Báo Động Về Sự Gia Tăng của Bệnh Tiểu Đường Của Người Dân Á Châu và Việt Nam. 

Vietsciences-Đặng Quốc Ân         04/12/2007

 

Những bài cùng tác giả


 

   Theo tài liệu với tựa đề: “Silent Killer:  Diabetes is Becoming an Asian Epidemic, and Its Victims are Younger than Ever. What’s Behind the Crisis?” đăng trên báo TIME Asia phát hành ngày 9/12/2002 của tác giả Phil Zabriskie tại Hồng Kông thì bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường, Diabetes Mellitus) càng ngày càng trầm trọng tại các nước Á Châu và những người bị mắc bệnh này càng ngày càng trẻ tuổi hơn (1). Ông viết tin tức này dựa trên tài liệu loan báo của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới (World Health Organization, WHO) thì số người bị tiểu đường hiện nay trên thế giới đã lên đến khoảng 177 triệu người, một nửa con số này, hay đúng hơn 89 triệu người là  dân Á  Châu.  Bốn quốc gia Á Châu có người bị bệnh này nhiều nhất là Ấn Độ (32.7 triệu), Trung Hoa (22 triệu), Hồi Quốc (Pakistan, 8.8 triệu), và Nhật Bản (7.1 triệu). Những con số này cũng chỉ là con số phỏng đoán vì có những người bị bệnh nhưng không được chẩn bệnh sớm, hoặc không biết là mình mang bệnh và như vậy con số thật sự chắc chắn là phải cao hơn. Theo nhật báo Tuổi Trẻ ra ngày 12/11/2007 thì Việt Nam chúng ta đã được Hiệp Hội Đái Tháo Đường Quốc Tế xếp vào hạng có tỉ lệ gia tăng bệnh tiểu đường cao nhất thế giới. Trong ba năm qua số bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh này gia tăng 48%. Tệ trạng hơn nữa là theo PGS/TS Tạ văn Bình, Giám Đốc Bệnh Viện Nội Tiết Trung Ương, thì những bệnh nhân khi đến bệnh viện để chữa trị đều là những người đã ở vào tình trạng trễ muộn của bệnh lý, với 30% đã có những triệu chứng suy thận, đau chân, hoặc mắt kém. Cơ quan WHO dự đoán đến năm 2025 số người bị bệnh tiểu đường trên thế giới có thể lên tới 300 triệu người (tăng 69%), trong đó có khoảng 170 triệu người (57%) là dân Á Châu.  Gia tăng ngân sách và nhân lực vào việc khảo cứu chống lại bệnh tiểu đường do đó đã được sự chú ý tham gia gần đây của nhiều công ty dược phẩm và các phòng thí nghiệm ở Mỹ, trong đó có GlaxoSmithKline là công ty hầu như vắng mặt 10 năm trước đây trong lãnh vực của bệnh này, nhưng bây giờ đã và đang phát triển nhanh chóng để tung ra thị trường hai loại thuốc mới sản xuất, và có ít nhất là 8 loại thuốc khác còn đang trong vòng chờ đợi được phép sản xuất.  Các trung tâm giải phẫu thay thế tế bào tụy tạng (Islet Transplant Medical Centers) cho bệnh tiểu đường loại I (2) cũng đang được phát triển tại các trung tâm khảo cứu của đại học Mỹ. Hai hình ảnh sau đây cho thấy những tế bào cấy từ tụy tạng (pancreatic insulin-producing tissues) để dùng trong giải phẩu ghép (islet transplant, bên trái) và các chuyên viên cho ngành này rất đang cần thiết như đã quảng cáo (bên phải) của Đại Học Y Khoa Miami, Florida, Mỹ và Alberta ở Canada (2)

