Những bài cùng tác giả
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời trọc phú có thương dân nghèo.
Ca dao
Ở Ấn Độ, neem tức Azadirachta indica, một loại sầu đâu bên ta, rất giống
cây xoan Melia azedarach (3), thường lầm lẫn với nbau, là một thảo mộc
cốt yếu trong đời sống nhân dân. Lá cây, vỏ cây, rễ cây, hột neem từ
hàng ngàn năm nay được kê trong hàng trăm liều thuốc chữa bệnh, chống
trùng, diệt virus, vừa rẻ tiền, vừa dễ kiếm, dễ dùng (2). Không ai dè
năm 1990, Bộ Canh nông Hoa Kỳ và Công ty W.R. Grace ở New-York đăng ghi
một văn bằng sáng chế về một chất thuốc chiết xuất từ hột cây neem,
nghĩa là họ đòi độc quyền sử dụng chất thuốc ấy. Nói một cách khác,
người dân Ấn Độ hết còn có quyền lấy hột cây neem làm thuốc nữa. Chuyện
thật bất công, vô nghĩa, rõ rành rành, ai có chút lý trí đều thấy ngay,
nhưng người dân nghèo Ấn Độ làm sao địch nổi một cường quốc như Hoa Kỳ,
một hãng thuốc giàu mạnh như W.R. Grace ! Tuy vậy không lẽ ngồi khoanh
tay nhìn người ỷ giàu, ỷ mạnh lấn hiếp, họ chạy tìm phương cách chống
đối. Rút cuộc, một nhà khoa học Ấn Độ, bà Vandana Shiva, chịu đứng ra
cầm đầu cuộc cứu giải. Giúp sức bà có bà Magda Aelvoet, Bộ trưởng Bộ Môi
trường nước Bỉ và Liên bang Quốc tế các Phong trào Canh nông Sinh vật
học IFOAM cũng tiếp tay hỗ trợ để đưa đơn kiện vào năm 1995. Kết quả là
vừa rồi, sau hơn 5 năm giấy tờ, sau 2 ngày thảo luận sôi nổi, nghe chính
ngay những cụ già Ấn Độ lại tường trình đã trích chiết dầu từ hột cây
neem làm thuốc từ hàng chục năm nay, rất lâu trước khi văn bằng của Hoa
Kỳ được đăng ghi, Cơ quan Văn bằng Sáng chế Âu châu (European Patent
Office EPO) ở Muenchen bên Đức đi đến kết luận chất thuốc diệt trùng,
khử nấm và phương cách chiết xuất gọi là mới trong văn bằng không có gì
mới lạ so với chất thuốc mà người Ấn Độ đã biết sử dụng từ 5.000 năm nay
và tuyên bố văn bằng không có hiệu lực (5a).

Melia azedarach mùa Xuân

Melia azedarach mùa Đông

Linda Bullard, Vandana Shiva và
Magda Aelvoet
Thắng lợi thật rõ ràng cho người dân Ấn Độ, những người đứng hàng đầu về
nhận thức giá trị tài nguyên của nước mình trong số các nước đang phát
triển. Tuy nhiên bản án chỉ áp dụng ở Âu châu. Bên Hoa Kỳ và Nhật Bản,
văn bằng vẫn tiếp tục có giá trị. Đủ bộ phận của cây được ứng dụng rộng
rãi trong các lãnh vực sát trùng, trị nấm, khử virus, ngừa thai, chữa
nhiều bệnh hô hấp, sốt rét, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa,… Cây neem được
các công ty Hoa Kỳ chú trọng nhiều nhất về tính chất ngừa sâu : hơn 200
loại côn trùng bị những hoạt chất của cây neem phá rối, tiêu diệt ! Trái
với những thuốc nhân tạo tổng hợp, các thuốc thiên nhiên của cây neem
không nhất thiết trừ tiệt các loài sâu mà lắm khi chỉ kềm hãm sự phát
triển ấu trùng của chúng. Mặt khác, các thuốc nầy không bắt buộc gây một
cuộc kháng cự của sâu bọ ngay cả sau nhiều thế hệ. Ngày nay, những nhà
khảo cứu về môi trường rất nhạy cảm trước hiệu lực quá mãnh liệt của
nhiều chất thuốc. Dựa lên tính chất thần hiệu của cây neem, không dưới
70 văn bằng đã được đăng ghi trong 10 năm vừa qua : sau văn bằng thứ
nhất năm 1990, có 4 cái năm 1995 và đến gần 40 cái năm 1999, phần lớn
của hai công ty W.R. Grace và Rohm and Haas. Những chi tiết của các văn
bằng nói chung chẳng có gì mới lạ so với cách thức thường thấy ở Ấn Độ,
ngay cả những phương pháp chiết xuất mà các tác giả nêu cao là hiện đại,
tối tân (5a).
