TT - Con số này được các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường
và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đưa ra tại buổi họp kỹ thuật với đại diện
của Tổng cục Môi trường, cơ quan chức năng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng
Tàu, TP.HCM và Công ty Vedan sáng 7-12.
Con số được dựa trên cơ sở các mô hình tính toán và chọn
thời điểm nghiên cứu là trọn tháng 2-2008 với từng kịch bản xả thải khác
nhau.
Để có con số này, Viện Môi trường và tài nguyên (MT-TN) đã
xác định các nguồn thải chính và căn cứ trên số liệu quan trắc qua các năm,
quy mô xả thải của Vedan để đưa ra mô hình mô phỏng việc xả thải của Vedan
và các cơ sở công nghiệp dọc sông Thị Vải.
2.000ha ô nhiễm nặng, gần
700ha ô nhiễm nhẹ
Kết quả mô phỏng của Viện MT-TN
xác định khu vực ô nhiễm khiến hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản
bị ảnh hưởng nặng có diện tích gần 2.000ha thuộc địa bàn các xã Phước
An, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), Long Phước, Phước Thái (huyện Long
Thành) của tỉnh Đồng Nai cùng các xã Mỹ Xuân, Phước Hòa và thị trấn Phú
Mỹ của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng ô nhiễm gây ảnh hưởng nhẹ
đến nuôi trồng, đánh bắt thủy sản có diện tích gần 700ha thuộc các xã
Phước An, Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), Phước Hòa (huyện Tân
Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) và xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Trong
đó, diện tích bị ảnh hưởng của xã Thạnh An ước tính chỉ gần 84ha.
Xả 3.500-4.500m3 chất thải/ngày
Theo Viện MT-TN, tuy năm 1995 Vedan từng phải bồi thường
(với danh nghĩa “hỗ trợ”) cho người dân trong lưu vực 15 tỉ đồng nhưng thống
kê định kỳ hằng năm cho thấy từ khi có nhà máy của Vedan (năm 1993), tình
trạng ô nhiễm của sông Thị Vải vẫn có xu hướng tăng dần từ năm 1994 đến cuối
năm 2008.
Từ đầu năm 2009, sau khi Vedan bị cơ quan chức năng bắt quả
tang xả thải chưa qua xử lý ra môi trường thì tình trạng ô nhiễm của sông
Thị Vải mới dần có dấu hiệu cải thiện. Lần đo đạc vào tháng 11 mới đây cho
thấy nồng độ oxy hòa tan đã tăng đáng kể, chứng tỏ tiến độ phục hồi của con
sông này là khả quan.
Về nguồn thải gây ô nhiễm sông Thị Vải, theo Viện MT-TN, có
các nguồn ô nhiễm chính gồm chất thải từ các cơ sở công nghiệp, chất thải từ
hoạt động của các cảng dọc sông, nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản và nước
thải sinh hoạt của người dân. Trong đó nguồn thải gây ô nhiễm chủ yếu từ các
cơ sở công nghiệp, các nguồn khác chiếm tỉ lệ không đáng kể.
Để xác định lượng chất thải của Vedan gây ô nhiễm sông Thị
Vải, các nhà khoa học đã đưa ra các mô hình tính toán chọn thời điểm nghiên
cứu là trọn tháng 2-2008 với từng kịch bản khác nhau như chỉ có Vedan xả
thải hoặc chỉ có các khu công nghiệp với cơ sở khác và trường hợp cả Vedan
và các khu công nghiệp, cơ sở khác cùng xả thải.
Kết quả tính toán bằng các kịch bản xả thải cho thấy trong
tổng lượng thải từ sản xuất công nghiệp, phần “đóng góp” của Vedan lên tới
90%, thậm chí có kịch bản cho con số tương ứng lên đến 98%. Cụ thể, lượng
nước thải của công ty thông thường dao động khoảng 3.500-4.500m3/ngày.
