Đã tìm ra thêm một phương thức điều trị cúm A H5N1 ở người?

Vietsciences-Nguyễn Đình Nguyên     01/06/2007
 

Những bài cùng tác giả
 

Mấy hôm nay, giới truyền thông trên thế giới lại dấy lên một niềm tin mới là đã có thể chiết tách được kháng thể kháng lại virus AH5N1 ở người và có hiệu quả bảo vệ chuột thí nghiệm cho nhiễm H5N1 không bị bệnh. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu còn mạnh dạn tin tưởng rằng nếu được sử dụng đúng thời điểm và đủ liều lượng thì có thể đem lại lợi ích cho con người.  Vậy giá trị ứng dụng đích thực của công trình này như thế nào?

 

Trước khi đi vào nội dung để bạn đọc có ý niệm, chúng ta hãy cùng đi qua nguyên lý căn bản của phương thức sử dụng kháng thể để điều trị.

Trong các phương thức phòng chống bệnh truyền nhiễm, cách tốt nhất và hiệu quả nhất trong công tác phòng ngừa là làm thế nào tạo được cho cơ thể của đối tượng cảm nhiễm (con người) phải có khả năng tự chống lại bệnh tật.  Cách tối ưu đó là tạo miễn dịch.

Tức là đối với cơ thể con người, khi tiếp xúc với một số loài vi sinh vật nhất định, sau một hay vài lần, cơ thể có thể tự sản xuất ra một chất đặc hiệu, gọi là kháng thể có khả năng chống lại vi sinh vật đó.  Khi bị nhiễm lại lần sau, cơ thể người đó có khả năng không bị phát bệnh hay chỉ phát bệnh nhẹ. Dựa trên khả năng này, mà chúng ta có vaccine.  Tuy nhiên, hiệu quả của cơ chế hoạt động theo cách thức này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, căn bản nhất vẫn là hai đối tượng trực tiếp: vi sinh vật gây bệnh và cơ thể người nhiễm bệnh. Một vi sinh vật gây bệnh có cấu trúc di truyền, hay cụ thể hơn là cấu trúc di truyền tạo kháng nguyên (hiểu như là một đặc điểm nhận dạng riêng biệt đối với loại vi rút đó như là một cái mã riêng) càng ổn định bao nhiêu thì hiệu quả của việc sử dụng vaccine càng cao bấy nhiêu; đối với cơ thể người thì khả năng tạo kháng thể đó là vĩnh viễn hay chỉ nhất thời, hiệu giá (hiểu như là nồng độ) của kháng thể đó có bền vững theo thời gian hay không, có khả năng trung hoà hay tiêu diệt vi sinh vật đó bao nhiêu.

Do vậy trong thực tế, có một số bệnh như đậu mùa chẳng hạn, người ta chỉ cần tiêm vaccine một lần, là miễn dịch đó có thể có hiệu quả đến suốt đời. Nhờ vậy mà thế giới đã công bố thanh toán được bệnh Đậu mùa trong thiên nhiên trên toàn cầu vào năm 1979. Hiện nay chúng ta đang tiến tới thanh toán bệnh Bại liệt.  Cũng có một số bệnh khác, hiệu quả của việc tiêm phòng kháng sinh là có, tuy nhiên hiệu giá kháng thể nó lại giảm dần theo thời gian, do đó cần phải tiêm nhắc lại. thí dụ như bệnh Uốn ván hoặc viêm gan siêu vi B.

Thế nhưng, cũng sẽ có một số trường hợp là cơ thể người đó chưa kịp tiêm vaccine, khi nghi bị nhiễm bệnh, thì có một cách thức “đi tắt” là tiêm ngay kháng thể vào cho cơ thể bệnh nhân đó, để có thể tiếp cận và trung hoà (tiêu huỷ) mầm bệnh ngay khi còn lưu hành trong máu của cơ thể. Điển hình trong các trường hợp này là tiêm kháng thể chống lại Uốn ván khi dẫm phải đinh gai, có khả năng bị nhiễm vi trùng uốn ván hoặc tiêm kháng thể chống bệnh Dại khi bị chó nghi là dại cắn.