 
Cây neem tức Azadirachta indica
Cây neem mà những văn bản sách Veda của Ấn Độ giáo gọi là Sarve Roga
Nivarini, nghĩa là cây chữa mọi chứng bệnh, được người Ấn Độ tôn vinh là
"nhà dược phẩm" trong làng và người Persan đặt tên "cây tự do", thật đã
biểu tượng cho sự phóng khoáng của người dân nghèo vì nó cung cấp đủ
nguyên liệu thiên nhiên để làm thuốc bảo vệ sức khỏe. Không có lý do gì
các hãng quốc tế lại ức hiếp đăng ghi văn bằng để giữ làm của riêng cho
mình. Những cơ quan, hội đoàn như IFOAM phải luôn cảnh giác vì chuyện
cây neem không phải là vụ phi pháp độc nhất. Người Ấn Độ còn nhắc lại
chuyện buồn cười về cây lô hội hay hổ thiệt Aloa vera, thường được dùng
để chữa những bệnh nhức đầu, nhuận tràng, ăn uống không tiêu, sung huyết
phổi hay các phủ tạng. Một trong gần 1.000 văn bằng đăng ký về cây nầy
chỉ dẫn cách dùng lá cây để làm chảy nước mắt : phương pháp chiết xuất
cho là mới so với cuộc xử lý cách đây hơn 2.000 năm là đề nghị dùng nước
có chứa chlor. Ông Devinder Sharma, chuyên viên Ấn Độ về văn bằng, mỉa
mai nhận xét : thời trước, nước trong sạch, cần gì phải đổ chlor vào để
tẩy sạch ! Văn bằng đăng ghi chỉ là một duyên cớ để cưỡng chiếm kiến
thức cổ truyền của người dân Ấn Độ (5a).
Các hãng lớn cũng còn muốn cưỡng chiếm luôn nhãn hiệu của người ta. Từ
lâu, một loại gạo đặc biệt gọi là basmati được trồng gần 2 triệu hecta ở
Ấn Độ và Pakistan. Khắp thế giới ai cũng được thưởng thức loại gạo ngon
nầy, có tiếng hơn nhiều so với gạo de An Cựu của Huế. Thế mà năm 1997,
công ty buôn gạo Rice Tec bên Hoa Kỳ của nhà triệu phú Hans Adam II,
hoàng thân tỷ phú xứ Liechenstein, cho đăng ghi một văn bằng về một
"loại gạo basmati mới" mà tính chất thơm, ngon cho là giống gạo basmati
của vùng Punjab kia và trồng ở đất nào cũng được. Lấy tên basmati để đặt
tên loại gạo cho là mới của mình đã là một chuyện phi pháp. Hãng buôn
nầy còn đi xa hơn : họ quyết định chỉ có gạo của Rica Tec mới được mang
tên basmati ! Người Ấn Độ và Pakistan không chịu cách xử lý của văn bằng
: một loại gạo không phải chỉ được xác định qua hình thức và hương thơm
: theo họ, và họ rất có lý, nếu rượu sâm banh chỉ có thể chế tạo với
trái nho trồng ở vùng Champagne thì gạo basmati phải bóc vỏ từ lúa mọc ở
miền Punjab (5c).
