
Bài học về giải phẫu của Dr Tulp thế kỷ 17 -
Rembrandt
Chúng tôi gặp nhau rất tình cờ. Hôm đó ông Vinh tới thử máu và đo huyết áp
trong một Hội Chợ Y Tế do nhóm thiện nguyện Việt- Mỹ tổ chức. Ông ta mang
kết quả tới nhờ tôi giải thích vài điều mà ông thắc mắc. Sau đó Vinh đột
nhiên dụt dè nói, “tôi muốn hiến tặng thân xác cho khoa học khi tôi chết,
liệu bác sĩ giúp tôi làm thủ tục được không?”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng
thấy Vinh có vẻ thành thực nên nói chuyện thêm với Vinh vài phút rồi xin số
điện thoại để sau này gặp lại. Hơn tuần lễ sau tôi mời ông tới chơi để tìm
hiểu. Trò chuyện thì nhiều nhưng tập trung vào việc hiến xác. Ông cho hay là
hiện nay sống một mình, có việc làm với bảo hiểm sức khỏe và hưu bổng đầy
đủ, gia đình con cháu ổn định, đời sống cá nhân an lạc. Ý nghĩ hiến xác ông
đã có từ lâu, vì thấy khoa học ở đất nước này tiến bộ quá, mình hưởng được
nhiều phúc lợi thì bây giờ trả ơn vì nghe nói thân xác được dùng trong các
nghiên cứu của khoa học gia cũng như sinh viên y khoa thực tập…
Ý
nghĩ của ông Vinh mang người viết trở lại với thời kỳ học y khoa khi xưa.
Hai năm đầu, có môn Cơ Thể Học, vừa lý thuyết vừa thực hành ngõ hầu hiểu rõ
được sự cấu tạo của cơ thể con người. Đây là một trong nhiều môn học quan
trọng nhất để đào tạo bác sĩ và các nhà chuyên môn về sức khỏe khác. .Thực
hành là cặm cụi trên những hình hài vô danh, tay dao tay kéo rạch từng đường
gân, thớ thịt, mạch máu để có cái nhìn cụ thể. Thầy dạy là vị giáo sư khả
kính và các sinh viên đàn anh. Thầy có giọng nói truyền cảm hấp dẫn, lời
giảng rõ ràng minh bạch lâu lâu chêm vào một câu nói vui vui để đám học trò
bớt căng thẳng. Nét vẽ của thầy trên bảng đen thật tuyệt vời, đâu ra đó, rất
thành thạo, nhanh và diễn tả đầy đủ tác phẩm kỳ diệu của tạo hóa là con
người. Đó là Giáo Sư Y Khoa Nguyễn Hữu, Giám Đốc Cơ Thể Học Viện trong nhiều
thập niên của một thời xa xưa..
Những hình hài vô danh nằm trên bàn đá lạnh trong căn phòng nhỏ ngợp mùi
formol tại Cơ Thể Học Viện, đường Trần Hoàng Quân Chợ Lớn, tới từ đâu, không
ai biết. Có thể là từ tự hiến hoặc bán xác của bệnh nhận bệnh viện Chợ Quán,
viện tâm thần Biên Hòa hoặc tử thi trôi sông dạt biển, tử tội vô thừa nhận.
Nhưng những hình hài đó đã giúp sinh viên y khoa rất nhiều và đã đựoc ghi
ơn, nâng niu tôn trọng trong khi thực tập. Mới đây, đồng nghiệp
Phan Bảo Khánh
tại Sài Gòn, rất xúc động với những người hứa nguyện hiến xác đã có ý kiến
"Họ đã ra đi nhưng còn đó những bó cơ, mạch máu, từng bộ phận
cơ thể… cho chúng ta giảng dạy, nghiên cứu để phục vụ cho khoa học và cao
hơn là vì cuộc sống tươi đẹp. Họ là những người bất tử”.
Các viện nghiên cứu khoa học, trường y, bệnh viện trên khắp
thế giới đều khẩn khoản mong ước được đón nhận những “ người bất tử” như
vậy. Vừa mới ra đi thì các bộ phận tốt lành tức khắc được ghép cho người
bệnh có nhu cầu, mang lại đời sống gần như bình thường cho họ. Trong vài ba
năm thì hình hài liên tục được mổ xẻ, nghiên cứu mang lại những hiểu biết về
chữa trị, phòng ngừa nan bệnh.
Với hình hài để nghiên cứu, đơn vị thu nhận sẽ ướp xác với
formaldehyde chích vào mạch máu để các mô bào được cất giữ, tránh hư rữa. Đó
là lý do thân xác phải toàn vẹn để có thể tẩm niệm ướp giữ. Đôi khi xác cũng
được cất giữ bằng cách ướp với chất nhựa dẻo plastic.
