Tôi muốn biết mặt các vị giết dòng sông Thị Vải!

Vietsciences-           26/9/2008

 

Vụ án Vedan Việt Nam

1- Tôi muốn biết mặt các vị giết dòng sông Thị Vải!
2- Lãnh đạo Vedan bị cấm rời khỏi Việt Nam
3- Quá nhiều… “Vedan”
4- Chuyện không nhỏ của Vedan !
5- Những mục đích lợi nhuận chết người
6- Sông Thị Vải từng là “nồi lên men khổng lồ”
7- Lãnh đạo Đồng Nai thừa nhận quản lý kém
8- Cần xử lý cả những quan chức thiếu trách nhiệm
9-Kém hKiểu biết hay vì lý do khác?
10- Thừa nhận yếu kém nhưng không ai từ chức

 

1- Tôi muốn biết mặt các vị giết dòng sông Thị Vải!

Vietimes 22/9

“Tôi nghĩ: cơ quan điều tra và báo chí, phải cho tôi và quốc dân đồng bào biết mặt những người không có lương tâm đã xả nước thải độc hại ra môi trường với khối lượng giết chết sông Thị Vải, suốt 14 năm qua kia. Tôi muốn, trên một chuyến bay, hoặc bên một quán trà đá vỉa hè, tôi được chiêm ngưỡng khuôn mặt của những người đã đồng lõa, bảo kê hoặc trực tiếp chỉ đạo, vận hành, thi công cái đường ống tởm lợm kia. Tôi muốn các Giám đốc, Tổng Giám đốc nhập khẩu phế liệu độc hại mà báo chí vẫn hằng đăng tải phải xuất hiện, để vợ con họ, gia đình, dòng họ nhà họ, bạn bè đồng nghiệp, xóm mạc của họ được nhìn mặt người thân của mình ở góc độ một kẻ đáng nguyền rủa (thay vì nhà lầu xe hơi lên xe xuống ngựa như thường thấy)”.

Người dân vô tư bẫy, giết, làm thịt chim trời, một hành động tàn sát môi trường tự nhiên (Ảnh chụp tại Bắc Giang). Ảnh: Lãng Quân

Vedan đã “cưỡi voi chui qua lỗ kim” như thế nào?

Độ này, mở báo ra, bật tivi hay radio lên, ta thấy tràn ngập các thông tin đau lòng về một cái công ty Vedan chuyên nghề sản xuất bột ngọt mà lại gieo thứ đắng đót, chua xót cho nhân tình thế thái về những cái lẽ bất lương nhất. 14 năm qua, họ đã xả đủ thứ xú uế, độc hại ra sông, giết chết sức khỏe con người, các loài thủy sản, cây cối, giết chết cả một dòng sông và những dòng sông. Chỉ riêng những gì mà công ty này bị bắt tận tay day tận trán (cấm cãi) và những gì họ thú nhận, đã cho thấy, mỗi tháng họ bớt xén được 2,6 tỷ đồng tiền xử lý nước thải thông qua việc xả thẳng ra sông nhiều nghìn mét khối nước bẩn. Vậy thì, 14 năm qua, số tiền “móc túi” của môi trường sống này là bao nhiêu? Số nước thải thực xả và số tiền thực bỏ túi được nhờ điêu trá, tàn độc sẽ là bao nhiêu? Con số này, có thể chính những kẻ xấu xa giết đồng loại, giết môi trường để kiếm ăn kia cũng không biết được. Chỉ có Quỷ may chăng mới biết được.

Hiện nay tất cả những biện pháp quyết liệt nhất của liên ngành cán bộ, từ Cục cảnh sát môi trường cho đến… người chài lưới đã được đồng loạt đưa ra, bàn tính (thế mới biết dư luận căm phẫn đến mức nào): nào là đóng cửa nhà máy Vedan ở Đồng Nai, khởi kiện, đòi Vedan bồi thường cho người dân bị thiệt hại vì con sông bị giết; tẩy chay sản phẩm, thanh tra toàn bộ hệ thống nhà máy của Vedan trên toàn quốc. Thanh tra kỹ càng toàn bộ các doanh nghiệp có nghi ngờ, có bằng chứng chung tay giết sông Thị Vải (hiện nay, riêng khúc sông Thị Vải ngắn, đã có 5 doanh nghiệp khác bị phát hiện vi phạm). Ngoài việc cứu sống sông Thị Vải khi còn có thể cứu, ngoài việc xử lý công ty Vedan một cách thích đáng nhất, có lẽ, vụ việc còn cho chúng ta một cách nhìn thấu triệt hơn, một sự tỉnh táo, sự tử tế cần thiết - đủ dùng nhất để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống trước sự tác oai tác quái của hàng nghìn doanh nghiệp khác trên toàn quốc. Những doanh nghiệp ăn bẩn, họ đã tìm lờ lãi thông qua sự giết chết môi trường. Trên Vietimes, tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh, người đầu tiên ở Việt Nam được là đồng tác giả của một công trình được giải Nobel Hòa Bình đã phân tích: nếu đem số tiền lãi của các doanh nghiệp độc địa với môi trường sống kia mà đi khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường mà họ đã gây ra, thì… không thể nào đủ. Vậy là, khi mà việc giám sát, xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở ta còn chưa nghiêm khắc một cách cần thiết, thì có thể coi các doanh nghiệp kia là những kẻ: hút máu môi trường để sống!

Bởi vì sao? Bởi vì chuyện hút máu môi trường kia rất phổ biến. Bởi vì đã từ lâu, thông tin về việc nhiều nhà máy xí nghiệp xả thẳng nước thải ra sông ngòi đã được điều tra, nghiên cứu, rình bắt; đến giờ, nhờ có Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an tận tâm tận lực, vụ việc của Vedan, sau 14 năm lén lút, đã được đưa ra ánh sáng. Thôi thì quá muộn còn hơn không. Cũng giống như vụ nước tương có chứa chất gây ung thư ầm ĩ mới đây, nếu không được sớm “diệt trừ”, thì các doanh nghiệp còn ăn bẩn thông qua việc “giết người” nhiều năm nữa, thì một số cán bộ bất nhân còn ém nhẹm thông tin vì “tư túi” còn tiếp tục “ăn dày” để đầu độc bà con mình nữa. Vụ bắt quả tang những mánh lới tinh vi của Vedan sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải co vòi, sẽ khiến nhiều người dân và đơn vị có tâm huyết với môi trường cảm thấy có niềm tin và nghị lực để “chiến đấu”.

