Vụ án Vedan Việt Nam (Những dòng sông chết

Vietsciences-           

 

Vụ án Vedan Việt Nam

 

1/Bài học phát triển của Trung Quốc
2/Cái giá phải trả nơi môi trường
3/Thiệt hại khoảng 780 triệu USD/năm vì kém vệ sinh
4/Môi trường và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở Việt Nam
5/Việt Nam có 9 triệu ha đất bị hoang mạc hoá
6/Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam
7/CHỈ THỊ của Thủ tướng Chính Phủ 26/11/2007 Nhiều dòng sông... chờ chết
8/Từ vụ bắt quả tang Công ty Hào Dương xả nước thải ra sông
9/Ai đã làm ô nhiễm vùng ven sông La Tinh?
10/Công khai "bức tử" sông Hậu
11/Lãng phí hàng trăm tỷ vì dự án cải thiện môi trường
12/Hủy diệt và phục sinh: Văn hoá từ chức
13/Bắt quả tang một nhà máy mì xả nước thải
14/Vụ Vedan từ góc nhìn văn hóa
15/Đừng buộc những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ” (Phần I & 2 )
16/Khóc một dòng sông qua đời
17/Nguồn nước thải ở Hà Nội chảy về đâu?
18/Vụ công ty Hào Dương xả thải trái phép: Với họ, tiền là trên hết(?!)
19/Hệ lụy Miwon từ góc di sản
20/Bình Dương: Đề nghị đóng cửa 4 công ty gây ô nhiễm
21/TP HCM: Sẽ không còn chỗ cho các doanh nghiệp "đen"?
22/Ô nhiễm trầm trọng, sông Đồng Nai làm nhiều người đổ bệnh
23/Dù nhiều lần bị dọa “xử lý” triệt để: Sông Thị Vải ô nhiễm nặng, không còn sự sống
24/Hiện trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam
25/Sông Đồng Nai Bị Ô Nhiễm Trầm Trọng
26/“Nói không” với dự án gây ô nhiễm

_____________________________________________________________________________________

 

1- Bài học phát triển của Trung Quốc

Năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng có phần không đáp ứng được nhu cầu xử lý tình hình mới và nhiệm vụ mới. Cần tiến hành điều tra và nghiên cứu có chiều sâu về một số vấn đề thực tiễn liên quan đến cải cách, phát triển và ổn định”.

Khói bụi ở một nhà máy tại Trung Quốc
Ông Hồ Cẩm Đào, trong báo cáo trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 15-10, đã thừa nhận như vậy. Vì sao?
Tổng cộng trong bản báo cáo của mình, ông Hồ Cẩm Đào đã 15 lần nhắc đến vấn đề năng lực lãnh đạo cầm quyền này. Khi nhấn mạnh đến “nghiên cứu có chiều sâu”, ông muốn nhắc nhở nghiên cứu là để cảnh báo, soi đường chứ không phải để phụ họa.
Khi chỉ rõ đối tượng nghiên cứu là “một số vấn đề thực tiễn liên quan đến cải cách, phát triển và ổn định”, ông muốn nhắc cải cách, phát triển ở Trung Quốc từ 30 năm qua không hẳn đã đem lại ổn định như mong muốn.
Trong một hội thảo về xã hội hài hòa ở Bắc Kinh vào tháng tám năm nay, tức hai tháng trước đại hội ĐCS Trung Quốc, Ifzal Ali - kinh tế gia trưởng của ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) - đã phát biểu rất cụ thể: “Nhất thiết phải tách biệt bất bình đẳng trong các cơ hội khỏi bất bình đẳng trong hậu vận của mỗi người”.
Nôm na mà nói: hoàn cảnh bất bình đẳng đã dẫn đến bất bình đẳng về thành đạt trong cuộc sống; sở dĩ các cá nhân này không ngóc đầu lên nổi trong khi các cá nhân kia thành đạt là do hoàn cảnh bất bình đẳng đó; chính vì thế phải chấm dứt bất bình đẳng trong cơ hội. Theo Ifzal Ali, cần phải tạo cơ hội đồng đều bằng cách tập trung loại bỏ những hoàn cảnh bất công.
Có thể thấy khi dùng cụm từ “bất bình đẳng trong các cơ hội”, ông Ifzal Ali đã nêu cụ thể những nguy cơ tiềm tàng mà ông Hồ Cẩm Đào nhắc đến ở trên. Các vấn đề liên quan đó là: khi cải cách, khi sự phát triển chỉ đem lại cơ hội làm giàu vượt trội cho một số người, thì cải cách đó, phát triển đó lại khởi đầu cho những bất ổn định.
“Xưởng sản xuất mồ hôi”
Tài liệu “Asian development outlook update 2007” của ADB lưu ý rằng Trung Quốc đang phải giải quyết các hậu quả của một nền kinh tế quá hướng đến xuất khẩu và ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.
Khu vực kinh tế thứ nhất (khai thác tài nguyên thiên nhiên) chỉ thu hút từ 2-4% vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), khu vực thứ ba (dịch vụ) mà chủ yếu là địa ốc thu hút 24-28% vốn FDI, số còn lại, khoảng 70% tổng vốn FDI, là vào các nhà máy vải sợi, may mặc, giày dép, đồ chơi, điện tử...
FDI hướng đến thị trường nội địa rất ít so với FDI hướng đến xuất khẩu (chiếm 2/3 tổng vốn FDI). Giá trị thặng dư từ quá trình may gia công để tái xuất này chỉ là chút ít xu trả cho nhân công. Trung Quốc (và cả Việt Nam bây giờ) là một trong những trung tâm gia công cho một công ty trung gian của Đài Loan chẳng hạn.
Trường hợp Công ty Pou - Chen nhận gia công cho Adidas, Nike, Reebok... rồi sang Trung Quốc hay Việt Nam mở nhà máy, thuê thợ vào may gia công, thay vì mở xưởng tại Đài Loan... chẳng qua là một thí dụ cho huyền thoại xuất khẩu và FDI.
Các thí dụ vừa nêu đầy dẫy trong nghiên cứu Foreign direct investment in China: What the figures don't tell us? (Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc: các số liệu còn giấu ta điều gì?”).
Khi tiền công lao động chỉ ngang với lương tối thiểu thì các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu ấy còn được gọi là “xưởng mồ hôi”. Định nghĩa của Từ điển bách khoa Britannica như sau: “Đó là một nơi làm việc mà người lao động bị sử dụng với đồng lương thấp và trong những điều kiện có hại cho sức khỏe hoặc trong những điều kiện áp bức. Tại Anh, từ ngữ này sớm được dùng từ những năm 1850...”.
Thời đó, giá trị thặng dư chỉ mới về tay chủ sử dụng công nhân. Nay về tay tầng tầng lớp lớp trung gian. Một đôi giày thể thao như Nike, Adidas... từ đôi tay người lao động ở Trung Quốc đến tay chủ lao động Pou - Chen đã sinh lợi được một nấc, từ Pou -Chen đến Nike, Adidas thêm một nấc sinh lợi nữa, lần này rõ cao. Từ Nike, Adidas đến các chủ dây chuyền siêu thị lại thêm một nấc sinh lợi gấp bội nữa.
Tờ Nanfang Cuối Tuần của Trung Quốc, trong bài Đổ mồ hôi máu đã viết: Công ty giày Shangyi trước đây là nhà máy lớn nhất ở làng Hiền An, huyện Nam Hải, thành phố Phật Sơn. Cách đây nửa năm, nhà máy vốn Đài Loan này đóng cửa, chủ nhân biến mất.
Tháng rồi, Phòng lao động và an sinh xã hội tỉnh Quảng Đông cho biết công ty này còn nợ 1.700 công nhân hơn 480 triệu tệ tiền lương. Phòng này cũng cho biết 19 công ty khác cũng vi phạm nghiêm trọng luật lao động. Báo chí khi đưa tin vụ này, gọi các nhà máy này là “nhà máy mồ hôi máu” do lẽ dân chúng tin rằng họ bóc lột công nhân cả máu lẫn mồ hôi.
Không chỉ bóc lột lương, làm việc ngoài giờ còn là một cách thức khác chà đạp lợi ích công nhân. Lương ngoài giờ ban đêm chỉ 1,5 tệ/giờ, thấp hơn lương qui định là 2 tệ/giờ.
Ở Nhà máy Shangyi, công nhân làm việc đến 5g30 chiều và làm ngoài giờ từ 6g30 đến nửa đêm. Có nghĩa là họ làm việc hơn 12 giờ một ngày, vượt xa mọi giới hạn của luật pháp: “Không làm ngoài giờ vào thứ bảy, nghỉ làm ngày chủ nhật”.
Làm ngoài giờ khiến người ta mệt mỏi cực độ. Đây là lý do chủ yếu giải thích tại sao tai nạn lao động xảy ra thường xuyên.
Những ngày ít ỏi trong năm mà công nhân vui vẻ là những ngày “thanh tra nhân quyền” đến kiểm tra. Đêm trước ngày thanh tra, các quản đốc tập hợp công nhân lại và dạy họ học thuộc lòng câu trả lời cho các câu hỏi của thanh tra. Học chuẩn bị lớp lang như thế rất nhức đầu song đồng lương nhận được ngày hôm sau sẽ đầy bất ngờ thú vị.
Các “thanh tra nhân quyền” quan sát hết buổi phát lương và hỏi thăm công nhân nhận được bao nhiêu. Luo Zhanglin buột miệng trả lời: “Thưa, nhiều hơn bình thường 400 tệ ạ”. Các “thanh tra nhân quyền” này do khách hàng của công ty cung cấp hoặc do một tổ chức trung gian, theo đúng công ước quốc tế. Họ đại diện cho thân chủ của họ đến xem nhà cung cấp có vi phạm các luật lệ lao động hay không.
Tuy chẳng công nhân nào dám nói ra sự thật với các “thanh tra nhân quyền” khi có mặt các đốc công, họ vẫn hoan hỉ khi phái đoàn đến. Tại sao họ lại nín lặng khi “thanh tra nhân quyền” đến? Đó là do nín lặng có lợi ngay trước mắt cho họ chứ không phải họ không hiểu điều gì đang diễn ra. Đó là do họ nghĩ rằng đa số các nhà máy đều như thế cả.
Công bằng mà nói, trong những năm gần đây chính phủ cũng đã làm nhiều việc nhằm cải thiện điều kiện lao động của công nhân di trú và bảo vệ quyền lợi của họ, nhất là quyền lợi về lương bổng. Phòng lao động và an sinh xã hội tỉnh Quảng Đông thường công bố danh sách 20 xí nghiệp vi phạm luật lao động nhất, một thay đổi chiến thuật nhằm tránh bị cáo buộc là “can thiệp hành chính” mà vẫn gây được sức ép nơi các xí nghiệp này. Quá lố thì tỉnh truy tố ra tòa.
Nhờ sự giám sát của chính quyền và xã hội, nhiều nhà máy nay nhận thức ra rằng họ cần thay đổi.

2-Cái giá phải trả nơi môi trường

Một tin cực kỳ “khó tin vào mắt” hôm thứ hai 12-11: “Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc 750.000 USD”.
Thông cáo của ADB cho biết dự án “tăng cường năng lực” này nhằm giúp các cơ quan của Trung Quốc lên kế hoạch, thiết kế, thực hiện, quản lý, theo dõi và giám sát các dự án của ADB tài trợ. Tăng cường năng lực nhằm cải thiện hiệu quả của đồng vốn, cung cách quản lý hướng đến kết quả, chuyển giao các bài học rút ra được cho khu vực công. Rõ ràng là đối với ADB, quản lý hiệu quả đồng vốn vẫn còn là một điều mà Trung Quốc còn cần phải học nhiều.
Ngày 2-11 vừa qua ADB loan báo cho Trung Quốc vay 100 triệu USD để giúp giải quyết một số vấn đề trong tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc. Đây là dự án tín dụng thứ nhì của ADB giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm con sông lớn thứ ba Trung Quốc là Tùng Hoa, tại khu vực hai thành phố Thường Xuân và Diên Cát.
Đủ thứ độc hại, từ hóa chất hữu cơ đến kim loại nặng, chất thải con người... đều được tống vào đây. Mãi đến giờ người ta mới giật mình nhận ra 3,6 triệu người đang sống với một con sông rác rến. ADB cho vay 100 triệu USD, chính quyền Trung Quốc bỏ ra 252,68 triệu. Trước dự án này, ADB đã cấp vốn cho một dự án khác liên quan đến cấp nước và rác thải cũng ở tỉnh Cát Lâm.
Trong khi đó, số địa điểm có vấn đề về môi trường lại đầy rẫy.
Làm thế nào mà một nước có nền kinh tế đứng thứ tư thế giới lại phải vay tiền ADB để “làm môi trường”, “học làm dự án”?
Thật ra, đằng sau “bức trướng” xuất khẩu hoành tráng là gì? 2/3 số nhà máy có vốn FDI, chi phí lao động, tức lương nhân công, là bao nhiêu? Giá trị thặng dư còn lại cho Trung Quốc là bao nhiêu?
Nghiên cứu Foreign direct investment in China: What the figures don't tell us? trang 11 cho biết: “Năm 2000, trị giá hàng nhập khẩu của các xí nghiệp từ đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm đến 98% trị giá hàng xuất khẩu”.
Trên một bình diện khác, 150 triệu người lao động di trú từ nông thôn lên thành thị, chừng ấy người trong các nhà máy “sản xuất mồ hôi”... là chừng ấy quả bom nổ chậm nếu như giá trị thặng dư của cải cách cứ tiếp tục không san sẻ cho họ.
Nay là lúc mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn lại. Trong báo cáo tại Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 17, ông Hồ Cẩm Đào nhìn nhận: “Tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã được thực hiện với cái giá tài nguyên và môi trường cực kỳ cao. Cái giá đó còn là sự mất cân bằng trong phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực, giữa kinh tế và xã hội”.
Theo Hữu Nghị
Tuổi trẻ
http://lmvn.com/thoisu/index.php?showtopic=75308

3- Thiệt hại khoảng 780 triệu USD/năm vì kém vệ sinh

Tiền Phong, Thứ Năm, 07/08/2008, 16:11Mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, cấp nước, môi trường, du lịch và các điều kiện sống khác, do điều kiện vệ sinh môi trường yếu kém.
Vệ sinh, môi trường là một vấn đề lớn của nước ta hiện nay.
Đây là kết luận của công trình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng kinh tế của vệ sinh môi trường giai đoạn một (2006-2007) của Chương trình Nước và Vệ sinh thuộc Ngân hàng Thế giới, do Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại học Xây dựng Hà Nội) thực hiện.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, cho biết vệ sinh môi trường ở Việt Nam còn rất yếu kém cả về cơ sở vật chất, thể chế và năng lực quản lý và nhiều khả năng Việt Nam sẽ không đạt được Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 và Mục tiêu phát triển của Việt Nam năm 2010 về vệ sinh.
Nghiên cứu trên cung cấp những bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế và xã hội do không có sự cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và thực hành vệ sinh cá nhân, cũng như các lợi ích tiềm tàng mà việc cải thiện điều kiện vệ sinh có thể mang lại.
Thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn cung cấp cho các nhà lãnh đạo ở cấp quốc gia và địa phương về mức chi phí và hiệu quả kinh tế cụ thể khi áp dụng các giải pháp cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn trong lĩnh vực này.
Trong giai đoạn hai của dự án (6/2008-9/2009), các nhà khoa học sẽ nghiên cứu các biện pháp cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nguồn nước và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Theo
http://ykien0711.blogvis.com/2008/08/07/thi%E1%BB%87t-h%E1%BA%A1i-kho%E1%BA%A3ng-780-tri%E1%BB%87u-usdnam-vi-kem-v%E1%BB%87-sinh/ TTXVN
Giáo án điện tử

4- Môi trường và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở Việt Nam

VIT-Viện khoa học kỹ thuật và môi trường giai đoạn 1 kết luận, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 870 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, cấp nước, môi trường, du lịch và các điều kiện khác do điều kiện vệ sinh môi trường yếu kém.


Viện cũng cho hay, vệ sinh môi trường ở Việt Nam còn rất yếu kém về vật chất, thể chế và năng lực quản lý. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ không đạt được khả năng Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 và mục tiêu phát triển của Việt Nam năm 2010 về vệ sinh.
Nghiên cứu trên cung cấp những ảnh hưởng rõ ràng về ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế và xã hội do không có sự cải thiện về điều kiện vệ sinh môi trường và thực hành vệ sinh cá nhân, cũng như các lợi ích tiềm tàng mà điều kiện vệ sinh có thể mang lại.
Trong giai đoạn 2 của dự án, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu những biện pháp về điều kiện vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nguồn nước và nâng cao chất lượng môi trường sống.

MH (Theo VTV)

http://www.vitinfo.com.vn/Muctin/Khoahoc/49176/default.aspx
 

5- Việt Nam có 9 triệu ha đất bị hoang mạc hoá

25/06/2007

Theo Cục Lâm nghiệp, hiện Việt Nam có khoảng 9 triệu ha đất bị hoang hoá, chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc, trong đó có 2 triệu ha đất đang sử dụng bị thoái hóa nặng.
Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000ha và ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 43.000 ha.
Theo thống kê của FAO và UNESCO, Việt Nam có khoảng 462.000ha cát ven biển, chiếm khoảng 1,4% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc, trong đó có 87.800ha là các đụn cát, đồi cát lớn di động. Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hoá càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10-20 ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.
Bên cạnh đó, việc nhiều diện tích rừng đầu nguồn bị xâm hại, tình trạng khô hạn hoành hành ở một số nơi, nhất là ở miền Trung, Tây Bắc và Tây Nguyên, cũng là một trong những nhân tố chính làm tăng diện tích đất hoang hoá, sụt giảm hệ sinh thái vùng đầu nguồn và gia tăng tình trạng ô nhiễm nước.
Việt Nam đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng nhiều vùng đất bị hoang mạc hoá với việc triển khai cùng lúc Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và Chương trình quốc gia về tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo.
Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của nhiều tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn tình trạng hoang mạc hóa. Hiện Việt Nam đang xây dựng Chương trình đối tác quản lý đất lâm nghiệp bền vững, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Môi trường Toàn cầu và Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp, nhằm bảo vệ và duy trì độ màu của đất lâm nghiệp.



CIRENet (Theo TTXVN)
http://www.ciren.gov.vn/index.php?nre_site=News&nth_in=viewst&sid=4944

 

6- Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam

Nguyễn Tấn Dũng
Phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc trong quá trình phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. ở nước ta vấn đề này đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đặc biệt đến Đại hội IX Đảng ta đã nêu thành một quan điểm phát triển hàng đầu là " Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường".
Gần 10 năm qua, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực thi hành, hệ thống luật pháp nước ta về môi trường ngày càng được hoàn thiện. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 36 ngày 25/6/1998 về " Tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước". Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành liên quan chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều đề án để thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị. Chỉ riêng năm 2003 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản liên quan đến BVMT... Trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị cùng với những tình hình và yêu câù mới đối với công tác BVMT trong giai đoạn phát triển của đất nước từ nay tới 2020, Bộ Chính trị đã thành lập Tiểu ban soạn thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác BVMT nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện công tác BVMT trong toàn Đảng, toàn dân để đáp ứng các yêu cầu phát triển KT - XH trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, thực hiện những mục tiêu và nội dung về BVMT và phát triển bền vững mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề ra.
Quá trěnh thực hiện Chỉ thị 36 vŕ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội đã ngày càng chú ý hơn đến công tác BVMT. Nhận thức và hành động về BVMT trong cộng đồng, trong xã hội được nâng lên rõ rệt. Các yêu cầu về BVMT đã được lồng ghép, trở thành một điều kiện quan trọng không thể thiếu trong nội dung phát triển KT - XH vě sự phát triển bền vững. Do vậy, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác BVMT. Bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, có những kết quả nhất định trong việc khắc phục suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường. Trồng và bảo vệ rừng khá hơn sau 10 năm, độ che phủ rừng năm 2003 ước đạt 37,5%, đã quan tâm hơn đến khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.
Tuy nhięn, bęn cạnh những tiến bộ đã đạt được, công tác BVMT nước ta cňn những tồn tại, yếu kém: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật BVMT lạc hậu, nguồn lực BVMT của nhŕ nước vŕ các doanh nghiệp đều bị hạn chế. Dân số tiếp tục tăng cùng với nạn di dân tự do và đói nghèo chưa được giải quyết cơ bản. ý thức BVMT trong xã hội chưa được nâng cao. Tổ chức và năng lực quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc, cần sớm được khắc phục, như: Tình trạng thoái hoá đất đai ở những vùng đất dốc, vùng có độ che đất thấp, nơi sử dụng quá mức phân hoá học; Tình trạng ô nhiễm nước, nhất là ở vùng hạ lưu các sông do nước thải của các cơ sở sản xuất, sinh hoạt chưa được xử lý, thải trực tiếp ra sông, việc khai thác bừa bãi không đúng kỹ thuật làm cạn kiệt và ô nhiễm nước ngầm; Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp, trong đó nổi lên vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn, bụi, khí thải, tiếng ồn; Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do các điều kiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng yếu kém, sử dụng không hợp lý các loại hoá chất trừ sâu trong nông nghiệp, xử lý chưa tốt khí thải và chất thải từ các làng nghề, thiếu nguồn nước hợp vệ sinh để cung cấp cho sinh hoạt; Tình trạng ô nhiễm môi trường biển do tràn dầu, khai thác cạn kiệt tài nguyên gần bờ, diện tích rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp; Tình trạng ô nhiễm môi trường lao động như nhiều khu vực sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động, độc hại; Tình trạng suy giảm về độ che phủ rừng, thảm thực vật và chất lượng che phủ, suy giảm tính đa dạng sinh học.
Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt và kiên trì để động viên, thu hút được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ xã hội tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường của chúng ta:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về công tác BVMT, trong đó chú trọng 4 quan điểm và 8 giải pháp cơ bản, đồng thời tiếp tục thực hiên tốt những văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về BVMT, trong đó lưu ý thực hiện các vấn đề sau đây:
- Bảo vệ tŕi nguyęn nước vŕ chống ô nhiễm nguồn nước bao gồm nước ở các sông ngňi, nước ngầm, xử lý nước thải, cung cấp nước sinh hoạt.
- Xử lý chất thải bao gồm chất thải công nghiệp vŕ chất thải sinh hoạt.
- Bảo vệ vŕ phát triển rừng, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên khoảng 43% vào năm 2010.
- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghięm trọng, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục rà soát, xác định các cơ sở gây ô nghiễm nghiêm trọng để bổ sung vào danh sách các cơ sở cần xử lý triệt để.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, các cơ chế, chính sách cần thiết để lồng ghép các yêu cầu BVMT ngay từ khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án phát triển. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các bộ, ngành hoàn chỉnh, sớm trình Thủ tướng phê duyệt Thủ tướng Chính phủ chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010.
Các bộ, ngŕnh lięn quan, theo chức năng của mình khẩn trương nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn môi trường ngành để phục vụ công tác quản lý.
Ba là, chú trọng việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp... về BVMT, coi BVMT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Các ngành, các địa phương, các tổ chức, cộng đồng và từng gia đình, từng người dân phải có trách nhiệm trong việc BVMT; Coi việc BVMT phải là đạo đức, nếp sống văn hoá, giàu tính nhân văn và là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh.
Bốn là, Việt Nam còn là một nước nghèo, kinh tế còn lạc hậu, đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện CNH, HĐH đất nước. Vậy để đảm bảo sự phát triển bền vững thì vấn đề BVMT cŕng phải được đặc biệt quan tâm hơn. Các điều kiện về môi trường nước ta hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết, trong khi báo mức độ ô nhiễm sẽ tiếp tục gia tăng. Nhiều mâu thuẫn nẩy sinh giữa các nhu cầu phát triển trước mắt về kinh tế với lợi ích lâu dài về môi trường và phát triển bền vững. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về môi trường. Tác động của các vấn đề về môi trường toàn cầu, khu vực ngày càng lớn và phức tạp. Tất cả những thách thức đó đặt ra cho chúng ta trách nhiệm nặng nề trong việc bảo đảm phát triển bền vững đất nước.
Năm là, giải quyết vấn đề môi trường không phải làm một lần, một đợt là xong, mà là công việc phải làm thường xuyên, kiên trì và kiên quyết; Bản thân vấn đề môi trường đã mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, cộng đồng nên việc giải quyết vấn đề này phải đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá. Do vậy, cùng với ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, các ngành phải huy động được sự tham gia, đóng góp của địa phương mình, ngành mình, từng người dân, từng gia đình, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp, từng dự án để bảo vệ tài nguyên môi trường.
Tôi mong rằng, hội thảo này sẽ thảo luận và rút ra những việc cần làm trước mắt và lâu dài; Những đề xuất, kiến nghị cần thiết với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển KT - XH với các yêu cầu BVMT, nhằm phát triển bền vững đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước...