Gần đây, Gayle E. Reiber thuộc trường Đại Học Washington (3) đưa ra giá cả trung binh mà một bệnh nhân Mỹ bị bệnh tiểu đường thường phải trả mỗi lần đi chữa Bác Sĩ trong bệnh viện hay phải nhập viện để chữa bệnh. Thí dụ đi thăm BS Nhãn Khoa để xem bệnh tiểu đường có hại đến mắt chưa (retina exam) thì phải trả giá vào khoảng 300 đo la, trong khi thăm BS Nội tiết thì phải trả độ 200 đo la.  Những tiền chi phí này mặc dù bệnh nhân chỉ phải trả một phần rất nhỏ độ 10-20 dollar (deductable) do có qũy bảo đảm sức khỏe trả phần còn lại, nhưng sự thực đối với những dịch vụ này thì bệnh viện rất khó có thể thu hồi được đầy đủ được tiền như giá đã ấn định, nhiều khi phải chịu thiệt thòi đến một nửa giá này. Trái lại, đối với những dịch vụ mắc tiền như vật lý trị liệu, với giá $160/một giờ, làm chân gỉa $11, 668 mỗi cặp, hay nhập bệnh viện giá từ $7,733 đến $17,584 mỗi lần. Những chí phí sau này tuy lớn hơn, nhưng các cơ quan bảo hiểm lại trả đầy đủ, do đó các bệnh viện chuyên chữa bệnh nhân tiểu đường có khuynh hướng đóng cửa các dịch vụ nhỏ mà nhắm vào các dịch vụ lớn mắc tiền và có lơi nhuận nhiều hơn.  Điều này tuy có lợi cho bệnh viện, nhưng lại không có lợi cho những bệnh nhân muốn chữa bệnh ở thời kỳ đầu tốt hơn là để đến khi để bệnh trở nên qúa trầm trọng.  Trong số báo gần đây của Genetic Engineering & biotechnology News (GEN, June 1, 2007) có trích dẫn những kết qủa mới đã được đăng trong sách xuất bản trong tháng ba năm 2007 (4) thì đến năm 2016 ngân sách để dành chữa trị cho những bệnh nhân tiểu đường cho bẩy quốc gia tiền tiến (G7) trên thế giới có thể lên đến trên 70,4 tỉ dollars, so sánh với số 42,9 tỉ  cho năm 2006. Bệnh tiểu đường vẫn đứng hạng thứ tư có số người bị tử vong cao do sự biến chứng của bệnh này, chỉ đứng sau các bệnh như ung thư và tim mạch.  
 
 

Giá Cả Trung Bình Một Bệnh Nhân Tiểu Đường Phải Chi Tiêu Mỗi Lần Đi Khám Bệnh Ở Bệnh Viện

 

 

      Bệnh tiểu đường được phân chia ra làm hai loại chính là loại I và II. Loại I còn gọi là “loại trẻ , Juvenile Onset Diabetes) vì những người bị mắc bệnh này thường là trẻ con dưới 30 tuổi, với đa số là trong khoảng 10-14 tuổi. Loại II còn gọi là  loại già (Mature Onset Diabetes) vì những người thường mắc phải sau khi đã ngoài 40-50 tuổi trở lên. Phần lớn, tức là đến 85%-95%, những người bị bệnh tiểu đường là loại II này. Ngoài ra còn có một số nhỏ người bị bệnh loại II nhưng lại xẩy ra lúc còn nhỏ tuổi cho nên được xếp vào loại thứ 3 còn có tên là MODY ( Mature Onset Diabetes of the Young). Những người phụ sản đôi khi bị tiểu đường nhất thời trong lúc mang thai (Gestational Diabetes), thường sẽ trở lại bình thường sau khi sanh con xong.