Vậy giữa vaccine và kháng thể thì dùng cái nào lợi hơn? Rõ ràng là vaccine ưu thế hơn vì nó là phương pháp phòng bệnh chủ động, dùng yếu tố mầm bệnh hoặc kháng nguyên mầm bệnh để kích thích cơ thể tự sản xuất ra được kháng thể, điều đó cũng chứng tỏ là hệ miễn dịch của cá thể đó còn hoạt động tốt.  Nhưng đối với vaccine thì cần có thời gian đủ để cơ thể sản sinh ra một lượng kháng thể đáp ứng được mục đích trung hoà mầm bệnh khi bị nhiễm.  Đối với việc sử dụng kháng thể thì có thể tạo được đáp ứng tức thời, thế nhưng nó lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố.  Đầu tiên phải kể đến là khả năng dung nạp với kháng thể lạ được đưa từ ngoài vào, chính nó cũng đã là kháng nguyên, nhiều khi cơ thể phản ứng lại tạo ra phản ứng sốc phản vệ kháng thể; rồi bao nhiêu kháng thể đưa vào là vừa, thời gian nào, cách thức hoạt động, chuyển hoá của kháng thể đó trong cơ thể người bệnh ra sao…

Nhưng tựu trung lại, để sử dụng kháng nguyên (vaccine) hay kháng thể cho người để phòng chống lại bệnh tật có hiệu quả, cần phải dựa trên một số tiền đề:

-         Cấu trúc di truyền kháng nguyên của mầm bệnh phải tương đối ổn định theo thời gian.

-         Mầm bệnh đó phải có đủ điều kiện để tạo ra chuỗi phản ứng kháng nguyên-kháng thể, có nghĩa là cho cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên này, thì cơ thể phải tạo được kháng thể.

-         Đối với kháng thể, thì kháng thể đó phải có hoạt tính trong môi trường cơ thể sống (in vivo) và có khả năng trung hoà được mầm bệnh hữu hiệu mà không gây hại cho cơ thể người sử dụng.

-         Hoạt động của kháng thể chỉ hữu hiệu một khi mầm bệnh còn lưu hành trong máu, trước khi xâm nhập hay định cư vào tế bào của cơ thể người bệnh.

 

Chúng ta biết gì về virus cúm A H5N1?

Cho đến hiện nay, những chủng loại virus H5N1 là đặc hiệu gây bệnh cho người, chúng ta chưa biết được. Chỉ biết rằng có sự vượt rào cản chủng loại, lây trực tiếp từ vật sang người tiếp xúc, nhưng theo cơ chế nào cũng không rõ (vì không phải nhiều người mắc phải trong khi hàng triệu triệu con gia cầm bị bệnh dịch và cũng không ít người tiếp xúc). Đối với những người mắc bệnh trong mấy năm qua, thì phân lập virus H5N1 ở các bệnh nhân này cũng không thuần nhất về mặt cấu trúc, mặc dù vẫn xếp chúng và nhóm H5N1.

Một điều chắc chắn mà chúng ta có thể biết được là vi rút A(H5N1) là virus được xếp và virus cúm nhóm A, một loại virus gây bệnh nặng ở người và thường bắt nguồn từ động vật. Một đặc điểm nổi bật của virus cúm A là không ổn định về mặt cấu trúc kháng nguyên bề mặt, dễ thay đổi, đột biến, tích hợp, chuyển dạng. Vì lẽ đó mà chúng ta chưa bao giờ có thể đối trị được với loại virus cúm này cả. Năm nào cũng phải tiêm vaccine, nhưng hàng năm trên toàn cầu vẫn có hàng triệu triệu người bị nhiễm cúm từ nhẹ đến nặng, và hàng năm vẫn có đến một phần tư triệu người chết vì cúm hay hậu quả của cúm thông thường chứ chẳng cần gì đến A(H5N1).