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra: 10 năm nay, bà con hai bên bờ sông Thị Vải đã kêu gào rằng cá chết, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc nghiêm trọng, hàng chục đoàn cán bộ đã về kiểm tra (như báo Tiền Phong đã viết), thế thông tin kêu cứu và điều tra kia đã bị “ỉm” đi như thế nào? Hay là việc dễ như hai với hai là bốn mà chẳng ai… trông thấy? Ai đã ỉm đi? Dòng sông chết thì ai cũng biết, nước thối bẩn thì ai cũng biết. Thế sao không ai điều tra sâu, kết luận đích thị về tội ác của Vedan suốt 14 năm qua? Ai là người lập danh sách, thành tích để đề nghị Vedan là đơn vị (suýt nữa) nhận thành tích giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp (như VTV đã phản ảnh)? Trong việc hệ thống cống ngầm chằng chịt (đến mức cơ quan điều tra bây giờ muốn khai quật lên để điều tra cũng… vô cùng nan giải, nó nằm sâu dưới đất, dưới đáy sông Thị Vải, nghe nói các nhà điều tra phải thuê cả người nhái mới phát hiện ra mánh lới của Vedan!) nhường ấy của Vendan, mà một cơ quan quản lý chỉ mất 2 tiếng đồng hồ “ngó qua” đã quyết định đồng ý cho Vedan xả nước thải của mình ra môi trường – khuất tất này thuộc về ai (như báo Lao Động đã đăng tải)? Đằng sau nó là gì?

Rác thải, ni lông không thể phân hủy tràn ngập ven sông Hồng, dòng sông Mẹ của văn hóa Bắc Việt Nam (ảnh chụp tại bờ sông Hồng xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Lãng Quân

 

Chúng ta phải tẩy chay chính những kẻ đã tàn độc với môi trường!

Báo chí nói quá nhiều về việc ai đã tiếp tay cho Vedan xả chất độc hại với dung lượng hàng nhiều nghìn mét khối/ngày ra sông Thị Vải; ai đã giúp Vedan cưỡi một con voi chui tọt qua lỗ kim. Tôi chỉ xin đặt câu hỏi nữa: thế về phía Vedan, ai là người ký duyệt cho hệ thống cống ngầm quái ác, kinh dị kia hoạt động? Ai thi công? Ai hằng ngày mở van xả nước bẩn? Họ là người Việt hay người ngoại quốc? Họ có lương tâm không. Kẻ bảo kê cho họ làm bậy là ai? Ai, lẽ ra có thể đưa hoặc kiến nghị đưa vụ việc ra ánh sáng từ lâu mà họ ngậm miệng ăn gì đó để cho một dòng sông thơ mộng như Thị Vải sắp phải qua đời?

Đến nước này thì, tôi nghĩ: cơ quan điều tra và báo chí, phải cho tôi và quốc dân đồng bào biết mặt những người không có lương tâm đã xả nước thải độc hại ra môi trường với khối lượng khổng lồ, suốt 14 năm qua kia. Tôi muốn, trên một chuyến bay, hoặc bên một quán trà đá vỉa hè, tôi được chiêm ngưỡng khuôn mặt của những người đã trực tiếp chỉ đạo vận hành, thi công cái đường ống tởm lợm kia. Tôi muốn các Giám đốc, Tổng Giám đốc nhập khẩu phế liệu độc hại mà báo chí vẫn hằng đăng tải phải xuất hiện, để vợ con họ, gia đình, dòng họ nhà họ, bạn bè đồng nghiệp, xóm mạc của họ được nhìn mặt người thân của mình ở góc độ một kẻ đáng nguyền rủa (thay vì nhà lầu xe hơi lên xe xuống ngựa như thường thấy). Tôi muốn chúng ta sòng phẳng, để những người tử tế cảm thấy được an ủi khi mình đã chấp nhận thiệt thòi vật chất để làm người tử tế.

Người cấp phép cho nhà máy này hoạt động, ban lãnh đạo và công nhân nhà máy nghĩ gì, khi mà sự tồn tại của họ là tai họa đối với môi trường sống? (ảnh chụp tại một nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Lãng Quân

Tôi sợ cái ông bà lãnh đạo cái nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị đã giết môi trường (và bảo kê cho giết môi trường), đã rước rác rưởi về quê hương để kiếm lời kia, một ngày nào đó họ đứng trên bục vinh quang nào đó mà tôi không nhận ra mặt mũi họ để tẩy chay. Hoặc ít ra, một ngày nào đó, họ, với sự sang trọng bề ngoài của họ sẽ đến gần tôi, thò tay ra và tôi sẽ vô tình… bắt phải bàn tay của họ. Dễ thế lắm. Là bởi vì chúng ta phạt những kẻ gắn chíp điện tử ở cây xăng nhằm móc túi khách hàng; những kẻ cắp cước ta xi, những kẻ xả phế thải ra môi trường rất nhẹ, phạt hàng nghìn lần rồi vẫn cho tiếp tục tồn tại hàng nghìn lần, cái tiền đó chỉ là “muỗi” so với doanh nghiệp của họ, mà tiền ấy là tiền công quỹ của đơn vị họ, chứ họ có phải móc túi tham của họ chi ra đâu - thành thử là: cái gã (cái bà) bán lương tâm cho quỷ dữ vẫn có thể vênh mặt rao giảng những điều hay ho như thường. Hại thay! Lờn thuốc thay. Mà cứ để lờn thuốc như thế, là chúng ta đã vô trách nhiệm với lương tâm cùng sự tử tế của hàng triệu đồng bào mình.

Tóm lại, hỡi các nhà báo, các nhà điều tra, hãy cho công luận biết “bề dày thành tích” và gương mặt đáng nhớ của những kẻ thủ ác với môi trường (kiểu như Vedan). Tôi nghĩ, biện pháp “tẩy chay” gương mặt của những con người tàn độc như thế, nó sẽ hiệu quả hơn cả việc đóng cửa nhà máy, hơn cả việc tẩy chay sản phẩm của những doanh nghiệp kiếm lời nhờ chọc tiết môi trường sống - môi trường sống của họ, gia đình bạn bè họ, đồng bào họ và muôn đời con cháu chúng ta…

Bạn có hồi hộp khi sắp được biết gương mặt và “chiến công” đầy đủ của những người đã trực tiếp chỉ đạo lắp đặt hệ thống cống tinh vi trần đời có một của Vedan nhằm giết sông và đồng bào ven sông Thị Vải của chúng ta?

