 |
Nông dân phun xịt
thuốc BVTV tràn lan tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc
Môn, TPHCM |
Những tưởng chỉ nông dân
đồng bằng sông Hồng đất chật người đông, nông dân mới tăng
cường sử dụng thuốc BVTV ngoài luồng. Vậy nhưng, khi đi thực
tế tại một số vựa rau ngoài thành TP HCM, chúng tôi mới
kinh hoàng phát hiện ra, để tận dụng tối đa diện tích đất
thuê trồng rau, hàng nghìn hộ nông dân nhập cư đã không ngần
ngại dùng rất nhiều loại thuốc “vượt”, kích thích tăng
trưởng… để cho ra đời các loại rau “siêu ngắn ngày”.
>>
“Hạ độc” bằng rau
“Bí kíp" rợn tóc
gáy
Các quận vùng ven TPHCM
như quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình
Chánh từ nhiều năm nay đã xuất hiện một “đội quân” đông đảo
lên đến hàng nghìn người chuyên thuê đất để trồng rau kinh
doanh. Hầu hết họ đến từ những vùng nông thôn Bắc bộ, sẵn có
nghề làm nông nên khi được người quen cùng thôn, xóm đi
trước rỉ tai về mức thu nhập “khủng” bằng nghề trồng rau tại
TPHCM đã khăn gói lên đường lập nghiệp. Điều đáng nói, từ
rất lâu, những nông dân này đã truyền cho nhau những “bí
kíp” rất tai hại về công nghệ cho rau dùng phân và thuốc thế
nào để lớn nhanh như thổi, xanh tươi nõn nà và quay vòng
nhanh trên đất.
Tại vùng trồng rau xã Đông
Thạnh, huyện Hóc Môn, trong vai người có nhu cầu thuê đất
trồng rau muốn học hỏi kinh ngiệm, PV NNVN đã được
một phụ nữ tên Diệp (ấp 6) đến từ Nam Định giáo huấn cho bài
học cơ bản đầu tiên mà người trồng rau nào cũng phải thuộc
nằm lòng: “Không có phân gà và thuốc BVTV thì chẳng thể một
năm trồng được từ 12 – 14 vụ đâu”.
Chị Diệp cho biết đã thuê
2.400 m2 đất, với giá 15 triệu đồng/năm và đã trồng rau được
3 năm nay. “Mỗi tháng nếu chịu khó tôi cũng kiếm được hơn
chục triệu, bằng làm cả năm ở ngoài quê”. Tuy nhiên, lấy lý
do phải đi công việc riêng, chị Diệp thoái thác cho PV xem
các loại thuốc BVTV cất trong kho.
Tiếp tục sang hộ nông dân
tên Thắng (ấp 7) đang trồng 2.000 m2 rau, sau hồi nỉ non, PV
mới được anh này hé cho chút “bí kíp” để có thể nhanh
hái...ra tiền: Trước khi trồng, nếu vườn có nhiều cỏ thì
phải sử dụng loại thuốc diệt cỏ cực độc Gramoxone 20LS, sau
đó với 2.000 m2 đất trồng rau/vụ phải sử dụng khoảng 350 -
400 bao phân gà trộn trấu cộng phân hữu cơ, diêm 3 màu, diêm
urê; 4 - 5 gói Mexyl MZ 72 WP trị lá vàng úa; 2 -3 gói
Trigard 100 SL chống sâu vẽ bùa; 2 chai Bavistin chống úng
lá; 4 chai Selecron chống bọ nhảy; 2 - 3 gói thuốc Regent
trị quăn lá; 2 chai Netoxin trừ sâu đo, sâu róm; 1 chai phân
bón dưa lá chống khô cứng cây.
 |
Phân gà và thuốc
BVTV chất chồng đống ngay trong vườn rau tại xã Đông
Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM |
Đặc biệt nguy hiểm, trước
khi nhổ đem bán thì hôm trước có thể sử dụng các loại “thần
dược” như thuốc “vượt”, tăng phọt GA3 giúp rau mọc dài cả
khúc, mầm non mọc ra, xanh mướt và bóng nhẫy non tơ như vừa
được ăn sương. Anh Thắng cũng không ngần ngại đưa cho xem cả
chục loại thuốc BVTV, trong đó đáng chú y là gói thuốc
“vượt” mang tên GA3 của Cty L.P (quận 12, TPHCM) quảng cáo
rất ấn tượng: “Chất kích thích sinh trưởng cây trồng, bật lá
non cực mạnh và siêu mềm cọng”!
Cũng theo lời các nông dân
tại đây, chúng tôi đã ra cửa hàng VTNN Tấn Đức (sát chợ Đông
Thạnh) và cửa hàng thuốc BVTV ngã tư Lê Văn Khương – Hương
lộ 80B để mua các loại “thần dược” vượt nhanh và vượt chậm
trên rau. Tại đây, chúng tôi dễ dàng mua được chai thuốc
diệt cỏ cựu độc Gramoxone 20LS và hai loại thuốc “siêu kích
thích tăng trưởng” GA3 và Gibber. Đáng chú ý, gói thuốc
Gibber được quảng cáo rất kêu: “Biến cái không thể thành cái
có thể”, “Thần dược trong ngành nông nghiệp thế kỷ 21”.