Đến thời điểm này, một điều may mắn là virus A(H5N1) vẫn chỉ mới lưu hành rộng rãi trong loài lông vũ, gây bệnh thành dịch ở gia cầm, và chỉ tản mác lây trực tiêp sang người và dừng ở đó. Chưa có một bằng chứng nào cho thấy A(H5N1) có thể lây lan trực tiếp giữa người với người, và nếu có thì một trong những điều kiện đủ là virus này phải có một sự đột biến mới, vượt rào cản chủng loại theo cách thức chuyển dạng kháng nguyên (shift antigen) thì mới có khả năng lây lan giữa người với người, hay nói cách khác đi là virus A(H5N1) đó có khả năng không phải là A(H5N1) mà chúng ta đã và đang phân lập được hiện nay ở người bệnh.

 

Bối cảnh ra đời của nghiên cứu

Nghiên cứu này dựa trên nền tảng nguyên lý kháng nguyên-kháng thể nêu trên và quan trọng hơn là dựa trên một quan sát thực nghiệm ở kỳ đại dịch cúm Tây-ban-nha 1918. Sau một thời gian ngắn diễn ra, hàng triệu triệu bệnh nhân bị chết nhanh chóng, giới bác sĩ bằng mọi nỗ lực để cứu chữa những người còn lại; một trong các nỗ lực đó là sử dụng máu và huyết thanh của những người vừa bị cúm và bình phục để truyền cho bệnh nhân mới. Và theo một nghiên cứu tổng hợp, hồi cứu lại các y văn của những năm 20s thế kỷ trước, các khoa học gia nhận thấy tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân được truyền máu thấp hơn so với những bệnh nhân không truyền.  Mặc dù nghiên cứu y học vào những thời sơ khai đó có nhiều hạn chế về giá trị khoa học, nhưng cũng loé lên một dấu hiệu là biết đâu, có thể sử dụng phương pháp trung hoà này, áp dụng được trên bệnh cúm A(H5N1).

 

Nghiên cứu này làm gì, kết quả ra sao?

Nghiên cứu mới này vừa mới được đăng tải trên một tập san y khoa trực tuyến, Public Library of Science (PloS) (Medicine) có tiêu đề: “Hiệu quả điều trị và phòng ngừa của Kháng thể Đơn dòng ở người đối với virus cúm H5N1” của một nhóm tác giả kết hợp giữa Trung tâm nghiên cứu Y học Lâm sàng của Viện đại học Oxford-Bệnh viện Y học Nhiệt đới thành phố HCM, Viện nghiên cứu Y sinh Bellizona, Thuỵ sĩ và Phòng thí nghiệm bệnh Truyền nhiễm của Viện quốc gia về bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng, Bethesda, Maryland, Mỹ.

Cách tiến hành: các tác giả sử dụng 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân đã được chẩn đoán bị nhiễm H5N1 (tại bệnh viện Y học Nhiệt đới TP HCM), sau đó dùng các biện pháp kỹ thuật để tách lấy kháng thể.  Các kháng thể này được sàng lọc hiệu quả bằng cách cho tiếp xúc với mẫu các virus H5N1 (được lưu trữ từ các chủng phân lập được ở Hồng kông và Việt nam từ 1997-2005). Một trong số các kháng thể đó đã có thể trung hoà được với dòng H5N1 chính là loại mà các bệnh nhân cho máu đó đã bị nhiễm.

Trong ống nghiệm, loại kháng thể này có thể trung hoà được virus H5N1 tương đối gần (nên hiểu là chìa khớp với khoá, hay tương đối đặc hiệu, nên gọi là kháng thể đơn dòng) và lại có tác dụng chéo đối với một dòng H5N1 khác (cũng gây bệnh cho người).

Tiến hành nghiên cứu trên chuột thực nghiệm (mỗi lô 4-8 con chuột, không nêu cụ thể bao nhiêu lô), các tác giả nhận thấy một số các kháng thể có tác dụng bảo vệ chuột thông qua các hoạt động: làm giảm khả năng tăng sinh virus trong chuột, giảm hoạt động huỷ hoại của virus trong phổi, và ngăn cản sự lan toả của virus trong phổi.

Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu lạc quan cho thấy kết quả này có thể ứng dụng trong điều trị bệnh cho người, nhất là khi có đại dịch và hiệu quả điều trị đạt được cần phải dùng trước 72 giờ (sau nhiễm bệnh); hơn nữa kỹ thuật chế tạo kháng thể của nhóm nghiên cứu này là dễ dàng và nhanh.

 

Nhận xét

Như mọi nghiên cứu khoa học, việc xếp loại giá trị nghiên cứu trong bậc thang giá trị thì nghiên cứu này chỉ mới ở bậc thấp của nghiên cứu dịch tễ lâm sàng, có nghĩa là chỉ còn mới trong phòng thí nghiệm. Hay cụ thể hơn, nghiên cứu này là một tiền đề, một cuộc thực tập dọn đường để có hướng nghiên cứu trên ngưòi, mà trước hết là nghiên cứu trên tế bào, mô người biệt lập. Về ý tưởng, thì đây không phải là một nghiên cứu gốc (original study) mà chỉ là một kế thừa nguyên lý, lần đầu tiên tìm được trên loại virus mới: H5N1.

Còn hiệu quả để có thể chế tạo và sử dụng có hiệu quả trên người đưọc hay không? Chắc chắn là chưa thể biết, và để có câu trả lời là cần phải có một thời gian rất dài nữa.

Lý do thứ nhất, hiện nay bệnh cúm gia cầm A(H5N1) ở người vẫn là lẻ tẻ, và rải rác, mặc dầu tỷ lệ tử vong cao. Lý do thứ hai quan trọng hơn là như đã đề cập ở phần nguyên lý, virus cúm A là không đặc hiệu và không ổn định về cấu trúc kháng nguyên.  Rồi để đến bước virus H5N1 có thể lây lan giữa người và người thì cấu trúc nó có như hiện nay không? Hẳn là không, nhưng như thế nào chúng ta cũng chưa biết. Một lý do khác không thiếu phần quan trọng nữa là hiệu quả điều trị của việc sử dụng kháng thể từ trước đến nay thường chỉ đạt được trong giai đoạn còn ủ bệnh, và mầm bệnh còn lưu hành trong máu, chưa đến giai đoạn xâm nhập vào tế bào và tăng sinh. Cũng như các tác giả nhận định là cần phải dùng sớm trước 72 giờ sau khi nhiễm. Đối với cúm thì việc phát hiện được thời gian nhiễm bệnh có lẽ là chuyện không tưởng, và nếu có thì bệnh nhân có đến được với bác sĩ thì cũng đã muộn hơn. Hoạ may chỉ có thể nghi ngờ  sớm khi đã có…dịch. Đối với các bệnh khác như chó dại cắn hoặc dậm phải đinh gai, chúng ta mới có thể dễ dàng xác định được thời gian phơi nhiễm rõ ràng và chính xác mà thôi.

Đó mới chỉ là các điểm về mặt nguyên lý, còn về mặt kỹ thuật và quan trọng nhất là đáp ứng của cơ thể bệnh nhân đối với việc sử dụng kháng thể điều trị như thế nào, mới là mấu chốt.

Để có được có câu trả lời đó, đường đi từ nghiên cứu tiền trạm này đến đích còn khá xa, và chúng ta chỉ nên đón nhận thông tin này ở mức độ vừa phải, và chờ xem các nhà khoa học đi các bước tiếp theo như thế nào, chứ chưa phải là chúng ta đã tìm ra được một phương tiện cứu cánh. Và chắc chắn một điều để đánh giá được hiệu quả thực thụ của việc sử dụng kháng thể để điều trị cho người bệnh bị nhiễm H5N1 chỉ có thể thực hiện được khi bệnh cúm loại A(H5N1) đã trở nên tương đối phổ biến ở người, và biết đâu, biết đâu lúc đó nó lại biến đổi trở nên là một loại cúm A như bao loại cúm A khác đang lưu hành hiện nay. Cũng nên hy vọng theo chiều hướng đó.

 

31/05/2007

 

 

© http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Đình Nguyên