Hà Nội tháng 9 năm 2008

Bài và ảnh: Đỗ Lãng Quân (Vietimes)

 

 

2- Lãnh đạo Vedan bị cấm rời khỏi Việt Nam

VNExpress: 24/09/2008

Theo nguồn tin của VnExpress.net, Cục Cảnh sát môi trường (C36 - Bộ Công an) đã đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh (A18) tạm thời không làm thủ tục xuất cảnh cho lãnh đạo Vedan để phục vụ điều tra các sai phạm tại công ty này. Cơ quan điều tra vào cuộc vụ Vedan/ Vedan chịu phạt 91 tỷ đồng phí môi trường

Trước đó, đại điện đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên Môi trường đã khẳng định các lãnh đạo công ty Vedan đều chưa rời khỏi Việt Nam. Thông tin người duy nhất nắm rõ sơ đồ hệ thống xử lý nước thải của Vedan là ông Lâm Mậu Phủ đã về Đài Loan không chính xác. Đây là những người có vai trò quan trọng trong quá trình điều tra, làm rõ sai phạm của Vedan nên Cục Cảnh sát môi trường đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh (A18) tạm thời không làm thủ tục xuất cảnh cho họ.

Theo luật sư Phạm Hồng Hải, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, không thể truy cứu trách nhiệm chung chung cho Công ty Vedan Việt Nam. Nếu việc thải chất độc, xây hệ thống thoát nước bí mật là chủ trương của Hội đồng quản trị công ty thì các thành viên trong hội đồng phải chịu trách nhiệm. Còn nếu là chủ trương của giám đốc thì người này phải chịu trách nhiệm. Những công nhân vận hành việc xử lý chất thải đó ra sông Thị Vải, như Lâm Mậu Phủ, chỉ là những người đồng phạm.

Do nghi ngờ Vedan có hệ thống xử lý nước thải ngầm, sau ngày 19/9, Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ, Cục Cục cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát khoa học hình sự (C21), Cục cảnh sát bảo vệ (C22) thuộc Bộ Công an, VKSND tỉnh Đồng Nai và Phòng cảnh sát kinh tế, Công an Đồng Nai, tiếp tục khảo sát hiện trường.

Trong khi đó, đoàn kiểm tra liên ngành tại Vedan tiếp tục phát hiện hàng loạt sai phạm của công ty này. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, trong ngày 23/9, đoàn đã phát hiện thêm 3 cụm bồn chứa chất thải lỏng và một bể bán âm có đấu nối ống dẫn tới cống thoát nhiệt đổ ra sông Thị Vải. Tổng cộng đến lúc này, đoàn đã phát hiện 14 bồn chứa và 2 bể bán âm của Vedan chuyên dùng để đựng và xả chất thải lỏng ra sông Thị Vải.

"Dọc hệ thống dẫn chất thải lỏng tới khu xử lý thỉnh thoảng lại phát hiện các ống đấu nối có bố trí các van để sẵn sàng xả thẳng ra sông Thị Vải", ông Hà cho biết.

Trước những sai phạm mới được phát hiện, Thứ trưởng Hà đã kiên quyết yêu cầu lãnh đạo Vedan sớm cung cấp sơ đồ thiết kế hệ thống xử lý chất thải của nhà máy. Đại diện Vedan hứa sáng nay, 24/9, bản sơ đồ sẽ được gửi tới đoàn kiểm tra.

Cũng theo ông Hà, với tiến độ hiện tại, đến cuối tuần, việc kiểm tra toàn bộ nhà máy Vedan sẽ kết thúc.

Đến nay, Vedan đã thừa nhận 10 vi phạm và chấp nhận mức phạt 91 tỷ đồng vì trốn đóng phí và lệ phí môi trường.

Nguyễn Hưng

 

 

3- Quá nhiều… “Vedan”

22/09/2008 15:43 Tuần Vietnam VietnamNet

Chúng ta có những “Vedan” bệnh viện, “Vedan” thực phẩm, “Vedan” giáo dục. Chúng ta lại có những “Vedan” quan chức, “Vedan” văn hóa. Nếu chúng ta nghiêm khắc và công bằng thì chúng ta sẽ nhìn thấy những đường cống cả bí mật cả công khai của những “Vedan” ở mọi nơi, mọi lúc và ở mọi cấp độ đã và đang xối xả đổ vào đời sống con người Việt Nam.

Quá nhiều "Vedan" trong cuộc sống, liệu chúng ta còn lòng tin để tiếp tục vươn lên?

Ảnh minh hoạ nguồn: deviantart.com

Chỉ đến khi có bằng chứng không thể chối cãi thì những người liên quan mới thừa nhận sự nguy hiểm chết người của Vedan. Công chúng và báo chí đã luôn luôn cảnh báo về sự hủy diệt môi trường của nhiều công trình, nhiều nhà máy và cả những dự án tương lai. Nhưng hình như quá ít người nghe thấy những lời cảnh báo đó.

Khối lượng chất thải cực kỳ độc hại của Vedan đổ ra quả là một điều quá kinh khủng. Nhưng đấy mới chỉ là một Vedan. Thực tế còn rất nhiều “vedan” khác mà các cơ quan chức năng chưa làm rõ cho dù trong thâm tâm chúng ta biết rằng những “vedan” đó đang giết dần giết mòn con người.

Có lẽ chưa bao giờ rác đổ vào đời sống của người dân Việt Nam với một lượng khổng lồ như thế. Tôi có cảm tưởng hàng ngày chúng ta đang ngâm mình trong một biển chất thải độc hại rác từ trăm ngàn công trình và trăm ngàn lĩnh vực mà tôi muốn dùng thuật ngữ “Vedan” để nói về thảm trạng này.

Chúng ta có những “Vedan” bệnh viện. Chất thải từ một số bệnh viện không được xử lý tràn vào đời sống mà báo chí đã phát hiện và lên tiếng. Nếu vẽ đúng sơ đồ của rác thải thì nó sẽ là một sơ đồ mà tất cả chúng ta phải kinh hãi. Rác thải với đủ thứ bẩn thỉu và độc hại được trút vào sông hồ. Rồi chúng ta lại hút nước từ sông hồ đóng vào chai vào lọ. Hành trình cuối của rác thải là đi thẳng vào mỗi gia đình chúng ta để đến nơi tập kết cuối cùng của cuộc hành trình là cơ thể con người từ trẻ đến già.

