Tại Trung Quốc, những vụ bạo động phản đối nạn ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn

Vietsciences- Mai Vân                08/09/2009    

 

 

Nông dân biểu tình ở Quảng Đông

Nông dân biểu tình ở Quảng Đông
 

Hiện tượng những vụ bạo động, gọi là ''bạo động xanh'' ngày càng gia tăng ở Trung Quốc đã thu hút sư chú ý của nhật báo Pháp Le Figaro. Uất ức trước hậu quả nạn ô nhiễm do ngành công nghiệp gây ra mà họ phải hứng chịu, người dân đã rầm rộ xuống đường phản đối
 
Le Figaro nhắc lại vụ việc gần đây nhất, xẩy ra ở Phúc Kiến. Hàng ngàn người đã xuống đường tố cáo nạn ô nhiễm do một nhà máy thuộc da và một nhà máy lọc dầu gây ra, đầu độc nguồn nước, gây ung thư bao tử và thực quản.

Những cuộc biểu tình lúc đầu ôn hoà, đã mau chóng chuyển thành bạo động. Trước thái độ phớt lờ của chính quyền địa phương, người biểu tình bực tức đã bắt một số viên chức làm con tin. Công an ra tay đàn áp, gây nên xung đột khiến hàng chục người bị thương.

Theo tác giả  bài báo người dân tại đây còn phản đối việc các hãng công nghiệp trữ chất thải độc hại ở những bể cạn, nơi lộ thiên, tác hại đến đời sống kinh tế, đến việc nuôi sò của họ. Phải nói là lòng uất ức lên rất cao, đến nỗi mà các phụ nữ cao niên, gọi là ''những bà nội bà ngoại can đảm'' đã thay phiên canh gác trước các đống phế thải này để chính quyền địa phương không phi tang bằng chứng.

Tại sao các bà già lại ra tay ? Lý do đơn giản : họ giải thích là không muốn cho giới trẻ, con cái của họ, bị nhiễm độc.

Phản đối thì bị buộc tội là Pháp Luân Công !

Không chỉ ở Phúc Kiến. Theo le Figaro, mạng internet Trung Quốc đang xôn xao trước 3 vụ khác ở Hồ Nam, Thiểm Tây và Vân Nam, hơn 2.000 trẻ em sống gần các xí nghiệp luyện thép bị nhiễm độc chì. Cha mẹ xuống đường phản đối như ở Hồ Nam, thì bị công an bắt giữ, gán ghép cho họ tội là thành viên Pháp Luân Công.

Trước các phong trào phản đối mạnh mẽ, tác giả bài báo cũng ghi nhận việc chính quyền điạ phương đã cẩn thận cho đóng cửa các nhà máy bị tố cáo ở 3 vùng này, bắt giữ các chủ nhân và hứa điều tra.

Hiện nay, theo le Figaro, nạn ô nhiễm đã trở thành một vấn đề lớn trên bình diện kinh tế cũng như y tế, xã hội,  những ngôi 'làng ung thư'', từ ngữ của chính người Trung Quốc, gia tăng khắp nơi, và đang trở thành một vấn đề an ninh. Vì đó là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bạo động xã hội, cùng với nạn tham nhũng và lạm quyền.

Le Figaro cũng nhìn thấy là chính quyền Trung Quốc bắt đầu ý thức vấn đề và tìm cách đối phó : Nhiều cơ sở công nghiệp mới đã phải tuân theo những quy định, chuẩn mực về môi sinh. Tuy nhiên, theo tờ báo, cái giá phải trả cho thiệt hại gây nên trong hàng thập niên qua hiện vẫn còn rất nặng nề. Mặt khác thái độ thụ động hay nạn tham nhũng ở các địa phương cũng vô hiệu hoá  nỗ lực của chính quyền Trung ương.

Nhật Bản giảm 25% khí thải : mục tiêu khó hoàn thành ?