(*) Trích bài phát biểu tại cuộc Hội thảo " Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam". Tháng 10/2003.

Trích: Tạp chí Thanh niên VN

http://forum.hanu.vn/forums/t/223.aspx
 

7- CHỈ THỊ của Thủ tướng Chính Phủ 26/11/2007 Nhiều dòng sông... chờ chết

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010 đã được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua (Nghị quyết số 56/2006/QH11). Đây là kế hoạch 5 năm đầu tiên được xây dựng theo hướng phát triển bền vững, toàn diện trên cả ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường. Các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững đã được xây dựng cùng với các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010 và kế hoạch hàng năm, bắt đầu từ năm 2006.
Để có cơ sở đánh giá một cách đầy đủ và chính xác tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững nhằm chuẩn bị cho công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững đã được xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010 và năm 2007 theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương mình, có báo cáo ước tình hình thực hiện kế hoạch hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng 7 và báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch năm trước ngày 31 tháng 01 của năm sau.
2. Đối với một số chỉ tiêu kế hoạch cụ thể về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của ngành nông nghiệp theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" (sau đây gọi tắt là Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng của ngành nông nghiệp sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành nông nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;
b) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về tổng tiêu thụ năng lượng; tỷ lệ chất thải công nghiệp nguy hại được xử lý; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng của ngành công nghiệp sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của ngành công nghiệp theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành công nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;
c) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về xử lý chất thải y tế; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường của ngành y tế theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành y tế được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;
d) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ đô thị loại 3 trở lên được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ đô thị loại 4 được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ gia đình có hố xí hợp vệ sinh; tỷ lệ khu nhà ổ chuột ở đô thị và nhà tạm ở nông thôn, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long được xóa; tỷ lệ dân số được tiếp cận vệ sinh môi trường hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom chất thải rắn; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý hợp vệ sinh; tỷ lệ phần trăm diện tích cây xanh, mặt nước của đô thị; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng của ngành xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường của ngành xây dựng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành xây dựng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;
đ) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về khí thải, tiếng ồn và khói bụi của các phương tiện giao thông; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành giao thông vận tải được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;
e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững của địa phương mình; tỷ lệ doanh nghiệp của địa phương được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;
g) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng phát thải khí CO2; diện tích đất tự nhiên được bảo tồn để duy trì đa dạng sinh học; các chỉ tiêu về tài nguyên đất, nước, không khí, khoáng sản, đa dạng sinh học và các dạng tài nguyên khác;
- Tổng hợp tình hình thực hiện các chỉ tiêu về tài nguyên - môi trường của các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các kỳ kế hoạch để tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm của Nhà nước.
h) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về phát triển bền vững;
- Tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch phát triển tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, chuẩn hóa, ban hành các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững cho từng ngành, từng lĩnh vực, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương lập báo cáo định kỳ hàng năm.
i) Đối với các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững chưa được ghi trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007 thì chưa thực hiện báo cáo trong năm 2007. Các chỉ tiêu này sẽ được xem xét đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 và sẽ được theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo từ năm 2008 trở đi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng

8- Từ vụ bắt quả tang Công ty Hào Dương xả nước thải ra sông

Từ vụ bắt quả tang Công ty Hào Dương xả nước thải ra sông
Lỗ hổng quá lớn trong quản lý môi trường
12-10-2008 23:21:35 GMT +7

Khu vực thu gom nước thải của Công ty Hào Dương. Ảnh: Tr. Thanh
Dù Công ty Hào Dương liên tiếp vi phạm về xả nước thải nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM không làm rõ khối lượng nước thải không qua xử lý đã xả ra sông bao nhiêu, mức độ nguy hại ra sao để truy thu phí và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường
Ngày 12-10, tiếp tục lật lại hồ sơ về Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước) cũng như các doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở TPHCM, chúng tôi phát hiện có nhiều lỗ hổng trong quản lý về lĩnh vực môi trường trên địa bàn TPHCM.
Ai dung túng Hào Dương?
Khi bị cơ quan chức năng bắt quả tang vụ xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền tối 10-10, theo lời khai của hai công nhân vận hành hệ thống xả thải của Công ty Hào Dương là Phan Văn Cường và Võ Văn Thạch, sau 17 giờ hằng ngày, họ được trang bị hai máy bộ đàm và nhận chỉ đạo thông qua máy bộ đàm này để vận hành hệ thống xử lý nước thải. Mỗi khi có sự cố, các công nhân này gọi đến một số điện thoại cố định để nhận lệnh xử lý. Khi nhận được chỉ đạo thông qua máy bộ đàm, họ chỉ biết bật - tắt các công tắc đã được đánh dấu sẵn hoặc nhận lệnh điều khiển trực tiếp từ máy bộ đàm. Điều này cho thấy việc xả chất thải không qua xử lý ra sông của Công ty Hào Dương được thực hiện rất bài bản.
Như Báo NLĐ đã phản ánh, tính từ cuối năm 2007 đến nay, đã rất nhiều lần Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM và chủ đầu tư KCN Hiệp Phước lập biên bản về hành vi xả lén của Công ty Hào Dương. Thế nhưng đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM vẫn chưa làm rõ khối lượng chất thải đã xả lén là bao nhiêu, mức độ nguy hại ra sao để từ đó quy ra số tiền trốn phí cũng như thiệt hại về môi trường để buộc Công ty Hào Dương phải trả. Trong khi đó, số tiền xử phạt hành chính đối với Công ty Hào Dương mỗi lần chỉ vài triệu đồng chẳng khác nào “gãi ngứa”. Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, một cán bộ thanh tra của Bộ TN-MT cho biết chỉ cần một lần phát hiện Công ty Hào Dương xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép là đã có thể buộc công ty này ngưng hoạt động để khắc phục. Sau đó sẽ công khai thông tin trên báo chí để mọi người biết. Đến khi nào hệ thống xử lý nước thải của Công ty Hào Dương đạt tiêu chuẩn mới cho hoạt động trở lại.
Ngoài ra, còn một loạt vấn đề khác cũng cần được làm rõ là tại sao Công ty Hào Dương liên tiếp vi phạm về xả nước thải (xả trực tiếp không qua xử lý, xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần) nhưng mãi đến ngày 18-7-2008, Sở TN-MT TP mới thu hồi giấy phép xả nước thải đối với công ty này. Tại sao Sở TN-MT lại cấp phép cho Công ty Hào Dương được khai thác nguồn nước mặt trên sông với khối lượng lên đến 2.000 m3/ngày...
Còn nhiều DN như Hào Dương
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, ngoài Công ty Hào Dương, tại TPHCM còn rất nhiều DN vi phạm trong lĩnh vực môi trường với tính chất nghiêm trọng. Đứng đầu là Công ty Tân Đức Thảo (nhà máy đặt tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh). Dù hoạt động thu gom vận chuyển chất thải nguy hại nhưng công ty này liên tiếp vi phạm về thu gom và xử lý chất thải nguy hại, điển hình là hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn và đem chất thải nguy hại đổ ra môi trường không qua xử lý.
Kế đến là Công ty TNHH Hoa Tiến (ngành dệt nhuộm, KCN Tân Bình), từ năm 2005 đến nay, công ty này liên tục vi phạm với các hành vi như xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, không tách rời hệ thống thoát nước thải với nước mưa. Mặc dù bị Thanh tra Sở TN-MT nhiều lần xử phạt nhưng công ty này vẫn vi phạm. Tiếp đó là Công ty Cổ phần Hoàng Quỳnh (sản xuất bia tại KCN Vĩnh Lộc), cũng liên tiếp bị Thanh tra Sở TN-MT xử phạt nhưng vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Trước tình trạng nhiều lần vi phạm của các DN trên, Sở TN-MT cho biết đã chuyển hồ sơ sang Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TPHCM để điều tra xử lý hình sự. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có DN nào bị xử lý thích đáng.
“Nhật ký” vi phạm của Hào Dương
- Ngày 15-12-2007, Công ty Hào Dương bị chủ đầu tư KCN Hiệp Phước là Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước (HIPC) lập biên bản vì bơm nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra sông.
- Ngày 16 và 17-12-2007, HIPC tiếp tục phát hiện Công ty Hào Dương xả bùn và nước thải chưa qua xử lý ra sông.
- Ngày 25-1 và 5-3-2008, HIPC tiếp tục phát hiện Công ty Hào Dương lại xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
- Liên tục các ngày 10, 11, 12, 14, 19, 22, 25-3, Công ty Hào Dương tiếp tục bị HIPC lập biên bản về xả nước thải chưa qua xử lý.
- Ngày 3-7, Ban Quản lý KCX-KCN TP kết hợp với HIPC kiểm tra, phát hiện Công ty Hào Dương đang xả nước chưa qua xử lý ra sông. Đến ngày 12-8, lại phát hiện Công ty Hào Dương xả bùn. Ngày 14-8, Công ty Hào Dương bị phát hiện pha loãng nước thải xả ra sông.
- Ngày 4-9, khi kiểm tra hệ thống gạt bùn tại bể lắng bị hư, cán bộ môi trường KCN Hiệp Phước phát hiện có tình trạng xả thải ra sông nhưng bị người của Công ty Hào Dương ngăn cản không cho vào kiểm tra đột xuất.
- Ngày 8-9, Công ty Hào Dương lại xả thải ra sông bị phát hiện. Đến tối 10-10 thì bị Cảnh sát Môi trường bắt quả tang xả chất thải thẳng ra sông.

Thách thức
Những thông tin về việc phát hiện các doanh nghiệp (DN) lén lút xả chất thải độc hại chưa qua xử lý ra môi trường được liên tục đăng tải trên báo chí gần đây luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Ngay sáng 11-10, khi số báo có thông tin về vụ Hào Dương vừa phát hành, đường dây nóng của Báo NLĐ đã liên tục nhận được phản hồi của đông đảo bạn đọc với thái độ phản ứng, đúng hơn là phẫn nộ.
Hoàn toàn dễ hiểu về sự phẫn nộ của dư luận trước hành vi của Hào Dương. Bởi, ngoài việc đổ chất thải chưa qua xử lý ra sông, DN này còn bộc lộ rất rõ thái độ thách thức pháp luật đến khó tin. Làm sao tin nổi một DN vẫn vô tư hoạt động khi chỉ trong thời gian ngắn, đã có tới 20 lần bị lập biên bản, 2 lần bị đề nghị khởi tố hình sự, đều do xả thải nước bẩn, phát tán mùi hôi? Quả là một kỷ lục về tần suất vi phạm và xử lý vi phạm.
Hành vi ngang nhiên vi phạm và vi phạm có hệ thống như Hào Dương khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều cơ quan chức năng ở TPHCM đều biết, đều có thừa bằng chứng về việc Hào Dương vi phạm, thế nhưng, nguồn thải độc hại từ DN này vẫn liên tục tống ra môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian qua, các cơ quan chức năng đã bất lực trước sự thách thức của Hào Dương. Vì thế, việc bị bắt quả tang lần này chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc từ nay, hành vi vi phạm của Hào Dương sẽ chấm dứt.
Lương Duy Cường
Nhóm phóng viên
http://www.nld.com.vn/tintuc/do-thi-hom-nay/242481.asp

9- Ai đã làm ô nhiễm vùng ven sông La Tinh?

17:52', 29/11/ 2006 (GMT+7)
Những ngày gần đây, người dân sinh sống ven sông La Tinh thuộc xã Cát Hanh (Phù Cát), Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) bức xúc vì thường xuyên phải ngửi mùi hôi thối do nguồn nước thải từ nhà máy chế biến tinh bột mỳ Bình Định. Cái mùi thum thủm thối ấy làm khổ những hộ dân này và họ đang hết sức bức xúc. Chúng tôi đã đến các địa phương trên để tìm hiểu thực hư...


Cạnh các hồ chứa chất thải là một vùng đất trũng, nước ngã màu đen.

Đi ngủ cũng mang khẩu trang
Nghe nói đến chuyện mì, ông Nguyễn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hanh lắc đầu: “Nhà máy chế biến tinh bột mì hoạt động, tôi chưa kịp mừng đã vội lo. Năm 2005, nhân dân phản ánh công ty cổ phần chế biến tinh bột mì xuất khẩu Bình Định xả chất thải sản xuất mì ra sông La Tinh, nay UBND xã lại nhận đơn thư phản ánh chất thải mì của nhà máy bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân.
UBND xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra, kết quả kiểm tra cho thấy phản ánh của bà con là đúng sự thật. Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này lên cấp trên xem xét, nhưng ... đến nơi các anh sẽ thấy. Ôi trời ơi, nó thúi ghê lắm. Nhà tôi ở gần đó mà...” - Nói đoạn, vị Phó chủ tịch này chỉ tay về phòng đối diện và hướng dẫn chúng tôi gặp ông Lâm Hữu Thọ để tìm hiểu thêm về vấn đề trên: “Ông Thọ là trưởng thôn Tân Xuân, gặp ổng các anh sẽ được biết cụ thể hơn".
Sau khi nghe chúng tôi trình bày về công việc của mình, ông Thọ tỏ vẻ tâm đắc và hết sức sung sướng: “Các anh đến rất kịp thời, gãi đúng chỗ ngứa của dân rồi đấy. Mấy ngày nay, bà con bức xúc vì phải “sống chung” với cái mùi kinh khủng kia. Trời thì nồng nực, đến ngủ mà cũng phải mang khẩu trang, hoặc trùm kín mền, khổ lắm! Đang ngủ mà ai dỡ khẩu trang ra thể nào cũng bật tỉnh”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, ông Thọ vội thu xếp giấy tờ, tình nguyện làm hướng dẫn viên cùng chúng tôi đến thôn Tân Xuân - nơi đang gánh cái họa hôi thối.
Mới chân ướt chân ráo đến đây đã nghe bà con bàn tán xôn xao. Ông Dương Công Dũng, ở xóm Hanh Hiệp, cho biết: “Nói cho đúng, ban ngày bà con chúng tôi gần như không nghe mùi gì cả. Nhưng tầm khoảng 20 giờ đến 3 giờ sáng, mùi hôi thối nồng nặc, đóng cửa kín mít mà cũng nghe mùi. Bà con đến mất ngủ khi hít thở mùi thum thủm của chất thải mì.” Nghe bàn tán về chuyện mùi mì, ông Nguyễn Xuân Diên đang cải tạo đám ruộng gần đó, vội bỏ cuốc đến góp chuyện: “Còn nhớ hồi năm ngoái, không biết nhà máy có thải nước thải ra sông hay không nhưng rõ ràng là nước sông tự nhiên đen ngòm, cá chết hàng loạt. Bà con trong xóm không dám đưa gia súc ra sông để tắm vì sợ chúng uống phải nước sẽ bị ngộ độc. Bẵng đi một thời gian, nay mùi mì lại đậm đặc vào nhà. Ngay cả những ngày trời mưa, mùi thối lại còn nặng hơn". Theo một số bà con ấy là do nhà máy tranh thủ xả thải ra môi trường.


Nước chảy xuống sông La Tinh qua con mương nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn Tân Xuân cho biết: “Nhà tôi có giếng nước nằm gần mé sông, trước đây nước rất ngọt. Nhưng gần 1 tháng nay, nước giếng trở chứng bốc mùi hôi. Tôi nghi ngờ nước giếng bị nhiễm phải nước thải của mì. Nghe đài báo đưa thông tin ở tỉnh nào đó cũng có tình trạng nhà máy thải nước thải gây ô nhiễm môi trường. Tình cảnh mà báo đài mô tả y hệt như chúng tôi đang chịu vậy.”
Ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cũng đã “nếm mùi” thum thủm của chất thải mì. Ông Anh cho biết: “Công ty cổ phần chế biến tinh bột mì xuất khẩu Bình Định có thải nước thải mì ra sông hay không thì tôi không dám chắc, nhưng tôi khẳng định nhân dân ở thôn Tân Xuân và một số thôn khác của xã Cát Hiệp đang sống chung với mùi hôi thối độc hại. Hôm trước tôi có về thôn Tân Xuân và nghỉ qua đêm. Đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được vì mùi hôi thối của chất thải mì cứ quánh lại, xốc lên mũi. Vì thế tôi hiểu hơn ai hết bức xúc của dân. UBND huyện Phù Cát không có thẩm quyền giải quyết sự vụ này, vì nhà máy nằm bên Phù Mỹ nhưng chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND tỉnh, để tỉnh có biện pháp xử lý.”
Thôn Tân Xuân được ngăn cách với Nhà máy chế biến tinh bột mì xuất khẩu Bình Định bởi con sông La Tinh. Nước sông ngã màu đen ngòm, nước có mùi hôi khó chịu. Chúng tôi lội sông qua nhà máy mà cảm giác sờ sợ. Điểm khoảng cách giữa bờ sông với các hồ chứa là một vùng đất trũng, nước đen sền sệt, cỏ cây héo rũ. Ông Thọ chép miệng: “Nếu xảy ra một cơn mưa, nước ở khu vực này sẽ tuôn hết xuống sông, nhân dân lãnh đủ… ” Không chịu nổi mùi hôi phát tán từ các hồ chứa, chúng tôi vội vã rút lui.
Doanh nghiệp - Tuyệt đối không xả nước thải ra ngoài!
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở thôn Tân Xuân, mà người dân ở xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) cũng đang lo lắng cho sức khoẻ của mình vì thường xuyên ngửi mùi thum thủm của mì. Ông Trần Đình Lý, ở thôn Vạn Thiện cho biết: “Nhiều ngày qua, tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì hít phải mùi hôi thối của chất thải mì. Bà con chúng tôi nghi ngờ trong quá trình sản xuất thử, công ty cổ phần chế biến tinh bột mì xuất khẩu Bình Định lén lút thải nước thải mì ra môi trường”.