Chúng ta có những “Vedan” thực phẩm. Bây giờ , đứng trước bất cứ quầy bán thực phẩm nào chúng ta cũng không đủ lòng tin vào những thực phẩm đó. Người ta làm tất cả những gì có thể làm miễn là có lời. Người ta chế biến gia súc bị bệnh, gia súc đã chết. Người ta bón rau quả bằng những loại thuốc khích thích nguy hiểm.

Chúng ta đã từng chứng kiến những cơ sở chế biến thực phẩm mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa với một cảm giác hãi hùng. Có nhiều cơ sở chế biến thực phẩm luôn luôn làm chúng ta nhớ lại những khu nhà vệ sinh công cộng trước kia. Nếu soi vào kính hiển vi, chúng ta sẽ thấy ngày ngày chúng ta nuốt vào dạ dày mình từng bối vi trùng các loại chứ không phải là thực phẩm nữa.

Chúng ta có những “Vedan” giáo dục. Học bạ giả, bằng “giả” các loại từ Phổ thông trung học đến thạc sỹ, rồi tiến sỹ chính là rác thải độc hại. Thứ rác này đang gây ra những căn bệnh hiểm ngèo cho cơ thể dân trí Việt Nam. Thứ rác thải bằng cấp này chảy vào các cơ quan Nhà nước từ địa phương đến trung ương và dần dần làm cho cơ thể của xã hội và Nhà nước trở nên suy dinh dưỡng và bệnh tật.

Chúng ta lại có những “Vedan” quan chức. Vụ nhận hối lộ của Dự án Đông – Tây là một loại “Vedan” đã sinh ra một loại vius giết chết lòng tin của nhân dân. Tham nhũng và chạy quyền chạy chức là một loại rác thải vô cùng độc hại nhưng mẫu mã rất hào nhoáng có thể đánh lừa đại đa số xã hội. Loại rác thải này chưa đầy nguy cơ giết chết sự vững mạnh của mọi Chính thể và ăn rỗng lòng tin của người dân vào Chính thể.

Chúng ta có những “Vedan” văn hóa. Mới đây, báo chí đã đưa cảnh biểu diễn nghệ thuật “ kinh hãi” của một số nhân viên FPT trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tập đoàn này. Nếu các bạn được xem những bức ảnh gốc thì các bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái “mê sảng”. Những “Vedan” văn hóa còn nằm trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật với một “bao bì” quá đẹp. Nhưng ở đó chỉ là một thứ rác thải độc hại. Và chúng ta còn chứng kiến ngày ngày ở mọi nơi công cộng những “Vedan” của lối sống.

Nếu chúng ta nghiêm khắc và công bằng thì chúng ta sẽ nhìn thấy những đường cống cả bí mật cả công khai của những “Vedan” ở mọi nơi, mọi lúc và ở mọi cấp độ đã và đang xối xả đổ vào đời sống con người Việt Nam. Chúng ta đang chết dần chết mòn vì những thứ rác thải đó.

Và đương nhiên, với một lượng rác thải của tất cả các lọai “Vedan” như vậy mà chúng ta không nhận ra và không ngăn chặn thì chúng ta không còn con đường nào khác là phải đón nhận những căn bệnh và cả cái chết nhiều nghĩa trong đời sống của chúng ta.

Nguyễn Quang Thiều

 

 

4- Chuyện không nhỏ của Vedan !

Ngày 21/09/2008, 10:49 GMT+7

(VOH) - Những ngày qua sự kiện Công ty Vedan của Đài Loan bị phanh phui bởi lối làm ăn gian trá đã làm cho dư luận nóng tên. Sở dĩ như vậy là bởi vì trong suốt 14 năm trời, kể từ năm 1994, khi đưa dây chuyền sản xuất bột ngọt và nhiều thành phẩm khác vào sản xuất, Vedan đã bắt đầu một chiến dịch đầu độc sông Thị vải.

Ống “hậu kiểm” nước thải xả lén của Vedan VN (Ảnh: NLĐ)

Bằng việc thải trực tiếp ra con sông này mỗi ngày hàng chục ngàn mét khối nước thải độc hại, chừng ấy năm, Vedan đã biến dòng sông tươi mát, là nguồn sống của hàng chục ngàn cư dân trong vùng, thành con sông kinh hoàng với màu nước đổi màu đầy hóa chất và đượm một thứ mùi hôi thối nồng nặc. Tôm cá không còn cũng đồng nghĩa với việc bà con nơi đây rơi vào đói nghèo và cùng quẫn. Chưa kể là 14 năm ròng rã hít thở và tiếp xúc với không khí và nguồn nước đậm đặc hóa chất như thế này, không chừng họ sẽ bị chứng ung thư phổi, da và các loại di chứng khác.

Chừng ấy thời gian tồn tại và hoạt động như vậy, song Vedan vẫn không hề hấn gì, dù dân đã kêu, dù nhà chức trách sở tại đã lờ mờ và nghi hoặc về một điều gì đó không minh bạch trước những dấu hiệu ngày càng rõ nét về môi trường sống xung quanh đang ngày một xấu đi. Và thật là trớ trêu, hàng năm Vedan vẫn nhận được những lời ngợi khen về thành tích bảo vệ môi trường từ ngành chức năng tỉnh Đồng Nai. Nếu không có Cục cảnh sát môi trường Bộ công an vào cuộc thì có lẽ sự thật bên trong của Vedan sẽ vẫn còn là điều bí ẩn. Vâng, thật sự là nhờ nỗ lực của lực lượng này mà cung cách làm ăn của Vedan mới được phơi bày và một phần tội ác đã bị chặn lại. Bằng chứng là ngay từ đầu, Lãnh đạo của Vedan đã chủ trương thiết kế hệ thống thoát xả chất thải nguy hại ra thẳng sông Thị Vải. Bằng mắt thường quan sát thì chỉ thấy phần nổi của hệ thống, còn lượng nước thải có độc tố, không qua xử lý lại được thoát ra sông theo những đường ống ngầm nằm sâu gần 10 mét dưới lòng sông. Lý giải trước thực trạng này, một PCT Tỉnh Đồng Nai cho rằng đã bị Vedan qua mặt và rằng tỉnh có yếu kém trong khâu quản lý. Đó có thể là sự thừa nhận chân thành.Tuy nhiên sự tồn tại của Vedan trong 14 năm theo cung cách làm ăn như vầy mà Tỉnh này hầu như không có một động thái tích cực nào để giảm thiểu hoặc triệt tiêu nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng tại đây, thì quả là khó hiểu.