Tuy nhiên, khi đọc kỹ, PV
phát hiện ra gói thuốc được khuyến chỉ sử dụng trên lúa và
cây ăn quả, nhưng nhờ khả năng kích thích siêu mạnh, loại
“thần dược” này đã được người dân sử dụng tràn lan trên vườn
rau. Riêng gói “vượt nhanh” GA3 được ghi thành phần rất
chung chung: Gibberellic 2%; các chất phụ gia đặc biệt đủ
100%. Với cách ghi như vậy, người sử dụng không hiểu chất
phụ gia này (chiếm tới 98%) là loại chất gì, độc tố ra sao
và có được sử dụng trên rau hay không?!
Cũng chính vì việc mua
thuốc BVTV độc hại quá dễ dàng nên tại các khu vực trồng rau
thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, PV dễ dàng “chộp”
được hình ảnh vỏ thuốc trừ sâu, BVTV bị người vứt bừa bãi,
chất thành đống ngay bên bờ ruộng.
Châu Âu tẩy chay,
Việt Nam vẫn dùng
Điều tréo nghoe, mặc dù
diện tích rau bẩn sản xuất bằng công nghệ kinh dị diễn ra lồ
lộ giữa ban ngày, nhưng báo cáo của ngành BVTV TPHCM lại rất
ổn. Đơn cử, tại phường Thạnh Xuân (quận 12) nơi nổi tiếng
với hàng trăm ha rau muống “kinh dị”, mỗi tháng phường đều
lấy 16 mẫu rau (tổng cộng 1 năm lấy 192 mẫu) để gửi đi xét
nghiệm. Nhưng suốt nhiều năm nay, chẳng biết người ta xét
nghiệm thế nào mà không hề thấy ngành BVTV phản hồi có rau
bẩn.
 |
Nhiều loại thuốc
BVTV cực độc vẫn vô tư được người dân sử dụng vì
được nằm trong danh mục cho phép |
Trong khi đó, hiện TPHCM
có khoảng 11.000 ha trồng rau nhưng chỉ có khoảng 2.000 ha
đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. 9.000 ha còn lại trong đó
rất nhiều diện tích được nông dân sử dụng thuốc BVTV vô tội
vạ vì mục đích thương mại thì chẳng biết chất lượng làm sao
(?!).
Theo Chi
cục BVMT TPHCM, việc sử dụng tràn lan thuốc BVTV là
rất độc hại ai cũng phải thừa nhận, vậy nhưng nó độc
đến cỡ nào, nồng độ ra sao, thời gian tiếp xúc bao
lâu sẽ gây độc cho con người thì hiện vẫn chưa có
một công trình nào nghiên cứu thực sự sâu, rộng,
toàn diện về vấn đề này. Ngay cả trong các chương
trình quan trắc môi trường định kỳ của các nơi cũng
không hề nhắc nhở đến thông số về thuốc BVTV.
|
Theo tìm hiểu của NNVN,
nhiều người dân ngoài Bắc vào TPHCM thuê đất trồng rau đã
mang theo rất nhiều loại thuốc BVTV lậu, đặc biệt của Trung
Quốc. Họ mang vào vừa dùng cho mình, vừa bán cho các ruộng
kế bên. Không ít lần cơ quan kiểm định VSATTP nước ta phát
hiện ra mặt hàng “rau sạch” có mặt cả trong các siêu thị lớn
vẫn tồn dư nhiều loại thuốc BVTV độc hại. Tuy nhiên, thay vì
nhận trách nhiệm, ngành BVTV lập tức ra tuyên bố “rau nhiễm
thuốc chưa vượt ngưỡng”! Nhưng khổ nỗi, ai cũng biết rằng
cái ngưỡng của ta nó không như cái ngưỡng của các nước phát
triển, nó vẫn tạo điều kiện cho chất độc ngấm dần vào cơ thể
con người, 5 năm, 7 năm hay 10 năm và cuối cùng là đủ chứng
bệnh chết người xuất hiện.
Th.s Đỗ Hoàng Oanh, Sở
TN-MT TPHCM khẳng định, các loại thuốc BVTV, nhất là thuốc
trừ sâu trên đa phần bền vững, lưu lại rất lâu trong môi
trường. Nhưng đôi khi sự bền vững này lại được nhà nông mong
muốn vì nó cung cấp hiệu quả kiểm soát sâu bệnh lâu dài và
giảm số lần phun xịt lặp lại. Cũng chính từ nhận thức lệch
lạc đó đã gây hại cho con người, động thực vật khi tiếp xúc
trực tiếp, đồng thời nó còn tích lũy trong đất, ô nhiễm đất
và nguồn nước ngầm nghiêm trọng.
Trao đổi với NNVN,
ông Lã Phạm Lân – Trưởng phòng Nghiên cứu BVTV (Viện KHKTNN
miền Nam) khẳng định, các nhà quản lý đang bị các nhà DN
kinh doanh thuốc BVTV gây ảnh hưởng đến chính sách. Chính vì
thế mà ở VN đến giờ vẫn còn nhiều loại thuốc BVTV dù được
xác định cực độc nhưng vẫn chưa bị loại khỏi danh mục lưu
hành. Cụ thể, ông Lân đưa ra dẫn chứng: Thuốc Furadan –
Carbofuran có tác dụng diệt rầy rất tốt, nhưng đáng sợ là nó
gây chết cá hàng loạt và gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước
ngầm. Còn loại thuốc Glufosinate có khả năng gây ung thư nếu
tiếp xúc lâu dài hay đưa vào cơ thể. “Loại thuốc này đã bị
châu Âu tẩy chay, còn ở VN hiện vẫn được sử dụng” – ông Lân
nói.
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/48/48/48/61325/Default.aspx |