Nước trong giếng nước của hộ bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Tân Xuân (Cát Hanh) rất hôi.
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, ông Lê Văn Tám, Phó giám đốc Công ty cổ phần chế biến tinh bột mì xuất khẩu Bình Định khẳng định: “Nước thải chế biến tinh bột mì của nhà máy đều nằm ở các hồ chứa. Tuyệt đối không thải ra ngoài. Nước trong các hồ chứa hoàn toàn không thẩm thấu ra ngoài. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chưa ổn định, trong quá trình chạy thử, sửa chữa hệ thống, mùi chất thải phát sinh bốc mùi hôi. Công ty đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, trồng cây xanh tạo vành đai xanh, nhằm giảm thiểu mùi hôi phát tán. Khi các hồ chứa nước đầy, chúng tôi sẽ báo cho ngành chức năng của tỉnh biết, công ty sẽ ngừng sản xuất…”.
Công ty cổ phần chế biến tinh bột mì xuất khẩu Bình Định có thải nước thải trực tiếp ra môi trường hay không còn phải chờ kết quả kiểm tra, xác minh của ngành chức năng trong tỉnh. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều, mùi hôi thối gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân sống ở vùng lân cận nhà máy là có thật; nước sông La Tinh bị ô nhiễm, có màu đen bất thường là có thật.
Doanh nghiệp thì nói chắc - Không xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài! Vậy ai đã làm ô nhiễm vùng ven sông La Tinh bằng thứ mùi hôi thối kinh khủng ấy? Tin rằng các cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Nhân dân địa phương mong muốn ngành chức năng của tỉnh can thiệp, giải quyết kịp thời tình trạng trên, trả lại cuộc sống bình yên cho họ.
• Tiến Sỹ - Nguyễn Phúc
Cần Thơ:
 

10- Công khai "bức tử" sông Hậu

Cập nhật: 10:03 AM, 29/09/2008

Những miệng cống của doanh nghiệp tại KCN Trà Nóc xả nước đen ngòm ra sông Hậu.
Sông Hậu chảy qua Cần Thơ, đang chịu đựng nước thải chưa qua xử lý của 3 khu công nghiệp - mỗi ngày trên 60.000 m3, đó là chưa kể hàng ngàn cơ sở tiểu thủ công nghiệp khác. Từ trước đến nay việc thải nước ra sông Hậu diễn ra công khai.
Vô tư xả nước bẩn
Theo quy trình, nước thải sau khi được doanh nghiệp xử lý bước một, tập trung lại tại khu công nghiệp (KCN) xử lý lần hai rồi mới được thải ra sông Hậu. Ở đây, 15% doanh nghiệp thải nước bẩn trực tiếp ra sông, còn lại 85% có hệ thống xử lý nước thải bước một.
Tuy nhiên việc các hệ thống này có được vận hành thường xuyên hay không thì không chắc chắn. Thực tế, hầu hết các miệng cống từ các doanh nghiệp thường xuyên thải ra thứ nước đen ngòm, đặc quánh và tanh nồng.
Nhà ông Dương Văn Mười (tại khu vực 4, phường Trà Nóc, Bình Thủy, Cần Thơ) nằm cạnh một cống thoát nước của KCN Trà Nóc đổ ra rạch rồi chảy ra sông Hậu. Ông bức xúc: "Nhiều năm nay, người dân ở đây chịu đủ mùi tanh của cá, mùi hôi thối của vỏ tôm, lông gà vịt. Rạch Sang Trắng trước kia là nguồn nước sinh hoạt của bà con. Nay nước rạch bẩn đến mức không ngửi nổi. Người dân xung quanh thì mắc đủ thứ bệnh".
Ông Lê Văn Minh, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, thuộc Sở TN-MT Cần Thơ cho biết: Chi phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải bước một với doanh nghiệp nhỏ xấp xỉ 1 tỷ đồng, doanh nghiệp lớn lên đến hàng chục tỷ đồng. Chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải tốn kém cả trăm triệu đồng/tháng nên không ít doanh nghiệp không xây dựng hoặc không vận hành hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra sông. "Chỉ khi có kiểm tra, doanh nghiệp mới vận hành hệ thống xử lý nước thải để đối phó" - Ông Minh nói.
Tháng 3.2008, Hội thảo khoa học Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực ĐBSCL - triển vọng và thách thức, tổ chức tại Long An đưa ra một con số thống kê: ĐBSCL có 113 khu-cụm công nghiệp với 12.757 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên diện tích khoảng 24.000ha đất, mỗi năm thải 42,7 triệu m3 nước thải công nghiệp, 220.000 tấn rác thải công nghiệp. Các KCN này cạnh sông Tiền, sông Hậu và đến nay chưa có KCN nào có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trên địa bàn Cần Thơ còn có 500 ao, bè nuôi cá, trên dưới 5.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, bệnh viện... đều chưa có hệ thống xử lý nước thải chung. Tình trạng này kéo dài đã hàng chục năm mà không có biện pháp ngăn chặn.
Hiện nước sông Hậu đã có hàm lượng độc tố vượt quá chuẩn cho phép. Ví dụ như hàm lượng amoniac vượt quá 10 lần, chỉ số coliform (nhóm vi khuẩn gây bệnh đường ruột) vượt 136 lần.
Chế tài quá "đuối"
Theo ông Minh, việc doanh nghiệp thải nước bẩn trực tiếp ra sông có một phần do khi quy hoạch KCN, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung. Đến nay, UBND Cần Thơ mới tính đến phương án vay 15 triệu USD để xây dựng tại KCN Trà Nóc nhưng cũng phải đợi đến năm 2009 mới bàn đến việc... xây dựng đề án.
Ông Minh nói: "Việc vi phạm của doanh nghiệp là công khai và tràn lan, tuy nhiên chế tài không đủ mạnh". Ví dụ, Sở TN-MT chỉ được phép xử phạt doanh nghiệp vi phạm dưới 70 triệu đồng, cao hơn phải trình UBND thành phố ra quyết định. Dù có bị xử phạt thì mức như vậy là quá nhẹ nhàng so với chi phí xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Phòng Quản lý Môi Trường (Sở TN-MT Cần Thơ) biên chế 10 người, hàng năm kiểm tra không xuể. Việc kiểm tra, xử phạt hàng ngàn cơ sở tiểu thủ công nghiệp và hàng trăm hộ nuôi cá được phân cấp cho Phòng TN - MT các quận, huyện. Mỗi quận, huyện chỉ có từ 1 - 2 cán bộ nên việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở này rất kém hiệu quả. Cơ quan chức năng thiếu phương tiện, con người và chuyên môn lâu nay bất lực nhìn các cơ sở này công khai xả nước bẩn ra sông.
Đơn cử như 40 cơ sở nấu mật đường tại huyện Thốt Nốt, có hàm lượng độc tố chất thải thẳng ra sông vượt mức cho phép hàng ngàn lần. Trong khi huyện chỉ có 1 cán bộ chuyên trách về môi trường.
Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Cần Thơ được thành lập từ tháng 10.2007 đến nay có 25 cán bộ, chiến sĩ kiêm nhiệm nhiều việc. Không có phương tiện tác nghiệp, mỗi lần muốn kiểm tra các doanh nghiệp phải "đi nhờ" phương tiện của các đơn vị khác.
Việc xử phạt các DN cũng chuyển về Sở TN-MT. Thượng tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng, cho biết: "Đã có pháp lệnh xử phạt hành chính quy định thẩm quyền của CSMT, tuy nhiên phải chờ nghị định và thông tư hướng dẫn".

>> Nước thải ô nhiễm từ nhiều nguồn vẫn đổ ra kênh rạch http://www.laodong.com.vn/Home/Cong-khai-buc-tu-song-Hau/20089/108246.laodong
dinh.com.vn/kinhte-phattrien/2006/11/35755/
 

11- Lãng phí hàng trăm tỷ vì dự án cải thiện môi trường

Cập nhật: 30/06/2008 - 16:09 - Nguồn: VTC.vn
Dưới đây là phiên bản cache tại địa chỉ http://vtc.vn/dothi/moitruong/184237/index.htm

Được đầu tư với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng các dự án cải thiện ô nhiễm môi trường ở TP Đà Nẵng gần như không phát huy được tác dụng, mặc cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước, rác thải, không khí trên địa bàn ngày càng trầm trọng thêm.
Điển hình trong số các dự án cải thiện môi trường không hiệu quả đó là Nhà máy xử lý nước thải KCN Hoà Khánh, Dự án bãi rác Khánh Sơn mới và Dự án thoát nước vệ sinh TP.

Lượng nước thải ô nhiễm chưa qua xử lý vẫn vô tư đổ ra biển (Trong ảnh là bãi biển Mỹ Khê). (Ảnh: Bửu Lân)
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, mức độ ô nhiễm nước thải tại các KCN Hoà Khánh, Liên Chiểu, Thọ Quang hiện đều vượt mức cho phép gấp nhiều lần; nồng độ các chất độc hại trong không khí tại các cơ sở sản xuất công nghiệp rất nghiêm trọng với mức độ cao gấp từ 2 -100 lần (cụ thể CO vượt từ 67-100 lần, hơi chì, NOx vượt 2 đến 6 lần, kết quả phân tích các thông số bụi kim loại khác cũng rất cao: kẽm 7,91 mg/m3, đồng là 0,03 mg/m3, sắt 0,05 mg/m3).

Trong khi đó, Dự án nhà máy xử lý nước thải KCN Hoà Khánh được đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm nói trên được đưa vào sử dụng từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được công dụng. Sự hoạt động cầm chừng của dự án khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này ngày càng trầm trọng thêm.
7 "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường
Mặc dù đã nỗ lực cải thiện, nhưng tính đến thời điểm này, TP Đà Nẵng vẫn tồn tại 7 “điểm nóng” ô nhiễm môi trường tại các KCN, khu dân cư, sông hồ và biển với mức độ ô nhiễm nồng độ đo được cao gấp 30 lần cho phép đối với môi trường nước, đất, và vượt hơn 65.000 lần đối với môi trường không khí.
Được biết, KCN Hoà Khánh còn hơn 150 ha diện tích chưa có hệ thống cống nước thải và 89 cơ sở sản xuất chưa được đấu nối vào hệ thống xử lý. Mỗi ngày có gần 3.000m3 nước thải ô nhiễm có hàm lượng hữa cơ, vi sinh vật và kim loại nặng cao gấp 2 - 10 lần so với mức cho phép vô tư thải ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong thời gian dài.
Tương tự, dự án Bãi rác Khánh Sơn mới với tổng mức đầu tư gần 3 triệu USD, chiếm diện tích hơn 50ha, từng được "quảng bá" có công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại nhất Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng chỉ vì thiếu khu thu gom rác thải, quy trình xử lý thiếu đồng bộ...
Chính vì vậy, hàng ngày khoảng 250m3 nước rỉ rác không đảm bảo của bãi rác cũ (nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải như BOD, COD vượt tiêu chuẩn cho phép trên 30 lần) vẫn vô tư chảy trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân nơi đây và cả người dân khu vực trung tâm TP khi lượng nước thải này theo mương cống đổ về sông Phú Lộc, ra biển Thanh Bình.

Một dự án lãng phí không kém khác, đó là Dự án thoát nước Vệ sinh TP Đà Nẵng. Dự án được hy vọng là giải quyết những vấn đề về vệ sinh môi trường tại trung tâm TP. Song từ khi đưa vào vận hành, không ít “sự cố” phát sinh từ việc sụt lún của các tuyến ống HDPE cho đến phát sinh mùi hôi thối tại các cửa cống, khiến người dân Đà Nẵng “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Chưa hết, do hệ thống bơm nước thải tự động dọc các tuyến đường ven biển hoạt động chưa đồng bộ, một lượng lớn nước thải sinh hoạt ô nhiễm, hôi thối chưa được xử lý đổ vô tội vạ ra biển. Có thể thấy rõ thực trạng trên tại bãi biển Mỹ Khê, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Văn Thoại và tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành.

Hố chôn rác thải y tế mà Bãi rác “tiêu chuẩn quốc tế” đã từng sử dụng. (Ảnh: Bửu Lân)
Ông Lê Trần Nguyên Hân, Trưởng phòng QL Môi trường - Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết: Việc tồn tại 7 “điểm nóng” về môi trường là hệ quả của các dự án được đầu tư chưa đồng bộ, việc quản lý và vận hành các dự án về môi trường chưa hiệu quả.
Để giải quyết những điểm nóng trên, theo ông Hân, điều trước hết là phải xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục công trình như hệ thống cống dẫn nước thải, đấu nối nước thải tại KCN Hoà Khánh; hay thu gom, xử lý nước thải đạt yêu cầu tại bãi rác Khánh Sơn cũ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu xử lý nước thải tại KCN thuỷ sản Thọ Quang…
Đối với hệ thống cống dẫn nước thải tại bãi biển nói riêng, Dự án Thoát nước vệ sinh TP nói chung, cần đánh giá lại cụ thể nhằm đưa ra biện pháp giải quyết tổng thể, tránh phát sinh ô nhiễm như thời gian vừa qua…
Tuy nhiên, đó chỉ mới là giải pháp cụ thể, tức thời. "Biện pháp lâu dài vẫn là cơ chế phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng đối với các đơn vị hoạt động, giám sát chặt chẽ chất lượng vận hành của các dự án môi trường. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, các cơ sở sản xuất, các đơn vị vận hành dự án bằng các hoạt động tuyên truyền cũng như chế tài cứng rắn. Thậm chí có thể đóng cửa tạm thời hay vĩnh viễn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, ông Hân khẳng định.
Bửu Lân
http://ww

12-Hủy diệt và phục sinh: Văn hoá từ chức

03:11' 09/10/2008 (GMT+7)
-…Người dân thực sự ngạc nhiên và thất vọng...Họ đã và đang chờ đợi nhưng chưa thấy ai trong các nhà quản lý liên quan, cấp thấp, cấp cao, nhận lỗi nào về mình. Hình như ở ta chưa có thói quen...hay nói chữ nghĩa hơn, chưa có văn hóa nhận lỗi, và đặc biệt là văn hóa từ chức...

Dòng sông quê hương kêu cứu...

Hồi phục một dòng sông, như sông Thames và hồi sinh một môi trường thiên nhiên nói chung đã bị hủy hoại, ở nước nào cũng vậy, đều phải trả bằng cái giá rất đắt. Vì tiền của để khôi phục lại môi trường khi đã ô nhiễm, đã suy thoái trầm trọng lớn gấp nhiều lần chi phí cho việc bảo vệ môi trường tiến hành đồng thời với phát triển kinh tế. Chưa kể có những trường hợp không bao giờ khôi phục lại được môi trường khi đã bị hủy hoại.


Sông Thị Vải - "dòng sông chết". Nguồn ảnh: tuoitre.com.vn

Vì vậy, cần phải bác bỏ một luận điểm hết sức sai lầm: Đánh đổi sự suy thoái môi trường để lấy tốc độ phát triển kinh tế. Cụ thể hơn, lúc đầu ưu tiên phát triển nhanh kinh tế, thu tối đa lợi nhuận, gạt lại vấn đề môi trường; đợi đến lúc tích lũy nhiều tiền của sẽ khôi phục lại môi trường đã bị tàn phá. Thực tiễn đã chứng tỏ "luận điểm" đó chẳng qua là sự ngụy biện đầy tính dối trá và vụ lợi.

Bài học về sự ứng xử của con người đối với môi trường, giải quyết bài toán bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế bền vững là bài học kinh nghiệm xương máu không chỉ từ nước Anh, mà từ tất cả mọi quốc gia đã trải qua hàng trăm năm công nghiệp hóa, phát triển tư bản. Bài học đó vô cùng quý giá cho nhiều nước đang phát triển khác ở châu Á, châu Mỹ La tinh, châu Phi… hiện nay.

Việt Nam không thể là một ngoại lệ. Những thành công và thất bại trong việc ứng xử với môi trường tích lũy được của cả thế giới, qua bao nhiêu thế hệ, là bài học lớn giúp Việt Nam, cũng như các dân tộc đang đặt bước chân muộn màng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có cơ may tránh được những vấp váp, tổn hại không đáng có.



Nhưng vì sao với đất nước ta, cơ may ấy vẫn chỉ là cơ may, chưa biến thành vận may. Thậm chí, chúng ta đã phải trả giá quá đắt- ô nhiễm môi trường sống, môi trường thiên nhiên trầm trọng, chỉ vì sự vô cảm, kém cỏi và tham lam, vụ lợi đến tàn nhẫn của con người. Những tưởng các dòng sông trên quê hương Việt Nam tránh khỏi dòng xoáy kinh hoàng mà sông Thames ở bên trời xa từng trải qua.

Nhưng rồi tiếng kêu cứu đã và đang khẩn thiết lại cất lên từ chính các con sông rất đỗi hiền hoà, thân thương và gắn bó với con người Việt Nam. Từ con sông Cầu “của người quan họ” chảy qua sáu tỉnh Bắc bộ, từ sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch chảy trong trái tim vốn lãng mạn của người Tràng An – Hà Nội, đến sông Đồng Nai và Thị Vải chảy qua vùng đất trù phú của những con người miền Đông “gian lao mà anh dũng”.

Một năm trước đây thôi, chính Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đưa ra những con số báo động đỏ (nguồn: Lao Động số 95 Ngày 26/04/2007). Với hơn 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực gồm luyện kim, chế biến thực phẩm … hơn 200 làng nghề chuyên sản xuất giấy, nấu rượu, mạ kim loại, chăn nuôi gia súc gia cầm, nhưng quá ít ỏi những trạm chế biến xử lý, đã khiến sông Cầu "nước chảy lơ thơ" đang dần biến thành con sông ngắc ngoải chết.

Trên hệ thống các sông Nhuệ - Đáy – Tô Lịch, riêng t/p Hà Nội đã đổ 54% lượng nước thải sinh hoạt, cùng khoảng 10.000m3 nước thải của hơn 14.000 cơ sở y tế, của 4.113 xí nghiệp, 458 làng nghề...và hầu như đều không qua xử lý, hay chỉ làm qua loa, chiếu lệ. Không còn mấy ai dám bơi lội, dạo mát dọc bờ các con sông này.


Sông Nhuệ chỉ còn là mảng mầu đen kịt. Nguồn ảnh: tnmthanam.gov.vn

Và nghiêm trọng nhất là ở lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, ô nhiễm tới mức ở nhiều khúc sông các loài vi sinh vật ở đây không còn khả năng sống sót. Cả đoạn sông dài 12km từ nơi hợp lưu suối Cả - sông Thị Vải đến khu vực cảng Phú Mỹ bị ô nhiễm tới mức không còn loài cá tôm thuỷ sản nào tồn tại.

Và Thị Vải, tên gọi dân gian mộc mạc như con người Nam Bộ ấy bỗng trở thành một điểm nóng đang làm nhức nhối bao nhiêu người Việt Nam có tâm huyết. Sông Thị Vải và hệ thống sông Đồng Nai nói chung đang là mảng màu đen tối nhất trong bức tranh môi trường Việt Nam hiện nay, nó gợi nhớ sông Thames, không phải sông Thames trong lành hiện nay, mà là con sông Thames “cổ tích” của một hai thế kỷ trước đây.

…Và lên tiếng

Ở kỷ nguyên này, thế kỷ 21 này, đối với các nhà doanh nghiệp đầu tư lẫn các cấp quản lý tài nguyên- môi trường, thì sự cố Thị Vải, cũng như những gì đang diễn ra với sông Cầu, sông Nhuệ v.v… không còn là bất ngờ, sửng sốt nữa....

Vì trong các lớp người kể trên, hẳn không ít người đã có dịp tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, từng đứng tựa bên chiếc cầu London kỳ vĩ ngắm dòng sông Thames xanh trong chảy dưới chân mình, hoặc tựa mạn tàu nhìn dòng sông Sein trong trẻo giữa lòng thành phố Paris hoa lệ. Họ không phải không được trang bị những kiến thức tối thiểu về kỹ thuật, về kinh tế học, về quản lý đủ để xử lý mối quan hệ tương tác giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Không những thế, trong thời gian qua, không chỉ một vài năm mà từ hàng chục năm trước đây, nguy cơ về môi trường ở sông Thị Vải của Đồng Nai và ở nhiều “Thị Vải” ở các nơi khác cũng đã được cảnh báo rộng rãi. Từ số liệu điều tra của các cơ quan chuyên môn đến các bài báo và những bức thư thỉnh cầu, kêu cứu dồn dập của dân chúng. Nhưng vì sao những lá thư, những lời kêu cứu ấy rơi tõm vào sự im lặng đáng sợ?

Rõ ràng, tình trạng ngắc ngoải của môi trường sông Thị Vải ở Đồng Nai và bao nhiêu “Thị Vải” khác nữa trong cả nước ngày hôm nay, các nhà đầu tư, những ông chủ lớn nhỏ đều đã nhìn thấy ngay từ khi mới là dự án trên giấy. Và hẳn các nhà quản lý môi trường, quản lý dự án, ở các cấp khác nhau, cũng phải hình dung ra những gì sẽ xảy ra, và thực sự họ đã được cảnh báo nhiều lần. Với những “cái chết đã được báo trước” ấy, những người liên đới không thể viện lý do gì để biện hộ được cho trách nhiệm của mình. Vô cảm, dốt nát, hay vì gì gì nữa?.

Vì vậy, những lời xin lỗi, ăn năn muộn màng của những “ông chủ lớn” Vedan không thể thay cho món nợ mà họ phải trả cho tội ác và hậu quả nặng nề đã gây ra với cộng đồng người dân Việt. Trước lòng tham đến mù quáng và táng tận lương tâm, những hành động gian dối, sai phạm cố ý, có tính toán, có hệ thống …của họ đối với môi trường, mọi người Việt Nam đều phẫn nộ và không dễ dàng gì cho qua.

Và vì vậy, các nhà quản lý hẳn cũng không thể thoái thác trách nhiệm bằng cách đá quả bóng trách nhiệm loanh quanh, bằng những câu giải thích nhẹ nhàng, dễ dàng, như “bất ngờ với thủ đoạn của Vedan”, “do thiếu nhân lực để kiểm tra kiểm soát”, “vì luật pháp chưa đầy đủ”, hoặc kể lể ”đã năm lần bảy lượt kiểm tra hiện trường mà không phát hiện được” v.v…

Người dân thực sự ngạc nhiên và thất vọng vì những câu nói đó, thái độ đó. Họ đã và đang chờ đợi nhưng chưa thấy ai trong các nhà quản lý liên quan, cấp thấp cấp cao, nhận lỗi nào về mình. Hình như ở ta chưa có thói quen…, hay nói chữ nghĩa hơn, chưa có văn hóa nhận lỗi, và đặc biệt là văn hóa từ chức.

Với vụ Vedan và vụ sông Thị Vải...cái ung nhọt môi trường Việt Nam như đã vỡ ra. Lúc này, hơn bao giờ hết, những người dân đang lay lắt vì thiếu những giọt nước ngọt lành và bầu khí trời trong trẻo, đang chờ đợi một sự phán xét nghiêm túc và minh bạch về mọi sai phạm, đang mong mỏi một sự đổi mới và chấn chỉnh rõ rệt về tổ chức, con người, chính sách và giải pháp quản lý môi trường hiệu quả, trên cơ sở luật pháp, và các định hướng có tầm.


Mong ước được mãi trong lành như dòng sông Thames ở xứ sở sương mù xa xôi. Nguồn ảnh: vnphoto.net

Tất cả những dòng sông trên quê hương Việt Nam đang mong ước được mãi trong lành như dòng sông Thames ở xứ sở sương mù xa xôi. Cũng như mọi người dân Việt Nam mong ước và đòi hỏi đất nước mình sớm tiến kịp các nước phát triển và văn minh trên thế giới vậy.
• Trần Minh
http://www.vietnamnet.vn/thuhanoi/2008/10/807593/

13- Bắt quả tang một nhà máy mì xả nước thải

Đường nước xả ra kênh Tây của Nhà máy Hồng Phát - Ảnh: N.G.
TT - Sau ba ngày mật phục, ngày 17-10 Phòng cảnh sát môi trường Công an Tây Ninh (PC36) đã bắt quả tang một vụ xả nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy bột khoai mì Hồng Phát (ấp Phước Bình, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) do vợ chồng ông
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nguyễn Văn Hồng và bà Trần Thị Chăn làm chủ.
Nhà máy của vợ chồng ông Hồng chuyên sản xuất chế biến tinh bột và bã mì ướt. Với diện tích đất 12ha, ông Hồng đã cho đào 10 hầm chứa nước thải nhưng mới có năm hầm được sử dụng.
Tại hiện trường, các trinh sát bắt quả tang một đường thoát nước từ hầm số 4 - phía nhà máy ra suối, màu nước trắng đục đang tuôn chảy.
Trung úy Nguyễn Anh Tuấn, đội chống ô nhiễm Phòng cảnh sát môi trường, cho biết: “Chủ cơ sở đã chôn đường ống có đường kính 40cm, dài 1,5m ngầm dưới bờ bao nối liên thông với các hồ, thông xuống suối và dẫn ra kênh tiêu bờ hồ Dầu Tiếng chảy về kênh Tây. Nước thải ảnh hưởng đến những hộ đang kinh doanh nuôi cá bè trên kênh Tây và nguồn nước sinh hoạt của người dân”.
19g30 cùng ngày, khi bị lập biên bản, ông Hồng thừa nhận trước đây đoàn kiểm tra về môi trường mỗi năm có đến kiểm tra hai lần nhưng nhà máy đều thoát do không bị phát hiện. Ông Hồng thừa nhận việc nhà máy của ông vi phạm về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Tây Ninh đã có mặt tại hiện trường lấy các mẫu nước thải để kiểm định. Các đơn vị chức năng đang tiếp tục làm rõ để xử lý.
NINH GIANG
Chợ Bình Điền, TP.HCM: Nước thải xả ra sông

Trẻ con ở chợ Bình Điền nhặt xác cá theo nước thải tràn ra mặt đường (ảnh chụp lúc 1g sáng 18-10) - Ảnh: N.Triều
TT - Lúc 0g ngày 18-10, lực lượng của Phòng cảnh sát môi trường (PC 36) Công an TP.HCM kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với ban quản lý chợ đầu mối thủy sản Bình Điền, sau khi phát hiện một lượng rất lớn nước thải chưa qua xử lý thoát ra sông Chợ Đệm.
Theo ban quản lý chợ Bình Điền, hệ thống xử lý nước thải của chợ có công suất 400m3/ngày trong khi lượng nước thải thực tế mỗi ngày hơn 1.000m3.
Do quá tải nên nước thải từ các nhà lồng dồn về bể thu gom của hệ thống xử lý rồi tràn thẳng ra mặt đường, theo cống đổ ra sông, gây hôi thối cả khu vực. Ban quản lý chợ cho biết hiện tượng quá tải này xảy ra khoảng một tháng. Tuy nhiên, theo những người buôn bán tại đây, tình trạng nước thải từ bể thu gom chưa được xử lý đã xuất hiện từ nhiều tháng nay.
N.TRIỀU
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=283907&ChannelID=3

14- Vụ Vedan từ góc nhìn văn hóa

Thứ tư, 8/10/2008, 07:00 GMT+7
Những ngày cuối tháng 9/2008, dư luận cả nuớc xôn xao về việc cơ quan điều tra bộ công an, phát hiện nhà máy VeDan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Có người gọi đây là một cú sốc, một vết thương đối với văn hoá Việt. Nhìn từ góc độ văn hoá để phê phán thì cách gọi như vậy cũng không có gì là quá đáng.