            Điều khác biệt giữa bệnh tiểu đường loại I và II không những vì tuổi tác, nhưng chính cũng là vì nguyên do và bệnh lý khác nhau. Tiểu đường loại I xẩy ra khi tế bào beta  (β cells) trong tụy tạng (pancreas) chuyên sản xuất ra kích thích tố insulin bị kháng thể tự động phá hủy (autoimmune disease), do đó lượng kích thích tố insulin trong máu bị giảm xuống rất thấp. Bênh này thường do yếu tố di truyền (genetics) từ bố hay mẹ mà sinh ra. Kích thích tố insulin rất cần thiết cho sự dinh dưỡng chất đường và chất béo trong cơ thề. Khi lượng insulin sản xuất ra từ tụy tạng này giảm xuống thì chất đường glucose (còn gọi là d-glucose hay dextrose) trong máu sẽ không hấp thụ được vào trong tế bào để tiêu hóa gây ra năng lưọng, do đó chất đường glucose sẽ tăng lên trong máu. Vì thiếu đường glucose, tế bào phải tiêu dùng acid béo thay vào, nhất là ở trên tế bào não bộ, kết qủa là những chất “keto acids” như acetone, acetoacetic acid, và hydroxybutyric acids có trong hơi thở và gây ra hôn mê (coma), do đó loại I còn gọi là diabetes ketoacidosis (DKA). Bình thưòng lượng glucose trong máu sau khi ăn hai giờ trung bình là 100-110mg/dL máu, nếu lượng glucose này tăng lớn hơn 140 mg/dL thì sẽ bị nghi ngờ là tiểu đương . Tuy nhiên lượng glucose có thề lên đến 240 mg/dL hay cao hơn nữa trong bệnh nhân bị tiểu đường chính thức (overt diabetes). Bởi vì lượng đường glucose trong máu có thể dao đông nhiều trong ngày, nhất là trong những người bị tiểu đường, cho nên để biết rõ lượng đường trong máu trung bình trong một thời gian dài, bác sĩ chẩn bệnh thường cho đo lượng glycosylated hemoglobin HbA1c , tức là lượng phân tử glucose gắn chặt vào hồng huyết cấu trong vòng 3 tháng trước khi đo (đó là thời gian tốn tại của hồng huyết cầu trong máu trước khi bị phá hủy) và lượng glycosylated HbA1c này chỉ tăng cao lên khi lượng đường glucose cao lên trong máu qua một thời gian dài. Nếu lượng này ở trong khỏang 5-6 mM/dL thì là bình thường., nếu lượng này cao hơn 7-8 mM/dL thi có thể bị nghi ngờ là mắc bệnh. Để bình thường hóa lại lượng glucose trong máu, các trẻ em này thường phải tự chích insulin vào dưới da hàng ngày. Bệnh nhân nếu đựơc trị liệu đúng theo lời chỉ dẫn của Bác Sĩ và ăn uống kiêng khem vẫn có thể sống bình thường và bệnh có thể kéo dài đến hơn 30 năm trước khi có những biến chứng xẩy ra như bệnh mù mắt, bại thận, cứng mạch máu, bệnh giây thần kinh, cưa chân vv..mà rất khó tránh khỏi. Ông Zabriskie trong tờ báo TIME Asia có đưa ra một trường hợp đặc biệt của một cậu em trai 16 tuổi ở thành phố Chennai của Ấn Độ tên là Arun Elayapenumal. Cậu bé này được chẩn bệnh tiểu đường loại I khi mới lên ba tuổi, mặc dầu gia đình cậu không ai bị bệnh này trước đây, làm bố của cậu, người làm việc ở trong sở thú, phải vô cùng ngạc nhiên  khi nghe tin này và đã thốt ra câu: “ Vợ chồng tôi vô cùng tuyệt vọng”. Gia đình cậu không đủ tiền mua thuốc chích insulin, may mắn là bệnh viện trong vùng chỗ cậu ở cho chích thuốc miễn phí, tuy vậy mắt cậu cũng yếu dần và trở thành mù vào lúc 12 tuổi. Cậu nói “ Tôi vẫn còn nhớ đến những lúc tôi leo trèo cây , chơi với dế , và những mầu sắc của súc vật”. Hiện cậu vẫn theo đuổi việc học vấn trong trường dành cho những người mù và điếc và hy vọng sau này sẽ trở thành giáo viên. Gia đình cậu hiện đang rất lo ngại cho người em gái của cậu, Elakkiya, nay mới 2 tuổi rưỡi và đã được Bác Sĩ chẩn bệnh là tiểu đường loại I và có thề cô sẽ phải mang cùng số phận với người anh tên Arun vậy. Bố của cô hy vọng bác sĩ sẽ tìm ra thuốc chữa mới cho cô khỏi bị mù trước khi bệnh phá ra. Còn một điều nữa mà bố mẹ của cô lo ngại là làm sao để gả chồng cho cô khi đến tuổi lấy chồng vì những sợ hãi hay tai tiếng xấu của bệnh này. Bác Sĩ Shobana Ramachandran, phó trưởng khu tiểu đưởng tại Chennai, Ấn Độ có nhớ đến trường hợp của một cô dâu mới cưới, sợ bị khám phá là mang bệnh tiểu đường cho nên không giám chích insulin trong tuần trăng mật khiến cô bị bất tỉnh và ngã lăn ra chết. Giải phẫu ghép thận và tụy tạng tuy đã có nhiều thành công mỹ mãn nhưng rất khó khăn và tốn kém để thực hiện,  bởi vì thường không đủ số tử vong hiến thân cho những bộ phận này hợp với nhu cầu của bệnh nhân. Hiện nay đả có 18 trung tâm trên thế giới bắt đầu dùng tế bào cấy để thực hiện giải phẫu ghép tuỵ tạng cho bênh nhân tiểu đường loại I như đã diễn tả ở trên, đó là do sự thành công mỹ mãn của các bác sĩ giải phẫu tại đại học Alberta ở Canada và được gọi là “Edmonton Protocol” công bố năm 2002. Mặc dầu với sự thành công này đã được nhiều nơi áp dụng, mỗi năm ước tính chỉ có độ 0.1% giải phẫu được thực hiện trên tổng số nhu cầu của các bệnh nhân tiểu đường loại I hay 0.005% của cả hai loại I và II (5). Riêng tại Đại Học Y Khoa Massachusetts (Worcester, MA) trong vòng hơn 2 năm nay từ khi chương trình được tổ chức thì mới có ba bệnh nhân tiểu đường loại I được giải phẫu ghép thành công, trong dó bệnh nhân không cần chích insulin nữa để bình thường hóa mực độ đường glucose trong máu, mặc dù sự thành công này về lâu dài cho đến bao giờ cũng vẫn chưa tiên đoán được trong lúc này. Điều mong ước của những giải phẫu gia trong chương trình này là bệnh nhân cũng sẽ không cần phải chích thuồc ngừa đào thải (immunosuppressive drugs) do cơ thể phản ứng khi ghép những tế bào gây ra.  Trong một cuộc hội thảo do các giải phẫu gia này tổ chức mà tác gỉa bài này được tham dự thì các bệnh nhân đã tránh được các hậu qủa của lượng đường xuống qúa thấp (hypoglycemia) mà có thể dẫn đến bất tỉnh (coma). Một điều nữa cũng nên cần biết là sự ghép tế bào nếu được thành công thì sẽ tránh được những biến chứng của bệnh mà công việc chích insulin như hiện nay không làm được đó là vì tế bào beta chỉ sản xuất ra lượng insulin theo đúng chu kỳ cần thiết của cơ thể và giữ vững mực đường glucose trong máu như người bình thường vậy.  Chính vì vậy đã có nhiều cuộc khảo cứu dùng bơm insulin (pump) để bắt chước tế bào beta và cũng đem lại hiệu quả tốt đẹp trong việc bình thường hóa lượng đường glucose trong máu và sức khoẻ của bệnh nhân. 
 

