Hy vọng phòng chống ung thư

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng và Võ Thị Diệu Hằng     07/07/2007
 

Những bài cùng tác giả

I) Tổ chức Y tế thế giới L'Organisation Mondiale de la Santé (OMS)WHO

         Ung thư là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong trên thế giới. Năm 2005, người ta ước tính  có khoảng 7,6 triệu nạn nhân chết vì bịnh này  và trong mười năm sắp tới, số người chết sẽ là 84 triệu nếu như không  phòng chống. Tổ chức Y tế thế giới (WHO: World Health Organization hay OMS: Organisation mondiale de la Santé) đã thống kê trong 20 năm qua số người mới mắc ung thư hàng năm đã tăng từ 10 triệu lên đến 15 triệu. Số người chết vì ung thư mỗi năm đã tăng từ 6 triệu lên đến 10 triệu. Phòng chống ung thư là một sự nghiệp hết sức to lớn đối với cả thế giới.  WHO đã đề nghị mục tiêu toàn cầu là làm giảm mức tử vong xuống 2% mỗi năm, từ 2006 đến 2015 để có thể tránh hơn 8 triệu người chết trong số 84 triệu người sẽ chết vì ung thư dự tính cho mười năm sắp tới và WHO cố gắng đạt mục tiêu này.

Những nước nghèo có hơn 70% số người chết do bịnh ung thư vì thiếu tiền để chẩn đoán lẫn trị bịnh. Chỉ mỗi chứng nhiễm độc thuốc lá mà cũng đã gây khoảng 1,5 triệu cái chết mỗi năm. WHO nỗ lực tích cực. Tháng 5/2005 hội nghị quốc tế mời WHO và các thành viên các quốc gia khẩn cấp tìm giải pháp phòng ngừa. WHO đưa ra chiến lược toàn cầu chống bệnh ung  thư và trong những  năm sau, in ra một loạt  6 module để giúp các nước soạn thảo chiến lược để làm việc  phòng chống, chữa trị và chăm sóc người bịnh  tốt hơn. Họ dự định san bớt sự khác biệt giữa các nước phát triển và các nước chậm tiến trong việc phòng ngừa, chữa trị và chăm sóc nạn nhân ung thư.  Bởi vì có rất nhiều trường hợp có thể tránh hoặc chữa trị được nếu bịnh được phát hiện sớm hoặc chữa trị đúng đắn. Có những trường  hợp đáng lẽ tránh khỏi nếu được phát hiện sớm hơn khi chưa có sẵn sự chữa trị thích đáng.  Ngoài ra, làm giảm đau ung thư hoặc chăm sóc tạm thời cũng có thể làm cho người bịnh đỡ khổ hơn.

Người ta ước tính có 40% bịnh ung thư có thể tránh được. Tuy nhiên nguy cơ sẽ tăng rất nhiều khi bệnh nhân mập phì hay bị nhiễm độc thuốc  lá. Người ta nhận xét thấy nguy cơ bệnh ung thư và những bịnh mạn (kinh niên) trên phương diện toàn cầu tăng nhanh khi trong khi thức ăn hiện nay lại có nhiều mỡ, đường và muối, còn rau quả thì ít đi. 

WHO họp lần thứ nhất tại Genève từ 6-17/2/2006 để thỏa thuận với nhau, bàn một phương cách giảm tiêu thụ thuốc  lá.  Văn phòng đặt  tại Genève. Các đại biểu cho biết quỹ có 8 triệu $US cho những  sinh hoạt chống thuốc  lá trong thời gian hai năm.

Chiến lược toàn cầu cũng chú trọng việc tiêu dùng thực  phẩm có chứa hóa chất gây ung thư, chương trình chủng ngừa các bệnh nhiễm siêu vi trùng gan trên bình diện quốc tế.

Để cải thiện việc phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc người bị ung thư, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư ( CIRC: Centre international de recherche sur le cancer, IARC: International Agency for Research on Cancer)  của WHO đã dựa trên khoa học, tìm ra nhuyên nhân gây bịnh ung thư và các cơ chế của sự xuất hiện ung thư đồng thời tìm những phương cách phát hiện sớm. WHO còn kết hợp với những cơ quan chính yếu ngoài hệ thống Liên hiệp quốc như Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, Hội chống ung thư quốc tế và nhiều viện ung thư quốc gia.