Sông là lá phổi sinh thái, là cỗ máy điều hoà khổng lồ đem lại sự cân bằng môi sinh...


Bởi lẽ: Đối với dân tộc Việt thì nước có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó có vai trò như một bà đỡ của văn hoá Việt (Cultural Nurse). Không phải vô cớ mà trước quốc hiệu Việt Nam lại có một từ Nước (water) trong khi với một số những quốc gia khác, thì Đất (land) mới là từ gắn liền với quốc hiệu của họ như England (Anh), Poland (Ba lan) Scotland (Xcốtlen) Ireland (Ai Len) Netherland (Hà Lan) Thailand (Thái Lan)….Bởi vì bên cạnh chức năng là một nhu cầu vật chất tối cần thiết, mà thiếu nó thì loài người tất sẽ… ..diệt vong, đối với dân tộc Việt cũng như những dân tộc trưởng thành từ nền văn minh lúa nước, thì Nước còn là căn để của nền văn hoá .Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng thì nền văn minh lúa nước là chiếc nôi để hình thành cộng đồng cư dân có lối sống định cư định canh và các giá trị văn hoá phi vật thể kèm theo, đó chính là văn hóa làng xã - gốc rễ sâu xa để tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc Việt. Nước hay ở một dạng thức khác của nó là những con sông đã ăn sâu vào đời sống vật chất - tinh thần như một nhu cầu không thể thiếu, một sự tất thể trong tâm hồn người Việt. Đó là “những con sông đã tắm mát cả đời ta” (Giang Nam), là “những con sông xanh biếc, nước gương trong soi bóng hàng tre” (Tế Hanh). Những con sông mà dù “quá một nửa đời phiêu dạt” nhưng cuối cùng vẫn phải quay về “úp mặt vào sông” (Lê Huy Mậu).
Trong lịch sử giữ nước nhiều võ công hiển hách được gắn liền với tên tuổi những địa danh sông nước nổi tiếng như: Bạch Đằng, Hàm tử, Chương Dương, Sông Lô, Sông Thao…Trong công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước, vai trò của sông nước càng trở nên quan trọng, Bởi tất cả những đô thị trên đất nước ta đều nằm bên những dòng sông. Hà Nội gắn với sông Hồng, Thành phố Hồ Chí Minh- sông Sài Gòn; Huế -sông Hương; Hải Phòng-sông Cấm; Đà Nẵng – sông Hàn... Sông cung cấp cho đô thị nguồn nước để phục vụ mọi nhu cầu sinh hoạt, và sản xuất. Sông là huyết mạch giao thông quan trọng để phân phối lưu thông hàng hoá giúp cho kinh tế ngày càng phát triển. Sông là lá phổi sinh thái, là cỗ máy điều hoà khổng lồ đem lại sự cân bằng môi sinh v.v và v.v
Vậy mà hãy xem VeDan đã đối xử với “bà đỡ” nền văn hoá, với ân nhân” của nền kinh tế của chúng ta như thế nào? Theo bản tin đăng trên báo điện tử Vietnamnet ngày 19/9/2008 thì công ty VeDan đã chính thức thừa nhận 10 hành vi “giết” sông Thị Vải (chữ dùng của báo VietNamnet- thực ra với những động thái lén lút của họ trong vụ vệc này, thì phải gọi những hành vi của họ là ám sát thì chính xác hơn). Theo đó thì công ty này trong suốt 14 năm qua đã liên tục xả nước thải (chưa qua xử lý) vào sông Thị Vải, có những thời điểm luợng xả gấp gần mười lần qui định (5000m3/ngày). Công ty Ve Dan đã thừa nhận sự vi phạm và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Song câu hỏi đặt ra ở đây là ngoài Ve Dan còn có bao nhiêu cơ quan, doanh nghiệp khác …cũng hành xử với môi trường sông nước man rợ như vậy? Ngoài sông Thị Vải còn có bao nhiêu con sông đã và đang bị “ám sát”, đang phải chết tức tưởi như vậy?



Ngoài Thị Vải còn có bao nhiêu con sông đã và đang bị “ám sát”, đang phải chết tức tưởi như vậy?


Để trả lời những câu hỏi này tôi đã thử làm làm một test nho nhỏ khi gõ vào công cụ tìm kiếm Google trên mạng Internet cụm từ “xả nước thải gây ô nhiễm” ngay trong 10 kết quả đầu tiên ngoài VeDan ra đã tìm “tóm” thêm được gần chục “hung thủ” gây tội ác với môi sinh như: Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường; Nhà máy Bột Giấy Phong Châu (Phú Thọ) xả nước thải gây ô nhiễm môi trường; Doanh nghiệp Quốc Thành (Cà Mau) bị nhân dân vây hãm không cho tiếp tục sản xuất vì xả nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, rồi thì các địa phương khác như Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Thái nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng đều có hiện tượng tương tự. Như vậy có thể nói VeDan chẳng qua chỉ là “giọt nước tràn ly” mà thôi. Vậy là đã từ lâu, rất lâu rồi chúng ta đã hành xử với sông nước, với thiên nhiên theo kiểu chụp giật ” ăn xổi ở thì”, “bóc ngắn cắn dài”, “tham bát bỏ mâm”, bất chấp những lời cảnh báo thống thiết như “nước là máu của sự sống”, bất chấp việc có những quốc gia láng giềng phải bỏ rất nhiều tiền ra để mua nước sinh hoạt và sản xuất như Singapore.
Vâng, với kiểu hành xử như vậy thì đây rành rành là một cú sốc văn hoá, (xét từ góc nhìn văn hoá). Tuy nhiên, xét về mặt tâm lý thì cách gọi vụ việc này là một cú sốc (choáng) có vẻ chưa được hợp lý, bởi hình như tâm lý chúng ta đã được chuẩn bị khá chu đáo để đón nhận những việc tương tự như thế này rồi thì phải? Trái tim chúng ta đã từng nhói đau trước hàng trăm lằn sẹo đòn roi trên tấm lưng một em gái vị thành niên bị hành hạ giữa lòng thủ đô Hà Nội, đã từng rùng mình khi được biết hàng tấn thịt gà đã bắt đầu bị phân huỷ nhưng vẫn chuẩn bị đem đi phân phối cho những người công nhân tội nghiệp ở khu công nghiệp Sóng Thần, đã từng phẫn nộ khi được chứng kiến hình ảnh cô bảo mẫu “dạ xoa” ở thành phố Biên Hoà tát bôm bốp vào mặt những cháu bé ngây thơ, vô tội, đã từng căm giận trước hành động dán băng keo vào miệng học sinh của một giáo viên (kiêm quỉ sứ), đã từng xót xa kinh hãi trước cảnh hàng chục cháu thanh thiếu niên, đầu tóc nửa vàng, nửa đỏ tụ bạ hút hít ma tuý rồi rủ nhau vào nhà nghỉ để thác loạn kiểu quần hôn như những bầy người nguyên thuỷ…..Khó có thể kể hết những lần giật thột, đau nhói, kinh hãi như thế. Bởi chúng đang diễn ra với tần suất ngày một nhiều thì phải!
Không thể phủ nhận được những thành tựu vĩ đại mà công cuộc đổi mới đã đem lại cho chúng ta, và cũng đồng ý rằng trước những thay đổi có tính chất vạch thời đại như vậy, thì việc nảy sinh những hiện tượng tiêu cực trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá là khó tránh khỏi, tuy nhiên nếu để diễn ra với tốc độ cao và cường độ mạnh, phạm vi lớn như thời gian vừa qua thì quả là đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động.
Điều đáng mừng là chúng ta vẫn còn phản xạ sốc trước những hiện tượng phi văn hoá, như vậy là kháng thể văn hoá, trong chúng ta vẫn còn đang mạnh. Song điều gì sẽ xảy ra nếu như những vết chai sần (di chứng của những cú sốc) cứ dày thêm mãi?
Trần Sáng
http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/5791/index.viet
 

15- Đừng buộc những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ” (Phần I & 2 )

Thứ ba, 30/9/2008, 07:00 GMT+7
Khi những dòng sông đang dần “thay lòng đổi dạ”, khi các cuộc “tiếm ngôi”, “soán quyền” bá vương thống lĩnh những dòng chảy ngày càng phát lộ, công khai và đầy thách thức, khi ấy cũng là lúc những dòng sông nguyên sơ, trong mát biến mất khỏi cuộc sống thực tại, chỉ còn có thể hiện hữu trong kí ức!

Vẫn tự hào là đất nước của những dòng sông, đất nước có một nền văn hóa gắn bó sâu đậm với sông nước, thế nhưng đất Việt dường như đang để tuột khỏi tay mình những dòng sông trong xanh?



Xả nước thải không qua xử lí ra sông


Đã bao đời nay, cuộc sống của người dân Việt gắn chặt với sông, suối, kênh, rạch. Ở đó, có vui, buồn, có sự mất mát, chia li song cũng đầy ắp sự đoàn tụ, sum vầy. Ở đó, những chàng trai, cô gái Việt đã sinh ra, lớn lên và thực sự trưởng thành cùng dòng nước ngọt, nhẹ, êm ả trong suốt tuổi thơ của mình. Cũng nhờ đó mà những cánh đồng lúa, những ruộng ngô đã nảy mầm, đơm bông, trổ bắp! Những dòng sông gắn chặt định mệnh của mình với số phận của con người như một cuộc kết duyên kiếm tìm ấm êm, hạnh phúc! Song, có lẽ chúng cũng không bao giờ có thể ngờ mình sẽ trở thành kẻ bị phụ tình, bị bội bạc và hủy diệt bởi chính những người mà chúng đã mang cả tâm hồn, sinh mệnh để gắn bó!
Từ cái chết của sông Lữ, sông Nhuệ,… rồi mới gần đây nhất là sông Thị Vải, tôi hiểu những dòng sông đã thực sự bị bạc tình! Và chúng dường như đã khóc thật nhiều cho cái chết của mình song giọt nước mắt của chúng bị gạt đi quá nhanh, quá phũ phàng bởi hai tiếng lợi nhuận!
Nỗi đau của những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ”
Cái sắc màu xanh lam trầm của rêu, của tảo, của những sinh vật phù du, cái sắc xanh lẫn nâu vàng của những bụi cỏ ven bờ, hay cái bóng nước lấp loáng dưới ánh sáng trắng của mặt trời, cái mờ ảo đầy thơ mộng, huyền bí trong những đêm trăng của các dòng sông giờ đây đều đang bị “rũ bỏ” không thương tiếc bởi chính con người.
Sông thay lòng, sông đổi dạ. Sông không còn muốn dung chứa những cái đã quá ư là xưa cũ, những cảnh vật đã quá ư là quen thuộc trong tâm trí của mỗi con người? Sông không muốn trở thành người lạc hậu, kẻ chậm tiến? Sông muốn “làm mới” mình cho hợp hơn, kịp hơn với cuộc sống hiện đại này? Có phải vì đó mà sông đã “từ chối” sắc xanh, vị trong của làn nước, của bóng cây ngọn cỏ quen thuộc mà tìm về với bùn tù, nước đọng, với sắc đen u ám và mùi hương quá ư đậm đặc? Quả thật, những dòng sông của nước Việt từ Bắc, Trung, Nam đều đang quặn mình mà biến đổi! Những dòng nước đen ngòm, hôi tanh nồng nặc, lập lờ, lững đững không trôi cũng chẳng chảy cứ dần một xuất hiện nhiều hơn, thay chỗ cho những dòng sông xanh. Chúng lặng lẽ nhưng ngày càng nhanh hơn trong sự xuất hiện của mình để rồi âm thầm tồn tại trong dạng thức mới với tất cả những đổi thay đến đau lòng ấy. Những sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Cầu Bây, sông Nhuệ, sông Đáy… và cả dòng sông mẹ (sông Hồng) của đồng bằng Bắc Bộ, sông Trà Khúc, sông Bồng Miêu, kênh Bầu Lăng,… của dải đất miền Trung, sông Tiền, sông Hậu, suối Linh, suối Săng Máu, sông Thị Vải,… cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt của đất rừng phương Nam đều đã, đang và sẽ nhanh chóng bị buộc phải thay lòng đổi dạ.



Sông Tô Lịch – nước đen dòng, rác ngự bờ


Những khu công nghiệp, khu chế xuất – vốn được xem là mảnh đất hứa, là cơ hội mới cho sự phát triển, hội nhập của đất nước với thế giới, là phương thức hữu hiệu để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân giờ trở thành “sát thủ” số một của những dòng sông, khiến những dòng sông phải oằn mình mà sống chung với rác, với nước thải, với sự ô nhiễm hạng nặng. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, các cơ sở kinh doanh,… tất cả cứ “vô tư”, “hồn nhiên” đổ tất cả những gì là cặn bã của mình vào lòng sông. Chúng cứ như những đứa trẻ chưa lớn, chưa thể ý thức được về cái mình đang đem đến cho những dòng sông. Hàng ngàn con số, hàng sự “hồn nhiên” có chủ đích của các nhà doanh nghiệp khiến chúng ta phải ngỡ ngàng khi được biết đến nó. Những mức chất thải cao gấp hàng nghìn lần cho phép được đổ thẳng ra lòng sông mà không qua bất cứ một quá trình xử lí nào: hầu hết nước thải của các nhà máy sản xuất ở 100 khu công nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long đều được tuồn thẳng ra các kênh rạch rồi đổ về sông Hậu hay như việc mỗi năm ở các cụm công nghiệp thuộc đồng bằng sông Cửu Long có gần 50 triệu m3 nước thải công nghiệp được thải trực tiếp ra môi trường. Và còn nhiều nhiều con số nữa khi được phanh phui ra mới hiểu thấy được tình trạng đáng báo động của việc xả thái ra môi trường một cách quá tự do và vô trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Những thông số ô nhiễm hữu cơ (COD, BOD¬¬¬5) tại các dòng sông cạnh khu công nghiệp luôn đạt ở mức “đỉnh sàn” trong khi hàm lượng coliform (ô nhiễm vi sinh) thì cao ngất ngưởng. Với tất cả những sự “ưu ái”, “đầu tư” một cách kỹ lưỡng, có kế hoạch đó của các doanh nghiệp đã “giúp” các dòng sông không còn là một môi trường sống lí tưởng cho các loài động thực vật, là một phần quan trọng trong chuỗi tự nhiên giúp cân bằng hệ sinh thái môi trường, cũng không còn có thể mang đến những giá trị vật chất hay tinh thần cho người dân. Chúng trở thành những dòng nước thải, những cái cống lộ thiên hạng lớn vẫn đang được ưu ái gọi bằng hai tiếng “dòng sông” với tất cả những đặc điểm đặc trưng nhất của những “dòng kênh đen” từ màu sắc cho đến “hương vị”. Cũng chính bởi sự thay lòng của các con sông mà những cuộc thay ngôi đổi chủ đã, đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh hơn. Nước thay màu, đổi sắc, thay hương, đổi vị nên chủ nhân của những dòng sông cũng dần biến mất, nhường chỗ cho những vị vua mới.
Hình ảnh của những con sông rác – con sông chết có lẽ không còn quá xa lạ với người Việt Nam! Rác tiếm ngôi của tôm, cua, cá, của cả một hệ sinh vật phù du sông nước để độc chiếm dòng sông cho riêng mình! Rác chễm chệ, vênh vang và hãnh diện trong địa phận bất khả xâm của mình. Rác cứ vậy, lập lờ trôi, lập lờ du ngoạn, lập lờ chiếm dụng những địa phận mới. Khi những dòng sông trở thành dòng nước chết, mọi sinh vật không còn có thể sinh tồn trong một hệ môi trường vô cùng ô nhiễm như vậy thì sự lên ngôi của rác cũng là điều đương nhiên, có tính tất yếu trong chuỗi quy luật của sự sinh tồn. Sông chết trở thành nơi dung chứa rác thải của mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất trong đời sống của con người. Rác thải từ hộ gia đình, từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, từ các khu công nghiệp, các khu chế xuất cũng từ đó mà tìm ra sông! Những dòng sông không trôi nhanh chóng trở thành những vùng nước đọng, tù, lầy với đủ sự uế bẩn của nó! Vậy là những dòng sông từ chỗ buộc phải “thay lòng đổi dạ” tiến dần đến chỗ biến mất!

Sông chết – văn hóa sông chết!
Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam sống bên cạnh những dòng sông, gắn bó với nó cả về giá trị vật chất cũng như giá trị văn hóa tinh thần. Dòng sông cung cấp cho con người những nguồn lợi thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt đời thường của họ. Đó cũng là những huyết mạch quan trọng tạo nguồn phù sa cho những cánh đồng màu mỡ, giúp những cánh đồng có thể đảm nhận một cách tốt nhất nhiệm vụ cung cấp lương – thực phẩm cho cuộc cống. Đồng thời, văn hóa sông nước là một thành tố quan trọng trong tổng thể nền văn hóa dân tộc, có một sức ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tâm linh người dân Việt. Bởi vậy, khi những dòng sông biến mất, khi những dòng nước bị đổi màu, mất đi sức sống ngàn đời nay của nó thì nó cũng đồng thời để lại những khoảng trống lớn trong cuộc sống của người dân.


Xóm chài trên sông Hồng
Nguồn lợi từ sông suối, kênh rạch không còn, đó là cái mất đầu tiên - cái mất mát về mặt giá trị vật chất. Cuộc sống của không ít bộ phận dân cư Việt vốn phụ thuộc vào những nguồn lợi thu được từ dòng sông (đánh bắt, khai thác các loài thủy sản, các loài thủy sinh; khai thác các loại cắt, quặng) bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng khi những dòng sông bị ô nhiễm. Có những ngôi làng mà ở đó người dân quanh năm suốt tháng trong cuộc đời của mình sống dựa vào dòng sông với những nguồn lợi mà dòng sông đem lại như làng chài sông Hồng, làng Choán ven sông Chu, Thanh Hóa…Vốn gắn bó với những dòng sông, quanh năm dựa vào những nguồn lợi từ đó mà trang trải cuộc sống gia đình, tạo dựng tương lai cho các thế hệ con cái giờ họ phải tìm đến những cách thức sống mới, trong đó bao gồm cả những cách thức đầy vất vả, khó khăn rồi sai trái. Các hoạt động kinh tế trên những dòng sông cũng không còn có thể tiếp tục với những nguồn lợi lớn nữa. Một loạt các hoạt động nuôi thủy sản trên sông của người dân… đã bị thất bại bởi sự ô nhiễm quá cao của môi trường nước.
Bên cạnh sự biến mất của những giá trị vật chất thì có lẽ cần phải nhắc nhiều hơn đến sự mất mát về giá trị văn hóa tinh thần của những dòng sông với cuộc sống con người. Đời sống văn hóa sông nước vốn vẫn được xem là hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc của người Việt Nam với các lễ hội trên các dòng sông. Chúng ta biết đến chợ nổi Ngã Bảy như một nét văn hóa sông nước đặc trung của vùng đất Hậu Giang, biết đến những nét văn hóa đặc sắc của người dân Phú Yên qua lễ hội sông nước Tam Giang hay những tích xưa được lưu giữ truyền tụng trong lễ rước nước trên sông Hồng của người dân Hưng Yên,…Rồi còn đó tục thời các vị thần sông nước tại các ngôi đền, miếu trên khắp đất nước Việt Nam. Tất cả đều lưu giữ trong đó những nét văn hóa đặc sắc, đậm đà tính dân tộc. Thế nhưng, các hoạt động văn hóa sôi nổi, nhiều ý nghĩa trên sông nước này sẽ không còn cơ hội được tiếp tục và duy trì theo thời gian trên những dòng sông chết. Bạn có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, bạn sẽ không còn có thể tham gia vào những lễ rước Chử Đồng Tử, hội đua thuyền, đua ghe trên khắp những con sống của cả nước,… mà chỉ còn có thể tìm hiểu nó qua những điều được ghi lại trong những cuốn sách? Sự biến mất của những hoạt động văn hóa trong đó bao chứa những nền tảng tinh thần quan trọng cho sự trưởng thành của những tâm hồn Việt thực sự là một sự tổn thất lo lớn nhất đối với đời sống của mỗi cá nhân nói riêng và nền văn hóa đất nước nói chung.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nói đến sự ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên nói chung, môi trường sống con người nói riêng của những dòng sông bị ô nhiễm. Nó chính là những vách ngăn lớn cho sự phát triển một cách hoàn thiện của đời sống người dân sau này. Những dòng nước vốn chiếm giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định rất lớn đến sự tồn tại của tự nhiên và của người con người khi bị thay đổi sẽ kéo theo nó rất nhiều những biến động theo hướng bị hủy hoại. Bệnh dịch lan tràn, sức khỏe con người bị đe dọa. Những nguy cơ đó đều là những điều có thể xảy ra ngay vào lúc này. Và quan trọng hơn cả, đáng lo ngại hơn nữa là tất cả những hậu quả nghiêm trọng nhất đó của nó đều đổ xuống đầu của những người dân, đặc biệt là người dân nghèo sống bám trụ lay lắt bên bờ sông.

(Còn nữa)
Đỗ Hòa
TIN LIÊN QUAN


Đừng buộc những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ”
(Phần II) Thứ tư, 1/10/2008, 01:00 GMT+7
"Đừng để có thêm những dòng sông nữa phải chết như những dòng sông Tô Lịch, sông Nhuệ, Sông Đáy, sông Thị Vải,…Đừng để lời hát “Quê hương ai cũng có một dòng sông bên mình…” chỉ còn là kí ức..."