Sau nhiều ngày đấu tranh căng thẳng bằng những chứng cứ và lập luận chặt chẽ từ phía Cục cảnh sát môi trường Bộ công an và Bộ tài nguyên môi trường, lãnh đạo của công ty Vedan đã buộc phải ký vào biên bản thừa nhận 10 điểm sai phạm nghiêm trọng của đơn vị mình trong suốt thời gian dài vừa nêu trên. Trong đó nổi bật là những hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường của VN như xả thải vượt chuẩn cho phép trên mười lần đối với các nhà máy sản xuất khác nhau. Tự ý nâng công suất các nhà máy lên nhiều lần mà không có báo cáo tác động môi trường. Không tuân thủ các qui định về nộp số liệu điều tra, khảo sát về môi trường sản xuất của mình cho ngành chức năng. Thải chất độc hại trực tiếp ra môi trường mà không có thiết bị hạn chế. . . Những sai phạm đã dẫn đến việc Vedan đã biến vùng đất lành chim đậu của Đồng Nai thành vùng đất chết vĩnh viễn, bởi giờ đây khó có thể dùng biện pháp khoa học nào, dù có đổ bao nhiêu tiền tỷ vào thì e rằng cũng khó mà có phép lạ để hồi sinh được nơi này. Rồi đây Vedan sẽ phải chấp nhận những hình thức xử phạt thỏa đáng với những gì họ đã gây ra cho bà con nông dân trong vùng và cho con sông Thị Vải .Hàng chục tỷ hoặc hơn thế nữa để bồi thường thiệt hại, bị đình chỉ hoạt động để khắc phục hậu quả hoặc kể cả việc bị khởi tố theo qui định của Bộ luật hình sự nước CH XHCN VN thì công ty này cũng không thể làm khác. Tuy nhiên sự mất mát lớn nhất mà Vedan khó có thể thu hồi là uy tín của nhãn hiệu này trong lòng người tiêu dùng VN. Nhiều năm qua thương hiệu Vedan đã đồng hành trên khắp nẻo đường của xứ sở mà họ đã chọn để đầu tư và phát triển và trên thực tế nhiều sản phẩm của Vedan đã được các bà nội trợ VN lựa chọn. Tiếc thay cho một sự đánh đổi quá to lớn và đắt giá. Có không ít ý kiến cho rằng cần phải tẩy chay hàng hóa của Vedan - như cách mà nhiều nước đã làm, khi bất bình về một sự cố nào kiểu như Vedan đã gây ra cho nước họ. Dư luận bất bình và phẫn nộ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên điều còn lại giờ đây là cách mà Vedan ứng xử để chuộc lại lỗi lầm của mình. Câu chuyện của Vedan rõ ràng là không nhỏ và nó sẽ là một bài học cho tất cả mọi người. Liệu còn bao nhiêu Vedan khác nữa - với lối làm ăn cẩu thả như vậy, chưa bị phanh phui.Thiết nghĩ đây cũng là kinh nghiệm quí giá cho các ngành các cấp, cho những người làm công tác quản lý trước làn sóng đầu tư đang nở rộ.

Việt Anh

http://www.voh.com.vn/index.aspx?catid=24&id=4473

 

 

5- Những mục đích lợi nhuận chết người

Ngày 19/09/2008, 07:58 GMT+7

 

(VOH) - Trong lịch sử phát triển của mình, Thế giới đã từng chứng kiến nhiều sự kiện gây thương vong hàng loạt như dịch tả, thương hàn, sốt phát ban, sốt rét hay các thiên tai như bão lũ, hạn hán, hỏa hoạn, động đất… hàng chục ngàn, thậm chí gấp nhiều lần số người như vậy đã chết do sự bất cẩn của chính mình và từ những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Họng cống xả nước thải từ nhà máy Vedan ra sông Thị Vải. (Ảnh: TTO)

Cái chết đến từ bên ngoài thật nguy hại và khó lường, thế nhưng hiện nay, ngay thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 này, người ta đã lại sửng sốt khi phải chứng kiến những cuộc sát thương tập thể dù không gây chết người ngay lập tức, nhưng những di chứng mà nó mang lại cho con người thì quả là ghê gớm. Đó là các hệ lụy mang lại từ lối làm ăn tắc trách, bất chấp dư luận hòng kiếm tiền bằng mọi giá - những mục đích tìm kiếm lợi nhuận chết người của một số tập đoàn kinh tế, các thương gia và cả những người trực tiếp sản xuất…

Tuần qua cả Thế giới chấn động bởi tin hàng ngàn trẻ em Trung Quốc phải chữa trị khẩn cấp sau khi uống sữa bột giá rẻ của tập đoàn Tam Lộc và 22 công ty sản xuất sữa khác ở quốc gia này. Đau lòng ở chỗ, các cháu nhỏ sau thời gian ngắn dùng loại sữa nói trên, đã có cùng triệu chứng là đi tiểu có màu sậm kèm theo sạn. Nguyên nhân là người ta đã pha melamine - 1 loại hóa chất dùng cho việc sản xuất nhựa và chất dẻo vào sữa để tăng protein cho sản phẩm của mình. Hóa chất này đã trực tiếp gây bệnh sỏi thận cho hàng ngàn bệnh nhi. Thông tin ban đầu đã có 3 cháu tử vong, nhưng hàng chục ngàn ca khác đã và chưa được điều trị thì không rõ hậu quả về sau sẽ như thế nào. Là quốc gia đang được xem là có nền kinh tế phát triển quá nóng, Trung Quốc đã từng tai tiếng bởi các vụ thuốc tây giả, thức ăn có hóa chất và hàng tiêu dùng nhiễm các loại chất độc hại, hàng giả, hàng nhái...

