Thịt chó và bệnh tả: Xét lại bằng chứng

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn    04/05/2008

 

Những bài cùng tác giả

Thế là sau một thời gian bệnh tả bộc phát, các quan chức y tế đã đi đến kết luận nguyên nhân của sự bộc phát: thịt chó. Báo Tiền Phong 22/4/2008 cho biết “Mắm tôm được minh oan, thịt chó bị kết tội.” Báo Pháp Luật TPHCM  ngày 23/4/2008 dẫn lời phát biểu của Tiến sĩ Jean-Marc Olive (Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam) cho biết “đợt dịch tiêu chảy cấp ở Việt Nam lần này là bất thường và nguyên nhân đầu tiên là từ thịt chó”. Tuy nhiên, khi đọc cả hai bài báo tôi không thấy bất cứ một dữ liệu khoa học nào cho thấy thịt chó là nguyên nhân của đợt bệnh tả lần này.

Nhưng phát biểu trên một hãng thông tấn ngoại quốc, ông cho thêm một thông tin quan trọng. Dưới tựa đề “Dog Meat May Be Spreading Vietnam's Cholera Outbreak” (tạm dịch: Thịt chó có thể lan truyền dịch tả ở Việt Nam), ông Olive trả lời phỏng vấn qua điện thoại rằng: ăn thịt chó hay các thức ăn khác ở hàng quán có bán thịt chó tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp tính trầm trọng do nhiễm vi khuẩn tả gấp 20 lần. Mặc dù mắm tôm đã được Bộ Y tế “minh oan”, nhưng bài báo tiếng Anh của hãng Bloomberg.com vẫn còn nhắc rằng mắm tôm là nguyên nhân của 157 trường hợp bệnh tả vào tháng 11 và 12 năm 2007, và họ nói rằng đây là nguồn tin của Bộ Y tế! Nhưng Bộ Y tế vẫn chưa đính chính hay phản đối.

Thật ra, cho đến nay, theo tôi biết vẫn chưa có một bằng chứng khoa học nào để kết luận rằng thịt chó là nguyên nhân của bệnh tả hay dịch tiêu chảy cấp tính vừa qua. Tìm trong thư viện y khoa quốc tế PubMed tôi không thấy một nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa thịt chó và bệnh tiêu chảy cấp tính (chứ chưa nói đến bệnh tả), cũng không có nghiên cứu nào về chuyên đề này mà tiến sĩ Olive đứng tên tác giả. Do đó, tôi phải đi đến kết luận là câu phát biểu của ông không có cơ sở khoa học.

Tôi phải đánh dấu hỏi về con số ăn thịt chó tăng nguy cơ mắc bệnh tả 20 lần. Hai chục lần so với ai? Mức độ nguy cơ tuyệt đối là gì? Làm sao biết được nguy cơ khi mà chưa có nghiên cứu theo dõi người dân một thời gian dài? Tôi cũng đánh dấu hỏi về từ ngữ mà ông sử dụng trong phát biểu trên hãng thông tấn trên khi ông dùng từ “link”, một thuật ngữ rất khẳng định mà các chuyên gia dịch tễ học ít ai dám sử dụng trong khi bằng chứng chưa rõ ràng.

Ai cũng biết ăn thịt chó thường đi kèm với rau và mắm tôm. Nay thì chúng ta biết rằng mắm tôm không chứa vi khuẩn tả, vì mắm tôm có nồng độ muối quá cao không có vi khuẩn V. cholera nào sống được. Ngay cả tài liệu của WHO cũng nói như thế (No risk of cholera is to be expected from foods […] with salt-preserved foods -- không có nguy cơ bệnh tả từ những thực phẩm bảo quản bằng muối). Rau cải có thể nhiễm V. cholera vì qua đường nước, và nước thì có thể hàm chứa vi khuẩn này. Nếu thịt chó được nấu chín (rất thường) thì vi khuẩn tả và E. coli không tồn tại được. Như vậy, nói thịt chó mà không tách rời ảnh hưởng của yếu tố rau cải (còn gọi là yếu tố trung gian hay confounder) là rất sai lầm về lí thuyết dịch tễ học.

Tôi quan tâm là phát biểu của tiến sĩ Olive có thể vi phạm qui ước khoa học và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong khoa học, nhà nghiên cứu không nên phát biểu về kết quả nghiên cứu với truyền thông đại chúng nếu kết quả đó chưa được công bố trên một tập san quốc tế có chuyên gia bình duyệt. Qui ước của WHO nói rõ rằng trong nỗ lực phòng chống cholera, không nên ngăn cấm việc buôn bán, vận chuyển, hay sử dụng các thực phẩm không hàm chứa vi khuẩn cholera. Trong khi chưa có bằng chứng khoa học để “kết tội” thịt chó là nguyên nhân bệnh tả, tôi nghĩ những tuyên bố của tiến sĩ Olive vi phạm cả hai qui ước này.

Mặc dù thịt chó không phải là món ăn phổ biến ở Việt Nam, nhưng do truyền thống văn hóa một số người trong cộng đồng xem đó là một món ăn khoái khẩu (cũng như ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Lào, Campuchea, và Thái Lan). Các nhà hàng phục vụ thịt chó và các dịch vụ liên quan là một ngành nghề mà trong đó kinh tế của nhiều người phải phụ thuộc vào. Phát biểu của tiến sĩ Olive không có bằng chứng khoa học rõ ràng có thể gây tổn hại đến ngành nghề này và những người làm việc trong ngành.

Thịt chó có thể là một yếu tố nguy cơ (chứ không phải “nguyên nhân”) của đợt bệnh tả hay tiêu chảy cấp tính, nhưng trong khi chưa có bằng chứng khoa học tôi nghĩ rằng những phát biểu mang tính khẳng định vừa không phù hợp với tinh thần khoa học mà lại gây hoang mang và làm ảnh hưởng đến nhiều người trong cộng đồng. Chúng ta cần thêm bằng chứng khoa học trước khi đi đến kết luận.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Văn Tuấn