 Cho đến nay chưa có nổi vaccin chống ung thư ngoại trừ vaccin Gardasil phòng tránh ung thư cổ tử cung. Mục tiêu của vaccin phòng tránh ung thư là sử dụng kháng  nguyên ung thư biểu đạt đặc hiệu để kích hoạt, phục hồi và tăng cường các phản ứng miễn dich kháng ung thư, để có thể sát hại, thanh lọc  tế bào ung thư. Vì vậy có thể đem vaccin ung thư chia thành 3 loại: loại Dự phòng, loại Chữa tri, và loại vừa Dự phòng và  Chữa trị. Cục quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn vaccin Gardasil phòng tránh virus HPV- gây ra ung thư cổ tử cung. Vaccin này chống lại 4 nhóm HPV-6, HPV-11, HPV-16, HPV-18 . HPV-16 và HPV-18 được coi là thủ phạm của 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, còn HPV-6 và HPV-11 là thủ phạm vủa 90% các trường hợp mụn cơm ở bộ phận sinh dục (cả nam lẫn nữ).

Vaccin này cũng được khẳng định là sẽ giúp phòng ngừa ung thư âm đạo và tử cung do virus HPV.

 II/ PHòng chống ung thư cổ tử cung

1. Virus HPV lây lan như thế nào?

HPV lây truyền qua đường tình dục. Virus HPV là một loại virus rất phổ biến. Khoảng 20 triệu người Mỹ bị nhiễm loại virus này, và ở lứa tuổi 50, ít nhất 80% phụ nữ đã từng bị nhiễm các chủng của virus HPV.

Không phải phụ nữ nào bị nhiễm virus này cũng sẽ bị ung thư. Tỉ lệ bị bệnh ung thư cổ tử cung do HPV là rất nhỏ.

 

Virus Human papillomavirus (HPV) thuộc nhóm DNA

 

2. Khi tiêm vaccin Gardasil, phụ nữ sẽ hoàn toàn không bị ung thư cổ tử cung nữa?

 

Không. Mặc dù vaccin này có khả năng bảo vệ bạn khỏi một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh ung thư cổ tử cung nhưng vẫn còn có những nguyên nhân khác không phải do virus HPV gây ra căn bệnh ung thư đáng sợ này.

Chính vì vậy việc thường xuyên kiểm tra vẫn là rất cần thiết. Những đợt kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện ra những thể ung thư khác cũng như nguy cơ có thể bị ung thư do chủng virus HPV nhóm khác. 

 

3. Cơ chế hoạt động của Gardasil?

Những nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả 100% của vaccin này trong việc chống lại sự lây nhiễm virus HPV-16 và HPV-18 ở người.

 

4. Vaccin có tác dụng trong bao lâu?

Các thử nghiệm cho thấy vaccin có hiệu quả tối ưu trong ít nhất 4 năm. Thời gian lâu hơn hiện vẫn chưa được kiểm chứng.

 

5. Vaccin này có chứa virus HPV sống?

Không. Gardasil chỉ chứa cấu trúc phân tử của loại virus này chứ không phải là virus được làm yếu đi như một số loại vaccin khác.

 

6. Những ai nên tiêm vaccin này?

Cơ quan dược phẩm FDA Hoa Kỳ thừa nhận Gardasil tốt nhất cho nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 và không đưa vào lịch tiêm chủng quốc gia.

Công ty Merk & Co có nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu đưa vào sử dụng loại vaccin phòng chống virus HPV gây mụn rộp ở nam giới.

 

7. Gardasil an toàn không?

Tất cả các kết quả thử nghiệm đều chỉ ra rằng vaccin phòng ung thư tử cung an toàn toàn tuyệt đối.

 

8. Gardasil có thể bảo vệ những phụ nữ đã từng bị nhiễm HPV khỏi căn bệnh ung thư cổ tử cung?

Rất đáng tiếc câu trả lời là không.

 

9. Sẽ có loại vaccin phòng ung thư cổ tử cung thế hệ mới?

Gardasil là thế hệ vaccin đầu tiên phòng ung thư cổ tử cung được cấp phép. Trên thực tế, đây là loại vaccin đầu tiên chống lại một nhân tố gây ung thư. Tháng 4/2007 vaccin chống ung thư cổ tử cung Cervarix cũng xin phép được đưa ra sử dụng tại Mỹ

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng và Võ Thị Diệu Hằng