Điều này cũng phù hợp với tính toán của cơ quan chức năng ở thời điểm Vedan
bị bắt quả tang xả nước thải chưa xử lý ra sông (tổng lượng thải trong một
tháng ở thời điểm đó là 105.600m3, tương đương 3.520m3/ngày).
Những ao tôm của người dân Đồng Nai bị ô nhiễm bởi sông Thị Vải phải
bỏ hoang - Ảnh: Hà Mi
Vedan chưa có ý kiến
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phụng - phó chủ tịch Hội Nông
dân TP.HCM - đề nghị các cơ quan chức năng sớm kết luận về các nội dung trên
để có cơ sở giải thích với người dân. Theo ông Phụng, vừa qua người dân của
TP.HCM kê khai thiệt hại do ô nhiễm sông Thị Vải không chỉ có xã Thạnh An mà
còn có cả thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa của huyện Cần Giờ. Ông Phụng
cũng cho rằng cần tính toán xem diện tích bị ảnh hưởng của xã Thạnh An chỉ
gần 84ha là hợp lý chưa vì đây là một xã đảo, tứ bề đều giáp nước.
Trong khi đó, đại diện Công ty Vedan cho rằng... chưa hiểu
về mô hình tính toán của Viện MT-TN về xác định phạm vi ảnh hưởng và đề nghị
“phải nói rõ phần gây ô nhiễm, thiệt hại thuộc trách nhiệm của Vedan là bao
nhiêu”. Vedan cũng đề nghị xem lại thời điểm chạy mô hình mô phỏng vì tháng
2-2008 là tháng không mưa, nước kiệt nên mức độ ô nhiễm cao hơn các tháng
khác.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết cuộc họp này thuần về
báo cáo kỹ thuật để tìm sự thống nhất về mặt phương pháp, số liệu đo đạc
trước khi tổ chức một cuộc họp để công bố kết quả đánh giá cuối cùng vào
ngày 11-12 tại Hà Nội. Cũng theo Tổng cục Môi trường, việc đánh giá này chỉ
nhằm xác định phạm vi gây ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải cũng
như mức độ trách nhiệm của Vedan, riêng thiệt hại về kinh tế của người dân
sẽ do các địa phương xác định cụ thể.
Chiều 7-12, phóng viên Tuổi Trẻ liên lạc qua điện
thoại với ông Yeh Sheau Yeh, giám đốc Văn phòng tổng giám đốc của Công ty
Vedan, để mong được nghe ý kiến của công ty này về kết quả đánh giá trên.
Tuy nhiên, ông Yeh Sheau Yeh cho biết chưa thể đưa ra ý kiến hoặc bình luận
gì.
Diễn biến “vụ Vedan”
- Ngày 8-9-2008, Cục Cảnh sát môi trường và đoàn kiểm
tra liên ngành phát hiện quả tang Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử
lý ra sông Thị Vải.
- Tháng 10-2008, thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường
ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với
Công ty Vedan với tổng số tiền 267,5 triệu đồng và buộc công ty này truy
nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỉ đồng. Đồng thời cấm Vedan xả nước
thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường và có trách nhiệm bồi
thường thiệt hại về kinh tế và môi trường theo quy định của pháp luật.
- Tiếp đó, người dân làm nghề nuôi trồng và đánh bắt
thủy sản trên lưu vực sông Thị Vải thuộc các tỉnh thành Đồng Nai, Bà Rịa
- Vũng Tàu và TP.HCM phát đơn kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại. Do
tòa án cho rằng chưa đủ căn cứ thụ lý nên người dân thông qua đại diện
là hội nông dân các địa phương để thương lượng, đòi Vedan bồi thường
thiệt hại. Tuy nhiên, việc thương lượng đến nay chưa có kết quả vì chưa
thống nhất được các tiêu chí như phạm vi bị ảnh hưởng, tỉ lệ gây thiệt
hại của Vedan, thiệt hại thực tế của người dân...