         Cũng theo những tin tức mới đã được loan báo trên các báo khoa học và trên đài BBC news hôm 14 tháng 11 năm 2003 với tựa đề : “Vượt hàng rào mới mang lại hy vọng cho bệnh nhân tiểu đường” (6), đó là sự thành công trong công việc ghép tế bào lá lách (spleen cells) không mang dấu hiệu CD45 receptors (các tế bào liên lạc với nhau hay với kích thích tố bên ngoài qua các cánh cửa ngõ đăc biệt (receptors) này trên màng tế bào) mà tác giả tìm thấy các tế bào này ngẫu nhiên biến trở thành tế bào tụỵ tạng beta (beta pancreatic islets) và có khả năng sản xuất ra kích thích tố insulin, như vậy công việc ghép nối tế bào này có thể sẽ cứu được bệnh tiểu đường loại I của các trẻ em mà không phải tốn kém gì nhiều và có thể phổ biến rộng rãi được, ngay cả tại các nước Á Châu mà điều kiện y khoa còn yếu kém.  Chữ “ngẫu nhiên” dùng ở đây để nói đến sự tình cờ khám phá mới của bà Denis Faustman, giám đốc của phòng thí nghiệm Massachusetts General Hospital Immunobiology Laboratory mà khi làm thí nghiệm này bà Faustman chỉ nghĩ đến cách làm giảm kháng thể của con vật làm thí  nghiệm (chuột nhắt, mouse) trước khi ghép tế bào tụỵ tạng để sản xuất ra insulin (7).  Đây là thí nghiệm thành công tình cờ đầu tiên trên chuột mà thôi, các khoa học gia còn phải chứng minh thành công trên ngưòi và được chấp thuận của Bộ Y Tế nữa, như vậy phương pháp này nếu dùng để chữa được bệnh nhân cũng phải ít nhất 10 năm hay lâu hơn nữa.   
 