Câu chuyện của nước láng giềng còn đang là vấn đề thời sự trên cửa miệng của nhiều người thì lại đến việc dòng sông Thị Vải ở Đồng Nai bị Công ty Vedan “giết chết”. Đã 14 năm trôi qua, kể từ khi đưa vào vận hành, Vedan đã trực tiếp đầu độc con sông này bằng hàng chục ngàn mét khối nước thải độc hại không qua xử lý, hàng ngày được xả thẳng ra sông bằng hệ thống ống ngầm. Mức độ ô nhiễm và độc tới mức chẳng những nhiều năm qua tôm cá chết, người dân không thể xài nguồn nước này mà cả tàu nước ngoài cũng không dám neo đậu tại cảng Thị Vải bởi e ngại dòng nước ngập tràn hóa chất sẽ làm hư vỏ tàu! Mà đâu chỉ có Vedan, mới đây, cảnh sát môi trường còn phát hiện thêm 5 công ty khác của VN cùng tham gia bức tử sông Thị Vải cũng với cung cách tương tự. Trước đó, lãnh đạo 2 TP Hồ Chí Minh và Bình dương đã cùng ngồi lại và có biện pháp cấp thiết nhằm cứu sông Đồng Nai và giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò, cũng là do các khu công nghiệp tại lưu vực sông này thải ra chất độc hại gây ô nhiễm nghiêm trọng và từ lâu dân chúng ở đây đã kêu thấu trời. Nguyên nhân chính để các nhà sản xuất vô tư đổ chất thải ra môi trường sống là do họ không muốn phải đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải tốn kém tiền tỷ - một yêu cầu bắt buộc phải có khi xin giấy phép đầu tư. Biết là độc hại, là ô nhiễm và hủy hoại môi sinh, thậm chí cả chết người, nhưng vì khoản lợi nhuận khổng lồ, họ đã bất chấp tất cả. Việc xử lý hình sự các vi phạm nói trên tới đâu, còn tùy thuộc vào ngành chức năng nhưng thái độ căm phẫn và bất bình của người dân và phản ứng của xã hội trong những ngày qua là dễ hiểu. Phải xử phạt thật nặng, thậm chí là buộc ngưng hoạt động những cơ sở này - nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, liệu sẽ còn bao nhiêu trường hợp nữa như Vedan, như các công ty dệt Nam Phương, dệt nhuộm SI, giấy Mỹ Xuân, thủy sản Tiến Đạt, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 Đồng Nai… hiện đang đêm ngày âm thầm trực tiếp hủy hoại mầm sống? Không thể chỉ kêu gọi lương tâm và đạo đức kinh doanh của họ một cách chung chung, mà điều chính yếu là mọi việc ngay từ đầu phải được thực thi đúng luật. Ngay ngắn, nghiêm túc và bài bản. Hễ không đủ điều kiện là không cấp phép và không được hoạt động. Hễ vi phạm thì phải xử thật nặng, thật nghiêm. Vậy thôi.

Trong công cuộc hối hả làm giàu, cũng cần phải lên án những mánh lới móc túi người dân và cung cách làm ăn dối trá của không ít bọn người vô lương tâm. Mới đây thôi, người ta đã phát hiện ra có đến 20% cây xăng, trong tổng số gần 2000 cây xăng đã kiểm tra trên phạm vi cả nước bơm thiếu cho người dùng. Bằng thủ pháp gắn chíp điện tử vào trụ bơm, họ đã nhận tiền đủ mà bơm xăng thiếu. Một bình nếu bơm theo kiểu này chỉ thực có 90%. Chưa hết người ta còn chế ra thiết bị làm sai lệch đồng hồ tính tiền của xe taxi để bắt khách trả thêm nhiều tiền dù họ không đi tới mức như vậy. Lại một loại lưu manh kinh tế kiểu mới. Còn nhiều, còn quá nhiều các tính toán gian manh mà những kẻ táng tận lương tâm đã và sẽ còn áp dụng để lừa người ngay. Một thời tình trạng hàn the trong bánh phở, amoniac ướp thủy hải sản, 3-MCPD gây ung thư có trong nước tương, rồi bột đá để làm kẹo, thuốc chữa bệnh, rồi cả phân bón giả đã làm người tiêu dùng điêu đứng… sẽ còn những thủ đoạn và mưu chước gì ghê gớm và hãi hùng nữa mà bọn người làm ăn gian dối này sẽ còn đưa ra nay mai? Dư luận mong là sự nghiêm minh của luật pháp, lương tâm của những người có bổn phận kiểm tra, giám sát và cấp phép khi thực thi công vụ... sẽ góp phần không nhỏ vào việc làm giảm bớt và tiến tới loại trừ lối làm ăn nhẫn tâm như thế, bởi đó chính là tội ác. Phải làm cho chúng không có đất sống ở bất kỳ nơi nào trong xã hội này.

Việt Anh

http://www.voh.com.vn/index.aspx?catid=24&id=4396

 

 

 

6- Sông Thị Vải từng là “nồi lên men khổng lồ”

19-09-2008 00:12:11 GMT +7

Cảng Gò Dầu (gần nhà máy Vedan) được xác định là trung tâm ô nhiễm. Từ đây, chất bẩn phát tán đi khắp chiều dài sông Thị Vải

Ngày 18-9, phóng viên Báo NLĐ tiếp tục tìm lại những tài liệu điều tra và lập phương án xử lý ô nhiễm sông Thị Vải từ những năm 1996-1997 để làm rõ thêm “quá trình đầu độc” sông Thị Vải của Vedan.

Theo báo cáo khoa học “Điều tra và lập phương án xử lý ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do các công trình công nghiệp lân cận gây ra” được chủ trì thực hiện bởi Viện Sinh thái Tài nguyên và Môi trường, Viện Sinh học Nhiệt đới, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (tháng 10-1997), ngoài lượng NH+4 (amoni), COD (nhu cầu ô xy sinh hóa), BOD (nhu cầu ô xy hóa học) cao, nước thải của Vedan còn chứa những hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ thực vật. Trong điều kiện dung dịch nước thải có chứa hàng loạt gốc axít với vi sinh có trong tự nhiên sẽ chuyển thành các hợp chất chứa lưu huỳnh. Qua các quá trình phân hủy, phản ứng hóa học tạo ra các chất kết tủa có màu đen trong nước; đồng thời làm giảm lượng ôxy hòa tan trong nước khiến các loài thủy sinh không thể sống được. Chưa hết, các sulfur kim loại nặng kết tủa sẽ lắng xuống đáy sông lẫn trong bùn. Sự tích tụ này có hại cho chất lượng môi trường.

Qua hai đợt khảo sát mẫu bùn vào năm 1996 và 1997 ở cảng Gò Dầu (gần nhà máy Vedan), kết quả cho thấy hàm lượng H2S rất cao. Khi hàm lượng H2S trong nước tăng cao, không một sinh vật nào có thể tồn tại. Cụ thể, các mẫu bùn lấy vào thời điểm tháng 9-1997 đã không tìm thấy loài động vật đáy nào sinh sống. Các nhà khoa học thực hiện điều tra nói trên xác định: Những nguồn chất thải lỏng ra sông Thị Vải tại khu vực Gò Dầu có khả năng gây ô nhiễm đáng lưu ý gồm: Từ nhà máy của Công ty Vedan VN và nhà máy Super Phosphat Long Thành và Taicera. Tuy nhiên, nhà máy Super Phosphat Long Thành và Taicera ô nhiễm bụi là chính...

