Lenin chết vì bệnh giang mai?

Vietsciences- Nguyễn Văn Tuấn                    02/11/2009

 

Những bài cùng tác giả

Bệnh án của các lãnh tụ chính trị luôn là đề tài nghiên cứu của giới y học. Ở Mĩ đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về cái chết của tổng thống Washington, Lincoln, Eisenhower, Reagan, v.v… Họ thậm chí còn có hẳn một website liệt kê nguyên nhân tử vong của các vị tổng thống này. Riêng các lãnh tụ trong khối xã hội chủ nghĩa cũ thì đời tư và bệnh án của họ vẫn còn nhiều bí ẩn. Một trong những lãnh tụ mà bệnh lí được đặt trên bàn “phẫu thuật” nhiều nhất là V. Lenin.

Mấy hôm nay thế giới blog rộ lên bản tin xuất phát từ một bài báo trên tờ Telegraph (Anh) “Vladimir Lenin died from syphilis, new research claims” (Nghiên cứu mới cho rằng Vladimir Lenin chết vì bệnh giang mai). Bài báo cho biết nhà sử học Helen Rappaport sau khi khảo sát qua tài liệu và hồ sơ bệnh án đi đến kết luận rằng nhà lãnh tụ phong trào Bolsevik chết vì bệnh giang mai, lây truyền từ một cô gái giang hồ ở Paris. Bà còn nói rằng giới lãnh đạo Xô-viết thời đó ai cũng biết, nhưng không ai dám nói ra vì cấp trên cấm không cho nói ra. Bà Rappaport dựa một phần lớn vào cuốn sách của Ivan Pavlov, trong đó ông viết “revolution was made by a madman with syphillis of the brain” (cuộc cách mạng được tạo ra bởi một người điên với bệnh giang mai trong bộ não).

Thật ra, cái gọi là “new research claims” như bài báo này nói chẳng có gì là new hay mới cả. Năm 2004, một nhóm bác sĩ Do Thái công bố một bài nghiên cứu “The egnima of Lenin (1870 – 1924) malady” (Bí ẩn về cái chết của Lenin (1870 – 1924) trên tập san thần kinh học European Journal of Neurology (bộ 11; trang 371-376), mà trong đó, các tác giả cho biết theo hồ sơ bệnh án của Liên Xô, qua giáo sư Boris Petrovskii kết luận rằng Lenin đã mắc bệnh hơn 10 năm trước khi qua đời. Trước đó, cũng đã có vài công trình nghiên cứu công phu kết luận rằng Lenin có thể chết vì bệnh giang mai. Công chúng Liên Xô đã nghi ngờ ông chết vì bệnh giang mai ngay từ những ngày ông mới qua đời vào năm 1924.

Cần nói thêm rằng theo “chính sử” thì Lenin bắt đầu mắc bệnh vào năm 1922 dù triệu chứng thì có thể đã tồn tại trước đó. Hồ sơ bệnh lí của Lenin từ năm 1900 có tên và chi tiết của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tâm thần người Đức mà Lenin đã được chuyển đến để điều trị. Nhật kí của bác sĩ Krupskaya viết: “Cuối năm 1902, Vladimir Il’yich bị bệnh thần kinh nghiêm trọng … Tôi kết luận rằng ông bị nhiễm trichophytosis”. Sau đó, Lenin được nhập viện 2 tuần để điều trị, nhưng bệnh trạng lúc đó vẫn chưa rõ ràng. Khi mắc bệnh, Lenin trở nên khó tính, nóng nảy, không thể nào nghe nhạc, nhất là tiếng đàn violin. Ông yêu cầu phải giảm âm lượng trong văn phòng làm việc và cho gắn những thiết bị giảm âm thanh trong những văn phòng ông làm việc.

Lenin qua đời vào ngày 24/1/1924, thọ chỉ 54 tuổi. Biến cố dẫn đến cái chết, theo hồ sơ chính thức ghi lại, là động kinh vốn xảy ra 50 phút trước khi ông ngừng thở. Ngày hôm sau khi ông chết, giáo sư Alexei Abrikosov tiến hành giảo nghiệm thi hài với sự hiện diện của ủy viên y tế của trung ương Đảng cộng sản Liên Xô. Theo qui ước của Liên Xô lúc đó, tất cả 27 bác sĩ tham gia điều trị Lenin phải kí giấy giảo nghiệm thi hài, nhưng chỉ có 8 người kí giấy. Trong 8 người này, 7 người lác bác sĩ Nga, 1 người là bác sĩ Đức nhưng không biết tiếng Nga. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là giáo sư Vladimir Bekhterev, giám đốc viện thần kinh học và cũng là người từng khám Lenin ít nhất một lần, thì không được mời tham gia vào việc giảo nghiệm. Kết quả giảo nghiệm cho thấy một mảng động mạch bị loét và động mạch chủ bị hẹp nghiêm trọng. Bộ não cân nặng 1340 g, với thùy não bên trái nhỏ hơn thùy não bên phải. Phía bên trái của não có nhiều u nang màu vàng. Dựa vào những kết quả này và một số dấu hiệu khác, giáo sư Abrikosov chẩn đoán nguyên nhân tử vong là xơ vữa động mạch khuếch tán (diffuse atherosclerosis). Không thấy nhắc đến khả năng bệnh giang mai.

