Liệu pháp thôi miên tỏ ra hiệu
quả trong nhiều lĩnh vực: ngưng hút thuốc lá,
giải stress hay lo âu... Nó không thể thay thế
phân tâm học, nhưng là một công cụ chữa trị tâm
lý rất hiệu quả. 5% chúng ta trơ ì với kỹ thuật
này và chỉ 10% là bước vào trạng thái thôi miên
sâu nhanh chóng.
Thôi miên là gì?
Tất cả các chuyên gia thôi
miên đều có định nghĩa riêng của mình và không
hề có lý thuyết nào được coi là mẫu mực. Hiện
tượng thôi miên phức tạp đến mức các nhà liệu
pháp nói đến nhiều kỹ thuật của nó. Có một điều
chắc chắn: đây không phải là một trạng thái của
giấc ngủ, mà là một trạng thái thay đổi về ý
thức, như là giấc mơ, sự xuất thần, thư giãn,
nhập định..
Trạng thái "xuất thần thôi
miên" tương ứng với sự thay đổi trạng thái cảnh
giác bình thường - trạng thái giúp chúng ta suy
luận và sống trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng nó
có các đặc tính riêng: trong một môi trường đơn
điệu chẳng có gì diễn ra, ở đó các kích thích
hơi căng thẳng, não chúng ta trong tình trạng
"thiếu" thông tin. Lúc đó não sẽ tự sản ra thông
tin bằng cách rút lấy những hình ảnh trong vô
thức. Điều đó giống như thể người ta vẫn "mơ"
đồng thời vẫn có ý thức. Người bị thôi miên sẽ
quên đi hiện thực bên ngoài để bước vào một hiện
thực bên trong, nhưng vẫn sống như với hiện thực
bên ngoài. Ngoại lệ duy nhất: giọng nói của
người thôi miên tiếp tục được nghe thấy. Lời lẽ
của ông ta trở thành một tác nhân kích thích rất
đặc biệt, làm tăng thêm sức mạnh ám thị và từ đó
tạo ra các thay đổi về tâm - sinh lý bất thường
(làm biến mất ngay các cơn đau dữ dội hay chữa
được bệnh eczema...). Tại sao? Như thế nào? Cho
đến nay điều này vẫn còn là một bí ẩn.
Thôi miên đã được chứng minh
bằng khoa học?
Nhiều nghiên cứu cho thấy một
ám thị thôi miên gây ra các phản ứng neuron. Ví
dụ, nghiên cứu do giáo sư Stephen Kosslyn, khoa
thần kinh Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở
Boston tiến hành năm 1997: giáo sư đề nghị một
nhóm 16 người quan sát một bảng màu đặt theo
nhiều cấp độ và một bảng màu xám nhạt dần. Các
phản ứng của não được ghi nhận bằng kỹ thuật X
quang lớp phát hạt positron. Khi người tham gia
trong tình trạng thôi miên, giáo sư yêu cầu từng
người một "nhìn" bảng màu xám thành các màu sắc,
thì vùng chẩm - xương đỉnh - một trong các khu
vực nhận thức màu sắc - được kích hoạt, tức là
não đã phản ứng như nó nhìn thấy các màu ở vị
trí màu xám, điều mà ám thị thôi miên yêu cầu.
Một buổi liệu pháp thôi miên
diễn ra thế nào?
"Tôi muốn anh ngủ!" Đây là
công thức của nhà liệu pháp thôi miên và sự thôi
miên sẽ được tiến hành tuần tự. Một buổi liệu
pháp kéo dài 45 phút. Nằm dài trên giường, bệnh
nhân nhắm mắt lại hoặc nhìn chằm chằm vào một
điểm nhất định trong phòng. Ngồi trên chiếc ghế
bên cạnh, nhà liệu pháp đề nghị bệnh nhân thư
giãn hoàn toàn. Đó là giai đoạn tiền cảm ứng. Một số chuyên gia
sử dụng thiết bị âm thanh phát ra âm nhạc êm
dịu, và nói vào micro với giọng nhẹ nhàng và đơn
điệu. Họ yêu cầu bệnh nhân tập trung vào một số
vùng trên thân thể - đó là
giai đoạn cảm ứng
giúp bệnh nhân tập trung đến bản thân mình. Một
giấc ngủ mơ màng bắt đầu hình thành.
Nhà liệu pháp kiểm tra tình
trạng đối tượng bằng việc yêu cầu anh ta nhấc
tay lên hay đan các ngón tay vào nhau. Nếu bệnh
nhân làm theo yêu cầu, tức là anh ta đã rơi hẳn
vào trạng thái thôi miên. Sau đó, nhà liệu pháp
nhắc lại những ám thị, trực tiếp (chẳng hạn
Cơn đau tay của anh đã biến mất), hay gián
tiếp (Anh đang ở trong một nơi dễ chịu).