Khi sự nhận thức và ý thức không thể đồng hành!


Nguồn nước thải không qua xử lý xả ra sông Thị Vải
Thiết nghĩ, việc các dòng sông đang dần bị lâm vào trạng thái khủng hoảng một cách nghiêm trọng đều bởi bàn tay của con người – kẻ làm chủ muôn loài! Môi trường tự nhiên được tạo dựng và hoàn thiện sau hơn 4 tỷ năm liên tục thực hiện quá trình sinh ra – tồn tại – phát triển – biến mất để có thể đạt tới được sự hoàn thiện như ngày nay và cũng là để thiết lập những điều kiện hoàn hảo nhất cho sự tồn tại của con người. Thế nhưng, chính loài người - những sinh vật nhận được sự ưu ái lớn lao của tạo hóa lại tự hủy hoại chính môi trường sống của mình. Để phục vụ cho cuộc sống của bản thân mình, con người đang dần biến môi trường sống thành môi trường chết, cắt đứt mạch sống của tương lai. Vậy đây là sự không thể nhận thức hay là nhận thức được mà vẫn làm, vẫn thực hiện những hoạt động giết chết những dòng sông nói riêng, môi trường sống nói chung.
Trong cái chết của những dòng sông trên đất Việt, có thể nhận thấy rất rõ rằng những kẻ chủ mưu giết hại dòng sông không phải không nhận thức được hoạt động của mình sẽ có tác hại như thế nào đối với sự sống còn của chúng. Họ đều nhận thức được một cách rất sâu sắc điều đó song ý thức của họ lại không ngăn chặn lại điều đó mà còn “cấp phép” một cách chủ động cho những hoạt động đó. Được sự nâng đỡ của chiếc đòn bẩy vô cùng lợi hại là những nguồn lợi nhuận khổng lồ, là sự tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn trong việc không xử lí các nguồn chất thải, họ vô tư mà xả thải ra những dòng sông. Lợi nhuận, tiền bạc – đó là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ thực hiện nhiều, nhiều hơn nữa những âm mưu để có thể xả thải tự do ra môi trường. Họ tiết kiệm tiền bạc của mình, tăng cao nhất nguồn lợi nhuận có thể đạt được bằng cách lãng phí chính tài nguyên môi trường. Họ cũng ý thức rất rõ được rằng nguồn tài nguyên vô giá này một khi bị hủy hoại thì có thể gây nên những ảnh hưởng như thế nào đến sự tồn tại, phát triển của loài người cũng như những khó khăn và nhiều khi là sự bất khả thi trong việc cải tạo lại hệ sinh thái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cứ điềm nhiên mà thực hiện bởi xả thải ra môi trường, phá hoại sự cân bằng sinh thái tự nhiên đâu có ảnh hướng xấu đến túi tiền của họ. Họ có cả những kế hoạch được vạch sẵn, tinh vi và đầy đầu óc tính toán để có thể vượt qua được những cuộc kiểm tra của các cơ quan chức năng. Họ đầu tư chất xám một cách công phu, kĩ lưỡng vào những kế hoạch lừa đảo, gian lận. Vậy thì ai bảo họ không thể nhận thức được sự nguy hại của những hành động đó với môi trường? Ai nói đó là “sự vô tình”, một “sự cố” trong lỗi kỹ thuật nên mới có những hoạt động xả thải ra môi trường như vậy. Ngay những người cả tin nhất cũng hiểu rằng không có một sự vô tình nào cả và đó cũng không phải là lỗi lầm của sự hạn chế nhận thức. Những điều đó đều được xuất phát từ ý thức vô cùng tinh ranh, “sáng suốt” của họ. Họ có ý thức một cách cao nhất để tạo nên những nguồn lợi nhuận khổng lồ, ý thức một cách rất rõ ràng để kiếm tiền trên việc xả thải trực tiếp ra môi trường. Chính bởi đó, họ giết chết những dòng sông một cách công phu mà kín đáo nhất. Nhận thức về sự gây hại với môi trường rất rõ nét song ý thức về những nguồn lợi lại mạnh mẽ và cao hơn. Do đó, gạt bỏ sang một bên những lấn cấn về sự nhận thức mức độ hủy diệt môi trường, các nhà kinh doanh tìm đến với ý thức phá hoại. Họ yên tâm rằng, môi trường có bị hủy hoại cũng đâu có ảnh hưởng một cách trực tiếp đến cuộc sống của họ hiện tại, cũng đâu làm giảm đi nguồn lợi nhuận của họ mà ngược lại mức độ ô nhiễm môi trường lại tỷ lệ thuận mới mức lợi nhuận mà họ thu về. Với những suy nghĩ và tính toán như vậy, những kế hoạch công phu và gần như là hoàn hảo để xả thải vào môi trường đã được tiến hành trong suốt quá trình hoạt động của những nhà máy, những khu công nghiệp, khu chế xuất cho đến khi bị phanh phui.

Thông qua những cuộc điều tra của Cục cảnh sát Môi trường cùng các cơ quan chức năng, báo chí đã có biết bao nhiêu công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp bị lật mặt vì làm giàu bằng chính sự hủy hoại môi trường. Các cụm công nghiệp như Sài Đồng B (Long Biên, Hà Nội), Mỹ Quý (thành phố Long Xuyên), cụm công nghiệp mới thuộc huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), các công ty như công ty TNHH Nam Việt, công ty TNHH Đại Tây Dương,… và gần đây nhất là công ty Vedan Việt Nam đều đã thải ra lòng sông một lượng nước thải chưa qua xử lí rất lớn.


Một nguồn nước thải đổ ra dòng sông Nhuệ
Được bắt đầu xây dựng từ năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích là 120 hecta, công ty Vedan Việt Nam đã xác định cho mình mục tiêu “Cắm rễ tại Việt Nam, cùng sáng tạo tương lai”, “Đồng tâm hiệp lực cùng phát triển lâu dài”. Thế nhưng, những việc làm của Vedan khi bị các cơ quan chức năng phanh phui thì người ta mới vỡ lẽ cái mục tiêu “cắm rễ” nó sâu sa đến thế nào. Trên mảnh đất Đồng Nai của đất Việt, Vedan đã “tận tâm”, “tận lực” mà “cắm”, mà xả vào lòng sông, lòng đất tất cả những gì là ô uế, nguy hại nhất cho môi trường. Mười bốn năm “cắm rễ” tại Việt Nam, mười bốn năm cắm xuống lòng sông hàng triệu khối nước thải không qua xử lý. Sự cắm rễ quá ư là “sâu sắc”, quá ư là “nhiệt huyết” của Vedan với dòng sông Thị Vải quả thật đã khiến chúng ta cần rất nhiều thời gian để có thể nhổ cái rễ đó ra. Theo dự kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học môi trường thì chúng ta cần đến 10 – 15 năm để có thể làm sạch được dòng sông Thị Vải. Chưa kể đến việc cái rễ đó đã “không ngừng vươn xa”, “không ngừng lớn mạnh”, lan rộng trên dòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân xung quanh vùng.
Mỗi một phát hiện những hành vi gian trá của các doanh nghiệp là mỗi một lần xử phạt rồi những cố gắng cải tạo lại môi trường xung quanh của các cơ quan chức năng. Còn doanh nghiệp thì sao? Tất nhiên là “lại đâu vào đó” rồi! Vi phạm thì nói là sự cố kỹ thuật, là vô tình, thiếu sót. Bị vạch mặt thì xin lỗi và hứa sửa chữa cộng thêm với việc nộp phạt hành chính. Xong rồi thì lại tiếp tục tái diễn, tiếp tục những hoạt động xả thải ra sông ngòi mới mức độ ngày một tinh vi và khó phát hiện hơn hẳn. Vậy phải chăng, không thể dung hòa được mối quan hệ giữa môi trường và sự phát triển của các ngành công nghiệp, của nền kinh tế? Sẽ là rất khó để có thể tìm ra một câu trả lời chung cho bài toán lợi nhuận và môi trường trong sạch? Phải chăng chỉ có thể giữ được môi trường nguyên sơ và trong lành trong điều kiện xã hội lạc hậu, chậm tiến? Phải chăng những khu công nghiệp luôn mang đến những “tác dụng phụ” vô cùng nguy hại cho môi trường sống? Và để có những tiện nghi đầy đủ cho cuộc sống hiện đại này, con người buộc phải hy sinh môi trường sống của mình?
Tấm lòng – lương tâm – trách nhiệm: những sức mạnh vô hình duy trì và phát triển sự sống của môi trường.
Ai cũng biết rằng: khi kinh doanh, lợi nhuận là điều mà các doanh nghiệp hướng tới và khát khao nhiều nhất. Song suy cho cùng thì kinh doanh để làm gì? Chẳng phải để phục vụ những nhu cầu của con người, để giúp cuộc sống của con người hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, để con người thực sự được hưởng một cuộc sống hạnh phúc nhất. Vậy đâu sẽ là cái được và mất khi đánh đổi những dòng sông, đánh đổi môi trường – cái muôn đời để tìm đến cái trước mắt – lợi nhuận. Sự đánh đổi đó có phải là rất sai lầm và thiển cận của con người không? Sự đánh đổi đó chẳng lẽ không phải là một sự thất bại, một vụ kinh doanh lỗ - lãi quá ư rõ ràng sao? Thế vậy, tại sao vẫn có những dòng sông đang chết dần, chết mòn, những cánh rừng biến mất màu xanh, những mảnh đất chỉ còn là cát sỏi, sự khô cằn và nứt nẻ. Có hay chăng con người quá thiếu một tấm lòng, một lương tâm, một trách nhiệm?
Thực sự yêu thương môi trường sống bằng chính những tình cảm xuất phát từ tấm lòng mình, hiểu những nỗi đau của nó đang phải chịu đựng trong những cuộc “tàn sát” không thương tiếc của loài người với nó; nghe tiếng kêu cứu, cầu khẩn, sự phẫn nộ của chúng trong những con sóng thần, những trận bão, lốc, lụt,… để hiểu thiên nhiên đang thực sự giận giữ… là những điều đầu tiên mà mỗi con người nên làm và có thể làm tốt. Tại sao bạn không thể coi môi trường sống như những người thân, người bạn trong cuộc sống hằng ngày của mình. Môi trường chẳng phải vẫn luôn gắn bó với cuộc sống của bạn đó sao? Hãy bắt đầu từ chính những tình cảm nhỏ bé nhất như việc biết trân trọng, yêu thương những cảnh vật, môi trường xung quanh để có thể tạo nên một sức mạnh lớn hơn cho cuộc chung vai bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.



Cần có thêm những phương thức mạnh hơn nữa từ pháp luật để có thể trừng phạt những kẻ đã giết chết môi trường, hủy hoại tương lai cuộc sống con người.


Song yêu thương đơn thuần là chưa đủ! Bạn cần phải suy nghĩ về những biến đổi của những dòng sông, những cánh rừng hay những miền biển khơi,… bằng lương tâm của một con người luôn hướng đến cái tốt hơn cho cuộc sống. Lương tâm hướng thiện sẽ giúp bạn cảm nhận được sự xấu hổ, nỗi ân hận vì những hành động phá hoại môi trường của mình. Nhận biết sai lầm, hiểu nó là đi ngược lại với lợi ích chung của sự phát triển sẽ là kim chỉ nam cho những hành động đúng đắn hơn. Và cuối cùng, chúng ta cần đến hai chữ trách nhiệm. Trước khi hành động bất cứ điều gì, bạn hãy nghĩ đến trách nhiệm của mình với môi trường, với cuộc sống và sự tồn tại của con người, với thế hệ tương lai. Bạn phải biết chịu trách nhiệm vì những hành động của mình và luôn phải ghi nhớ: đừng bày ra và bắt người khác phải dọn.
Tấm lòng – lương tâm – trách nhiệm sẽ giúp bạn đi từ ý thức đến hành động, từ suy nghĩ đến việc làm, góp phần tạo nên những giá trị hiện hữu từ nguồn sức mạnh vô hình. Có hay chăng sự cần thiết phải có một sự giáo dục cho các doanh nghiệp về tấm lòng – lương tâm – trách nhiệm của họ với môi trường? Kết hợp với những biện pháp đến từ ý thức cần có thêm những phương thức mạnh hơn nữa từ pháp luật để có trừng phạt những kẻ đã giết chết môi trường, hủy hoại tương lai cuộc sống con người.
Từ câu chuyện của dòng sông Thị Vải đang vô cùng nóng bỏng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi muốn có một khoảng lặng để nghĩ về cuộc sống của những dòng sông khác trên đất Việt và rộng hơn là môi trường sống của chúng ta. Những quãng ngưng và khoảng lặng trong cuộc sống quá ồn ào, gấp gáp, đầy những biến động căng cứng này giúp chúng ta bình tĩnh hơn để suy ngẫm và chọn lựa cho mình một cách thức để hành động. Đừng để có thêm những dòng sông nữa phải chết như những dòng sông Tô Lịch, sông Nhuệ, Sông Đáy, sông Thị Vải,…Đừng để lời hát “Quê hương ai cũng có một dòng sông bên mình…” chỉ còn là kí ức.

ĐỗHòa


http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/5742/index.viet
 

16- Khóc một dòng sông qua đời

Thứ sáu, 19/9/2008, 07:00 GMT+7
“Sông vẫn êm đềm, vẫn bình yên, những cánh đông lúa vẫn chín vàng tha thướt; chỉ có nước sông đã thay dạ đổi lòng, đã đen sẫm quanh năm suốt tháng. Và tất cả chỉ còn là ký ức!”


Nhuệ Giang lành lẽ, bình yên - Ảnh: Uông Thị Bích Ngọc

Sông Lúa sông Trăng…
Biết bao người có cả tuổi thơ gắn bó với dòng Nhuệ Giang, đã dành cho Nhuệ Giang những tình cảm mến thương: "Quê hương tôi có sông Nhuệ bên mình/ Cong cong chảy như nét mày cô gái/ Ai cắt bên sông những nhánh cây thừa thãi/ Ráng chiều buông chậm rãi níu thời gian...Bên mình đây một sông Nhuệ cong cong/ Vẫn chảy mãi cùng thánh năm tình mẹ/ Gió vẫn ru êm, sóng vỗ bờ thật khẽ/ Nắng chiều nay ai nhớ chiều mưa..."
Nhuệ Giang chỉ là một dòng sông nhỏ, tính từ nơi khởi thuỷ là cống Lên Mạc (Từ Liêm) đến điểm hợp lưu với sông Đáy ở Phủ Lý, sông Nhuệ có chiều dài vỏn vẹn (khoảng) 76 km. Dòng Nhuệ Giang uốn mình qua các huyện Từ Liêm, T.P Hà Đông, huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên của Hà Nội và huyện Duy Tiên của tỉn Hà Nam. Dòng sông hiền hoà mang dấu ấn của nhiều ngôi làng nức tiếng: Làng Lụa Vạn Phúc, làng cổ Cự Đà, làng thêu Thắng Lợi, nón lá làng Chuông...
Trong tổng diện tích lưu vực hơn 1000 km2, Nhuệ Giang đã vòng tay ôm rất nhiều sản vật: "Cua Khánh Hiệp, Cá chép Cấn Xá, Rau muống Linh Chiểu" Khánh Hiệp thuộc xã Tam Hiệp - Thanh Trì. Hay: "Cá rô đầm Sét, Cá chép sông Đơ", sông Đơ là tên gọi sông Nhuệ khi chảy qua thành phố Hà Đông, trước đây cá rô, cá chép quần tụ ở sông Đơ rất nhiều. Rồi: "Bánh dày Quán Gánh ( Thường Tín), bánh cuốn Thanh Trì", "Tương Cự Đà, dưa cà Khúc Thuỷ (xã Cự Khê - Thanh Oai). Lại Thêm: "Muốn ăn cơm trắng cá mòi/ Chung cha chung mẹ về Gòi với anh", làng Gòi là tên gọi cũ của xã Tự Nhiên - huyện Thường Tín.
Tôi nhớ cách đây chưa đầy chục năm, lũ trẻ con trường làng (của nhiều ngôi làng có sông Nhuệ uốn qua) cứ học xong là kéo nhau nhảy ùm xuống dòng Nhuệ Giang. Những cô cậu lớp 9 thì kéo nhau ra ngồi trắng dọc triền đê, đặc biệt nhất là hai trường cấp 2 Nguyễn Trãi và Tân Minh (Thường Tín) - hai trường nằm sát chân đê, cùng nhìn vào nhau, lũ học trò ngồi mà nhìn, mà săm soi lẫn nhau rồi tranh luận xem con gái làng nào xinh hơn, hoa khôi lớp nào đẹp hơn? Cậu nào lỡ thương thầm nhớ trộm mà bỏ phiếu cho phía bên kia sẽ "được" cả bọn cho xuống tắm dưới dòng Nhuệ Giang trong xanh.




Đôi bờ Nhuệ Giang, những rặng cây vẫn nghiêng mình soi bóng. - Ảnh: Uông Thị Bích Ngọc


Thuyền câu bên sông vẫn tạo nên cảnh đẹp nhưng thuyền câu đã lùi vào quá khứ, đã không còn là “thuyền câu” nữa - Ảnh: Uông Thị Bích Ngọc


Các cụ già râu tóc bạc phơ vẫn ngồi kể lại cho con cháu nghe thuở ngày xưa, những bậc lãng tử giang hồ, những nho sĩ thích ngao du với núi sông thường ngồi trên chiếc thuyền nan xuôi theo dòng sông sóng sánh trăng. Trên sông vang lên những tiếng trống chầu tom chát và tiếng hát ả đào.
Suốt nhiều năm trước đây tôm cá trong lòng Nhuệ Giang là nguồn thức ăn, là phương tiện kiếm sống của biết bao gia đình, trên sông luôn có những thuyền câu, có những mẻ vó nặng tay. Xã Phù Vân của Phủ Lý nay có mấy trăm hộ sống bằng nghề chài lưới, làng chài Lê Lợi vẫn còn hơn 70 hộ ngày ngày chòng chành trên sông nước Nhuệ Giang.
Nhuệ Giang cũng có những ngày hè nước đỏ phù sa, nuôi lớn những triền hoa cải vàng như giọt nắng khắp triền đê, nuôi lớn những bè rau muống xanh non lặng tờ trên mặt nước. Nhuệ Giang cung cấp nước tưới cho hệ thống thuỷ nông Đan Hoài, cho những đồng lúa xanh rì con gái. Nhuệ Giang bồi đắp mỡ màu cho những bãi ngô bời bời xanh, biêng biếc lúa khoai, ngút ngàn nương dâu bãi mía, cho những bãi dâu mươn mướt để làm nên nét dịu dàng của Áo lụa Hà Đông.
Quãng sông dài chưa đầy 2 km chảy qua xã Tiền Phong - huyện Thường Tín, hai bên bờ vẫn thơ mộng, trinh nguyên như thuở nào. Những bụi tre, những rặng bạch đàn nối tiếp nhau xanh mát dưới triền sông; những cây chay, cây sung to lớn vẫn nghiêng mình soi bóng; dây leo, cây dại đan xen nhau um tùm đến độ không thể nhìn sang... bờ bên kia. Sông vẫn êm đềm, vẫn bình yên, những cánh đông lúa vẫn chín vàng tha thướt; chỉ có nước sông đã thay dạ đổi lòng, đã đen sẫm quanh năm suốt tháng. Và tất cả chỉ còn là ký ức!
...nay còn đâu
Trên blog, lại thêm một người chỉ biết tìm về Nhuệ Giang, về dòng sông tuổi thơ bằng hoài niệm: "Thả thuyền trôi về miền thương nhớ/ Sông Nhuệ quê mình xưa xanh ngát mía dâu/ Đò rẽ nước ông lái buông câu hát/ Cô gái làng quang gánh đợi chờ sang..." Rồi một cậu học trò trường huyện bức xúc: "Dòng sông Nhuệ quê anh/ Làm anh đau nhức mũi/ Tự anh nhìn đã thối/ Nước sông (sẽ) đen nhiều đời”.
Tôi đã lấy cầu Tó, nơi sông Tô Lịch ào ào tuôn vào dòng Nhuệ Giang hiền lành để làm mốc. Từ cầu Tó trở lên, nước sông vẫn sáng nhưng từ cầu Tó trở xuống (kể cả ngày nắng lẫn ngày mưa) thì dòng nước đã chia đôi màu, sắc đen của nước sông Tô Lịch lấn dần, lấn dần sắc nước Nhuệ Giang. Từ khúc đó sông Nhuệ đã hoàn toàn bị sông Tô Lịch nhuộm đen.

Thấy tôi loay hoay dựng xe trên cầu Là (xã Tân Minh - Thường Tín) để chụp ảnh, ông Huy nói rất to: “Nhà báo hử? Ô nhiễm kinh khủng!” Ông vẫn nói to như sợ tai tôi cũng nghễnh ngãng giống căn bệnh tuổi già của ông: “Bốc mùi nặng lắm, giờ nào, ngày nào cũng phải hít.”
Sông Nhuệ bắt đầu đen từ năm 2001, từ 2001 – 2004 nước sông có lúc đen, có lúc không nhưng từ 2005 đến nay, nước sông quanh năm chỉ một màu đen và một mùi hôi thối.



Nơi sông Tô Lịch bắt đầu nhuộm đen sông Nhuệ - Uông Thị Bích Ngọc


Nước sông Tô Lịch lấn dần nước sông Nhuệ - Ảnh: Uông Thị Bích Ngọc


Mỗi ngày sông Nhuệ phải hứng chịu 400.000 m3 nước thải từ sông Tô Lịch (đã gồm cả sông Lừ, sông Sét hợp lưu với sông Tô Lịch), lưu lượng trung bình từ 11 – 17 m3/giây, lúc cực đại lên tới 30 m3/giây. Nước sông Tô Lịch là tổng hợp nước thải của công nghiệp, bệnh viện, làng nghề, nước thải sinh hoạt. Cái chất độc trong nước sông Tô Lịch luôn vượt quá tiêu chuẩn vài chục lần. Không còn một loại sinh, thực vật có ích nào sống được dưới lòng sông.
Trên sông Nhuệ không còn thuyền chài, trừ hơn 70 hộ vẫn lênh đênh trên sông ở làng chài Lê Lợi, họ vẫn sống trên sông Nhuệ nhưng không còn gì ở sông Nhuệ để họ đánh bắt nữa. Triền sông cũng không còn ươm vàng hoa cải, biêng biếc ngô khoai, nhiều nơi lòng sông bị lấn chiếm, trở thành nơi đổ rác, phế liệu. Vậy là ý tưởng xây dựng tour du lịch trên sông Nhuệ năm nào đã bị dập tắt. Đài, báo có hàng nghìn bài viết về sự ô nhiễm nghiêm trọng của sông Nhuệ, sông Nhuệ bị bầu chọn là “dòng sông ô nhiễm nhất Việt Nam”, bị gọi là “dòng sông đang hấp hối”.
Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy (Quyết định 57/2008/QĐ-TTg) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt với vốn đầu tư khoảng 3.335 tỉ đồng…Nhiệm vụ đặt ra là phải điều tra bổ sung, đánh giá đầy đủ hiện trạng, làm rõ ngyên nhân các nguồn thải chủ yếu gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Bên cạnh đó chủ động tưng cường kiểm soát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn…
Chẳng biết với 3.335 tỉ đồng ấy, sông Nhuệ khi nào mới được cứu, bao giờ mới trở lại là Nhuệ Giang? Tôi chỉ nghĩ rằng đã trị thì phải trị từ gốc, trước tiên là chính những nhà máy, bệnh viện…đang ngày ngày trút nước thải ra sông Tô Lịch kia, nước phải được làm sạch trước khi thải ra sông Tô Lịch, trước khi nhuộm đen nhuệ Giang vô tội.
“Quê hương ai cũng có một dòng sông bên mình…” Nhuệ Giang đã bị hứng chịu việc con người phải trả giá quá đắt cho bài học bảo vệ, giữ gìn các dòng sông nói riêng và môi trường nói chung. Nhuệ Giang chỉ được lên kế hoạch giải cứu khi nó sắp qua đời. Không biết khi kế hoạch ấy được thực thi thì có thêm bao nhiêu người khóc thương dòng Nhuệ Giang - dòng sông đã gắn bó với họ suốt cả tuổi thơ, suốt cả cuộc đời…
Bài và ảnh: UÔNG NGỌC


http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/5659/index.viet
 

17- Nguồn nước thải ở Hà Nội chảy về đâu?

