Những bài cùng tác giả Sinh hoạt
xã hội thường có hai thực tại: chính trị và khoa học. Như Hội Nghị Thượng
Đỉnh Copenhagen đã chứng tỏ, thực tại khoa học và thực tại chính trị không
luôn hòa nhịp.
 Trước khi
các phái đoàn đầu tiên đặt chân đến Đan Mạch, thực tế chính trị đã che mờ hy
vọng của Copenhagen. Chỉ 36% dân Mỹ tin thay đổi khí hậu là do con người.
Giới vận động hành lang đại diện khu vực kỹ nghệ năng lượng hóa thạch đã hầu
như hoàn toàn chi phối Quốc Hội Hoa Kỳ, và Thượng Viện Mỹ còn phải thông qua
luật mức trần khí thải và mậu dịch, vốn èo ọp đến độ các nhà khoa học lo
ngại tác động không còn đáng kể đối với môi trường. Do đó, vì thiếu một nghị
trình táo bạo, T T Obama đã đến Đan Mạch không được trang bị sứ mệnh đạt một
thỏa hiệp. Cùng lúc,
thực tế chính trị đã đưa đến một khế ước xã hội ngầm giữa chính quyền và
nhân dân Trung Quốc. Theo đó, để đổi lấy ổn định chính trị, Nhà Nước sẽ bảo
đảm một tỉ suất tăng trưởng ổn định qua chương trình đại kỹ nghệ hóa, và vì
vậy, cần rất nhiều năng lượng hóa thạch. Trong bối cảnh đó, Thủ Tướng Ôn Gia
Bảo cố nhiên không thể chấp nhận mức trần khí thải mang tính ràng buộc, có
thể làm chậm nhịp tăng trưởng của TQ. Thực tế
chính trị chi phối Hoa Kỳ và TQ - cả hai quốc gia gộp lại phải chiụ trách
nhiệm khoảng 41% số khí thải trên thế giới - áp đặt một thực tế chính trị
thứ ba lên phần còn lại của thế giới. Thực tế chính trị thứ ba giờ đây mang
tên: The Copenhagen Accord hay Thỏa Ước Copenhagen. Mặc dù
Obama đã ca ngợi Thỏa Ước như bước đột phá vô tiền khoáng hậu, trong thực
tế, đây chỉ là một thỏa ước không mang tính ràng buộc bên lề hội nghị giữa
Hoa Kỳ và TQ (với Brazil, India và Nam Phi) - thỏa ước không chút thích ứng
với tầm cỡ khủng hoảng, đến độ các quốc gia khác chỉ có thể đồng ý "ghi
nhận". Theo ngôn
từ của giới nghiên cứu môi trường, các chính quyền trên thế giới ngày nay
đều đã xác quyết "nhận thức khoa học": bất cứ một gia tăng nào trên
hai độ Celsius trong nhiệt độ toàn cầu đều "nguy hiểm" và "đồng
ý, theo khoa học, những cắt giảm sâu xa trong mức khí thải toàn cầu là khẩn
thiết". Điểm tiến bộ duy nhất trong thỏa ước là sáng lập Quỹ Khí Hậu
Liên Hiệp Quốc có thể lên tới 100 tỉ mỗi năm vào năm 2020, mặc dù ngân
khoản đó lấy từ đâu và sẽ chi tiêu như thế nào, không thấy nói rõ. Liên Hiệp
Âu Châu và Nhật hứa đóng góp ít nhất là 10 tỉ; Hoa Kỳ chỉ 3,6 tỉ. Ngoài ra,
thỏa ước không hứa hẹn gì khác, không ngay cả nhắc đến mục tiêu hay đặt
những giới hạn mức khí thải mang tính ràng buộc. TQ - được xem như xứ đang
phát triển và được đặc miễn trách nhiệm giảm bớt khí thải theo Hiệp Nghị Thư
Kyoto - đã phủ quyết một thỏa ước, theo đó, lẽ ra đã bị buộc phải giảm bớt
50% mức khí thải so với 80% đối với các nước phát triển vào năm 2050. Hoa Kỳ
- chưa bao giờ phê chuẩn Hiệp Nghị Thư Kyoto - chỉ đồng ý cắt giảm 7% vào
năm 2020. So với mức cắt giảm 20% của Liên Hiệp Âu Châu, mức cắt giảm quá
nhỏ bé của Mỹ đã gây nghi ngờ Hoa Kỳ khó thể đạt được mức thỏa thuận vào năm
2050. Theo Thỏa
Ước Copenhagen, cắt giảm khí thải là hoàn toàn tự nguyện, và sẽ không có chế
tài nếu không thực hiện mục tiêu cam kết. Nói tóm lại, trong thực tế, TQ và
Hoa Kỳ đã đồng ý tham dự một môn thi tự mình thiết kế, với điều kiện không
có gì khác biệt giữa điểm A hay điểm F. Một vài
người cho rằng thỏa ước đã bộc lộ chút ít tiến bộ - ít ra các nền kinh tế
lớn cũng đã đồng ý: thế giới đang có vấn đề. Nếu thỏa ước không dọn đường
cho một thỏa hiệp mang tính ràng buộc vào dịp họp thượng đỉnh về thay đổi
