Những bài cùng tác giả
Đạo văn trong hoạt động khoa học
“Tôi muốn trở thành một
Hwang Woo-Suk thứ hai của Hàn Quốc”. Đó là tuyên bố của giáo sư Kim Tae
Kook trước báo chí và công chúng sau khi ông công bố một công trình nghiên
cứu quan trọng vào năm 2006. Giáo sư Hwang Woo-Suk, như chúng ta biết, là
người ngụy tạo dữ liệu trong công trình nghiên cứu tế bào mầm vào năm 2005
và sau đó bị cách chức. Ước nguyện của Kim Tae Kook nay đã thành sự thật,
vì tuần vừa qua ông bị phát giác là đã ngụy tạo dữ liệu và phân tích dữ liệu
trong hai công trình công bố trên tập san Science vào năm 2005 và
Nature Chemical Biology vào năm 2006. Chỉ trong vòng 2 năm, khoa học
Hàn Quốc kinh qua hai cú sốc làm tổn hại đến danh dự của giới khoa học nước
này.
 |
 |
Hwang Woo-Suk |
Kim Tae Kook |
Một Hwang Woo-Suk thứ
hai
Kim Tae
Kook là giáo sư y sinh học tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến (Korea
Advanced Institute of Science and Technology hay KAIST), một trung tâm
nghiên cứu khoa học số 1 của Hàn Quốc. Sự nghiệp khoa học của Kim Tae Kook
có thể nói là quá “hanh thông”: tốt nghiệp cử nhân (năm 1987) và thạc sĩ
(năm 1989) từ Đại học Quốc gia Seoul, tiến sĩ (1994) từ Đại học Rockefeller
(Mĩ) dưới sự hướng dẫn của giáo sư Robert Roeder. Sau khi tốt nghiệp tiến
sĩ, Kim Tae Kook làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Cold Spring Harbor
Laboratory và Đại học Harvard từ 1994 đến 1997. Trở về Hàn Quốc, chỉ vài
năm sau ông được thăng chức giáo sư trong độ tuổi 40 dù với một thành tích
khoa học tương đối “mỏng”.
Ông là
trưởng nhóm nghiên cứu với một sứ mệnh đầy tham vọng: tìm cách kéo dài tuổi
thọ cho con người. Trong một công trình công bố trên Science, một tập san
khoa học hàng đầu trên thế giới, ông và đồng nghiệp mô tả một phương pháp có
thể tiêu diệt các tế bào ung thư, các “tế bào xấu”, mà không làm tổn hại đến
các “tế bào tốt”. Công trình nghiên cứu này được các chuyên gia phản biện
của Science đánh giá rất cao, và xem là một sự đột phá trong chuyên
ngành. Một năm sau, Kim Tae Kook công bố một công trình khác trên tập san
Nature Chemical Biology (kém danh giá hơn Science) mà trong đó
ông phát hiện rằng một “đồng hồ sinh học” trong tế bào có thể chịu sự chi
phối của một số protein, và các protein này có thể nhận dạng qua phương pháp
ông mô tả trong bài báo trên Science. Với hai công trình nghiên cứu
trên, ông được đánh giá là một ngôi sao khoa học đang lên của Hàn Quốc, một
người có thể đem lại giải thưởng Nobel cho Hàn Quốc.
Lợi
dụng thời thế, Kim Tae Kook đề nghị thành lập công ti để chuyển giao công
nghệ mà ông tin rằng sẽ rất hứa hẹn trong tương lai. Công ti do một thành
viên của khoa sinh học thuộc KAIST là Yeonsoo Seo làm giám đốc. Nhưng sau
nhiều lần thử nghiệm, các thành viên của công ti không cách nào lặp lại
những kết quả của Kim. Khi Yeonsoo Seo gặp Kim Tae Kook để xem xét lại hồ
sơ thí nghiệm lúc trước để đảm bảo họ làm đúng qui trình, Kim Tae Kook không
chịu (và không thể) cung cấp số liệu gốc. Vài ngày sau, Kim Tae Kook rời
Hàn Quốc đi Mĩ mà không báo cho đồng nghiệp biết. Ngày 12/2/2008 công ti
quyết định báo cáo vấn đề cho khoa trưởng khoa sinh học của KAIST.
