Dinh dưỡng “mì ăn liền" - Trẻ em sẽ trở thành “gà công nghiệp”!

Vietsciences-Nguyễn Đình Nguyên     22/04/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

Từ khi kinh tế nước ta chuyển biến theo hướng kinh tế thị trường, mở cửa bang giao, các hình thức chuyển giao công nghệ đầu tư công nghệ cao thi nhau “trăm hoa đua nở”. Nền công nghiệp chế biến thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em trong nước cũng phát triển nhanh và mạnh mẽ thi đua cùng với những hàng ngoại được phép nhập vào. Dạo quanh thị trường dinh dưỡng trẻ em ngày nay thì những người phải nuôi con mọn chừng thập niên trước phải thèm thuồng ghen tị về sự sẵn sàng, tiện dụng, mọi thứ được trang bị tới “tận chân răng”. Những tiểu gia đình trẻ bây giờ nuôi con có lẽ không còn và không cần nhớ tới việc phải làm thức ăn cho con thế nào, quấy bột ra làm sao, ăn những thứ gì bao nhiêu là vừa. Nhoàng một cái ra siêu thị hoặc chợ, thôi thì đủ thứ đóng hộp sẵn, hướng dẫn rõ; nào là bột dinh dưỡng cho trẻ bé, cho trẻ nhỡ, cho bé lớn; bột mặn, bột ngọt; bột đa sinh tố, bột đa khoáng; hàng nội, hàng ngoại ê hề mà giá cả phải chăng… Không những chỉ người tiêu dùng thấy thích thú, mà giới chuyên môn cũng lấy làm hãnh diện hơn vì từ nay sẽ có thêm cái để mà tư vấn cho phụ huynh- cái này được, cái kia tốt; thứ nọ hợp, thứ kia không.

Thế nhưng, cái gì cũng có mặt trái của nó. Mà điều khó khăn, nghịch lý là ở chỗ không có ai giải thích ngọn ngành, trong khi giới thương mại tiếp thị thì rầm rộ khuyếch trương, quảng cáo nào là “thức ăn bổ dưỡng”, “thức ăn được bổ sung chất bổ đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng”. Một khi đã thành niềm tin tập nhiễm rồi thì khó mà thuyết phục. Thói thường làm cha mẹ thì ai chẳng muốn con mình khoẻ mạnh bụ bẫm, cho nên cứ nghe cái gì bổ, thức ăn gì tốt thì bạc triệu cũng chẳng tiếc, con ăn chứ ai vào đấy mà ăn! Thực tế thì không như vậy, chuyện nuôi dưỡng trẻ em nói riêng và dinh dưỡng nói chung là một “câu chuyện dài nhiều tập” chưa có hồi kết và hết sức phức tạp, bài viết này không có tham vọng bao trùm được mọi khía cạnh, mà chỉ là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho giới phụ huynh khi cân nhắc việc lựa chọn thức ăn dinh dưỡng lành mạnh cho con mình.

 

Dinh dưỡng của trẻ: “Tây hoá ta, ta hoá tây”!

Khi còn là bào thai, trẻ hoàn toàn được nuôi dưỡng thụ động thông qua hệ thống máu trao đổi qua rau thai mẹ. Trong thời gian đó trẻ bắt đầu hoàn thiện dần các chức năng. Khi ra đời trẻ mới bắt đầu một chức năng tiêu hoá tự lập nhưng chưa được hoàn chỉnh. Chưa hoàn chỉnh nhưng trẻ phải đảm nhận việc tự tiêu hoá để cung cấp tố chất cho cơ thể của mình lớn và hoàn thiện về nhiều mặt. Trong vòng 6 tháng đầu đời, trẻ chỉ có một thức ăn duy nhất thích hợp cho bộ máy tiêu hoá của mình đó là sữa mẹ. Ngoài việc sữa mẹ là nguồn thức ăn thì sữa mẹ còn là một “vũ khí” ngăn ngừa bệnh tật tuyệt vời cho con trẻ, tất cả những “kinh nghiệm chống bệnh tật” quý giá của mẹ được tích luỹ và truyền sang cho con của mình qua nguồn sữa. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng nhóm trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong thời gian ít nhất là một năm thì có chỉ số thông minh cao hơn trẻ không được bú mẹ. Không những thế, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rẻ tiền nhất. Với sữa nhân tạo thì còn chưa kể đến việc nhiêu khê trong công đoạn pha chế sữa, nhất là giấc khuya, pha chế không đúng quy cách, tiệt trùng chai không sạch v.v…