khí hậu sắp tới ở Mexico City trong năm 2010, hy vọng một thỏa hiệp nào đó
sẽ được ký kết vào năm 2012, khi giai đoạn đầu của Hiệp Nghị Thư Kyoto mãn
hạn, hay vào năm 2015, khi Thỏa Ước Copenhagen, như đã dự liệu, phải được
tái duyệt. Mười bảy năm đã trôi qua kể từ Hội Nghị Thượng Đỉnh Địa Cầu đầu
tiên ở Rio de Janeiro và ngày ra đời của Thỏa Ước Khung Liên Hiệp Quốc về
Thay Đổi Khí Hậu năm 1992, thế giới chỉ mới biết tập ngồi tập đứng; và có lẽ
phải mất thêm mười bảy năm nữa mới mong chập chững tập đi. Một vấn đề
với lối làm việc tiệm tiến (incrementalism) là thiên nhiên không bao giờ
tưởng thưởng việc cố gắng chỉ để cố gắng đơn thuần. Thiên nhiên cũng không
quá hài lòng với "nhận thức luật thiên nhiên", và cũng không dễ dàng
mềm dẽo với hạn kỳ của thực tế chính trị. Thiên nhiên không mặc cả với những
người luôn chối bỏ sự thật và các nhà vận động hành lang cho kỹ nghệ hóa
thạch, không quan tâm đến GDP hay các thủ thuật luật pháp hay thăm dò công
luận. Các định luật vật lý chi phối thay đổi khí hậu bao giờ cũng chỉ là
định luật vật lý, không biết nhân nhượng, và hậu quả chỉ có thể giảm bớt
bằng cách duy nhất: phải cắt giảm khí thải carbon dioxide. Tri thức
khoa học hiện hữu chỉ cho chúng ta 50-50 cơ may: độ ấm toàn cầu chỉ gia tăng
dưới mức 2°C khi tất cả các quốc gia trên địa cầu cắt giảm 40% khí
thải vào năm 2020. Phân tích của Liên Hiệp Quốc cũng đi đến kết luận: ngay
cả khi tất cả các thỏa thuận ở Copenhagen được thực thi, chúng ta cũng vẫn
phải đối diện gần 3°C gia tăng nhiệt độ. Và một phân tích hậu Copenhagen
của nhóm nghiên cứu MIT cũng đã ước lượng: Thỏa Ước Copenhagen sẽ giữ mức
gia tăng gần 3°C. Nói một
cách khác, nếu chính trị tiệm tiến (incremental politics) cứ tiếp tục, chắc
chắn chúng ta sẽ đối diện với môt sự sụp đổ môi sinh nghiêm trọng: băng
tuyết ở Nam, Bắc cực sẽ tan nhanh, rừng núi Amazon và nhiều nơi khác sẽ trơ
trụi, các thành phố ven biển như Copenhagen sẽ chìm dưới mực nước biển, và
hạn hán sẽ ngự trị ở Phi châu - những nguyên nhân sẽ đưa đến hàng trăm
triệu người tị nạn trong tương lai. Vì vậy,
nhiệm vụ ngày một cấp thiết của phong trào climate justice hay công lý
khí hậu là phải thay đổi thực tế chính trị. Ở Hoa Kỳ, phong trào phải
nhắm vào các dân biểu nghị sĩ đã bị kỹ nghệ hóa thạch mua chuộc, cùng lúc
phải đả kích văn hóa tiêu thụ, sử dụng năng lượng, và xe hơi. Điều nầy có
nghĩa: phải cải tạo quá trình chính trị đối phó với thay đổi khí hậu. Quyết
định của chính quyền Obama cho phép Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (Environment
Protection Agency - EPA) giám sát và quy định lượng carbon dioxide trong khí
quyển là một hứa hẹn. Nhưng thiếu lãnh đạo từ T T
Obama ở Copenhagen là dấu
hiệu rõ ràng Tổng Thống cần được thúc đẩy mạnh hơn, trước khi chịu sử dụng
quyền lực để đối phó với các đại công ty gây ô nhiễm. Trên bình
diện toàn cầu, các nhà hoạt động môi trường phải tìm hết cách gây sức ép
thay đổi hệ thống đa quốc gia đang làm tê liệt LHQ, đã cho phép Hoa Kỳ và TQ
áp đặt Thỏa Ước Tay Đôi lên toàn cầu ở Copenhagen. Phong trào phải phát huy
các ý tưởng thay thế: tai họa thay đổi khí hậu, tạm ngưng tìm kiếm năng
lượng hóa thạch mới (một vấn đề đã bị chỉ trích ở Copenhagen). Đây là một
nhiệm vụ năng nề trong những năm tháng trước mặt. PHONG TRÀO
CHỐNG ĐỐI TOÀN CẦU
Mary
Robinson, nguyên Tổng Thống Ireland, trò chuyện với đám đông biểu tình
bên ngoài hội trường Hội Nghị Thượng Đỉnh, đã tuyên bố: "Tương lai của
thế giới đang được quyết định tại đây trong vòng vài ngày tới"[1].