Hoạt động phi pháp có khi lấn vào địa hạt tục lệ, văn hóa. Ở vùng
Amazoni bên Nam Mỹ, ayahuasca tức Banisteriopsis caapi là một cây thường
chỉ được dùng trong các cuộc tế lễ tương tự như phượng cúng bên ta. Năm
1986, một nhà khảo cứu Hoa Kỳ, Loren Miller, đăng ghi văn bằng dùng cây
ấy để chữa ung thư và các chứng hỗn loạn tinh thần. Người bản địa cho
đấy là một phạm thượng, nhất thiết không đồng ý để người ngoại quốc lấy
bán và tư hữu hóa một loại cây mà họ coi là thiêng liêng, thường chỉ
thầy pháp mới có quyền đụng tới. Năm 1999, họ đến biểu tình trước Cơ
quan Văn bằng Sáng chế Hoa Kỳ và được toại nguyện. Đáng biết là văn bằng
bị hủy bỏ không phải vì duyên do luân lý, lý lẽ văn hóa , tôn trọng đạo
giáo mà vì về mặt luật lệ những chi tiết miêu tả không tương ứng với
những tiêu chuẩn đòi hỏi và nhiều bản báo cáo trước đó đã nêu rõ tính
chất y dược của cây ayahuasca (5b).
Có trường hợp các hãng buôn cướp hẳn lợi nhuận cho mình và, đi xa hơn,
phá phách nguồn lợi của người dân nghèo. Ở nước Gabon bên châu Phi, từ
thuở xa xăm người bản xứ đã biết trồng cây "tôi quên" tức Pentadiplandra
brazzeana để chiết dùng chất ngọt của nó. Năm 1995, sau khi khảo cứu
tường tận cây và hoạt chất, Viện Đại học Visconsin bên Hoa Kỳ đăng ghi 4
văn bằng chiết xuất chất brazzein, một protein ngọt gấp 1.000 lần đường
đồng thời cũng đem lại ít calo. Họ bán môn bài khai thác cho những công
ty công nghệ sinh học ngoại quốc, thành thử người dân Gabon chẳng nhận
được một xu nhỏ nào. Họ còn thực hiện một chương trình còn độc hại hơn :
để khỏi còn lệ thuộc cây trồng ở Gabon, họ cho cấy gen chế tạo brazzein
vào những cây biết tổng hợp protein như bắp chẳng hạn. Như vậy họ không
cần tới cây "tôi quên" nữa và Gabon mất một nguồn lợi gần trăm tỷ USD
mỗi năm trên thị trường thế giới trong lúc khắp nơi người ta đang kiếm
cách tránh dùng những chất đường có tác dụng xấu lên cơ thể (5d). Nói
đến chất ngọt, tưởng cũng nên nhắc đến cây cỏ ngọt Stevia ribaudiana một
dạo đã được khảo cứu và trồng nhiều bên nước ta (1). Chất steviosid
chiết xuất ra, ngọt gấp 300 lần đường, cần phải được tinh chế, đã được
Nhật Bản khai thác trong nhiều văn bằng thành thử việc buôn bán hoạt
chất ra nước ngoài chắc không được tự do như ta mong muốn.