Vào những thập niên giữa của thế kỷ XX, ở các nước công nghiệp phát triển, ngành công nghiệp dinh dưỡng cũng theo đà này đã tung ra thị trường những sản phẩm “thay thế sữa mẹ” là những sữa đóng hộp mà được chế biến từ sữa bò, sữa dê qua khâu tiệt trùng, khử đạm, bổ sung vitamin và khoáng chất. Hoà theo phong trào phụ nữ được giải phóng, thế là “nhà nhà cho con bú bình, người người cho con bú bình” cũng rầm rộ hầu khắp các nước tân tiến, làm cho tỷ lệ bú mẹ của trẻ em ở các nước này vào những thập niên 60-70 giảm sút một cách nghiêm trọng. Vài thập niên trôi qua, khi thế hệ thứ nhất, thứ hai bú bình trưởng thành, thì vấn đề bắt đầu được nhìn nhận lại. Giới khoa học gia lên tiếng cảnh báo về vấn nạn bú bình gây nhiều phiền toái hơn là có ích. Và từ thập niên cuối của thế kỷ XX này, giới phụ huynh tây âu lại bắt đầu quay về với truyền thống cho con bú mẹ. Và hình ảnh thân yêu, quyến rũ- các bà mẹ trẻ ngồi “giữa ba quân thiên hạ” cho con mình bú mẹ lại được thấy ở chính các nước tây âu là cái nôi của công nghệ chế tạo sữa nhân tạo. Tỷ lệ cho con bú mẹ hoàn toàn và bú mẹ kéo dài ở các nước đã phát triển này tăng lên trở lại, như Thuỵ điển chẳng hạn, đến trên 98% các bà mẹ hiện nay cho con bú mẹ hoàn toàn ngay từ khi sinh.

Trong khi đó thì giới phụ huynh trẻ ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thì lại đua nhau theo “tây”, là từ bỏ việc cho con bú sữa mẹ để cho con mình bú sữa nhân tạo (sữa lon). Có nhiều người mẹ lại quan niệm là cho bú sữa tây để con mình lớn như tây, hoặc con tây nó bú sữa lon nên nó mới lớn! Trong một nghiên cứu của người viết bài này là tác giả chính và cộng sự (Đọc bài viết Sự phát triển và thực hành nuôi dưỡng trẻ em người Việt ở Úc, đăng trên Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Âu châu số ra tháng 2 năm 2004, Bộ 58, trang 356-62- Nguyen ND, Allen JR, Peat JK, Schofield WN, Nossar V, Eisenbruch M, Gaskin KJ..Growth and feeding practices of Vietnamese infants in Australia. Eur J Clin Nutr. 2004 Feb;58(2):356-62) thấy rằng tỷ lệ các bà mẹ Việt Nam tại Úc cho con bú mẹ rất thấp, chỉ có 78% các bà mẹ sinh con cho con bú sau khi sinh và 50% ngưng cho bú mẹ ở thời điểm trước ba tháng. Một điều lý thú là đến trên 60% các bà mẹ này không đi làm việc bên ngoài. Tình hình bú mẹ ở tại Việt Nam cũng không khá gì hơn, tỷ lệ trẻ em sinh ra được bú mẹ trong giai đoạn sau này giảm thấp hơn nhiều so với trước đây (75-77% so với trên 98% trong những thập niên 80 trở về trước).

Để tạm kết cho vấn đề sữa mẹ, nên nhớ một điều rằng SỮA NGƯỜI LÀ ĐỂ NUÔI NGƯỜI, SỮA BÒ LÀ ĐỂ NUÔI BÒ. Con người thì cần dinh dưỡng để phát triển trí tuệ, bò cần dinh dưỡng để cho thịt cho nên sữa bò phải chứa nhiều thành phần đạm (tăng thịt) hơn sữa người và sữa người phải ưu việt hơn hẳn các loại sữa khác để có một loài linh trưởng cao cấp. Cho nên chỉ có trường hợp vạn bất đắc dĩ mới dùng sữa động vật để thay thế nuôi trẻ em mà thôi. Nhiều nước hiện nay đã và đang áp dụng một chính sách khá nghiêm ngặt về sữa hộp trẻ em, thí dụ như nghiêm cấm việc bán sữa lon đại trà, chai sữa và núm ti chỉ được bán theo đơn của bác sĩ, thiết nghĩ đây cũng là vấn đề không quá sớm mà giới chuyên môn hữu trách phải cân nhắc đối với Việt Nam khi tình hình chưa quá nghiêm trọng.

