Những bài cùng tác giả
Ngày 4 tháng 6, 2009, nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh
từ giả cõi đời, thọ 103 tuổi. Mắc dầu trong các năm gần đây, được biết sức
khoẻ cụ đã yếu, trí nhớ cũng đã kém và ít khi tiếp bạn bè, nhưng ở xa khi
nghe tin cụ mất, tôi cũng mất vài phút lặng đi và nghĩ nhiều đến một người
nghệ sĩ không những tận tâm với nghệ thuật mà còn với đời, với xã hội chung
quanh. Những ai đã tiếp xúc với cụ đều thấy ở cụ một con người rất dễ dãi
vui tính với mọi người không phân biệt tuổi tác, giai cấp, giới tính. So với
cụ, tôi là thuộc hàng con cháu, sinh sau cụ đúng một nửa thế kỷ, nhưng cũng
không vì thế mà không là người có dịp được trao đổi ý kiến, làm bạn đồng
hành với cụ trong nhiều chuyến đi “điền dã” khắp Saigon chụp ảnh, thăm bạn
bè, người quen của cụ.
Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, tên thật là Vũ An Tuyết, sinh
ngày 16 tháng 6 năm 1907 tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Ngay từ hồi còn trẻ chưa
đến tuổi đôi mươi, Võ An Ninh đã mê chụp ảnh. Đạp xe đạp khắp Hà Nội chụp
ảnh. Dưới thời Pháp thuộc, Võ An Ninh làm phóng viên nhiếp ảnh của Sở Kiểm
Lâm. Năm 1935, bức ảnh “Buổi sáng trên đê sông Hồng” đoạt Giải ngoại hạng
trong cuộc thi do Hội khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ Việt Nam SADAEI
(Société Annamite d’encouregement à l’Art et l‘Industrie) tổ chức.
Võ An Ninh đi khắp mọi miền đất nước Bắc-Trung-Nam để
chụp ảnh. Năm 1938, ảnh “Đẩy thuyền ra khơi” được giải thưởng ngoại hạng
triển lãm ảnh Paris – Pháp. Và tại Huế, Võ An Ninh được tặng Huy chương vàng
cho cuộc triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên của ông. Cuối năm 1938, ông được
Bằng khen của triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Bồ Đào Nha cho tác phẩm “Chợ
bán nồi đất”. Đây cũng là giai đoạn tuổi trẻ sung sức nhất của Võ An Ninh,
lúc này ông sắm xe gắn máy phân khối cao (150cc) chạy khắp Hà Nội và vùng
phụ cận chụp ảnh. Bấy giờ chỉ có vài chiếc xe loại này ở Việt Nam mà thôi.

Ông đồ viết câu đối Tết (Hà Nội, 1940)
Ở Hà Nội, ông có nhiều ảnh nổi tiếng về Hồ Gươm như Hồ
Gươm buổi sương mai (1935), Hồ Gươm trong bốn ảnh "Hà Nội bốn mùa" . Để có
những bức này, ông phải mất nhiều công phu và thời gian để “đạt” bức ảnh ưng
ý. Ngoài ra ông có những bức ảnh gợi nhớ về Hà Nội của những ngày thanh lịch
xa xưa: Trong vườn si đền Voi Phục (1942), Gió nồm (Đê sông Hồng, 1948), Nhớ
xưa (1944), Thu về (1960), Cúc Nghi Tàm (1956), Thiếu nữ Hà Nội (1960), Bậc
đá đền Voi Phục (1956), Chùa Láng (1941), Cụ đồ viết câu đối Tết (1940),
Tranh Tết làng Hồ (1941), Phố Hàng Buồm (1940), Mái nhà cổ phố Hàng bạc
(1956), Cửa Ô Quang Chưởng (1940), Gò Đống Đa (1942), Lầu Khuê Văn và bia
Tiến sĩ ở Văn Miếu (1945), Bình Minh trên bãi Phúc Xá (1944), Xe tay ngoại
thành (1935), Thu hoạch vụ chiêm (1935), Đông về (Từ Liêm, 1935), Bến thuyền
