Lentine và sức khỏe con người

Vietsciences- Nguyễn Đình Nguyên          02/04/2009

 

Những bài cùng tác giả

Thông tin cho gần đây thấy trên thị trường Việt nam hiện có lưu hành một số sản phẩm thuốc nhuộm tóc có nguồn gốc từ Trung Quốc bị nhiễm một hóa chất có tên là Lentine- được cho là độc hại. Bài viết này nhằm giới thiệu tổng quan về chất lentine và tác động của nó đối với sức khỏe con người.

Lentine là một tên thương mại (gốc Pháp) của một chất hóa học có công thức là C6H15N2O2-Cl, là một hợp chất tinh thể đặc, màu trắng, dễ tan trong nước lạnh. Lentine là một chất  kích hoạt thủy phân choline chậm mà có tác động lên cả các thụ thể của thần kinh phó giao cảm.

Lentine là một hóa chất được xếp loại rất nguy hiểm có thể gây chết người và độc hại đối với môi trường, nhưng không có tác động phóng xạ. Về phân loại, lentine được ghép vào nhóm hóa chất có độc tính cao, tác động tức thời, là chất gây kích thích và tác động lên một số cơ quan đặc hiệu.

Để đánh giá độc tính có thể gây tử vong của một hóa chất, trong khoa học người ta sử dụng chỉ số LD50 (lethal dose 50, có nghĩa là liều thuốc được dùng trên mỗi con chuột thí nghiệm ở liều mà nó có thể gây chết một nửa số con vật trong lô thí nghiệm đó). Liều LD50 của lentine đối với chuột nhà là 15mg/kg thể trọng khi cho uống và đối với chuột hoang dại (rat) là 40mg/kg khi cho uống và 100 microgam/kg khi tiêm vào tĩnh mạch. Đối với chó, liều LD50 là 3mg/kg khi uống.

Liều dung nạp hàng ngày cho phép (tolerance daily limit) ở người khi tiếp xúc qua da, mắt và niêm mạc là 6microgam/kg (một phần 6 nghìn gram/kg) thể trọng.

Lentine có khả năng thấm nhanh qua da khi tiếp xúc, qua đường hô hấp nếu hít phải. Mặc dù hấp thu qua đường tiêu hóa kém, và không qua được hàng rào máu-não, nhưng ngộ độc vẫn có thể xảy ra khi nuốt phải quá liều.

Biểu hiện ngộ độc lentine ở người khá đa dạng do tác động tổn thương đa cơ quan, nên có thể gặp như nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy; đổ mồ hôi, chảy nước mắt, co đồng tử,  giãn mạch, hạ thân nhiệt, hạ huyết áp và nặng có thể ngừng tim.Trên da có thê ngứa, đỏ, mọng nước, viêm.  Bệnh nhân có thể khó thở, nghẹn thở, tăng tiết dịch đường hô hấp, nặng hơn là phù phổi cấp. Triệu chứng thần kinh có thể gặp bao gồm yếu cơ, chuột rút do co thắt cơ, rối loạn tiền đình, run giật tay co giật và nặng có thể hôn mê.

Vì vậy khi tiếp xúc với lentine nguyên chất phải tuân thủ theo nguyên tắc độc chất nguy hiểm, không được hít, tránh dây vào mắt, miệng và quần áo, trong môi trường thông khí tốt, có quần áo và kính, khẩu trang bảo vệ, rửa tay kỹ sau khi dùng. Một số dẫn xuất có chứa gốc nitrogen của cabachol có thể gây ung thư tuyến giáp trên chuột thí nghiệm khi cho uống.

Tuy nhiên, đối với con người, hiện nay chưa có bằng chứng nào lentine gây ung thư, đột biến di truyền hay tác động gây quái thai cả.

Mặc dù là một độc tố nguy hiểm, song nhờ vào cơ chế tác động của lentine lên hệ thần kinh phó giao cảm khá đặc biệt, mà nó được sử dụng để làm thuốc điều trị một số bệnh mắt và giúp cho bác sĩ phẫu thuật mắt.

Lentin được điều chế, chúng có tác động làm co thắt màng bồ đào và thể mi của mắt làm giảm nhãn áp. Và cũng dựa vào cơ chế này mà trong ngành nhãn khoa sử dụng lentine để chế tạo ra thuốc gây co đồng tử, điều trị các bệnh nhân bị bệnh thiên đầu thống (glaucoma) và sử dụng trong quá trình phẫu thuật. Các dạng dược phẩm của lentine có thể dùng là dưới dạng viên uống, tiêm dưới da hoặc dung dịch dùng để nhỏ hoặc tiêm thẳng vào trong mắt, có nồng độ từ 0.75% đến 3%. Tuy nhiên tai biến của thuốc này đối với mắt là có thể gây bong võng mạc. Vì tác động của nó lên đa cơ quan như đã nêu trên, nên chỉ định sử dụng của nó rất dè dặt đối với các bệnh nhân đã có tiền sử bệnh lý tim mạch, hô hấp mãn tính, bệnh dạ dày, suy tuyến giáp, co giật và động kinh. Hiện chưa có thể kết luận được là lentine nó có ảnh hưởng đến thai nhi, và thấm qua sữa hay không, nên không nên dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú. Quan trọng hơn hết, sử dụng lentine trong y khoa được coi như là một thuốc độc, cần phải được bác sĩ kê đơn, cũng như hướng dẫn sử dụng và giám sát chặt chẽ.

Ngoài ra trong nông nghiệp, hóa chất có gốc lentine được sử dụng chế biến thuốc diệt côn trùng và nấm của cây cỏ.

Trong xử trí cấp cứu lentine, nếu vô tình tiếp xúc qua da, cần phải rửa kỹ với nước sạch trong vòng 15 phút, loại bỏ quần áo và giày dép đang mang. Nếu dính vào mắt phải loại bỏ contact lens nếu có, rửa kỹ bằng nước ấm, sạch chảy qua vòi ít nhất 15 phút. Nếu hít phải, phải lập tức đưa nạn nhân ra ngoài chỗ thoáng khí và hỗ trợ hô hấp nhân tạo nếu cần. Nếu bệnh nhân nuốt phải, không được gây nôn. Sau khi sơ cứu thì phải chuyển gấp bệnh nhân đến bệnh viện.

Đã đăng trên báo Người Lao Động

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Đình Nguyên