Tuy nhiên, 3 tác giả của bài nghiên cứu trên tập san European Journal of Neurology đặt giả thuyết rằng Lenin mắc bệnh giang mai thần kinh (neurosyphilis) vào những năm đầu thế kỉ 20, hoặc là sớm hơn nữa khi ông còn sống ở Zurich, Geneva (Thụy Sĩ), Munich (Đức), Prague (Tiệp), Vienna (Áo), và London (Anh). Họ dựa vào những dữ liệu sau đây:

Thứ nhất, Lenin không phải thánh thiện như Liên Xô tuyên truyền mà ông cũng “trần ai” như mọi người khác. Ngày 18/7/1895 ông được nhập viện 2 tuần ở Clinic Borhardt (Thụy Sĩ). Ông không tiết lộ lí do nhập viện, nhưng ông có viết thư cho thân nhân rằng ông có một thời gian đẹp tại đây. Khi được hỏi về bệnh trạng của Lenin, giáo sư Max Nonne (là một chuyên gia rất nổi tiếng về bệnh giang mai) trả lời rằng “Ai cũng biết tôi chuyên về bệnh gì”. Ý ông nói ông chỉ điều trị bệnh giang mai, và ông điều trị Lenin cũng chỉ vì bệnh này.

Thứ hai, nhà sinh lí học người Nga rất nổi tiếng Ivan Pavlov từng nói rằng “ông ấy là một bệnh nhân tiêu biểu của bệnh tê liệt thần kinh”. Pavlov còn quen biết nhiều nhà nghiên cứu từng phân tích bộ não của Lenin và các nhà nghiên cứu này khẳng định rằng Lenin quả thật mắc bệnh giang mai.

Thứ ba, Giáo sư Kramer, người tham gia giảo nghiệm thi hài nghĩ rằng các kết quả bệnh lí rất tương quan với bệnh giang mai thần kinh (neurosyphilis). Chữ kí của Giáo sư Kramer và của Giáo sư Kozhevnikov (người cũng nghĩ Lenin bị bệnh giang mai) bị “mất” trong hồ sơ chính thức của cuộc giảo nghiệm thi hài.

Thứ tư, Bác sĩ Hunter Hesse (người Đức), một chuyên gia về lịch sử y khoa và người từng nghiên cứu bệnh lí của Lenin cũng chỉ ra rằng tình trạng vô sinh của Lenin cho thấy ông bị nhiễm syphilis và gonorrhea. Bác sĩ Hesse còn cho biết Lenin từng được điều trị tại một clinic ở Berlin khoảng 6 tuần nhưng không biết bệnh gì, tuy nhiên vợ ông thì bị “bệnh đàn bà”.

Thứ năm, ủy viên y tế của Liên Xô lúc đó là Semashko báo cáo rằng những tổn thương trong bộ óc của Lenin rất nghiêm trọng, đến nỗi chỉ cần chạm cái kéo vào đó cũng có âm thanh như chạm vào kim loại, và mạch máu thì nhỏ hơn cọng tóc. Những tín hiệu này và sự xơ hóa động mạch được mô tả trong bệnh án của Lenin rất nhất quán với chứng giang mai thần kinh.

Thứ sáu, các triệu chứng lâm sàng như nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, khó chịu mà Lenin mắc phải cũng nhất quán với hội chứng “meningovascular syphilis”. Những triệu chứng này thường xảy ra sau khi bị nhiễm syphilis khoảng 10-20 năm, làm thay đổi tính tình của bệnh nhân giống như một người mắc bệnh xơ vữa động mạch.

Có nhiều phiên bản về buổi giảo nghiệm thi hài của Lenin; có người nói rằng có ít nhất là 3 bản, lại có người nói 8 bản, nhưng không có bản nào được xem là chính đáng! Phiên bản chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô được công bố ngay sau khi Lenin qua đời là nhằm phản bác lại dư luận lúc đó cho rằng Lenin chết vì bệnh giang mai. Tuy nhiên, ngay cả phiên bản chính thức này cũng không xóa được sự nghi ngờ của công chúng Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các văn thư lưu trữ bí mật thời trước được mở ra cho các nhà nghiên cứu xem xét. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng ủy viên y tế Semashko ra chỉ thị rất cụ thể cho Giáo sư Semashko chứng minh rằng Lenin không mắc bệnh giang mai.