cầu đất (1935), Chợ bán nồi đất (Bưởi, 1935), Chợ Đồng Xuân (1956), Sen Tây
Hồ (1941),

Thiếu Nữ Hà Nội (1960)

Hồ Gươm buổi sương mai (1935),
Trong cuộc đời nhiếp ảnh của mình, Võ An Ninh đi khắp mọi
nơi trên đất nước ghi lại những khoảnh khắc nghệ thuật vô giá. Một số các
tác phẩm để lại: Lăng Hùng Vương (Phú Thọ, 1940), Đỉnh Phăn Xi Păng (Sapa),
Buổi sáng ra ruộng muối (Hải Hậu, Nam Định 1945), Bến xưa (Lai Châu,
1952),Núi Tản, Sông Đà (Sơn Tây, 1940), Hương lúa (Hà Đông, 1950), Sông Bạch
Đằng (Quảng Yên, 1956), Sảy lúa (Phú Thọ, 1965), Vết tích thành nhà Mạc
(Lạng Sơn, 1968), Thác Bản Giốc (Cao Bằng, 1960), Nước ròng bãi Trà Cổ (Móng
Cái, 1955), Hồ Ba Bể (Bắc Cạn, 1956), Đi chợ về (Hà Đông, 1953), Điếm canh
đầu làng (Nam Định, 1958), Thợ săn Êđê (Buôn Ma Thuột, 1943), Voi tây nguyên
(1943), Thiếu nữ Êđê (1943), Suối nắng rừng thông (Đà Lạt, 1951), Cồn cát
mủi Né (Phan Thiết, 1945), Nước mắm Phan Thiết (1945), Thiếu nữ Huế (1930),
Biển Bạc (Đà Nẵng, 1948), Núi Bà Đen (Tây Ninh, 1952), Bãi thuyền (Vũng Tàu,
1950), Khu phố Ninh Kiều (Cần Thơ, 1948), Ông già Nam bộ (1950), Thốt nốt Hà
Tiên (1950), Rừng tràm Long An (1990), Sông Tiền (Mỹ Tho, 1975), Rạch Gầm
(Tiền Giang, 1985), Dân chài Xóm Mũi (1976), Rừng đước Cà Mau (1976).

Điếm canh đầu làng (Nam Định, 1958)
Trong thời kỳ chiến tranh, năm 1972 khi pháo đài bay B-52
đánh phá Hà Nội ác liệt nhất vào những ngày gọi là những "đêm không ngũ", Võ
An Ninh cũng như nhiều nhà nhiếp ảnh khác không sợ hiểm nguy để ghi ảnh. Với
cụ Võ thì lại rất bình tỉnh với chiếc xe đạp, chiếc nón cối và máy ảnh trung
thành của mình đi như đi dạo thong dong khắp Hà Nội tìm khoảnh khắc cơ hội
của người nghệ sĩ cũng như những ngày bình thường khác mà thôi trong cuộc
đời nhiếp ảnh của cụ.
Năm 1987 tôi gặp và hân hạnh biết cụ và một số các nhà
nhiếp ảnh ở Hội Nhiếp ảnh Tp Hồ Chí Minh, cơ sở ở 122 đường Sương Nguyệt Ánh
mà lúc đó do anh Lâm Tấn Tài còn quản nhiệm. Thời ấy cụ đã hơn 80, tóc và
râu dài trắng bạc trông giống như một ông tiên, gây rất nhiều ấn tượng với
tôi. Tôi thích nhất là bức ảnh cụ ngồi với một bình rượu và đang chăm chú
đánh cờ trên núi mà cụ có nhã ý tặng. Đúng thật là một ông tiên xuất thế.
Cụ ngần ấy tuổi nhưng ngày nào cụ cũng đạp xe đạp đi khắp
nơi, rất khỏe và tráng kiện. Đó là chưa kể một bàn chân của cụ đã bị cưa mất
sau một tai nạn vào năm 1939 khi cụ cởi xe gắn máy ở Hà Nội thì bị một xe
tải của một hảng Tây đụng. Cụ được chở vào nhà thương nhưng bàn chân bị cán
nát nên phải cưa đi. Sau đó cụ kiện hãng Tây, không nghĩ là sẽ có kết quả gì
khi đất nước vẫn còn thuộc Pháp cũng như đi kiện củ khoai, thế mà lại thắng
kiện và được đền 3000 đồng Đông Dương, thời đó rất cao. Nhờ đó cụ mua được
một mảnh đất và xây một căn nhà 2 tầng ở số 36 phố Tuệ Tĩnh. Sau này lúc vào
Saigon, con cháu cụ bán đi và hiện nay là một nhà hàng.