Ngoài Trung Quốc, quốc gia châu Á thứ hai nổi bật trên các trang báo  hôm nay là Nhật Bản. Trong bối cảnh hoạt động con người, bị nêu lên như là nguyên nhân chính gây nên xáo trộn khí hậu, tưạ bài báo của le Figaro, gây băng tan ở các cực điạ cầu, thông báo của Nhật giảm 25% khí thải rất được chú ý.

Dưới tựa đề mục tiêu đầy cao vọng, báo kinh tế Les Echos nêu lại bảng xếp hạng năm 2006 của những nước thải khí gây hiệu ứng lồng kính nhiều nhất : Đứng đầu là Trung Quốc, với hơn 6 tỷ tấn Co2 thải ra, kế đến là Hoa Kỳ (gần 6 tỷ), cao gấp 5 lần khí thải của nước đứng hàng thứ 3 là Nga, kế đến là Ấn Độ.

Nhật Bản đứng hàng thứ 5, với hơn 1,2 tỷ, trước Đức và Canada. Tỷ lệ giảm khí của Nhật đưa ra vừa qua cao nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên tờ báo cũng thận trọng trước sự chống đối của giới chủ nhân có thể khiến mục tiêu khó đạt được.

Tán thưởng quyết định của ông Hatoyama, Libération nhìn thấy quả là có sự cắt đứt với đường lối trước đây. Tuy dẫn đầu trong ngành công nghệ xanh, nhưng Nhật Bản cho đến nay lại tỏ ra rất miễn cưỡng trong việc giảm khí thải. Bây giờ thì rõ ràng cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới muốn thoát ra vai trò trì trệ trước đây, để đi tiên phong, trong các nước phát triển, một thái độ ''can đảm'', như các tổ chức bảo vệ môi sinh đã khen ngợi.

Cũng như các đồng nghiệp, Liberation cũng nhìn thấy là Nhật Bản đang đứng trước một bài toán khó khăn, khi vừa phải duy trì vai trò một lãnh đạo kinh tế hàng đầu thế giới sau Hoa Kỳ, vừa phải chống hiện tượng hâm nóng khí hậu. Tờ báo nhắc lại phản ứng của giới chủ nhân Nhật Bản, tố cáo một chỉ  tiêu không thực tế, tác hại đến kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên Liberation cũng trích dẫn chuyên gia môi trường Nhật Bản, giáo sư Yoshi Murasawa, cho rằng Nhật Bản đang ở một khúc quanh. Nếu không đưa ra được những biện pháp tốt, sử dụng công nghệ học tiên tiến của mình trong công cuộc chống thay đổi khí hậu, đầu tư vào kinh tế xanh, thì Nhật Bản sẽ không cưú vãn được nền kinh tế của mình đang ngày càng suy sụp. Theo ông Murasawa, Tokyo phải đầu tư thật nhiều vào năng lượng mặt trời chẳng hạn.

Tuy nhiên trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay và nợ nhà nước rất cao thì sự chuyển mình theo Liberation, sẽ khá khó khăn.

Pháp : chống cúm A nhưng phải tôn trọng quyền tự do

Trên mặt y tế, cúm A/H1N1 đã trở lại trên trang đầu báo Pháp, với Le Figaro chú ý đến cuộc tranh cãi hiện nay chung quanh số người bị nhiễm cúm mỗi tuần ở Pháp. Theo GROG, một mạng lưới giám sát bệnh cúm thì mỗi tuần có thêm 20.000 ca nhiễm bệnh, một con số mà Viện Theo dõi Vệ sinh Y tế INVS không xác nhận. Vào cuối tháng 8, viện này đưa ra con số 5.000 ca mới mỗi tuần mà thôi. Tờ báo chờ đợi số liệu mới mà viện này sẽ công bố vào ngày mai.

