

Abstract: In his book “Foucault’s pendulum”, Umberto
Eco wrote: “Any fact becomes important when it’s
connected to another”. More ten years ago, it was a so
nice surprise to me when knowing that Foucault pendulum
was tightly connected to the whole of Universe. It’s
great! (Trong cuốn “Con lắc Foucault”, Umberto Eco
viết: “Bất kỳ sự kiện nào cũng sẽ trở thành quan trọng
khi nó được liên hệ với một sự kiện khác”. Hơn mười năm
trước, thật ngạc nhiên thú vị vô cùng khi tôi biết rằng
con lắc Foucault có mối liên hệ chặt chẽ với toàn bộ vũ
trụ. Thật tuyệt vời!).
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng có một kỷ niệm thơ
ấu tôi không bao giờ quên: đó là câu chuyện về con lắc
Foucault mà thầy dạy Địa lý năm đầu cấp II của tôi là
thầy Cang kể cho học trò nghe.
Đầu tiên thầy làm thí nghiệm: buộc một vật nặng vào
một sợi dây, đầu kia của sợi dây buộc vào một chiếc
thước kẻ, hai tay thầy cầm hai đầu thước kẻ sao cho
thước kẻ nằm ngang và cho vật nặng dao động như một con
lắc đồng hồ. Trong khi con lắc dao động, hai tay thầy
quay chiếc thước kẻ ở tư thế luôn luôn song song với sàn
lớp học, rồi thầy nói:
- Các em nhìn đây, trong khi thước kẻ quay, con lắc
vẫn dao động theo tư thế ban đầu, nó không chịu quay
theo thước kẻ, thế có lạ không?
Rồi thầy giảng đó là hiện tượng con lắc Foucault, do
Léon Foucault, một nhà vật lý người Pháp, khám phá ra và
ông đã làm thí nghiệm như thế với một con lắc vĩ đại
trong điện Panthéon ở Paris để chứng minh Trái Đất quay
xung quanh trục.
Tôi trố mắt thán phục, nuốt từng lời thầy đến nỗi bây
giờ vẫn cứ nghe như văng vẳng bên tai. Đối với tôi, đó
là một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất và thầy Cang
là một trong những người thầy tuyệt vời nhất.
Nhưng chuyện con lắc Foucault không dừng lại ở đó. Nó
luôn bám theo tôi với một câu hỏi: tại sao con lắc giữ
nguyên mặt phẳng dao động của nó?
1/ Bản chất hiện tượng con lắc Foucault:
Lúc nhỏ tôi chưa đủ khôn để nghĩ tới câu hỏi ấy.
Nhưng nó lờ mờ xuất hiện vào tuổi sinh viên, để rồi lớn
dần lên với tuổi tác… và trong một thời gian dài tôi
không tìm được câu trả lời.
Nhưng Kinh Thánh có câu: “Hãy gõ, cửa sẽ mở”.
Cuối cùng thì cửa đã mở: trong một dịp tha thẩn tại
một hiệu sách ở Sydney, tôi gặp một cuốn sách với cái
tên làm tôi không cưỡng nổi trí tò mò: “God’s Equation”[1]…
Tôi mua ngay và đọc ngay. Càng đọc càng thích, và cái gì
đến phải đến: tôi choáng váng vì xúc động khi gặp lại
câu chuyện con lắc Foucault.
Giá sách chỉ có 37 AUD – quá rẻ để học được từ đó một
bài học lớn: một tư tưởng được các nhà khoa học sau này
gọi là Nguyên lý Mach (Mach’s principle) do nhà
bác học lỗi lạc người Áo Ernst Mach nêu lên, mà nhờ đó
có thể giải thích được luật quán tính nói chung và bản
chất của hiện tượng con lắc Foucault nói riêng. Vấn đề
này đã được trình bầy kỹ ở Chương 11 của cuốn sách nói
trên, với tư tưởng chủ yếu như sau:
Theo Mach, mọi điểm vật chất trong vũ trụ đều chịu
tác động của toàn bộ vũ trụ, tổng hợp lực của toàn bộ vũ
trụ tác động lên một điểm vật chất chính là lực quán
tính tác động lên điểm ấy, và lực quán tính làm cho con
lắc giữ nguyên mặt phẳng dao động của nó, bất chấp Trái
Đất quay.