Trong những chuyến đi với cụ Võ An Ninh, cụ lúc nào cũng
mang theo một máy chụp ảnh xưa cũ từ những năm 1930. Từ chiếc máy bạn đường
suốt đời này mà nhiều bức ảnh đã trở thành nổi tiếng. Trong nhà ở Saigon,
trên căn phòng của cụ ở lầu một (tầng trệt là cửa hàng bán bàn ghế, giường
tủ của các con cháu), cụ có treo một bức ảnh tâm đắc và nổi tiếng “Đôi nét
thủy mặc Sapa": cảnh núi buổi sáng sớm hơi sương, đầy mây ở Sapa. Trong
những dịp về Saigon, tôi đều đến thăm cụ, ngồi trong phòng nhìn ra từ ban
công hàng cây dọc đường Ngô Gia Tự, thật ấm cúng và cảm thấy như đây là nhà
của lòng mình vậy.
Một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ đến nhiều là chuyến đi
đạp xe đạp đến khu Bà Quẹo gần phi trường đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên.
Trước đây trong các anh em văn nghệ sĩ cùng thời và trước kia là bạn với Chế
Lan Viên, có nhiều người (nhất là các văn nghệ sĩ trong Nhân Văn Giai Phẩm)
không thích ông nữa vì họ thấy rằng ông không còn đến thăm các bạn nữạ và đã
bỏ rơi các anh em lúc đó đang bị phê bình và cô lập. Vào thời điểm này Chế
Lan Viên đã thay đổi và có lẽ đã hối hận với cách cư xử của mình với các anh
em bạn bè văn nghệ sĩ xưa của mình. Tôi nhớ có đọc bài của ông trên báo
trong dịp sau khi coi xong cuốn phim "Sám hối" của Cộng Hoà Armenia (thuộc
Liên Sô cũ) về xã hội Stalin, Breznev, ông đã nói lên cảm nghĩ của mình rất
thật, tự cho mình cũng phải "ăn cá" để sám hối. Ông cũng đã chỉ trích nhẹ
nhàng Tố Hữu và lần đầu tiên bênh vực các anh em bạn bè cũ trong nhóm Nhân
Văn bị hoạn nạn trong một bài giới thiệu cho một cuốn sách thơ về Huế.
Cụ Võ An Ninh đạp xe đạp rành rõi đi vào nhiều đường, ngõ
hẻm mà thú thật lúc đó mặc dầu tôi cũng khá quen khu vực mà phải đuổi theo
cực nhọc một ông già tóc trắng bạc phơ không lộ ra vẻ mệt mỏi. Trong sân
vườn nhiều cây trái, ngồi uống trà cùng với cụ Võ An Ninh và Chế Lan Viên,
tôi để ý Chế Lan Viên rất hào hứng có vẻ như trở lại phong cách xưạ của một
thi sĩ. Một trong những điều ông muốn làm lúc ấy là lập một nhà bảo tàng hay
nhà lưu niệm cho thi sĩ Hàn Mặc Tử ở Qui Nhơn. Ngược lại, cụ Võ An Ninh,
trầm ngâm với tách trà sau đó đi dạo quanh vườn, ngắm nghía đủ góc cạnh với
cái camera của Đức hiệu Zeiss Ikon rất cũ kỹ (1928) trong tay với cuộn phim
đen trắng (cụ không dùng phim màu). Cụ hầu như không còn để ý đến những
người đang nói chuyện nữa và tâm trí của cụ, của một nhà nhiếp ảnh đang tìm
cơ hội của một giây phút nào đó. Hôm đó cụ chụp vài tấm ở vườn và trước khi
ra về có chụp cho chúng tôi một bức ảnh kỷ niệm. Bức ảnh đen trắng này tôi
vẫn quí giữ như báo vật từ một nhà nhiếp ảnh đầy phong cách Võ An Ninh.

