệ vi sinh, cơ khí hoá dây truyền, áp dụng tuyển từ, tuyển gió..

Mong sao mô hình Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác, nhất là tại các thành phố đông dân cư và thiếu đất chôn lấp rác.

 Những bài liên quan:

Năng lượng hoàn nguyên

Xử lý rác thải bằng công nghệ mới Seraphin

Công nghệ Seraphin xử lý rác

Thừa Thiên Huế: Xử lý rác bằng công nghệ trong nước

© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Nguyễn Lân Dũng