Cách mới hai năm, hãng Monsanto bên Hoa Kỳ thực hiện một chương trình
mang danh Hệ thống Bảo vệ Công nghệ không kém phần phi nghĩa : cho cấy
gen vào lúa, bắp,… nhắm mục đích giúp cây tự vệ chống trùng, tăng năng
suất nhưng đồng thời cũng làm hột cây tuyệt sản, nghĩa là sau nầy không
thể dùng hột cây làm giống được nữa. Nói một cách khác, người nông dân,
nếu không nghĩ xa, chỉ nhìn năng suất trước mắt, sẽ không còn khả năng
giữ một ít hột làm giống nữa như trước mà lại phải đi mua ! Họ đã gán
cho chương trình tên Terminator, một nhân vật trong phim ảnh dã tưởng có
nhiệm vụ đánh phá làm tiệt nòi những phần tử kháng chiến (4). Năm 2001,
ông Percy Schmeister, một nhà nông tỉnh Saskatchewan bên Gia Nã Đại bị
kết án phải bồi thường cho hãng Monsanto 15.450 CD vì hãng nầy kiện ông
đã dùng giống của họ mà không chịu mua. Nhà nông cải lại là lúa ruộng
ông không còn bị côn trùng phá hoại vì có lẽ đã hợp lai với lúa các
ruộng bên cạnh dùng giống Monsanto, nhưng cũng có thể là nhờ ông biết
chăm sóc kỹ lưỡng. Để trả đủa, ông đưa đơn kiện lại hãng Mosanto đã làm
nhiễm bẩn ruộng của ông vốn phát triển tốt đẹp từ 50 năm nay (6). Vào
lúc quốc hội Pháp quyết định ngừng phép cho trồng bắp có chắp gen OGM
của hãng Monsanto (MON 810) trên lãnh thổ Pháp đầu năm 2008 nầy và rồi
yêu cầu Hội đồng Âu châu tiếp tục cùng chiều hướng vì cuộc kiểm tra kết
quả chưa rõ ràng (protein diệt trùng Bt bắp có chắp gen tiết ra để diệt
sâu róm bướm ống, diệt luôn cả bướm vua, giun tròn, giun đất cần thiết
cho thăng bằng môi sinh, thâm nhập vào nước, đất xung quanh), việc trồng
cây có chắp gen đang và sẽ được đặt ra, quyết liệt, đúng lý. Dù sao,
hãng Monsanto ngày nay được kết án về trách nhiệm nhiều hóa chất độc hại
như pyralen (trong dầu), dioxin (chất da cam ở Việt Nam), hormon sinh
trưởng bò (khả năng gây ung thư ở những người uống sữa) (10).
Đăng ghi văn bằng sáng chế trong lãnh vực thuốc men là để bảo đảm quyền
sở hữu của những hội dược phẩm. Nếu là các vị thuốc lấy từ cây cỏ, theo
lý thuyết chỉ có thể đăng ghi về phương cách chiết xuất và ứng dụng chứ
không có quyền chiếm dụng hoạt chất có sẵn trong cây. Đứng về mặt bảo vệ
sức khỏe nhân dân, như đã thấy, những văn bằng nầy dần dần lấn áp quyền
lợi công cộng. Đối với người dân nước nghèo, văn bằng sử dụng nguyên
liệu thiên nhiên là một áp bức. Nói chung, những thuốc nầy cũng như
những thuốc nhân tạo tổng hợp ưu đãi người giàu. Theo Tổ chức Y tế Thế
giới OMS, giữa 1975 và 1995, trong số 1.233 nhãn thuốc nhân tạo tổng hợp
bán ra thị trưòng, chỉ có 11 cái (mà một nửa dành cho thú vật) chữa bệnh
nhiệt đới, nghĩa là bệnh ở những nước nghèo. Những nhãn thuốc khác nhắm
chữa những bệnh thần kinh, tim, mạch thường xảy ra ở các nước no ấm,
sung túc. Biết bao công của đã được đổ vào các cuộc khảo cứu chẳng hạn
để làm sụt cân, xóa vết nhăn trên mặt hay chữa chứng kinh hoàng ở thú
vật nuôi trong nhà như chó, mèo,… The Nation, một tờ báo Hoa Kỳ thiên
tả, đã đưa ra một nhận xét khách quan nhưng cũng là một phán xét luân lý
: một người giàu có, già béo, sói tóc, bất lực được coi trọng hơn 500
triệu bệnh nhân sốt rét ! Dễ hiểu thôi : hãng buôn nào mà không đặt lợi
nhuận lên cao nhất. Mặc dầu công ty hoá chất Merck đã có biếu 65 triệu
viên thuốc Ivermectine trong khoảng 10 năm góp phần trừ tiệt bệnh giun
chỉ bên Phi châu, nhiều phòng thí nghiệm tự nguyện khảo cứu về bệnh buồn
ngủ đang hoành hành dữ dội ở Ouganda, hãng Pfizer hứa phát không thuốc
Flucanazole cho Nam Phi để chữa một chứng viêm màng não liên quan đến
bệnh sida, không ai nuôi ảo tưởng một tấm lòng hào hiệp của các hãng
buôn. Bác sĩ Jean-Marie Kindermans ở Hội các Y sĩ không biên giới MSF
nhận định : cách suy luận cũa kỹ nghệ dược phẩm không đi đôi với hoạt
động xã hội (8).