Thứ tư, 16/7/2008, 07:00 GMT+7
Không ít người đã từng cất giọng hoảng hốt: Chúng ta đang sống trong những ngôi nhà nhiều tiện nghi và sạch sẽ hơn nhưng vì sao chúng ta lại mang nhiều hơn những căn bệnh nguy hiểm trong người? Chúng ta có biết đâu rằng bầu trời mà chúng ta đang thở từng giây ngỡ trong xanh, nguồn nước nước chúng ta đang uống hàng ngày tưởng tinh khiết lại chứa đựng trong đó biết bao mầm bệnh. Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành khoảng 500,000m3/ ngày, đều tiêu thoát qua hệ thống cống và 4 sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Trong đó nước thải từ hoạt động sản xuất, bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý chiếm tới 90%.

Sơ đồ đường đi của nguồn "nước độc":

Tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều nơi trên khắp cả nước, đặc biệt là tại thành phố lớn như Hà Nội, nơi có dân cư đông đúc và nhiều khu công nghiệp lớn. Hầu hết sông hồ ở các thành phố này đều bị ô nhiễm bởi chất thải từ khu dân cư và các khu công nghiệp. Phần lớn lượng nước thải đều không được xử lý tại một đến một nhà máy xử lý nước thải chung, mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Mêkông.




Những góc nhìn buồn về tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng tại Hà Nội - (Từ trên xuống: Hồ Ba Mẫu, hồ Linh Quang, mương Hào Nam) - Ảnh: VNN

Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất như các lò mổ và ngay cả bệnh viện cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. Lượng nước thải sinh hoạt của dân cư Hà Nội là khoảng 600.000 m3 mỗi ngày, với khoảng 250 tấn rác được thải ra các sông. Thêm vào đó là một lượng lớn chất thải từ các bệnh viện và các khu công nghiệp. Ước tính có khoảng 260.000 m3 chất thải công nghiệp mỗi ngày và chỉ có khoảng dưới 10% lượng nước thải này là được xử lý trước khi đổ ra các sông. Các bệnh viện cũng thải ra khoảng 7000 m3 mỗi ngày, và chỉ có 30% là được xử lý. Đáng nói hơn nữa là mới chỉ có 6 trong số 42 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội có đầu tư hệ thống xử lý nước thải vốn cực kỳ độc hại.







Tất cả những nguồn nước thải kinh hãi kia ngày lại ngày, tháng lại tháng và năm lại năm… cứ lặng lẽ chảy vào hồ, vào sông. Chẳng có gì ngoa ngoắt khi chúng ta gọi nguồn nước thải đó là “ nước độc”. Nếu chúng ta vẽ sơ đồ hết sức đơn giản về đường đi của nguồn nước kia thì có lẽ chúng ta sẽ thà chết khát chứ không dám ngửa cổ uống một cách tự do như thế.

Sơ đồ đường đi của nguồn nước này như sau: Nước thải kinh hoàng từ bệnh viện, từ các nhà máy, từ các nghĩa địa, từ các lò mổ gia súc, từ các thùng rác của hàng triệu gia đình… đi qua hệ thống xử lý ít ỏi và đơn giản và chảy vào hồ, vào sông. Rồi nguồn “nước độc” ấy chảy qua một một vài hệ thống xử lý nước sạch và chảy vào bể, vào bình, vào chai v.v… và chảy vào miệng con người. Nhìn cái sơ đồ ấy, chúng ta mới thấy chúng ta thực sự đang ngửa cổ uống nguồn “nước độc” giống như những kẻ tự tử.
Một thực tế cho thấy: 40% dân số thành thị đang phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Thậm chí không phải tất cả 60% dân số còn lại được dùng đủ nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày. Quan trọng hơn nữa, theo Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Việt Nam, số lượng người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư ngày càng tăng lên. Trên thực tế, 88% các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến nguồn nước không sạch. Hàng triệu người dân Việt Nam đang sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm asen, tác nhân gây ra các căn bệnh ung thư, còi xương, tiểu đường và máu trắng.
Hầu hết ao hồ và sông ngòi tại Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng và ở mức báo động đỏ hiện nay. Trong tất cả các hồ chứa nước ở thủ đô, đáng lưu ý là hệ thống hồ trong Công viên Yên Sở, nằm cách Hà Nội 6 km về phía Nam, được coi là thùng chứa nước thải của Hà Nội. Bởi Yên Sở tiếp nhận hơn 50% lượng nước thải của Hà Nội. Hệ thống ao hồ trong Công viên Yên Sở đã bị ô nhiễm nặng, tù đọng với chất thải và phát ra mùi hôi thối khó chịu. Người dân trong khu vực này không chỉ không có đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu mà điều kiện sống của họ còn bị đe dọa nghiêm trọng chính vì nhiều khu vực trong công viên cũng là nơi nuôi dưỡng mầm mống của dịch bệnh. Quá nhiều công dân của thủ đô đã không hề có ý thức bảo vệ nguồn nước của chính mình. Chúng ta chẳng bao giờ thấy yên tâm về môi trường của chúng ta. Ngược lại, chúng ta là những kẻ gián tiếp đầu độc chính mình. Khi chúng ta chưa kêu gọi được ý thức của người dân bảo vệ nguồn nước mà họ đang uống hàng ngày thì việc xây dựng các hệ thống xử lý nước sạch là biện pháp hữu hiệu nhất để cứu lấy hàng triệu người đang ngày ngày vô tư uống một thứ nước mà ta có thể gọi là “nước độc ”.

Không phải Ông Bụt mà là một Dự án:
Một nhà thơ đã viết: Nước cống rãnh bay lên thành mây trắng/ Lại trở về hoá chén trà thơm. Hai câu thơ nghe kỹ thật kinh hoàng và hoàn toàn đúng với thực tế về nguồn nước mà người dân đang sử dụng hiện nay. Không ít nhà nghiên cứu môi trường chưa dám công bố tất cả số liệu về nguồn nước ô nhiễm ở Việt Nam. Đó chính là một cái chết được báo trước. Nhưng vì nó không phải là cái chết trực tiếp như tai nạn giao thông v.v… nên người dân và cả những người quản lý xã hội vẫn “bình chân như vại”. Nhưng tất cả chúng ta r ồi cũng phải hiểu rằng: nguồn nước độc ô nhiễm một cách không tưởng tượng được đó đang giết chúng ta một cách từ từ và không có nhiều dấu hiệu đe doạ trực tiếp.
Để cứu người dân và các công dân tương lai của thủ đô, chúng ta không còn con đường nào khác ngoài việc đầu tư một cách có hệ thống và nghiêm túc để xử lý nguồn nước thải này. Chính thế, ngoài chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và tuyên truyền với cộng đồng về vệ sinh nước, cách sử dụng và xử lý nước, Chính phủ cũng sẽ cần phải áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm, buộc tất cả mọi doanh nghiệp – từ quy mô nhỏ đến lớn – phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu. Xét cho cùng, nước sạch và không khí trong lành là những điều thiết yếu để có được một cuộc sống khỏe mạnh.


Phối cảnh tổng thể công viên Yên Sở theo dự án của Tập đoàn Gamuda Berharrd (Malaysia) - Ảnh: NQT

Điều quan trọng nhất là Chính phủ cần đầu tư và xây dựng những dự án nước sạch cũng như các công trình xử lý nước thải để hỗ trợ cho chiến dịch này và thu hút người dân tham gia. Một ví dụ điển hình là dự án công viên Yên Sở do tập đoàn Gamuda, tập đoàn phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn nhất Malaysia, đầu tư xây dựng. UBND TP Hà Nội đã và đang làm việc với tập đoàn Gamuda để cải tạo và nâng cấp hệ thống hồ, kênh trong công viên Yên Sở trở thành một công viên công cộng đạt tiêu chuẩn quốc tế với những hồ nước tự nhiên sạch sẽ, một hệ thống vệ sinh hiện đại, và những công trình đô thị quanh hồ mang lại cho người dân Hà Nội và du khách một lối sống lành mạnh, tràn đầy bản sắc văn hóa. Và hồ Yên Sở, cái cốc “nước độc” khổng lồ chứa quá nhiều mầm chết đối với chúng ta sẽ được làm sạch bởi dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải do tập đoàn Gamuda (Malaysia) đầu tư tại Công viên Yên Sở sẽ hoàn thành vào năm 2010.
Dự án Công viên Yên Sở, dự án đầu tư đầu tiên của Tập đoàn tại Việt Nam, là một trong những mục tiêu chiến lược của Gamuda nằm mở rộng hoạt động ra các nước khác trong khu vực cũng như đẩy mạnh tăng trưởng dài hạn. Dự án này là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển chiến lược của Chính phủ Việt Nam biến Hà Nội thành một thủ đô phát triển bền vững với vẻ đẹp văn hóa, cổ truyền được bảo tồn và phát huy, xứng tầm vai trò là thủ đô của Việt Nam.
Thông qua Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gamuda Land Việt Nam, tập đoàn sẽ tham gia vào việc tái tạo công viên Yên Sở hiện nay thành một công viên công cộng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế với những hồ nước sạch và một hệ thống vệ sinh hiện đại, góp phần vào việc khuyến khích những lối sống mang tính văn hóa và cộng đồng cao, đồng thời cũng tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế, đầu tư, việc làm và du lịch ở phía Nam Hà Nội.
Một trong những phần quan trọng và đáng chú ý nhất của dự án này là xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất tại công viên Yên Sở với số tiền đầu tư vào nhà máy này là 253 triệu USD. Nhà máy xử lý nước thải có công suất 195,000 m3/ ngày, có khả năng xử lý một nửa lượng nước thải của Hà Nội, phục vụ khoảng 1,2 đến 1,5 triệu người dân Hà Nội và giúp giảm thiểu lượng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông Hồng. Hiện nay, dự án này đang được thi công và 5 hồ nước bị ô nhiễm nặng trong Công viên Yên sở đang được tiến hành nạo vét và làm sạch.

Dự án công viên Yên Sở sẽ cải tạo công viên hiện tại thành một công viên sạch đẹp mang tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các khu trường học, triển lãm và bảo tồn văn hóa. Không chỉ có nhà máy xử lý nước thải giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước tại các ao, hồ trong khu vực mà bản thân công viên Yên Sở cũng mang lại một môi trường sống tốt hơn và trong lành hơn cho người dân Hà Nội bằng cách cung cấp nước sạch, phục vụ tưới tiêu, đồng thời nâng cấp môi trường xung quanh nhờ xây dựng một không gian thư giãn, giải trí hiện đại.
Tôi còn nhớ câu chuyện về một “ông Bụt” hiện ra chữa bệnh loà mắt cho cả một làng. Làng này có tên là làng Vĩnh ở Hà Tây. Cả làng có một cái giếng ở giữa làng. Tất cả nước sinh hoạt của dân làng đều lấy từ cái giếng này. Không hiểu vì sao mà làng này đời này qua đời khác đều bị bệnh toét mắt rồi dẫn đến loà. Nhưng một ngày, có một người làm nghề bẫy chim ngói đi qua. Khi biết chuyện cả làng mắc bệnh toét mắt, ông đi quanh làng xem xét rồi chỉ cho dân làng cách nạo vét và giữ sạch giếng nước. Từ đó, dân làng không ai mắc bệnh toét mắt dẫn đến mù loà nữa. Dân làng Vĩnh tin rằng người đàn ông làm nghề bẫy chim ngói là một ông Bụt đến để giúp họ. Vì thế cứ vào tháng Mười hàng năm, người làng Vĩnh thổi xôi với chim ngói mang ra giếng làng thắp hương để nhớ tới công ơn của ông. Câu chuyện này về bản chất giống các dự án làm nước sạch trong thời hiện đại mà thôi.
Hải Hoàng
http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/5327/index.viet
 

18- Vụ công ty Hào Dương xả thải trái phép: Với họ, tiền là trên hết(?!)

20/10/2008

________________________________________

Miệng cống xả của công ty Hào Dương chỉ ngưng xả thải khi công ty này bị PC16 bắt quả tang.



Tính từ tháng 7 đến nay, hàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề hủy hoại môi trường của các công ty, xí nghiệp đang khiến dư luận phẫn nộ, giới truyền thông liên tục phản ánh thực trạng kênh rạch, sông ngòi bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp. Nhưng, ngoài dư luận quan tâm đến môi trường sống thì các công ty – đơn vị trực tiếp gây ô nhiễm lại đứng ngoài cuộc.
Vụ Vedan, Miwon chưa kịp lắng xuống, thì mới đây thôi vào ngày 11/10 Phòng Cảnh sát Môi trường Hà Nội lại bắt quả tang xưởng sản xuất của Công ty TNHH Vạn Đại ở xã Biên Giang (Thanh Oai, Hà Nội) đầu độc sông Đáy. Ngay thời điểm đó ở TP HCM lại xuất hiện thêm vụ Công ty Cổ phần Hào Dương “bức tử” sông Đồng Điền. Lại một lần nữa, câu hỏi “Liệu hành động tàn nhẫn đối với môi trường của công ty này sẽ bị xử lý ra sao”(?!).
Vì lợi nhuận quyết...giết môi trường
Công ty Hào Dương chính thức hoạt động tại lô 18A Khu Công nghiệp Hiệp Phước từ năm 2003 với xưởng sản xuất da phèn xanh có diện tích 5.777m2, công suất 4.800 tấn/năm. Từ năm 2007, công ty này nâng công suất lên 60.000 tấn/năm (lớn nhất Việt Nam) với diện tích nhà xưởng lên đến hơn 30.500m2. Khuya ngày 10/10, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC36) TP HCM sau một thời gian mật phục đã bắt quả tang Công ty Cổ phần Hào Dương đang xả thải trực tiếp ra sông Đồng Điền.
Vẫn kiểu xả thải lén lút thông qua hệ thống đường ống thải chằng chịt như cách mà Vedan từng làm, Công ty Hào Dương còn tinh vi hơn khi trang bị máy bộ đàm cho nhân viên bật công tắc xả thải. Chỉ cần nhận lệnh xả thải thông qua bộ đàm, nhân viên gạt công tắc thì hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý, có màu đặc sệt như nhớt xe, bốc mùi hôi thối nồng nặc tuôn tràn xuống dòng sông Đồng Điền. Điều đáng nói hơn là chỉ khi bị PC36 “bắt tận tay, day tận trán” thì lãnh đạo công ty này mới thừa nhận sai phạm. Trước đó, hàng loạt cuộc họp, hàng chục lần phạt với biện pháp chế tài đã được các cơ quan chức năng áp dụng đối với việc xả thải ra sông của Công ty Hào Dương. Nhưng tất cả những viện pháp này chẳng khác nào chuyện “đàn gảy tai trâu”.
Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, thì vào tháng 1/2008 Công ty Hào Dương bị đề nghị cắt nước vì gây ô nhiễm nghiêm trọng. Không cần quan tâm đến mức phạt đó, Công ty Hào Dương xoay sang khoan giếng ngầm và mua nước để sản xuất. Trưa ngày 13/10, PV Chuyên đề ANTG vẫn bắt gặp ghe có tải trọng lớn đang chờ cung cấp nước giếng cho Công ty Hào Dương. Một chủ ghe chở nước cho công ty này cho biết, giá thành của mỗi khối nước vận chuyển từ Phước Lý (Đồng Nai) lên đến khu vực này là 11.000/m3. Chấp nhận bỏ tiền mua nước để sản xuất chứ nhất định không nâng cấp hệ thống xử lý nước thải thì đủ thấy mức độ chây lỳ của công ty này.
Tiếp đến ngày 4/6, Công ty Hào Dương bị Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) TP HCM xử phạt hành chính 14 triệu đồng vì xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Thanh tra yêu cầu công ty cải tạo hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra ngoài, thời hạn thực hiện trước ngày 21/6. Mặc dù vậy, phía công ty vẫn phớt lờ yêu cầu này của Sở TNMT và tiếp tục xả thải ra sông Đồng Điền. Vì vậy, huyện Nhà Bè đề nghị Thanh tra Sở TNMT cộng thêm mức phạt 31-33 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải của Hào Dương.

Xưởng sản xuất của công ty Hào Dương nhìn từ phía dòng sông Đồng Điền.
Ngày 11/7, Sở TNMT có văn bản gửi PC36 đề nghị “xử lý hình sự theo quy định” đối với Công ty Hào Dương. Ngày 4/9, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè có văn bản gửi Công ty Hào Dương khẳng định: “Nếu công ty vẫn vi phạm, UBND huyện Nhà Bè sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính và chuyển sang xử lý hình sự đối với Giám đốc Mai Duy Hiền. Ngày 11/7, ông Nguyễn Văn Phước - Phó giám đốc Sở TNMT có Công văn 5492 yêu cầu “ngừng cung cấp điện cho đến khi Hào Dương cải tạo hoàn thành hệ thống xử lý nước thải”. Ba ngày sau, Chánh văn phòng Sở TNMT lại có văn bản truyền đạt ý kiến ông Phước, ngược lại hoàn toàn: “Đề nghị tạm hoãn các biện pháp chế tài (cắt điện) đối với Công ty Hào Dương trong thời hạn 30 ngày (tức hết ngày 14/8)”.
Gần 2 tháng trôi qua kể từ khi hết hạn này, Hào Dương cũng chả thèm khắc phục mà cũng không bị cắt điện. Cũng cần phải nói thêm rằng, tính từ đầu năm 2008 đến nay, công ty này đã bị phạt tổng cộng 20 lần đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng ngày 24/9, một tuần sau thời hạn cam kết, đoàn kiểm tra đột xuất của HEPZA bất ngờ tiếp cận từ phía bờ sông và phát hiện nước từ hệ thống xử lý nước thải mới xả ra sông Đồng Điền có màu đen và bốc mùi hôi thối. Đoàn kiểm tra đã kịp lấy mẫu nước đem đi phân tích. Kết quả phân tích của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP HCM) cho thấy mẫu nước thải này không đạt tiêu chuẩn nước thải loại B theo quy định. Cụ thể, chỉ tiêu COD vượt hơn 47 lần, BOD vượt 29 lần và coliform vượt đến 5.000 lần so với mức cho phép.
Phải chăng, vì lợi nhuận của chính mình, nên Công ty Hào Dương đã tự đặt quyền lợi của công ty lên trên những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Và hẳn nhiên, chắc chắn rằng trong họ không hề tồn tại khái niệm “đạo đức kinh doanh”.
Nỗi khổ bên dòng Đồng Điền
Phía bên này bờ sông Đồng Điền, nơi Công ty Hào Dương đặt cống xả thải nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước A, không có nhà dân. Nhưng, phía bên kia con sông vài mươi thước, hàng chục hộ dân ngày đêm sống trong bức xúc vì cái không khí đậm mùi “hôi như chuột chết” do nước thải của Công ty Hào Dương gây nên.
Từ miệng cống xả thải của Công ty Hào Dương, đi ghe chưa đầy 5 phút đã qua phía bờ bên kia, nơi nhiều hộ dân sống dở chết dở vì mùi hôi thối. Trong số hàng chục hộ dân này, thì 3 hộ nằm trong khu Cá Chốt (đối diện với cống xả thải) của Công ty Hào Dương bị ảnh hưởng nặng nhất bởi mùi hôi mỗi khi công ty này xả thải ra sông. Cô Trần Thị Hoàn (khu Cá Chốt, tổ 10, ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) cho biết, từ ngày Công ty Hào Dương đi vào hoạt động cũng là lúc cả nhà cô sống chung với mùi hôi. “Không thể nào tưởng tượng được khi họ xả nước mùi hôi như thế nào đâu. Đi ngủ cả nhà đã trùm mềm kín mít nhưng không thể nào ngủ được vào những đêm họ xả thải. Cứ nằm thế chịu đựng bởi biết kêu ai bây giờ”, cô Hoàn cho biết.
Vẫn theo lời cô Hoàn, vào ngày 11/8 là đám cưới con trai cô. Trước đám cưới vài ngày, lo sợ Công ty Hào Dương xả nước thải khiến khách dự đám cưới không thể nhập tiệc. Em trai cô Hoàn cùng vài thanh niên buộc phải đi ghe sang gây áp lực, yêu cầu phía Hào Dương không được xả thải vào ngày đó để họ yên ổn tổ chức đám cưới. Có câu nói mà dân khu Cá Chốt hay đùa nhau, nghe rất đau xót là: “Cho một trái bom về phía Công ty Hào Dương đi, một người chịu án tử hình để cứu cho toàn dân ở đây thoát khỏi mùi hôi thối”.
Cũng như cô Hồng, cô Nguyễn Thị Ba người đã sống gần 20 năm bên bờ Đồng Điền này nói, từ ngày Hào Dương xả thải, cả nhà cô gần như phát điên bởi mùi hôi khủng khiếp. Ban đầu, cô mua cho mỗi người trong nhà một cái khẩu trang để chống lại mùi hôi. Nhưng không ăn thua. Về sau, cô tăng cường chống mùi hôi bằng cách liên tục dùng chai xịt phòng để giảm bớt mùi mỗi khi Hào Dương xả thải. Lâu dần, họ sống chung với mùi hôi bằng cách cứ vào giờ Hào Dương xả thải, cả nhà lại lang thang lên quốc lộ để tránh mùi. Đã rất nhiều lần thanh niên phía bên này sang “tuyên chiến” với người của công ty. Nhưng, cứ mỗi lần kéo đò qua nói chuyện phải quấy người có trách nhiệm của công ty lại trốn mất. Không lẽ gây hấn với mấy anh em bảo vệ, nên họ lại quay về. Lâu dần, thanh niên cũng mất hết “nhuệ khí”, cứ chặc lưỡi tự an ủi theo kiểu: “Nó thải cứ thải, mình chửi cứ chửi”. Nhiều hộ dân trong ấp đã cùng nhau làm đơn gửi lên UBND xã Hiệp Phước và xã Long Thới để mong chính quyền can thiệp, nhưng cho đến giờ, họ vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía UBND xã.
Anh tài công Lê Văn Tân chở chúng tôi đi ghi hình miệng cống xả thải của Công ty Hào Dương cho biết, thông thường công ty này thường xả thải vào giữa khuya hoặc khi có mưa. Nhưng cá biệt, vào những ngày chủ nhật đôi khi họ xả thải cả ngày. Mỗi lần xả thải, là thêm một lần khúc sông gần công ty này đen kịt, bốc mùi hôi khủng khiếp và sùi váng bọt cả một đoạn sông.
Trước khi chúng tôi ra về, anh Tân rất nhỏ sau tiếng thở dài: “Có cách nào làm Công ty Hào Dương ngưng sản xuất hay rút giấy phép để bà con vùng này bớt khổ vì mùi hôi của nó không, anh?”. Thú thật, chúng tôi không thể trả lời câu hỏi này của anh. Cũng như bà con ở khu vực này, chúng tôi vẫn đang chờ một biện pháp xử lý mạnh mẽ nhất từ phía các cơ quan chức năng trong vụ xả thải này.
Khi những công ty đầu tư tại Việt Nam không thể hiểu “Thế nào là đạo đức kinh doanh?”, và không làm được cái việc rất đơn giản “Sinh lợi đi kèm bảo vệ môi trường”, đã đến lúc, thay vì cứ nói và hứa, dư luận chờ một hành động dứt khoát trong việc bảo vệ môi trường. Họ không có quyền “sinh lợi trên mảnh đất này nhưng lại ngày ngày giết chết môi trường sống của những người dân tại đây”

Thiên Hữu


http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2008/10/67663.cand

 

19- Hệ lụy Miwon từ góc di sản

Hệ lụy Miwon từ góc di sản
11:45, 20/10/2008

________________________________________

Những hiện vật đã khai quật được ở di tích làng Cả.