Biểu tình chống đối ở Đan Mạch cũng chỉ là một trong hàng nghìn vận động
quần chúng trên khắp thế giới vào ngày 12-12-2009, nhằm gây sức ép với T T
Obama, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, và 115 nguyên thủ quốc gia, đang lần lượt đổ về
tham dự những phiên họp cuối của Hội Nghị Thượng Đỉnh do Liên Hiệp Quốc bảo
trợ. Suốt thời
gian Hội Nghị, các cơ quan truyền thông luôn đưa nhiều tin tức không mấy tốt
đẹp. Tuy vậy, cũng có một số dấu hiệu đầy hy vọng - công luận đã đổi chiều :
hội nghị thượng đỉnh đã chứng kiến sự trưởng thành của phong trào quần
chúng toàn cầu đòi hỏi phải có hành động. Đa diện, trẻ trung, can đảm
đòi hỏi điều-tưởng-như-không-thể, "phong trào khí hậu mới" là lực
lượng hùng hậu thách thức chính quyền các quốc gia, các đại công ty, các
định chế hùng mạnh khác, trong những năm sắp tới khi cuộc đấu tranh duy trì
một hành tinh thích hợp cho sự sống đi vào kỷ nguyên hậu-Copenhagen. Ngay từ Hội
Nghị Thượng Đỉnh Địa Cầu năm 1992, các nhà vận động trên khắp thế giới đã
kêu gọi phải có hành động mạnh mẽ để giảm thiểu thay đổi khí hậu, nhưng chưa
bao giờ xã hội dân sự, kể cả giới truyền thông, lại hiện diện đông đủ và
hùng tráng như ở Copenhagen. Ngay cả các đại biểu đang ẩn mình trong các
phòng hội khu Bella Center - nơi các cuộc mà cả đang tiếp diễn - cũng không
thể tránh khỏi áp lực đòi hỏi phải có hành động tức khắc. Hành lang
các phòng hội ở khu Bella Center đông nghẽn phóng viên báo chí và các nhà
hoạt động thuộc nhiều chủng tộc, ngành nghề, trong khi biểu ngữ, bảng quảng
cáo, đèn hiệu, đòi hỏi hành động và thay đổi, tràn ngập các đường phố. Trái
với tường thuật của báo chí, 99,9% các nhà hoạt động đều đấu tranh bất bạo
động. Động lực thúc đẩy họ là nổi bất bình và bức xúc vì chính quyền các
nước đã không làm được những việc cần làm. Tuy nhiên,
phong trào đã ghi được một thành công quan trọng khi đưa ra nghị trình chính
thức với yêu cầu then chốt - giảm lượng carbon dioxide trong không khí xuống
350 parts per million (ppm). Cuộc biểu tình ngày 12-12-2009 đã đánh dấu một
bước ngoặc khi 39 quốc gia trong Liên Minh các Quốc Gia Tiểu Hải Đảo
(Alliance of Small Island States) đã đề xướng một dự thảo thỏa ước công
khai chấp nhận mục tiêu 350 ppm. Chỉ trong vòng vài ngày, theo Jamie Henn,
thuộc nhóm hoạt động 350.org, hơn 100 quốc gia - phần lớn là những
xứ hải đảo nhỏ bé và nghèo nàn đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao,
hạn hán, và các tác động khác của hiện tượng thay đổi khí hậu - đã chọn mục
tiêu 350 ppm, đòi hỏi phải cắt giảm lượng CO2 xuống mức 350 ppm để giới hạn
mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C trên mức thời tiền kỹ nghệ. Mặc dù bị
chế diễu ngây ngô về chính trị và tai họa về phương diện kinh tế, mục tiêu
350 ppm đã có cơ sở khoa học vững vàng cũng như đã được Rajendra
Pachauri, chủ tịch Tiểu Ban Liên Chính Quyền về Thay Đổi Khí Hậu
(Intergovernmental Panel on Climate Change), và Lord Nicholas Stern, nguyên
kinh tế trưởng Ngân Hàng Thế Giới, đã đích thân hậu thuẫn. Mới đây, Bill
McKibben[2],
trưởng ban tổ chức ngày hành động 12-12-2009, cũng đã ghi nhận trong tạp chí
Mother Jones : với CO2 ở mức 387 ppm, các tảng băng ở hai cực địa cầu
đã dần dần hóa lỏng, hạn hán đã luôn xẩy ra khắp vùng Tây Nam Hoa Kỳ , và lũ
lụt mức kỷ lục ở Ấn Độ, ngày một trầm trọng. Và McKibben đã đặt câu hỏi,
"phải chăng quý vị thực sự muốn lượng khí thải tăng lên mức 450 ppm?"[3] Đã hẳn duy
trì CO2 ở mức 350 ppm sẽ đòi hỏi một mức cắt giảm cực lớn lượng khí thải
trong tương lai, cũng như một nổ lực phi thường tiết giảm lượng CO2 hiện hữu
trong không khí, qua các chương trình trồng cây gây rừng và các hành động
giảm thiểu carbon khác. Và thật chẳng quá đáng chút nào khi nói của các xứ
lớn gây nhiều ô nhiễm đã rất phật lòng trước những luận đàm kiểu đó. Sự
chống đối hay đề kháng chính yếu đến từ Hoa Kỳ và các cường quốc kỹ nghệ
giàu có. Khí thải do các xứ nầy thải ra trong hơn 200 năm qua đã là nguyên
nhân đưa đến hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Trung Quốc, nước gây khí thải lớn
nhất hàng năm hiện nay cũng chống đối mãnh liệt. Thực vậy, số phận Hội Nghị
Thượng Đỉnh Copenhagen rõ ràng tùy thuộc hai "siêu cường khí hậu", Hoa Kỳ
và TQ, đang manh tâm áp đặt nghị trình khí thải của họ lên toàn nhân
loại. Đại diện các quốc gia đang phát triển và hải đảo nghèo khó đang chịu
sức ép nặng nề của hai siêu cường. Chẳng hạn, TQ đã đề nghị xây các bệnh
