Vì sao nhiều người Việt nhiễm vi trùng lao?

Vietsciences- Thanh Trúc, phóng viên RFA            20 /03/2012

 

Những bài cùng đề tài

 

Kết quả một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 40% người Việt Nam nhiễm vi trùng lao và có thể phát bệnh một khi sức đề kháng trong cơ thể bị suy yếu.

RFA file photo

Hình phim X-quang của một bệnh nhân bệnh lao, ảnh chụp trước đây.
 

Bên cạnh đó, tình trạng lao kháng thuốc cũng là nguyên nhân dẫn đến mức tử vong cao. Thanh Trúc mời quí vị tìm hiểu thêm về lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc, chương trình phòng chống bệnh này ở Việt Nam:
 

40% người Việt nhiễm lao
 

Vào khi tại nhiều nước trên thế giới những căn bệnh truyền nhiễm như phong cùi, sốt rét, lao phổi hầu như không còn, tại Việt Nam khoảng 70.000 bệnh nhân lao dương tính được phát hiện mỗi năm, và mỗi năm có 30.000 người chết vì lao phổi. Điểm đáng chú ý là chừng 40% bệnh nhân lao mới nằm trong độ tuổi 22 đến 44 mà đa phần là nam giới
 

Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung thì bệnh truyền nhiễm nhiều, tỷ lệ cao hơn các nơi khác. Nhưng mà nhiễm vi trùng lao thì chưa chắc đã bị bệnh lao.
 

BS Trần Tịnh Hiền
 

Bác sĩ Đinh Ngọc Sỹ, chủ tịch Chương Trình Quốc Gia Kiểm Soát Bệnh Lao, giám đốc Bệnh Viện Các Bệnh Về Phổi ở Hà Nội, cho rằng bảy chục ngàn bệnh nhân lao dương tính mỗi năm là quá cao, chứng tỏ có sự trì chậm trong việc đáp ứng phòng ngừa cũng như điều trị thấu đáo căn bệnh hay lây này.
 

Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong 22 quốc gia có số người bị mắc bệnh lao nhiều nhất thế giới. Mặt khác, trong số 27 nước có tỷ lệ lao kháng thuốc cao, một nguyên nhân dẫn đến tử vong cao, Việt Nam đứng thứ 14 trên danh sách này.
 

Trong khi đó kết quả thăm dò cho thấy cứ trong năm người Việt Nam thì có hai người mang mầm bệnh trong người, còn gọi là lao tiềm ẩn, và bệnh sẽ phát ra một khi hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể bị suy yếu. Một cách tổng quát thì tỷ lệ lao tiềm ẩn ở Việt Nam là trên 40%.
 

Dưới mắt chuyên gia phòng chống bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên phó giám đốc Bệnh Viện Các Bệnh Nhiệt Đới, hiện công tác trong chương trình nghiên cứ của trường đại học Oxford ở Việt Nam, thì lao là một căn bệnh dễ lây và làm con người tổn thọ:
 

images430353_benh_lao250.jpg
images430353_benh_lao250.jpg
“Lao là căn bệnh nguy hiểm mà thế giới phải đặt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết. Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung thì bệnh truyền nhiễm nhiều, tỷ lệ khi nào cũng cao hơn các nơi khác. Nhưng mà nhiễm vi trùng lao thì chưa chắc đã bị bệnh lao. Có nhiều người đi qua du học ở Mỹ, khi qua bên đó làm phản ứng TB Skin Test thì là dương tính và bị bắt buộc phải chữa, trong khi ở Việt Nam nếu thử ra mà nhiều người dương tính là đúng rồi bởi đó là lao tiềm ẩn. Bệnh hay không thì còn do cái cân bằng giữa tác nhân gây bệnh là con vi trùng lao và sức đề kháng của cơ thể nữa.
 

 

Thật ra trên lâm sàng nhiễm lao thì phải phân biệt vấn đề gọi là tình trạng nhiễm và tình trạng bệnh, infection và disease. Có thể một người đã bị nhiễm con vi trùng, con vi rút hay một ký sinh trùng nhưng nó tiềm ẩn đó mà không phát bệnh. Khi nào sức đề kháng của mình giảm xuống thì bệnh mới có thể phát ra.
 

