Những bài cùng tác giả
Trong những ngày từ 17 đến 23 tháng 12
năm 2008, tôi cùng với một nhóm anh em quan tâm đến vấn đề bauxite đã cùng
nhau đi 4 tỉnh Kontum, Gia Lai, Đắc Nông và Lâm Đồng để tìm hiểu tại chỗ vấn
đề khai thác bauxite. Chúng tôi đã đến hai nơi dự kiến sẽ là nhà máy chế
biến alumina tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (tại Đắc Nông). Cả hai dự án
nay do Trung Quốc xây dựng. Trong chuyến đi này chúng tôi đã gặp được lãnh
đạo tỉnh, huyện, sở tài nguyên môi trường.
Dưới đây là những suy nghĩ của tôi sau
chuyến đi này:
Vấn đề nước
Dự án Tân Rai nằm vùng các suối đầu
nguồn cung cấp nước cho các sông La Ngà, Đồng Nai, là các nguồn nước chính
của thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi và hồ Trị An. Dự án Nhân Cơ nằm vùng đầu
nguồn suối Đăk R’Tih – nguồn nước chính của các nhà máy thủy điện nằm trên
sông Sêprốc. Cả hai dự án alumina này, mỗi dự án cần khoảng 15 - 20 triệu m3
nước / năm, đều chưa có giải pháp thỏa đáng, lấy nước cho việc này thì lại
mất hay thiếu nước cho yêu cầu tại chỗ cho dân sinh, trồng trọt và cho thủy
điện.
Riêng cho dự án Nhân Cơ, vấn đề thiếu
nước còn trầm trọng hơn, đến nỗi có ý kiến đề xuất phải tính đến việc xây
dựng hệ thống lấy nước từ sông Đồng Nai dài hàng chục cây số bơm lên độ cao
phải đạt là hơn 300m – nghĩa là hoàn toàn phi kinh tế và vì thế không khả
thi.

Chè và cafe mọc rất tốt nơi sẽ
bị bốc đi để khai thác bauxite. Ảnh: Nguyễn Trung
Vấn đề nước bùn
Nước bùn đỏ, được thải ra trong quá
trình sơ chế alumina, còn đọng lại một lượng soude caustic đáng kể, có tác
dụng ăn mòn và hủy diệt môi sinh. Với địa thế vùng thượng nguồn, dự án Tân
Rai có nguy cơ gây ô nhiễm cho thủy điện Đàm Thuận – Đa Mi và hồ Trị An
(nguồn nước chính của thủy điện Trị An và tỉnh Đồng Nai). Nước bùn đỏ của dự
án Nhân Cơ có nguy cơ gây ô nhiễm các suối hồ trong vùng và nguồn nước cung
cấp cho các thủy điện trên suối Đăk R’Tih.
Với công suất mỗi dự án là 300 – 600
nghìn tấn alumina/năm, ô nhiễm do hàng chục triệu m3 nước bùn đỏ/năm rất
nguy hiểm và xử lý rất tốn kém; sự kiện Vedan không thấm tháp gì so với nguy
cơ này.
Về hồ chứa bùn đỏ
Trong quá trình sơ chế alumina, bùn đỏ
được tách ra từ quặng còn đọng lại một lượng soude caustic có tác dụng ăn
mòn và hủy diệt môi sinh nơi chứa nó, có thể làm hỏng các mạch nước ngầm tại
lòng hồ và môi sinh của các vùng chung quanh; phương pháp xử lý là phải chôn
trong các hồ lớn rồi phủ lên một tầng đất đủ dầy, xong trồng cây lên trên để
chống phong hóa. Nhưng đặc điểm tự nhiên của vùng có các hồ chứa bùn đỏ của
2 dự án này là có địa thế cao, gió lớn về mùa khô và mưa nhiều về mùa mưa
(thường là gấp đôi lượng mưa trung bình của cả nước). Việc giữ cho hàng
triệu tấn bùn đỏ năm này qua năm khác trong các hồ chứa không bị gió bốc bay
đi lung tung hoặc không trôi xuống các vùng chung quanh sẽ rất tốn kém và
nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Chú ý, trong phòng thí nghiệm, tiến bộ
công nghệ và khoa học kỹ thuật ngày nay hoàn toàn có khả năng xử lý vấn đề
bùn đỏ và nước thải, được ứng dụng thành công phần nào trong thực tế ở quy
mô nhỏ; tuy nhiên có hai vấn đề tồn tại lớn nan giải: (a) giá thành, (b)sự
phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nơi có vấn đề phải xử lý. Vì vậy, đến nay
chưa một nước nào trên thế giới có thể xử lý có hiệu quả thỏa đáng vấn đề
bùn đỏ. Riêng nước Mỹ có tới 26.000 km sông suối bị ô nhiễm do khai thác mỏ
chưa có cách gì giải quyết ở mức độ có thể chấp nhận được (Sheran – WME –
Australia).
