“Vedan”- Xử lý không bình thường

Vietsciences- Hồng Lê Thọ           26/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

"Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay"

Một cảnh tượng người dân thành phố thường chứng kiến là xe tải tuần tra của Công an chất đầy quang gánh, xe đẩy của những người bán dạo bị bắt vi phạm luật lấn chiềm lòng lề đường (36 CP), bà bán hàng rong tội nghiệp tất tả tìm chỗ trú nấp khi bóng dáng chú công an thấp thoáng đầu ngõ phố….mới biết giữ lại hay niêm phong “tang chứng”,”vật chứng” của người phạm tội, ngăn chận không cho họ tiếp tục có hành vi trái phép quan trọng đến nhường nào, xe máy chất đống bị giữ lại cả tuần khi vi phạm giao thông đã làm cho người ta “hú vía” khi làm thủ tục nhận về, từ nay chẳng dám phóng nhanh vượt ẩu. Những biện pháp trừng phạt lẫn răn đe nầy trở thành bình thường, được xã hội đồng thuận khi nhà chức trách thi hành luật pháp để giữ gìn an ninh trật tự và văn minh đô thị. Thế mà công ty Vedan thải nước độc hại gây ô nhiễm suốt một thời gian dài trong hơn 14 năm qua, gần đây cảnh sát môi trường điều tra hiện trường tới đâu càng phát hiện một thực tế và số lượng nước thải không qua xử lý che dấu thâm hiểm , những đường ống chống chéo, đan xen, chìm nổi…chẳng biết lối nào mà kiểm tra nếu trong tay không nắm bản vẻ thiết kế hay lời khai của những cán bộ phụ trách nhà máy. Dù vậy, điều sờ sờ là nhà máy nầy hoạt động thì nước thải vẫn chảy vào lòng sông Thị vải, với lưu lượng từ trên 105,000 mét khối/tháng(theo biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành với lãnh đạo Vedan ngày 25/9/2008) và có khi nhiều hơn, không thể che dấu vào đâu được. Với tang chứng, vật chứng rành rành thì việc niêm phong những dây chuyền phát sinh nước thải độc hại là đương nhiên, không cho chúng tiếp tục gây hại là điều phải làm…thế mà sau khi sự kiện nước thải được đưa ra ánh sáng gần một tháng, bên cạnh những tuyên bố hùng hồn của các quan chức như “sẽ áp dụng hình phạt cao nhất của luật Môi trường”,“phải đình chỉ sản xuất”, “đủ chứng cớ để truy tố hình sự”..v..v.. cuối cùng khi Bộ Tài nguyên môi trường “đề nghị” tỉnh Đồng Nai tạm thời buộc Vedan phải ngừng sản xuất thì bị Đồng Nai từ chối, cho rằng chưa đủ thủ tục pháp lý hay Bộ phải trực tiếp ra lệnh chứ không thuộc về trách nhiệm của Đồng Nai vì người quyết định xử phạt là Bộ TN-MT (!). Ông Ao văn Thỉnh, phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai thoái thác ”căn cứ theo pháp luật hiện hành, sau khi chánh thanh tra Bộ TN-MT ra quyết định xử phạt hành chính thì phải ra luôn quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất mới phù hợp. Chúng tôi không dây dưa xử lý nhưng phải ra quyết định theo chỉ đạo của Bộ TN-MT mà không có cơ sở tỉnh sẽ bị Vedan kiện ngay”(1). Trái banh “pháp lý” qua lại giữa hai đơn vị quản lý ngành(Bộ TN-MT) và hành chính (Tỉnh Đồng nai) còn kéo dài đến bao giờ khi nước thải ô nhiễm vẫn tuồn ra ! Một điều những tưởng đơn giản như vậy hóa ra phức tạp đến không ngờ, sao phải sợ Vedan “kiện lại” ? Công bằng mà nói, tại sao kẻ phạm pháp (theo Luật Môi trường) và đạo đức trong kinh doanh thô bạo đến thế lại được nương tay cho tiếp tục phạm qui mặc dù trước mắt nhà chức trách có quyền cưỡng chế buộc phải chấm dứt hoạt động phạm pháp theo biên bản đã kí. Bị can có thể “khiếu nại” về biện pháp xử phạt thậm chí có thể kiện đòi bồi thường mỗi khi những chứng cớ của cơ quan điều tra để buộc tội của phía Việt nam được chứng minh là không xác thực hay ngụy tạo? Cứ đem bóng ma “pháp lý” nhập nhằng để kéo dài sự kiện Vedan để làm gì, liệu có gì khuất tất trong việc xử lý vi phạm “hai năm rõ mười” của Vedan ? Thật vô cùng khó hiểu trước thái độ “đùn đẩy” trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Trường hợp vi phạm của Vedan đâu còn là điều "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay"vô cớ mà không trao đổi được với nhau trước khi luận tội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên khẳng định về việc xử lý Công ty Vedan bên lề phiên họp Quốc hội ngày 22-10, rằng ”Đối với Vedan, chúng tôi không thể châm chước một điều gì bởi doanh nghiệp này đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy nên phải xử lý đến cùng”, cho biết “Tôi đã làm việc với Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT đã có văn bản hướng dẫn. Việc xử lý của Bộ TN-MT là chuẩn. Ai gây ô nhiễm người đó phải bỏ tiền bồi hoàn thiệt hại. Người dân hoàn toàn có quyền tẩy chay sản phẩm, đòi bồi thường quyền lợi, thiệt hại khi môi trường bị xâm hại”. Dù vậy nhưng phía Đồng Nai vẫn khư khư quan điểm về luật pháp để đi đến kết luận vào chiều ngày 22-10, trên cơ sở thống nhất ý kiến của 3 đơn vị chức năng trong tỉnh( Sở TN-MT, Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh) kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ TN-MT thu hồi quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Quyết định số 131/QĐ-XPHC) để ban hành quyết định mới trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả là tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất Công ty Vedan ! Nghĩa là dù Bộ trưởng đã có “làm việc” với Bí thư Tỉnh ủy đi nữa thì hai đơn vị cao nhất có thẩm quyền giải quyết vẫn chưa thống nhất được về thủ tục pháp lý(!?)(2)