Điều bất ngờ lý thú là Nguyên lý Mach lại trở thành
tiền đề để Albert Einstein đi tới thuyết tương đối:
“…mục tiêu theo đuổi của Einstein là giải thích vũ
trụ theo tư tưởng của Mach, trong đó sự phân bố khối
lượng của vũ trụ sẽ tạo nên những cái khung quán tính
(con lắc Foucault dao động đều đặn là do hợp lực của
toàn bộ vật chất có khối lượng trong vũ trụ tác động lên
nó). Einstein dường như đã tin vào nguyên lý Mach, và
trong suốt thời gian ở Praha ông đã viết về sự đáng tin
cậy của giả thuyết nói rằng tổng quán tính của một điểm
khối lượng là do sự hiện diện của tất cả các khối lượng
khác gây ra – một kiểu tương tác của một điểm vật chất
với tất cả các khối lượng khác trong vũ trụ. Sau này
tại Zurich ông bị thuyết phục hơn bao giờ hết rằng
nguyên lý đó có giá trị, và thậm chí ông đã viết cho
Mach rằng nếu sự bẻ cong tia sáng được khám phá thì nó
cũng sẽ xác nhận giả thuyết của Mach”[2].
Thí nghiệm năm 1919 của Thomas Eddington đã xác nhận
tính cong của ánh sáng, chứng minh tính đúng đắn của
Thuyết tương đối tổng quát và Nguyên lý Mach. Chỉ chừng
ấy thôi cũng đã quá đủ để Ernst Mach được lịch sử khoa
học đặt ở một vị trí vô cùng trang trọng. Wikipedia nhận
định:
“Với tư cách là một nhà triết học khoa học, ông có
ảnh hưởng chủ yếu đến chủ nghĩa thực chứng logic và
thông qua sự phê phán của ông đối với lý thuyết của
Newton, ông được xem như một nhà tư tưởng tiền thân của
thuyết tương đối Einstein”.
Nếu “Tư tưởng tạo nên tầm vóc con người” (Pensée fait
la grandeur de l’homme) như Pascal đã nói thì Mach phải
được xem là một người khổng lồ, bởi Nguyên lý Mach không
chỉ dẫn tới những hệ quả lớn lao trong vật lý, mà còn
mang tầm cỡ triết học bao trùm toàn vũ trụ: nó là bằng
chứng khoa học hùng hồn nhất để chỉ ra rằng VŨ TRỤ LÀ
NHẤT THỂ!
Thật vậy, theo Nguyên lý Mach, bất kể vật chất nào
trong vũ trụ cũng phải gắn kết chặt chẽ với toàn bộ phần
còn lại của vũ trụ; không tồn tại bất kỳ một cá thể độc
lập nào; sự phân chia vật chất thành những thành phần
đối lập loại trừ lẫn nhau là sai lầm, giả tạo, bởi toàn
vũ trụ là MỘT!
2/ Vũ trụ Nhất thể trong khoa học Tây phương:
Thực ra không chỉ Nguyên lý Mach mới thể hiện tư
tưởng Vũ trụ Nhất thể. Khoa học Tây phương, một mặt
triệt để áp dụng phương pháp phân tích “chẻ hoe sợi tóc”
kiểu Descartes để chia tách sự vật thành những thành
phần ngày càng nhỏ hơn hòng truy tìm bản chất của vật
chất, nhưng tư tưởng bao trùm của nó vẫn là khám phá ra
những nguyên lý phổ quát nhất của vũ trụ, nhằm thỏa mãn
khát vọng nhìn thấy vũ trụ dưới dạng tổng thể, như ta
chiêm ngưỡng một tòa lâu đài kỳ vĩ vậy. Mô hình Cơ học
Newton, Thuyết tương đối tổng quát của Einstein, Lý
thuyết Big Bang,… chính là những mô hình vũ trụ tổng thể
như thế. Nhân đây xin kể một chuyện “vui”:
Năm 2004, tôi gửi bản thảo dịch cuốn “God’s Equation”
tới NXB Trẻ, với tên sách là “Phương trình của Chúa”,
nhưng Cục xuất bản không chấp nhận chữ “Chúa”, và yêu
cầu đổi tiêu đề (thật đáng tiếc!). Tôi nghĩ mãi không
biết đổi như thế nào. Cuối cùng tôi nghĩ ra cái tên dài
dòng khô không khốc: “Câu chuyện về phương trình thâu
tóm cả vũ trụ”. Nếu tác giả biết sách của ông bị “biến
tấu” như thế, hẳn là ông sẽ rất thất vọng. Nhưng tôi
không có lựa chọn nào khác – đành phải diễn giải “phương
trình của Chúa” (tức phương trình trường trong Thuyết
tương đối tổng quát của Einstein) như một nỗ lực thâu
tóm toàn bộ cấu trúc của vũ trụ.