Một số công nghệ hóa học hiện đại nhất
hiện nay trên thế giới – ví dụ công nghệ Bauxsol - cũng chưa cho lời giải
thỏa mãn, chi phí rất cao, đồng thời phát sinh vấn đề mới. Tại Úc đã có nơi
nhà chức trách phải đình chỉ việc thực hiện công nghệ Bauxsol để nghiên cứu
thêm (mỏ bauxite ở địa phương Skytop Mountain – xem: RedOrit Jan. 20-2006 -
PATTON TOWNSHIP)...
Vì những lẽ này, và vì nhôm không phải
là mặt hàng quý hiếm, nên không quốc gia nào trên thế giới coi bauxite là
khoáng sản chiến lược, không quốc gia nào dám chọn sản xuất nhôm làm chủ bài
cho phát triển kinh tế. Cũng vì những lý do ô nhiễm, chỉ có 6% nhôm trên thế
giới được sản xuất tại các vùng rừng nhiệt đới nhiều mưa, song thường là
những nơi xa và thưa dân cư.
Đáng chú ý, vừa qua phía Trung Quốc và
tập đoàn TKV đã tổ chức một đoàn của Lâm Đồng đến tham quan mỏ khai thác
bauxite Bình Quả/Quảng Tây – thủ đô công nghiệp nhôm của Trung Quốc, nơi
quặng có hàm lượng 0,65 (của Tây Nguyên là >0,5). Một phó chủ tịch huyện
tham gia đoàn về kể rằng những gì thấy được là tuyệt vời, song chính Bình
Quả cũng thừa nhận chưa giải quyết được thỏa đáng vấn đề bùn đỏ.
Sắp tới sẽ có một đoàn như thế nữa cấp các Bộ và Liên hiệp các Hội khoa học
kỹ thuật Việt Nam đi thăm vùng mỏ khai thác bauxite ở Bình Quả; thiết nghĩ
nên đối chứng mỏ này với gần 100 mỏ bauxite Trung Quốc đã đóng cửa gần đây
(trong đó có một số mỏ ở vùng Hắc Long Giang, và các mỏ ở Hà Nam, ở Tịnh Tây
/ Quảng Tây) và những điều vừa nói trên về công nghệ Bauxsol.
Ngoài ra Tây Nguyên là vùng cao và có
gió mạnh, cung đoạn vận tải quặng từ mỏ về nơi tuyển rửa trung bình là 5 -
10 km, về mùa khô bụi đỏ sẽ tác hại một diện tích lớn rừng và cây trồng ở
gần, đồng thời hủy hoại cảnh quan. Xin nhớ đến các vùng “Quảng Ninh đen” năm
này qua năm khác toàn một mầu đen vì khai thác than để có thể hình dung tác
hại của bụi và bùn đỏ.

Đất khai thác bauxite (để lầm phèn chua) sau
khi hoàn thổ ở Bảo Lộc: Không loại cây nào mọc được ngoài keo tai tượng.
Đây chỉ là nơi có quặng bauxite được đào đi, rồi lấy đất lấp lại, không
phải là nơi chứa bùn đỏ. Ảnh: Nguyễn Trung
Vấn đề năng lượng và vận tải
Chế biến alumina cần một lượng than
theo tỷ lệ 1 tấn than / 1 tấn alumina. Như vậy, mỗi dự án cần khoảng 300-400
nghìn tấn than / năm trong giai đoạn đầu, gấp đôi trong giai đoạn sau. Lấy
từ đâu tới và đi đường nào? Đồng thời cũng phải vận tải một khối lượng như
thế alumina từ nhà máy xuống cảng biển.
Vận tải cho than và alumina của dự án
Tân Rai dự kiến sẽ sử dụng giao thông đường bộ hiện có và sẽ xây cảng Kê Gà
(Bình Thuận). Đường bộ hiện có rất khó cáng đáng thêm yêu cầu vận tải của dự
án Tân Rai; cảng Kê Gà nếu được xây riêng cho alumina sẽ có thể tác động xấu
đến môi trường du lịch của miền Trung.