Trong khi đó, theo tin từ các nguồn thì ngày 21-10, các cơ quan chức năng của Q.Bình Tân (TP.HCM) đã tiến hành cưỡng chế 7/41 cơ sở sản xuất cá thể gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 3, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân. bằng cách cắt điện, tạm giữ phương tiện vi phạm, niêm phong toàn bộ thiết bị, máy móc sản xuất của các cơ sở này nhằm buộc các chủ cơ sở phải chấp hành nội dung trong quyết định xử lý vi phạm hành chính trước đó. Đây là những cơ sở tẩy nhuộm thải khói bụi và nước thải chưa qua xử lý ra kênh Nước Đen. Cùng một bản chất của vụ việc nhưng cách đối xử lại một trời một vực , người dân có quyền “thắc mắc” tại sao Vedan lại được hưởng “ân huệ quá ư đặc biệt như trên, phải chăng đây là cách biểu hiện sự đối xử phân biệt hay còn vì một lý do nào khác(3)

Không thể nương tay với đối tác man trá

Nhìn vào danh sách những nhà đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2008 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Malaysia là nhà đầu tư lớn nhất với 14,9 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng vốn đăng ký; Đài Loan 8,6 tỷ USD, chiếm 15,3%; Nhật Bản 7,3 tỷ USD, chiếm 12,9%; Brunei 4,4 tỷ USD, chiếm 7,8%; Canada 4,2 tỷ USD, chiếm 7,5%; Singapore 4 tỷ USD, chiếm 7,2%., riêng với tỉnh Đồng Nai thì Đài Loan là vùng lãnh thổ đứng dầu trong nhiều năm liền về kim ngạch FDI trong đó Vedan là một trong những tập đoàn hùng mạnh từ những năm 1994 đến nay(3). Có thể vì yếu tố nầy mà nhà chức trách địa phương bị « khống chế » hay nói khác đi là có thái độ hòa hoãn, nương tay cho họ trong nhiều năm qua mặc dù không dưới ba lần bị làm biên bản vi phạm tiêu chuẩn nước thải ? Có lúc ca ngợi tập đoàn Vedan đã nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường( !?) thậm chí còn đề nghị khen thưởng để « động viên »(4). Theo chúng tôi việc mở ra cơ hội cho nhà đầu tư các nước vào Việt Nam để sản xuất, kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài , tạo ra một cơ chế thông thoáng và thuận lợi cho họ về mọi mặt là điều nên làm nhưng chẳng phải với bất cứ giá nào, để mặc cho họ ngang nhiên phá hoại môi trường, môi sinh, khai thác tận diệt để truy cầu lợi nhuận tối đa bất chấp luật pháp của nhà nước ta mà Vedan là một bằng chứng rõ ràng nhất như bộ trưởng TN-MT khẳng định. Vedan không những phải chấm dứt hành động gây ô nhiễm từ nay về sau trong hoạt động sản xuất khi đạt tiêu chuẩn về nước thải lỏng và rắn ra môi trường mà còn phải có trách nhiệm giải quyết những gì đã gây ra cho người nông-ngư dân trong vùng, làm sạch lại dòng sông Thị