viện và trường học ở Burundi nếu quốc gia Đông Phi nầy chịu đi theo lập
trường của họ. Dị biệt sâu
rộng giữa các nước giàu và các nước nghèo cũng đã được phơi bày qua các cuộc
thảo luận căng thẳng về việc tài trợ mua bán và trao đổi mức khí thải giữa
hai phía. Liên Hiệp Âu Châu đã đề nghị bỏ ra 11 tỉ trong ba năm để giúp các
quốc gia đang phát triển chuyển qua các công nghệ xanh và thích ứng với tác
động không thể tránh của hiện tượng thay đổi khí hậu. Các nước đang phát
triển và các nhóm hoạt động, ngược lại, tố cáo các món tiền nhỏ bé trơ trẻn,
đáng hổ thẹn của các đại cường giàu có. Theo họ, ngay cả Ngân Hàng Thế Giới,
một định chế do các cường quốc kỹ nghệ khống chế, cũng đã ước tính các quốc
gia đang phát triển phải cần tới 75 đến 100 tỉ mỗi năm để đối phó với thay
đổi khí hậu. Lumumba Stanislaus Di-Aping, nhà ngoại giao Sudan, chủ tịch
nhóm G- 77 gồm các quốc gia đang phát triển, đã than thở: số tiền nhỏ nhoi
10 tỉ "không đủ mua hòm chôn chúng tôi"[4]. NGƯỜI MỸ VÀ
HIỆN TƯỢNG THAY ĐỔI KHÍ HẬU
Trước ngày
bế mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh, mọi phái đoàn đều hướng về T T Obama - rõ ràng
còn được cảm tình của thế giới - với hy vọng. Mọi người đều hiểu Obama đang
phải đối mặt với sự chống đối của Quốc Hội Hoa Kỳ. Cuối cùng, Obama cũng
chẳng đưa ra một đề nghị quan trọng và công bằng mang tính ràng buộc ở
Copenhagen. Cố nhiên,
phong trào chống đối hùng hậu và đã trưởng thành của quần chúng sẽ không
chấp nhận "No, WE CAN'T" như câu trả lời. Phản ứng toàn cầu chắc chắn
sẽ nhanh chóng, mạnh mẽ, và dài lâu. Trước khi
Barack Obama đến dự hội nghị thượng đỉnh ở Copenhagen, công luận ở Hoa Kỳ đã
có nhiều dấu hiệu không mấy thuận lợi. Kết quả
thăm dò công luận gần đây của Washington Post/ABC đã tiết lộ: tỉ số người Mỹ
tin - hiện tượng hâm nóng toàn cầu đang thực sự xẩy ra - đã sụt giảm tám
điểm trong năm qua. Kết quả thăm dò Pew, vừa công bố trong tháng 10-2009,
còn đáng lo ngại hơn: 57% (so với 71% trước đây) tin có bằng chứng thay đổi
khí hậu, và chỉ 36% (so với 47%) nghĩ sinh hoạt của con người là nguyên
nhân. Số người tin - đây là một vấn đề rất nghiêm trọng - sụt xuống còn 35%. Tuy nhiên,
điều đáng lạc quan là đa số dân chúng đang ủng hộ luật giới hạn mức khí thải
và mậu dịch (cap and trade legislation). Câu hỏi được đặt ra là trong khi
Quốc Hội cuối cùng cũng đã bắt đầu lưu ý vấn đề, và thế giới, hơn bao giờ
hết, đã sẵn sàng tranh đấu tìm giải pháp cho hiện tượng hâm nóng toàn cầu,
người Mỹ hình như vẫn còn giữ thái độ chối bỏ. Có nhiều
nguyên nhân: thời tiết trong mấy năm vừa qua tương đối ôn hòa; khủng hoảng
kinh tế đã đẩy các vấn đề không cấp thiết xuống mức ít được quan tâm. Tuy
nhiên, phần lớn những người không tin ở bằng chứng khoa học của hiện tượng
thay đổi khí hậu cũng chỉ vì lý do chính trị đảng phái: đối với một số khá
đông người Mỹ bảo thủ trong kỷ nguyên mới hiện nay, nếu Barack Obama nói đến
thay đổi khí hậu, họ sẽ lập tức nói ngược lại. Nói chung,
nhiều người đang quan tâm cách đề cập vấn đề của các nhà lập pháp đảng Dân
Chủ và các nhà hoạt động cấp tiến: hình như không ai nói đến tính tai họa
của hiện tượng thay đổi khí hậu. T T Obama, khi đề cập luật mức trần khí
thải và mậu dịch đã được Hạ Viện thông qua (chính thức mang tên: American
Clean Energy and Security Act - tránh nhắc đến từ 'khí hậu'), đã nói:
"Đồng bào chớ lầm lẫn - đây là luật về việc làm"[5].
Ed Markey, đồng bảo trợ dự luật, còn nói rõ thêm: "đây là luật tạo công
ăn việc làm. Luật sẽ tạo hàng triệu công việc mới dùng năng lượng sạch với
động lực thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường năng lượng"[6].
Nhiều người khác cũng đã nói tương tự. Chẳng hạn, một hảng quảng cáo đã phổ
biến: "Nước Mỹ phải chấm dứt khủng hoảng kinh tế và lệ thuộc vào dầu nước
ngoài". Bằng cách nào? "một đạo luật tạo việc làm sử dụng năng lượng
sạch". Thực vậy,
một đạo luật như thế sẽ đem lại động lực thúc đẩy canh tân kinh tế theo
chiều hướng tạo thêm công ăn việc làm. Với thời gian, nếu được tiếp tục, các
chính sách quân sự và ngoại giao Hoa Kỳ có thể sẽ thoát khỏi lệ thuộc dầu
khí nước ngoài. Nhưng đây không phải là lý do chính của đạo luật. Mục tiêu
chính là chận đứng hiện tượng hâm nóng hành tinh. Sở dĩ chính
quyền Obama chưa thể trực tiếp nói rõ, lý do là nhiều cuộc thăm dò dư luận
gần đây cho thấy quần chúng chưa mấy quan tâm hiện tượng thay đổi khí hậu.