Vấn đề vận tải của dự án Nhân Cơ còn
nan giải hơn, chưa có phương án dứt khoát (tất cả mới chỉ là dự kiến), nếu
sử dụng đường bộ thì phải đi về hướng Bà Rịa – Vũng Tàu, rất xa và sẽ lâm
vào tình trạng tương tự như của Tân Rai, nếu làm đường sắt chuyên dụng Đắc
Nông – Bình Thuận thì chuyên gia bên Bộ Giao thông vận tải ước tính cần
khoảng 3 tỷ USD (tập đoàn Than & Khoáng sản “TKV” dự trù là 1,3 tỷ USD).
Ngoài ra còn phải cộng thêm kinh phí xây dựng cảng Kê Gà do TKV dự toán
khoảng 530 triệu USD, sẽ lấy tiền ở đâu?
Hơn thế nữa, xây một hệ thống đường
vận tải và cảng như vậy chỉ để chuyên dụng cho sản xuất alumina là sự lãng
phí cực kỳ to lớn, không một quốc gia nào dám làm, nhất là nước ta còn
nghèo, đất chật, người đông. Hệ thống này, nếu muốn xây dựng, bắt buộc phải
được kết hợp với phục vụ các mục đích dân sinh và kinh tế khác, rất tốn kém,
quy hoạch và thiết kế đến bao giờ xong – trong khi nhà máy đã khởi công xây
dựng?
Về thủy điện để luyện nhôm hoàn toàn
không khả thi, vì chỉ để sản xuất 100 nghìn tấn nhôm / năm – tương thích với
lượng nhôm nhập khẩu tiêu thụ trong nước một năm - cần một nhà máy thủy
điện có công suất là 300 MW, nghĩa là tương đương với nhà máy thủy điện Trị
An (gần 400 MW). Như vậy giá thành của nhôm sẽ vọt lên như thế nào? Lấy đâu
ra 5 hay 10 nhà máy thủy điện Trị An ở vùng cao nguyên này để sản xuất mỗi
năm tối thiểu là 0,5 đến 1 triệu tấn nhôm để có thể tham gia thị trường với
tính cách là quốc gia xuất khẩu nhôm? Trong khi đó thị trường nhôm thế giới
rất phong phú cho nhu cầu của nước ta, dồi dào, đủ mọi chủng loại.
Vấn đề hoàn thổ
Dự tính diện tích phải hoàn thổ nơi
khai mỏ của cả hai dự án lên tới 3000 ha ở giai đoạn I và sẽ lên tới 6000 -
7000 ha ở giai đoạn hai. Có thể thấy trước: Sẽ rất tốn kém nếu muốn có lại
đất đai có thể trồng trọt được, song dù làm được cũng sẽ là những vũng loang
lổ khắp rừng núi, mặt bằng chỗ cao chỗ thấp và nói chung là sẽ bị hạ thấp,
cảnh quan hoang tàn. Những nơi hoàn thổ cũng cần phải vài chục năm mới có
thể trồng trọt được bình thường nếu làm tốt việc cải tạo đất sau khi hoàn
thổ, song hầu như chỉ thích hợp cho loại cây họ bạch đàn.
Những điều vừa trình bầy, tôi rút ra
từ thu thập thông tin trên thế giới và qua việc đến thăm mỏ khai thác
bauxite Bảo Lộc để sản xuất ra phèn chua trong chuyến đi này. Tại mỏ này cho
thấy, sau 30 năm khai thác mới hoàn thổ được khoảng 2 ha trong tổng số 36 ha
diện tích đã khai thác, rất tốn kém, chỉ thấy một loại cây keo tai tượng cao
hơn một mét, hỏi được biết trồng các loại cây khác không sống được. Bài học
về hoàn thổ trong việc khai thác than ở Quảng Ninh cho đến hôm nay vẫn là
một ác mộng.