Đó là vấn đề bú mẹ với trẻ dưới 6 tháng, còn thức ăn sam, thức ăn cho trẻ lớn thì sao? Trẻ khi bắt đầu 6 tháng tuổi trở đi, hệ tiêu hoá bắt đầu có khả năng cho dung nạp các thức ăn ngoàì sữa mẹ. Thứ hai là do nhu cầu phát triển về thể lực, trẻ cũng bắt đầu hoạt động nhiều hơn do đó nhu cầu về dinh dưỡng cao hơn, trong khi đó sữa mẹ vào thời điểm này bắt đầu có thể không đủ cung cấp cho nhu cầu của trẻ nữa. Các chất dinh dưỡng được lưu trữ trong cơ thể trẻ từ khi trong bào thai bắt đầu cạn dần. Cho nên từ 6 tháng tuổi là trẻ bắt đầu nên được cho ăn sam, nhưng không bắt buộc. Ngoài 9 tháng thì bắt buộc cho trẻ ăn sam. Đến trên một tuổi thì thức ăn ngoài là thức ăn chính còn sữa chỉ là thức ăn phụ, để cung cấp thêm can-xi cho trẻ mà thôi, đóng vai trò thấp trong việc cung cấp dinh dưỡng. Trong một nghiên cứu khác cũng của người viết (Tình trạng chất sắt trong cơ thể của trẻ em Việt Nam ở Úc, trong Tập san Nhi khoa và Sức khoẻ Trẻ em –Journal of Paediatrics and Child health, đang in ấn. Nguyen N.D., Allen, J.R., Peat J.K., Beal P., Webster B., Gaskin K.J.. Iron status in young Vietnamese in Australia. Journal of Paediatrics and Child Health. In-press), nhận thấy rằng, trong số nghiên cứu, đa số người mẹ Việt Nam ở Úc cho con chỉ hoàn toàn bú sữa tươi cho đến 2 tuổi, có cháu mỗi ngày tiêu thụ hết 2 lít sữa tươi. Hậu quả? Một phần tư (26%) số trẻ nghiên cứu cho thấy có tình trạng thiếu hụt hoặc thiếu máu thiếu sắt. Như vậy trẻ em Việt Nam ở Úc hoàn toàn không thể nói là đói ăn được (thiếu nuôi dưỡng) mà là đói dưỡng chất hay còn gọi là nuôi dưỡng sai lầm. Mặc dù trẻ vẫn đủ năng lượng để đạt được tiêu chuẩn lớn về thể lực nhưng vẫn thiếu về chất lượng nuôi dưỡng.

Thức ăn cung cấp cho trẻ những gì? Trên một nguyên tắc, những gì chúng ta ăn được thì trẻ em cũng có thể ăn được, nhưng vì chức năng hệ tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện cho nên trẻ phải tập ăn từ thức ăn dễ tiêu, thức ăn mềm rồi đến thức ăn như người lón. Một số loại thức ăn có khả năng gây dị ứng cao cho một số trẻ như trứng, đồ biển có kitin (tôm, cua) hoặc thực vật như bơ đậu phộng (peanut butter, không phải đậu phộng hay lạc thô) hoặc đồ ăn dễ gây sặc và ngạt do kích thước nhỏ và cứng thì không cho trẻ nhỏ ăn. Trên một nguyên tắc bao quát, trẻ em cần nguồn năng lượng tức thời để sử dụng ngay: tinh bột, gạo; nguồn năng lượng dự trữ: mỡ, nguồn để xây dựng cơ thể: đạm, mỡ; nguồn để hỗ trợ: vitamin và khoáng chất. Các thức này phải được cung cấp theo một tỷ lệ thích hợp để tạo sự cân đối trong thăng bằng năng lượng thu nhập.

Khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu: Một bất nghịch lý trong việc cung và cầu trong dinh dưỡng trẻ là cơ thể trẻ em còn nhỏ, thể tích chứa của dạ dày thấp nhưng ngược lại nhu cầu năng lượng tính theo tỷ lệ so với thể trọng lại cao gấp đôi người lớn. Nhu cầu về các dưỡng tố cũng khác nhau theo tuỳ loại. Trong khi đó thức ăn thì không phải một thứ duy nhất nào có thể cung cấp được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, vì thế mà phải đa dạng hoá thức ăn. Có những thức ăn bổ dưỡng thì trẻ chưa thể tiêu hoá được, mà những thức ăn trẻ tiêu hoá được lại thiếu chất bổ dưỡng. Có những thức ăn có đậm độ dưỡng tố thấp (tức là lượng dưỡng tố chứa trong một đơn vị trọng lượng thức ăn) thì cần phải ăn một số lượng lớn mới đạt được nhu cầu, điều đó thì khó cho khả năng của trẻ; nhưng đối với một trẻ khác, có thể lại thu nạp được hết một lượng thức ăn lớn thì đủ lượng dưỡng tố nào đó nhưng lại thừa năng lượng do ăn quá nhiều. Đối với lại thức ăn có đậm độ năng lượng cao như những thức ăn chứa nhiều mỡ, chất béo, chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ đạt đến một nhu cầu năng lượng cần thiết, thế nhưng nó lại không cung cấp đủ các dưỡng tố cần thiết. Tình trạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu năng lượng cũng như dưỡng tố là vấn đề hết sức nan giải. Cho nên việc nuôi dưỡng trẻ em thành một “nghệ thuật” khá nhiêu khê và lắt léo. Thế nhưng việc tính toán cũng không phải đến mức chi li cân đo đong đếm như người thợ bạc. Trên một nguyên lý sinh tồn, trẻ sẽ ăn theo nhu cầu của cơ thể. Phụ huynh chỉ có việc cung cấp đủ thức ăn, đa dạng hoá thức ăn thì trẻ sẽ đầy đủ chất dinh dưỡng, còn ăn như thế nào, ăn bao nhiêu thì tự cơ thể trẻ sẽ quyết định lấy.

Chính vì sự nhiêu khê của việc lựa chọn thức ăn cho trẻ, chính vì sự chán nản mệt mỏi của các bà mẹ trẻ khi nghĩ đến việc làm thức ăn cho con, chính vì sự thiếu thời gian trong thời đại công nghiệp, mà ngành công nghiệp thực phẩm đã “đánh hơi” được thị hiếu, thị trường. Hàng loạt công ty thực phẩm trẻ em trên thế giới ra đời, hàng trăm hàng ngàn mẫu mã hấp dẫn lôi cuốn các bà mẹ. Nào là thức ăn cho trẻ từ 4 tháng, từ 6 tháng, trên 9 tháng, trên 1 tuổi. Mẫu mã thôi thì đủ thứ, từ bột nhuyễn đến bột xay lợn cợn; từ bột ngọt cho đến bột mặn; từ dạng lỏng đến dạng đặc; từ dạng xúc đến dạng cầm tay v.v…không thể kế hết. Thành phần thì tinh bột có, đạm có, trái cây đóng hộp, nước trái cây đóng hộp. Chất lượng thì thơm ngon, hương vị đa dạng dồi dào. Mẫu mã thì bắt mắt. Không những thế mà giá thành lại rẻ, rẻ hơn nhiều so với thức ăn gia đình tự chế biến vì do hàng công nghiệp sản xuất đại trà.

Tốt quá đi chứ, tiện quá đi chứ “nhanh, nhiều tốt, rẻ” thế thì còn có gì để phải phàn nàn và kêu ca về các loại dinh dưỡng ăn nhanh đó?

Thứ nhất, thức ăn được chế biến qua công nghiệp hoá là thức ăn đóng hộp, nó như là mì ăn liền, cho nên không thể là thức ăn tươi. Đã không tươi thì không thể ngon.