Thêm
nữa, một trong những tác giả của hai bài báo và cũng là nghiên cứu sinh của
Kim Tae Kook bắt đầu nghi ngờ kết quả công bố. Nghiên cứu sinh này không
thể lặp lại kết quả mô tả trong hai bài báo bằng phương pháp mà Kim Tae Kook
mô tả. Nghiên cứu sinh quyết định báo cáo cho trưởng khoa sinh học giáo sư
Lee Gyun Min biết vấn đề.
Khi có
hai báo cáo, khoa trưởng giáo sư Lee Gyun Min lập tức cho mở một cuộc điều
tra nội bộ. Kết quả điều tra cho thấy giáo sư Kim Tae Kook đã ngụy tạo dữ
liệu và cố tình phân tích dữ liệu sai để có kết quả theo ý của mình! Hội
đồng điều tra, trong đó có cả giám đốc Yeonsoo Seo, kết luận rằng cả hai
công trình nghiên cứu mà Kim Tae Kook công bố không hàm chứa bất cứ một sự
thật khoa học nào! (Nguyên văn: "our initial investigative results are
strong enough to convince us that the two papers do not contain any
scientific truth.")
Sự nghiệp khoa
học của giáo sư Kim Tae Kook có thể xem như kết thúc. Ông trở thành một
Hwang Woo-Suk thứ hai của Hàn Quốc. Thế giới khoa học lại có thêm một
trường hợp gian lận đầy tai tiếng. Tập san Science danh tiếng lại
một lần nữa phải rút lại bài báo gian dối cũng từ một tác giả Hàn Quốc.
Hệ quả của áp lực và
cạnh tranh
Mỗi khi một
trường hợp gian lận trong khoa học xảy ra, giới khoa học thường đặt câu hỏi
“tại sao”, nhất là trong trường hợp Kim Tae Kook khi mà câu chuyện Hwang
Woo-Suk vẫn là một vấn đề thời sự. Có người lí giải rằng vấn đề phát sinh
từ những áp lực quá lớn đến nhà khoa học phải có kết quả. Áp lực đó đến từ
phía chính phủ và từ viện nghiên cứu mà ông làm việc.
Hàn
Quốc không hài lòng với một nền kinh tế lớn vào hàng thứ 11 trên thế giới,
mà còn muốn trở thành một cường quốc về khoa học và công nghệ. Do đó, chính
phủ Hàn Quốc đã đầu tư đến 2,6% GDP vào khoa học và giáo dục đại học (một
ngân sách gấp hai các nước Âu châu) để thu dụng những tài năng sáng giá nhất
nhằm đưa khoa học và công nghệ Hàn Quốc lên sánh vai cùng các nước tiên tiến
trên thế giới. Trong chiều hướng đó, nhà đầu tư (tức chính phủ) đòi hỏi
phải có “sản phẩm” xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra, và điều này có nghĩa là
nhà khoa học chịu một áp lực rất lớn để làm cho ra sản phẩm. Nhưng khoa học
không thể là một ngành nghề hoạt động theo kiểu “đi tắt đón đầu”, mà phải
dần dần được xây dựng từ những nền tảng vững chắc, một nền tảng mà phải nói
thật là Hàn Quốc chưa vững, ít ra là về mặt công nghệ y sinh học.
Bản
thân giáo sư Kim Tae Kook dù mang hàm giáo sư nhưng thành tích khoa học qua
công bố quốc tế vẫn còn khá khiêm tốn. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh
tiến sĩ và hậu tiến sĩ ông công bố được 7 bài báo khoa học, và khi về Hàn
Quốc cũng chỉ công bố được khoảng 10 công trình. (Cần nói thêm rằng ở các
đại học hàng đầu phương Tây, với một thành tích như thế chỉ tương đương với
giảng viên, chứ chưa thể là giáo sư được). Tuy nhiên, ông có hai công
trình được công bố trên các tập san hàng đầu như Science và Nature,
và đó cũng chính là “hành trang” khoa học đáng trân trọng. Nhưng rất tiếc
bài báo trên Science là một công trình giả tạo. Cũng như trường hợp
của Hwang Woo-Suk, người ta đang đặt dấu hỏi (và đang điều tra) về tính
trung thực của các công trình còn lại của Kim Tae Kook.