Vấn đề việc làm và các hệ quả
Tính toán cả hai dự án với khoảng 7000
ha rừng và đất sẽ tạo ra khoảng 3000 việc làm mới bên trong nhà máy và các
khu mỏ, đương nhiên chủ yếu là lao động cơ bắp. Các lãnh đạo địa phương cho
rằng giỏi lắm sẽ chỉ có vài phần trăm trong tổng số 3000 này là con em các
dân tộc ít người, lẽ đơn giản là họ không thích hợp và không muốn loại lao
động này. Như vậy vấn đề việc làm cho Tây Nguyên, nhất là cho người lao động
của các dân tộc ít người hầu như không giải quyết được, trong khi đó đất và
rừng dành cho đồng bào các dân tộc ngày càng thu hẹp vì khai thác bauxite,
đời sống của họ sẽ ngày càng thêm khó khăn.
Thử làm các bài toán kinh tế về mọi
phương diện có liên quan đến việc 7000 ha rừng và đất sẽ phải biến mất để
nhường chỗ cho khai các mỏ bauxite và chỉ giúp cho 3000 người có việc làm!
Cũng một diện tích như thế lớp đất bồi bề mặt phải hàng triệu năm tự nhiên
mới tạo ra được sẽ bị bốc đi để khai thác bauxite, bao giờ hoàn lại được?!
Báo chí nói riêng dự án Tân Rai dự kiến tạo ra 16.000
việc làm, có thể là như vậy. Song càng nhiều việc làm ở mỏ đồng nghĩa với
càng nhiều lao động thủ công trong khai thác, hệ quả xâm phạm môi trường tự
nhiên càng lớn.
Không phải ngẫu nhiên vào những năm
1980 Liên Xô và khối SEV hồi ấy đã khuyên Việt Nam không nên khai thác
bauxite ở vùng này.
Về vấn đề đất và rừng vốn nhạy cảm đối
với đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, phụ họa thêm vào đó là tác
động của những yếu kém và bất cập của các chính sách và của bộ máy hành
chính. Qua việc khai thác bauxite, những vấn đề nhạy cảm này sẽ trở nên
nghiêm trọng hơn, tích tụ thêm những căng thẳng mới dễ gây mất ổn định –
thậm chí có thể rất nguy hiểm, rất thuận lợi cho sự can thiệp từ mọi phía
bên ngoài.
Khỏi phải nói những hệ quả về văn hóa,
xã hội đối với đồng bào các dân tộc ít người Tây Nguyên sẽ là trầm trọng.
Hai dự án sẽ tạo thêm việc làm cho
khoảng 10 nghìn người bên ngoài hàng rào khu mỏ và nhà máy; song đấy là
những công việc dịch vụ dân sinh, chủ yếu sẽ rơi vào tay người kinh; người
các dân tộc ít người hầu như không được lợi gì, mà chỉ có thể bị tác hại
thêm do những tệ nạn xã hội sẽ phát sinh.
Có tin nói sẽ có khoảng
1400 - 1500 người Trung Quốc vào xây dựng cho mỗi dự án, số đông là lao động
chân tay. Việc quản lý một số lượng đông như vậy tại vùng cao này thật không
đơn giản.

Đến nay chưa một nước nào trên thế giới có thể
xử lý có hiệu quả thỏa đáng vấn đề bùn đỏ. Ảnh: clpccd.cc.ca.us
Kết luận
1. Khai thác bauxite ở Tây Nguyên hiện
nay nếu hạch toán đủ, cầm chắc là sẽ lỗ lớn, để lại những hậu quả nghiêm
trọng trên nhiều phương diện cho quốc gia, nhất là nước ta đất chật người
đông, thiên tai có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu đem nguồn vốn của ta bỏ
vào hai dự án này, và nếu có chính sách đầu tư và bộ máy thực hiện tốt, hoàn
toàn có khả năng phát triển Tây Nguyên xanh bền vững, tránh được mọi hiểm
họa do khai thác bauxite, tăng thêm giàu có cho đất nước, đem lại hài hòa
dân tộc, và an ninh quốc gia được tăng cường.
2. Rất tiếc là hai dự án bauxite với
nhiều hệ lụy nghiêm trọng như vậy lại không được khảo sát với sự cẩn trọng
đúng mức, đã thế lại triển khai theo quy trình lộn ngược, bây giờ lâm vào
tình trạng “ván đã đóng thuyền”, rất khó cho đất nước. Trong khi đó, nhiều
lãnh đạo cấp tỉnh tỏ ra rất phấn khởi – đơn giản là tin rằng mọi chuyện “đã
có Trung ương và tập đoàn TKV lo toan và tính toán hết rồi, không có gì
phải lo...”, có bauxite GDP của tỉnh sẽ tăng, có thêm tỷ trọng cơ cấu kinh
tế là công nghiệp, có thêm nguồn thu nhập cho ngân sách tỉnh là thuế tài
nguyên, ngoài ra có thêm một số nguồn thu nhỏ khác...