      Như chúng tôi đã đề cập ở trên, bệnh tiểu đường loại II khác hẳn loại I trên vấn đề nguyên nhân gây ra bệnh. Trong khi lý do di truyền cũng đóng phần quan trọng của loại II, ảnh hưởng của môi sinh cũng đóng một vai trò không kém quan trọng trong vai trò phát triển của bệnh, đó là cách thức ăn uống (nhiều chất béo động vật, bánh kẹo nhiều đường, hoặc uống nước giải khát có nhiều đường glucose, lượng đường này có thể tới 33-41 gram mỗi long theo như ghi chú chỉ dẫn viết trên long), trong khi lượng đường trong máu chỉ đến tổng cộng 5 gram/5L máu (tính trên lượng trung bình 100mg/dL máu và mổĩ người trung bình có 5L máu), ít hoạt động (inadequate exercise), mập (obesity). Có những bệnh nhân bị bệnh này không phải do thiếu kích thích tố insulin trong máu mà do chất béo làm giảm sự hữu hiệu của tế bào trong sự hấp thụ và dinh dưỡng chất đường glucose. Cũng vì lý do đó cách trị liệu hữu hiệu nhất của bệnh là tránh ăn mỡ và chăm tập luyện thề dục để tránh bị béo mập. Một câu hỏi thường được đặt ra cho người dân Á Châu là bệnh tiểu đường gia tăng ở đây có phải là do người Á Châu thường dùng gạo (ăn cơm) rất nhiều, mà gạo thì biến đổi ra chất đường glucose nhanh và nhiều hơn thịt (protein) hay chất béo (lipids) (chất gạo biến ra đường (glycemic index) ít hơn bánh mì nhưng cao hơn thịt và mỡ). Tuy nhiên điều lo ngại này không đúng bởi vì bệnh tiểu đường gia tăng nhiều ở Á Châu thật ra là do sự tăng gia xâm nhập của đồ ăn Tây Phương vào thị trường Á Châu, thí dụ như hamburgers (McDonald’s), gà chiên (Kentucky Fried Chicken, KFC), và nước ngọt giải khát (Coca-Cola, Pepsi…) chứa rất nhiều chất béo động vật (acid béo no, saturated fatty acids) và đường glucose.  Nhận xét này cũng được hỗ trợ bởi một kết quả khảo cứu khác chứng minh rằng những người Á Châu di chuyển sang Mỹ một thời gian và ăn quen những thức ăn mới nhiều thịt mỡ tại nơi này cũng dễ mắc bệnh tiểu đường cao hơn những người ở lại quê nhà hay chính những người Mỹ bản xứ. Hơn nữa, công việc khảo cứu ở Ấn Độ cho thấy tỷ số của những người ở thành thị cao hơn gần 5 lần so với những người ở thôn quê, 11.6% so với 2.4%, chỉ vì những người thành thị ăn nhiều chất béo động vật hơn là người thôn quê (8). Mặc dù ăn cơm gạo không là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường, tuy nhiên khi đã bị bệnh thì lượng cơm ăn hay đồ ăn ngọt như chuối, đu đủ., xoài... cũng nên giảm đi và thay vào đó là các loại rau để giảm áp lực của đường glucose sinh ra trong máu. Ngoài vấn đề thay đổi về ăn uống và điều kiện sống của người Á Châu hiện nay, công việc khảo cứu gần đây của viện Đại Học Texas Southwestern Medical Center tai Dallas, USA trên một số nhỏ gồm 82 người Ấn Độ tai Mỹ và 55 người Âu Châu cùng tuổi cho thấy rằng người Ấn Độ có nhiều chất C-reactive protein (CRP) cao hơn người Tây Phương (9).  Chất CRP cao trong máu là dấu hiệu của những bệnh như găng hay cứng mạch máu và bệnh đau tim, và như vậy cũng sẽ gián tiếp gây ra bệnh tiểu đường. Một khảo cứu khác trên 988 người Hồng Kông (nửa nam nửa nữ) về vấn đề ăn nhiều gạo có ảnh hường đến tiểu đường, kết qủa cũng cho thấy không có sự liên lạc gì giữa hai vấn đè này; trái lại sự liên lạc với chất béo hay mập và tiểu đường thì lại rất là cao (10). Nguyên nhân chính của sự kiện này là vì chất béo làm insulin không hoạt động được bình thường nữa, bằng cách ngăn cản insulin bám vào tế bào receptors để kích thích chất đường hấp thụ vào trong tế bào để biến thành năng lượng như đã nói ở trên. 