Cũng may (nếu có thể cho là may !) nếu chứng chagas giới hạn ở Bolivie,
chứng sốt rét vàng phá hoại ở Guinée, chứng buồn ngủ tồn tại ở Ouganda,
nhiều bệnh như ho lao, ung thư, sida, gần đây cả sốt rét, không phân
biệt ranh giới địa lý, xã hội, xâm nhập ngay cả các nước tân tiến, giàu
có, buộc các phòng thí nghiệm, các nhà khảo cứu những "nước phía bắc"
phải lưu tâm kiếm cách trừ khử. Tuy nhiên, không phải nhờ vậy mà thuốc
men tràn ngập các nước nghèo. Trước tình trạng thiếu thốn và nằm trong
phạm vi khả năng của mình, nhiều nhà buôn ở các "nước phía nam" như Ấn
Độ, Thái Lan, Brazyl, Argentina đua nhau chế thuốc đã quá hạn văn bằng,
tung ra thị trường những nhãn thuốc có khi rẻ hơn 40 lần thuốc tương
đương trước kia. Phản công thấy ngay tức khắc : năm 1998, Hoa Kỳ đe dọa
đánh thuế mọi sản phẩm Thái Lan xuất khẩu qua bên ấy, lấy cớ nước nầy đã
dùng hoạt chất fluconazol chế tạo thuốc chống màng viêm não cạnh tranh
với thuốc Triflucan của hãng Pfizer. Đúng ra, về mặt nhân đạo, các hãng
thuốc lớn phải ủng hộ các cuộc chế tạo nầy, đồng thời làm dịu bớt những
điều kiện khắt khe trong văn bằng. Đằng khác, các hãng buôn lớn tưởng
cũng nên xác định hai giá thuốc cho các nước giàu và các nước nghèo. Sức
khỏe không phải là một thị trường giống các thị trường khác.
Vậy mà trước đây không lâu, 39 công ty dược phẩm quốc tế đưa đơn kiện
chính phủ Nam Phi năm 1997 đã cho phép dân chúng tùy ý sử dụng những
thuốc cốt yếu mà ưu tiên là những thuốc quá hạn văn bằng rẻ tiền chế tạo
tại chỗ hay nhập cản. Hội MSF kêu gọi quốc tế ủng hộ chính phủ Nam Phi
và yêu cầu 39 công ty kia rút đơn kiện : cuộc bảo vệ tính mệnh con người
cần phải được coi trọng hơn bảo vệ văn bằng. Hội nhắc lại Nam Phi là
nước bị sida hoành hành nhiều nhất với hơn 4 triệu dân mang trùng. Bác
sĩ Eric Goemaere ở hôi nầy nhấn mạnh : thật là một điều khiếm nhục khi
kỹ nghệ khăng khăng đặt lợi nhuận cao hơn đời sống và tiếp tục chống đối
những sáng kiến của chính phủ Nam Phi để cải thiện khả năng đạt được
thuốc men (7).
Phải nói pháp lý đứng về phía các công ty dược phẩm vì chính phủ Nam Phi
đã ký những điều khoản của Tổ chức Thương mãi Thế giới OMC, gọi là hiệp
định Trips, trong đó 137 nước cam kết tôn trọng trong 20 năm độc quyền
của các văn bằng. Tuy vậy, có nhiều điều khoảng nhân nhượng có thể điều
đình : ở tình trạng cấp cứu, có thể thực hiện một môn bài bản xứ hoặc
nhập cảng những thuốc men mua rẻ. Theo ông Tony Leon, lãnh đạo phe đối
lập, Nam Phi có 250.000 bệnh nhân chết vì sida trong năm 2000 thì tất
nhiên được đặt vào tình trạng cấp cứu. Nhưng ông Tổng thống Thabo Mbeki
thì nhất định từ chối giải pháp ấy. Ông bảo có nhiều phương cách khác để
đạt thuốc men và hiện các bệnh nhân đang cấp bách chờ đợi các liều thuốc
hiệu nghiệm chứ không phải những bàn cãi pháp lý tế nhị (7). Lời kêu gọi
của MSF có kết quả : 39 công ty dược phẩm đã rút đơn kiện. Nhưng nay mai
OMC còn phải đương đầu với những tranh chấp khác với các nước Thái Lan,
Brazyl, Argentina và các nước nhỏ khác, luôn kiếm cách đạt được những
liều thuốc rẻ tiền, một cách nầy hay cách khác.