Theo kết luận điều tra của các nhà khoa học thuộc các cơ quan trên, sông Thị Vải đã chìm sâu trong ô nhiễm hữu cơ với mức độ ô nhiễm tăng suốt từ năm 1994 đến 1997. Các nguồn chất hữu cơ xả vào sông Thị Vải đã biến một đoạn sông (ở trung lưu) thành “nồi lên men vi sinh khổng lồ” và thành “bể nuôi cấy các loại tảo thích nghi ô nhiễm bẩn”. Điều đáng lưu ý là các sinh vật gây bệnh tiết ra nhiều loại chất độc như một số tảo lam. Cảng Gò Dầu được xác định là trung tâm ô nhiễm. Từ đây chất bẩn phát tán đi khắp chiều dài sông.

Nước thải của Vedan rất đáng sợ vì có amiăng

Amiăng là chất gây bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi và ung thư trung biểu mô

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN - MT), Vedan đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép như cyanure vượt từ 7,6 - 5.600 lần; tổng coliform vượt đến 1.000 lần; COD vượt từ 1,2 - 4,1 lần; BOD5 vượt 6,4 lần. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện Vedan xả nước chưa qua xử lý có thông số ô nhiễm rất cao (COD vượt 44,7 lần; BOD5 vượt 17 lần...). Bên cạnh đó, Vedan còn thải một lượng dịch thải lớn sau lên men ra thẳng sông Thị Vải, trung bình 12 lần x 4 giờ/lần x 400 m3/giờ = 19.200 m3/tháng...

Theo Thứ trưởng Bộ TN - MT Trần Hồng Hà, ngoài việc mỗi tháng Vedan xả 45.000 m3 nước chưa qua xử lý và dịch thải, mức độ ô nhiễm của nguồn nước thải của Vedan còn đáng sợ hơn nữa khi có chất amiăng - một loại hóa chất rất nguy hại cho môi trường, có thể gây ung thư cho con người, đặc biệt là ung thư phổi và ung thư trung biểu mô. Trong hơn 10 năm qua, số nước thải chưa qua xử lý khoảng hơn 10 triệu m3. Theo ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước VN, việc tính toán chi phí xử lý nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp được căn cứ vào chất lượng nước thải, nồng độ ô nhiễm và công nghệ xử lý. Với mức độ ô nhiễm trung bình, giá thành xử lý 1 m3 nước thải sau khi làm sạch sẽ gần gấp đôi giá nước sạch đầu vào. Nếu giá nước sạch hiện nay là từ 4.000 - 5.000 đồng/m3 thì giá 1 m3 nước sau khi xử lý sẽ ít nhất là 8.000 - 10.000 đồng/m3. Trong khi đó, Vedan đã thải hàng triệu m3 nước ô nhiễm ra sông Thị Vải, tức là để làm sạch lượng nước thải đó, phải tốn tới hàng trăm tỉ đồng.

Th. Dũng

TRUNG THANH

 

 

7- Lãnh đạo Đồng Nai thừa nhận quản lý kém

19-09-2008 00:10:10 GMT +7

Lấy nước thải tại khu vực gần nhà máy Vedan để xét nghiệm (Ảnh do Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp)

Sông Thị Vải đang giãy chết từng ngày, ấy vậy mà trả lời báo giới vào chiều 18-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh còn “hoài nghi”: Nếu như sau khi đóng cửa nhà máy Vedan mà tình hình ô nhiễm ở sông Thị Vải vẫn còn thì sao?

. Phóng viên: Khi nào đóng cửa nhà máy Vedan, thưa ông?

- Ông Ao Văn Thinh: Khi nào nhận được văn bản chính thức của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tỉnh sẽ thực hiện.

. Trao đổi với tôi (phóng viên Báo NLĐ), một số nhà khoa học nói rằng từ năm 1997 họ đã khảo sát và kết luận sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng là do chất thải của Vedan. Tại sao tỉnh Đồng Nai không xử lý, để vụ việc kéo dài đến 11 năm?

- Lúc đó không có một bằng chứng gì để khẳng định ô nhiễm là do chất thải của Vedan. Mặt khác, khu vực này có nhiều nhà máy hoạt động. Do không bắt được quả tang Vedan xả lén chất thải nên không thể xử lý được.

. Nhưng từ năm 1994 đến nay, Vedan đã vi phạm đến 4 lần về xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn. Vậy sao vẫn không xử lý được?

- Những lần đó, vi phạm được phát hiện là ở hệ thống xử lý bên trên chứ không phải ở hệ thống xả lén nên chỉ xử phạt hành chính theo quy định.

. Các nhà khoa học cũng cho biết trong năm 1997, họ có quay phim, chụp hình các tàu của Vedan nghi là chở nước thải đổ xuống sông và các nhà khoa học cũng đã cung cấp những hình ảnh đó cho Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Nai. Ông có biết chuyện này không?

- Tôi không nghe nói đến chuyện này, chỉ nghe nói Vedan có những chất thải có thể làm phân bón rất tốt.

. Vậy trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai ra sao khi để Vedan đầu độc sông Thị Vải?

- Để xảy ra vụ việc đúng là do quản lý yếu kém. Tuy nhiên, thủ đoạn của Vedan quá tinh vi, phải nhờ đến lực lượng cảnh sát môi trường mới phát hiện được.

. Việc buộc Vedan bồi thường những thiệt hại về môi trường sẽ được thực hiện như thế nào?

- Vẫn chưa kết luận được ô nhiễm ở sông Thị Vải chỉ là do nước thải của Vedan. Nếu như sau khi đóng cửa nhà máy Vedan mà tình hình ô nhiễm ở sông Thị Vải vẫn còn thì sao?

Phát hiện thêm nhiều nguồn nước thải độc hại ở Đồng Nai

Hà Nội: Một cơ sở sản xuất bia “đầu độc” hồ Trúc Bạch

“Vedan còn xả lén chứ Khu Công nghiệp (KCN) Hố Nai thì chẳng xây nhà máy xử lý nước thải tập trung nên mỗi ngày xả công khai đến 3.500 m3 nước thải có chứa kim loại nặng ra môi trường”. ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, đã cho biết như vậy vào ngày 18-9 sau khi khảo sát tình hình ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp ở Đồng Nai.