Giáo sư
Kim Tae Kook làm việc tại KAIST, một trung tâm khoa học và công nghệ số 1 và
một niềm tự hào của Hàn Quốc. Nhưng trên trường quốc tế trung tâm này (được
xem như là một đại học) hiện mới đứng hàng 132 trong bảng xếp hạng của
Times Higher Education Supplement. Không hài lòng ở vị thế đó,
ban giám đốc muốn đưa trung tâm lên một tầm cao hơn trong tương lai. Một
trong những biện pháp để thực hiện giấc mơ đó là phải làm những nghiên cứu
khoa học có chất lượng cao, những nghiên cứu thời thượng hay mũi nhọn. Do
đó, không ngạc nhiên khi có cựu giáo sư từ KAIST mô tả rằng áp lực đè nặng
lên các nhà khoa học tại KAIST là “ngột ngạt”. Những giáo sư không làm ra
công trình nghiên cứu được “mời” nghỉ việc, y chang như hệ thống của các
trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở phương Tây.
Trong
môi trường kì vọng của chính phủ, áp lực từ trnng tâm nghiên cứu, và khả
năng có hạn của nhà khoa học, có người phải gồng mình hay liều mình cho ra
những sản phẩm tri thức dỏm. Nhưng bản chất của khoa học là tính minh bạch
và khả năng lặp lại của kết quả nghiên cứu, và vì thế, những công trình
nghiên cứu dỏm, không sớm thì muộn, chắc chắc sẽ bị lật tẩy. Trong trường
hợp của Kim Tae Kook, người phát hiện sự gian lận của ông không ai khác hơn
là đồng nghiệp của ông, thậm chí chính nghiên cứu sinh của ông.
Chính vì thế mà
xu hướng chung trong nghiên cứu khoa học vài thập niên gần đây là hợp tác
liên ngành. Hợp tác liên ngành chẳng những là một cách để tìm ý tưởng mới,
mà còn là một biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa hay phát hiện kịp thời những
gian lận. Ngày xưa, nghiên cứu khoa học thường được tiến hành trong môi
trường thiếu dân chủ, mà theo đó người sếp (hay giáo sư) hưởng tất cả thành
tích trong khi cộng sự viên hay nghiên cứu sinh chỉ là những cái bóng hay
thậm chí “nô lệ khoa học”, và trong môi trường như thế giáo sư có toàn quyền
giả tạo số liệu mà nghiên cứu sinh không dám nói gì. Nhưng ngày nay, đó là
mô hình khoa học của quá khứ; tất cả công sự viên tham gia công trình nghiên
cứu phải được ghi nhận công trạng xứng đáng. Chính vì tính dân chủ này mà
chúng ta biết rằng người thật sáng tạo ra con cừu Dolly không phải là giáo
sư Ian Wilmut như thế giới biết, mà là một nhà khoa học trầm lặng, giáo sư
Keith Campbell, và cộng sự của ông. Đứng trước tòa, Ian Wilmut khai thật là
ông không phải là tác giả của công trình con cừu Dolly (nguyên văn: "I did
not create Dolly"), nhưng vì là người đứng đầu một nhóm nghiên cứu nên ông
dành công trạng về phần mình trước báo chí!
Vấn đề đạo đức khoa học
Trong
khi công chúng Hàn Quốc phẫn nộ về sự việc, giới làm khoa học chắc sẽ không
ngạc nhiên chút nào, bởi vì những trường hợp như thế này đã, đang, và sẽ còn
xảy ra. Thật vậy, chỉ mới tuần qua (ngày 6/3/2008), một nhà khoa học từng
chiếm giải Nobel (Linda Buck) phải đành rút lại một bài báo công bố trên tập
san Nature vào năm 2001, sau khi nhóm nghiên cứu của bà không cách nào lặp
lại kết quả trong bài báo. Bài báo này đã được trích dẫn 138 lần kể từ khi
công bố! Người chịu trách nhiệm chính trong công trình nghiên cứu này là
Zhihua Zou (gốc Trung Quốc) thì nhất định vẫn không chịu nhận rằng đã ngụy
tạo số liệu. Tuy nhiên, hội đồng điều tra cũng đang xem xét lại những bài
báo của Zou.
