Trái thơm huyền diệu

Vietsciences- Võ Thị Diệu Hằng     01/08/2005  

 

Trái thơm vị chua, ngọt, ngoài việc dùng để ăn tráng  miệng, làm nước uống, làm bánh, người ta còn dùng để trị bệnh

Tên thông thường: Pineapple, Ananas, Nanas, Pina.

Tên khoa học: Ananas comosus, họ Bromeliaceae

Cùng giống:  Ananas ananassoides , Ananas bracteatus...

 

I/ Nguồn gốc:

Nguồn gốc từ Brazil và Paraguay, được người da đỏ trồng , lan rộng từ Trung và Nam  Mỹ đến miền Tây trước khi Christopher Columbus  tìm thấy trái thơm trên hòn đảo Guadaloupe (1493) rồi đưa về Tây Ban Nha. Sau đó người Tây Ban Nha  mang trái thơm theo tàu, để thủy thủ khỏi bị bịnh Scorbut, thành ra trái thơm được phổ biến khắp thế giới.  Họ nhập trái thơm vô Phi Luật Tân và có thể qua tới Hawaii và Guam những  thập niên đầu thế kỷ thứ 16 . Trái thơm được nhập qua nước Anh năm 1660 và được trồng trong nhà kiếng khoảng năm 1720. Vào năm 1800 người ta bắt đầu trồng và bán ở Açores, Australie, ở Hawaii và Nam Phi châu. Thái Lan và Phi luật Tân hiện nay là những nước sản xuất thơm quan trọng nhất.  Ngày nay thơm được trồng trong hầu hết các nước vùng nhiệt đới, không những tại Nam Mỹ, Trung Mỹ, Caraibes mà còn ở Úc, các đảo của Thái Bình Dương và nhiều nước châu Á và Châu Phi

Người Pháp gọi là "ananas" từ chữ "nana nana" của người da đỏ và thổ dân Paraguay, có nghĩa là "thơm", . Người Tây Ban Nha đặt tên là piña vì nó giống trái thông. Người Anh lấy ý nghĩa này và đặt tên trái này là pineapple.

Thơm là trái cây nhiệt đới, thích hợp với môi trường ẩm thấp, nhưng có thể chịu đựng  tới  nhiệt độ 28°F (-2°C), nhưng  ở nhiệt độ lạnh, cây lớn chậm và trái chua

 

 

 

 

Hoa thơm

Hoa hơm rụng đi, thành mắt thơm

II/ Thành phần

Trái thơm chứa nhiều enzyme: pectase, invertase, peroxydase, desmolases và nhất là broméline, enzyme đặc biệt nhất của trái thơm. Chất này có trong trái thơm, cộng thơm và lá thơm. Sở dĩ nó làm mềm thịt là nhờ nó có khả năng chia cắt các protéine ra làm những  phân tử đơn giản hơn tức  là nhỏ hơn (cũng  như thể nó "tiêu hóa" giùm ta phần đầu)

Thành phần trung bình cho 100 g  thơm

Thành phần (g)
Glucide 11.6
Protide 0.50
Lipide 0.20
Acide hữu cơ 0.90
Nước 84.8
Chất xơ 1.40
Khoáng chất (mg)
Potassium (K) 146.0
Phosphore (P) 11.00
Calcium (Ca) 15.00
Magnésium (Mg) 5.000
u huỳnh (S) 3.000
Sodium (Na) 2.000
Sắt (Fe) 0.300
Đồng (Cu) 0.080
Kẽm (Zn) 0.090
Manganèse (Mn) 0.400
Fluor (F) 0.010
Iode (I) 0.010
 
Vitamin (mg)
Vitamin C (ac. ascorbique) 18.00
Provitamin A (carotène) 0.060
Vitamin B1 (thiamine) 0.080
Vitamin B2 (riboflavine) 0.030
Vitamin B3 ou PP (nicotinamide) 0.300
Vitamin B5 (ac. panothénique) 0.160
Vitamin B6 (pyridoxine) 0.090
Vitamin B9 (ac. folique) 0.014
Vitamin E (tocophérols) 0.100

 

So sánh khả năng thủy giải:

Enzyme Khả năng thủy giải tương đương
Pancréatine 100 mg
Trypsine 24 mg 
Chymotrypsine 1 mg 
Bromélaïne 45 mg 
Papaïne 60 mg

 

III/ Công dụng của broméline

Broméline hiện diện trong thân, lá, cuống thơm nhiều hơn trong thịt trái thơm. Người ta ly trích chất broméline từ vỏ trái thơm, cuống thơm, cọng thơm... , còn thịt trái thơm dùng để ăn.