3. Dự án alumina Tân Rai có nguy cơ
triệt tiêu khả năng Bảo Lộc có thể trở thành một Đà Lạt 2 và tác hại nhiều
tiềm năng phong phú khác đang được phát huy của địa phương này.
4. Dự án alumina Nhân Cơ – được lập
luận với lý do đất Đắc Nông xấu không thể làm gì khác ngoài bauxite có lẽ
không xác đáng. Thực tế cho thấy đất Đắc Nông chỉ xấu hơn so với các tỉnh
Tây Nguyên lân cận, song vẫn là vùng đất giàu, nếu có hệ thống thủy lợi nhỏ
giải quyết tốt vấn đề nước. (Một lãnh đạo tỉnh cho rằng nếu Đắc Nông mỗi năm
được đầu tư khoảng 30 – 40 triệu USD riêng cho việc xây dựng hệ thống các hồ
nhỏ làm thủy lợi cho rừng và vườn, chỉ trong vòng 5 năm sẽ có một Đắc Nông
khác).
5. Công nghiệp bauxite như đang làm
theo 2 dự án này có nguy cơ tác động xấu đến toàn ngành du lịch Việt Nam,
hủy hoại nhiều tiềm năng to lớn của Tây Nguyên. Trong khi đó hàng trăm nghìn
ha rừng kiệt ở Tây Nguyên nằm chờ các chính sách và thể chế đúng đủ sức hấp
dẫn sự đầu tư mang lại một Tây Nguyên xanh giàu có cho chính mình và cho cả
nước.
6. Hiện nay các nước phát triển trên
thế giới tìm mọi đường phát triển “kinh tế các-bon thấp”, kinh tế tri thức,
họ đạt được nhiều thành tựu kinh ngạc. Một số nước đang phát triển đang vận
dụng có hiệu quả kinh nhiệm này. Là nước đi sau, vì sao Việt Nam cứ phải
ngày càng đi sâu mãi vào công nghiệp thượng nguồn, hiện nay là các dự án đồ
sộ về quặng sắt và thép, rồi đây thêm quặng sơ chế alumina hầu như chỉ bán
được cho một người mua.., tất cả chẳng lẽ chỉ để kéo dài thêm nữa sự tụt hậu
của mình?
7. Mọi hệ quả kinh tế, chính trị, xã
hội, môi trường sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện hai dự án này ở vùng
nhạy cảm Tây Nguyên sẽ tăng thêm nguy cơ uy hiếp an ninh và sự ổn định chính
trị của Tây Nguyên, mà cũng có nghĩa là của cả nước.
Qua tìm hiểu sơ bộ trong chuyến đi Tây
Nguyên, riêng tôi càng thấm thía: Dù khát vọng phát triển nhanh kinh tế đất
nước đến đâu chăng nữa, không thể nóng vội và giản lược như cách làm bauxite
theo hai dự án nói trên. Tôi nghĩ cách làm như thế là nóng vội, chỉ chứa
đựng rủi ro và cầm chắc thất bại lâu dài cho cả nước. Cơm không ăn, gạo còn
đó, không vội gì phải phá rừng núi ngay bây giờ để lấy đi tài nguyên không
tái tạo được với những cái giá phải trả rất đắt, khả năng xử lý các hệ quả
lại ngoài tầm với.
Một khi nước ta có kết cấu hạ tầng và năng lực quản trị quốc gia tốt hơn,
giá trị mọi tài nguyên sẽ càng tăng lên gấp bội; trong khi đó triển vọng
phát triển Tây Nguyên xanh và bền vững trong tầm tay, biết bao nhiêu lợi thế
nước đi sau cho phép nước ta đi lên một quốc gia phát triển hiện đại không
được khai thác. Đương nhiên, con đường phát huy lợi thế nước đi sau và phát
triển bền vững để sớm trở thành quốc gia hiện đại đòi hỏi sự nỗ lực nghiêm
túc và nghiêm khắc hơn nhiều lần về mọi phương diện đối với con người và bộ
máy làm việc trong hệ thống chính trị của nước ta. Đây chính là cái đất nước
đang cần, cái đất nước đang thiếu.
Đã đăng trên Vietnamnet
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Nguyễn Trung
|