Nếu phương trình trường quá khó hiểu đối với quảng
đại công chúng thì mô hình Big Bang lại rất gần gũi và
dễ hiểu đối với mọi người, vì ở đó Vũ trụ Nhất thể đã lộ
diện “rõ mồn một”: Điểm Kỳ Dị (singularity point) – điểm
ban đầu của vũ trụ mà từ đó đã nổ tung để biến thành vạn
vật hôm nay!
Không có gì hài hước khi so sánh Điểm Kỳ Dị của Lý
thuyết Big Bang với Thái Cực trong Kinh Dịch, bởi trong
con mắt của Kinh Dịch, cái gốc của vũ trụ là Thái Cực:
Thái Cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ
tượng sinh Bát quái, Bát quái sinh 64 quẻ ứng với vạn
sự…
Lý thuyết thống nhất vật lý, mà ngày nay được gọi là
Lý thuyết về mọi thứ (Theory of Everything) là một nỗ
lực tột cùng của khát vọng mô tả Vũ trụ Nhất thể “bằng
xương bằng thịt”, ngõ hầu sau đó các nhà vật lý có thể
“nghỉ ngơi, thư giãn”, vì nhiệm vụ chủ yếu của vật lý đã
hoàn thành! Việc khám phá ra “Hạt của Chúa” trong năm
2012 vừa qua đã làm nức lòng rất nhiều người rằng cái
ngày ca khúc khải hoàn của vật lý sắp tới. Không biết
cái ngày ấy có tới hay không, nhưng rõ ràng là vật lý
khao khát cháy bỏng nhìn thấy một Vũ trụ Nhất thể hoàn
chỉnh.
3/ Vũ trụ nhất thể trong triết học Đông phương:
Khác với Tây phương, Đông phương cổ đại không mất thì
giờ tìm kiếm và chứng minh sự hiện hữu của Vũ trụ Nhất
thể, bởi vì bằng trực giác, các nhà hiền triết cổ từ lâu
đã tin chắc rằng NÓ ắt phải là cái GỐC của vạn vật.
Không có NÓ thì không có vạn vật. NÓ được gọi bằng nhiều
tên khác nhau: Dịch gọi là Thái Cực, Lão giáo gọi là
ĐẠO. Bản thân chữ ĐẠO trong tiếng Hán là một từ “hội ý”,
và những ý hội thành chữ Đạo cho thấy ý nghĩa của nó là
cái gốc của Vũ trụ, là cái toàn thể của vũ trụ, cái thâu
tóm và thống nhất vạn sự trong cái MỘT. Tóm lại, Đạo
chính là tư tưởng nền móng của Vũ trụ Nhất thể. Tư tưởng
của Đạo cũng như Thái Cực đã sớm được sơ đồ hóa dưới
dạng Thái Cực đồ:

Tuy Đạo hay Thái Cực của Đông phương có những điểm
tương đồng với Vũ trụ Nhất thể của Tây phương, nhưng Đạo
hay Thái Cực rộng lớn hơn và phong phú hơn rất nhiều,
bởi hai lẽ:
- Một, nó không chỉ bao gồm vật chất, mà còn bao gồm
cả những gì được coi là phi vật chất hoặc siêu vật chất.
Nói cách khác, nó bao gồm tất cả những gì mà giác quan
và tư tưởng có thể nhận thức được.
- Hai, thay vì phân chia vũ trụ thành những phân tử,
nguyên tử hay hạt cơ bản, sóng năng lượng,… vũ trụ Đông
phương chỉ chú trọng tới yếu tố căn bản nhất, đó là sự
cân bằng âm-dương, biểu hiện qua các cặp yếu tố đối lập:
nữ-nam; lạnh-nóng; nguyệt-nhật; lõm-lồi; đêm-ngày;
mềm-cứng; thụ động-chủ động; trực giác-logic lý luận;….
Để bổ sung cho cách nhìn vũ trụ thuần túy vật chất
của Tây phương, tôi xin nêu lên một mô hình Vũ trụ Nhất
thể chứa đựng cả vật chất lẫn các yếu tố phi vật chất,
dựa trên cách thể hiện của khoa học Tây phương.
4/ Mô hình vũ trụ Elliptic-Hyperbolic:

Phần dương (+) trong mô hình trên, ký hiệu bởi (E),
được giới hạn bởi đường Ellipse; phần âm (–), ký hiệu
bởi (H), được giới hạn bởi các đường Hyperbole
liên hợp với Ellipse. Cụ thể, mô hình E-H được
xác định bởi các miền giới hạn bởi các đường cong có
phương trình[3]:

trong đó hai phương trình

mô tả cùng một Ellipse: phương trình thứ nhất mô tả
Ellipse trong hệ tọa độ Oxy, phương trình thứ hai
mô tả Ellipse trong hệ OXY, hai hệ có thể biến
đổi lẫn nhau sao cho hệ này biến thành hệ kia bằng một
phép quay và đổi chiều trục sao cho y thành X
và x thành –Y (phép hoán vị vai trò của
biến và hàm).