Người Mỹ đang quan tâm đến việc làm thay vì lượng khí thải (carbon dioxide)
trong không khí. Vì vậy, tỉ số người ủng hộ lập trường - chính con người là
nguyên nhân gây ra hiện tượng hâm nóng toàn cầu - đã suy giảm rõ rệt trong
khi hậu thuẫn cho giải pháp vẫn không suy giảm, mặc dù đa số chưa hiểu rõ
giải pháp đó là gì. Tuy nhiên,
một khi luật cải cách y tế đã đi vào dĩ vãng, sự giận dữ của phe hữu chắc
chắn sẽ chuyển hướng qua luật mức trần khí thải và mậu dịch. hậu thuẫn dành
cho giải pháp thay đổi khí hậu, do đó, rất có thể sẽ bị suy giảm. Phe Cộng
Hòa sẽ lập luận, có nhiều phương cách để đem lại việc làm và giảm bớt sự lệ
thuộc vào dầu lửa nước ngoài. Luận cứ của phe Dân Chủ lúc đó ắt phải là:
luật mức trần khí thải và mậu dịch không những giúp đem lại nhiều công ăn
việc làm, mà còn giúp giải quyết tai họa thay đổi khí hậu. Nhưng trừ phi lập
luận của phe Dân Chủ cùng lúc căn cứ trên tác động tạo công ăn việc làm và
ngăn chặn hiện tượng hâm nóng toàn cầu, phe dân chủ sẽ khó lòng thắng cuộc.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Robert Gibbs, trong một lần họp báo, đã nói:
"Thay đổi khí hậu đang xẩy ra. Thật tình, tôi không nghĩ đó là điều nhiều
người còn nghi ngờ"[7]. Trong mọi
trường hợp, người Mỹ khó thể thành công trong nổ lực ngăn ngừa hiện tượng
hâm nóng toàn cầu mà không nhắc đến cụm từ "thay đổi khí hậu". Vì
vậy, bắt đầu với Copenhagen, liên minh rộng lớn giữa các quốc gia, quyết
tâm không gây tai họa cho đồng loại trên thế giới, cần nhanh chóng đặt hiện
tượng thay đổi khí hậu trở lại vị trí trung tâm trong các cuộc thương nghị
nay mai. NHÓM G-77
VÀ THAY ĐỔI KHÍ HẬU
Vào ngày
thứ chín của Hội Nghị Copenhagen, Phi châu đã bị hy sinh. Lập trường của
Nhóm G-77 , kể cả các quốc gia Phi châu, đã rõ ràng: 2 độ C gia tăng trong
nhiệt độ trung bình toàn cầu tương đương với từ 3-3,5 độ gia tăng ở Phi
châu. Theo
Liên Minh Công Bằng Khí Hậu Xuyên Phi Châu[8],
điều nầy có nghĩa "thêm 55 triệu người có thể bị đói và nạn thiếu nước có
thể ảnh hưởng đến 350 đến 600 triệu người khác"[9].
Tổng Giám Mục Desmond Tutu đã phát biểu: "Chúng tôi đang đối diện với
thảm họa đang chờ đợi trên một tầm mức lớn lao ... Một mục tiêu toàn cầu
giới hạn mức gia tăng ở khoảng 2 độ C sẽ đặt Phi châu vào lò thiêu và không
thể có được tăng trưởng hiện đại"[10].
Tuy nhiên,
đó chính là điều Thủ Tướng Ethiopia, Meles Zenawi, đã đề nghị khi dừng chân
ở Paris trên đường đến Copenhagen. Đứng cạnh T T Nicolas Sarkozy, và trong
tư cách đại diện cho toàn Phi châu (Zenawi cầm đầu nhóm thương thảo về khí
hậu của Phi Châu), ông đã tiết lộ kế hoạch - giới hạn mức gia tăng ở 2 độ C
đáng ghê sợ nói trên và số trợ cấp cho các nước đang phát triển 10 tỉ mỗi
năm, để giúp trang trải mọi thứ liên hệ đến khí hậu, từ xây đê ven biển,
đến trị sốt rét, cho đến chống phá rừng. Ba tháng
trước đó, cũng chính Zenawi đã nói: "Chúng tôi sẽ dùng số dân đông đảo
để phủ nhận tính chính đáng của bất cứ thỏa ước nào không phù hợp với lập
trường tối thiểu của chúng tôi... Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng rời bỏ bất cứ
cuộc thương nghị nào đe dọa thêm một lần hãm hiếp lục địa của chúng tôi. ..