Cuối buổi thôi miên, bệnh nhân sẽ từng bước thức
dậy một cách nhẹ nhàng, để trở lại kiểm soát các
cơ bắp của mình và quay về với hiện thực mà
không có cảm giác khó chịu. Cuối cùng, bệnh nhân
và nhà liệu pháp bình luận về buổi thôi miên.
Có sự khác biệt giữa các kỹ
thuật thôi miên?
Người ta phân biệt 4 loại kỹ
thuật thôi miên:
1.
Truyền thống:
Nhà thôi miên đóng vai trò
hàng đầu, chính ông ta sẽ chủ trì buổi liệu
pháp. Ông ta sẽ xướng lên các ám thị trực tiếp
(gọi là truyền lệnh) trong khi bệnh nhân thụ
động.
2.
Bán truyền thống:
Nhà thôi miên vẫn luôn
đóng vai trò hàng đầu, cùng lúc đưa ra các ám
thị trực tiếp và gián tiếp.
3.
Mới:
Nhấn mạnh đến bệnh nhân và quan hệ của
anh ta với nhà liệu pháp, qua các sự trao đổi,
giao tiếp.
4.
Phương pháp Erickson
(nhà phân tâm học Mỹ
gốc Đức, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề của
tuổi thiếu niên): Bệnh nhân tự đặt mình vào
trạng thái thôi miên. Nhà liệu pháp sử dụng các
phép ẩn dụ để cho vô thức của đối tượng tự lựa
chọn giải pháp cho các vấn đề của mình.
Mọi người đều có thể được
thôi miên?
Theo thang độ của "tính dễ
được thôi miên" do Đại học Stanford phát triển,
5% trong số chúng ta trơ vì với kỹ thuật thôi
miên và chỉ 10% là bước vào trạng thái thôi miên
sâu một cách nhanh chóng. Nhưng người ta còn
chưa biết tại sao cho đến nay, vẫn không hề có
sự tương quan nào giữa cấu trúc cá nhân và tính
dễ ám thị được chứng minh.
Thôi miên không
phải là kỹ thuật tẩy não. Người bị thôi miên sẽ
không bao giờ tiết lộ các bí mật thầm kín nhất
của mình nếu như bản thân không mong muốn.
Thôi miên có thể sinh ra sự cố?
Không. Dù có thế nào
đi nữa thì đối tượng vẫn luôn "thức dậy". Trước hết bởi
vì người đó đã không ngủ. Sau đó, nếu như không có sự ám
thị nào được duy trì, tiến trình thôi miên tự tiêu tan.
Còn những sự đồn đại về ảnh hưởng tiêu cực của một số
nhà thôi miên (bắt nguồn từ điện ảnh) chỉ là truyền
thuyết, không một nhà thôi miên nào có thể buộc đối
tượng làm điều gì đó đi ngược lại các giá trị đạo đức
của chính đối tượng. Thôi miên không phải là kỹ thuật
tẩy não. Người bị thôi miên sẽ không bao giờ tiết lộ các
bí mật thầm kín nhất của mình nếu như bản thân không
mong muốn. Tuy nhiên, để tránh những lang băm, chúng ta
nên tìm đến các hiệp hội thôi miên có tiếng tăm để chọn
lấy một nhà liệu pháp tin cậy.
Các hiệu quả của liệu pháp thôi miên
1/Hiệu quả
với
- Ngưng hút thuốc lá:
80% trường hợp là thành công. Thôi miên cũng giúp chống
lại các phản ứng do cai nghiện.
- Sự béo phì và phàm
ăn: Thôi miên đóng vai trò nâng đỡ tâm lý trong điều trị
béo phì.
- Chống lại các cơn
đau: Thôi miên không thay thế được phép gây tê, nhưng có
thể giúp giảm bớt liều lượng thuốc. Thôi miên ngày càng
được sử dụng nhiều trong phẫu thuật răng.
- Các rối loạn tâm lý:
stress, hội chứng sợ hãi, lo âu cũng như sự bất lực,
lãnh cảm, các vấn đề về chứng sợ đám đông, trí nhớ...
- Các rối loạn tiêu
hóa: viêm loét dạ dày, viêm ruột kết hay tiêu chảy do
stress.
- Các bệnh về tâm thần
- tâm thể, các bệnh về da, tạng co giật, viêm mũi.
2/Không
hiệu quả đối với
- Phần lớn các rối
loạn tâm thần nặng như trầm uất cấp tính, tâm thần phân
lập.
- Cai nghiện ma túy
nặng.
- Các bệnh mạn tính
nặng, như ung thư.