Hoạt động khoa
học ngày nay là một lĩnh vực khá phức tạp với nhiều cạnh tranh và sức ép lớn
từ nhiều phía. Khác với các lĩnh vực chuyên môn khác chịu dưới sự quản lí
nghiêm ngặt của Nhà nước, cho đến nay hoạt động khoa học vẫn được tự do theo
chiều hướng tự do tri thức và tự quản trị. Mô hình tự quản trị này đã được
duy trì từ hai thế kỉ qua, và trong tương lai chắc sẽ khó có một thay đổi
nào lớn.
Theo mô
hình này, các sản phẩm tri thức từ nghiên cứu khoa học phải được công bố
trên các tập san chuyên ngành, và trước khi công bố đều phải trải qua một
quá trình bình duyệt và phản biện bởi các chuyên gia trong ngành. Khi phản
biện một công trình khoa học, các chuyên gia không tiếp cận được dữ liệu gốc
của tác giả mà chỉ dựa vào các dữ liệu trình bày trong bài báo (thường là
phân tích thống kê). Điều này có nghĩa là các nhà khoa học đặt sự tin tưởng
lẫn nhau rất lớn; họ phải tin rằng những dữ liệu được trình bày trong bài
báo là sự thật, được thu thập bằng những phương pháp như mô tả trong bài
báo.
Do đó, đạo đức
khoa học (scientific ethics) đóng một vai trò cực kì quan trọng trong nghiên
cứu khoa học. Các qui ước về đạo đức khoa học bao gồm thành thật tri thức
(intellectual honesty), cởi mở và công khai, ghi nhận đóng góp của đồng
nghiệp một cách thích hợp, và có trách nhiệm trước công chúng và xã hội.
Các qui ước này được triển khai thành các điều lệ cụ thể về cách hành xử cho
các tình huống khác nhau. Trong hoạt động khoa học, hai chữ “hành xử” ở đây
bao gồm các lĩnh vực chuyên biệt như thí nghiệm, xét nghiệm, giảng dạy và
huấn luyện, phân tích dữ liệu, quản lí dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xuất bản ấn
phẩm, trình bày công trình nghiên cứu trước công chúng, và quản lí tài
chính.
Nhưng
đạo đức khoa học không phải là luật pháp mà chỉ là qui ước hay điều lệ được
các thành viên trong ngành nghề chuyên môn chấp nhận như là những kim chỉ
nam cho việc hành nghề. Chính vì thế mà ở những nước mới phát triển khoa
học (những nơi mà văn hóa khoa học chưa hình thành hoàn chỉnh), người ta
không xem trọng đạo đức khoa học. Ở một số nước Á châu đã có quá nhiều
trường hợp thí nghiệm y khoa trên bệnh nhân mà bệnh nhân không hề hay biết
(tức vi phạm y đức nghiêm trọng), một số thì nói không thật trong các bài
báo, và một số khác thì ngụy tạo dữ liệu như trường hợp Kim Tae Kook và
Hwang Woo-Suk.
Cũng
như các lĩnh vực khác, trong hoạt động khoa học cũng có nhiều nhà khoa học
rất “trần ai”, cũng bịp bợm, lưu manh, và phạm tội lường gạt. Họ làm nghiên
cứu giả dối, che dấu sự thật, xuyên tạc dữ kiện, đạo văn, ăn cắp ý tưởng của
người khác, bịa đặt số liệu, cố tình vặn vẹo số liệu theo ý muốn mình, v.v…
Trong một nghiên cứu trên 4.000 sinh viên bậc tiến sĩ trong 99 trường đại
học ở Mĩ, Giáo sư Judith P. Swazey cho biết có đến 44% sinh viên và 50% giáo
sư đại học từng biết ít nhất một hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu khoa
học. Phần lớn những vi phạm này xảy ra trong các bộ môn khoa học thực
nghiệm như sinh học, vật lí, hóa học, v.v… Nhưng vi phạm nhiều nhất vẫn là
trong nghiên cứu y khoa.
Nhưng
cái thế mạnh của khoa học là một hệ thống mở (open system) và dân chủ, hiểu
theo nghĩa một khi công trình nghiên cứu đã được công bố thì bất cứ ai trên
thế giới cũng đều có quyền soi mói và phản biện. Chính vì thế mà một nhà
khoa học có thể lừa gạt nhiều người trong một lần, hay lừa gạt một người
trong nhiều lần, nhưng không thể nào lường gạt nhiều người trong nhiều lần.