Trong mỗi hệ tọa độ đó, Ellipse có một Hyperbole liên
hợp tương ứng. Vậy nếu bỏ qua cái vỏ toán học để nhìn
vấn đề dưới con mắt vật lý thì mỗi Ellipse sẽ có 2
Hyperbole liên hợp với nó và chúng sẽ xác định các phần
dương và âm của vũ trụ.
Trong mô hình trên, (E) là phần dương (+),
phần vũ trụ Elliptic, hoặc vũ trụ Einstein, tức vũ trụ
chứa đựng tất cả những dạng vật chất có thể cân đong đo
đếm được, bao gồm vật chất có khối lượng, năng lượng (và
có thể cả vật chất tối lẫn năng lượng tối?). Trong khi
chờ đợi việc khám phá ra bí mật của năng lượng tối, tôi
cho rằng dưới tác dụng của hấp dẫn, không gian này bị
lồi – có độ cong dương (elliptic curvature).
(H) là phần âm (–), phần vũ trụ Hyperbolic,
chứa đựng tất cả những dạng tồn tại phi vật chất hoặc
siêu vật chất không thể cân đong đo đếm được, có thể bao
gồm cả thế giới sau sự sống mà tất cả các nền văn hóa
trên thế giới đều tin rằng nó tồn tại.
Chú ý rằng Hyperbole thực chất chỉ là một Ellipse ảo.
Thật vậy:

Điều
đó nói lên rằng vũ trụ Hyperbolic và vũ trụ Elliptic
thống nhất trong cùng một bản chất. Bản chất đó
là gì nếu không phải là Đạo hay Thái Cực mà triết
học Đông phương từng nói đến?
Mô hình vũ trụ Elliptic-Hyperbolic nói trên phong phú
hơn mô hình vũ trụ Big Bang ở 2 điểm căn bản:
- Một, nó thâu tóm cả vật chất lẫn phi vật chất
- Hai, nó thể hiện rõ tính thống nhất và cân bằng âm
dương – điều kiện thiết yếu của sự tồn tại và phát
triển.
Trong một cuộc thảo luận bàn trà với tôi, nhà ngôn
ngữ học Nguyễn Văn Chiến, nguyên chuyên viên nghiên cứu
thuộc Viện Đông Nam Á, có một liên tưởng thú vị: khái
niệm Thái Cực không phải là hoàn toàn trừu tượng, mà có
thể “nhìn thấy”, “sờ thấy” qua hình ảnh của những sinh
vật sinh sản vô tính: con giun, con sán,… có thể sinh
sôi nẩy nở bằng cách tự phân chia, thay vì kết hợp hai
giống đực và cái. Điều đó có nghĩa là những sinh vật này
đã chứa đựng trong bản thể của nó cả âm lẫn dương. Chỉ
có điều là sinh vật học chưa khám phá được cơ chế kết
hợp âm dương nội tại trong những sinh vật này diễn ra
như thế nào. Nhưng dù chưa biết rõ điều đó, chúng ta vẫn
có thể khẳng định rằng những sinh vật này là những “thái
cực thu nhỏ”.
Trở lại với mô hình vũ trụ Elliptic-Hyperbolic (một
“Thái cực đồ” kiểu Tây phương), tôi tin rằng từ mô hình
này chúng ta có thể giải thích được nhiều điều mà mô
hình thuần túy vật chất không giải thích được.
Chẳng hạn, tôi cho rằng tồn tại một thế giới sau sự
sống. Nhưng vì thế giới ấy nằm trong vũ trụ “elliptic
ảo” nên chúng ta rất khó tiếp cận (trừ những người có
ngoại cảm đặc biệt) – thế giới “ảo” không tuân thủ các
định luật vật lý trong không-thời-gian của chúng ta, do
đó chúng ta không thể kiểm chứng trực tiếp bằng giác
quan hoặc gián tiếp qua các dụng cụ vật lý. Tuy nhiên
“ảo” không có nghĩa là “không có thực” (như nghĩa gốc
của từ imaginary), “ảo” không có nghĩa là không có,
không tồn tại, mà đơn giản chỉ có nghĩa là chuyển từ một
dạng tồn tại này sang một dạng tồn tại có chiều ngược
lại, giống như nhân một vector với bình phương của số ảo
(khi nhân một vector với bình phương của số ảo ta được
vector đối của vector đã cho).