Thứ hai, thức ăn thông qua khâu chế biến đóng hộp, ngoài một số tiệt trùng bằng tia cực tím, đa số các thức ăn khác phải dùng hoá chất bảo quản vì không thể tiệt trùng bằng tia vì tia làm biến chất thức ăn. Do đó cơ thể trẻ phải tải một lượng hoá chất không cần thiết, lợi thì hẳn là không có lợi, nhưng hại như thế nào, đến lúc chứng minh được thì cũng đã muộn. Thức ăn đóng hộp thường để bắt mắt, và để nhại lại thức ăn tươi nên thường được nhuộm màu, những loại màu thực phẩm này hoàn toàn không có một lợi ích gì mà gan của trẻ lại phải làm việc để loại chúng ra khỏi cơ thể, chưa kể đến những phẩm màu độc hại được sử dụng bừa bãi.

Thứ ba, thức ăn qua khâu chế biến, các chất dinh dưỡng bị thất thoát, bù lại thì được bổ sung bởi những vitamin, khoáng chất nhân tạo. Dù rằng được quảng cáo là thức ăn được bổ sung khoáng chất, vitamin đủ nhu cầu năng lượng, giúp trí não phát triển. Nói thì thế, nhưng ít ai nghĩ rằng cơ thể con người không phải là một nơi để dung nạp công thức toán học. Nó không đơn giản là thiếu một thì bù một, cẩn thận thì bù hai ba, coi như là dư thừa. Nghiên cứu cho thấy chất này có trong bộ não, thì lập tức ứng dụng ngay rằng bổ sung chất đó sẽ giúp phát triển trí não. Tuy nhiên đó chỉ là những nghiên cứu về mối liên quan chứ chưa phải là nghiên cứu nhân-quả, và nhiều khi đa phần nghiên cứu chỉ được tiến hành trong phòng thí nghiệm, trên mô biệt lập hoặc thậm chí trên động vật thực nghiệm. Còn từ kết quả nghiên cứu động vật thực nghiệm đến áp dụng được trên con ngưòi thì là cả một quãng đường còn xa, chưa có câu trả lời. Trong khi đó, cơ thể con người là sản phẩm của một quá trình tiến hoá lâu dài xảy ra đến hàng triệu năm. Cơ thể con người chỉ mới được thiên nhiên “thiết kế” để dung nạp thức ăn tự nhiên từ thiên nhiên, cho nên những thức ăn nhân tạo được cơ thể con người tiếp nhận có giống như thức ăn thiên nhiên không? giống đến bao nhiêu? Quá trình chuyển hoá và tiếp nhận có như vậy không? Chắc hẳn là không biết. Đã không biết thì có lẽ an toàn nhất là không nên mạo hiểm.

Thứ tư, dù rằng thức ăn sẵn được quảng cáo là đầy đủ dinh dưỡng, dư thừa để giúp trẻ phát triển không hơn thì cũng bằng thức ăn chế biến tại nhà. Cẩn thận hơn, để người tiêu dùng phải tin, trên mỗi hộp thực phẩm còn ghi cả thành phần dinh dưỡng, từng tố chất cụ thể. Nhưng liệu nội dung bên trong có đúng như những gì đã mô tả không? Chất lượng có được đảm bảo không? Trong khi đó nếu tự tay mình chế biến, mình biết chắc là mình đã cho con mình ăn gì, bao nhiêu, và hẳn nhiên là mình phải tin mình hơn.