Kinh
nghiệm về các vụ gian lận khoa học trên thế giới cho thấy người có khả năng
phát hiện các trường hợp gian lận không ai khác hơn chính là đồng nghiệp của
nhà khoa học. Ghi nhận điều này, các trung tâm nghiên cứu và đại học thường
có những cơ chế thông thoáng để bảo vệ an toàn cho các nhà khoa học dám công
khai tố cáo các trường hợp gian lận khoa học.
Nhìn người lại nghĩ đến
ta
Gian
lận khoa học và ngụy tạo có xảy ra ở nước ta không? Tuy chưa có một cuộc
điều tra nào được tiến hành, nhưng câu trả lời chắc chắn là có. Những
trường hợp đạo văn trong các bài báo khoa học, đạo công trình nghiên cứu,
lấn áp nghiên cứu sinh hay cộng sự viên cấp thấp, cướp công, sửa số liệu,
v.v… từng được nêu trên báo chí, nhưng việc xét xử vẫn chưa rõ ràng. Thật
ra, nước ta thiếu một cơ chế để đương đầu với những vi phạm đạo đức khoa
học, và do đó những trường hợp lem nhem trong khoa học thường không được
giải quyết nghiêm chỉnh và nghiêm minh. Có lẽ đã đến lúc Nhà nước cần phải
thiết lập một ủy ban hay cơ quan tương tự như Office of Research Integrity
(Mĩ) để theo dõi và giải quyết tận gốc những gian lận trong khoa học.
Ngoài
ra, cũng cần phải có cơ chế để điều tra tất cả các trường hợp gian lận sao
cho công bằng cho phía bị tố cáo và phía tố cáo. Nhưng quan trọng hơn hết,
các cơ quan nghiên cứu cần phải tạo ra một không gian và môi trường mà trong
đó sự liêm chính được ghi nhận và các hành động vô nguyên tắc phải bị trừng
trị.
Nghiên
cứu khoa học là một hoạt động tốn kém. Nhà nước có trách nhiệm phải đảm bảo
tiền bạc và tài nguyên của người dân đầu tư cho nghiên cứu khoa học được sử
dụng một cách thích hợp và xứng đáng. Khoa học xây dựng và tồn tại dựa trên
tinh thần chân thực và liêm chính. Vì thế, khoa học không thể nào dung túng
tình trạng thiếu chân thực và vô liêm chính. Đảm bảo sự liêm chính và trung
thực trong nghiên cứu là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng nghiên
cứu khoa học và nâng cao uy tín khoa học của nước nhà
Vài trường hợp gian lận khoa học tiêu biểu
John Darsee – trường hợp cổ điển
Trong những trường hợp gây nhiều tai tiếng trong dư luận công chúng có lẽ
là trường hợp của bác sĩ John Darsee vào thập niên 1980s khi ông, lúc đó là
một giáo sư trẻ thuộc Đại học Emory (Atlanta, bang Georgia, Mĩ), công bố một
loạt 10 bài báo mà ông đứng tên tác giả đầu. Với thành tích ấn tượng đó,
Darsee được thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp khoa bảng, trở thành một
nhà khoa học được nhiều đồng nghiệp kính trọng. Nhưng tất cả những bài báo
đó là hoàn toàn giả tạo. Nói cách khác, ông đã tạo sự nghiệp dựa vào việc
ngụy tạo nghiên cứu trong suốt 10 năm liền!
Jon Sudbo và ảo vọng điều trị ung thư
Năm 2005, Tập san Lancet (một tập san y học đứng vào hàng nhất nhì
trên thế giới) công bố một công trình nghiên cứu của bác sĩ Jon Sudbo,
chuyên gia về ung thư thuộc Bệnh viện Radium và Đại học Oslo (Na Uy). Trong
bài báo, bác sĩ Sudbo và 13 cộng sự viên báo cáo rằng họ đã tiến hành một
nghiên cứu đối chứng (case-control study) với 908 đối tượng, và kết quả cho
thấy thuốc chống viêm NSAIDs (non-steroidal anti-inflammatory drugs) có hiệu
quả làm giảm nguy cơ ung thư miệng. Phát hiện của bác sĩ Sudbo gây sự chú ý
lớn của các chuyên gia trong lĩnh vực ung thư bởi vì các loại thuốc NSAID
được sử dụng rất rộng rãi để giảm đau, nhất là đau thấp khớp, và tương đối
rẻ, và nếu quả thật thuốc có hiệu quả chống ung thư thì đó là một tin vui
cho bệnh nhân: một thuốc mà đạt hai mục tiêu. Sau khi công bố bài báo, Sudbo
trở thành nổi tiếng trong giới chuyên môn về "phát hiện" mà ít ai nghĩ đến
đó.