Điều chúng tôi không sẵn sàng sống chung là hiện tượng hâm nóng toàn cầu
trên mức tối thiểu có thể tránh được. Và chúng tôi sẽ tham dự các cuộc
thương thảo sắp tới, không như những kẻ cầu xin biện hộ cho trường hợp của
chúng tôi, mà như những nhà thương thuyết bảo vệ quan điểm và quyền lợi của
chính chúng tôi"[11]. Người ta
chưa rõ Zenawi đã nhận được gì để thay đổi thái độ hay bằng cách nào Zenawi
đã thay đổi lập trường từ 400 tỉ tài trợ mỗi năm (lập trường Nhóm Phi
Châu) xuống còn 10 tỉ. Cũng không ai biết điều gì đã xẩy ra sau khi
ngoại trưởng Hillary Clinton hội kiến với Gloria Arroyo, tổng thống Phi Luật
Tân, chỉ ít tuần trước Hội Nghị Thượng Đỉnh, khi các nhà thương thuyết cứng
rắn Phi Luật Tân đột nhiên thay đổi lập trường: Thay vì đòi hỏi các nước
giàu cắt giảm khí thải sâu xa, họ lại xếp hàng đi theo các đại cường. Tuy nhiên,
đã có khá nhiều người đã biết, sau khi chứng kiến những sự trở mặt đáng buồn
vừa nói, nhóm G-8 đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt cho kỳ được một thỏa
ước ở Copenhagen. Tình trạng khẩn trương rõ ràng không do nhiệt tình ước
muốn tránh hiện tượng thay đổi khí hậu đầy tai họa, vì các nhà thương
thuyết của các xứ giàu hiểu rất rõ những đề nghị cắt giảm khí thải nhỏ nhoi
của họ, theo lời Bill McKibben, là một bảo đảm nhiệt độ toàn cầu sẽ gia
tăng 3,9 độ C. Theo
Matthew Stilwell, thuộc Viện Quản Lý và Phát Triển Bền Vững (Institute
for Governance and Sustainable Development), một trong những cố vấn uy
tín trong các cuộc hội đàm, các cuộc thương nghị thực sự chẳng phải để tránh
hiện tượng thay đổi khí hậu, mà là trận chiến giành giựt một tài nguyên quý
hiếm: quyền sử dụng bầu trời. Chỉ một số carbon hạn chế có thể thải
vào không khí. Nếu các nước giàu không muốn tự họ cắt giảm phần lớn khí
thải, lúc đó họ phải chiếm đoạt phần, vốn đã ít ỏi, của các xứ nghèo nàn ở
Nam Bán Cầu. Stilwell lập luận, điều giành giựt không gì khác hơn là
"tầm quan trọng của sự chia sẻ bầu trời"[12].
Stilwell
nói, Âu châu hiểu rất rõ số tiền có thể kiếm được từ việc mua bán carbon,
bởi lẽ Âu châu đã sử dụng cơ chế nầy trong nhiều năm qua. Ngược lại, các
nước đang phát triển chưa hề làm quen với cơ chế giới hạn lượng carbon , vì
vậy, nhiều chính quyền chưa thực sự hiểu rõ những gì họ đang đánh mất. So
sánh giá trị của thị trường carbon - theo kinh tế gia người Anh, Nicholas
Stern, 1.200 tỉ mỗi năm - với con số nhỏ nhoi 10 tỉ các nước giàu hứa hẹn
tài trợ mỗi năm cho các xứ nghèo, Stilwell nói, các nước giàu đang tìm cách
lấy "chuổi hột và chăn mền đổi lấy khu Manhattan[13]".
Ông nói thêm: "Đây là thời đại của chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, họ phải
làm mọi cách để nguyên thủ các quốc gia ký vào thỏa ước loại nầy... Sau đó,
không còn đường thối lui. Quý vị đã cắt xẻ tài nguyên không ai làm chủ cuối
cùng còn lại và phân phối cho các nước giàu"[14].Trong nhiều
tháng qua, NGOs (các tổ chức phi chính phủ) đã đứng sau thông điệp: mục tiêu
ở Copenhagen là ký thỏa ước. Khắp Trung Tâm Bella, không khí thật sự hối hả.
Nhưng mọi giao dịch thỏa thuận đều không đủ tốt, nhất là vì giao dịch duy
nhất được đưa ra sẽ không giải quyết khủng hoảng khí hậu và có thể tệ hại
hơn nhiều, vì sẽ gói ghém và kéo dài vô hạn định những bất bình đẳng hiện
hữu giữa các quốc gia giàu có phương Bắc và các quốc gia nghèo khó phương
Nam. Augustine Njamnshi, thuộc Liên Minh Công Bằng Khí Hậu Xuyên Phi Châu,
đã chỉ trích gay gắt "đề nghị 2 độ C" như sau: "Quý vị không thể
nói quý vị đang đề nghị giải pháp cho hiện tượng thay đổi khí hậu nếu giải
pháp của quý vị sẽ đưa đến hàng triệu dân Phi Châu phải thiệt mạng và nếu
chỉ người nghèo, thay vì các xứ gây ô nhiễm, tiếp tục gánh chịu mọi tổn hại
do thay đổi khí hậu"[15]. Stilwell
nói, một thỏa ước sai lầm "sẽ khóa chặt cách tiếp cận sai lầm mãi cho đến
năm 2020"[16]
- sau ngày khí thải đã đạt mức đỉnh điểm. Nhưng Stilwell nhấn mạnh, vẫn
chưa quá muộn để tránh tình huống tệ hại nầy. "Tôi thà đợi sáu tháng hay
một năm để có một thỏa ước đứng đắn, bởi lẽ khoa học liên tục tiến bộ, ý chí
chính trị sẽ ngày một gia tăng, tri thức của xã hội dân sự và các cộng đồng
bị ảnh hưởng ngày một sâu rộng, và họ sẽ sẵn sàng buộc các nhà lãnh đạo phải
tranh thủ một thỏa ước đứng đắn"[17]. Lúc khởi
đầu những cuộc thương nghị, ý tưởng trì hoản, tự nó, đã là một
"tà đạo về môi trường"[18].