Thứ năm, thức ăn sẵn thường được chế biến ở dạng rất mềm, rất dễ ăn, không cần nhai, chỉ cần nuốt! Chính vì điều đó làm cho thời gian của một bữa ăn của trẻ có thể rất nhanh. Trẻ không còn có thời gian để nhai, để cho cơ nhai, cơ hàm, hàm và răng phát triển. Vì thức đi qua miệng quá nhanh nên thiếu cơ hội để được nước bọt trong miệng nhào trộn và tiêu hoá một phần giúp giảm bớt gánh nặng cho dạ dày và hệ tiêu hoá bên dưới. Cũng chính vì dạng chế biến sẵn nên thức ăn này không đảm bảo được lượng chất xơ cần thiết như thức ăn tươi sống. Trẻ cần phải được cung cấp nhiều chất xơ để chống táo bón. Một nhược điểm lớn nhất có thể nhận thấy rõ là nước quả ép. Đúng nước quả ép tươi hoàn toàn có thành phần như trái cây tươi thậm chí đậm độ dưỡng tố và năng lượng còn cao hơn nhiều như trái cây tươi. Nhưng cái mà nước quả ép không bao giờ có đó là chất xơ. Trẻ con nhai trái cây tươi vừa có lợi cho răng, cho hàm, cơ hàm, vừa có lợi cho hệ tiêu hoá. Uống nước quả chỉ có dưỡng tố và năng lượng nhưng tại tăng nguy cơ sâu răng và hư răng. Tại sao lại như thế? Vì khi nhai trái cây tươi, thức ăn phải nằm lại lâu trong miệng, và có đủ thời gian để nước bọt tiết ra, nhào trộn, trung hoà và tiêu huỷ bớt chất acid (một trong những thủ phạm chính bào mòn men răng, tạo điều kiện cho sâu răng), một phần khác, chất xơ trong trái cây tươi làm nhiệm vụ sau cùng là chải sạch những acid bám lại trên răng, và làm sạch răng tại chỗ. Trong khi đó, uống nước trái cây, tốc độ nước đi qua miệng tính bằng giây, miệng lúc đó chỉ còn có chức năng là ống dẫn chứ không còn chức năng tiêu hoá; nhưng trong một vài giây đồng hồ đó một lượng acid từ nước quả đọng lại trong răng đủ để có thể bào mòn men răng và gây hỏng răng, nếu quá trình uống nước quả tái diễn.

Thứ sáu, thức ăn làm sẵn thường đưa đến hiệu ứng cực trị, hoặc là trẻ chán không ăn, hoặc là hấp dẫn đến mức trẻ ăn quá tải. Điều này thấy rất rõ ở trẻ lớn và trẻ vị thành niên. Thức ăn chế biến sẵn có thể hương vị ngon, trẻ ăn nhiều. Mẫu mã đẹp, và những nhà kinh doanh thực phẩm rất khôn ngoan trong việc câu móc những “thượng đế tí hon” này qua những chiêu thức quảng cáo không thể nào bỏ ngoài tai ngoài mắt được. Hôm nay phim hoạt hoạ Đô-rê-mon được ưa thích, ngày mai thức ăn có dán nhãn Đô-rê-mon. Hôm nay phim Người nhện, ngày mai có ngay thức ăn để “trở thành Người nhện”! Trẻ trở thành những kẻ nô lệ của thức ăn và hậu quả là tình trạng quá cân và béo phì ở trẻ em các nước tân tiến ngày càng gia tăng đáng sợ. Lý do là trẻ tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh, thức ăn làm sẵn. Không phải xa gần, nguy cơ đó đã lan đến các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà nội và Sài gòn.

Ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, các hiệp hội chuyên môn, chuyên gia của các nước tân tiến như Mỹ, Âu, Úc đã phải ra các khuyến cáo hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ em cho các bà mẹ. Các khuyến cáo này khuyên các bà mẹ hãy trở về với truyền thống của mình đó là nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi con bằng thức ăn tự chế biến trong gia đình; thực phẩm công nghiệp chỉ nên sử dụng như là một phương tiện thay thế khi cần thiết mà thôi. Và trong khi các bà mẹ trẻ tây hiện nay bắt đầu thấy vui và hạnh phúc với việc tự tay mình chế biến thức ăn cho con (có lẽ còn hạnh phúc hơn tự tay nấu một món ăn cho chồng mình) hàng ngày thì ở Việt Nam thì lại rầm rộ phong trào cho trẻ con ăn thức ăn công nghiệp, chế biến sẵn.

 

Trẻ con ta còi hơn trẻ con tây?