Vải, khói bụi độc hại và cả những thiệt hại gây ra cho hàng nghìn công nhân mất việc làm vì công nghệ ô nhiễm nầy. Không thể viện cớ ngừng sản xuất là sẽ tạo ra nạn thất nghiệp cho công nhân từ đó có chủ trương nhân nhượng cho Vedan tiếp tục sản xuất . Các tổ chức công đoàn, bảo hiểm xã hội của Việt nam phải có trách nhiệm yêu cầu Vedan thi hành những qui định bồi thường, bảo vệ quyền lợi của người lao động bị mất việc do giới chủ nhà máy gây ra. Dù viện vào cớ lẽ nào cũng không thể chấp nhận việc làm ngơ buông thả cho Vedan tiếp tục phạm tội như hiện nay. Bước tiếp của việc tra xét hành động vi phạm có tổ chức của Vedan là gì nữa thì còn tùy thuộc vào những nổ lực khắc phục và bù đắp thiệt hại đã gây ra cũng như việc vận dụng luật về môi trường hiện hành của các cơ quan chức năng.

Cách xử lý đúng luật, hợp với đạo lý và có hiệu quả tốt cho xã hội, môi trường và con người của nhà đương cuộc Việt Nam đang được mọi giới quan tâm theo dõi, là lúc thể hiện quan điểm nghiêm minh của chính phủ Việt nam trước những cơ sở sản xuất phá hoại môi trường của nhà đầu tư bất kể trong hay ngoài nước, kịp thời ngăn chận nguy cơ ô nhiễm ngày càng lan rộng một cách trầm trọng như hiện nay. Một thái độ thức thời về việc gìn giữ môi trường sạch và xanh trong phát triển đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay.

Hồng Lê Thọ

22/10/2008

(1)http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=284253&ChannelID=3

(2)http://www.sggp.org.vn/phapluat/2008/10/169302/

(2)http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=284379&ChannelID=17

(3) Suốt chặng đường 16 năm từ 1989 đến 2005, tình hình các doanh nghiệp Đài Loan sang VN đầu tư được ví như "cá gặp nước". Họ đã đổ vào VN tổng cộng hơn 8 tỷ USD, là vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cao thứ hai tại VN….chỉ riêng năm 2004, Vedan lãi 3,2 tỷ Đài tệ, tương đương khoảng 100 triệu USD(tương đương với 1/3 vốn Vedan đã đầu tư tại Đồng Nai !). Việt Nam còn được lựa chọn là điểm đến cho các dự án đòi hỏi nhiều nhân lực của các doanh nhân Đài Loan khi mà chi phí lao động tại Đài Loan hiện cao gấp 10 lần tại Việt Nam, là” thiên đường” của doanh nhân nước nầy trong đầu tư có mức lợi nhuận cao nhất.

http://209.85.175.104/search?q=cache:IM4xiWRc8z0J:https://www.ven.vn/111au-tu/viet-nam-su-lua-chon-hang-111au-cua-cac-nha-111au-tu-111ai-loan/+%C4%91%C3%A2u+t%C6%B0+c%E1%BB%A7a+%C4%91%C3%A0i+loan&hl=vi&ct=clnk&cd=51&gl=vn

(4) xem Hồ Sơ Vụ án Vedan trên Vietsciences : http://vietsciences.free.fr

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Hồng Lê Thọ