Bí ẩn của những bức chân dung 'sát nhân'

 
 
     
 

Vợ của Rembrandt làm mẫu cho ông vẽ bức tranh Danae đã chết vì bệnh ho lao.

Vợ của Rubens - người đẹp Isabella, vốn là người mẫu trong hầu hết các tác phẩm của ông, đã qua đời năm 35 tuổi. Nữ công tước Alba, người mẫu cho bức tranh Maha của Goya, đã chết sau khi bức chân dung đầu tiên được hoàn thành 3 năm. Danh họa vĩ đại Picasso có 2 người vợ - người mẫu cho ông, thì đều tự tử.

Các nhà khoa học cho rằng giữa hình ảnh một con người và số phận tiếp theo của người đó có sự liên quan thần bí, thậm chí là cái chết. Lịch sử của các họa sĩ vĩ đại đã chứng tỏ điều đó.

Trong giới hội họa có vô số truyền thuyết về các bức chân dung của những họa sĩ nổi tiếng đã đem đến cái chết. Vào năm 30 tuổi, vợ của Rembrandt là Saskia chết vì ho lao. Danh họa Hà Lan vĩ đại này đã thể hiện cô trong các bức tranh Danae và Flora. 3 đứa con của ông được người cha vẽ nhiều đã chết khi còn nhỏ. Người con duy nhất còn lại Titus cũng qua đời khi mới 27 tuổi.

Bức Ivan Groznưi giết con trai mình. Gashin, người mẫu cho họa sĩ Repin vẽ Sa hoàng trong tranh này đã chết do nhảy từ cầu thang xuống.

Đối với những người quen, llia Repin nổi tiếng là "nhà tiên tri đen". Ông kết thúc bức chân dung nhà phẫu thuật Pirogov và nhạc sĩ Mousorgsky đúng vào ngày họ qua đời. Nhà văn Vsevolod Garshin, mà từ mẫu người này ông vẽ ra Sa hoàng trong bức Ivan Groznưi giết con trai mình, chẳng bao lâu đã chết sau khi nhảy từ cầu thang xuống. Thủ tướng Stolưpin bị bắn chết ngay sau khi Repin đặt nét vẽ cuối cùng. Người vợ trẻ của Repin, không lâu sau khi bước vào tác phẩm của chồng, cũng chết vì ho lao.

Bà Tachiana ludkevich - nhân viên khoa học chính của Viện bảo tàng nghệ thuật Trechiakov giải thích rằng tất cả những sự kiện lạ lùng đó chỉ là sự trùng hợp: "Mousorgsky được Repin vẽ khi ở tình trạng sắp chết. Còn Pirogov khi đó đã 71 tuổi. Garshin là người không ổn định về tâm thần. Trước Repin, Stolưpin đã được Surikov và các họa sĩ Pháp vẽ, nhưng tại sao khi đó ông không chết? Ngoài ra, vào thời gian đó rất nhiều người chết vì ho lao. Những đứa con của Rembrandt bị chết vì mẹ của chúng là một phụ nữ rất ốm yếu".

Song những điều bí ẩn không dừng lại ở đó. Tại Matxcơva, người ta đồn đại nhiều về cái chết của con gái Aleksandr Shilov và vợ của llia Glazunov. Shilov vẽ cô con gái đẹp Misha của mình nhiều lần và cô bé qua đời ở tuổi 16. Vợ của họa sĩ Glazunov là Nhina Vinogradova thì tự tử trong hoàn cảnh rất lạ lùng.

Phó chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga - ông Eduard Drobitski - bảo vệ đồng nghiệp bằng lập luận rằng khi vẽ con gái, Shilov đã không biết con gái mình bị ung thư, còn Glazunov chỉ vẽ duy nhất một bức chân dung của vợ. Eduard Drobitski cũng cho rằng cái chết của bà Nhina rất rắc rối. Bà bị ung thư vòm họng, và vì đau đớn nên có lẽ bà đã mất minh mẫn, dẫn đến việc tự tử.