Ngày nào chưa dung hòa được lợi nhuận của các hãng buôn lớn và việc cung
cấp thuốc men cho dân các nước nghèo thì cuộc tranh chấp còn tiếp tục.
Hiện các "nước phía nam" đang cần phát triển lanh chóng viêc chế tạo
thuốc men và từ đấy cũng đang cần được ủng hộ tài chánh. Theo ông Viren
Mehta, giám đốc Phòng tham vấn về dược liệu Mehta Partners ở New York,
thì kỹ nghệ dược phẩm đang đạt đến một khúc ngoặt. Công nghệ sinh học đã
hé mở một tương lai thích thú : nó giúp ta tránh những sai lầm và thực
hiện việc khảo cứu chủ yếu về những cơ chế thiên nhiên. Ở chân trời hai
thế hệ, có thể dự tính những giải pháp dựa lên một quan hệ giá tiền -
hiệu lực tốt nhất… Nếu những kết quả được bảo vệ trong một thời gian chỉ
định, giới tư nhân có thể chờ đợi có đủ lợi nhuận để chịu nhận một cuộc
phân phát toàn bộ trong ngắn hạn. Phần lớn các hãng thuốc đều đồng ý cần
phải sản xuất nhiều hơn. Thành quả là cuộc khảo cứu đang tăng cường ở
các nước Brazyl, Mexico. Ở Ấn Độ, phần lớn 28.000 phòng thí nghiệm trước
đây chỉ bắt chước chế tạo những nhãn thuốc có văn bằng, bây giờ tung ra
thị trường những sản phẩm độc đáo (8). Ta có thể lạc quan nhìn tương
lai.
Thông tin
khoa học và Công nghệ 3(33) (2001) 37-42
có bổ túc cho
Vietsciences
Tham
khảo
1-Võ Quang Yến,
Cây cỏ ngọt và các chất đường, Thông tin Khoa học và Công nghệ
4 (1995) 8
2- Võ Quang
Yến, Thuốc trị bá chứng từ cây sầu đâu, Thông tin Khoa học và
Công nghệ 3 (1996) 3
3- Võ Quang
Yến, Những cây thuốc của cây xoan, Thông tin Khoa học và Công
nghệ 4 (1996) 103
4- Hervé Ratel,
"Terminator", l’arme ultime des semenciers, Sciences et Avenir
5(1999)76
5- Hervé Ratel,
a- L’arbre aux brevets ; b- Ayahuasca, Pas touche à la plante
sacrée ; c- Riz basmati, le fat du prince ; d- La
brazzénine, un sucre au goût amer, Scoences et Avenir 10
(2000) 63
6- Qui sème
des OGM récolte un procès, Sciences et Avenir 5 (2001) 35
7- Michel de
Pracontal, Quel prix pour 4 millions de vie ? Le Nouvel
Observateur 3 (2001) 122
8- Ivan Brisco,
Industrie pharmaceurique : charité bien ordonnée, Le Courrier
de l’UNESCO 2 (2001) 122
9- R.M.
OGM : le maïs MON 810 sur le grill, Sciences et Avenir 2
(2008) 34
10- M.M. Robin,
Le monde selon Monsanto, Arte éditions – La Découverte (2008) ;
phim tài li ệu 105 phút, đài Arte thứ ba 11.03.2008, 21 giờ.
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Võ Quang Yến
|