Chuyện Nhà máy mỳ chính Miwon xả nước thải ra sông Hồng đang gây dư luận ồn ào. Nhưng còn chuyện Miwon tọa lạc ngay trên một phần di tích Làng Cả cũng là chuyện có thực, dẫu hiện chỉ còn đọng lại bài học đau xót cho vấn đề di sản dân tộc.
Nhức nhối Miwon
Làng Cả là di tích thuộc văn hóa Đông Sơn nổi tiếng Việt Nam và cả thế giới. Đây còn là nơi tương truyền là một phần của Kinh đô Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.
Di tích quý giá này là một minh chứng rõ rệt cho sự tồn tại của một Nhà nước sơ khai cũng như của thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử dân tộc, khi mà niên đại được phân tích bằng phương pháp cácbon phóng xạ cho kết quả là 285 năm trước Công nguyên trùng hợp với một thời Vua Hùng trong sử sách.
Từ năm 1976 đến 1977, các nhà khảo cổ đã khai quật được 307 mộ táng và hàng trăm hiện vật độc đáo ở Làng Cả như trống đồng, thạp đồng, khóa thắt lưng đồng, rìu, dao găm, tấm che ngực, khuôn đúc đồng, nồi nấu đồng, chưa kể hàng vạn mảnh gốm.
Ngay từ bấy giờ, chúng tôi đã xác định Nhà máy Miến - mỳ chính (tiền thân của Nhà máy Miwon hiện nay) đang nằm trong phạm vi phân bố của di tích và đã có kiến nghị phải có biện pháp bảo vệ.
Năm 2005, các nhà khảo cổ lại tiếp tục khai quật và xác định phạm vi phân bố của Làng Cả, thêm một lần nữa khẳng định Nhà máy Miwon đang tọa lạc ở phạm vi di tích, cần phải di dời nhà máy hoặc phải có biện pháp bảo vệ di tích dưới lòng đất.
Trớ trêu thay, cũng trong thời điểm này, Nhà máy Miwon không những không di dời mà lại có kế hoạch “bành trướng” hơn: mở rộng mặt bằng, xây dựng thêm nhiều phân xưởng, thậm chí xây một khu xả nước thải trong phạm vi di tích.
Các nhà khoa học, quản lý di sản, báo chí... lên tiếng ầm ầm. Nhiều cảnh báo được đưa ra khá gay gắt: không thể để nước thải chảy trên khu đất linh thiêng của di tích độc nhất vô nhị của cội nguồn dân tộc được, điều đó không khác gì cạnh bàn thờ lại có dòng nước thải.
Cũng như không thể xây các phân xưởng bê tông kiên cố trong phạm vi di tích được vì như vậy là hủy hoại vĩnh viễn di tích. Cách tốt nhất là nên di chuyển cả Nhà máy Miwon đến khu vực khác.
Đáng tiếc là tiếng nói công luận lúc bấy giờ chỉ như... đá ném ao bèo. Cuối cùng thì tỉnh Phú Thọ với Công văn ngày 4/1/2006 vẫn chấp nhận cho Miwon... lấn di tích để làm hồ chứa nước thải và phần mở rộng với diện tích 1,4 hécta. Nhà máy thì ngày một phát triển quy mô hơn, các khối nhà bê tông đào móng cắm sâu vào lòng di tích.
Hệ quả nhỡn tiền đã xảy ra với di tích Làng Cả ngay khi Miwon được bật đèn xanh cho mở rộng cơ sở hạ tầng: suốt năm 2006, khi chúng tôi được anh em công nhân đang thi công cho biết, khi đào móng, rất nhiều đồ đồng bị bật ra khỏi lòng đất như đinh đồng, giáo đồng và nhiều cụm gốm trong các khu vực đất đen được phát hiện. Đó chính là các ngôi mộ thời Hùng Vương. Thật đau xót trước một di sản thực sự quý báu bị phá hủy cho dù đã được cảnh báo trước.
Hệ quả mà ngày hôm nay, dân quanh vùng nhận được thì ai cũng biết: hồ nước thải ngày đêm làm ô nhiễm sức khỏe người dân. Nhưng còn một hệ lụy nữa, lâu dài hơn: đó là không thể chấp nhận một hồ chứa nước thải nằm cạnh một di tích như Làng Cả được.
Chưa kể, trong tương lai, khu di tích Làng Cả sẽ là một trung tâm du lịch cội nguồn, liệu có khách du lịch trong nước và ngoài nước nào đến thăm Làng Cả lại phải vừa đi vừa bịt mũi không?
Vốn là một quả đồi đẹp có di tích Làng Cả 2.000 năm, có mái đình xưa, có hồ nước, có bến sông Hồng. Đấy chính là cảnh quan phong thủy điển hình của một di tích vô giá thời Hùng Vương. Nay thì Làng Cả bị phá vỡ và xé vụn, mà chủ yếu là do Miwon, từng bước lấn chiếm di tích.
Bài học Miwon vẫn... lặp lại
Thôi thì việc đã rồi, di tích thì đã bị phá tan hoang, dẫu có nhiều tiền cũng không cứu được nữa. Một phần của di tích Làng Cả thì đã được khoanh vùng và được cấp bằng di tích quốc gia ngày 22/8/2006.
Thế là đã quá muộn khi một di tích tầm cỡ đến vậy mà được quy hoạch chậm trễ đến thế, cũng là một nguyên nhân khiến Nhà máy Miwon có cơ sở làm liều và tỉnh Phú Thọ cũng dựa vào đó để cắt đất di tích (sau một hồi co kéo giữa các cơ quan chức năng của tỉnh mà phần nhượng bộ bao giờ cũng là các bộ phận quản lý văn hóa).
Giá mà, tỉnh Phú Thọ chịu khó nghe sự tư vấn của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh thì chắc không có chuyện gì ồn ào như hiện nay. Bài học rút ra ở đây là đối với những di tích quý giá như Làng Cả, cần gấp rút quy hoạch và cấp bằng di tích, góp phần ngăn chặn ngay từ đầu mọi nguy cơ lấn chiếm.
Bài học thứ hai liên quan đến vấn đề “cơm áo gạo tiền”. Dẫu biết rằng, một nhà máy như Miwon đã vực dậy kinh tế của một vùng còn nghèo, mang lại công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhưng không phải phát triển kinh tế bằng bất kỳ giá nào.
Cái giá của sự lấn chiếm Làng Cả thật là quá đắt, di tích và di vật bị phá hủy. Khi kinh tế đất nước khá lên rồi, liệu còn gì đây để nói với các thế hệ mai sau: chính dưới những công trình bê tông bề thế này, đã từng có... một khu mộ tổ tiên, nhưng đã bị san bằng một cách không thương tiếc.
Hay giới thiệu gì với hậu thế khi chỉ tay vào hồ chứa nước thải Miwon mà ngậm ngùi... về một thời nơi đây từng có dấu vết của thời các vua Hùng?
Sau sự kiện cắt đất cho Miwon, di tích Làng Cả được quy hoạch lại, được công nhận Di tích quốc gia, cổng chào có chữ đề di tích Làng Cả to vật vã, địa giới phân chia đã rõ ràng, dẫu bị thu hẹp đáng kể, thì lại một phong trào ào ạt xông lên để lấn chiếm mặt bằng di tích vừa được công nhận mà nét vẽ bản đồ chưa ráo mực.
Đó là khu vực di tích sát đường Hùng Vương đối diện với sân vận động thành phố, nơi mà mới đây năm 2006 chúng tôi đã khai quật thấy di tích của một làng cổ Đông Sơn liên quan đến khu mộ Làng Cả. Có lẽ thấy đất di tích quá “ngon”, chưa khai thác, lại có địa thế mặt tiền đẹp, thế là chỉ một thời gian ngắn bến xe, kiốt đã mọc lên kín chỗ.
Ai mà bảo đảm được rằng những công trình tạm này không đào đất và ảnh hưởng đến di tích khi mà chỉ cần chạm vào độ sâu 20cm là đã có những mảnh gốm, di vật thời Hùng Vương rồi.
Lại một cuộc lấn chiếm và giải tỏa bất tận nữa.
Và liệu có một sự kiện Miwon thứ hai nào nữa diễn ra ở khu vực làng cổ này nữa không? Thật khó trả lời, may ra chỉ có các nhà quản lý văn hóa Phú Thọ mới biết được

PGS.TS Trịnh Sinh


________________________________________
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2008/10/67655.cand
 

20- Bình Dương: Đề nghị đóng cửa 4 công ty gây ô nhiễm

Cập nhật: 9:57:00 10/10/2008

Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương vừa đề nghị UBND tỉnh Bình Dương đình chỉ hoạt động đối với 4 công ty gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường.

CôngThương - Bốn công ty bị đề nghị đóng cửa gồm: Công ty TNHH Công nghiệp Thead Việt Nam tại huyện Tân Uyên; Công ty TNHH Nông súc Trực Điền, Công ty TNHH Kim Long tại huyện Bến Cát và Công ty TNHH Hải Ân tại xã Bình Hòa, huyện Thuận An. Bốn công ty này đứng đầu trong bản danh sách 25 công ty gây ô nhiễm môi trường của tỉnh Bình Dương đã được “xếp hạng” năm 2007.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương, danh sách 25 công ty gây ô nhiễm này đều đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí có đơn vị còn bị xử lý hành chính từ 1đến 2 lần nhưng các chủ công ty không thực hiện hoặc thực hiện dưới hình thức đối phó các quy định đã cam kết trong biên bản.

Các công ty vi phạm là các đơn vị chế biến gỗ, giấy, chăn nuôi, sản xuất hóa chất. Các công ty vi phạm về môi trường chủ yếu xả nước thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Kết qủa kiểm tra quan trắc về chỉ tiêu chuẩn chất COD, BOD, độ màu vượt từ vài lần đến hàng trăm lần mức cho phép.
Thế Vĩnh
http://www.baothuongmai.com.vn/Details/phap-luat/binh-duong-de-nghi-dong-cua-4-cong-ty-gay-o-nhiem/32/0/5410.star

TP HCM: Sẽ không còn chỗ cho các doanh nghiệp "đen"?
Cập nhật: 11:52:00 16/10/2008


Môi trường TP.HCM vẫn tiếp tục bi ô nhiễm Sự việc Vedan và Miwon huỷ hoại môi trường đã góp phần cảnh tỉnh nhiều cơ quan chức năng, giúp họ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với việc siết chặt công tác quản lý môi trường.

CôngThương -
Hepza chủ trương rút giấy chứng nhận đầu tư đối với DN tái vi phạm môi trường

Những ngày gần đây, Ban Quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã nhanh chóng triển khai thực hiện nhiều biện pháp xử lý chặt chẽ nhằm bảo vệ tốt việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp (KCN) & khu chế xuất (KCX) trên địa bàn TP HCM.

Theo thống kê từ trung tuần tháng 9/2008 của Hepza, TP.HCM hiện có 3 KCX và 10 KCN hoạt động, đến nay hầu hết các KCN đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) với tổng công suất xử lý của các nhà máy tại các KCX, KCN là 53.000 m3/ngày. Tuy nhiên vẫn còn 2 KCN chưa xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới thu gom (KCN Vĩnh Lộc và KCN Tây Bắc Củ Chi). Trong tổng số 949 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, có 330 DN có phát sinh nước thải; trong đó: 253 DN phát sinh nước thải sản xuất qui mô lớn, nước thải ô nhiễm đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cục bộ và được Sở Tài nguyên Môi trường nghiệm thu; 77 DN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ.

Mặc dù hầu hết các DN phát sinh nước thải sản xuất qui mô lớn, nước thải ô nhiễm đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng chất lượng nước sau xử lý của một số DN không đạt tiêu chuẩn đấu nối của KCN. Thậm chí vẫn còn nhiều DN xây dựng hệ thống XLNT cục bộ để đối phó với cơ quan chức năng, chỉ vận hành khi có kiểm tra; hoặc có hệ thống xử lý nhưng đã xuống cấp, hiệu quả xử lý không cao hoặc không vận hành, dẫn đến nhà máy XLNT tập trung của KCN bị quá tải về nồng độ. Thêm vào đó, các loại khí thải như: Khí thải lò hơi, hơi axít từ quá trình xi mạ, mùi hôi của quá trình thuộc da…

Hiện đã có 89 trường hợp áp dụng biện pháp thu gom xử lý bụi thải, khí thải đặc trưng, số còn lại (81 DN) không trang bị hệ thống xử lý khí thải do công suất nhỏ, lò hơi vận hành sử dụng dầu DO và quá trình đốt hiệu quả, đồng thời tác nhân phát sinh ô nhiễm ngay tại nguồn xả đạt tiêu chuẩn cho phép. Việc xử lý rác thải tại các KCX, KCN thành phố hầu hết đều có trạm chứa và phân loại rác, nhà làm việc cho đội vệ sinh và lực lượng quét dọn đường, nạo vét mương cống thoát nước, trồng cây xanh. Theo đó, rác công nghiệp còn giá trị sử dụng do các lực lượng dịch vụ tiếp nhận thu gom, vận chuyển, tiêu thụ, các loại rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất như dầu cặn, bùn lắng sau quá trình xử lý nước thải được kiểm nghiệm phân tích kỹ và giao đơn vị chức năng bên ngoài tiêu hủy…

Tính đến nay, trong tổng số 13 KCX, KCN đang hoạt động trên địa bàn thành phố thì đã có 03 KCX (Tân Thuận, Linh Trung và Linh Trung II) và 02 KCN (Tân Bình, Lê Minh Xuân) có đầu tư trạm phân loại, trung chuyển rác thải các loại; các KCN còn lại thì phần lớn do các đơn vị có chức năng trên địa bàn thành phố thu gom trực tiếp tại các nhà máy có phát sinh.

Mặc dù đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý và nghiêm ngặt hơn trong công tác xử phạt nhưng nhìn chung các hình thức xử lý vi phạm vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều trường hợp không tuân thủ các quyết định xử lý vi phạm, không đóng tiền phạt, không thực hiện các yêu cầu khắc phục về môi trường. Các hình thức xử lý vi phạm nghiêm khắc như đóng cửa sản xuất, ngưng cung cấp nước sạch, ngưng cung cấp điện, không cho thoát nước thải hoặc xử lý hình sự đối với một số DN vi phạm nghiêm trọng chưa được thực hiện. Do đó, các DN vi phạm, tái phạm công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến.

Theo bảng tính trên, một số KCN vẫn còn số lượng DN chưa trang bị hệ thống xử lý nước thải phần lớn có nguồn gốc từ nhà ăn, nước thải buồng sơn mà chất lượng nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép xả vào hệ thống thu gom nước thải KCN không cao (phần lớn vượt quá 2 lần cho phép). Tuy vậy, hiện nay đã có nhiều công ty khắc phục được các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, tiêu biểu phải kể tới Công ty Bao bì và Thương mại Quang Huy (KCN Vĩnh Lộc) và Công ty CP Quốc tế Logistics Hoàng Hà (KCN Tân Bình). Theo đó, các công ty này đã khắc phục các tồn tại xung quanh trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh bền vững. Điều này đáng khích lệ cho tất cả những công ty đã làm ăn sai phạm, biết sửa sai kịp thời. Riêng với Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương, Hepza sẽ nhanh chóng có biện pháp xử lý kịp thời và nghiêm ngặt, để đảm bảo cho môi trường thành phố luôn xanh sạch và đẹp.

Ông Ngô Anh Tuấn , Phó Ban Quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM cho biết: thời gian tới Hepza sẽ siết chặt hơn nữa các công tác quản lý môi trường, sẽ “Không còn chỗ cho doanh nghiệp đen” khi họ cố tình vi phạm và tái phạm về vấn đề xử lý môi trường trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, những doanh nghiệp nào tái vi phạm môi trường sẽ bị rút giấy chứng nhận đầu tư. Thêm vào đó, những doanh nghiệp nhà nước mà có hành vi vi phạm về môi trường thì Ban quản lý sẽ đề xuất xem xét tư cách Đảng viên của người lãnh đạo.
Thùy Dương - Khắc Phấn
http://www.baothuongmai.com.vn/Details/kinh-te/tp-hcm-se-khong-con-cho-cho-cac-doanh-nghiep-den/32/0/5929.star
 

21- TP HCM: Sẽ không còn chỗ cho các doanh nghiệp "đen"?

 

 

22- Ô nhiễm trầm trọng, sông Đồng Nai làm nhiều người đổ bệnh

VNN
(Biên Hòa - VNN) Mọi chất thải của thành phố Biên Hòa đều đổ về sông Đồng Nai. Dòng nước đen như nhựa đường của suối Linh, một trong hai dòng suối chính chảy qua thành phố, cũng đổ thẳng ra sông. Và đã đến lúc con sông này chịu không nổi sự ô nhiễm kéo dài qua nhiều năm tháng.
Một nông dân sống gần suối Linh đã ngót 30 năm nay cho biết, khoảng chục năm gần đây ở khu vực cuối nguồn suối này, nước đã trở nên đen thui như vậy. Một cư dân khác ở phường Long Bình, một trong những "bãi thải" phát nguồn ô nhiễm ở tỉnh Đồng Nai đã vạch từng đám cỏ để lộ ra cống xả chất thải của một số hãng xưởng sản xuất chảy suốt ngày đêm ngay trước cửa nhà bà. Bà cho biết nước thải của rượu bia, nước sản xuất cồn... lúc màu đen, lúc màu đỏ, rồi màu nâu cứ thế chảy ra cống rồi dẫn thẳng ra suối Linh. Nhiều hôm mùi hôi thối cứ bay khắp xóm, không thể nào chịu nổi.
Các hãng xưởng sản xuất này đã liên tục gây ô nhiễm hết năm này đến năm khác, cả chục năm nay bị phạt hành chính nhiều lần nhưng quyết định xử phạt chưa ráo mực là chất thải lại tiếp tục tuôn trào ra suối.
Đáng ngại nhất là chất thải chăn nuôi heo. Khắp phường Long Bình, hầu như bất cứ nơi đâu cũng có thể ngửi thấy một mùi đặc biệt của vùng nuôi heo. Nhiều quán ăn nằm cách xa cả cây số mà mùi phân heo vẫn cứ xộc vào mũi thực khách.
Chính quyền CSVN tại địa phương cho biết, mỗi năm ở cái phường khá nhỏ bé này có thể sản xuất 32.000-35.000 con heo. Còn theo người dân địa phương thì ở đây hộ nuôi ít nhất cũng khoảng 200 con. 100% chất thải của việc chăn nuôi này đều đổ ra các dòng suối nhỏ rồi đổ vào suối Linh, được dẫn thẳng ra sông Đồng Nai.
Một nghiên cứu cho biết nồng độ BOD5 (oxy sinh học) trên sông Đồng Nai tại Hóa An có thể lên đến 11,5 - 13,8 mg/l, vượt tiêu chuẩn quy định nguồn loại A từ 2,9 - 3,4 lần; tương tự, hàm lượng vi trùng, các chất dinh dưỡng từ các nguồn thải sinh hoạt, chăn nuôi... cũng sẽ tăng 2,3 lần trong vài năm tới.

g
http://66.218.69.11/search/cache?ei=UTF-8&p=%C3%B4+nhi%E1%BB%85m+s%C3%B4ng+%C4%91%E1%BB%93ng+nai&fr=moz2&u=www.lenduong.net/spip.php%3Farticle7406&w=al%3A%C3%B4+al%3Anhi%E1%BB%85m+al%3As%C3%B4ng+al%3A%C4%91%E1%BB%93ng+nai&d=bUvk5PReRb41&icp=1&.intl=us

23- Dù nhiều lần bị dọa “xử lý” triệt để: Sông Thị Vải ô nhiễm nặng, không còn sự sống
 

Wednesday, September 26, 2007

Phát triển công nghiệp dọc sông Thị Vải đã làm dòng sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Cán bộ chuyên môn Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường TP.HCM lấy mẫu nước sông Thị Vải để phân tích thành phần ô nhiễm. (Hình: báo Tuổi Trẻ)


SÀI GÒN - “Nhiều đoạn sông Thị Vải - vùng Đông Nam Bộ thuộc Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Sài Gòn - đang bị nạn ô nhiễm môi trường hủy diệt. Điều này chỉ mới xảy ra độ chục năm trở lại đây, khi nhà máy công nghiệp, cảng sông... mọc lên dày đặc”. Báo Tuổi Trẻ ngày Thứ Tư 26 Tháng Chín, 2007 mở đầu cho bài viết “Sông Thị Vải không còn... thở” như vậy.
Bài viết trình bày cho thấy con sông này từng được mô tả “chết đi sống lại” vì sự ô nhiễm gây ra do các nhà máy sản xuất mọc lên dọc theo dòng sông, xả hóa chất, chất thải độc hại xuống sông vô tội vạ. Nay đang đi dần đến chết luôn như lời cảnh báo của nhiều nhà khoa học, giống như những dòng sông, kênh rạch quan trọng khác trên cả nước.
Hơn một chục năm nay, một số bài viết về ô nhiễm trầm trọng trên sông Thị Vải khiến nông dân khốn khổ trên hai bờ, cá chết dưới sông.
Ngày mùng 6 Tháng Ba, 2006, báo Người Lao Động loan tin “xử lý triệt để các cơ sở 'đầu độc' sông Thị Vải” trong đó Trần Hông Hà, cục trưởng Cục Bảo Vệ Môi Trường của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường CSVN nói rằng: “Trong năm 2006, đoàn kiểm tra liên ngành phải hoàn tất rà soát và lên danh sách các cơ sở gây ô nhiễm sông Thị Vải và vi phạm luật bảo vệ môi trường, sau đó tiến hành xử lý triệt để theo luật định”.
Cũng trong bản tin này của tờ Người Lao Động, tờ báo nói: “Thứ trưởng thường trực Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Phạm Khôi Nguyên, người trực tiếp tổng chỉ huy việc kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải, cho biết bắt đầu từ tuần này (6 Tháng Ba, 2006) Bộ Tài Nguyên Môi Trường sẽ chính thức ra quân xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại sông Thị Vải. Ông Nguyên nhấn mạnh Bộ Tài Nguyên-Môi Trường nhận thấy tình trạng ô nhiễm trên con sông này là rất nghiêm trọng, sớm có biện pháp khắc phục ngày nào tốt ngày đó.”
Trước khi có lời đe dọa “xử lý triệt để” của các ông Trần Hồng Hà và Phạm Khôi Nguyên, sếp của hai ông này, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường (lúc đó) vào ngày 27 Tháng Mười Hai, 2004 đã tuyên bố với báo Lao Động như sau: “Ai gây ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm đến cùng”.
Nay, báo Tuổi Trẻ ngày 26 Tháng Chín, 2007 mô tả dòng sông Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như sau:
“Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rất ‘đặc trưng’... mùi nước sông Thị Vải tại khu vực cảng Gò Dầu (thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai). Màu nước nâu nâu, đỏ đỏ chạy dài hàng chục kilômet khiến tất cả những ai có dịp quan sát dòng sông này đều khó quên.
Các nhà chuyên môn cho rằng mùi hay màu cũng chỉ là một trong những biểu hiện của tình trạng ô nhiễm. Còn muốn biết đích thực mức độ ô nhiễm nặng nhẹ đến đâu, nhất định phải phân tích mẫu nước mới có thể đánh giá được.