Võ An Ninh, Mộc Châu (1986)
Phải nói là trong bộ sưu tập hình ảnh đồ sộ đến hơn 10000
ảnh của nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, ngoài giá trị nghệ thuật, còn có rất nhiều
ảnh có giá trị lịch sử. Ở thành phố Saigon trong giai đoạn 1946-1950, cụ có
mặt và ghi lại nhiều hành ảnh như các cuộc biểu tình chống Pháp, chống viếng
thăm đầu tiên cảng Saigon của chiến hạm Mỹ Anderson và Sticken. Dưới mắt
nhân bản của nhà nghệ sĩ, cụ chụp các ảnh của nhiều người kể cả các thủy thủ
non trẻ Mỹ đi trên phố Saigon. Một trong số những bức ảnh chụp ở Saigon có
giá trị về nghệ thuật và tư liệu xã hội như "Chợ bến thành và bến xe thổ mộ"
(1949), “Cụ đồ viết câu đối Tết” (Saigon, 1950), "Lăng ông ngày tết" (1952),
"Nhà thờ Hồi giáo" (1950), "Khói hương chùa bà, Chợ Lớn" (1953), “Thiếu nữ
Saigon” (1951), “Qua Cầu” (Thủ Đức, 1953), "Lẻ loi" (1941), "Sóng đôi"
(1942), "Vườn Tầm Vông ngoại thành" (1950), "Ngày xá lợi" (1951), "Đêm phục
sinh" (1950), "Bình minh trên sông" (1952).
Sau ngày giải phóng không lâu, cụ vào Saigon ở hẳn, tiếp
tục sự nghiệp nhiếp ảnh và gắn bó với thành phố cho đến khi cụ mất. Năm
1981, Võ An Ninh có triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh rất thành công và không
lâu sau đó ở Hà Nội năm 1983. Năm 1991, một số các ảnh trong bộ sưu tập của
cụ được Thông Tấn Xã Việt nam xuất bản (*). Cuốn sách in đen trắng trong đó
có nhiều bức ảnh bất hủ trong làng nhiếp ảnh Việt Nam. Ủy ban Nhân dân Thành
phố Hỗ Chí Minh đã tặng cụ là công dân danh dự của thành phố.
Một bộ tư liệu quí giá khác trong bộ sưu tập ảnh của cụ
là những cảnh trong nạn đói năm Ất Dậu 1945 mà cụ ghi lại như một chứng nhân
những gì mà thực dân Nhật-Pháp đã gây nên ở miền bắc nước ta. Cảnh người
chết đói ở đường phố Hà Nội, trên đường từ các tỉnh (mà nặng nhất là Thái
Bình) vào thủ đô, xác người đầy được hốt trên xe đẩy.. Xem những hình ảnh
này tôi không khỏi xúc động và kinh tởm tội ác của phát xít Nhật và thực dân
Pháp. Đây là bộ sưu tập duy nhất và đầy đủ ở Việt Nam về nạn đói 1945. Năm
1994, đài truyền hình Nhật NHK khi làm tư liệu về người Nhật ở Đông Dương
trong thế chiến thứ 2 đã đến gặp cụ Võ An Ninh và xin được dùng các ảnh này
cho chương trình của họ. Về sau này, có một số người Nhật đến thăm hay làm
việc ở Việt Nam có đến nhà để xem bộ sưu tập Võ An Ninh. Họ đều xúc động và
xin lỗi về những hành động của quân đội Nhật trước đây.
Trong những năm gần đây đầu thế kỷ 21, cụ yếu nhiều, đi
đứng khó khăn nhưng cụ rất thích bè bạn đến thăm và đi ra ngoài. Vì thế
nhiều lúc các con cháu cụ (có người từ Pháp về) đều phải dẫn cụ đi ra ngoài
thăm thú và hòa nhập với xã hội. Ngay công viên trước nhà hát lớn thành phố,
có những lúc người dân Saigon nếu để ý sẽ thấy một cụ già tóc, râu bạc dài
thanh thản ngắm nhìn cảnh vật và sinh hoạt sinh động chung quanh trong lúc
ngồi xe lăn do một người nhà đẩy. Rất ít người biết đấy là nhà nhiếp ảnh lão
thành Võ An Ninh, một người mặc dầu ở tuổi sắp xa trời xa đất nhưng cũng
muốn hòa nhịp với xã hội. Và theo tôi là cụ nhìn để đón bắt một phút nào đó
một thần hồn của đời sống chung quanh dưới con mắt của một người nghệ sĩ.
Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh mất đi để lại nhiều nuối tiếc của
bao người trong và ngoài nước.
(*) Ảnh Võ An Ninh, Nhà in Thông Tấn Xã Việt Nam, 1991.
|