      Những triệu chứng của những người mới bị mắc bệnh tiểu đường loại II là khát nước, vì vậy hay uống nước nhiều và đi tiểu nhiều. Bệnh này cũng hay đói và hay ăn vặt, nhiều khi đói có thể bị xỉu và phải trị ngay bằng nước đường ngọt hay ăn kẹo. Một điểm đặc biệt khác nữa là bệnh nhân hay mệt mỏi hơn những người bình thường. Thường những triệu chứng này nhiều khi không rõ rệt khi bệnh mới bắt đầu thành ra không biết được để chữa sớm trong lúc bệnh còn nhẹ.  Có lẽ hầu gần như đến một nửa số bệnh nhân tiểu đường không biết là mình mang bệnh lúc ban đầu cho đến khi bệnh đã trở thành trầm trọng. Bệnh nhân thuộc loại ÌI thường bị xẩy ra những biến chứng như là áp huyết cao, bại thận, đau tim, mù mắt, hủy hoại giây thần kinh, ăn khó tiêu, đau chân, và phải cưa chân nếu sự nhiễm trùng không chữa được vì mạch máu bị cứng hay tắc nghẽn.  Chính những biến chứng này giết chết bệnh nhân dần dần và bằng một cách rất là thầm lặng.  Để tránh được bệnh tiểu đường loại II này, cách trị liệu không phải chỉ là chích insulin như loại I mà chính là uống thuốc (sulfonylureas: glipizide hay glyburide; biguanides như metformin, phenformin) để kích thích tế bào beta sản xuất thêm insulin (sulfonylureas) hay tăng sự hấp thụ của chất đường glucose vào trong các tế bào thịt và mỡ (biguanides). Chích insulin chỉ được áp dụng khi uống những thuốc trên không còn hữu hiệu nữa vì insulin thường gây ra nhiều biến chứng có hại nhiều hơn là uống thuốc. Tuy nhiên sự trị liệu hữu hiệu nhất của tiểu đường loại ÌI vẫn là tránh ăn đồ ngọt chứa đường glucose, tinh bột, và nhiều chất béo động vật, ngoài những thuốc trị liệu nói trên. Tập thể dục hàng ngày để giúp cơ thể tiêu thụ chất béo và máu luân chuyển đến các cơ quan cần thiết cũng là những phương tiện tối quan trọng trong vấn đề chữa bệnh này. Hiện nay các thuốc uống và cách trị liệu nói trên chỉ dùng để tránh ngừa những biến chứng của bệnh chứ không thể nào chữa hẳn căn bệnh này một cách vĩnh viễn được, do tính cách phức tạp và do nhiều genes trong nhân tế bào bị sai hỏng sinh ra bệnh (multiple genes defected).  Mặc dù các khoa học gia đã cố gắng tìm kiếm các nguyên nhân genes gây ra bệnh tiểu đường với hy vọng sẽ dùng nó để chẩn bệnh (diagnosis) sớm trước khi bệnh phát ra nhưng vẫn chưa thành công.   
 

      Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu của bài viết này, không những bệnh tiểu đường mỗi ngày một gia tăng ở Á Châu, mà những người này bị bệnh tiểu đường loại II mỗi ngày càng trẻ hơn. Ở thành phố New Delhi của Ấn Độ, Yash Gupta được chẩn bệnh với loại tiểu đường II lúc 11 tuổi trong lúc đến khám Bác Sĩ với một lý do khác. Ở Nhật Bản, đến 80% những người mới được chẩn bệnh tiểu đường là người còn trẻ, có khi chỉ mới 9 tuổi. Bác sĩ Tsai Shihtzer, hội trưởng Hội Giáo Dục Bệnh Tiểu Đường Đài Loan (Taiwanese Association of Diabetes Educators) cũng đồng ý về hiện tượng gia tăng tiểu đường loại II trong giới trẻ dưới sáu tuổi.  Một trong những triệu chứng của hiện tượng này là trẻ con trở lên quá mập, như trường hợp của cậu Anson, nay mới 14 tuổi nhưng cao 1.7 mét và nặng 77 ký. Đối với người Á Châu, đây là qúa mập và điều này cộng với sự thiếu chịu khó tập luyện thể thao càng ngày càng gia tăng song song với bệnh tiểu đường, đó là kết luận của những bản tổng kết trong 10 quốc gia Á Châu gần đây. 
 