Ngoài việc phân cắt protéine, (các bạn đừng sợ, vì dạ dày có chất nhờn che chở), ngày nay broméline được trích ra để điều chế thuốc tây,  để  trị nhiều chứng bịnh. Có hai cách trị liệu:

 - Uống:

làm giảm đau khớp, làm cho dễ tiêu hóa, tham dự vào việc giải tỏa sự bế tắt đường hô hấp, chữa bịnh viêm xoang, bịnh viêm tĩnh mạch, bớt sự trở lại  chứng  nhồi máu và những cơn viêm họng, giúp cho một số thuốc hấp thụ được, hỗ trợ cho việc trị các khối ung thư

 - Xức bên ngoài:

giúp mau lành sẹo các vết thương dưới da: broméline dùng để làm lành vết thương và thành sẹo nhanh chóng sau khi giải phẫu hay bị  thương  vì thể thao.

 

IV/ Những nghiên cứu lâm sàng:

1) Chữa trị chấn thương

Dùng broméline để chữa bệnh sưng phù sau khi bị chấn thương. Dùng với liều lượng cao, sẽ làm giảm đau, sưng phù. Năm 1960 một nghiên cứu trên 146 võ sĩ quyền anh đau vì bị đụng giập và bọc máu thì 78% được chữa trị với broméline thì sau 3-4 ngày là hết ,trong  lúc  không  dùng   broméline thì chỉ 14% người lành. Số còn lại thì những người uống broméline hoàn toàn lành hẳn sau  8 ngày so với 14 ngày cho những người không dùng  broméline.

2) Chữa thấp khớp:

Hôm tháng 2 vừa qua, những nhà khoa học đã thử nghiệm một tổng hợp mới  và hy vọng rằng chất broméline có thể làm giàm đau nhức các chứng thấp khớp (Arthrose) nơi đầu gối hay bả vai

a) Đau nhức xương đầu gối

Các nhà khoa học phân tích kết quả của 10 cuộc nghiên cứu trên tác dụng của chất broméline trên chứng đau khớp đầu gối, với lượng hàng ngày là 60 mg tơi 1890 mg.

Một trong số 10 nghiên cứu đó mang lại kết quả là broméline làm giảm sưng cho 18 bệnh nhân trong số 29 người đau chứng thấp khớp. Một nghiên cứu khác để mở ngõ cho mọi người tham gia, dùng broméline  200 mg, hay 400 mg  mỗi ngày và họ cảm thấy rằng sự cử động các khớp xương dễ dàng hơn và đồng thời giảm bớt sự cứng ngắc.

b) Đau nhức bả vai:

Có hai nghiên cứu lâm sàng trên thấp khớp nơi bả vai là cho bệnh nhân dùng  liều lượng 540 mg broméline mỗi ngày thì hình như có hiệu quá gấn như chất diclofénec

 

V / Ăn trái thơm có làm giảm cân không ?

Người ta quảng cáo rằng ăn thơm làm giảm cân vì chất broméline là một "enzyme tiêu mỡ" . Nhưng thực tế thì những cây họ broméliacée có chứa enzyme broméline hầu hết trong thân cây, trong cuống, lõi thơm nhưng có ít trong thịt trái thơm.

Broméline là một protéase nên chỉ tác dụng trên các protéine. Công dụng của broméline không đáng kể so với các enzyme do cơ thể chúng ta tạo ra. Bởi vậy ăn thơm hay uống các viên thuốc broméline trích từ cây thơm, đều không có tác dụng  làm giảm cân.

 

© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Võ Thị Diệu Hằng