Nhưng ngày nay nhiều người đã thấy rõ giá trị của quá trình "thà chậm mà
đúng". Nhưng quan trọng hơn nữa, sau khi mô tả đề nghị 2 độ C sẽ có ý
nghĩa như thế nào với Phi Châu, Tổng Giám Mục Tutu đã tuyên bố:
"thà không có thỏa ước còn hơn một thỏa ước xấu"[19].
Có lẽ đó là hy vọng tốt nhất ở Copenhagen. Nó có thể là một tai họa chính
trị đối với vài nguyên thủ quốc gia - nhưng cũng có thể là cơ may chót để
tránh tai họa thực sự cho tất cả thế giới. THỰC TẠI
CHÍNH TRỊ vs THỰC TẠI VẬT LÝ
Phần lớn
các luận cứ chính trị không bao giờ hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai: bảo
hiểm y tế và thuế vụ, chiến tranh và hòa bình. Tranh luận chính trị, dù hùng
hồn hay hăng say đến mấy, cũng chỉ liên hệ sở thích của con người. Vì vậy,
nghệ thuật làm chính trị là phải biết thỏa hiệp. Giải pháp cho mọi vấn đề
chính trị, dù sớm dù muộn, thường đưa đến một hình thức dung hòa nào đó -
give and take hay compromise. Cũng chính
vì vậy, chuẩn mực của sinh hoạt chính trị, nhất là ở Hoa Kỳ, là từng bước
tiến nhỏ, và khó lòng đốt giai đoạn. Cải tổ hệ thống y tế là một ví dụ.
Trước sự chống đối cuồng nhiệt của kỹ nghệ bảo hiểm và kỹ nghệ dược phẩm, "mô
hình một người trả" - "a single payer model", giống như nhiều nước ở Âu
châu hay Gia Nã Đại, rất khó được người Mỹ chấp nhận hiện nay. Vì lý do đó,
ít ứng viên tổng thống muốn đem vào nghị trình tranh cử, và những ứng viên
chọn mô hình nầy, cho đến nay, đều khó thành công. Đường lối
tiệm tiến (incrementalism) thường gây bức xúc, đôi khi tai họa. Tuy nhiên,
trong nhiều trường hợp, chính trị tiệm tiến cũng có thể đem lại ổn định và
chuẩn bị hay làm dễ dàng cho những bước kế tiếp. Nhưng thay
đổi khí hậu không phải vấn đề chính trị. Hiện tượng khí thải nhà kính là một
vấn đề vật lý. Đối thủ không phải Đảng Cộng Hòa, Đảng Dân Chủ, hay Đảng Xã
Hội, khiếm hụt ngân sách, tài chánh thuế vụ, hay kỳ thị giới tính, chủng tộc
... những đối thủ có thể thay đổi qua thời gian. Đối thủ ở đây là định luật
vật lý. Định luật
vật lý đã đặt một mức sàn bất di bất dịch cho sự sống trên hành tinh. Hơn
hai năm nay, chúng ta đã biết được mức sàn đó là gì. Các chuyên gia NASA, do
James Hansen cầm đầu, là nhóm cho thông tin đầu tiên. Bất cứ lượng carbon
dioxide (CO2) nào trong không khí lớn hơn 350 parts per million đều không
thích hợp với sự sống quen thuộc trên địa cầu. Mức trần nầy sẽ không thay
đổi: trên 350 ppm, không sớm thì muộn, các băng tuyết ở Bắc cực và Nam cực
sẽ tan dần, mực nước biển sẽ dâng cao, chu kỳ mưa nắng sẽ rối loạn, v.v... Định luật
vật lý không những áp đặt một mức trần, vật lý còn áp đặt một giới hạn thời
gian. Nếu không quan tâm tìm giải pháp, vấn đề sẽ mỗi năm một tồi tệ, và đến
một thời điểm nào đó, vấn đề không còn có thể giải quyết - vì băng tuyết ở
hai cực địa cầu sẽ hóa lỏng, sẽ làm gia tăng lượng methane trong khí quyển,
và con người không bao giờ có thể vãn hồi bầu không khí an toàn. Lúc đó, dù
Quốc Hội Mỹ và Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đạt được đồng
thuận cấm sử dụng mọi loại xe và đóng cửa các nhà máy năng lượng, thì cũng
đã quá muộn màng. Lượng CO2
trong không khí hiện nay đã lên tới 390 ppm, trong khi lượng methane trong
khí quyển cũng đang tăng nhanh. Điều nầy có nghĩa chúng ta không còn có thể
ngăn ngừa hiện tượng hâm nóng toàn cầu, mà may lắm, cũng chỉ hy vọng ngăn
ngừa sự lan tràn đến tầm cỡ có thể chấm dứt mọi văn minh trên hành tinh. Sau khi đến
Copenhagen, T T Barack Obama đã xử lý hiện tượng hâm nóng toàn cầu như một
vấn đề chính trị thông thường: hứa sẽ cắt giảm 17% khí thải nhà kính so với
mức năm 2005 vào năm 2020. Đề nghị nầy tương đương với 4% cắt giảm từ mức
năm 1990, năm dùng làm chuẩn để so sánh đo lường, trong khi các nhà khoa học
đã tính toán: các quốc gia kỹ nghệ hóa tiền tiến cần cắt giảm 40% mức khí
thải mới có hy vọng vãn hồi môi trường khả sinh. Tuy vậy,