Nhiều người trong số chúng ta và trong các bà mẹ nghĩ rằng con mình thua con tây vì con mình không được nuôi dưỡng như con tây. Đúng nhưng mà không đúng. Đúng là tình trạng dinh dưỡng có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển thể chất của trẻ em, thế nhưng không chỉ có yếu tố dinh dưỡng là đóng vai trò duy nhất trong sự phát triển thể lực của trẻ, mà trong đó yếu tố di truyền, thể trạng bố mẹ, các yếu tố môi trường khác đều có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Nhưng không đúng, trong một nghiên cứu của người viết (Phát triển của trẻ em Việt Nam ở Úc đã nêu trên) đã cho thấy rằng trẻ em Việt Nam qua các thế hệ tăng trưởng về thể lực càng tốt lên; phát triển thể lực trẻ em Việt Nam trong giai đoạn hai năm đầu đời hoàn toàn giống như trẻ em “Tây” tiêu chuẩn, cụ thể trong nhóm nghiên cứu các trẻ em Việt Nam này có chiều cao nhỉnh hơn tiêu chuẩn của quốc tế, cân nặng hơi thấp hơn một chút nhưng không có sự khác biệt đáng kể, một chín một mười! Điều đó chứng tỏ rằng yếu tố dinh dưỡng mới có thể cải thiện nhanh chóng được thể lực như vậy được. Trẻ em Việt Nam thế hệ trước đây vừa phải trải qua chiến tranh, vừa nghèo đói nên tình trạng thiếu dinh dưỡng và thiếu nuôi dưỡng rất phổ biến, hệ quả dẫn đến còi cọc và gầy mòn. Còi cọc và gầy mòn dẫn đến một thế hệ bố mẹ còi cọc, mẹ còi cọc, tầm vóc thấp, kèm thêm thiếu dinh dưỡng mang thai, làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai. Vòng xoắn luẩn quẩn đó tạo ra nhiều thế hệ nối tiếp còi cọc và tầm vóc thấp. Thế nhưng hiện nay, tình trạng dinh dưỡng ở Việt Nam đã cải thiện. Tính trên quần thể đông điều đó thấy rõ. Dĩ nhiên, cá thể thì cũng còn nhiều nơi đói ăn; đói ăn là đói ăn cho người lớn, đối với trẻ em không đến mức độ đó mà chủ yếu là do cách nuôi dưỡng sai lầm mới là lý do chính. Nhiều vùng nông thôn nghèo đói, nhưng sản phẩm tự cung tự cấp tôi tin là hoàn toàn đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ em phát triển. Mấu chốt là giáo dục dinh dưỡng cho bà mẹ biết cách tận dụng nguồn dinh dưỡng sẵn có, tươi tốt tại nhà để cung cấp thức ăn bổ dưỡng cho con mình. Cải thiện yếu tố di truyền là vấn đề của tiến hoá, quá trình diễn ra lâu dài hơn nhiều. Giai đoạn sau của sự phát triển thể lực, các thanh thiếu niên Việt Nam phát triển về chiều cao chậm và sẽ thấp hơn thanh niên tây, đó là do yếu tố chủng tộc và di truyền. Vì vậy, nếu chúng ta tối ưu hoá được về mặt dinh dưỡng thì trẻ có cơ hội để tối ưu hoá được tiềm năng phát triển thể lực của mình.

Tóm lại, cơ thể trẻ em cũng là một cơ thể con người. Trẻ em cũng là một sản phẩm của quá trình tiến hoá trong tự nhiên. Là một thực thể trong tự nhiên, con người nằm trong mối quan hệ ràng buộc và hữu cơ với thiên nhiên với môi trường. Việc dinh dưỡng để sinh tồn và phát triển cũng nằm trong mối quan hệ hữu cơ với thiên nhiên đó. Cho nên thức ăn thiên nhiên luôn là một nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất, tốt nhất, tối ưu nhất đã được thiên nhiên chọn lọc qua hàng hàng niên kỷ nên mới có thể dung dưỡng và phát triển được con người trên hành tinh này. Khoa học là một động lực thúc đẩy phát triển xã hội văn minh; khoa học là do con người khám phá và với mục đích phục vụ cho con người. Thế nhưng những hiểu biết về khoa học của con người còn quá khiêm nhường. Vì thế, hành động an toàn hơn cả là nên tránh những áp dụng có tính nguy cơ, và mạo hiểm vào trong thực tế cuộc sống, cụ thể hơn là trên quần thể trẻ em vốn dĩ mong manh và có nhiều nguy cơ với tình trạng sức khoẻ bệnh tật. Dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ em không là một ngoại lệ trong mối quan hệ hữu cơ với thiên nhiên và nhân tạo với khoa học đó. Xin đừng biến trẻ em thành “gà công nghiệp” trước khi quá muộn để nhìn nhận ra vấn đề.

Đã đăng trên Người Lao Động

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Đình Nguyên