Ở trang trong, tờ Le Monde theo dõi khâu tổ chức lao động ở các cơ sở, công ty, sao cho duy trì được hoạt động  trong trường hợp cúm bùng phát. Theo bài báo, chỉ nhìn qua các chỉ thị đưa ra từ đầu tháng 7, thì bộ phận đặc trách nhân sự các nơi chưa có dịch mà đã cảm thấy ớn lạnh. Lập danh sách, tìm người thay thế ra sao, nhất là phải làm sao thay thế những nhân viên được cho là tối cần thiết.

Biện pháp đầu tiên dĩ nhiên là bắt những người còn khoẻ mạnh cáng đáng thêm công việc, làm thêm rất nhiều giờ phụ trội. Biện pháp này mang tính chất cưỡng ép. Theo Le Monde, ai từ chối bị sẽ xem là phạm lỗi nghề nghiệp và có thể bị sa thải.

Trong tình hình những biện pháp đưa ra để chóng cúm A rất gò bó, tờ Libération dành tựa trang nhất để phản đối : ''Cúm A, những mối đe doạ trên các quyền tự do''. Theo Libération, nhiều giáo sư, bác sĩ, tổ chức bảo vệ nhân quyền, công đoàn thẩm phán, đang lên tiếng kêu gọi phải tôn trọng nhưng quy tắc dân chủ trong việc đối phó với cúm A.

Tờ báo cho là đã nhận được những thông tin đáng ngại : ngành tư pháp chuẩn bị những biện pháp đặc biệt trong các nhà tù như kéo dài thời gian tạm giam hay tổ chức các phiên xét xử  kín v.v. Libération còn phản đối việc bắt buộc nhân viên chích ngừa như một số ngân hàng dự kiến.

Tóm lại theo tờ báo, không thể giới hạn các quyền tự do con người để phòng chống một bệnh dịch mà mức độ nguy hiểm chưa rõ ràng.

Cải tổ y tế Pháp Mỹ : hai nỗi lo nghịch hướng

''Ngành Y tế Pháp Mỹ đều bị đưa vào phòng cấp cứu''. Dưới tựa đề đầy hình tượng trên trang nhất, nhật báo Pháp La Croix đã nhấn mạnh trên các biện pháp cải tổ ngành y tế mà hai chính phủ Pháp và Mỹ đang tìm cách thúc đẩy. Tại Pháp, chính phủ dự trù gia tăng đáng kể chi phí nằm bệnh viện mà người dân phải đóng, trong lúc tại Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama sắp phải đứng ra bảo vệ kế hoạch cải cách y tế đầy cao vọng của ông.

Trong bài xã luận, La Croix cho rằng hai sự kiện đồng thời kể trên phản ánh mối quan tâm hiện nay của cả dân chúng lẫn giới lãnh đạo đến hệ thống y tế của nước mình, nhưng thể hiện hai hướng ưu tư khách nhau.

Tại Mỹ, những ngườI chống lại kế hoạch cải tổ của ông Obama thì lo ngại là ngành bảo hiểm y tế Hoa Kỳ chuyển biến theo kiểu Pháp, hàm nghĩa là ''theo kiểu xã hội chủ nghĩa'', tập trung trong tay nhà nước và kém hiệu năng. Người Pháp, ngược lại thì lo sợ là hệ thống của mình lạc hướng đi theo kiểu Mỹ, với nguy cơ nhiều người dân không còn được hưởng bảo hiểm xã hội của nhà nước và phải dựa vào ngành bảo hiểm tư nhân.

Theo La Croix, chi phí y tế ngày càng nhiều hơn do đà gia tăng dân số, kèm theo hiện tượng lão hoá. Bên cạnh đó các tiến bộ trong ngành y khoa, càng lúc càng dùng nhiều công nghệ học tiên tiến, cũng làm ngành y tế thêm tốn kém.

Tác động đồng thời của các yếu tố vừa kể đã khiến cho phần đóng góp vào quỹ bảo hiểm y tế không còn đủ để chi phí, khiến cho quỹ này càng lúc càng bị thâm thủng. Khủng hoảng kinh tế hiện nay đã làm các khó khăn nghiêm trọng thêm.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    H