ngay cả mức cắt giảm 17% cũng có thể là một con số quá cao đối với Thượng
Viện Mỹ. Thực vậy, Nghị Sĩ Jim West (Dân Chủ, đại diện cho kỹ nghệ than
đá) đã viết thư cho T T Obama trong tháng 12-2009:"Tôi muốn tổng
thống biết, tôi rất quan ngại, theo tường thuật báo chí, Chính Quyền của
Ngài có thể tin đủ thẩm quyền đơn phương cam kết thay cho Hoa Kỳ một mức cắt
giảm khí thải nhất định có thể thỏa thuận ở Copenhagen... Cụm từ 'ràng buộc
chính trị' đã được sử dụng. Như Ngài đã biết rõ ngay từ thời Ngài còn ở
Thượng Viện, chỉ một đạo luật đặc biệt do Quốc Hội chấp thuận, hay một hiệp
ước do Thượng Viện phê chuẩn, mới thực sự có thể tạo ra một cam kết như thế
thay cho Hoa Kỳ"[20]. Trong mọi
trường hợp, Thượng Viện đã quyết định sẽ không thảo luận luật thay đổi khí
hậu cho đến "mùa xuân", sau khi đã hoàn tất luật y tế, và có thể luật
cải cách quyền lợi xã hội (entitlement), và có lẽ ngay cả luật giám sát tài
chánh. Và lúc đó đã quá gần ngày bầu cử giữa kỳ! Trong lúc
đó, TQ có vẻ đã sẵn sàng đưa ra đề nghị cắt giam 40% 'cường độ năng
lượng' (energy intensity) trong nền kinh tế vào 2020. Nói một cách khác,
họ cho rằng: họ chỉ cần dùng một số năng lượng, 40% ít hơn vào năm 2020, để
sản xuất một sản phẩm hay dịch vụ trị giá một nhân dân tệ. Điều nầy, cố
nhiên, tốt hơn là chẳng làm gì hết, nhưng cũng chỉ tương đương với những gì,
theo các chuyên viên, sẽ đương nhiên xẩy ra vì lúc đó kinh tế TQ đã được
công nghệ hóa cao độ và có năng suất cao hơn. Như vậy, 40% ít hơn cũng chỉ
có nghĩa một thay đổi rất nhỏ trong phương cách làm ăn bình thường
(business as usual) của TQ. Cùng lúc,
Ấn Độ xuýt nữa đã truất phế bộ trưởng môi trường của họ chỉ vì báo chí quả
quyết ông đã vi phạm quyền lợi quốc gia khi tham dự đàm phán nghiêm túc về
thay đổi khí hậu. Trong lúc
đó, ở Úc Đại Lợi, lãnh đạo phe đối lập tháng trước cũng đã bị truất phế
chỉ vì đã tỏ ý thỏa hiệp với Chương Trình Mua Bán Khí Thãi, vốn đã được thỏa
hiệp trước đó (compromised Emissions Trading Scheme) và lẽ ra đã quy
định mức trần khí thãi - có nghĩa: sẽ chẳng có thỏa hiệp nào. Theo phân
tích mới được phổ biến gần đây của hiệp hội các định chế nghiên cứu
(think-tanks) Âu châu, tất cả các đề án khác nhau được đưa ra thương nghị
cũng chỉ dẫn đến một thế giới với bầu khí quyển có lượng khí thải 650 ppm
và nhiệt độ gia tăng 5 độ Fahrenheit. Tóm lại,
như lời của Bill McKibben, ngay cả những chính khách lỗi lạc cũng đang xử lý
vấn đề thay đổi khí hậu như một vấn đề chính trị thông thường: tìm một giải
pháp trung dung để đạt đồng thuận giữa các quốc gia có quyền lợi đối nghịch,
và có thể giúp giảm bớt áp lực chính trị trong vài năm, sau đó các người kế
nhiệm sẽ lại phải tìm cách giải quyết. T T Obama
cũng đã hành động tương tự, xử lý vấn đề thay đổi khí hậu như hiện đang xử
lý chương trình bảo hiểm y tế. Thật không may, đối thủ ở đây không chút
khoan nhượng. Thái độ chính trị thực tiển, cầu hòa, không có chỗ đứng trong
thế giới vật lý. Giải pháp ở đây đòi hỏi phải dốc toàn lực, phải cải hoán cơ
sở kỹ nghệ của từng nước, phải dành ưu tiên , phải hy sinh. Trước cảnh
báo của phong trào 350.org, của nhóm G-77, của Mohamed Nasheed,
tổng thống Maldives - một quốc gia hơn nghìn hải đảo trong Ấn Độ Dương không
mấy cao hơn mực nước biển, nguyên thủ các quốc gia chỉ có thể đặt bút
ký vào một văn kiện tượng trưng, mang tính chính trị, ở Đan Mạch. Mặc dù T T
Obama và nguyên thủ các quốc gia Âu châu có thể đã gọi đây là một bước đột
phá (breakthrough) ngoạn mục, nhân loại vẫn phải tiếp tục thương nghị trong
nhiều năm tới. Trong lúc chờ đợi, kim đồng hồ vật lý vẫn lạnh lùng làm việc,
băng tuyết ở Nam, Bắc Cực vẫn tiếp tục tan lỏng, hạn hán vẫn lan tràn... Hiện tượng
thay đổi khí hậu: thực tại vật lý hay thực tại chính trị? Đó mới thực sự
là vấn đề !
© GS
Nguyễn Trường
Irvine, CA, USA 16-01-2010
|