Mọi người đều có khả
năng thôi miên?
Đúng. Với điều kiện
biết kỹ thuật. Nhưng một số người có năng khiếu hơn
những người khác... Để trở thành một nhà liệu pháp thôi
miên, cần phải theo học ngành y và khoa tâm lý học, tức
đã là một chuyên gia về liệu pháp.
Người ta có thể tự thôi miên?
Đúng. Thực tế ngày nay
các nhà chuyên nghiệp xác định rằng mọi kỹ thuật thôi
miên là một sự tự thôi miên, khả năng thật sự thay đổi
hay chữa trị nằm trong tinh thần người được thôi miên,
chứ không phải trong tinh thần nhà liệu pháp. Do đó,
hoàn toàn có thể tự thôi miên bản thân. Nhưng đây là một
điều không dễ dàng. Trong thời gian đầu, điều quan trọng
nhất là phát triển một "nghi thức" để khởi phát quá
trình cảm ứng (các buổi tự thôi miên diễn ra hằng ngày
trong cùng một giờ, cùng một địa điểm với cùng loại
trang phục...); sau đó phải học cách thư giãn. Bạn cũng
có thể ghi âm các thông điệp của riêng mình.
Liệu pháp có ảnh hưởng đến bệnh nhân
một cách vô thức?
Câu hỏi này đang là
trung tâm của các cuộc tranh cãi đầy thú vị. Từ vài năm
nay, các chuyên gia bắt đầu nói đến "hội chứng các kỷ
niệm giả", lên án vai trò của nhà liệu pháp thôi miên.
Đó là gì? Trong trạng thái thôi miên, người ta có thể
nhớ lại các sự kiện xác thực đã bị quên lãng, thậm chí
bị kìm nén. Người ta cũng có thể - trong trạng thái thôi
miên sâu - thấy xuất hiện các ảo ảnh như đó là sự kiện
thật sự: chúng xác thực đến mức người ta không thể phân
biệt chúng với các kỷ niệm thật, vì não chúng ta có khả
năng thay đổi hay xây dựng lại một sự kiện. Do đó hiện
nay chưa có câu trả lời quyết định về tính hiện thực của
các kỷ niệm, về sự lạm dụng tình dục, về "các cuộc sống
xa xưa", hay về những sự bắt cóc của người ngoài hành
tinh được khám phá dưới sự thôi miên sâu; cũng chưa có
câu trả lời nào về sự ảnh hưởng của nhà liệu pháp đối
với hiện tượng dời chuyển từ vô thức đến vô thức, thậm
chí thần giao cách cảm.
Thôi miên có chữa được các bệnh mãn
tính?
Đối với câu hỏi này,
hãy nghe Gerard Arcas, bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng,
tác giả cuốn sách Chữa bệnh cơ
thể bằng thôi miên và tự thôi miên, trả lời: "Đối
với một số bệnh thì được. Ví dụ bệnh ù tai, tức là tai
luôn nghe những âm thanh ro ro, mà y khoa vẫn bó tay.
Nhờ thôi miên tôi có thể xóa được những âm thanh khó
chịu đó trong 60% các trường hợp, vì một sự ám thị có
thể làm thay đổi hoạt động thần kinh sinh học chi phối
hoạt động của các cơ quan chúng ta. Nếu bạn tự quyết
định, ví dụ trong trạng thái tự thôi miên, gia tăng sự
tuần hoàn máu trong chân trái của bạn, các mạch máu sẽ
tự giãn ra dưới tác dụng của một "hiện tượng chuyển di
truyền" (một sự dời thông tin ở các tế bào). Thôi miên
cho phép một số người thiết lập cầu nối giữa cơ thể và
tinh thần, và kích hoạt các cơ chế tự chữa trị của chúng
ta".
Stress: Tại sao thôi miên cũng có
hiệu quả?
Điều trị stress là một
trong các ứng dụng được yêu cầu nhiều nhất, cùng với cai
thuốc lá và giảm béo. Người ta biết rằng stress có thể
làm sinh ra chứng lo âu, mất ngủ và đôi khi các trạng
thái trầm uất kèm theo các rối loạn thân thể. Thôi miên
có hiệu quả hơn các kỹ thuật khác rất nhiều, như kỹ
thuật "thư giãn đơn giản", trước hết vì hiệu quả thư
giãn của nó, được tăng cường thêm nhờ giọng nói và sự
hiện diện mang tính trấn an của nhà liệu pháp, làm giảm
bớt rất nhanh tác động của các tác nhân gây stress, bất
chấp chúng có nguồn gốc nào. Sau đó vì thôi miên giúp
bệnh nhân tự gỡ bỏ được các ức chế của bản thân
Kiến thức ngày nay
(theo Psychologies)
vnexpress.net |