           Thực ra vấn đề gia tăng của bệnh tiểu đường không phải chỉ giới hạn trong những trẻ em Á Châu nói trên vì gần đây hơn, trong những số báo đăng trên The New York Times, ra ngày tháng giêng năm 2006 với tựa đề “Diabetes and its Awful Toll quietly Emerge as a Crsis”, tác giả là N.R. Kienfield thì trẻ con sống trong tiểu bang New York cũng có hiện tượng gia tăng bệnh tiểu đường và béo phì (3).  Bệnh viện nổi tiếng của thành phố New York City tên là Montefore Medical Center đã tràn ngập với bệnh nhân mắc bệnh tiêu đường hay bị biến chứng từ bệnh này.  Theo những nhà hữu trách của bệnh viện này thì ở bất cứ một thời điểm nào trong ngày thi gần nửa bệnh nhân đến khám là do bệnh liên quan đến tiểu đường.  Một ước lượng cho thấy có đến khoảng 800 ngàn người lớn ở New York  (tức là hơn 1 trong 8 người ) đang mắc bệnh tiểu đường, có lẽ có thể coi đây như là một bệnh dịch.  Tiểu đường là một trong những bệnh trầm trọng đang phát triển mạnh của thành phố, tính cả về số lượng của số bệnh nhân mới khám phá ra hay số người chết vì bệnh này.  Và số lượng này tăng lên mỗì ngày, mặc dầu bệnh nhân của các bệnh hiểm nghèo khác như đau tim hay ung thư có điều gia giảm hay bị chận đứng lại.  Điều đáng chú ý là những người sống trong những vùng nghèo của thành phố như vùng Bronx hay Brooklyn có vẻ như bất cẩn vớì những lời cảnh cáo về sự gia tăng của bệnh tiểu đường này, lý do là những bệnh nhân không biết mình mắc bệnh trong những năm đầu khi mắc bệnh này, hay cũng bởì vì họ không cảm thấy một sự thay đổì nào đáng kể trong cơ thể trong thờì kỳ đầu của bệnh. Tuy nhiên đối với những nhà hữu trách những dấu hiệu nói trên lại là những điều rất đáng lo ngại, nhất là đốì vớì những giớì trẻ và trong những ngày trong tương lai sắp tới.  Chỉ trong một vài thế hệ sau này thì những thế hệ trẻ này sẽ tràn ngập các bệnh viện, trường học, cùng vớì những người bị mù lòa hay cụt chân, như trường hơp đã thấy của cậu bé tên Arun Elayapenumal ở Ấn Độ.  Số người bị tiểu đường ở Mỹ vào khoảng 22 triệu, nhưng dự đoán có đến 42 triệu người ở trong trạng thái tiền tiểu đường mà chưa được chẩn bệnh.  Trong thập niên vừa qua, số người mắc bệnh đã gia tăng 80%,  riêng tại NY thi số bệnh nhân gia tăng 140%, đây là một con số rất là đáng ngại.  Như vậy, bệnh nhân tiểu đường ở NY cao hơn ở Los Angeles, hay Chicago, và gần như gấp đôi so với Boston. Một trong những nguyên nhân về tỷ lệ cao của bệnh tiểu đường ở New York co lẽ là do số người da đen, Mễ Tây Cơ, và Á Châu cư ngụ tại thành phố này cũng trội hẳn hơn những thành phố khác của Mỹ. Cũng theo tác giả Steven Heffner, nhà xuất bản của Kalorama Information (4) mà chúng tôi dã nêu ở trên thì con số mới nhất (tháng ba năm 2007) về số bệnh nhân tại bẩy nước tân tiến trên thế giới (G7) đã là: Mỹ (21.9 triệu), Nhật (9.48 triệu), Anh (2.33 triệu), Tây Ban Nha (2.36 triệu), Ý (4.23 triệu), Đức (3.66 triệu), và Pháp (2.54). Những con số này cho thấy Mỹ va Nhật là hai quốc gia có số bệnh nhân tiểu đường cao nhất so với các quốc gia Âu Châu.  
 