Nhưng nghiên cứu của Sudbo hoàn toàn giả tạo. Bác sĩ Sudbo giả tạo tất cả
các số liệu và bệnh nhân. Khi điều tra lại các số liệu gốc (tức cũng giả
tạo), người ta mới phát hiện trong số 908 đối tượng ma này, có đến 250 người
có cùng ngày tháng năm sinh! Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong phân tích,
Sudbo đã giả tạo rất tài tình, không để lộ một kẽ hở nào trong số liệu để
người bình duyệt có thể đánh dấu hỏi. Tổng biên tập tập san Lancet,
Richard Horton, phải thú nhận là Sudbo quá thông minh và tinh
xảo đến độ ông
có thể qua mặt tất cả 13 cộng sự viên là tác giả của bài báo, lường gạt tất
cả các chuyên gia trong ngành đã bình duyệt bài báo, lường gạt luôn cả một
chuyên gia thống kê học cũng là người bình duyệt bài báo! Hành động ngụy
khoa học của bác sĩ Sudbo chỉ được phát hiện khi một nhà dịch tễ học người
Na Uy chú ý đến đoạn văn mà Sudbo cho biết nguồn bệnh nhân mà ông nghiên cứu
là trích từ một ngân hàng dữ liệu (database) về ung thư thuộc bệnh viện
Radium, bởi vì trong thực tế ngân hàng dữ liệu này không hiện hữu!
Eric Poehlman
– giả tạo số liệu
Poehlman là cựu giáo sư y khoa, một chuyên gia về
bệnh béo phì của Trường đại học Vermont (Mĩ). Trước khi bị phát hiện giả tạo
số liệu và đi tù, Poehlman là một trong những “ngôi sao” sáng chói trong
lĩnh vực nghiên cứu bệnh béo phì, với hơn 200 bài báo khoa học trên các tập
san y khoa quốc tế, và được các đồng nghiệp cũng như các công ti dược mời
thuyết giảng. Nhưng 10 bài báo khoa học và bài giảng trong các hội nghị suốt
từ 1992 đến 2002 lại là những tác phẩm khoa học dựa vào số liệu do ông ngụy
tạo để phù hợp với lí thuyết của mình.
Năm 1995, Poehlman trình
bày dữ liệu mà ông báo cáo là thu thập từ một nghiên cứu đánh giá các đặc
điểm về chuyển hóa năng lượng ở phụ nữ trong thời gian trước và sau mãn
kinh. Các dữ liệu này được công bố trong một bài báo khoa học có tên là
“Changes in Energy Balance and Body Composition at Menopause: A Controlled
Longitudinal Study,” trên tập san Annals of Internal Medicine (một tập san y
khoa hàng đầu trên thế giới). Trong bài báo Poehlman báo cáo rằng ông đã
theo dõi sự chuyển hóa năng lượng trên 35 phụ nữ trong suốt 6 năm liền.
Nhưng trong thực tế, Poehlman chỉ theo dõi một bệnh nhân duy nhất, phần còn
lại là ông giả tạo số liệu. Ngoài ra, Poehlman
còn giả tạo nhiều số liệu trong hơn 10 bài báo khoa học khác. Chẳng những
thế, Poehlman còn ngụy tạo số liệu mà ông cho là “nghiên cứu sơ bộ” để thu
hút tài trợ đến gần 3 triệu USD từ NIH (cơ quan tài trợ cho phần lớn nghiên
cứu y khoa ở Mĩ). Sau nhiều năm điều tra, Trường đại học quyết định sa thải
Poehlman và Nha liêm chính trong nghiên cứu (ORI) truy tố ông ra tòa. Ngày
28/6/2006, Poehlman bị tòa xử phạt một năm tù và phải
hoàn trả cho Nhà nước 542.000 USD. Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất và
lần đầu tiên trong lịch sử khoa học Mĩ một giáo sư gian lận trong khoa học
phải ngồi tù
Đã đăng trên Vietnam Net
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Nguyễn Văn Tuấn
|