24- Hiện trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam

Nhã Trân, phóng viên đài RFA
2008-08-25
Ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam trong những năm gần đây đã đến mức báo động. Sau nhiều cảnh báo của giới chuyên gia và nhiều cơ quan nghiên cứu, vấn đề này đã được giải quyết đến đâu?

AFP PHOTO
Giới nghiên cứu liên tục cảnh báo trước hiện trọng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại Việt Nam.

Hôm thứ Ba tuần này tại Hà Nội diễn ra một cuộc hội thảo khoa học về quản lý chất thải đô thị do Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trừơng thuộc Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp tổ chức với Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Darmstad của Đức Quốc.
Hệ thống sông ngòi bị ô nhiễm nặng
Nước thải công nghiệp là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong hội thảo ấy. Đó là vì thời gian sau này, nhiều nguồn nước ở Việt Nam ngày càng trở nên ô nhiễm, nhất là kể từ khi làn sóng công nghệ hóa ở Việt Nam mỗi lúc một dâng cao.
Các nghiên cứu khoa học nhận ra rằng có những hệ thống sông của Việt Nam đang bị ô nhiễm nặng. Nhiều con sông tiếp tục bị hủy họai vì chất thải công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng từ hàng trăm nhà máy, xí nghiệp. Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Đồng Nai hồi Tháng Năm vừa qua loan báo là bình quân mỗi ngày có đến gần 60 ngàn mét vuông nước thải được xả ngay vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn.
Rác rưởi người ta đỏ xuống đó nhiều quá. Các công ty ở bên Việt Nam cứ thải những chất phế thải của công ty ra sông. Nhiều khi sông có những chất nổi lên giống như là dầu. Nước thì rất là đục, gần như là nước bùn, nước xình vậy.
Bà Thi, Sài Gòn
Người dân chịu hậu quả trực tiếp của tệ nạn này lâu nay vẫn bức xúc. Bà Thi, một cư dân Quận 3 Sài Gòn, tường thuật:
Bà Thi: Nói chung là sông ở bên Việt Nam mình thì rất là ô nhiễm. Rác rưởi người ta đỏ xuống đó nhiều quá. Các công ty ở bên Việt Nam cứ thải những chất phế thải của công ty ra sông. Nhiều khi sông có những chất nổi lên giống như là dầu. Điều thứ nhất là nước thì rất là đục, gần như là nước bùn, nước xình vậy. Cái thứ hai nữa là rác. Và hình như nước sông không có ra vào nên nó làm như nước ao tù vậy, cho nên nước lúc nào nó cũng có cái màu sẩm sẩm như là màu rêu, rồi thứ hai nữa là nó rất là đen.
Hồi năm ngóai, Giám Đốc Trung Tâm Quan Trắc và Thông Tin Môi Trường (Bộ Tài Nguyên-Môi Trường) Hoàng Dương Tùng xác nhận rằng nhiều khu vưc thuộc 3 hệ thống sông là sông Đồng Nai-Sài Gòn, sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy đã bị ô nhiễm nặng, mà nguyên nhân chủ yếu là chất thải công nghiệp.



Những tỉnh nơi các con sông này chảy qua như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Vũng Tàu – Bà Rịa, Bình Dương và Sài Gòn đã bị ảnh hưởng.
Chất lượng nước của nhiều con sông lớn ngày càng xuống thấp vì chứa nhiều chất độc hại như phốt pho, amoniac, ni trát, chì, dầu mỡ khóang, coliform… có tỉ lệ cao, họăc vượt tiêu chuẩn cho phép.
Tác hại đến sức khỏe cộng đồng
Tác hại của môi trường nước ô nhiễm lâu nay đã được nói đến rất nhiều. Nguồn nước bị "đầu độc" đã tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của dân chúng cũng như môi trường sinh thái, ngòai ra còn gây cả thiệt hại về kinh tế.
Ngừơi dân sinh sống quanh khu vực ô nhiễm ngày càng mắc nhiều lọai bệnh tình nghi là do dùng nước bẩn trong mọi sinh họat. Nhiều đọan sông bị xem là đã "chết" vì nước đen đặc, tỏa mùi cả một vùng. Cá tôm nhiều lần chết từng lọat tại những nơi này, gây tổn thất lớn cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
Trời ơi! Nói chung rất là hôi thối. Hôi thối lắm! Nó sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân nhiều lắm. Cái sông ở Cầu Ông Tạ chịu không nổi luôn đó. Cái mùi thối nó xông lên ghê lắm.
Cư dân Sài Gòn
Người cư dân Sài Gòn cho hay: “Trời ơi! Nói chung rất là hôi thối. Hôi thối lắm! Nó sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân nhiều lắm. Cái sông ở Cầu Ông Tạ chịu không nổi luôn đó. Cái mùi thối nó xông lên ghê lắm.”
Sông ngòi ao rạch bị ô nhiễm vì chất thải, nước thải công nghiệp là do các cơ sở sản xuất không thiết lập hệ thống xử lý, hay hệ thống tuy được xây dựng nhưng không đủ công súât yêu cầu.
Chỉ thị của giới chức năng Việt Nam gần đây buộc các cơ sở sản xuất phải thiết lập hệ thống xử lý nước thải-chất thải công nghiệp, xem ra vẫn chưa được tuân hành.
Viện Trưởng Viện Nước và Công Nghệ Môi Trường TP HCM, trong một lần trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do, cho biết nguyên nhân:
“Nhà nước có cảnh báo, thậm chí đóng cửa nhiều xí nghiệp gây ô nhiễm, nhưng trình độ quản lý và cái phát triển để quản lý, để kiểm soát chặt chẽ bị thiếu, thành ra làm không xuể, thành ra họ có thể đối phó, họ xả đại xuống lòng sông, không ai kiểm soát nổi hay là họ không thường xuyên kiểm soát, không có hệ thống tự động để kiểm soát.”
Theo một nghiên cứu về ảnh hưởng kinh tế của vệ sinh môi trường giai đọan 2006-2007 được thực hiện do Ngân Hàng Thế Giới phối hợp với Viện Khoa Học-Kỹ thuật và Môi trường thuộc Đại Học Xây Dựng Hà Nội, thì mỗi năm Việt Nam thiệt hại khỏang gần 800 triệu đôla vì điều kiện vệ sinh môi truờng yếu kém.
Hôm 13 Tháng Tám mới đây Phó Thủ Tướng Hòang Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Tài Nguyên-Môi Trường chủ trì và phối hợp với nhiều bộ ban ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn cũng như UBND các tỉnh, thành kiểm tra và xử lý nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng diễn ra ở sông Thị Vải lâu nay.
Chính quyền Việt Nam trước giờ cũng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ bên ngoài về vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Không ít cuộc hội thảo về môi trường đã được tổ chức hàng năm, như cuộc hội thảo chuyên đề về hiện trạng các lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn, sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy do Cục Bảo Vệ Môi Trường, Ngân Hàng Thế Giới và Dự Án Môi Trường tổ chức hồi Năm 2007.
Tuy vậy hiện nay vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết mạnh, và những dòng sông chết vì vậy tiếp tục gây những hệ lụy nghiêm trọng, mà trong đó người dân chịu ảnh hưởng nặng nhất.

http://66.218.69.11/search/cache?ei=UTF-8&p=%C3%B4+nhi%E1%BB%85m+s%C3%B4ng+%C4%91%E1%BB%93ng+nai&fr=moz2&u=www.rfa.org/vietnamese/in_depth/update-on-toxic-waste-issue-in-Vietnam-NTran-08252008131028.html&w=al%3A%C3%B4+al%3Anhi%E1%BB%85m+al%3As%C3%B4ng+al%3A%C4%91%E1%BB%93ng+nai&d=dwYTGfReRcf-&icp=1&.intl=us

25- Sông Đồng Nai Bị Ô Nhiễm Trầm Trọng

ĐỒNG NAI, (NV) - Nhiều đoạn sông Đồng Nai đang “chết” vì ô nhiễm trầm trọng và tình trạng ô nhiễm của con sông này đã trở thành nguyên nhân gây ra bệnh tật cho dân chúng cư ngụ quanh lưu vực của con sông này.
Trên số ra ngày 26 tháng 2, tờ Tuổi Trẻ đã dẫn một báo cáo khoa học của ông Hoàng Dương Tùng, chuyên viên Trung Tâm Quan Trắc, thuộc Bộ Tài Nguyên Môi Trường, cho biết, trong vài năm gần đây, tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến tình trạng nguồn nước thuộc lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn bị ô nhiễm đang tăng.
Ở một hội thảo về việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, các nhà khoa học cho biết, tại tỉnh Bình Dương (thuộc lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn), tỉ lệ dân chúng cư ngụ ở các huyện gần sông Sài Gòn như: Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên mắc bệnh lị và tiêu chảy, cao hơn rất nhiều so với các huyện không chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm nước sông.
Cũng tại hội thảo vừa kể, Cục Bảo Vệ Môi Trường thuộc Bộ Tài Nguyên Môi Trường, thừa nhận: Nhiều loại bệnh nguy hiểm do ảnh hưởng của kim loại nặng và hóa chất bảo vệ thực vật xuất hiện trong nước đang là nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa cộng đồng.
Khi hàm lượng kim loại nặng cũng như các hóa chất bảo vệ thực vật trong nước vượt mức quy định, chúng sẽ tích lũy trong các động, thực vật thủy sinh và cây trồng. Lúc được dùng làm thực phẩm, các chất nguy hại sẽ tích tụ trong cơ thể, nếu vượt qua ngưỡng cho phép, các chất này sẽ làm rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan nội tạng, dẫn đến một số bệnh nguy hiểm như: gây đột biến gen, ung thư, thiếu máu, các bệnh về tim mạch (cao huyết áp, rối loạn tuần hoàn máu, viêm tắc mạch ngoại vi, bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ cơ tim và não), các loại bệnh ngoài da (biến đổi sắc tố, sạm da, ung thư dự án...), tiểu đường, gan và các bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa, các rối loạn ở hệ thần kinh hoặc dẫn đến tử vong.
Giới khoa học cảnh báo: Dù hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước của lưu vực sông Đồng Nai chưa vượt xa giới hạn cho phép nhưng nếu không quản lý tốt và hạn chế việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát các nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp thì nguy cơ ô nhiễm, từ đó gây ra các bệnh nguy hiểm sẽ tăng vừa cao, vừa nhanh.
Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai trải rộng trên 12 tỉnh, thành phố. Phần hạ lưu của nhiều con sông trong lưu vực này đã được xác nhận là đang bị ô nhiễm trầm trọng, trong đó trầm trọng nhất là sông Thị Vải. (G.Đ)
Phát triển công nghiệp dọc sông Thị Vải đã làm dòng sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Hình: báo Tuổi Trẻ)


Cán bộ chuyên môn Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường TP.HCM lấy mẫu nước sông Thị Vải để phân tích thành phần ô nhiễm. (Hình: báo Tuổi Trẻ)


SÀI GÒN - “Nhiều đoạn sông Thị Vải - vùng Đông Nam Bộ thuộc Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Sài Gòn - đang bị nạn ô nhiễm môi trường hủy diệt. Điều này chỉ mới xảy ra độ chục năm trở lại đây, khi nhà máy công nghiệp, cảng sông... mọc lên dày đặc”. Báo Tuổi Trẻ ngày Thứ Tư 26 Tháng Chín, 2007 mở đầu cho bài viết “Sông Thị Vải không còn... thở” như vậy.
Bài viết trình bày cho thấy con sông này từng được mô tả “chết đi sống lại” vì sự ô nhiễm gây ra do các nhà máy sản xuất mọc lên dọc theo dòng sông, xả hóa chất, chất thải độc hại xuống sông vô tội vạ. Nay đang đi dần đến chết luôn như lời cảnh báo của nhiều nhà khoa học, giống như những dòng sông, kênh rạch quan trọng khác trên cả nước.
Hơn một chục năm nay, một số bài viết về ô nhiễm trầm trọng trên sông Thị Vải khiến nông dân khốn khổ trên hai bờ, cá chết dưới sông.
Ngày mùng 6 Tháng Ba, 2006, báo Người Lao Động loan tin “xử lý triệt để các cơ sở 'đầu độc' sông Thị Vải” trong đó Trần Hông Hà, cục trưởng Cục Bảo Vệ Môi Trường của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường CSVN nói rằng: “Trong năm 2006, đoàn kiểm tra liên ngành phải hoàn tất rà soát và lên danh sách các cơ sở gây ô nhiễm sông Thị Vải và vi phạm luật bảo vệ môi trường, sau đó tiến hành xử lý triệt để theo luật định”.
Cũng trong bản tin này của tờ Người Lao Động, tờ báo nói: “Thứ trưởng thường trực Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Phạm Khôi Nguyên, người trực tiếp tổng chỉ huy việc kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải, cho biết bắt đầu từ tuần này (6 Tháng Ba, 2006) Bộ Tài Nguyên Môi Trường sẽ chính thức ra quân xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại sông Thị Vải. Ông Nguyên nhấn mạnh Bộ Tài Nguyên-Môi Trường nhận thấy tình trạng ô nhiễm trên con sông này là rất nghiêm trọng, sớm có biện pháp khắc phục ngày nào tốt ngày đó.”
Trước khi có lời đe dọa “xử lý triệt để” của các ông Trần Hồng Hà và Phạm Khôi Nguyên, sếp của hai ông này, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường (lúc đó) vào ngày 27 Tháng Mười Hai, 2004 đã tuyên bố với báo Lao Động như sau: “Ai gây ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm đến cùng”.
Nay, báo Tuổi Trẻ ngày 26 Tháng Chín, 2007 mô tả dòng sông Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như sau:
“Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rất ‘đặc trưng’... mùi nước sông Thị Vải tại khu vực cảng Gò Dầu (thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai). Màu nước nâu nâu, đỏ đỏ chạy dài hàng chục kilômet khiến tất cả những ai có dịp quan sát dòng sông này đều khó quên.
Các nhà chuyên môn cho rằng mùi hay màu cũng chỉ là một trong những biểu hiện của tình trạng ô nhiễm. Còn muốn biết đích thực mức độ ô nhiễm nặng nhẹ đến đâu, nhất định phải phân tích mẫu nước mới có thể đánh giá được.

26- “Nói không” với dự án gây ô nhiễm

Thứ năm, 06/03/2008


Sông Thị Vải (lưu vực hệ thống sông Đồng Nai) đang chết dần do hoạt động công nghiệp dọc sông này. (Ảnh: Quốc Thanh).

“Dứt khoát không phê duyệt các dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng lao động giản đơn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” - Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định như vậy tại hội nghị triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cuối tháng 2 vừa qua. Lãnh đạo UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... cũng đồng tình “nói không”.

Theo ông Lê Hoàng Quân, đối với những dự án đầu tư mới, thành phố ưu tiên kêu gọi các dự án công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, dự án mang lại giá trị gia tăng lớn. Đồng thời cam kết không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới. Riêng các dự án đã và đang triển khai, ông Quân "hứa" sẽ chỉ đạo kiên quyết di dời, bắt buộc các dự án hoàn chỉnh biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Lãnh đạo các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai đều khẳng định "không vì mục tiêu tăng trưởng mà phải hi sinh môi trường sống".

Không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới

Bà Trần Thị Kim Vân - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết trong năm 2006-2007 tỉnh đã "nói không" với một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao thuộc ngành dệt nhuộm, "dù đây là những dự án có vốn đầu tư lớn". Tỉnh Bình Dương chủ trương hạn chế thu hút đầu tư ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là các ngành thuộc da, dệt nhuộm…

Ông Ao Văn Thinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - thông tin Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai đã lên danh mục các ngành nghề chú trọng thu hút đầu tư, trong đó công nghệ cao, sạch được ưu tiên lựa chọn và mời gọi. "Năm 2009, nếu doanh nghiệp hay khu công nghiệp nào ở Đồng Nai không có nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn thì không được hoạt động" - ông Ao Văn Thinh dứt khoát.

Ông Trần Ngọc Thới - phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng thực tế xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường là không đủ "đô", khiến nhiều doanh nghiệp "lờn thuốc", chấp nhận đóng phạt nhiều lần. Ông Thới đề nghị cảnh sát môi trường phải vào cuộc mạnh hơn nữa…

Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Trần Hồng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và môi trường cùng chủ tịch UBND của 12 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai sẽ đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét cho thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Dự kiến ủy ban này có 10 nhiệm vụ và quyền hạn như: điều phối và giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng, liên ngành trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lưu vực sông Đồng Nai; kiến nghị sửa đổi các cơ chế, chính sách...

Tháng 12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020. Theo đó, ưu tiên bảo vệ, gìn giữ nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Thủ phạm

Theo công bố của Cục Bảo vệ môi trường tại hội nghị, đoạn sông Đồng Nai từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại, Đồng Nai đã bắt đầu ô nhiễm các chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng. Nhiều khu vực sông đã bị nhiễm mặn, nước sông không thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu.

Các sông chính trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm: Đồng Nai, sông Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ và Thị Vải. Một số sông nhánh trong lưu vực như sông Bé, Đa Nhim - Đa Dung, chất lượng nước khu vực ở hạ lưu đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Hàm lượng sắt trên sông Bé rất cao, vượt tiêu chuẩn nguồn nước loại A từ 10 - 12,5 lần, khiến việc sử dụng nước sông để cấp nước sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Khu vực cầu kênh Xáng (thuộc Tây Ninh, thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông) là khu vực chịu ô nhiễm nặng nhất, nhiều tháng trong năm có nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn nhiều lần. "Chất lượng nước sông không còn đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng cho mục đích cấp nước".

Sông Thị Vải bị ô nhiễm nhất trong lưu vực, có một đoạn sông "chết" kéo dài đến 10km. Ở đây nước có màu nâu đen, bốc mùi hôi thối cả lúc nước lớn lẫn nước ròng. "Với nồng độ oxy hòa tan trong nước gần bằng không thì các loài sinh vật không còn khả năng sinh sống", tài liệu của Cục Bảo vệ môi trường nhấn mạnh. Cơ quan chuyên môn còn phát hiện thủy ngân - một loại ô nhiễm độc hại rất đáng sợ - hiện diện tại khu vực cảng Vedan, cảng Mỹ Xuân... trên sông Thị Vải với hàm lượng vượt chuẩn (nước loại B) từ 1,5 - 4 lần. Riêng hàm lượng kẽm ở các khu vực này vượt chuẩn 3-5 lần.

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm là từ các nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, sinh hoạt, y tế, nông nghiệp… Theo thống kê, các khu công nghiệp và khu chế xuất đóng góp lượng lớn nước thải được xả vào lưu vực sông, trong đó lớn nhất là nước thải từ các khu công nghiệp của Đồng Nai (chiếm hơn 50%), kế đến là TP.HCM hơn 20%...

Ông Ao Văn Thinh cho biết hiện chỉ có 9/19 khu công nghiệp của Đồng Nai có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Còn TP.HCM trong những năm qua có nhiều khu công nghiệp hoạt động nhưng không có nhà máy xử lý nước thải tập trung, cho đến gần đây mới được triển khai xây dựng…

Nếu Đồng Nai đứng đầu về nước thải công nghiệp thì TP.HCM đóng góp khoảng 50% nước thải bệnh viện xả vào lưu vực. Hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc đã có nhưng xử lý chưa triệt để. Theo Cục Bảo vệ môi trường, lượng nước thải này được thải trực tiếp vào hệ thống tiếp nhận nước thải sinh hoạt và đưa vào nguồn nước mặt của các sông trong lưu vực. "Đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua môi trường nước" - Cục Bảo vệ môi trường cảnh báo.
Theo Tuổi trẻ.
http://66.218.69.11/search/cache?ei=UTF-8&p=%C3%B4+nhi%E1%BB%85m+s%C3%B4ng+%C4%91%E1%BB%93ng+nai&fr=moz2&u=va21.org/vietnamese/index.php%3Fparam%3DNewsInfo%26key%3D914&w=al%3A%C3%B4+al%3Anhi%E1%BB%85m+al%3As%C3%B4ng+al%3A%C4%91%E1%BB%93ng+nai&d=VtehhfReRdCW&icp=1&.intl=us
 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org