    Bài viết này phỏng theo những trường hợp điển hình và thống kê của Zabriskie viết trên báo TIME Asia (1), The New York Times (3) và những tài liệu khoa học gần đây nói về bệnh tiểu đường với mục đích kêu gọi đến sự đề phòng và cảnh giác của những người Việt chúng ta đã quen với lối sống đô thị ăn uống rất nhiều chất béo động vật, hoặc uống nước giải khát chứa nhiều chất ngọt đường glucose, và thiếu sự luyện tập sức khoẻ.  Mặc dầu tiểu đường loại I là di truyền và khó có thể tránh khỏi bệnh, tuy nhiên số này rất ít, chỉ khoảng 5 đến 10% trong dân số.  Trái lại, tiểu đường loại II là đại đa số và chiếm tới hơn 90%, cũng rất may là loại bệnh này lại có thể tránh hoặc trì hoãn lại được nếu điều kiện sống và ăn uống được kiểm soát theo đúng điều chỉ dẫn của Bác Sĩ.  Khi có những triệu trứng như khát nước, đi tiểu nhiều, hay mệt mỏi và sụt ký thì phải đi thử máu trong lúc đói để xem lượng đường glucose trong máu có tăng lên trên mực giới hạn là 130 mg/dL và sẽ phải đi khám bệnh và tuân theo lời chỉ dẫn của Bác Sĩ.  Hiện nay những máy đo đường glucose trong máu có thể mua tại các tiệm thuốc với giá trung bình 60 đô la và có thể mua để đo lấy được rất dễ dàng mà ai cũng có tự thể sử dụng được một mình. Với những lời cảnh giác nói trên nếu đựơc mọi người áp dụng và tôn trọng đúng mức, chúng tôi hy vọng những sự tiên đoán gia tăng của bệnh tiểu đường của dân Á Châu nói riêng là 170 triệu người và của thế giới nói chung là 300 triệu người vào năm 2025 sẽ không phải là con số thực sự nữa. 
 

    
 

Tài Liu Tham Kho: 
 

  1. http://time.com/time/asia/magazine/.
  1. Driving Back Diabetes:  As Western lifestyles spread around the world, diabetes has become an epidemic. Improved treatments are desperately needed, and the funding is there for those who may be able to help, says Ricki Lewis.  Nature, Vol 430 , 26 /8/2004, page 1065-1065. (www.nature.com/nature).
  1. Kleinfield NR. Diabetes and its awful toll quietly emerge as a crisis. The New York Times January                  9, 2006
  1. Heffner Steven., Kalorama’s Diabetes Complications: Major World Markets, 3rd Edt, March 2007.
  1. Kristina I. Rother and David M. Harlan :Science in Medicine. Challenges facing islet transplantation for the treatment of type 1 diabetes mellitus. Islet and Autoimmunity Branch, National Institutes of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, NIH, Bethesda, Maryland, USA. The Journal of Clinical Investigation (http://www.jci.org ) Volume 114 Number 7 October 2004, page  977-983.
  1. Breakthrough sparks diabetes hope:

      http://news.bbc.co.uk/1/hi/health/3266987.stm

                 

  1. Kodama S, Kuhtreiber W, Fujimura S, Dale EA, Faustman DL: Islet regeneration during the reversal of autoimmune diabetes in NOD mice. Science. 2003 Nov 14;Vol. 302, pp1223-1227. 
  1. Ramachandran A. Epidemiology of type ÌI diabetes in Indians. J Indian Med Assoc. 2002 Jul; Vol. 100, pp. 425-427. 
  1. Chandalia M, Cabo-Chan AV Jr, Devaraj S, Jialal I, Grundy SM, Abate N. Elevated plasma high-sensitivity C-reactive protein concentrations in Asian Indians living in the United States.  J Clin Endocrinol Metab. 2003 Aug; Vol. 88 pp:3773-3776.
  1. Woo J, Ho SC, Sham A, Sea MM, Lam KS, Lam TH, Janus ED. Diet and glucose tolerance in a Chinese population. Eur J Clin Nutr. 2003 Apr; Vol. 57(4), pp523-530.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Đặng Quốc Ân