Sự ô nhiễm môi trường cũng rất trầm trọng, ở Sài Gòn tôi cũng thấy như thế. Sự giáo dục cơ bản để nâng cao dân trí là bước vô cùng quan trọng.
 

BS Nguyễn Đăng Phấn
 

Tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt nơi những người nhiễm HIV/AIDS, rất ảnh hưởng đến tỷ lệ lao bởi vì tôi biết chắc chắn số lao mới thì trong đó ít nhất trên 50% là những bệnh nhân đã nhiễm HIV/AIDS. Cái đó liên quan với nhau, nếu không kiểm soát được chuyện nhiễm HIV/AIDS thì có nguy cơ cao là những đối tượng đó hầu như sẽ bị bệnh lao.”
 

Ý kiến của bác sĩ Trần Tịnh Hiền cũng là điều được bác sĩ Phạm Quang Tuệ ở Bệnh Viện Quốc Gia Các Bệnh Về Phổi xác nhận. Ông nói lý do khiến bênh lao lan truyền trong cộng đồng một phần do rất nhiều bệnh nhân HIV/AIDS đã có biểu hiện lao phổi mà không đi khám vì sợ bị cách ly và sợ bị phân biệt đối xử.
 

Tỷ lệ lao kháng thuốc cao
 

Tình trạng lao kháng thuốc là tác nhân thứ hai khiến bệnh lây lan. Theo số liệu của Chương Trình Quốc Gia Kiểm Soát Bệnh Lao, Việt Nam có năm chục đến sáu chục ngàn bệnh nhân lao phổi gặp tình trạng kháng thuốc. Đây cũng là những người mang vi trùng lao truyền sang người khác qua đường nước miếng, đường ho hoặc hắt hơi.
 

Về tình trạng lao kháng thuốc, bác sĩ Trần Tịnh Hiền giải thích:
 

000_GYI0064960326-250.jpg
Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, hình minh họa. AFP PHOTO.
“Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, là khu vực kháng thuốc rất nhiều. Có thể lấy thí dụ thứ nhất là bệnh thương hàn, ở các nơi trên thế giới người ta vẫn có thể dùng những kháng sinh rất cũ ví dụ Chloramphenicol chẳng hạn. Nhưng đối với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam hiện nay thì những loại kháng sinh thông thường gồm Chloramphenicol, Ampicillin, Bactrim coi như bị kháng hết và phải dùng những loại kháng sinh mới thế hệ thứ ba thứ tư. Rồi sốt rét cũng kháng thuốc, những loại thuốc thông thường đều kháng hết phải dùng thuốc mới, rồi lao cũng vậy. Lẽ tất nhiên trên thế giới thì chỗ nào cũng có vấn đề đó nhưng mà đặc biệt khu vực này thì nó nhiều.”
 

 

Từ bệnh viện Bình Dân, bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn chuyên khoa mạch máu, bướu cổ, lồng ngực, thường săn sóc điều trị ngoài giờ và miễn phí cho các bệnh nhân HIV/AIDS đã có biểu hiện lao phổi, bổ túc thêm về tình trạng lao kháng thuốc:
 

“Tỷ lệ đó đáng lo lắm, có lẽ do vấn đề không tuân thủ điều trị, người ta phải uống thuốc lâu quá, cả tám tháng hoặc sáu tháng, cho nên nhiều khi vấn đề gắn bó vấn đề chữa trị, tiếng trong ngành gọi là không tuân thủ điều trị, là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng gọi là lao kháng thuốc dẫn đến tử vong cao. Lẽ ra là hàng ngày phải uống thuốc nhưng vì nhiều nguyên nhân là ngưng hoặc không uống đều đặn, chán nản bỏ cuộc, thế là vi trùng lao nó bùng lên và sau này thay vì phải uống đa hóa trị liệu tức là bốn món thuốc thì đến khi mình chữa cho người này mình thấy bệnh càng ngày càng nặng lên. Gởi lên viện lao trung ương để cấy lại đờm và xem bốn thứ thuốc còn công hiệu không thì thấy còn hai thứ có hiệu quả thôi, hai thứ thuốc kia con vi trùng nó lờn rồi, đó gọi là lao kháng thuốc, nguyên nhân chính dẫn đến sự chết của nhiều người Việt Nam mình.
 