Mặc dù bác bỏ truyền thuyết cổ xưa, các chuyên gia đáng kính cũng phải thừa nhận rằng quả thực tồn tại bí ẩn xung quanh vấn đề này. Bà Tachiana ludkevich đưa ra những ví dụ. Người mẫu nổi tiếng của hoạ sĩ Vladimir Lukich Borovikovski là Lopukhina đã chết 3 năm sau khi bức chân dung hoàn thành mà không có nguyên nhân. Số phận tương tự cũng đến với cậu bé Vasia, người mẫu cho bức tranh Bộ ba của Petrov. Mẹ của cậu như đã linh cảm thấy gì đó, bà cấm cậu bé làm mẫu cho họa sĩ vì sợ con mình sẽ chết.

Còn Eduard Drobitski sau khi kể về bi kịch trong gia đình Shilov và Glazunov, đã công nhận là có một chuyện khó giải thích xảy ra với chính mình: "Nhiều năm trước tôi vẽ một bức tranh kép với hình Vưsotski (nam ca sĩ nổi tiếng thời Liên Xô cũ) và nhà thơ vĩ đại Puskin. Vưsotski trong trang phục nhà thơ, còn Puskin mặc đồ jean. 2 tuần sau Vưsotski qua đời. Các đồng nghiệp nói với tôi rằng bút vẽ tôi đã truyền năng lượng của nhà thơ quá cố sang Vưsotski và điều ấy đã đưa anh ta với chỗ kết thúc cuộc đời".

Giải thích cho hiện tượng này, Eduard Drobitski cho rằng một số họa sĩ có linh cảm của bác sĩ chẩn đoán. Khi vẽ một khuôn mặt, thậm chí không suy tính gì, anh ta cảm thấy có một căn bệnh nghiêm trọng đang tới gần. Và đây là một trường hợp như thế. Huân tước Anh Malgrov một lần đến gặp họa sĩ Gilbert Stewart, tác giả bức chân dung nổi tiếng vẽ George Washington, đặt vẽ chân dung anh trai mình là tướng Philps. Khi đến lấy bức tranh, Malgrov nhận thấy chân dung không giống thật và điều đó đã gây ra một ấn tượng khủng khiếp. Chẳng bao lâu sau người ta biết rằng tướng Philps đột ngột mất trí.

Chuyên gia khoa học của Viện bảo tàng Ermitage ở Saint Petersburg - giáo sư Boris Sapunov - lại có cách giải thích khác: khi vẽ chân dung, người họa sĩ như xâm nhập vào thế giới nội tâm của người mẫu. Họa sĩ càng tài hoa, càng đưa vào tác phẩm nhiều năng lượng của mình ở dạng tốt hay xấu. Có thể nhận thấy "sự định hướng" của năng lượng theo cách người họa sĩ tạo các sắc màu trên tranh. Khi họa sĩ ở tâm trạng yên tĩnh, các vệt màu của người đó đều đặn và ngay ngắn, nhưng khi bức chân dung được vẽ trong trạng thái thần kinh bị kích thích, buồn bã hay căng thẳng, thì các nét vẽ bắt đầu "đung đưa". Điều đó không thấy rõ bằng mắt thường mà chỉ hiện ra khi được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng não người tiếp nhận những chỗ "không bằng phẳng" này ở mức độ tiềm thức, nó tạo ra tác động giống như kiểu thôi miên, hướng tới việc loại bỏ người được vẽ.

Tất nhiên bạn vẫn có thể phản bác: biết bao họa sĩ không nổi tiếng hàng ngày vẫn vẽ ra các bức chân dung mà chẳng có hậu quả bi thảm nào! Nhưng có thể các thiên tài có khả năng thần giao cách cảm nào đó?

Thế Giới Mới (theo Sự thật Thanh niên, Nga) vnexpress