Thủ tục hiến xác cũng giản dị. Một văn bản ngỏ ý muốn hiến,
ký tên bên dưới với 2 người trưởng thành làm chứng, gửi tới cơ quan nghiên
cứu mà mình muốn tặng giữ. Người hiến tặng cũng ở tuổi thành niên hợp pháp.
Chẳng hạn như:
“Tôi ký
tên dưới đây là Nguyễn Văn Trần, 72 tuổi, hiện ngụ tại số 1234 đường Marie
Curie thành phố Sơn Lâm, trong tâm trạng rất tỉnh táo, sáng suốt, làm giấy
này nguyện hiến tặng thân xác tôi, khi mãn phần, cho Bệnh viện của trường
Đại học Y Khoa với mục đích góp phần vào sự tiến bộ y khoa học và giáo dục.
Tôi
hiểu rằng ý nguyện của tôi cần phải được ban Giám đốc của trường cứu xét và
chấp nhận. Trong trường hợp ý nguyện của tôi không được thỏa mãn, thân nhân
của tôi sẽ đứng ra lo phần tang chế.
Tôi
cũng đồng ý là tất cả hồ sơ y khoa của tôi được chuyển giao cho trường để
hiểu rõ tường tận về tình trạng sức khỏe của tôi.
Tôi
cũng ý thức rằng thời gian mà trường sử dụng thân xác tôi cho mục đích y
khoa học và giáo dục có thể kéo dài cả 2, 3 năm.
Tôi yêu
cầu những ai lo việc hậu sự của tôi thông báo ngay cho trường về sự mãn phần
của tôi.
Ngày
tháng năm tại địa phương mình đang cư ngụ
Ký tên.
Hai
người làm chứng đồng ký.
Và nhớ cho thân nhân biết rõ ý định của mình để tránh trường
hợp bất đống ý kiến sau này. Cũng lưu ý rằng, một lúc nào đó mình không muốn
hiến tặng thì chỉ cần viết một văn bản đổi ý gửi cho cơ quan thụ hưởng.
Ý nguyện cần được đơn vị thu nhận đồng ý tùy theo tiêu chuẩn
riêng của họ và tùy theo mỗi quốc gia. Chẳng hạn có nơi từ chối nếu người
hảo tâm có tiền sử bệnh truyền nhiễm như viêm gan các loại, HIV, lao, phỏng
nặng, thương tích trầm trọng, chết đuối, quá mập phì, đói ăn, cơ thể bắt đầu
rữa hủy, đã có ý định quyên sinh…Có cơ quan chỉ nhận thân xác toàn vẹn,
không hư rữa, chưa bị mổ khám nghiệm tử thi, không bị lấy đi một bộ phận để
cấy ghép trị bệnh, ngoại trừ giác mạc của mắt.
Người hiến được cấp một thẻ ghi nhận hiến xác để luôn luôn
mang theo mình, phòng khi cần khẩn cấp.
Tại Hoa Kỳ, hiến bộ phận có thể thực hiện tại nơi thi bằng
lái xe và sẽ đựơc ghi chú trên bằng này.
Trong thời gian nghiên cứu, hình hài sẽ được cơ quan thụ
hưởng bảo tồn trang trọng, đảm bảo chân giá trị của người hiến tặng cũng như
tôn trọng quà tặng mà người cho đã trao cho
Sau nghiên cứu, hình hài sẽ được hỏa thiêu. được đưa về cho
thân nhân mai tang nếu họ muốn hoặc sẽ được bệnh viện long trọng rải trên
biển cả hoặc trong lòng đất. Cát bụi trở về cát bụi.
Người cho không được hưởng một hiện kim hiện vật nào. Đó là
quy luật của chính quyền, để tránh mua bán hoặc kẻ bất lương đào mồ trộm
xác. Bệnh viện chi trả phí tổn chuyên trở hình hài tới bệnh viện, nếu không
quá xa.
Thân nhân có thể tổ chức lễ phát tang, cầu nguyện trước khi
chuyển cho bệnh viện, nhưng lưu ý nhà quàn không tẩm liệm. Đó là việc mà sau
này bệnh viện đảm trách theo phương pháp khoa học thích hợp.
Cũng xin ghi nhận rằng, hầu hết các tôn giáo đều khuyến khích
sự hiến xác để phục vụ cho mục đích cao cả khoa học vì đây là một cử chỉ vị
tha, bác ái, từ bi.
Kết
luận.
Để kết luận, xin ghi lại cảm nghĩ của nam ca sĩ Ngọc Sơn, khi
ký giấy hiến xác cách đây mấy năm: “Con
người sinh ra từ cát bụi, lìa trần thì cũng trở về với cát bụi. Nếu đem thân
xác đi chôn vùi trong lúc các trường y học thiếu tiêu bản người để thực tập
và nghiên cứu khoa học thì phí phạm quá. Tôi muốn phụng sự cuộc sống cả sau
khi mình đã chết”.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com
|