Cụ thể tôi đang có bệnh nhân nữ bị HIV kết bạn với một nam bệnh nhân HIV đã bị lao kháng thuốc. Thì đã khuyên bảo là tránh cái sự tiếp xúc có thể lây bệnh nhưng họ đã không cưỡng lại được. Bây giờ thì người nam này đã chết và người nữ thì cũng đang đi vào con đường đó.”
 

Trong lúc giám đốc Chương Trình Quốc Gia Kiểm Soát Bệnh Lao, bác sĩ Đinh Ngọc Sỹ, bày tỏ sự lo âu về viễn ảnh thiếu hụt nhân viên hay cán bộ y tế có trình độ chuyên môn về bệnh lao, thì bác sĩ Trần Tịnh Hiền nguyên phó giám đốc Bệnh Viện Các Bệnh Nhiệt Đới lại không nghĩ như thế:
 

Không tuân thủ điều trị, là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng gọi là lao kháng thuốc dẫn đến tử vong cao.
 

BS Nguyễn Đăng Phấn
 

“Khi còn đi học tôi đã thấy có một ngành riêng cho các bác sĩ là cái chuyên khoa lao ngay trong trường cũng như các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét. Nhưng mà lần lần người ta đào tạo thành bác sĩ đa khoa rồi.
 

Tuy nhiên hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh này thì vẫn có một viện lao phổi rất lớn, các bác sĩ ở đó tôi nghĩ họ đầy đủ kiến thức cũng như kỹ thuật điều trị tiên tiến. Tất nhiên nói về việc làm thế nào giảm bớt tình trạng bệnh nhân mới mắc rồi điều trị cho tốt nó cũng có nhiều yếu tố chứ không thể nói chỉ vì hệ thống nhân sự yếu mà bịnh tăng lên được. Ở các tỉnh hầu như đều có một viện chống lao riêng, không nằm trong các bệnh viện chung, rồi các hệ thống phòng chống lao hoạt động từ trung ương cho đến các tỉnh thành các quận huyện. Tôi nghĩ nó cũng tương đối là tốt chứ không phải là không.”
 

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn, chương trình phòng chống lao của Việt Nam dù có tốt bao nhiêu, dù tiêm chủng phòng ngừa BCG mở rộng bao nhiêu thì cũng chưa gọi là đủ nếu bỏ qua mặt tuyên truyền và giáo dục:
 

“Xét về phương diện đội ngũ tôi thấy Việt Nam mình đã cố gắng mỗi quận có một trung tâm chống lao rồi, thậm chí là một khu riêng để chữa lao rồi. Rồi các bích chương ở những nơi công cộng, rồi trên đài phát thanh hoặc trên tivi thường xuyên nhắc nhở. Nhưng tôi vẫn nghĩ người Việt Nam mình, tôi nghĩ giới nghèo khó họ không tuân thủ không lắng nghe. Tôi từng đi ngoài đường mà bị người ta nhổ nước miếng bắn vào mặt. Đại ý tôi nói mình cần nhắc nhở dân mình về những sự vệ sinh tối thiểu đó. Sự ô nhiễm môi trường cũng rất trầm trọng, ở Sài Gòn tôi cũng thấy như thế. Sự giáo dục cơ bản để nâng cao dân trí là bước vô cùng quan trọng.”
 

Tóm lại, theo vị bác sĩ này, bên cạnh chương trình phòng chống hữu hiệu, nhà nước và giới hữu trách còn phải chú tâm đến việc ông gọi là nâng cao mặt bằng dân trí, bởi theo ông phòng chống lao không chỉ thuần là kỹ thuật hay phương tiện mà còn là ý thức giữ gìn vệ sinh của mọi người trong cộng đồng và trong xã hội.
 

 

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/40-percent-vnese-infect-tb-tt-03192012114946.html

                 http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org