Ngoài KCN Hố Nai, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn rất nhiều KCN, nhà máy chưa có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, các KCN có nhà máy xử lý nước thải thì đang trong tình trạng quá tải. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 16 KCN. Qua thống kê sơ bộ, tổng lượng nước thải công nghiệp chưa xử lý lên đến 37.800 m3 được thải ra các sông Đồng Nai, Thị Vải và kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

. Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an TP Hà Nội vừa phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Ba Đình, Tổ Cảnh sát Môi trường quận Ba Đình và Trung tâm Quan trắc TP Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bia hơi tại 59 Nguyễn Khắc Hiếu (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), phát hiện cơ sở này không có bản cam kết bảo vệ môi trường, không có hệ thống xử lý chất thải mà thải trực tiếp ra hồ Trúc Bạch, không có giấy phép khai thác nước ngầm, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác đã tiến hành lập biên bản xác định lỗi vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ tới UBND quận Ba Đình để xử lý.

Tr.Thanh - Nh.Anh

TRUNG THANH ghi

 

 

8- Cần xử lý cả những quan chức thiếu trách nhiệm

21-09-2008 23:44:10 GMT +7

Ông K.H.Yang (đứng) - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Vedan VN - trần tình với báo chí chiều 19-9 về những sai phạm tại Vedan VN. Ảnh: T.TRUNG

Công ty Vedan VN (huyện Long Thành- Đồng Nai) xả nước thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng suốt 14 năm qua. Nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến

Đã có cảnh báo, vẫn phớt lờ

Cách đây 11 năm, các nhà khoa học sau khi khảo sát, nghiên cứu đã đưa ra lời cảnh báo về ô nhiễm môi trường ở sông Thị Vải. Rất tiếc, những quan chức ở Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT không hề quan tâm. Thậm chí người ta còn xác nhận Vedan VN hoạt động bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Bởi vậy Bộ TN-MT trong tháng 4-2008 mới cấp phép cho Vedan VN xả nước thải ra sông Thị Vải. Việc thiếu kiểm tra, giám sát của những cơ quan chuyên môn, của những quan chức lĩnh lương từ tiền thuế do nhân dân đóng góp đã để lại hậu quả nghiêm trọng: Môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, dù phải tiêu tốn khá nhiều tiền của và thời gian chúng ta cũng khó có thể khắc phục một cách trọn vẹn.

Ngoài việc buộc Vedan VN bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, rất cần thiết phải xử lý trách nhiệm của những quan chức liên đới. Có như vậy mới công bằng và chúng ta mới ngăn ngừa được những vụ ô nhiễm môi trường về sau.

VŨ ĐỨC TÚY (Đồng Nai)

 

9- Kém hKiểu biết hay vì lý do khác?

Với việc đầu độc sông Thị Vải trong vòng 14 năm (1994-2008), những người quản lý, điều hành Công ty Vedan VN hẳn đã không ít lần cười thầm sự kém hiểu biết của các cấp quản lý VN. Khi mọi sự sống của các loài sinh vật (cá, tôm...) trên sông đều bị tiêu diệt, những người dân quê ít học, trình độ văn hóa kém đều biết rõ thủ phạm là ai, thì lãnh đạo ngành môi trường và chính quyền địa phương (tỉnh Đồng Nai) lại mù tịt. Thật không thể nào hiểu nổi đây là sự kém hiểu biết hay lý do nào khác? Thậm chí Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai từng đề nghị khen thưởng Công ty Vedan VN về thành tích bảo vệ môi trường và gần đây (tháng 4-2008) còn tham mưu đề nghị Bộ TN- MT chính thức cấp giấy phép cho Công ty Vedan VN được xả nước thải vào sông Thị Vải. Khi vụ việc vỡ lở, một số người có trách nhiệm lại lớn tiếng thanh minh: Tại thủ đoạn gian dối của họ (Vedan VN) quá tinh vi, chúng tôi không lường hết được...

Để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, chúng tôi đề nghị ngoài việc buộc bồi thường và đóng cửa Công ty Vedan VN, cần xem xét trách nhiệm của những nhân vật chủ chốt đóng vai trò quyết định trong việc cấp phép cho Công ty Vedan VN xả nước thải vào sông Thị Vải. Do đó, những ai là tác giả và “đồng tác giả” của sự việc tệ hại trên cần phải bị xử lý thích đáng để làm gương!

BIÊN HÀ (TPHCM)

 

10- Thừa nhận yếu kém nhưng không ai từ chức

Sai phạm nghiêm trọng của Vedan VN như thế mà lại ngang nhiên tồn tại trong hơn cả chục năm trời. Vậy mà khi hỏi về trách nhiệm, người ta lại chỉ giải thích đơn giản một câu: “Mọi chuyện là do cơ quan chức năng tỉnh yếu kém về năng lực, còn Vedan VN gian dối quá siêu”. Thiết nghĩ câu biện hộ ấy của ông phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ là một sự bao biện vô trách nhiệm. Phải chăng sau khi sự việc bị phát giác, báo chí phanh phui và dư luận phẫn nộ thì họ mới nhận ra được sự yếu kém của mình?

Từ vụ Hyundai chôn chất thải chưa qua xử lý, vụ kênh Ba Bò đen ngòm và ô nhiễm trầm trọng và giờ là việc Vedan VN xả chất thải độc hại giết chết sông Thị Vải, không thể cứ sau mỗi lần phát hiện ra một vụ vi phạm thì lại nhận mình quản lý yếu kém. Nhận lỗi vậy nhưng không quan chức nào xin từ chức. Đã đến lúc chúng ta cần chú trọng đến công tác phòng ngừa hơn là xử lý sai phạm. Các cơ quan chức năng phải làm tròn và làm đủ vai trò và trách nhiệm của mình.

Vụ việc vi phạm nghiêm trọng của Vedan VN lần này như là tiếng chuông cảnh báo. Đã đến lúc Nhà nước và các cơ quan chức năng không thể tiếp tục thờ ơ và chủ quan thêm được nữa. Thà cương quyết và cứng rắn ngay từ khâu kiểm tra, giám sát ban đầu còn hơn chúng ta phải mất tiền bạc, tốn không biết bao nhiêu thời gian để cải tạo và phục hồi một khi sai phạm đã xảy ra.

THU TÂM (TPHCM)

 

 

            http://vietsciences.free.frfr  và http://vietsciences.org