Những bác sĩ được mời để giảo nghiệm thi hài được trả hậu hĩ. Trong số này có bác sĩ người Đức (Forster và Klemperer) mỗi người được trả 50.000 rubles bằng vàng, và Henschen được trả 25.000 Krone (tiền Thụy Điển). Những khoản tiền này cho thấy nhà cầm quyền Liên Xô lúc đó muốn họ im lặng.

Cũng qua hồ sơ được giải mật này các nhà nghiên cứu còn phát hiện một tấm hình của Lenin vào những ngày cuối đời (xem dưới đây) hoàn toàn khác với hình ảnh của Lenin mà Đảng Cộng sản Liên Xô công bố trước công chúng. Tấm hình cuối đời của Lenin cho thấy ông bị suy sụp sức khỏe nghiêm trọng, với ánh mắt lu mờ một cách lạ lùng như bị ám ảnh.


 

Hình chụp vào những ngày cuối đời của Lenin

(ảnh trên: tập san European Journal of Neurology; dướii: wiki)
 
Nói tóm lại, bản tin về Lenin mắc bệnh giang mai không mới, mà đã được nghi vấn từ lâu, từ ngay vào lúc ông mới qua đời. Thật ra, đứng trên phương diện khoa học, phải nói chính xác là “nghi vấn”, hay “giả thuyết” Lenin mắc bệnh giang mai, vì những bằng chứng và dữ liệu trên cũng chưa hẳng đầy đủ để “chứng minh” ông mắc bệnh đó. Chỉ có một cách chính xác nhất là lấy mẫu não của ông và tiến hành phân tích DNA thì có thể chứng minh hay phản chứng nguyên nhân tử vong của Lenin. Nhưng chưa ai phân tích DNA Lenin nên câu hỏi vẫn còn là một giả thuyết.

Qua câu chuyện này tôi chợt nghĩ: Nếu mọi việc đều minh bạch thì đâu có giả thuyết và hoài nghi.
 
NVT
 
Tham khảo: Sau đây là một số tài liệu nghiên cứu về bệnh án của Lenin:
 
Arutyunov A (1999). Lenin's Record without Retouch. Veche, Moscow.
 
Bentivoglio M. Cortical structure and mental skills: Oskar Vogt and the legacy of Lenin's brain. Brain Res Bull. 1998 Nov 1;47(4):291-6.
 
Danilov E (2000). [The Enigma of the Russian Sphinx]. Pravo i Zakon, Moscow.
 
Flerov V (1987). [Lenin's illness and death]. Grani issue no.: 146 145–174.
 
Henschen F (1974). Noch einmal: Das Sterben Lenins. Frankfurter Allgemeine Zeitung, Frankfurt.
 
Hesse H (1998). [V.I. Lenin] (translated by the author). Independent Psychiatric J 3: 83–84.
 
Kaplan GP, Petrikovsky BM (1992). Advanced cerebrovascular disease and the death of Vladimir Ilyich Lenin. Neurology 42: 241–245.
 
Krupskaya NK (1925). [Recollections about Lenin (1901–1902)]. Krasnaya Nov': 176–185.
 
Lerner V, Finkelstein Y, Witztum E. The enigma of Lenin's (1870-1924) malady. Eur J Neurol. 2004 Jun;11(6):371-6.
 
Lopukhin YM (1997). [The Illness, Death and V.I. Lenin's Embalming. The Truth and the Myths]. Respublika, Moscow.
 
Nikiforov AS (1986). Bekhterev. Molodaya gvardiya, Moscow.
 
Osipov V (1990). [V.I. Lenin's illness and death]. Ogonyek: 6–8.
 
Petrovskii BV (1990). [Lenin's Wounds and Illness]. Pravda, Moscow.
 
Post JM, Robins RS (1993). Menachem Begin's recurrent depression and terminal melanchdia In: Post JM, Robins RS, eds. When Illness Strikes the Leader. Yale University Press, New Haven, CT, pp. 46–50.
 
Rodionov Y (2000). [The main patient of the country]. Posev: 1–5.
 
Roslyakov I (1997). Was Lenin suffering from the bad illness? In: Arguments & Facts Weekly.http://www.aif.ru/aif/oldshow/php/901/illness_e.htm: Moscow.
 
White RJ. Lenin’s brain. J Neurosurg. 2009 Jun;110(6):1327-8.

Witztum E, Lerner V (2002). [Enigma of Lenin's illness]. Harefuah 141: 395–398, 407

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Văn Tuấn