Khái niệm “thực vs ảo” hoàn toàn chỉ có ý nghĩa tương
đối như hai mặt của một đồng xu – nhìn thấy mặt này thì
không thấy mặt kia, nhưng cả hai mặt đều “thực”. Con
người có thói quen coi cái trông thấy là “thực”, cái
không thấy là “ảo”.
Khi ta tồn tại trong thế giới sống thì thế giới sống
là “thực” và thế giới sau sự sống là “ảo”. Khi ta trở về
với thế giới sau sự sống thì thế giới đó là “thực” và
thế giới sống là “ảo”. Có lẽ những nhà tu hành đắc đạo
có khả năng siêu phàm vượt ra khỏi không-thời-gian của
thế giới sống để nhận ra tính hư ảo và tạm bợ của thế
giới này nên mới mách cho chúng ta biết rằng mọi ham
muốn vật chất trong thế giới sống chỉ là những ham muốn
tầm thường. Albert Einstein không cần tu đắc đạo nhưng
tâm hồn lãng mạn của ông cũng chắp cánh cho ông bay cao
để nhận ra chân lý giống như một bậc tu hành, ông nói: “Những
mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải,
thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã
luôn đáng khinh”[4].
Mô hình vũ trụ E-H còn đặt ra một câu hỏi đáng
để suy ngẫm và tìm câu trả lời: “khoảng trống” – khoảng
mầu trắng – không thuộc (E) và cũng không thuộc (H) là
vũ trụ gì vậy?
Tôi xin nêu một giả thuyết:
Khoảng trắng trong mô hình vũ trụ E-H là một
“vũ trụ medium” – một vũ trụ không E không H, hoặc vừa E
vừa H, tức không âm không dương, hoặc vừa âm vừa dương.
Sự chuyển tiếp từ vũ trụ dương sang vũ trụ âm có thể đi
thông qua các cực đông, tây, nam, bắc của Ellipse, hoặc
có thể thông qua “vũ trụ medium”. Những nhà ngoại cảm có
thể là những người tồn tại trong “vũ trụ medium” nên họ
có thể nhận được thông tin của cả hai thế giới: thế giới
sống và thế giới sau sự sống. Có những người vốn không
có khả năng ngoại cảm, nhưng sau những sự cố đặc biệt
(thập tử nhất sinh) bỗng có những khả năng đặc biệt mà
chúng ta không có. Có lẽ sự cố đặc biệt ấy chẳng qua là
sự chuyển tiếp từ vũ trụ Elliptic (thế giới sống) sang
“vũ trụ medium”.
5/ Thay lời kết:
Một, giống như Thái cực đồ của Đông phương cổ đại, mô
hình E-H chia vũ trụ thành những phần âm, dương
cách biệt, có đường biên rõ ràng, nhưng đó chỉ là một
biểu tượng để phân biệt các yếu tố làm nên vũ trụ. Thực
tế thì âm, dương lẫn lộn, tồn tại xen kẽ hoặc cùng tồn
tại trong một sự vật hay sự việc. Tùy từng sự vật hay sự
việc, yếu tố dương, âm có thể biểu lộ rõ hơn, mạnh hơn,
hay mờ hơn, yếu hơn. Nhưng tiên đề của cổ học Đông
phương đã khẳng định rằng có dương thì ắt có âm cân bằng
với nó.
Hai, câu chuyện con lắc Foucault của thầy Cang không
ngờ đã kéo tôi đi vòng quanh thế giới, “bay lang thang
trong vũ trụ”. Khi đã trưởng thành, tôi được biết thầy
không chỉ giỏi khoa học, mà còn là một tâm hồn đầy ắp
văn chương (nghe nói thầy là một pho bách khoa thơ
Đường). Tóm lại thầy là một tâm hồn lãng mạn.
Lãng mạn là gì? Lãng mạn là biết đặt câu hỏi và sống
với khát vọng tìm ra câu trả lời.
Nếu câu chuyện con lắc Foucault và Vũ trụ Nhất thể
kích thích độc giả đặt câu hỏi và say đắm tìm câu trả
lời thì đó là hạnh phúc của người kể chuyện.
Ngày 13/09/2013
PVHg
[2] Sách đã dẫn,
trang 158 (bản tiếng Anh), trang 190 (bản dịch
tiếng Việt)
[3] Xem thêm Phụ
Lục ở cuối bài
[4] Thế giới như
tôi thấy, NXB Tri thức 2005, trang 17
http://viethungpham.wordpress.com/